Mục đích của cuộc đời là trải rộng hạnh phúc.

Maharishi Mahest Yogi
Truyen-tin.net - Sơ lược dữ kiện:

  • ♥ Tiểu sử Các Thánh: 272
  • ♥ Các Bài đọc thánh lễ: 772
  • ♥ Văn hoá, nghệ thuật: 1154
  • ♥ Tin tức, chuyên đề... 15439
  • ♥ Thư viện hình ảnh: 6916
  • ♥ Suy niệm Lới Chúa: 784
  • ♥ Video: 2269
  • ♥ Tài liệu tham khảo: 780

... cùng những sưu tập khác.
tt
Laudetur Jesus Christus - Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô NewsFeed
-
TÀI LIỆU » Nghiên Cứu
Back TRỞ LẠI (Cập nhật: 02/03/2013 9:40:43 CH)
A  A  A
Hình thành "làng Kontum" như mốc thời gian để định giá tình hình Tây Nguyên
Xin giới thiệu bài nguyên cứu “HÌNH THÀNH “LÀNG KONTUM” NHƯ MỐC THỜI GIAN để định giá tình hình Tây Nguyên” của Linh mục Gioankim NGUYỄN HOÀNG SƠN. Đây là đề tài nguyên cứu để đánh dấu mừng 165 năm, ngày bước chân Thầy Sáu Do khởi đầu hành trình tìm đường lên vùng đất dân tộc Tây Nguyên (1848-2013); ghi nhớ 160 năm, ngày 3 người dân tộc đầu tiên lãnh Bí tích Thánh Tẩy trở nên con Chúa (1853-2013); kỷ niệm 80 năm ngày thụ phong Giám mục Tông toà đầu tiên, Đức cha Jannin Phước (1933-2013)…; đặc biệt kỷ niệm 100 năm xây dựng ngôi Thánh đường Giáo xứ Kontum. Ngôi Thánh đường này được gọi “NHÀ THỜ CHÍNH TOÀ KONTUM” khi Toà Thánh thiết lập Địa phân Tông toà Kontum (1932). Ngày nay, người dân thường gọi ngôi Thánh đường này là “NHÀ THỜ GỖ”. Dù được mang nhiều tên gọi khác nhau, “NHÀ THỜ CHÍNH TOÀ KONTUM” này là Trung tâm Phụng tự của toàn Giáo phận, là điểm tới của khách du lịch trong và ngoài nước. Đây vừa là một công trình có tính VĂN HOÁ DÂN TỘC, vừa là một công trình kiến trúc có một không hai trên vùng đất Tây Nguyên nói chung và Giáo phận Kontum nói riêng tồn tại 100 năm (1913-2013), toạ lạc tại LÀNG KONTUM XƯA CÒN TỒN TẠI ĐẾN NAY.

Tác giả trình bày TẦM QUAN TRỌNG CỦA “LÀNG KONTUM” NHƯ MỘT TRONG NHỮNG DẤU ẤN CHỨNG TỪ SỰ HIỆN DIỆN CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO TRÊN TÂY NGUYÊN, với chuyên đề “HÌNH THÀNH “LÀNG KONTUM” NHƯ MỐC THỜI GIAN để định giá tình hình Tây Nguyên”.

***

HÌNH THÀNH “LÀNG KONTUM” NHƯ MỐC THỜI GIAN
ĐỊNH GIÁ TÌNH HÌNH TÂY NGUYÊN

 
KONTUM - tỉnh Kontum, thành phố Kontum - ngay cả tên và địa bàn làng Kontum không còn xa lạ đối với nhiều người trong và ngoài nước trong những thập kỷ vừa qua, vì nhờ phương tiện truyền thông, xu hướng du lịch sinh thái đã được phổ biến rộng rãi. Nhà thờ Chính toà Kontum toạ lạc tại làng Kontum Kơ-nâm như một điểm du lịch vì cấu trúc của công trình kiến trúc có dáng dấp miền núi, được xây dựng bằng danh mộc của rừng Tây Nguyên. Có thể nói, Nhà thờ Chính toà là điểm thu hút khách thập phương đến Kontum để chiêm ngắm, tìm hiểu, và ai ai cũng thán phục coi đây như một mô hình kiến trúc bằng gỗ to lớn còn bảo tồn tròn 100 năm kể từ ngày khởi công (năm 1913). Làng Kontum từ khai lập và mang địa danh KONTUM (từ năm 1856) đến nay (năm 2013) trọn 157 năm vẫn còn đó, chưa nói nó được manh nha và diễn tiến quy hợp cư dân đến chung sống từ những năm trước đó nữa. Nhưng thử hỏi có được bao nhiêu người tìm hiểu đến nơi đến chốn NGUỒN GỐC, VIỆC HÌNH THÀNH VÀ TẦM QUAN TRỌNG “LÀNG KONTUM” TRONG HIỆN TÌNH LỊCH SỬ TRÊN VÙNG ĐẤT TÂY NGUYÊN XUYÊN SUỐT NHỮNG THẾ KỶ XV - XIX CHƯA? Trong phần trình bày về NGUỒN GỐC “KONTUM”, chúng tôi KHÁI QUÁT đặt lại vấn đề tại sao ĐỊA DANH KONTUM vốn là một làng nhỏ như bao làng khác mà dần dần chiếm chỗ đứng trong toàn vùng, thành một địa phận và một tỉnh từ năm 1913, mà hôm nay làm cho nhiều nhà nghiên cứu về Tây Nguyên quan tâm, chưa nói đến chính quyền dồn hết công sức chỉnh trang bộ mặt thành phố, xây dựng một số công trình công cộng để đón mừng kỷ niệm 100 năm (1913-2013) thành lập tỉnh nhà trong năm 2013. Chúng tôi đã trình bày khá chi tiết trong một tài liệu có tựa đề: “KONTUM, MỘT ĐỊA DANH MANG TÍNH DÂN TỘC VÀ TÔN GIÁO”. Trong bài nghiên cứu lần này, chúng tôi xin trình bày HÌNH THÀNH “LÀNG KONTUM” NHƯ MỐC THỜI GIAN để định giá tình hình Tây Nguyên trước và sau ĐIỂM MỐC THỜI GIAN đó như thế nào.
 
LÀNG KONTUM LÀ MỘT THỰC THỂ CÓ TÍNH LỊCH SỬ
 
Phải thú nhận rằng nói đến tên làng Kontum hoặc viết nêu tên làng Kontum thì khá nhiều và khá lâu đời, nhưng tìm hiểu thấu đáo về CỘI NGUỒN HÌNH THÀNH “LÀNG KONTUM” vào thời kỳ khai tạo của nó thì quá ít hoặc vẫn chưa tổng hợp chặt chẽ mọi khía cạnh cần thiết, nhưng chỉ khẳng định chung chung làm khung địa lý chính trị xã hội cho những phần khai triển khác. Một số bài nghiên cứu về việc hình thành làng Kontum đã bỏ qua một số yếu tố căn bản khi dựa vào tài liệu đi trước hầu phục vụ quan điểm chính trị. Ở đây chúng tôi không có tham vọng trình bày đầy đủ về nguồn gốc khai lập làng Kontum, nhưng đơn giản đặt vấn đề và mon men bám sát dựa vào các văn bản mà chúng tôi đang có cũng như một vài lời chứng của người dân khi chúng tôi đi khảo sát tìm hiểu một số địa danh cần thiết để làm sáng tỏ phần nào NGUỒN GỐC “LÀNG KONTUM” vào thời kỳ đầu đời của nó - và chúng tôi đã làm và trình bày qua những chuyên đề trước đây. Mặt khác, chúng tôi nêu lên vấn đề để tiếp tục tìm hiểu. Vì thế, chúng tôi cũng mong quý nhà nghiên cứu có những văn bản hay những chứng cứ lịch sử về NGUỒN GỐC LÀNG KONTUM phổ biến rộng rãi, làm nền tảng cho một cuộc sống sinh động nhân dịp mừng 100 tuổi (1913-2013) của tỉnh nhà.
 
PHƯƠNG PHÁP CHÚNG TÔI DÙNG ĐỂ TRÌNH BÀY ĐỀ TÀI
 
1. Thời gian hình thành “Làng Kontum


Kể gốc tích làng Kontum[1]

Làng Kontum khỉ sự theo đạo từ năm 1856. Song trước hết phải biết rằng: chừng quãng năm 1800 sau Chúa giáng sinh chưa có làng Kontum, chỉ có làng Kontrang-ôr ở gần bên sông, chỗ gọi là: Dak Lai, bây giờ gọi là Chuoh Reng; chỗ đó có cây xoài lớn bây giờ vẫn còn. Làng Kontrang-ôr đời ấy đông lắm, phỏng có tới ngàn nhơn số; có nhiều người làm côi cả trong làng, nhứt là: Mung, Bung, Loih và Jă-Xi. Mung, Bung và Loih, có tính chơi bời ăn uống, cùng có lòng hung bạo chẳng kiên nể ai, hay sinh sự làm giặc, nhứt là hay đi đánh ngả Jơlơng, cướp của, bắt người bán cho Lào, nên chúng nó giàu có. Còn Jăxi, có tính hiền từ chơn chất, nên sút hơn, và cũng hay bị lũ kia ăn hiếp.

2. Duyệt xét một số văn bản và bản đồ có nói đến vùng Tây Nguyên từ đời vua Lê Thánh Tông tiến công đánh quân Chàm (1471) chiếm được Núi Thạch Bi đến thời kỳ các linh mục thừa sai lên truyền giáo tại Tây Nguyên (năm 1851).

3. Khai triển đề tài dựa vào những văn bản như: “Les Sauvages Ba-nars” của P. Dourisboure, MEP; Nguyệt san của Giáo phận Kontum “Hlabar Tơbang”, năm 1917, trang 45-48; năm 1918 trang 65-66; tác phẩm “Mở đạo Kontum”, được Đức cha Jannin, Đại diện Tông toà Kontum, chuẩn y vào ngày 10-2-1933, của  hai vị linh mục đồng  tác giả là Cha P. Ban và S. Thiệt, Nhà In Qui-nhơn; bài nghiên cứu  có tựa đề “Kontum Tỉnh Chí” của  ông Quản đạo Võ  Chuẩn, viết xong tại Kontum vào 24-10-1933, được in trong Nam Phong số 191, Décembre 1933; và dựa vào một số bản đồ có ghi dấu ấn về NGUỒN GỐC “LÀNG KONTUM”.

Chúng tôi xin liệt kê vài văn bản và một số bản đồ liên quan đến đề tài chúng tôi nghiên cứu trong ba phần chính sau đây:

PHẦN I: NHỮNG TÀI LIỆU ĐỀ CẬP TÂY NGUYÊN TRƯỚC KHI ĐỊA DANH KONTUM XUẤT HIỆN
 
PHẦN II: NHỮNG TÀI LIỆU CÓ ĐỀ CẬP “LÀNG KONTUM” VÀ TRÌNH BÀY NGUỒN GỐC.
 
PHẦN III: TẦM QUAN TRỌNG CỦA LÀNG KONTUM TRONG VỊ THẾ ĐẠO VÀ ĐỜI

***
 
PHẦN I
 
NHỮNG TÀI LIỆU ĐỀ CẬP TÂY NGUYÊN
TRƯỚC KHI ĐỊA DANH KONTUM XUẤT HIỆN
 
I. Chúng tôi xin trích dẫn tài liệu “Mở Đạo Kontum” trong tiểu mục “Kể gốc tích làng Kontum” sau đây[2]:

1. “Làng Kontum khỉ sự theo đạo từ năm 1856. Song trước hết phải biết rằng: chừng quãng năm 1800 sau Chúa ra đời chưa có làng Kontum, chỉ có làng Kontrang-ôr ở gần bên sông, chỗ gọi là: Dak Lai, bây giờ kêu là Chuoh Reng; chỗ đó có cây xoài lớn bây giờ cũng hãy còn. Làng Kontrang-ôr đời ấy đông lắm, phỏng có tới ngàn nhơn số; có nhiều người làm côi cả trong làng, nhứt là: Mung, Bung, Loih và Jă-Xi. Mung, Bung và Loih, có tính chơi bời ăn uống, cùng có lòng hung bạo chẳng kiên nể ai, hay sinh sự làm giặc, nhứt là hay đi đánh ngả Jơlơng, cướp của, bắt người bán cho Lào, nên chúng nó giàu có. Còn Jăxi, có tính hiền từ chơn chất, nên sút hơn, và cũng hay bị lũ kia ăn hiếp”.

2. Theo tài liệu “Mở Đạo Kontum“ vừa trích dẫn, trước 1856, chưa có làng Kontum. Vậy, Tây Nguyên những giai đoạn trước đó như thế nào? Cục diện chính trị xã hội Âu Á từ thế kỷ XV trở về sau này làm sao?

Nhìn chung vào cục diện chính trị xã hội Âu Á từ thế kỷ XV trở về sau này, một mặt bảo vệ ngoại xâm, đồng thời có xu hướng đi tìm thuộc địa, khai thác tài nguyên cũng như nhân lực vật lực đem về làm giàu cho bản xứ mình. Họ dùng nhiều cách thế và thủ đoạn cho chính sách họ vạch ra với nhiều chiêu bài rêu rao tốt đẹp: nào là nam tiếm, bắc tiến, tây tiến, đi khai hoá… Chúng tôi không theo dòng thời gian để nhận định hay phê phán chủ thuyết thực dân đó, cho bằng phân tích thực tại biến cố đã xảy ra như “đối tượng lịch sử sẵn có đó”.

3. Phú Yên trái độn và phát triển tự do (1471-1578: 107 năm). Nói đến nam tiến, tây tiến không thể nào không lấy mốc thời đại của vua Lê Thánh Tông (1471).

Thời kỳ vua Lê Thánh Tông[3]

Lê Thánh Tông (chữ Hán: 黎聖宗; 20 tháng 7 năm Nhâm Tuất 1442 - 30 tháng 1 năm Đinh Tỵ 1497), là vị Hoàng đế thứ năm của nhà Hậu Lê (tính cả Lê Bang Cơ và Lạng Sơn vương Lê Nghi Dân) trong lịch sử Việt Nam, trị vì từ năm 1460 đến 1497. Ông tên thật là Lê Tư Thành (黎思誠), còn có tên khác là Lê Hạo (黎灝). Ông nổi tiếng là vị minh quân, là người đã đưa Đại Việt lên tới thời hoàng kim của chế độ phong kiến. Ông cũng được xem là một nhà văn hoá và một người coi trọng hiền tài.

