Hạnh phúc không phải từ những điều mà ta nhận được, mà từ những điều mà ta cho đi.

Ben Carson
Truyen-tin.net - Sơ lược dữ kiện:

  • ♥ Tiểu sử Các Thánh: 272
  • ♥ Các Bài đọc thánh lễ: 772
  • ♥ Văn hoá, nghệ thuật: 1154
  • ♥ Tin tức, chuyên đề... 15439
  • ♥ Thư viện hình ảnh: 6916
  • ♥ Suy niệm Lới Chúa: 784
  • ♥ Video: 2269
  • ♥ Tài liệu tham khảo: 780

... cùng những sưu tập khác.
tt
Laudetur Jesus Christus - Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô NewsFeed
-
VĂN KIỆN » Truyền Thông
Back TRỞ LẠI (Cập nhật: 08/02/2012 12:00:00 SA)
A  A  A
Sắc lệnh Inter Mirifica của Công đồng Vatican II về các phương tiện truyền thông xã hội

Sắc lệnh Inter Mirifica của Công đồng Vatican II về các phương tiện truyền thông xã hội
(4-12-1963)

LTS: Chúng tôi giới thiệu văn bản đầu tiên và quan trọng nhất về truyền thông xã hội là một Sắc lệnh của Công đồng Vatican II. Đây là bản dịch của Giáo hoàng Học viện Pio X trong lần in thứ ba đã được Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn duyệt lại, trước khi có một bản dịch chính thức của Uỷ ban Giáo lý Đức tin trực thuộc HĐGMVN thực hiện.

Đây là văn kiện đầu tiên của Giáo Hội nói về những phương tiện truyền thông mới mẻ nên có lẽ chưa được đầy đủ và hoàn hảo như một số nhà chuyên môn có thẩm quyền trong lĩnh vực này mong đợi. Tuy nhiên, chúng ta đừng quên rằng vào thời điểm công bố Sắc lệnh (1963), xã hội loài người mới chỉ biết đến kỹ thuật truyền thanh (1920), truyền hình (1937), và áp dụng máy tính điện tử vào ngành in (1960). Còn ở nước ta, ngay trong những năm gần đây nhiều tín hữu ở miền Bắc vẫn còn cho việc xem truyền hình là “liều mình phạm tội!”. Và vào thập niên 1980, có nơi còn cấm cả linh mục xem truyền hình để khỏi làm gương xấu cho giáo dân. Vậy mà các nghị phụ Công đồng, dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần đã xác định đó là những ơn lành của Chúa (số 1).

Sắc lệnh không đề cập đến những điểm tín lý như mầu nhiệm truyền thông của Thiên Chúa hay Đức Giêsu là nhà truyền thông hoàn hảo như trong các văn bản của Giáo Hội sau này, nhưng giới thiệu những nguyên tắc luân lý để biết sử dụng và kiểm soát các phương tiện truyền thông xã hội. Đặc biệt Sắc lệnh dành cả một nửa văn bản để nhắc nhở mọi thành phần trong Giáo Hội phải dùng các phương tiện này vào các hoạt động tông đồ. Thiết nghĩ đây có lẽ là điểm Giáo hội Việt Nam cần lưu ý hơn.

LỜI MỞ ĐẦU

1. Ý nghĩa từ ngữ

Trong những phát minh kỳ diệu về kỹ thuật, mà tài năng con người, nhờ Thiên Chúa trợ giúp, đã tìm ra từ thụ tạo, nhất là trong thời đại chúng ta, Người Mẹ Giáo Hội đặc biệt ân cần đón nhận và theo dõi những phát minh tác động mãnh liệt tới tinh thần con người và cả những phát minh tạo nên những phương thế mới để truyền thông một cách hết sức dễ dàng đủ loại tin tức, tư tưởng và định hướng. Tuy nhiên giữa những phát minh này, trổi vượt hơn cả là những phương tiện tự bản tính không những có thể tác động và ảnh hưởng đến từng cá nhân, mà còn đến chính công chúng và toàn thể cộng đồng nhân loại[1] như báo chí, điện ảnh, phát thanh, truyền hình và những thứ khác tương tự. Do đó, những phương tiện này đáng được gọi là những phương tiện truyền thông xã hội.

2. Lý do thúc đẩy Công Đồng quan tâm đến vấn đề này

Người Mẹ Giáo Hội cũng biết rằng những phương tiện đó, nếu được sử dụng đúng đắn, sẽ phục vụ hữu ích cho nhân loại vì chúng đóng góp một cách hiệu quả vào việc giải trí, đào tạo tinh thần cũng như việc củng cố và mở rộng Nước Chúa. Giáo Hội cũng biết rằng con người có thể sử dụng chúng ngược lại với ý định của Đấng Tạo Hoá, và làm nguy hại cho chính mình. Hơn nữa, lòng Mẹ hiền hết sức xót xa khi thấy những thiệt hại[2] rất thường xảy ra cho xã hội loài người do việc cố ý dùng sai những phương tiện này.

