Toà Thánh kêu gọi can thiệp để tránh một cuộc khủng hoảng thực phẩm mới trên thế giới
GENÈVE - Đức Tổng Giám mục Silvano Tomasi, Quan sát viên thường trực của Toà Thánh cạnh tổ chức Liên Hiệp Quốc ở Genève, Thuỵ Sĩ, đã mạnh mẽ kêu gọi cộng đồng quốc tế can thiệp để tránh một cuộc khủng hoảng thực phẩm mới trên thế giới.
Đức Tổng Giám mục Tomasi đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong cuộc phỏng vấn dành cho chương trình Ý ngữ Đài Vatican hôm 14-8-2012.
Các thống kê hiện nay cho biết có 170 triệu trẻ em èo uột vì thiếu thực phẩm thích hợp. Có các nước đang bị đói chẳng hạn như Yemen, nơi có tới 10 triệu dân thiếu ăn và 260.000 trẻ em thiếu dinh dưỡng có nguy cơ bị chết. Thế rồi còn có các nước trong vùng Sahel, Somalia và Nam Sudan cũng bị nạn đói. Liên Hiệp Quốc cho biết phải cần tới 8 tỷ mỹ kim để có thể đáp ứng các nhu cầu cấp thiết hiện nay, nhưng tới nay đã chỉ thu được gần 4 tỷ. Vì thế, nạn đói vẫn còn đó và có nguy cơ trở thành phức tạp hơn vì một cuộc khủng hoảng thực phẩm mới trên thế giới, gây ra bởi nạn hạn hán mất mùa xảy ra tại Hoa Kỳ, Nga, Australia và một số nước sản xuất lương thực nhiều nhất trên thế giới. Nạn hạn hán, mất mùa tại Hoa Kỳ hiện nay trầm trọng nhất kể từ 60 năm qua, vì thế số lượng đậu nành và bắp sản xuất đã giảm nhiều, và so với tháng 6, giá cả tăng vọt 17% hồi tháng 7 vừa qua. Nạn giá cả lương thực gia tăng sẽ ảnh hưởng trên cuộc sống xã hội, như đã xảy ra trong các năm 2007-2008, với các cuộc xuống đường biểu tình của dân chúng tại 30 quốc gia, từ Bangladesh tới Haiti.
Theo Đức Tổng Giám mục Tomasi, để tránh xảy ra một cuộc khủng hoảng lương thực, cần phải đề ra một đường lối chính trị thực phẩm toàn cầu, chú ý tới các lý do gây ra nạn khan hiếm thực phẩm. Trong các lý do, dĩ nhiên có nạn hạn hán mất mùa, nhưng cũng có sự kiện một số lượng rất lớn các sản phẩm nông nghiệp, từ bắp cho tới củ cải đường, được sử dụng để chế biến xăng sinh học, đặc biệt lá êtanôn. Do đó, trong thời gian này đang có các cuộc tranh luận để làm sao tìm ra một chính sách thích hợp giúp duy trì thế quân bình giữa việc bảo vệ môi sinh khỏi lượng thán khí quá lớn thải vào khí quyển do dầu hoả, khí đốt xe cộ và các hãng xưởng kỹ nghệ gây ra, và nhu cầu thực phẩm của người dân, bởi vì thực phẩm là nhu cầu thiết yếu gắn liền với cuộc sống con người.
Ngoài ra, cũng cần có các biện pháp mạnh mẽ hữu hiệu để chống lại nạn đầu cơ tích trữ thực phẩm và nạn khai thác bóc lột đối với các giai tầng nghèo túng nhất trong xã hội. Toà Thánh nhấn mạnh rằng không được coi thực phẩm như là các hàng hoá chung khác. Bởi vì quyền có thực phẩm và nước uống gắn liền với sự sống con người. Vì vậy, không được đùa giỡn hay đầu cơ tích trữ kiếm lời trên sự sống của người khác. (RG 14-8-2012)
Caritas Rôma phục vụ người nghèo ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời
ROMA - Nhân ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời 15-8-2012, Caritas Rôma đã huy động 250 thiện nguyện viên phục vụ ăn uống và điểu khiển các chương trình giải trí cho hơn 1.800 người nghèo, đa số là người không gia cư và người già tại bãi tắm “Con tàu” ở Ostia, cách Rôma 30 cây số.
Đây là nơi Caritas Rôma tổ chức các tuần nghỉ hè cho các gia đình khó khăn được chính quyền thành phố theo dõi trợ cấp các dịch vụ xã hội. Riêng trong thành phố Rôma, 36 trung tâm của Caritas cũng tổ chức bữa ăn trưa cho người nghèo.