Trong lúc trị vì, Lê Thánh Tông đã đề xuất nhiều cải cách trong hệ thống quân sự, hành chính, kinh tế, giáo dục và luật pháp. Ngoài ra, ông đã tiến hành công cuộc Nam tiến, mở mang bờ cõi Đại Việt bằng cách đánh chiếm kinh đô của vương quốc Chiêm Thành (1471), sáp nhập một phần lãnh thổ Chiêm Thành vào Đại Việt; đồng thời có cuộc hành quân về phía Tây đất nước vào năm 1479.

Sách Đại Việt Sử Ký Toàn thư cũng nói về sự thắng trận và cách phân ranh cai trị khá rõ, tóm tắt như sau:

“Ngày 27, vua thân đem đại quân đánh phá thành Thị Nại (nay là Qui Nhơn). Ngày 28 vua tiến vây thành Chà Bàn ngày 29, vây sát thành mấy vòng. Tháng 3 ngày mồng 1 (năm tân mão, 1471), hạ được thành Chà Bàn, bắt sống được Trà Toàn rồi đem quân về”… “Trà Toàn đã bị bắt, tướng là Bô Trì Trì chạy đến Phiên Lung (Phan Rang ngày nay), giữ lấy đất ấy, xưng là vua Chiêm Thành. Trì Trì lấy được 1 phần 5 đất của nước Chiêm Thành, sai sứ sang xưng thần tiến cống. Vua phong làm vương. Vua lại phong vương cho Hoa Anh và Nam Bàn, làm 3 nước để ràng buộc”.

Tác giả Nguyễn Đình Đầu kết luận vùng đất từ đèo Cù Mông tới Đèo Cả vẫn để trống. Có lẽ triều đình coi đó là đất ki mi (để ràng buộc) mà thôi.

“Như thế, địa bàn tỉnh Phú Yên, trong suốt thời gian 107 năm đó, còn là đất ki mi để cho tự do phát triển, tuy đã thuộc vào cương vực Đại Việt”.[4]

4. Vùng đất tây Phú Yên được vua Lê Thánh Tông (1471) phong vương làm nước Nam Bàn, vẫn là vùng đất ki mi để cho tự do phát triển, và thực chất chưa đặt cơ chế quan lại cai trị, dù được coi như đã sáp nhập thuộc vào cương vực Đại Viêt.

5. Vùng tây Phú Yên đến nước Nam Bàn như thế nào?

Sau đây Lê Quý Đôn đã mô tả đường phía tây đi tới nước Nam Bàn khá minh bạch phải nhờ “Cựu cai đội Văn Thế Nghi đã từng lãnh ba đội Nội phủ sơn trường, Thám sơn thủ hương, Tâm Am sơn. Ba đội này từng đi vào các sơn đầu để tìm kiếm kỳ nam hương. (…) “Lại từ đây (suối Hà Trôi), người ta đưa tiền hay của cải thuê người Man, nhờ dẫn đường theo sơn lộ đi 14 ngày nữa thì đến nơi có hai vị Thuỷ Vương và Hoả Vương nước Nam Bàn. Nước này có hơn 50 thôn lệ thuộc”.[5]

Tác giả Nguyễn Đình Đầu sau khi trình bày tìm đường đến nước Nam Bàn cần những người tìm kỳ nam hương, đưa tiền thuê người Man dẫn đến nước Nam Bàn: “Còn nơi đóng đô” của Thuỷ Xá và Hoả Xá thì nay cũng xác định rõ là ở thượng nguồn sông Đà Rằng trong tỉnh Gialai Kontum[6].

6. Sau khi chiêu dụ được, chúa Nguyễn cho áp dụng kế sách “ràng buộc nước nhỏ” Nam Bàn được thực hiện qua địa bàn Phú Yên. Tác giả viết như sau: “Trong thời gian họ Nguyễn phủ trị nhân dân miền Nam, thì thường thường cứ 5 năm một lần, chúa Nguyễn sai hai chức cai đội ở Phú Yên làm chánh và phó sứ mang các vật hạng như áo gấm, mão, nồi đồng, khóa sắt, đồ sứ, bát đĩa lên cho vị vua ở Nam Bàn, và đòi hỏi vua ấy phải nạp lễ cống hiến và thuế cho triều đình Chúa Nguyễn”.[7]

Bản  đồ của Hồng Đức ghi những địa danh vùng đất phía tây Phú Yên còn mập mờ: “vì tới đầu năm sau (1471), Lê Thánh Tông đã hành quân qua Đèo Cả trên núi Đại Lãnh và cho lấy núi Đá Bi làm ranh giới Nước Đại Việt với phần Chiêm Thành còn lại”[8].
 

(Hình số 01. Bản đồ “Hồng Đức Bản Đồ”)

Nghiên cứu bản đồ “Hồng Đức Bản Đồ” (xem hình số 01) do các tác giả: Bửu Cẩm, Đỗ Văn Anh, Phạm Huy Thuý, Tạ Quang Phát và Trương Bửu Lâm, Bộ Quốc Gia Giáo Dục, Sài Gòn năm 1962. được phổ biến trong tủ sách Viện Khảo Cổ, số III. Theo bản đồ này, Nam giáp Lung Lang (giới). Trong phần ghi chú (1), các tác giả trên đây cho rằng địa danh Lung Lang “có lẽ là một cách phiên âm những chữ Ran-Ran: tiểu vương quốc Panduranga của Chiêm Thành. Trong địa đồ của Alexandre de Rhodes năm 1653, chúng ta thấy có ghi: Province de Ran-Ran. Nhưng đây chỉ là một giả thuyết hơi gượng gạo”[9]. Theo bản đồ này, phía tây là giáp Ai-lao giới[10].

* Bản đồ Regnũ Annam (Vương Quốc Annam) do Cha Đắc Lộ vẽ và ấn hành năm 1650 các địa danh ghi bằng chữ La Tinh và cách bố trí khu vực 4 phương theo cách của Bản đồ Hồng Đức.


 
(Hình 02. Bản đồ Regnũ Annam (Vương Quốc Annam) do Cha Đắc Lộ vẽ và ấn hành năm 1650)

Phía tây là Cambogiae Pars và Laorvm Pars và giữa phần đất Cambogia và Laos này với dãy núi phía đông là Solitudo (hoang địa). Vùng đất được gọi là “solitudo” nằm bên tả ngạn sông Mê-Kông hiện nay các cư dân dân tộc bản địa Tây Nguyên đang sinh sống.

* Nhưng bản đồ Vương Quốc Annam do Cha Đắc Lộ vẽ và ấn hành vào năm 1651 ghi địa danh bằng tiếng Pháp cổ và vùng phía Tây Vương Quốc Annam ghi là “Solitude en desert de la Cocinchina” (hoang địa) và phía đông của vùng hoang địa này, có ghi thêm“Les Kemoys”: 



(Hình 03. Bản đồ Vương Quốc Annam do Cha Đắc Lộ vẽ và ấn hành vào năm 1651)




(Hình số 04. Bản đồ Đại Nam Nhất thống Toàn Đồ 1834)

Bản đồ Đại Nam Nhất thống Toàn Đồ (1834) chưa ghi rõ vùng núi giữa sông Cả Mêkông phía Tây và vùng đồng bằng nằm phía đông.
 

(Hình số 05. Bản đồ Annam Đại Quốc Hoạ Đồ của Taberd
ấn hành năm 1838, nhưng vẽ trước năm 1832)

 
7. Bản đồ Annam Đại Quốc Hoạ Đồ của Taberd ấn hành năm 1838, nhưng vẽ trước năm 1832 và vùng phía tây tỉnh Bình Bình (vào năm 1832) có ghi COCINCINA INTERIOR SEU ANNAM ĐÀNG TRONG. Theo bản đồ này, biên giới phía tây Annam Đại Quốc giáp nước Xiêm. Ngoài ra, bản đồ có ghi một số tên bộ tộc dân tộc như Mọi Đá Hàm, Mọi Đá Vách, tuyệt nhiên không có địa danh KONTUM[11].
 
8. Bản đồ các vị thừa sai vẽ vào năm 1854 địa danh một số trung tâm truyền giáo như Kon Kơxâm, Kon Rơhai, Kon Trang...  nhưng địa danh KONTUM vẫn chưa được ghi  trên bản đồ: 



(Hình số 06. Bản đồ các vị thừa sai vẽ vào năm 1854)
 
9. Chúng tôi vừa trình bày Tây Nguyên cùng một số địa danh được ghi nhận trong các bản đồ cổ xưa. Chúng tôi tóm tắt chính sách chúa Nguyễn đối với các cư dân trên vùng đất phía tây Phú Yên là “chế ngự mán mèo”[12], nhưng sâu sát hơn có thể nói cách thức phủ dụ của chúa Nguyễn chia ra 2 kế sách chính: đối với nước Nam Bàn và đối với các bộ tộc mán mèo phía Bắc Tây Nguyên ngày nay.

10. Đối với nước Nam Bàn (vua Lửa Vua Nước) kế sách “phủ dụ”, “ràng buộc nước nhỏ”[13] và “trao đổi tặng phẩm để rồi đòi hỏi phục quyền, đóng thuế cho triều đình”.

Các Vua nước Nam Bàn không phải lúc nào cũng chịu triều cống cho Đại Việt và triều đình nhà Nguyễn.

(1) Chúng tôi xin ghi lại đây nội tình an ninh vùng đất Tây Nguyên và nước Nam Bàn thời gian trước thế kỷ XIX[14].

Trước thế kỷ XIX: Tuy nhiên, để hiểu xuyên suốt được phần nào nội tình an ninh xã hội chính trị trên đất Tây Nguyên nói chung trước thế kỷ XIX[15], chúng tôi xin trích đoạn bài nghiên cứu được đăng trên trang mạng Bách Khoa Toàn Thư mở Wikipedia sau đây.

Lịch sử hình thành

Trước thế kỷ 19

Vùng đất Tây Nguyên từ xưa vốn là vùng đất tự trị, địa bàn sinh sống của các bộ tộc thiểu số, chưa phát triển thành một quốc gia hoàn chỉnh. Do đất rộng, người thưa, các bộ tộc thiểu số ở đây thỉnh thoảng trở thành nạn nhân trước các cuộc tấn công của vương quốc Champa ở phía đông hoặc Chân Lạp ở phía tây nhằm cướp bóc và bắt nô lệ. Tháng 2 năm Tân Mão niên hiệu Hồng Đức thứ 2 (1471), vua Lê Thánh Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành, phá được thành Chà Bàn, bắt sống vua Champa là Trà Toàn, sáp nhập 3 phần 5 lãnh thổ Champa thời đó vào Đại Việt. Hai phần Champa còn lại, được Lê Thánh Tông chia thành các tiểu quốc nhỏ thuần phục Đại Việt. Phần đất Phan Lung (tức Phan Rang ngày nay) do viên tướng Chăm là Bồ Trì trấn giữ, được vua Lê coi là phần kế thừa của vương quốc Chiêm Thành. Một phần đất nay là tỉnh Phú Yên, Lê Thánh Tông phong cho Hoa Anh vương tạo nên nước Nam Hoa. Vùng đất phía Tây núi Thạch Bi, tức miền bắc Tây Nguyên ngày nay được lập thành nước Nam Bàn, vua nước này được phong là Nam Bàn vương.

Sau khi Chúa Nguyễn Hoàng xây dựng vùng cát cứ phía Nam, các chúa Nguyễn ra sức loại trừ các ảnh hưởng còn lại của Champa và cũng phái một số sứ đoàn để thiết lập quyền lực ở khu vực Tây Nguyên. Các bộ tộc thiểu số ở đây dễ dàng chuyển sang chịu sự bảo hộ của người Việt, vốn không có thói quen buôn bán nô lệ. Tuy nhiên, các bộ tộc ở đây vẫn còn manh mún và mục tiêu của các chúa Nguyễn nhắm trước đến các vùng đồng bằng, nên chỉ thiết lập quyền lực rất lỏng lẻo ở đây. Trong một số tài liệu vào thế kỷ 16,17 đã có những ghi nhận về các bộ tộc Mọi Đá Vách (Hré), Mọi Hời (Hroi, Kor, Bru, Ktu và Pacoh), Mọi Đá Hàm (Djarai), Mọi Bồ Nông (Mnong) và Bồ Van (Rhadé Epan), Mọi Vị (Raglai) và Mọi Bà Rịa (Mạ) để chỉ các bộ tộc thiểu số sinh trú ở vùng Nam Tây Nguyên ngày nay.

Tuy sự ràng buộc lỏng lẻo, nhưng về danh nghĩa, vùng đất Tây Nguyên vẫn thuộc phạm vi bảo hộ của các chúa Nguyễn. Thời nhà Tây Sơn, rất nhiều chiến binh thuộc các bộ tộc thiểu số Tây Nguyên gia nhập quân Tây Sơn, đặc biệt với đội tượng binh nổi tiếng trong cuộc hành quân của Quang Trung tiến công ra Bắc xuân Kỷ Dậu (1789). Tây Sơn thượng đạo, vùng đất phía Tây đèo An Khê là một căn cứ chuẩn bị lực lượng cho quân Tây Sơn thủơ ban đầu. Người lãnh đạo việc hậu cần này của quân Tây Sơn là người vợ dân tộc Ba Na của Nguyễn Nhạc.