Vì thế, ý thức được sự quan tâm của các giáo hoàng và các giám mục đến vấn đề rất quan trọng này, Thánh Công Đồng nghĩ rằng mình có nhiệm vụ đề cập đến những vấn đề chính yếu liên hệ đến những phương tiện truyền thông xã hội. Hơn nữa, Thánh Công Đồng cũng tin tưởng rằng giáo thuyết và chỉ thị được trình bày sau đây không những sẽ ích lợi cho ơn cứu độ của các Kitô hữu mà còn cho cả sự tiến bộ của toàn thể cộng đồng nhân loại.

CHƯƠNG I: GIÁO HUẤN CỦA GIÁO HỘI

3. Nhiệm vụ của Giáo Hội

Vì Giáo hội Công giáo được Chúa Kitô thiết lập để mang lại ơn cứu độ cho hết mọi người do đó có nhiệm vụ phải rao giảng Phúc Âm, nên Giáo hội Công giáo cũng nhận thấy mình có bổn phận dùng cả phương tiện truyền thông xã hội để loan báo ơn cứu độ và dạy con người sử dụng chúng cách đúng đắn.

Như thế, Giáo Hội đương nhiên có quyền sử dụng và sở hữu bất cứ loại nào trong các phương tiện truyền thông xã hội, tuỳ theo sự cần thiết hay lợi ích cho việc giáo dục Kitô hữu và cho việc phục vụ ơn cứu độ các linh hồn. Các vị chủ chăn đáng kính có nhiệm vụ huấn luyện và hướng dẫn các tín hữu sao cho họ biết dùng những phương tiện này để đạt tới ơn cứu độ và sự toàn thiện của mình cũng như của toàn thể gia đình nhân loại.

Ngoài ra, giáo dân đặc biệt có bổn phận làm cho các phương tiện này thấm nhuần giá trị nhân bản cũng như giá trị Kitô giáo, để chúng đáp ứng đầy đủ sự mong đợi lớn lao của xã hội nhân loại và đúng với ý định của Thiên Chúa.

4. Luật luân lý

Để sử dụng đúng đắn những phương tiện này, mọi người khi sử dụng cần phải hiểu biết những nguyên tắc trật tự luân lý và áp dụng chúng cách chính xác vào trật tự này. Vậy họ phải cân nhắc nội dung, tức là những gì được truyền thông, tuỳ tính đặc thù của mỗi phương tiện; đồng thời họ cũng phải chú ý đến tất cả trường hợp hay hoàn cảnh, tức là mục đích, khán thính giả, địa điểm, thời gian liên quan đến việc truyền thông này: chính những trường hợp hay hoàn cảnh đó có thể làm cho khác đi hoặc thay đổi hoàn toàn tính cách luân lý của sự truyền thông. Về vấn đề này chúng tôi đặc biệt chú ý đến cách thức tác động mạnh mẽ của các phương tiện này đến nỗi con người - nhất là những ai không được chuẩn bị - khó có thể nhận thức, chế ngự và có khi không thể từ khước.

5. Quyền thông tin

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là tất cả những người liên hệ đến vấn đề này cần phải tự rèn luyện cho mình có được một lương tâm ngay thẳng trong việc sử dụng các phương tiện đó, nhất là những gì liên quan tới một số vấn đề đang được bàn cãi sôi nổi trong thời đại chúng ta.

Vấn đề thứ nhất là về thông tin, như người ta thường nói, là việc thu thập và phổ biến tin tức. Hiển nhiên, ai cũng thấy là nhờ tiến bộ của cộng đồng nhân loại ngày nay và nhờ các thành phần xã hội liên kết chặt chẽ với nhau hơn, việc thông tin đã trở nên rất hữu ích và nhiều khi là cần thiết. Thật vậy, việc thông tin rộng rãi và kịp thời cho công chúng về các sự kiện và biến cố giúp cho từng cá nhân biết[3] đầy đủ và liên tục các việc đó, như thế, chính họ có thể tham gia vào công ích một cách hữu hiệu, nhờ đó mọi người càng dễ dàng góp phần vào sự thịnh vượng tiến bộ của toàn thể xã hội. Vì vậy, xã hội nhân loại đương nhiên có quyền thông tin về những gì liên quan đến con người - hoặc với tư cách cá nhân hoặc với tư cách là thành viên của đoàn thể xã hội - tuỳ theo hoàn cảnh từng người. Tuy nhiên, việc thực thi đúng đắn quyền này đòi việc truyền thông phải luôn chính xác và đầy đủ về phần nội dung thông tin để giữ được công bình và bác ái, phải lương thiện và thích hợp trong cách thức truyền thông, nghĩa là cả trong việc săn tin lẫn đưa tin, và phải tuyệt đối tuân theo các nguyên tắc luân lý, các quyền lợi chính đáng và phẩm giá con người. Thật vậy, không phải mọi hiểu biết đều hữu ích, “nhưng lòng bác ái thì xây dựng” (1 Cr 8,1).