Ngày lễ bắt đầu lúc 10 giờ 30 với thánh lễ do Đức ông Enrico Feroci, Giám đốc Cartias Rôma, chủ sự trong nhà nguyện Thánh nữ Giacinta gần “Thành phố bác ái”. Vào lúc 12 giờ trưa có bữa ăn tại Trung tâm “Bàn ăn Gioan Phaolô II” trên đồi Oppio.
Đức ông Feroci và Phó Thị trường Thành phố Rôma Sveva Belvio đã chào mừng mọi người hiện diện và dùng bữa trưa với người nghèo. Trong suốt tháng 8, 36 trung tâm của Caritas Rôma đều có các sáng kiến trợ giúp người già và người vô gia cư. (SD 14-8-2012)
Đức cha Ignatius Kaigama cầu mong đừng có các vụ tấn kích mớiJOS - Đức cha Ignatius Kaigama, Tổng Giám mục Jos của Nigeria cầu mong đừng có các vụ tấn kích mới chống lại các tín hữu Kitô cũng như các tín hữu Hồi trong ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.
Đức Cha đã bày tỏ ước mong này trong cuộc phỏng vấn dành cho chương trình Ý ngữ Đài Vatican ngày 14-8-2012. Hôm thứ hai tuần trước đã xảy ra một vụ tấn công một nhà thờ Kitô khiến cho 20 tín hữu bị thiệt mạng. Đức Cha nói ngài và tín hữu cầu nguyện để đừng có các vụ tấn công mới trong ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Đức Cha tin nơi quyền năng can thiệp của Đức Mẹ để Nigeria có được an ninh và hoà bình. Dĩ nhiên các tín hữu Kitô lo âu mỗi khi họ đi tham dự thánh lễ hay một buổi cầu nguyện, vì các nhóm khủng bố có khuynh hướng tấn công trong các dịp có đông người hội họp. Và không ai có thể biết trước khi nào, ở đâu và như thế nào. Đây cũng là lý do khiến cho một số người lo sợ ở nhà. Tuy nhiên, các Kitô hữu vẫn tiếp tục đi tham dự thánh lễ và không sợ các vụ tấn kích của sự dữ. Đức cha Kaigama cho biết ngài vẫn lạc quan mặc dù phải sống trong bầu khí căng thẳng và sợ hãi.
Liên quan tới sự kiện “Hiệp hội các Giáo hội Kitô” trong 19 bang Nigeria yêu cầu Tổng thống Jonathan Goodluck từ chức, Đức Tổng Giám mục Kaigama nói ngài không chia sẻ quan điểm của họ, vì các Kitô hữu đã không được tham khảo ý kiến. Điều Đức Cha nghĩ đó là tổng thống phải tích cực hơn nữa, và tìm mọi phương thế để chấm dứt nạn khủng bố phá hoại này. Hiện nay chính quyền thiếu sáng kiến, óc sáng tạo và ý muốn chính trị, vì thế đất nước mới rơi vào tình trạng mất an ninh. (SD 14-8-2012)
Tuần Gia Đình tại BrasilBRASILIA - Tuần Gia Đình do Uỷ ban Sự sống và Gia đình, do Hội đồng Giám mục Brasil phát động, đang tiến hành trên toàn nước nhằm thăng tiến, củng cố và rao truyền Tin Mừng cho gia đình và sẽ kết thúc vào ngày 18-8-2012.
Tuần Gia Đình tại Brasil đã lấy lại chủ đề của Ngày Quốc tế Gia đình diễn ra tại Milano trong các ngày từ 30-5 đến mồng 3-6 vừa qua là “Gia đình, việc làm và lễ nghỉ”. Thông cáo do Uỷ ban công bố khẳng định Tuần Gia Đình được rộng mở cho tất cả những ai muốn tham dự và nhắm các mục đích sau đây: đào tạo nhân lực chuyên môn biết thông truyền các giáo huấn của Hội Thánh một cách đơn sơ, rõ ràng và chính xác; thăng tiến và củng cố vai trò của giáo dân trong việc dạy Giáo lý, Tin Mừng và tìm các giải pháp cho các vấn đề của gia đình; thúc đẩy sự lớn mạnh của nền tu đức gia đình; hiệp nhất các nỗ lực để cho gia đình thực sự là “đền thờ sự sống”, bằng cách đề cao phẩm giá con người từ lúc thụ thai cho tới khi chết tự nhiên, và chống lại các luật lệ đi ngược lại sự thật tự nhiên này.