(2) Thời nhà Nguyễn

Sang đến triều nhà Nguyễn, quy chế bảo hộ trên danh nghĩa dành cho Tây Nguyên vẫn không thay đổi nhiều, mặc dù vua Minh Mạng có đưa phần lãnh thổ Tây Nguyên vào bản đồ Việt Nam (Đại Nam nhất thống toàn đồ - 1834). Người Việt vẫn chú yếu khai thác miền đồng bằng nhiều hơn, đặc biệt ở các vùng miền Đông Nam Bộ ngày nay, đã đẩy các bộ tộc thiểu số bán sơn địa lên hẳn vùng Tây Nguyên (như trường hợp bộ tộc Mạ). Trong cuốn Đại Việt địa dư toàn biên, Phương Đình Nguyễn Văn Siêu có viết: Thuỷ Xá, Hoả Xá ở ngoài cõi Nam Bàn nước Chiêm Thành. Bấy giờ trong Thượng đạo tỉnh Phú An có núi Bà Nam rất cao. Thuỷ Xá ở phía Đông núi ấy,… Hoả Xá ở phía Tây núi ấy, phía Tây tiếp giáp với xứ Sơn Bốc sở nam nước Chân Lạp, phía Nam thì là Lạc man (những tộc người du cư). Phía trên là sông Đại Giang, phía dưới là sông Ba Giang làm giới hạn bờ cõi hai nước ấy…

11. Kế sách an ninh đối với các cư dân mán lèo bắc Tây nguyên như thế nào?

(1) Trường Luỹ Quảng Ngãi[16]

Các cư dân phía bắc Tây Nguyên dưới triều Nguyễn: “canh phòng và trấn áp”, đắp “luỹ Bình Man” từ phía nam Quảng Ngãi kéo dài đến bắc tỉnh Bình Định ngày nay để ngăn chặn các bộ tộc cư trú trong các vách núi phía tây tràn xuống đồng bằng cướp phá.

Để ngăn nguy cơ “bị uy hiếp, tràn lấn của ác man Đá Vách”, kể từ năm Gia Long thứ 18 (1819), Tả quân Lê Văn Duyệt đã cho đắp “luỹ BìnhMan.”

 
(Hình số 07. Một đoạn Trường Luỹ Quảng Ngãi)
 
Trường Luỹ Quảng Ngãi (gọi tắt là Trường Luỹ), hay Trường Luỹ Quảng Ngãi - Bình Định, Tĩnh Man trường luỹ (gọi theo sử Nguyễn); đều là tên gọi của một công trình kiến trúc lớn, đa dạng, nhiều phần được làm bằng đá hoặc đất, chạy dọc theo đường thượng đạo xưa từ Quảng Ngãi đến Bình Định, bắt đầu từ huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) đến huyện An Lão (Bình Định) thuộc Việt Nam. Theo nhiều nhà nghiên cứu, thì đây là một trường lũy dài nhất Đông Nam Á.

Lịch sử

Theo các nhà nghiên cứu gần đây, trong đó có GS. Phan Huy Lê, thì luỹ khởi xây từ thế kỷ 17 thời các chúa Nguyễn với tính cách phòng thủ quân sự. Sang thế kỷ sau, vì nhiều nguyên nhân, một số dân tộc ở Đá Vách (Quảng Ngãi, phần đông là tộc người H’rê) đã nổi lên chống đối triều đình. Đến triều Gia Long thì cuộc xung đột càng quyết liệt hơn. Sách Quốc triều sử toát yếu (phần Chính biên) chép:

Tháng 4 năm Quý Hợi (1803), Lê Văn Duyệt phá tan mọi Đá Vách. Ngài (Gia Long) hạ chiếu khen thưởng.

Mặc dù phải dùng biện pháp quân sự, triều đình vẫn không sao tiêu diệt được. Suốt các triều đại kế tiếp từ Minh Mệnh đến Tự Đức quan quân phải hao binh tướng đánh dẹp. Mãi cho đến khi thực dân Pháp xâm chiếm Việt Nam, vùng Đá Vách vẫn có nhiều biến loạn. Triều đình phải dùng cả thế công lẫn thế thủ nên một mặt phái quân lên tiễu trừ, mặt kia thì củng cố và khuếch trương thêm dãy luỹ cũ.


 
Hình số 08 - Chân dung Tả quân Lê Văn Duyệt trên tờ 100 đồng in năm 1966.
Ông là người có công lớn trong việc bồi đắp Trường Luỹ Quảng Ngãi.


Theo sử nhà Nguyễn thì để ngăn nguy cơ “bị uy hiếp, tràn lấn của ác man Đá Vách”, kể từ năm Gia Long thứ 18 (1819), Tả quân Lê Văn Duyệt đã cho đắp “Luỹ Bình Man”. Sách Vũ Man tạp lục thư (in năm 1898 triều Thành Thái) của Tĩnh Man tiễu phủ sứ Nguyễn Tấn chép rõ:

Năm Gia Long thứ 18 (1819), Lê Văn Duyệt tâu xin xây Trường lũy, nam giáp ranh giới huyện Bồng Sơn, tỉnh Bình Định; bắc giáp ranh giới huyện Hà Đông (thuộc phủ Tam Kỳ), tỉnh Quảng Nam. Dọc theo luỹ có đào hào trồng tre, trước luỹ là vùng Man, sau luỹ có xây đồn…

Sách Viêm Giao trưng cổ ký (Ghi chép sưu tập di tích cổ nước Nam) của Tổng tài Quốc sử quán Cao Xuân Dục, hoàn thành năm1900, cũng chép tương tự:

Năm thứ 18 (1819), Chưởng Tả quân Lê Văn Duyệt đắp Trường luỹ, trồng hàng rào, đào hào chắn… Trải lâu năm luỹ bị đổ nát, nhiều toán quân Man vượt quan lũy đến cướp bóc các làng dưới xuôi. Năm Tự Đức thứ 8 (1855), trùng tu Trường Luỹ.

Căn cứ theo đó thì Trường Luỹ có từ xưa nhưng được xây dựng thêm vào triều Gia Long - Minh Mạng. Hai vị có công nhiều nhất trong việc kiến thiết và trùng tu là Lê Văn Duyệt và Nguyễn Tấn; cả hai đều xuất thân ở Quảng Ngãi. Việc xây cất kéo dài đến nửa cuối thế kỷ 19 như ghi lại trong Đại Nam thực lục:

Tháng 4 năm Bính Thìn (1856), “dân hơn 60 xã, thôn, trại, ấp ở ba huyện Bình Sơn, Chương Nghĩa (nay là Tư Nghĩa), Mộ Đức ủy người về kinh (Huế) kêu xin, vì tình hình khổ quá, (mà) phải đi đắp đê dài… công việc quá nặng, khó gánh chịu nổi”. Tháng 3 năm sau (1857), bố chính Quảng Ngãi là Phạm Tỉnh lại tâu xin đắp “Trường luỹ” một cách quy mô, tập trung ngót 2.500 binh lính và huy động dân đinh 3 huyện 3.700 người. Tự Đức đồng ý, lại còn ra lệnh khẩn trương sửa đắp xong trong trong ba tháng.

(2) Triều Nguyễn cố gắng thu phục dân “mọi” Tây Nguyên. Năm 1540, ông Bùi Tá Hán làm trấn tiết xứ Quảng Nam, kiêm quản các dân Mọi, nhưng thất bại.

Năm 1840, niên hiệu Thiệu Trị, triều đình Huế đặt lên một người mọi Bahnar tên là Khiêm. Mọi kêu la Bok Piơm - làm quan thổ cai quản các dân Mọi[17]. Phương thức cai trị dân tộc Bắc Tây Nguyên là dùng người bản địa làm trung gian để thống trị người bản địa, nhưng không đạt như ý muốn, ví ông Khiêm không tuân phục các quan lại người Annam. Cuộc trao đổi giữa ông với các Vị Thừa sai đã khẳng định điều đó[18]: “Các ông là ai? Các ông từ đâu đến? các ông có vẻ là những nhân vật quan trọng, vậy lý do nào đã khiến các ông dấn thần vào một cuộc hành trình vất vả như thế này? Chắc hẳn hai là những người Kinh ở một tỉnh rất xa? Tôi chưa từng thấy người nào có làn da trắng đến thế! Và điều này làm tôi xúc động khi thấy hai ông lưu lạc trong cái xứ khốn khổ như thế này! Hãy thành thực nói với tôi. Tôi cảm thấy mến các ông rồi đó! ở đây, vùng đất của người Bahnar, các ông chẳng có gì phải sợ, dù cho các ông đã phạm phải chuyện gì ở đâu mặt kệ. Tôi đây kể như là vua của cả vùng này, ngay cả người kinh cũng sẽ không đụng đến được một sợi tóc của các ông, nếu có tôi bảo vệ các ông”.

Kể cả sau khi Pháp đặt chân đến Tây nguyên, an ninh tại vùng đất Bắc Tây Nguyên cũng không như mong muốn, nhiều làng cũng không tránh khỏi cướp của giết người[19].

(3) “Trong sách có tựa đề “Les Jungles moïs” cho chúng ta thấy một phần tình hình an ninh vùng Tây Nguyên trước năm 1848, vẫn còn bất ổn, làng này đánh làng kia, chưa đầu phục quyền “Hoàng đế ta”!

“Trong sách “Les Jungles moïs” có nói rằng trước năm 1848, đã có người Chàm, người Trung Hoa, người Kmers và người Annam lui tới Kontum. Song chỉ người Chàm và người Kmers thì còn để dấu lại mà thôi, như đường đi lên núi, ít tượng đá Chàm, cách thức làm ruộng từng tầng ở trên núi…

“Lúc ấy Mọi chưa đầu phục ai, xem các sách xưa thì tưởng chừng có cống hiến cho vua Chiêm Thành, vua Cao Miên, và đức Hoàng đế ta, chứ cũng không nói rằng đầu phục đặng. Chỉ có mấy anh vua mọi Thuỷ xá, Hoả xá và Thiết xá (anh nầy ở Mọi Xà-đăng, mình ít nghe hơn) e có lẽ có một chút oai-quyền chăng?

Lúc ấy thì mán này đánh mán kia, làng này đánh làng kia, chứ không khi nào thái lình yên tĩnh đặng (…)”[20]

PHẦN II

NHỮNG TÀI LIỆU CÓ ĐỀ CẬP “LÀNG KONTUM”
VÀ TRÌNH BÀY NGUỒN GỐC
 
Chúng tôi đã trưng dẫn một số văn bản sách cổ xưa, nhất là bản đồ đã ghi lại nhiều địa danh, trình bày về thực trạng nội tình vùng Tây nguyên. Trong phần thứ hai này, chúng tôi điểm qua tài liệu trình bày địa danh “KONTUM” trong sách “Les Sauvages Ba-hnars của Cha Dourisboure và kế tiếp đến vài tài liệu về sau này liên quan nguồn gốc làng NGUỒN GỐC LÀNG KONTUM.

I. Tác phẩm đầu tiên ghi lại cuộc truyền giáo trên vùng Tây Nguyên cho các sắc tộc bản địa

1. Cha P. Dourisboure MEP (1825-1890) viết tác phẩm thời danh, có tựa đề “Les Sauvages Ba-hnars” (Cochinchine orientalle), xuất bản đầu tiên 1873, NXB Paris: E. de Soye. Sách xuất bản 

+  lần thứ 2 vào năm 1875
+  lần thứ 3 năm 1894
+  lần thứ 4 vào năm 1904
+  12 vào năm 1922
+  lần sau cùng 1929[21]


Hình số 09 – Tựa đề của nguyên tác là “LES SAUVAGES  BA-HNARS” của Dourisboure MEP

2. Tựa đề của nguyên tác là “LES SAUVAGES BA-HNARS”, trong khi đó bản dịch xuất bản lần thứ nhất đến lần cuối cùng vào  năm 2008 “DÂN LÀNG HỒ”.

Có mấy câu hỏi: Ai chủ trương dịch thuật? và đâu là ý nghĩa của tiêu đề này?

+ Cầu hỏi thứ nhất: Ai chủ trương dịch thuật?

- Thưa rằng: đó là Cha Alexis Phạm Văn Lộc, nguyên Bề trên Tiểu Chủng viện Thừa sai Kontum, chủ trương cùng một nhóm chủng sinh Kontum đảm nhận việc dịch thuật.

+ Câu hỏi thứ hai: đâu là ý nghĩa tiêu đề “DÂN LÀNG HỒ” của sách dịch?

- Ý nghĩa của tựa đề nguyên bản (LES SAUVAGES BA-HNARS). Vì nhạy cảm trong ngôn ngữ và tâm thức của thời đại hôm nay, nên Đức cha đã chuyển ý vào nội hàm trong cụm từ “DÂN LÀNG HỒ”.

- Cụm từ “DÂN LÀNG HỒ” đồng nghĩa “KON TUM” (KON = LÀNG, TUM = HỒ, là cái BÀU).

Thật vậy, khi thiết lập địa phận Đại diện Tông toà vùng Tây Nguyên tách khỏi địa phận Mẹ Qui Nhơn, Toà Thánh đã đặt tên mới là Vùng Đại diện Tông toà KON TUM.

- Trong từ điển của Cha P.X. Dourisboure in tại Nhà In Nazareth, ngày 25 tháng 3 năm 1889, trang 161 giải nghĩa từ KON: con trai, con gái… cũng có nghĩa “làng (khi dùng từ này có kèm theo tên một làng nào đó ví dụ Kon Tum có nghĩa “Làng Hồ”.

- Khi dịch tựa đề quyển sách “LES SAUVAGES  BA-HNARS”, Đức cha Alexis quản diễn rộng ý và lấy từ ”KON TUM” bao gồm cả Địa phận Tông Tòa, chẳng những người dân tộc Bahnar mà còn các dân tộc khác trong địa phận. Không còn cụm từ nào có ý nghĩa hơn là “KON TUM” diễn ý theo quyển từ điển của Cha P.X. Dourisboure như trình bày ở trên.
 
II. Chúng tôi xin trình bày về nguồn gốc “LÀNG KONTUM” như thế nào, và đâu là vai trò của LÀNG KONTUM trong quá trình phát triển Giáo hội địa phương và vùng Tây Nguyên

A. CỘI NGUỒN “LÀNG KONTUM”

Trong thư trả lời đề vào ngày 9-11-2012 của Linh mục NGUYỄN HOÀNG SƠN về NHỮNG THẮC MẮC được anh Lê Minh Sơn đặt ra và chuyên đề “ĐI VỀ TÌM DĨ VÃNG KONTRANG-ÔR”, chúng tôi đã trình bày khái quát Cội nguồn “LÀNG KONTUM” như thế nào rồi.