6. Luân lý và nghệ thuật

Vấn đề thứ hai liên quan đến điều người ta thường nói là những tương quan giữa quyền lợi của nghệ thuật và tiêu chuẩn của luật luân lý. Vì những cuộc tranh luận thường xuyên về vấn đề này nhiều khi bắt nguồn từ những học thuyết sai lầm về luân lý và thẩm mỹ, nên Thánh Công Đồng tuyên bố mọi người phải tuyệt đối tuân giữ quyền ưu tiên của trật tự luân lý khách quan. Bởi vì đây là trật tự độc nhất trổi vượt và phối hợp một cách thích đáng với mọi trật tự khác - dù là rất cao quý - của hoạt động con người, kể cả nghệ thuật. Thật vậy, chỉ có trật tự luân lý mới đạt thấu đến toàn diện bản tính con người, một thụ tạo có lý trí được Thiên Chúa tạo dựng và mời gọi vào đời sống siêu nhiên, vì nếu trung thành tuân giữ trọn vẹn trật tự luân lý này, con người sẽ đạt tới sự toàn thiện[4] và hạnh phúc tràn đầy.

7. Khi phải trưng bày tội ác

Vấn đề tiếp theo là việc tường thuật, mô tả hay trình bày điều xấu về mặt luân lý, nhờ các phương tiện truyền thông xã hội, chắc chắn có thể giúp nhận biết và khám phá con người một cách sâu rộng hơn, giúp bày tỏ và biểu dương vẻ huy hoàng của cái chân, cái thiện, nếu người ta biết thận trọng trình bày những hậu quả bi thảm gắn liền với tội ác. Tuy nhiên, để mưu ích hơn là làm hại các tâm hồn, các hoạt động trên vẫn phải tuyệt đối tuân theo luật luân lý, nhất là nếu đề cập đến những vấn đề đòi phải thận trọng hay đến những gì dễ kích động dục vọng xấu xa của con người đã mang vết tội tổ tông[5].

8. Công luận

Ngày nay, công luận tạo nên uy lực rất lớn trên đời sống cá nhân cũng như cộng đồng của mọi tầng lớp dân chúng, nên mọi thành phần xã hội cần phải chu toàn bổn phận của mình đối với công bình và bác ái trong lĩnh vực này. Đồng thời, biết dùng những phương tiện truyền thông xã hội để cố gắng tạo ra và phổ biến những công luận ngay chính.

9. Bổn phận của khán, thính giả

Tất cả mọi người sử dụng, nghĩa là những độc giả, khán giả và thính giả, nhận được thông điệp qua các phương tiện, từ việc tự do lựa chọn của cá nhân mình, đều có những bổn phận đặc biệt. Thật vậy, việc lựa chọn đúng đắn đòi họ phải cổ vũ những gì có giá trị thật sự về mặt đạo đức, khoa học, nghệ thuật; và phải tránh những gì gây nên hay tạo dịp cho chính họ bị thiệt hại về phần thiêng liêng, hoặc có thể trở nên gương xấu khiến cho người khác bị nguy hiểm, hoặc ngăn cản các việc truyền thông tốt, làm lợi cho các việc truyền thông xấu. Điểm cuối cùng này thường xảy ra khi người ta trả tiền cho những người khai thác những phương tiện này chỉ vì lý do lợi nhuận[6].

Vì thế, để chu toàn luật luân lý, chính những người sử dụng không được coi nhẹ bổn phận phải tìm hiểu đúng lúc những lập trường đã được phê chuẩn của cơ quan vị thẩm quyền về những vấn đề đó, và phải tuân giữ những lập trường đó theo tiêu chuẩn lương tâm ngay thẳng. Hơn nữa, để chống lại những thông tin gây ảnh hưởng xấu một cách dễ dàng hơn, và để chắc chắn theo đuổi thông tin tạo ảnh hưởng tốt, họ phải chú tâm hướng dẫn và đào luyện lương tâm mình bằng những phương thế thích hợp.

10. Bổn phận của thanh thiếu niên và phụ huynh

Những người sử dụng, nhất là thanh thiếu niên, phải tập quen điều độ và giữ kỷ luật trong việc dùng những phương tiện này. Ngoài ra, họ phải cố gắng tìm hiểu sâu xa hơn những điều họ thấy, nghe và đọc. Họ phải thảo luận với các nhà giáo, những người chuyên môn về các vấn đề được thông tin và phải tập phán đoán cho đứng đắn. Còn bậc phụ huynh có bổn phận lưu tâm đề phòng để phim ảnh, sách báo và những thứ cùng loại trái nghịch với đức tin và ngược lại phong hoá để chúng khỏi lọt vào ngưỡng cửa gia đình, cũng đừng để con cái tìm kiếm những thứ đó ở nơi khác.