Ngoài ra, Tuần Gia Đình cũng nhắm thức tỉnh gia đình trong sứ mệnh thánh thiêng không thể thay thế được, và không thể huỷ bỏ, là giáo dục và là trường dạy, trong đó con người học sống các giá trị nhân bản, Tin Mừng và tôn giáo. Thêm vào đó là huy động ý thức truyền giáo của gia đình, bằng cách tìm mọi phương thế giúp chữa lành và củng cố tế bào nòng cốt này của xã hội, từ đó phát xuất ra sức mạnh của mọi tổ chức xã hội, và chú ý tới các trợ giúp mà các hiệp hội gia đình có thể cống hiến cho gia đình.
Sau cùng, Tuần Gia Đình toàn quốc Brasil cũng muốn ủng hộ gia đình qua các cộng đoàn và các giáo xứ, đem các gia đình đã xa rời Giáo Hội trở lại với cộng đoàn, bằng cách thăng tiến sự tham dự vào các buổi cử hành phụng vụ quan trong nhất, và yểm trợ các phong trào và hiệp hội gia đình thăng tiến bảo vệ sự sống. (SD 13-8-2012)
Đức Thượng phụ Bartolomaios I kêu gọi chấm dứt bạo lực và tạo dựng hoà bìnhISTANBUL - Đức Bartolomaios I, Giáo chủ Thính thống Constantinople, kiêm Giáo chủ danh dự Chính thống toàn thế giới, khẩn thiết kêu gọi chấm dứt bạo lực, kiến tạo hoà bình và tình huynh đệ giữa mọi dân tộc.
Đức Thượng Phụ đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong thông cáo công bố ngày 15-8-2012. Trong thông cáo, Đức Thượng Phụ bày tỏ lo buồn vì nạn bạo lực lan tràn khắp nơi trên thế giới: từ Châu Mỹ tới Phi châu, xuyên qua châu Âu và châu Á. Mọi đại lục đều đang phải đối phó với hiện tượng bất khoan nhượng. Nó không chỉ tàn phá sự ổn định và nền hoà bình thế giới, mà còn chối bỏ các quyền con người nữa. Giết người vì kỳ thị chủng tộc, diệt chủng, thanh lọc chủng tộc, bài Do Thái, tàn phá các nơi thờ tự... đều là các hành động man rợ cần phải tố cáo công khai, đặc biệt khi chúng đội lốt tôn giáo để tự biện minh.
Toà Thượng phụ Chính thống Constantinople cũng lo âu trước các tình hình vùng Trung Đông, Nigeria và Sudan. Các vụ đụng độ giữa các tín hữu Hồi và tín hữu Kitô trong các vùng này phải được vượt thắng bằng cách thăng tiến yêu thương đối với người lân cận, và diễn tả sự hiệp nhất giữa con người với nhau. Nhưng nhất là Toà Thượng Phụ âu lo cho tương lai của người dân Syria và các Kitô hữu tại đây. Vì thế, thông cáo viết, chúng tôi kêu gọi mọi phe liên hệ hãy buông khí giới, và cho phép các tổ chức nhân đạo cứu trợ dân chúng. Giải pháp cho các xung đột này trên hết là sự đối thoại. Vì đối thoại không chỉ có nghĩa là hiểu biết và khoan nhượng với người khác, mà còn cho phép hoà giải và thay đổi nữa.
Đức Thượng phụ Bartolomaios cũng kêu gọi các giới lãnh đạo tôn giáo cùng nhau hoạt động để đem lại hoà bình cho thế giới. Như là hàng lãnh đạo tôn giáo, chúng ta có bổn phận luân lý chống lại chiến tranh và thăng tiến hoà bình như nhu cầu thiết yếu nền tảng sống còn đối với toàn nhân loại.
Tôn giáo không thể và không bao giờ được là cớ cho chiến tranh và xung khắc, cũng như không bao giờ được phép trở thành dụng cụ của khuynh hướng cuồng tín vì các lý do và mục tiêu chính trị. Mọi tội phạm nhân danh tôn giáo đều là một tội phạm chống lại tôn giáo. Trong sự tôn trọng này, đối thoại là hy vọng duy nhất giúp có hoà bình.
Sau cùng, Đức Thượng Phụ bày tỏ tình liên đới và cảm thương đối với mọi cộng đoàn nạn nhân của bạo lực, và kêu gọi mọi Giáo hội Chính thống, các Giáo hội Kitô và các cộng đoàn tôn giáo, cũng như mọi tổ chức quốc tế, các quốc gia và mọi người thiện chí nỗ lực góp phần để cho hoà bình chiến thắng chiến tranh và thù hận. (SD 115-8-2012)
Linh Tiến Khải