Chúng tôi xin lược soát lại những chứng lý chúng tôi đã trình bày qua văn bản, đi thực tế, để rồi mong quảng bá thêm nhờ một số chứng lý khác dựa vào cuộc trao đổi với những gia đình có ông bà tổ tiên xuất thân từ làng Kontum. Sau đó, chúng tôi thêm một đôi lời sự đóng góp của Giáo phận Kontum cho CUỘC SỐNG NHÂN SINH CỦA NGƯỜI DÂN TỘC MIỀN ĐẤT NÀY.

1. Hình thành làng KONTUM qua những chứng lý

a. Bằng văn bản “MỞ ĐẠO KONTUM”[22]

Chúng tôi trình bày gốc tích làng Kontum. Xin trích dẫn tài liệu “MỞ ĐẠO KONTUM” trang 113-115 như sau:

“Làng Kontum khỉ sự theo đạo từ năm 1856. Song trước hết phải biết rằng: chừng quãng năm 1800 sau Chúa ra đời chưa có làng Kontum, chỉ có làng Kontrang-ôr ở gần bên sông, chỗ gọi là: Dak Lai, bây giờ kêu là Chuoh Reng; chỗ đó có cây xoài lớn bây giờ cũng hãy còn. Làng Kontrang-ôr đời ấy đông lắm, phỏng có tới ngàn nhơn số; có nhiều người làm côi cả trong làng, nhứt là: Mung, Bung, Loih và Jă-Xi. Mung, Bung và Loih, có tính chơi bời ăn uống, cùng có lòng hung bạo chẳng kiêng nể ai, hay sinh sự làm giặc, nhứt là hay đi đánh ngả Jơlơng, cướp của, bắt người bán cho Lào, nên chúng nó giàu có. Còn Jăxi, có tính hiền từ chơn chất, nên sút hơn, và cũng hay bị lũ kia ăn hiếp.”

“Jăxi có hai đứa con trai, là Jơrông và Uông; Jơrông và Uông thấy lũ kia hay hà hiếp kiếm ăn thì muốn chạy làng, song cũng sợ lũ kia bỏ bác, sinh sự chăng; bèn lập mưu giả uống rượu trộm, không mời lũ kia; cả hai gài rượu đóng cửa uống; đoạn giả say kình địch la lối om sòm cùng cầm dao làm bộ như muốn chém nhau; ba tên kia nghe lật đật lên, thấy vậy, liền nổi giận quở mắng, sao uống rượu trộm và làm bậy như thế, cùng đuổi biểu đi đâu thì đi cho rảnh, xấu vậy đừng ở trong làng nữa. Hai anh em Jơrông và Uông nghe lũ kia đuổi vậy, thì mầng thầm vì thấy mưu mình đã đắc như ý, bèn lo làm nhà gần chỗ có bàu, gọi là Dak-tum, và lần lần có nhiều người đến ở đó với hai anh em, nên càng lâu càng thành làng lớn.”

“Khi các đấng giảng đạo đến xứ này, thì làng này cũng có ở gần bàu nhỏ ấy, nên gọi là Kontum (Kon: nghĩa là nước; tum nghĩa là: bàu), ấy là gốc tích làng Kontum bây giờ là làng có tiếng, và tỉnh, toà bây giờ cũng gọi là Kontum; vì khi chưa có quan Tây, Nam đến để lị xứ này, thì cha Bề trên địa phận làm đại lý (délégué) thay mặt nhà nước mà quản cai việc đời xứ này, cũng ở tại làng Kontum. Cách chừng 20 năm nay cha Bề trên chính xứ này mới khỏi lo gánh vác việc cai trị phần đời, thay mặt nhà nước, vì đã có các quan Tây, Nam đến trấn nhậm.”
 

Tài liệu “MỞ ĐẠO KONTUM”, trang 115, viết tiếp:

“Về sự làng Kontum và làng ấy khỉ sự chịu đạo[6]

Trước nầy đã nói cha Do đã quy Mọi tứ chiếng mà lập làng Rơhai và nên một làng có đạo đông đẳng. Khi người đã lập làng Rơhai, thì người lại quyết lo lập một làng nữa, vốn ở gần bàu nhỏ gọi là Dak-tum. Phía bên kia đã có làng nhỏ gốc bởi hai anh em Jơrông và Uông chạy đến ở, như đã kể trên, làng nầy lúc bấy giờ gọi là Moer. Vậy cha Do sai em người là thầy Thám và thầy Lai đem trẻ Mọi nhà đi phát dọn chỗ gần bàu nhỏ phía bên nầy gọi là Dak-tum, cách làng Rơhai chừng hơn 500 thước tây. Vậy hai thầy đã vưng lời cha Do lo coi việc làm rẫy cùng lập nhà cho trẻ Mọi nhà ở làm đó, chẳng bao lâu trẻ nhà cha Do đến ở đó làm rẫy cũng đã đông như một xóm nhỏ. Khi cha Hoà bỏ Bơnong qua, thì cha Phêrô đương làm cố chính, người dạy cha Hoà ở tại xóm nhỏ cha Do khỉ sự lập làng ở đó. Cha Hoà ở đây được ít lâu, người dỗ được làng Moer ở phía bên kia Dak-tum, chạy qua phía bên nầy ở gần người. Vốn làng Moer đã muốn ở gần Dak-tum cho tiện bề kiếm cá, nên khi nghe cha khuyên, nó liền chịu ngay; cha bèn chỉ nơi có vọt nước tốt cho chúng nó làm nhà, và từ đó đến rày ở luôn một chỗ đó cùng gọi là làng Kontum.”

b. Qua tài liệu “MỞ ĐẠO KONTUM”, chúng ta rút ra một vài điểm để trả lời câu hỏi: Làng hai anh em Jơrông và Uông là làng nào, và có phải là KONTUM hay không?

- Thưa rằng không. Chứng lý bằng văn bản được rút ra sau đây:

1. Câu chuyện hai anh em Jơrông và Uông bỏ làng Kon Trang Or qua lập một làng nhỏ tên là Moer, gần một “bàu” nhỏ ở phía bên kia Daktum[23].

2. Cha Hoà ở đây được ít lâu, người dỗ được làng Moer ở phía bên kia Daktum, chạy qua phía bên này ở gần người.

3. Vốn làng Moer đã muốn ở gần Daktum cho tiện bề kiếm cá, nên khi nghe cha khuyên, nó liền chịu ngay.

4. Cha Hoà “bèn chỉ nơi có vọt nước tốt cho chúng nó làm nhà, và từ đó đến rày ở luôn một chỗ đó cùng gọi là làng Kontum”.

5. Để tránh lụt lôi, Cha Hoà cũng đã vận động đông bào trong làng Kon Trang Phă Beng (tức là Kon Trang Ôr khi dời làng về phía bắc gần Tum Phă) dời lên đồi, cùng các làng khác lập nên làng Kontum (chỗ làng Kontum Kơnâm hiện nay).

Chúng tôi xin kết luận dựa vào chứng lý bằng văn bản và được những người cao tuổi người Bahnar cho biết:

Các làng người Bahnar cư trú ở phía tả ngạn sông Đak Bla, trong đó có làng KONTRANG ÔR dần dần vì nhiều lý do khác nhau phải di dời về phía hữu ngạn sông Đak Bla Để tránh lụt lôi, Cha Hoà đã vận động đông bào trong làng Kon Trang Phă Beng (tức là Kon Trang Ôr khi dời làng về phía bắc gần gần Tum Phă) dời lên đồi. Trong khi đó, làng MOER (PƠER) nằm phía bên tả ngạn sông Đak Bla, nay thuộc xã Đak Rwa (bên kia cầu treo Kon Klor ngày nay). Cha Hòa (từ năm 1856) tận tình giúp đỡ và khuyến dụ dần dần quy tụ 2 làng trên và các làng chung quanh vào địa giới gần “DAK TUM”, tạo lập làng Kontum được Cha Phanxicô NGUYỄN DO KHAI LẬP và Cha Hòa tổ chức, qui tụ và thành làng KONTUM sau này trở nên một làng đông dân cư.

2. Những tư liệu đề cập đến địa danh KONTUM

a. Tư liệu đầu tiên và quan trọng có đề cập đến địa danh KONTUM trong quyển sách có tựa đề “Les Sauvages Bahnars”[24] của Linh mục Thừa sai  P. Dourisboure:

“Một tín hữu người Kinh ở gần An Sơn, đã mệt mỏi vì cuộc sống khốn khổ lầm than, mặc dù đã hết sức cố gắng, từ lâu anh ta và gia đình sống leo lắt qua ngày. Vì thế, anh đã bỏ làng cũ để đến định cư lập nghiệp gần chúng tôi. Dọc đường, anh đã mắc bệnh đậu mùa, và lúc anh đến, trước khi chúng tôi biết được bản chất bệnh tình của anh, thì anh đã truyền bệnh sang cho mấy người nhà của Cha Do ở Rơ Hai. Cha Do vừa mới đi Trung Châu, nhưng còn một linh mục khác ở làng Kontum, cũng là một chi nhánh của địa sở Công giáo Rơ Hai. Ngay khi người dân tộc biết tin này, thì một nỗi kinh hoàng bao phủ toàn vùng, trải rộng đến hai mươi dặm quanh Rơ Hai. Dân làng Kontum, kể cả những Kitô hữu, cắt đứt liên lạc với Rơ Hai, đốn cây chắn ngang đường, cắm chông xung quanh hai làng.”

b. Bản đồ có ghi địa danh KONTUM

Có nhiều bản đồ liên quan đến vùng truyền giáo Tây Nguyên nhất là in sau năm 1882 có ghi nhận địa danh KONTUM, vì từ thời điểm này, uy tín và vai trò Cha Vialleton, chánh xứ Giáo xứ Kontum, đã vượt ra khỏi làng Kontum nhỏ bé đến cả vùng Tây Nguyên. Địa danh KONTUM đương nhiên trở thành trung tâm tôn giáo và xã hội của cả vùng Tây nguyên. Chúng tôi đã đề cập khía cạnh này trong chuyên đề: “Kontum - Một địa danh mang tính dân tộc và tôn giáo”[25].
 

 
Bản đồ số 10 – Bản đồ Địa phận Đông Đàng Trong
In năm 1889 (của Adrien Launay trích dẫn)
[26]

 
 
Hình số 11 – Bản đồ vẽ những con đường hành trình của Pavie đi giữa những năm 1879-1895.[27]
 



Hình 12. Trích bản đồ Dân tộc học gần Bình Định của B. Bourotte.
[28]

 
Hình 13. Phác hoạ Bản đồ hành chính Thành phố Kontum hiện nay còn dấu vết các “tum” (hồ, bàu)
tại Kontum Kơnâm.

 
B. Đâu là vai trò của LÀNG KONTUM trong quá trình phát triển Giáo hội địa phương và vùng Tây Nguyên?

I. Vai trò của LÀNG KONTUM trong quá trình phát triển Giáo hội địa phương

1. Làng Kontum trong quá trình hình thành giáo xứ

a. Để thống nhất từ ngữ và cách nói của dân bản địa thường dùng từ xưa đến nay.

+ Khi đứng phía phần đất làng Kontum muốn nói đến các làng như Kontrang Ôr, Kon Hra Kơtu, xã Chư Hreng ngày nay…, dân thường nói phía bên kia sông.

+ Và muốn nói đến những làng vùng thuộc xã Đăk Rwa phía bên kia cầu treo ngày nay, dân thường nói phía bên kia “tum” (hồ), như làng Moer nằm phía bên kia Đak Tum.

+ Các làng gần làng Kon Tum bên này sông Đak Bla như làng Kon Treng, làng Kon Mong, người dân thường nói các làng quanh đây…

b. Ngay từ đầu khai lập, làng KONTUM không có hàng rào, không cắm chông quanh làng, không có cổng làng, dù có nhà thờ nhà nguyện, có nhà rông. Các vị thừa sai ý thức sâu xa làng Kontum phải được mở ngõ, mời gọi các làng dân tộc bên kia sông, bên kia “tum”, hay chung quanh vào chung sống trong vùng đất làng Kontum, nay là KONTUM KƠNÂM. Tất cả mọi người dân tộc dù chưa tòng giáo không bó buộc phải theo đạo, nhưng có điều kiện: sống hoà hợp đoàn kết và không được tổ chức công khai những thói tục mê tín dị đoan tốn phí tiền của, nhưng có thể được tổ chức riêng tư trong gia đình mà thôi.

2. Những con người xin tòng giáo - con cháu của họ

Trong làng Kontum mới thành hình này có một số người đúng đầu chưa tòng giáo. Điều đó cũng nói lên phương thức truyền giáo của các cha thừa sai vẫn tôn trọng tự do lương tâm tín ngưỡng của dân làng và tự quản buôn làng với những điều kiện như vừa trình bày trên. Tuy nhiên, giai đoạn đầu công cuộc loan báo Tin Mừng gặp nhiều khó khăn, cần kiên trì, khôn ngoan và luôn thể hiện lòng nhân ái, cảm hoá hơn là thúc bách. Truyền giáo là công việc của Chúa, chờ đợi thời giờ của Ngài.

(1) Chúng tôi xin trích dẫn tài liệu “MỞ ĐẠO KONTUM”, trang 116-117, kể lại việc làng Kontum khởi sự theo đạo.

“Lần kia, Cha Hoà đi dạo vào làng, gặp đứa bé miệng ở tang hoang, hôi thúi lắm. Người bèn hỏi nó là con ai? Khi nghe là con của Bau; người bèn lên nhà tên Bau nói chuyện chơi và hỏi nó: sao con đau vậy không lo chạy chữa may nó có khỏi chăng, để vậy chắc nó sẽ chết… Tên Bau thưa: mình đã tốn kém với con nhiều lắm, song tiền mất tật còn không ra gì. Cha hỏi: mua xức thuốc gì mà tốn dữ vậy? Nó thưa: chúng tôi có thuốc the gì đâu, chỉ rước Bơjâu cần phù thủy, cúng vái xin thần linh cho nó khỏi, biết mấy bò, mấy heo, bao nhiêu là dê chó nhưng hết của thì có, còn bịnh nó chỉ trơ trơ, biết sao đặng nữa!!! Cha nghe vậy động tình, mở lời ủi an khuyên giải cho nó hiểu sự cúng quải là đều vô ích tốn hao, chớ có nhằm chi… lũ Bơjâu chỉ phỉnh phờ kiếm chát mà thôi, nếu có theo đạo kính thờ đấng Tạo hóa ắt người sẽ phù hộ cho chẳng sai. Khi bấy giờ Bau không cãi trả gì, song cũng có lẽ trong lòng tưởng có lẽ Chúa kẻ có đạo có khi linh hơn chăng.