11. Bổn phận của các nhà sản xuất

Trách nhiệm luân lý chính yếu đối với việc sử dụng đúng đắn những phương tiện truyền thông xã hội quy về các nhà báo, nhà văn, diễn viên, đạo diễn, nhà sản xuất, người thực hiện, người làm chương trình, nhà phát hành, người bán chương trình, những nhà phê bình[7] và tất cả những ai, bằng cách này hay cách khác, góp phần vào việc thực hiện hay phổ biến những sản phẩm truyền thông này. Trong hoàn cảnh hiện tại của nhân loại, mọi người đều thấy rõ rằng những người đó mang những trách nhiệm hết sức quan trọng, vì chính họ, trong khi thông tin và tạo áp lực lên công chúng, có thể hướng nhân loại đi vào con đường tốt đẹp hay xấu xa.

Bởi thế, họ có bổn phận tìm cách phối hợp hài hoà những yếu tố kinh tế, chính trị hay nghệ thuật để chúng không bao giờ đi ngược lại với lợi ích chung. Muốn đạt tới điều đó một cách dễ dàng hơn, chính họ phải tham gia vào những hiệp hội liên quan đến nghề nghiệp của mình vì những hiệp hội này bắt buộc các hội viên tôn trọng nguyên tắc luân lý trong những hoạt động và  trách nhiệm nghề nghiệp, và nếu cần, buộc họ công khai cam kết tuân giữ một bản luật luân lý[8].

Họ phải luôn nhớ rằng phần lớn các độc giả và khán thính giả là thanh thiếu niên. Những lớp người này cần sách báo và phim ảnh để giải trí lành mạnh và tâm hồn hướng đến những lý tưởng cao đẹp. Hơn nữa, họ phải giao cho những người xứng đáng và chuyên môn để thực hiện việc truyền thông những điều liên quan đến tôn giáo sao cho việc này được hoàn thành với tất cả sự tôn trọng thích đáng.

12. Bổn phận của chính quyền

Trong lĩnh vực này, chính quyền mang những trách nhiệm đặc biệt vì lý do công ích mà những phương tiện này nhắm tới. Thật vậy, vì nhiệm vụ, chính quyền có bổn phận phải bênh vực và bảo đảm sự tự do thật sự và chính đáng của việc thông tin, sự tự do mà xã hội ngày nay rất cần để tiến bộ, nhất là những gì thuộc về báo chí. Chính quyền cũng có bổn phận cổ vũ cho những giá trị của tôn giáo, văn hoá, những nghệ thuật chân chính, và phải bảo đảm cho những người sử dụng có thể tự do hưởng thụ quyền lợi chính đáng của họ. Ngoài ra, chính quyền cũng có bổn phận bảo trợ những sáng kiến, nhất là những sáng kiến đặc biệt hữu ích cho giới trẻ. Những sáng kiến này không thể nào thực hiện được nếu không có sự trợ giúp của chính quyền.

Sau cùng, chính quyền, cơ quan chính thức lo cho dân chúng được an cư lạc nghiệp, có bổn phận xem xét công minh, cẩn thận, bằng cách ban hành luật lệ và thi hành nghiêm chỉnh, đừng để cho những phương tiện này bị lạm dụng, gây thiệt hại nặng nề cho đạo đức cộng đồng và sự tiến bộ xã hội. Tuy nhiên, đối với những người đã dùng các phương tiện này trong lĩnh vực nghề nghiệp cách không thận trọng cần thiết, thì sự can thiệp này[9] không phải là xâm phạm tới quyền tự do của cá nhân hay đoàn thể.

Chính quyền cũng phải có những biện pháp đặc biệt để bảo vệ thanh thiếu niên khỏi những sách báo và phim ảnh nguy hại cho lứa tuổi của chúng.

CHƯƠNG II: PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI VÀ VIỆC TÔNG ĐỒ

13. Hoạt động của chủ chăn và tín hữu

Mọi con cái Giáo Hội phải đồng tâm hợp lực, chẳng những không ngần ngại mà còn hết sức hăng say, sử dụng ngay những phương tiện truyền thông xã hội cách hữu hiệu vào các công việc tông đồ khác nhau tuỳ theo đòi hỏi cụ thể của hoàn cảnh và thời gian. Họ cũng phải lưu tâm ngăn ngừa những dự định tai hại, nhất là ở những nơi đang có những biến chuyển về luân lý và tôn giáo cần được can thiệp khẩn cấp hơn.

Vậy các chủ chăn đáng kính phải sớm chu toàn phận sự mình trong lĩnh vực này, vì nó liên hệ chặt chẽ với nhiệm vụ thông thường của các ngài là giảng dạy. Những giáo dân đang sử dụng những phương tiện này cũng phải cố gắng làm chứng cho Chúa Kitô: trước hết bằng cách hoàn tất mọi công tác chuyên môn của mình với tinh thần tông đồ, rồi tuỳ khả năng kỹ thuật, kinh tế, văn hoá và nghệ thuật mà trực tiếp trợ giúp hoạt động mục vụ của Giáo Hội theo khả năng của mỗi người.