Nói chuyện chặp lâu, cha từ giã ra về cùng lo kiếm thuốc cho nó xức miệng cho con. Cách vài bữa cha kêu các kẻ cả trong làng đến khuyên chúng nó theo đạo. Lúc bấy giờ những người nầy làm côi cả làng Kontum: là Nel, Ngan, Tai, Gel và Bau; bốn tên kia nghe đến việc theo đạo, thì làm lơ, coi bộ không ưa không thích, còn tên Bau thì thưa hẵn rằng muốn. Bốn tên kia nghe Bau muốn theo đạo, thì giận lắm, bèn bỏ ra về nổi trống nhà rông, bắt Bau trói lại định đem bán cho cha Hòa. Tên Bau rằng: “Bay bán tao cho ổng cũng được; vì con tao lở miệng gần chết mà thần Iang không thấy linh thính chi, chỉ đòi ăn báo tao hết của ra nghèo; nên tao định theo Chúa ông cha ấy coi ra sao, từ nầy tao không tin thần (Iang) và không thèm cúng nữa. Chúng nó càng thêm giận, mắng trách Bau cùng rủa thần sẽ không tha và nói: từ rày sẽ gọi Bau là tôi mọi Annam. Tên Bau không lo gì, cứ việc theo đạo, cha Hòa vui mầng quá bội lo dạy dỗ chăm nom, cùng lo săn sóc thuốc the cho con nhỏ; chẳng khỏi lo âu nhờ ơn trên nó được an lành, nhưng đành phải mang tật méo, vì bị lở đã lâu nên nặng quá. Mọi làng gọi con nhỏ ấy là Huêng (bỡi tiếng hueh là méo). Đến sau Huêng khôn lớn có đôi bạn giữ đạo hẳn hoi cùng sinh được thầy Chơrơng giúp việc nhà trường Kontum đã lâu năm và mới qua đời tử tế, cùng Den và chú Hoà sau học Pi-năng.”


Làng Kontum trở lại đạo càng ngày càng nhiều

“Kontum khỉ sự theo đạo là năm 1856; khi Bau đã chịu phép rửa tội rồi, thì lại có một trai kia tên là Krui cũng được nhờ sự sáng đức tin soi cho, mà trở về cùng Chúa. Krui nầy là con nhà nghèo khó, hay túng đói; cha mẹ nó là Jơn và Hmang, hay tin dị đoan, nên ít ưa sự đạo. Krui cả ngày những đi thơ thẩn ngoài đồng bắt cá, thả câu, được tôm cá thường đem vào Cha Hoà đổi gạo, nấu ăn; lại hay vô ra chơi nhà các chú, gặp việc chi giúp được cũng giùm, nên các thầy các chú nhà cha cũng thương hay cho chút đĩnh cùng dạy dỗ khuyên lơn nó trở lại đạo; nhờ ơn Chúa, chẳng khỏi bao lâu Krui mở mắt linh hồn, xin nghe dạy cùng chịu phép rửa tội. Kế đó có tên Pen, Gêm, Pinh và mấy chủ nữa cũng bắt chước gương lành ông Bau và Krui, bỏ quỷ, lìa ma mà xin trở lại tin thờ Đấng Tạo Hoá. Bấy giờ đã được ít nhà có đạo, nên Cha Hoà đặt Bau làm đầu họ nhỏ ấy và lo giúp việc trong nhà thờ chút đỉnh.”

(2) Chúng tôi xin trình bày cuộc đời linh mục của Cha Giuse Châu, Antôn Den, Cha Phêrô Hiâu (Hoá) trong một chuyên đề khác, vì các ngài là hậu duệ của những Vị đầu tiên làm nên làng Kontum Kơnâm[29].

(3) Ông Krui sau này làm chủ làng Kotunn và là người sát cánh với các vị thừa sai để quy hợp các buôn làng trước tiên là người Bahnar, hầu tránh những cuộc cướp phá giữa các buôn làng, mặt khác ngăn chặn con đường xuyên quốc gia buôn bán nô lệ mà chính người dân tộc là nạn nhân trước tiên, đồng thời để công việc truyền giáo dễ dàng trong giai đoạn thiếu linh mục.

(4) Các vị linh mục thừa sai pháp muốn qui tụ và liên minh các bộ tộc Bahnar - Rơngao - và sau đó đến thuyết phục các làng dân tộc Sơđăng thành một khối để chống lại thực dân của nước Xiêm La[30]. Chúng tôi sẽ trình bày vấn đề này trong PHẦN III.

3. Những năm đáng ghi nhớ

Năm 1861, Cha A. Hoà đang phụ trách Họ đạo Kontum Kơnâm lâm bệnh nặng phải về Ninh Hòa và qua đời vào cùng năm đó (năm 1861). Từ thời gian này, Họ Kontum không có linh mục trực tiếp coi sóc, phải trực thuộc Trung tâm Truyền giáo Rơhai cho đến năm 1882 với các cha kiêm nhiệm:

1/ Cha Phanxicô Xavie Nguyễn Do, Cha sở Rơhai, kiêm Họ đạo Kontum (1861–1872).

2/ Cha Jean Hugon (Xuân), Cha sở Rơhai, kiêm Họ đạo Kontum (1873-1877).

3/ Cha Phêrô Nguyên, Cha sở Rơhai.

- Năm 1879: Cha Bề trên P. Dourisboure Ân về Pháp dưỡng bệnh và Cha F.X. Nguyễn Do, quyền Bề trên miền Truyền giáo Kontum (1870-1872).

- Tháng 5-1872, Cha F.X. Nguyễn Do đau nặng về Trung Châu dưỡng bệnh và qua đời vào ngày 3-9-1872 tại Đồng Hâu, Giáo phận Đông Đàng Trong (Qui Nhơn ngày nay).

- Năm 1875 [31], Cha Jules Vialleton Truyền lên miền Truyền giáo và ở tại Kontum.

-  Năm 1880, Cha Jules Vialleton Truyền, quyền Bề trên (1880–1885), tạm thời thay Cha Bề trên Dourisboure Ân về Trung Châu và sau đó về Pháp.

- Năm 1890: Nhà thờ Giáo xứ Kontum theo phong cách dân tộc, mái lợp tranh, vách nứa, hình Thánh giá, nên được gọi là Nhà thờ Thánh Giá.

- Ngày 17-5-1897: Làng Kontum bị cháy: nhà thờ, nhà xứ, ngôi nhà rông, 18 căn nhà của dân làng cũng bị cháy.

4. Hoả hoạn thiêu rụi nhà thờ, nhà rông, một số nhà của dân làng Kontum Kơnâm

Sau vụ hoả hoạn này, 2 phần 3 dân làng gốc làng Kon Treng và Kon Mong[32] dời lên phía đông bắc lập nên làng Kontum Kơpơng[33] và làng Kontum cũ được gọi là Kontum Kơnâm. Dù địa danh KONTUM có 2 địa giới khác nhau nhưng cùng một gốc đó là làng KONUM được Cha F.X. Nguyễn Do khai lập và được Cha Hoà tổ chức và quản lý về mặt xã hội cũng như mục vụ trong giai đoạn đầu đời của làng. Kế tiếp, các cha chánh xứ Kon Kơhai kiêm nhiệm cho đến khi Cha Jules Vialleton Truyền chánh xứ thực thụ địa sở Kontum (năm 1882).

5. Địa sở KONTUM

+ Địa sở Kontum gồm người dân tộc qui hợp tại làng Kontum trước kia và những làng kế cận tòng giáo:

- Năm 1886: làng Kon Klor tòng giáo.

- Năm 1899: thôn Kontum Kơpơng xin tòng giáo; xây dựng nhà nguyện (năm 1956).

- Năm 1896: thôn Kon Rơwang xin nhập đạo; năm 1953, tách khỏi Kon Jơdreh nhập vào Kontum.

- Năm 1895: thôn Kon Hra Kơtu và Kon Hra Chôt (khi còn sống chung tại Chư Hreng ngày nay) theo đạo. Họ đạo Kon Hra Chốt về nơi làng cũ (trước mặt Nhà thờ Tân Hương bây giờ) tách khỏi Giáo xứ Tân Hương nhập vào Giáo xứ Kontum (Cha Deschamps phụ trách từ năm 1958-1975). Hiện nay, cha sở Giáo xứ Kontum đảm trách mục vụ cho họ đạo này.

- Năm 1870-1880: Cộng đoàn tín hữu người kinh Phương Nghĩa lên lập nghiệp tại Kontum, trực thuộc Trung tâm Rơhai; và sau đó trở thành làng Phương Nghĩa, là một họ đạo kinh thuộc địa sở Kontum. Phương thức truyền giáo của các thừa sai luôn tạo lập một cộng đoàn tín hữu người kinh trực thuộc giáo xứ dân tộc nhằm giúp người dân tộc biết cách làm nương rẫy, giữ được nếp định canh định cư cho người dân tộc vốn dễ di dời làng đi nơi khác, và đời sống tông đồ giáo dân của tín hữu người kinh trở nên gương mẫu cho cộng đoàn tín hữu người dân tộc. Họ đạo Phương Nghĩa giữ được vai trò đó xuyên suốt một thời gian trong dòng chảy của lịch sử địa sở KONTUM.

6. Ngày 7-1-1908: Đức cha Danien Grangeon Mẫn kinh lý Kontum, khánh thành Trường Cuénot

7. Năm 1913: Khởi công xây dựng nhà thờ giáo xứ


Do biến động chiến cuộc nên công trình xây dựng nhà thờ giáo xứ kéo dài 5 năm và khánh thành vào năm 1918. Năm 2013, giáo xứ KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY XÂY DỰNG NHÀ THỜ GIÁO XỨ KONTUM (1913–2013)[34].

Năm 1932, khi Toà Thánh thiết lập ĐỊA PHẬN TÔNG TOÀ KONTUM, Nhà thờ Địa sở KONTUM đã trở thành NHÀ THỜ CHÍNH TOÀ của địa phận, được gọi là NHÀ THỜ CHÍNH TOÀ KONTUM.

- Ngày 29-6-1932: Ba Thầy người dân tộc Bahnar thuộc địa sở Kontum được thụ phong linh mục:

+ Giuse Cha, sinh: 1900, linh mục: 29-6-1932; qua đời: 1-1-1955, tại Sài Gòn.

+ Cha Micae Hiâu (Hoá), sinh: 1901; linh mục: 29-6-1933, qua đời: 29-4-1949, tại Kontum.

+ Cha Antôn Den (Học), linh mục: 29-6-1932; qua đời: 17-10-1987, tại Kontum.

- Ngày 23-6-1933: Cha Martial Pierre Maria Jannin (Phước) thụ phong Giám mục tại Nhà thờ Chính toà Kontum. Khẩu hiệu Giám mục: “Sursum Corda” (CON NÂNG TÂM HỒN LÊN).

- Năm 1933: Trường Cuénot là cơ sở Toà Giám mục đầu tiên.

- Năm 1935-1937: Khởi công xây dựng trường Probatorium và tiểu chủng viện thừa sai Kontum.

- Đầu năm 1938: Đức cha Martial Jannin mời các Nử tử Bác ái Thánh Vinh Sơn đến phục vụ địa phận. Hai nữ tu dòng Vinh Sơn đầu tiên người Pháp đã đến phục vụ: Soeur Joseph Gerente và Soeur Généviève Daras.

- Ngày 27-11-1938: Lễ trao Ảnh phép Lạ cho các em đi tu nay gọi là đệ tử.

- Ngày 28-4-1942: Đức cha Jean Liévin Sion nhận chức Giám mục Đại diện Tông toà Kontum; nhà xứ Giáo xứ Kontum được chọn làm cơ sở Toà Giám mục. Đây là cơ sở Toà Giám mục thứ hai trong địa phận, nơi Đức Giám mục cư trú và làm việc trong chức năng của mình.

- Ngày 3-2-1947: Bản văn chuẩn y của Toà Thánh thông qua Thánh Bộ Truyền bá Đức tin gởi thư báo cho Đức cha Gioan Sion, Giám mục Đại diện Tông toà Kontum, biết Toà Thánh cho phép thiết lập HỘI DÒNG CÁC CHỊ EM ẢNH PHÉP LẠ.

- Ngày 6-4-1947: Nghị định thư của Đức cha Gioan Sion, Giám mục Đại diện Tông toà Kontum, thiết lập Hội dòng “CÁC CHỊ EM ẢNH PHÉP LẠ”.

- Năm 1963: Địa sở Kontum gồm một số họ nhánh làng người dân tộc, và họ đạo Phương Nghĩa (người tín hữu kinh) được một linh mục chánh xứ phụ trách. Vào năm 1963, địa sở Kontum phân ra làm hai: 1/ địa sở KONTUM (gồm các tín hữu dân tộc cho đến ngày nay); và 2/ địa sở Phương Nghĩa (các tín hữu người kinh)[35], mỗi địa sở có một linh mục chánh xứ có quyền tài thẩm trên giáo dân mình (theo tòng nhân).

II. ĐỊA SỞ KONTUM THEO GIÁO LUẬT VẪN CÒN TỒN TẠI DANH XƯNG NÀY CHO ĐẾN NGÀY HÔM NAY (2013)

A. CÁC LINH MỤC CHÁNH XỨ


Nhiều tư liệu liên quan đến thời gian các linh mục đến phụ trách Họ đạo Kontum không được đồng nhất, nên chúng tôi phần nhiều phải dựa vào tiểu sử các linh mục thừa sai liên hệ được ghi trong văn khố của MEP và sách “Mở Đạo Kontum“ của Cha Thiệt và Cha Ban. Đồng thời chúng tôi đối chiếu những tài liệu trên với các bản tin (Echos) và lịch Công giáo của địa phận. Nhờ cách thức này, chúng tôi hy vọng thu hẹp được những chênh lệch về thời điểm các linh mục đảm nhiệm địa sở quan trọng này.