14. Sáng kiến của người Công giáo

Trước hết, phải cổ vũ báo chí lành mạnh. Tuy nhiên, để độc giả thấm nhuần đầy đủ tinh thần Kitô giáo, cũng phải thúc đẩy và phát triển báo chí chính thức của Công giáo[10], nghĩa là báo chí - hoặc do chính giáo quyền hoặc do những người Công giáo trực tiếp đề xướng và điều hành - được công khai xuất bản trong tinh thần xây dựng, củng cố và cổ vũ những công luận phù hợp với luật tự nhiên, với giáo lý và quy luật Công giáo, cũng như để phổ biến và giải thích đúng đắn những sự kiện liên quan đến đời sống Giáo Hội. Nên khuyên các tín hữu cần phải đọc và phổ biến báo chí Công giáo để họ biết phán đoán mọi biến cố theo quan điểm Kitô giáo.

Phải dùng mọi phương thế hữu hiệu để phát động và nâng đỡ việc sản xuất và trình chiếu những phim ảnh có ích cho việc giải trí lành mạnh, cho nền văn hoá và nghệ thuật của nhân loại, nhất là những phim ảnh dành riêng cho giới trẻ. Muốn thế phải nâng đỡ và đồng thời phối hợp nỗ lực, sáng kiến của những nhà sản xuất và những nhà phân phối có lương tâm, phải dùng lời phê bình thiện ý hay giải thưởng để hỗ trợ quảng bá những phim ảnh có giá trị và phải liên kết những rạp chiếu do người Công giáo và người đứng đắn khai thác.

Cũng thế, phải giúp đỡ hữu hiệu những buổi phát thanh, truyền hình lành mạnh, nhất là những chương trình phát thanh, truyền hình thích hợp với gia đình. Phải khéo léo cổ vũ những chương trình Công giáo, để nhờ đó dẫn đưa khán thính giả tham dự vào đời sống Giáo Hội và làm cho họ thấm nhuần những chân lý tôn giáo. Nếu cần cũng phải lo thành lập các đài Công giáo, tuy nhiên phải cẩn thận lo liệu cho chương trình phát ra của các đài này có chất lượng và hiệu quả cao.

Hơn nữa, nên lo liệu cho nền kịch nghệ cao quý và cổ truyền, một nghệ thuật từ nay được phổ biến sâu rộng nhờ những phương tiện truyền thông xã hội, biết hướng về việc giáo dục khán thính giả về mặt nhân bản cũng như đạo đức.

15. Huấn luyện các tác giả, soạn giả, nhà sản xuất...

Để đáp ứng những nhu cầu vừa trình bày, phải đào tạo kịp thời những linh mục, tu sĩ và giáo dân để họ có đầy đủ khả năng chuyên môn thích đáng trong việc sử dụng những phương tiện này vào mục đích tông đồ.

Trước hết, phải huấn luyện giáo dân vững chắc về kỹ thuật, giáo thuyết và luân lý, bằng cách tăng thêm số trường học, phân khoa và học viện, để các nhà báo, nhà làm phim, người soạn chương trình phát thanh, phát hình và những người liên hệ, có thể được huấn luyện đầy đủ, thấm nhuần tinh thần Kitô giáo, nhất là học thuyết xã hội của Giáo Hội. Cũng phải đào tạo và giúp đỡ các nghệ sĩ để họ dùng tài nghệ mình phục vụ xã hội con người một cách thích hợp. Sau cùng, phải chuẩn bị kỹ lưỡng các nhà phê bình văn chương, phim ảnh, phát thanh, truyền  hình và các người khác nữa... để mỗi người hoàn toàn thấu triệt nghề nghiệp của mình; lại phải chỉ dạy và khuyến khích họ luôn đưa ra những nhận định nhấn mạnh đúng mức khía cạnh luân lý.

16. Huấn luyện người sử dụng, thụ hưởng...

Để hưởng dùng cho đúng các phương tiện truyền thông xã hội, những người sử dụng thuộc mọi lứa tuổi tác và nền văn hoá khác nhau cần phải được huấn luyện về lý thuyết cũng như về thực hành một cách thích hợp và chuyên biệt. Vì thế, trong các trường Công giáo thuộc mọi cấp, trong các chủng viện và trong cả những nhóm tông đồ giáo dân, phải cổ vũ, tăng cường các hoạt động đào tạo này, nhất là các hoạt động dành riêng cho giới trẻ. Chúng phải được thực hiện theo nguyên tắc luân lý Kitô giáo. Để sớm đạt tới kết quả này, lớp giáo lý cần có phần trình bày cũng như giải thích giáo thuyết và quy luật Công giáo về vấn đề truyền thông và xã hội.

17. Phương tiện và trợ giúp

Thật đáng hổ thẹn cho con cái Giáo Hội đã lãnh đạm để cho việc rao giảng Lời cứu độ bị trì trệ, cản trở vì những khó khăn kỹ thuật hay vì thiếu phương tiện tài chính, mà những phương tiện truyền thông đòi phải có và thật sự rất lớn. Vì thế, Thánh Công Đồng này nhắc lại cho họ bổn phận phải nâng đỡ và trợ giúp các nhật báo Công giáo, các tạp chí, các tổ chức thực hiện phim ảnh, các đài và các chương trình phát thanh, truyền hình nhằm mục đích chính là để phổ biến và bảo vệ sự thật, trình bày phong cách Kitô giáo cho xã hội loài người. Đồng thời, Thánh Công Đồng khẩn khoản mời gọi các tập thể và cá nhân có quyền hành rộng lớn trong lĩnh vực kinh tế và kỹ thuật, hãy sẵn lòng và quảng đại dùng khả năng và kinh nghiệm của mình để nâng đỡ những phương tiện này trong việc phục vụ nền văn hoá đích thực và việc tông đồ.

18. Ngày Truyền thông

Để việc tông đồ của Giáo Hội dưới nhiều hình thức được hữu hiệu hơn trong lĩnh vực truyền thông xã hội, mọi giáo phận trên thế giới, tuỳ theo quyết định của các giám mục, hằng năm phải cử hành một ngày lễ[11] để hướng dẫn các tín hữu về bổn phận của họ đối với vấn đề này, mời gọi họ cầu nguyện nhiều theo ý chỉ và xin họ đóng góp cho mục đích này. Phải cẩn trọng sử dụng những gì quyên góp được để nâng đỡ, ủng hộ những tổ chức và hoạt động của Giáo Hội trong lĩnh vực truyền thông theo nhu cầu của Giáo hội Công giáo trên toàn thế giới.

19. Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông

Để thi hành bổn phận mục vụ tối cao về những phương tiện truyền thông xã hội, Đức Giáo Hoàng có một Uỷ ban riêng của Toà Thánh[12].

20. Thẩm quyền của giám mục

Các giám mục có bổn phận lưu tâm đến các công trình và sáng kiến thuộc ngành này trong giáo phận mình. Các ngài phải cổ vũ chúng[13] và nếu các công trình ấy cũng như những sáng kiến liên quan đến việc tông đồ chung thì phải phối hợp chúng, kể cả những gì thuộc quyền điều khiển của các tu sĩ miễn trừ.

21. Uỷ ban Giám mục về Truyền thông Quốc gia

Tuy nhiên, trên bình diện quốc gia, muốn cho việc tông đồ đem lại kết quả, cần phải thống nhất mục tiêu và nỗ lực. Vì thế, Thánh Công Đồng quyết định và truyền phải thiết lập khắp nơi các cơ quan quốc gia về báo chí, điện ảnh, truyền thanh và truyền hình, cũng như phải dùng mọi phương thế giúp đỡ các cơ quan đó. Vậy các cơ quan này có bổn phận trước tiên là tìm cách đào tạo đúng đắn lương tâm tín hữu trong việc sử dụng những phương tiện đó, cũng như cổ vũ và phối hợp mọi hoạt động của người Công giáo trong lĩnh vực này.

Trong mỗi quốc gia, việc điều khiển các tổ chức trên phải được uỷ thác cho một Uỷ ban Giám mục đặc biệt, hoặc do một giám mục đặc trách. Tuy nhiên, những giáo dân thông thạo giáo lý Công giáo và có chuyên môn của các ngành này cũng phải được tham dự vào các Uỷ ban trên.

22. Hiệp hội Truyền thông Quốc tế

Hơn nữa, những phương tiện này có ảnh hưởng vượt khỏi ranh giới quốc gia và biến mỗi người thành công dân, vì thế, trong lĩnh vực này, những sáng kiến của các quốc gia phải phối hợp với nhau trên bình diện quốc tế. Tuy nhiên, những cơ quan vừa kể ở số 21 phải tích cực cộng tác với Hiệp hội Công giáo Quốc tế thuộc ngành mình. Những Hiệp hội Công giáo Quốc tế này chỉ được chính thức phê chuẩn do một mình Toà Thánh và tuỳ thuộc Toà Thánh.

KẾT LUẬN

23. Chỉ dẫn mục vụ

Để mọi nguyên tắc và tiêu chuẩn về những phương tiện truyền thông xã hội của Thánh Công Đồng được thi hành, Thánh Công Đồng trực tiếp uỷ nhiệm cho cơ quan của Toà Thánh đã nói ở số 19, với sự giúp đỡ của những nhà chuyên môn thuộc các quốc gia khác nhau, lo xuất bản một tập sách chỉ dẫn mục vụ.