1. Năm 1875[36]: Cha Jules Vialleton Truyền đến ở tại chỗ và đảm nhận coi sóc họ đạo Kontum. Từ trước năm đó họ đạo Kontum, một họ nhánh trực thuộc Trung Tâm Truyền giáo đã dần dần trở thành cơ sở chuẩn bị cho địa sở Kontum tương lai.

Chúng tôi xin ghi sơ lược tiểu sử của Cha Jules VIALLETON.

“Cha Jules Vialleton sinh ngày 14-3-1848, tại Saint-Didier -la-Séauve (Haute-Loire). Ngài học Tiểu Chủng viện Verrière (Loire) và học Triết học tại Alix. Ngày 31-7-1868, ngài vào Chủng viện Hội Thừa sai Paris; ngày 25-5-1872, thụ phong linh mục; và ngày 19-6-1872 lên đường sang Địa phận Đông Đàng Trong. Ngài đến ở Bến Đá, rồi được sai đến ở địa sở Đồng Quả, tiếp đến là địa sở Kim Châu và Kỳ Bường.

“Năm 1875, ngài lên Miền Truyền giáo Bahnar, được bổ nhiệm ở Kontum. Ngài làm cho con số bổn đạo tăng lên, dựng một ngôi nhà thờ, và cuối cùng là để đào tạo những đứa bé và những người trẻ có hiệu quả hơn, ngài đã dạy chúng biết đọc, biết viết. Đó là hai điều mà người Thượng hoàn toàn chưa hề có. Vào năm 1890, ngài được bổ nhiệm làm vị Đại diện Giám mục và Bề trên của Miền Truyền giáo Thượng.

“Đến Hồng Kông vào năm 1894, tận dụng thời gian lưu trú tại đây, ngài đã cho in quyển “Cuộc đời của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” bằng tiếng Bahnar, tại Nhà In Nazareth. Vào tháng 7-1895, ngài trở lại nhiệm sở của mình. Ngài thương tiếc khi thấy ngôi nhà thờ nơi ngài làm việc 5 năm, cũng như nhà xứ và nhiều ngôi nhà ở làng Kontum đã bị đốt cháy. Do sự quấy phá và đe doạ nên nhiều tân tòng đã bỏ đạo. Ngài phải chịu đựng nhiều khổ cực kinh khủng với một lòng kiên nhẫn vững bền. Ngài qua đời tại Kontum ngày 11-11-1909, được chôn cất không xa mộ Cha J.P. Combes, vị Bề trên đầu tiên của Miền Truyền giáo Bahnar.”


2. Năm 1909[37]: Linh mục Giuse - J.B. Decrouille Elie, nhà truyền giáo Địa phận Đông Đàng Trong - Qui Nhơn - Kontum

Cậu Giuse - J.B. Decrouille Elie, sinh ngày 17-12-1881, tại Wissant, thuộc Giáo phận Arras, miền Pas De Calais, xuất thân từ một gia đình có 8 người con, trong đó có 4 linh mục: 2 thuộc Giáo phận Arras, 2 thuộc miền truyền giáo Kontum; và 1 nữ tu.

Tháng 10-1894, chú Giuse Decrouille Elie học Trung học Phổ Thông tại Tiểu Chủng viện Boulogne. Ngày 13-9-1900, Thầy Giuse Decrouille Elie theo học tại Chủng viện Hội Thừa sai. Tại đây, Thầy gặp lại một trong những người bạn đồng chí hướng ở Tiểu Chủng viện, đó là Thầy Denis, nhà sáng lập Đan viện Phước Sơn - Huế - Việt Nam.

Ngày 20-9, Thầy Giuse Decrouille Elie chịu cắt tóc, 8 ngày sau Thầy chịu các chức nhỏ. Ngày 26-6-1904, Thầy chịu chức Phụ Phó Tế, và ngày 24-9-1904, chịu chức phó tế. Ngày 17-12-1904, Thầy được thụ phong linh mục, và được chỉ định phục vụ Đại diện Tông toà Đông Đàng Trong (Qui Nhơn). Ngày 26-8-1905, ngài lên đường đến nhiệm sở.

Đầu tiên, ngài học tiếng Việt ở Sông - Cát, một làng gần Toà Giám mục. Tháng 4-1906, Đức cha Grangeon gửi ngài lên phục vụ người Bahnars ở Kontum. Cha Giuse Decrouille bắt đầu làm việc tại Kon-Klong, trung tâm của hàng chục họ đạo. Tại làng này, mấy tháng trước đây, Cha Gaillard đã bị tấn công, và bị cướp phá. Cha Giuse Decrouille bắt tay vào việc sửa soạn nhà thờ và chỗ ở, ngài đặc biệt quan tâm tới giới trẻ, nhờ vậy, ngài đã cảm hoá được đứa con trai của một già làng có thế lực.

Năm 1908, Cha Giuse Decrouille được chỉ định coi sóc họ Kon Hơngo, họ của Cha Vialleton, Bề trên Miền Truyền giáo và là Cha sở họ Kontum, đã qua đời ngày 11-11-1909. Cha Giuse Decrouille được phân công coi sóc họ đạo nửa Kinh nửa Thượng này. Ngài đến nhiệm sở được vài tháng, thì rủi thay một trận hoả hoạn đã thiêu rụi hoàn toàn ngôi nhà thờ lợp tranh của ngài. Cùng lúc đó, ngài nhận được một lá thư từ Pháp báo cho biết người em của ngài, Jean Baptise, sẽ đáp tàu lên đường đến miền truyền giáo người Bahnars, bức thư đó như mang đến cho ngài một ân huệ cao cả để ngài quyết định xây dựng ngôi thánh đường của họ Kontum này.

Để lên bản vẻ cho ngôi nhà thờ mới, ngài đã tham khảo kinh nghiệm và hỏi ý kiến của Cha Kemlin, một kiến trúc sư tài ba. Ngài đã xây dựng ngôi nhà thờ cao vút tương ứng với tháp chuông của nó, các cửa lớn, và cửa sổ được chạm trổ hết sức sắc xảo, rất nhiều cột nhỏ được bày bố cách hợp lý chung quanh những bức tường, không ai có thể đoán ra tất cả những phần còn lại được làm bằng đất trộn với rơm. Ngày 6-1-1908, Đức cha Jeanningros cung hiến ngôi nhà nhà thờ, từ nay nó trở thành Nhà thờ Chính toà của Giáo phận Kontum. Trong thời gian 10 năm, bằng lối ứng xử khôn khéo và bằng nếp sống quân bình, Cha Giuse Decrouille đã nên gương mẫu trong đời sống công việc tinh thần và thể chất, Cha đã chiếm trọn lòng tin yêu nơi mọi người”.

3. “Năm 1920[38], Cha Kemlin được chỉ định làm Bề trên  Miền Truyền giáo đã đến ở họ Kontum thay thế Cha Giuse Decrouille.

“Thế là, Cha Giuse Decrouille lãnh trách nhiệm hướng dẫn họ Kon Mah. Nhưng đến tháng 11-1922, vì lý do sức khoẻ, ngài phải về Sài Gòn để khám bệnh, bác sĩ cho biết ngài bị thiếu máu và suy tim. Hai tháng tịnh dưỡng tại Hong Kong chẳng mang lại cho ngài sức khoẻ khả quan tí nào cả, thế nên, ngài lên tàu về Pháp và lưu lại đó 3 năm, từ năm 1923 đến 1926.

“Năm 1926, ngài trở lại nhiệm sở Kon Mah, với một sức khoẻ tốt hơn một chút. Nhưng đến năm 1933, chứng đau đầu dữ dội, bệnh điếc mỗi ngày một gia tăng, thị giác kém dần, đã khiến ngài phải nghỉ ngơi. Ngài đi khám một bác sĩ chuyên khoa ở Sàigòn, vị này khuyên ngài nên trở về Pháp, nhưng ngài lại thích về Kon Mah hơn. Cơn bệnh cứ mỗi ngày một trầm trọng, tháng 6-1934, ngài được một người em dẫn ra Hà Nội khám bệnh, vị danh y về mắt cho biết: một khối u trong sọ, nó làm cho đau đầu dữ dội và nó chèn dây thần kinh thị giác của ngài. Do vậy cần phải được giải phẩu một cách hết sức tinh vi, và điều này chỉ có thể được thực hiện ở Pháp mà thôi, thế là, ngài về Pháp ngày 14-8-1935.

Nhưng tình trạng sức khoẻ của Cha Giuse Decrouille đã không cho phép, các y bác sĩ tiến hành phẫu thuật, tháng 2-1939, tại nhà an dưỡng Montbeton, ngài bị viêm phế quản. Ngày 1-3, chứng viên màng phổi bộc phát. Người ta báo tin cho em của ngài là Cha Antôn, Linh mục Địa phận Arras, đến bên gường của ngài. Ngày 12-3-1939, Cha Giuse Decrouille trút hơi thở trong tay Chúa. Thi hài của ngài được an táng tại nghĩa trang Nhà An dưỡng của Hội Thừa sai ở Montbeton.”


4. Tháng 9-1924: Cha F.X. Régis Louison[39]

“Cậu Louison sinh ngày 8-3-1883, tại Ricamarie, thuộc Địa phận Lyon, tỉnh Loire, trong một gia đình đạo dòng. Cậu trải qua bậc tiểu học nơi trường các thầy Dòng Thánh Thánh Tâm ở Paradis, gần Le Puy. Sau đó, từ năm 1897-1902, cậu theo học bậc trung học tại Tiểu Chủng viện Monistrol-sur-Loire. Là một cậu bé có tính vui vẻ và bốc đồng, nên các bạn đồng môn đặt cho cậu cái tên “Papillon” (nhẹ dạ, bộp chộp).

Ngày 7-9-1902, thầy Louison gia nhập Chủng viện Hội Thừa sai. Ngày 26-9-1903, thầy chịu cắt tóc, ngày 24-9-1904, thầy chịu các chức nhỏ, ngày 6-9-1906, để tránh đi quân dịch, theo luật đặc biệt, thầy tiếp tục tu học tại trường cao đẳng tổng hợp Penang. Ngày 10-3-1907, thầy Louison chịu chức phụ phó tế, và ngày 25-5-1907, thầy chịu chức phó tế; ngày 7-7-1907, thầy được thụ phong linh mục, và nhận bài sai phục vụ Địa phận Tông toà Đông Đàng Trong.

Ngày 10-7-1907, Cha Louison rời trường cao đẳng tổng hợp cùng với Cha Etchebery và Cha Gallioz đến trụ sở của Hội Thừa sai tại Hồng Kông, Cha Louison ở đó cho đến tháng 10-1907. Rồi cha đến Qui Nhơn. Tháng 11-1907, được Cha Lardon hướng dẫn, ngài đã lên Kontum, và đến ở tại xứ Phương Hoà để học tiếng Việt.

Ở Phương Hoà chẳng được bao lâu, ngài được triệu hồi về Sài Gòn để hoàn tất việc học quân sự. Tháng 5-1908, cha trở lên xứ thượng cùng với một số bạn trẻ Việt Nam tình nguyện theo giúp ngài. Cuộc hành trình dài và vất vả nhưng Cha Louison luôn tỏ ra ân cần lo cho các bạn trẻ đồng hành.

Trở lại Kontum, lần này ngài được chỉ định giúp cha Hutinet trong coi nhóm dân tộc thiểu số Jơlơng. Giữa môn sinh và thầy giáo có sự khác nhau hoàn toàn về cá tính. Từ năm 1908-1913, Cha trông coi Họ Kon Somluh. Thế rồi, sự mệt nhọc, bệnh sốt rét đã buộc ngài trở về Pháp. Ngài lưu lại đó trong khi Đại chiến bùng nổ. Ngài tham gia nghĩa vụ quân dịch với tư cách là y tá bệnh viện St. Etienne.

Chiến tranh kết thúc, Cha Louison đi tĩnh tâm do một cha Dòng Tên hướng dẫn. Vị này khuyên ngài nên xin Bề trên cho làm việc ở nơi nào có các bạn đồng nghiêp ở cùng. Thỉnh nguyện của ngài không được thoả đáp, ngài tiến hành thủ tục nhập Giáo phận Alger. Nhưng nhờ Bề trên và các bạn đồng nghiệp khuyên, ngài đã từ bỏ ý định trên, và tiếp tục lên đường đến Kontum.

Đến Kontum năm 1919, Cha Kemlin, quyền Đại diện và là Bề trên của Miền Truyền giáo Bahnar, đã trao cho Cha Louison quyền trông coi tạm thời Họ Kon Mơnei, trong khi Cha Asseray vắng mặt. Khi Cha Asseray về, Cha Louison lại lên đường thiết lập họ Dak Kơdem. Ngày 19-4-1922, một ngọn lửa bốc cháy từ một ngôi nhà tranh trong làng, sau đó lan ra rất nhanh, thế là trong chốc lát, Cha Louison mất sạch những gì mình có. Cha dọn đến ở trong phòng thánh của làng Kon trang Mơnei.

Vào cuối tháng 8-1922, Cha Louison đi thăm một bạn đồng nghiệp ở làng Dak Kơna, có chú Nôi, giáo phu người Sê đăng, theo ngài. Cha lội qua sông Dak Tơkan nước chảy siết. Suýt nữa là ngài đã chết đuối, nếu không có ơn trên và sự giúp đỡ của chú Nôi. Sau này, chú Nôi được chính phủ trao tặng huân chương bạc hạng hai, vì nghĩa cử can đảm của chú.

Những bức xúc, phiền muộn, thiếu thốn, thử thách đã làm hao mòn sức khoẻ của Cha Louison. Năm 1924, Cha Kemlin mời Cha Louison về Kontum để giúp ngài trong việc quản lý địa sở. Tháng 9-1924, vì sức yếu, Cha Kemlin đã rời Kontum và trao địa sở lại cho Cha Louison. Cha Louison làm hết sức mình trong nhiêm vụ mới gồm hai cộng đoàn văn hoá và ngôn ngữ khác nhau. Điều đó thật khó khăn cho ngài.

Ngài rất tiết kiệm và dè sẻn đối với chính bản thân mình, nhưng đôi khi lòng quảng đại đối với tha nhân làm cho ngài thiếu suy xét và thiếu chừng mực. Ngài có một con tim bén nhạy, một giọt nước giả vờ chảy ra cũng đủ chiếm trọn lòng vị tha của ngài. Ngài ân cần nâng đỡ tất cả những ai đau khổ đến với ngài, ngài phân phát thuốc, chăm sóc người bệnh, băng bó vết thương... Là con người của hoà bình, ngài tìm cách đem lại sự thuận hoà trong các gia đình. Nhưng chính ngài cũng thường xuyên cần đến sự an ủi và nâng đỡ của Đức Giám mục, hay dưới chân hang đá Đức Mẹ Lộ Đức được xây gần nhà xứ của ngài.

Tháng 5-1950, sau khi cử hành lễ mừng 25 năm làm Cha sở Giáo xứ Kontum, trên đường Ban Mê Thuột về, Cha Louison bị sốt. Cha Bianchetti ban các bí tích sau cùng và tận tình chăm sóc ngài, và khi bác sĩ cho biết bệnh tình không còn nguy hiển nữa, thì Cha Louison lại tiếp tục nhiện vụ của mình, nhưng sức khoẻ của ngài từ đó xuống dần. Chứng hay bị chóng mặt và té ngã báo hiệu ngài bị suy huyết não.

5. Năm 1945-1946: Cha Bề trên Diện

Trong Thế chiến II, quân đội Nhật tiến chiếm vùng Tây Nguyên và bắt các linh mục thừa sai đưa vào Nha Trang giam giữ (1945-1946). Trong khi đó, Cha Bề trên Diện thay mặt Đức Giám mục Sion Khâm quản trị địa phận trong tình trạng Giám mục và một số linh mục thừa sai giam cầm. Cha Louison, Cha sở Kontum, cũng bị bắt, nên Cha Bề trên Diện điều hành Giáo xứ Kontum cho đến khi cha sở trở về (1946).

6. Sau khi được thả về địa phận (năm 1946), Cha Louison Chánh xứ Kontum, tiếp nhận lại chức vụ mục tử địa sở Kontum cho đến năm 1953.

7. Cha Bề trên Diện, chánh xứ Kontum (lần 2)

Năm 1953, bằng một sự từ bỏ đáng khen, và bằng một nụ cười anh dũng, Cha Louison đã vui vẻ trao nhiệm vụ của mình cho một cha người Việt, cha Diện[40] là linh mục Đại diện. Ngày 4-4-1953, ngài xuống tàu về Pháp, với hy vọng sức khoẻ sẽ khả quan hơn để có thể trở lại miền đất Bahnar. Cha vào bệnh viện thành phố Marseille, và qua đời ngày 1–10–1953.

Cha Stađêô Lê Văn Nhạn giúp (1954–1958)

8. Từ năm 1953-1973: Cha Deschamp[41], cha sở Giáo xứ Kontum

Ngài sinh 19-4-1921 tại Paris; thụ phong linh mục: 28-5-1950; đi lên vùng truyền giáo Kontum: 14-10-1950; học tiếng Việt tại Phương Hoà; gởi đến Kon Hra Kơtu học tiếng Bahnar; tiếp đến được bổ nhiệm chánh xứ Giáo xứ Kontum; cư ngụ tại Kontum Kơpơng, phụ trách 5 làng dân tộc chung quanh Kontum trong 21 năm; học tiếng tại Pleiku 2 năm và bị trục xuất vào năm 1975.

Trong thời gian này, Cha Marcel Lantrade giúp (1963-1964).

9. Từ tháng 8-1975 đến 1978: Cha Phêrô Nguyễn Đây.

10. Từ năm 1978-2004: Cha Giuse Nguyễn Thanh Liên.

11.  Từ năm 2004 đến nay (2013), Cha Phêrô Nguyễn Đức Hữu, Chánh xứ Giáo xứ Kontum.

Các linh mục phó địa sở Kontum

1) Gioan Nguyễn Đức Trường (1999-2004);
2) Vinh Sơn Nguyễn Ngọc Quyền (2004-29/5/2005)
3) Phanxicô Xavie Lê Tiên (cuối 2005 – đầu 2007)
4) Phaolô Tôngd Phước Hảo (CN) (2006-2007)
5) Giacôbê Trần Tấn Việt (2007-2008);
6) Phêrô Nguyễn Ngọc Thanh (2008-2010)
7) Phêrô Nguyễn Đình Lộc (03/12/2010 – nay)
 
B. THỐNG KÊ[42] (4 hình)
 
 
 
[43]



 Báo cáo thống kê 31.12.2011 [44]
 
Hiện nay, địa sở Kontum và địa sở Phương Nghĩa có địa giới riêng biệt. Tuy nhiên, 2 địa sở này vốn từ lâu, giáo dân kinh và dân tộc sống chan hoà lẫn nhau, nên cũng còn phần nào mang dáng dấp địa sở tòng nhân. Tuy nhiên, nhưng thường quản lý mục vụ theo tòng thổ, địa sở Kontum: nằm trong một phần phường Thống Nhất, phường Thắng Lợi và xã Đăk Rwa.

1. Phía bắc giáp địa sở Phương Nghĩa (giáp đường Nguyễn Huệ và Lê Hữu Từ kéo dài)

2. Phía đông, xã Đăk Rwa

3. Phía nam giáp sông ĐakBla

4. Phía tây giáp Giáo xứ Tân Hương (đường Hoàng Diệu nối dài)
 

Hình 14 - Địa sở Kontum (màu vàng)
 
PHẦN III

TẦM QUAN TRỌNG CỦA LÀNG KONTUM
TRONG VỊ THẾ ĐẠO VÀ ĐỜI

Làng Kontum là họ chính của địa sở Kontum, nơi Cha Bề trên Vialleton Truyền Chánh xứ cư trú và làm việc. Vai trò và uy tín của Cha Bề trên Vialleton Truyền quá lớn, chẳng những trong địa hạt tôn giáo mà còn mặt xã hội trong thời gian ngài đảm nhận chánh xứ Họ đạo Kontum.

Chúng tôi đã trình bày khái quát tầm quan trọng của làng Kontum qua chuyên đề: “KONTUM MỘT ĐỊA DANH MANG TÍNH DÂN TỘC VÀ TÔN GIÁO”.

I. VAI TRÒ CÁC LINH MỤC

Sau đây, để tiện việc nghiên cứu, chúng tôi xin trích đoạn trong chuyên đề KONTUM - MỘT ĐỊA DANH MANG TÍNH DÂN TỘC VÀ TÔN GIÁO liên quan trực tiếp chuyên đề chúng tôi đang quan tâm.

1. Giai đoạn 1861-1888: Sau khi Cha Hoà lâm bệnh nặng, thuyên chuyển về Ninh Hoà và qua đời (1861), họ đạo Kontum trực thuộc trở lại Trung tâm Truyền giáo Rơhai cho đến năm 1882, năm Cha Vialleton Truyền đến đảm trách họ đạo này. Nhưng nhờ tổ chức cũng như tinh thần đoàn kết của người dân tộc sẵn có, nhất là nhờ vị mục tử mới - Cha Vialleton Truyền - trực tiếp đặc trách Họ đạo Kontum giải quyết cách khôn ngoan và kiên quyết những vấn đề của cả vùng Truyền giáo mà họ đạo nhỏ bé này vẫn vững tiến dù phải trải qua một giai đoạn cực kỳ khó khăn chung của cả Vùng Truyền giáo Tây Nguyên.

Có thể nói giai đoạn này, hay chính xác hơn giai đoạn từ năm 1850-1888, là giai đoạn anh hùng của Hội Truyền giáo vùng dân tộc. Người ta không thể hiểu nổi những vất vả, cực nhọc của các vị thừa sai như thế nào. Chỉ có Chúa mới thấu suốt những vất vả, ê chề của của các ngài. Trong số 17 vị thừa sai Pháp và 5 vị thừa sai Việt Nam, 15 vị đã ngã gục mà thành quả không hơn 1.000 người tòng giáo. Cuộc truyền giáo như giẫm chân tại chỗ. Tuy nhiên, trong giai đoạn như bị cô lập hoàn toàn trong vùng rừng núi, thiếu hụt mọi thứ, nhất là thời gian phong trào Văn Thân (1885) tàn sát tại Trung Châu và An Khê, các ngài đứng vững và đón nhận các tín hữu Kinh thoát thân khỏi cảnh tàn sát chạy lên tá túc vùng Truyền giáo tại làng Kon Jơdreh, nhất là tại làng Kontum của Cha Vialleton. Làng Kontum, họ đạo Kontum nghĩa hiệp, rộng 2 cánh tay đón nhận các anh em tín hữu Kinh bị bắt bớ tại quê hương mình lên ẩn náu chờ ngày hồi hương. Chẳng những làng Kontum mà còn nhiều cụm dân cư người Kinh hình thành dần đông thêm và tạo lập thành làng PHƯƠNG NGHĨA (1870-1880), Trại Lý (1874), Ngô Trang (1885) và những năm sau này như Phương Hoà (1903), Quý Phương (1904), Ruộng Lào (1933)… Vấn đề người Kinh lên lập nghiệp sinh sống tại dãy Trường Sơn giai đoạn đầu chỉ là vấn đề giải quyết tình thế cho một số người bị bắt làm nô lệ hoặc phải trốn chạy khỏi cuộc bắt đạo, nhưng dần dần nhiều vấn đề liên quan đến mục vụ và xã hội cũng như trong khung cảnh chính trị đã nảy sinh nhiều khía cạnh cần được các vị bề trên phải giải quyết.

2. Vai trò của Cha Bề trên VIALLETON TRUYỀN (1888-1908): thời kỳ tốt đẹp

a. Trong vòng 15 năm, hàng ngàn người dân tộc xin tòng giáo. Trước đó, các vị thừa sai quanh quẩn vùng Bahnar, nay ra đi đến mọi hướng. Đây là giai đoạn dưới quyền bề trên là Cha Vialleton Truyền (1881-1909), Đại diện Giám quản Tông toà Đông Đàng Trong. Vùng Truyền giáo Tây Nguyên phát triển mọi mặt, về bề ngoài cũng như chiều sâu. Uy tín của Cha Bề trên Vialleton vang ra khỏi vùng dân tộc, lan rộng khắp đất nước Việt Nam. Do đó, địa danh KONTUM, nơi Cha Bề trên Vialleton phụ trách, trước đây là một làng, một họ đạo rất nhỏ bé, nhờ vai trò của ngài mà được mọi người biết đến, qua những giao dịch thư từ, cũng như văn kiện tôn giáo và xã hội, chưa kể đến những lần tiếp xúc của các quan chức đạo đời. Và như thế, địa danh Kontum còn đồng nghĩa Vùng Truyền giáo cho người dân tộc, dù cũng còn mơ hồ theo giới hạn địa lý đối với nhiều người.

b. Mặt khác, cũng trong thời gian này, tình hình an ninh vững chắc hơn cho cả vùng. Vai trò của các vị thừa sai nói chung, vai trò của Cha Bề trên nói riêng trong việc thống lĩnh được tình trạng vô chính phủ trước đây là điều không thể phủ nhận. Cho nên địa danh Kontum đã vượt ra khỏi một điểm truyền giáo nhỏ bé, để trở thành biểu tượng cho cả vùng truyền giáo rộng lớn. Trong Annales MEP năm 1912, số 89, tr. 289, có ghi:

“Mười năm trước đây, Kontum chỉ là một làng rất nhỏ bé, nhưng dưới sự thúc bách của vị thừa sai của mình, nó đã trở nên to lớn nhiều và trở nên một vùng tuyệt đẹp cho các tín hữu”.

b. Hoà ước giữa chế độ thực dân Pháp và triều đình phong kiến Huế vào năm 1874, cũng như hoà ước ngày 28-8-1883, buộc Triều đình phong kiến uỷ cho người Pháp trấn giữ biên giới Việt Nam, nhưng miền Cao Nguyên Trường Sơn vẫn là nơi tranh chấp giữa chính phủ Pháp và Thái Lan. Vì tình thế đó, sự hiện diện của Thầy Sáu Do, biệt danh thân thương của Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Do, nhờ liên minh vững chắc giữa các làng người dân tộc Bahnar và Sơđang, đặc biệt uy tín của các vị thừa sai, nhất là uy thế trổi vượt của vị Bề trên Vialleton Truyền trong vùng đất được các ngài đã đổ bao mồ hôi nước mắt để gieo vãi Tin Mừng, đều cần thiết và có tính quyết định giành lại phần thắng thế cho Việt Nam trong tranh chấp này. Trong bối cảnh lịch sử đó, lá thư của quan Toàn quyền Lào gửi cho vị Bề trên Vialleton Truyền như minh nhiên công nhận vai trò trổi vượt toàn vùng của địa danh KONTUM về mặt hành chính từ năm 1898[45].

d. Ông Krui làm chủ làng Kontum và là người sát cánh với các vị thừa sai để qui hợp các buôn làng trước tiên là người Bahnar, hầu tránh những cuộc cướp phá giữa các buôn làng, mặt khác ngăn chặn con đường xuyên quốc gia buôn bán nô lệ mà chính người dân tộc là nạn nhân trước tiên, đồng thời để công việc truyền giáo dễ dàng trong giai đoạn thiếu linh mục.

3. Mục đích và kết quả của liên minh

a. Các vị linh mục thừa sai pháp muốn quy tụ và liên minh các bộ tộc Bahnar - Rơngao - để dễ cho công việc mục vụ và sau đó đến thuyết phục các làng dân tộc Sơđăng thành một khối để chống lại thực dân của nước Xiêm La[46] và nhờ liên minh này nền an ninh vùng Tây Nguyên dần dần thoát áp lực của quân Xiêm La và nội tình ngày càng dễ dàng ổn định hơn.

b. Sau đây, chúng tôi xin trình bày vài khía cạnh liên quan đến việc quy hợp các làng người dân tộc dưới khía cạnh thời cuộc trong sự tranh chấp giữa các thế lực thực dân vùng Tây Nguyên.