24. Lời khuyên kết thúc

Hơn nữa, Thánh Công Đồng tin tưởng mọi con cái Giáo Hội sẽ tự nguyện đón nhận và cẩn thận tuân giữ những giáo huấn và tiêu chuẩn trong Sắc lệnh này. Như thế, khi sử dụng những phương tiện đó, họ không bị thiệt hại, trái lại, cũng như muối và ánh sáng, họ ướp mặn trái đất và soi sáng thế gian. Ngoài ra, Thánh Công Đồng mời gọi mọi người thiện chí, nhất là những người nắm giữ các phương tiện trên, hãy chăm lo quy hướng chúng về mục tiêu duy nhất là giúp ích cho xã hội loài người, vì vận mệnh của xã hội này ngày càng lệ thuộc vào việc sử dụng đúng đắn những phương tiện truyền thông. Nhờ vậy, cũng như xưa Danh Chúa đã được tôn vinh qua những công trình nghệ thuật cổ kính, nay Người cũng được vinh danh qua những phát minh mới, đúng như lời Thánh Tông đồ: “Đức Giêsu vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13,8).

Tất cả và từng điều đã được ban bố trong Sắc lệnh này đều được các Nghị phụ Thánh Công đồng chấp thuận. Và dùng quyền Tông đồ Chúa trao ban, hợp cùng các Nghị phụ khả kính, trong Chúa Thánh Thần, chúng tôi phê chuẩn, chế định và quyết nghị, và những gì đã được Thánh Công đồng quyết nghị, chúng tôi truyền công bố cho Danh Chúa được vinh quang.

Roma, tại Đền thánh Phêrô, ngày 4-12-1963

Tôi, PHAOLÔ VI, Giám mục Giáo hội Công giáo

Tiếp theo là chữ ký các Nghị phụ

Nguồn: BTHT, số 29-30



[1] Giữa những phương tiện truyền thông do nhân loại phát minh, Giáo Hội lưu ý tới những phương tiện trổi vượt và có ảnh hưởng lớn lao đến con người như các vệ tinh nhân tạo dùng để thu phát tín hiệu điện tín, điện thoại phát thanh và truyền hình khắp thế giới.

[2] Chúng ta có thể nghĩ đến Đức Quốc Xã: Trước Thế chiến II, họ đã dùng các phương tiện rất nguy hại để gieo thù oán nơi các dân tộc châu Âu.

[3] Các phương tiện truyền thông xã hội là những công cụ đắc lực nhất giúp các dân tộc quen biết nhau, hiểu nhau và đi đến hợp nhất.

[4] Cả luân lý lẫn mỹ thuật đều xuất phát bởi Đấng Tạo Hoá, nên không thể mâu thuẫn nhau. Nếu có thể mâu thuẫn thì lỗi ở việc không hiểu những nguyên tắc đúng đắn đó thôi.

[5] Công Đồng rất thực tế: vì con người dễ hướng về tội lỗi và ích kỷ, nên nếu tự do không kỹ luật, con người sẽ trở thành phóng đãng và gây nhiều tai hại.

[6] Thoả mãn thị hiếu công chúng để làm tiền là một cách bóc lột vật chất và phá hoại tinh thần.

[7] Chú thích của người dịch: riêng về những tiếng chuyên môn này, chúng tôi đã tham khảo các bản dịch ngoại ngữ: Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha… và nhận thấy các bản dịch đó không đồng nhất khi dịch một vài từ mà nguyên bản Latinh không rõ nghĩa. Ở đây chúng tôi dịch theo bản dịch của Tạp chí Quốc tế về Điện ảnh (Revue internationale du Cinéma), số 77-78, tháng 12-1963 và tháng 1-1964.

[8] Là một số những luật lệ do chính những nhà sản xuất vạch ra để tránh cho khán giả và độc giả những nội dung xấu xa vô bổ.

[9] Vấn đề kiểm duyệt của chính quyền và sự tự do ngôn luận là một vấn đề rất khó giải quyết, nhưng trên nguyên tắc, phải chấp nhận. Trong nhiều trường hợp, việc kiểm duyệt không thể tránh được vì một vài cá nhân có thế lực đôi khi để quyền lợi riêng làm hại đến quyền lợi chung.

[10] Chúng ta phải công nhận tại nhiều quốc gia, báo chí rất kém vì thiếu chuyên viên giỏi, thiếu phương tiện và tổ chức. Có lẽ người Công giáo vẫn còn thành kiến cho rằng làm việc tông đồ thì không cần chú trọng tới kỹ thuật tổ chức, vì thế nào Chúa cũng giúp đỡ. Lập luận đó không khác gì việc một tu sĩ nọ nhất định đổ nước thánh vào bình xăng xe hơi thay cho dầu xăng, vì xe đó chỉ dùng làm việc tông đồ mà thôi.

[11] Mục đích “Ngày Thế giới” này là để người Công giáo ý thức sâu xa hơn về bổn phận của họ trong lĩnh vực truyền thông. Chỉ trích và phê bình các phương tiện đó như là dụng cụ ma quỷ để phá đạo không còn là thái độ đúng đắn; nhưng đứng trước những phát minh đó, người nhiệt thành thật sự với đạo phải có tinh thần tích cực hơn.

[12] Các Nghị phụ Công đồng vui lòng nhận lời thỉnh cầu của “Văn phòng Báo chí và Kịch ảnh” thành kính xin Đức Giáo Hoàng nới rộng nhiệm vụ và thẩm quyền của Uỷ ban này đến tất cả các phương tiện truyền thông xã hội, kể cả báo chí, với sự trợ giúp của những chuyên môn - trong số đó có cả giáo dân - thuộc các quốc gia khác nhau.

[13] Từ xưa đến nay, tại nhiều nơi, những người Công giáo hoạt động trong những lĩnh vực truyền thông xã hội không những không được nâng đỡ, mà có khi còn bị coi là những người mạo hiểm và bê bối nữa, não trạng này phải được thay đổi hoàn toàn.

Ghi lại phản hồi, xin nhấn vào »  Nhập ý kiến của bạn:
Ý kiến - nhận xét của bạn về bài:

Sắc lệnh Inter Mirifica của Công đồng Vatican II về các phương tiện truyền thông xã hội

Tên:
Email:
Ý kiến - nhận xét - Comments:

  (hoặc nhấn phím ESC hoặc nhấn vào khung nền)

Chưa có ý kiến   Pending (3)
TIN - BÀI KHÁC   21 tin bài trong VĂN KIỆN » Truyền Thông
  Sứ điệp của ĐTC Phanxicô nhân Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 58 | Vatican News
  Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 47 của ĐTC Bênêđictô XVI | Nguyễn Minh Triệu, SJ, chuyển ngữ
  Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần đầu tiên của ĐGH Phaolô VI | G.B. Lưu Văn Lộc chuyển ngữ
  Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 45 của ĐGH Bênêđictô XVI | G.B. Lưu Văn Lộc chuyển ngữ
  "Truyền thông trong Mục vụ và Truyền giáo" (10) | Lm. Franz-Josef Eilers, SVD
  "Truyền thông trong Mục vụ và Truyền giáo" (9) | Lm. Franz-Josef Eilers, SVD
  "Truyền thông trong Mục vụ và Truyền giáo" (8) | Lm. Franz-Josef Eilers, SVD
  "Truyền thông trong Mục vụ và Truyền giáo" (7) | Lm. Franz-Josef Eilers, SVD
  "Truyền thông trong Mục vụ và Truyền giáo" (6) | Lm. Franz-Josef Eilers, SVD
  "Truyền thông trong Mục vụ và Truyền giáo" (5) | Lm. Franz-Josef Eilers, SVD
  "Truyền thông trong Mục vụ và Truyền giáo" (4) | Lm. Franz-Josef Eilers, SVD
  "Truyền thông trong Mục vụ và Truyền giáo" (3) | Lm. Franz-Josef Eilers, SVD
  "Truyền thông trong Mục vụ và Truyền giáo" (2) | Lm. Franz-Josef Eilers, SVD
  "Truyền thông trong Mục vụ và Truyền giáo" (1) | Lm. Franz-Josef Eilers, SVD
  Giới thiệu sách "Truyền thông trong Mục vụ và Truyền giáo" của Lm. Franz-Josef Eilers, SVD
  Đạo đức trong Internet
  Đạo đức trong quảng cáo
  Đạo đức trong truyền thông
  Giáo Hội và Internet
  Huấn thị Mục vụ Thời đại mới (Aetatis Novae) về việc truyền thông xã hội
Tìm kiếm trong phần Tin - Bài này
 [Tìm tên bài, tên tác giả, nội dung...]
Ngày 22 tháng 10 năm Giáp Thìn
Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 11-2024
Cầu nguyện cho những người đã mất con
Chúng ta hãy cầu nguyện để tất cả những người cha mẹ phải than khóc vì cái chết của người con trai hay con gái, tìm thấy sự nâng đỡ của cộng đoàn và nhận được từ Thánh Thần an ủi sự bình an trong tâm hồn.
For those who have lost a child
The prayer intention for the month of November is for “all parents who mourn the loss of a son or daughter.”
SUY NIỆM TIN MỪNG

Phim - Nhạc - Suy niệm
Xem chuyên mục Media Online
Từ Điển Online:     

Truyền Tin

Email: tt.march25@gmail.com

Website: truyen-tin.net

Online since: May 2010

Tìm kiếm nội dung
(Gõ từ khóa vào vào khung dưới đây)
Tìm kiếm trong Google
Nhấn vào >> Google Search

Liên hệ

Đặt làm trang chủ

@