Thật thế, tiền bán thế kỷ XIX, tranh chấp dai dẳng giữa Pháp và Xiêm La (Thái Lan) - đứng sau lưng là quân Anh - trên mọi mặt trận quân sự và bàn đàm phán. Chẳng phải nhờ sự hiện diện của khối dân tộc thiểu số đã liên kết lại và người Việt nam trong đó đa phần là người công giáo đang sinh sống trên đất Tây Nguyên từ lâu đời tạo thế mạnh trên bàn đàm phán này hay sao? Một hiệp ước Băng Cốc (Bangkok) đã được ký kết vào ngày 3 tháng 10 năm 1893 buộc nước Xiêm La phải rút quân, để cho nước Pháp bảo hộ Tây Nguyên các dân tộc thiểu số và nước Campuchia[47].

c. Do đó, ít nhất vào nửa cuối thế kỷ XIX (7-3-1898), như công văn được Cha Guerlach trích dẫn trong tài liệu “L’Oeuvre néfaste” cho biết, địa danh KONTUM không chỉ là một họ đạo mà còn có ý nghĩa hành chính cho cả vùng truyền giáo của các vị thừa sai. Tuy nhiên, cho đến lúc đó ranh giới vùng KONTUM theo mặt hành chính chưa rõ ràng cũng như vùng truyền giáo KONTUM còn nằm phía trước, có phần mơ hồ vì quá bao la gồm cả vùng Tây Nguyên, vùng Hạ Lào và cả vùng giáp ranh bắc Campuchia[48].

4. Địa giới Kontum theo khía cạnh hành chính từ 1898-2000

Do những khía cạnh vừa trình bày ở trên, để minh định ranh giới vùng KONTUM về mặt hành chính, chúng tôi trình bày KONTUM tương quan với các đơn vị hành chính như Dak-Lak và Plei-Ku từ cuối thế kỷ XIX đến nay.

KONTUM[49]

Năm 1898: Người Pháp đặt Toà Đại lý Hành chính tại Kontum và uỷ nhiệm cho Linh mục Vialleton Truyền làm đại lý.

Năm 1905: Ngày 13-7, thành lập tỉnh Pleiku-Der (bao gồm Kontum), tách khỏi Lào.

Năm 1907: Ngày 2-5, sáp nhập tỉnh Pleiku-Der vào Qui Nhơn. Ngày 12-7: Pháp lại chia tỉnh này thành 2 Đại lý: Đại lý Kontum trực thuộc Phủ Toàn quyền Qui Nhơn; Đại lý Cheoreo thuộc Sông Cầu (Phú Yên). Ngày 27-10: Guenot đến Kontum và làm Đại lý Kontum. Toà Đại lý sau đổi thành Toà Công sứ Kontum.

Năm 1911: Sabatier đến Kontum giữ vai trò công sứ thay Guenot.

Năm 1913[50]: Ngày 9-2, Toàn quyền Đông Dương lại thành lập lại tỉnh Pleiku-Der, lấy tên là tỉnh Kontum. Tỉnh Kontum bao gồm cả phần đất Gialai, Kontum và ĐắcLắc hiện tại.

Năm 1917: Ngày 14-2, vua Khải Định ban chỉ dụ được Quan Toàn quyền Đông Dương, chuẩn y ngày 28-3-1917, đem các tổng Tân Phong, An Khê thuộc tỉnh Bình Định sát nhập vào tỉnh Kontum. Ngày 14-11, Toàn quyền Đông Dương lập Đại lý hành chính An Khê thuộc quyền công sứ tỉnh Kontum, gồm cả 2 khu vực huyện Tân An va khu vực người dân tộc thiểu số.

Năm 1923: Ngày 2-7, Toàn quyền Đông Dương lại lập lại tỉnh mới ĐắcLắc.

Năm 1925: Ngày 24-5, Toàn quyền Đông Dương lập lại đại lý hành chính ở Pleiku, thuộc tỉnh Kontum.

Năm 1929: Ngày 3-2, Toàn quyền Đông Dương lập lại 2 thị xã Kontum và Pleiku.

Năm 1932: Ngày 24-5, Toàn quyền Đông Dương lại tách một phần đất phía nam tỉnh Kontum để lập tỉnh Pleiku. Địa giới các huyện Mang Yang, K’Bang, An Khê, Kon Chro hiện tại vẫn thuộc tỉnh Kontum. Toà Đại lý hành chính của Pleiku cũng được đổi thành Toà Công sứ.

Năm 1943: Ngày 9-8, vùng An Khê tức là các huyện phía đông hiện tại của tỉnh Gialai được sát nhập về Pleiku.

Năm 1949: Thực dân Pháp trao trả độc lập cho Bảo Đại.

Năm 1950: Ngày 15-4, Bảo Đại ký đạo dụ số 6 đặt các tỉnh và các miền thượng du Nam và Bắc trực tiếp thuộc quyền Quốc Trưởng Bảo Đại: Thiết lập Hoàng Triều Cương Thổ, trực thuộc Quyền Quốc Trưởng Bảo Đại. Bãi bỏ Toà Uỷ viên Pháp. Ngày 25-7, chính quyền Bảo Đại ký sắc lệnh số 3 đặt các tỉnh ĐắcLắc, Đồng Nai Thượng, Lâm Viên, Pleiku và Kontum thành địa phận hành chính riêng biệt gọi là Cao Nguyên miền Nam thuộc Hoàng Triều Cương Thổ dưới quyền một uỷ viên Đức Quốc Trưởng, và đặt dưới quyền Toà Khâm mạng do một vị Khâm mạng quyền hành như một Quốc Vụ Khanh trông coi.

Năm 1954: Ngô Đình Diệm yêu cầu Quốc Trưởng Bảo Đại huỷ bỏ Hoàng Triều Cương Thổ.

Năm 1955: Ngày 11-3, Quốc Trưởng Bảo Đại đã phê chuẩn dụ số 21, sát nhập các vùng cao nguyên vào lãnh thổ của quốc gia Việt Nam.

Năm 1962: Ngày 1-9, chính quyền Sài Gòn lập tỉnh Phú Bổn, đặt tỉnh lỵ tại Cheoreo, mang tên mới là thị xã Hậu Bổn.
Năm 1975: 3 tỉnh Pleiku, Kontum và Phú Bổn (trừ huyện Thuần Mẫn) nhập thành tỉnh Gailai-Kontum.

Năm 1991: Tháng 10, KONTUM lấy lại vai trò cổ kính của nó trước kia: tái lập lại tỉnh KONTUM như xưa.

- Phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (142 km).
- Phía Đông giáp tỉnh Quảng Ngãi (74km).
- Phía Tây giáp Lào, Campuchia (275 km).
- Phía Nam giáp tỉnh Gialai (203 km)[51].

Năm 1996: Tính đến cuối năm, Kontum[52]

* Diện tích: 9661,71 km2

- Tx. Kontum: 424,2 km2
- SaThầy: 2.441,9 km2
- KonPlong: 2.248,2 km2
- Đăk Hà: 843,6 km2
- ĐakTô:1.377,4 km2
- Ngọc Hồi: 823,9 km2
- Đăk Glei: 1.532,5 km2

* Dân số: 290.001 người, gồm: Kinh: 138.560, dân tộc: 151.441 (J’rai: 14.779; Bahnar: 32.356; Sơđang: 70.518; các dân tộc khác: 33.788).

Đó là một số diễn biến lịch sử địa danh KONTUM theo khía cạnh hành chính qua nhiều chế độ. Nhưng dù trải qua “một cuộc bể dâu” như thế nào đi nữa, KONTUM vẫn giữ được giá trị trường tồn của nó: giá trị tinh thần và Kitô giáo.

II. Vai trò của Giáo hội Kontum đã và đang đóng góp cho vùng đất Tây Nguyên trong nhiều lĩnh vực

Nếu muốn liệt kê một danh mục đầy đủ các công tác đóng góp của Giáo Hội Kontum tại miền đất này, chúng tôi trộm nghĩ tờ danh mục này quá dài để liệt kê cho hết và suy cho cùng cũng không cần thiết. Điều quan trọng chúng tôi cảm nghiệm được ở đây, đó chính là sự HIỆN DIỆNCỦA MỌI THÀNH PHẦN DÂN CHÚA xuyên suốt qua từng giai đoạn với tinh thần PHỤC VỤ, NHÂN ÁI, CHỨNG NHÂN CHO TIN MỪNG, và nhờ như vậy, người Kitô hữu nói chung, người dân tộc nói riêng gạt qua một bên tâm tính cục bộ, sự hận thù tìm ẩn, hầu can đảm nhìn về phía trước, xây dựng không phải đất nước trần thế, theo phương lối thế tục, mà trong tinh thần “NƯỚC TRỜI ĐANG Ở GIỮA ANH EM” như Chúa Giêsu đã dạy.

Tuy nhiên, chúng tôi xin tạm nêu lên vài khía cạnh quan trọng của LÀNG KONTUM, nơi cưu mang HẠT GIỐNG TIN MỪNG được cụ thể như thế nào trong mối tương quan với trần thế. Chúng tôi xin trích trong chuyên đề vừa nêu trên:

1. Giai đoạn 1888-1908

KONTUM bị đùn bên này, đẩy bên kia, có lúc bị mất hút trong một vài vùng đất được khoanh tròn theo quan điểm chiến lược khác nhau. Nhưng Kontum luôn mang trong mình những yếu tố trường tồn: đó là tình người dân tộc và Kitô giáo. Không gì tốt hơn là chúng tôi xin ghi lại sau đây một số đoạn của linh mục thừa sai Guerlach trả lời cho Camille Paris, người đã bôi nhọ các vị thừa sai, trích trong “L’Oeuvre néfaste”, được trưng dẫn trên dưới một số vấn đề cụ thể sau đây:

a. Về mặt an ninh - xã hội

“Chẳng có gì hơn sự kiện tụ hợp một số lớn các buôn làng dưới cùng một thủ lãnh, đã tạo nên một tiến bộ quý giá đối với một tình trạng xã hội vô chính phủ trước đây”.

“Về mặt xã hội, các công việc nhân đạo và văn minh được nhận thấy rõ ràng qua sự ổn định - dù chậm - những chắc chắn cho toàn vùng, bằng cách dẹp được các vụ cướp bóc của một số người Jrai và chấm dứt cảnh đâm chém lẫn nhau giữa các buôn người Bahnar, nhờ các cuộc thương nghị công bình. Tôi đã nhiểu cần phải tốn hao tài lực để mưu cầu hoà bình, trả các khoảng tiền phạt cho bên gây chiến bất công, khi họ chao động vì tốn phí tiền của. Tôi cũng đã tổn hao tài chính để kết ước thảo thuận giữa các buôn làng với nhau”.

b. Về mặt giáo dục

Cha viết tiếp:

“Cũng trong năm 1892, Cha Bề trên Vialleton từ Pháp trở về và tôi hài lòng trao lại cho người trách nhiệm Bề trên, sung sướng hết đảm nhận các trách vụ này. Cha Bề trên đẩy mạnh việc giáo dục cho người dân tộc, dạy họ tập đọc. Những người bản xứ không có chữ viết, các vị thừa sai cho họ một loại hình chữ viết bằng cách phát âm nhờ tiếng quốc ngữ. Khởi đầu thật khó khăn vất vả, nhưng Cha Bề trên Vialleton là con người kiên trì. Những cố gắng này mang nhiều thành quả tốt đẹp. Bây giờ có nhiều trường học trên vùng đất truyền giáo và kể như một chuyện lạ lùng là 3, 4 bà vợ trẻ đã học đọc, không muốn thua kém so với ông chồng mình (…)”.

c. Về việc bài trừ mê tín

“Trong lúc Cha Bề trên dạy cho các cư dân hương vị tiếng bản địa và bố trí cho họ một quyển sách tiếng Bahnar, thì tôi lại ra đi truyền giáo. Vì nghĩ đến lợi ích vật chất của người bản xứ, nên tôi quan tâm nhất là đến lợi ích thiêng liêng, đến huấn đạo luân lý và phần rỗi của họ. Khi làm như vậy, tôi ý thức phục vụ rất nhiều và lâu dài kể cả phương diện vật chất, bằng cách bài trừ các thực hành mê tín là những nguyên nhân làm cho họ tổn hại rất nhiều”.

Làm nổi bật khía cạnh phát triển, nghĩa là muốn nâng cao dân sinh là phải loại trừ mê tín dị đoan và đem phương thức canh tác có khoa học hơn.

“Các công nhân, viên chức, các nhà thám hiểm đến vùng Bahnar đã có thể nhận thấy tận mắt rằng người Công giáo cày ruộng bằng chiếc cày, cái bừa do các vị thừa sai đem vào phổ biến. Các nơi khác, dân bản địa dùng cái bới, cái cuốc sắt nhỏ làm rẫy, chọc trỉa. Có một bữa tôi hỏi người đứng đầu dân Gơlar tại sao họ không cày bừa vùng đất rộng được trận lụt định kỳ đem màu mỡ đến, nhờ vậy mùa gặt lúa mang lại kết quả thu hoạch tốt đẹp! Lúc đầu, ông tìm cách thối thoái, nhưng cuối cùng, ông thú nhận với tôi: “jang káp pơgra” (thần đòi hỏi chúng tôi nhiều qua). Ông ta giải thích cho tôi biết là có một người trước đây cũng bắt đầu cày ruộng với chiếc cày, nhưng Iang Glaih (Thần Sấm Sét) hiện ra với ông ta trong giấc mộng, đòi ông ta phải cúng thần mỗi năm một con trâu, nên ông ta không muốn dùng cày mà cày đất ruộng rẫy nữa. Vì không có gì để cúng theo yêu sách đó, và sợ mọi tai ương hoạn nạn và bị chết nếu không chấp hành. Người Gơlar không dám tiếp tục nữa. Vì thế, dùng cày bừa bị đình chỉ với người Sơđang trong các vùng này. Còn biết bao nhiêu mê tín dị đoan rầy rà hơn nữa”.
 
d. Y tế - bài trừ bệnh tật

Nạn dịch đậu mùa, bệnh tật hoành hành trong các buôn làng bản địa. Sự đóng góp và cố gắng chặn đứng những nạn dịch và bệnh tật như thế nào trong vùng Kontum? Chưa kể lần đầu tiên vào năm 1893[53], Cha Guerlach sau khi từ Huế về gặp cảnh đau thương dịch đậu mùa sát hại 86 người ở Kon Hara, 106 ở Rơhai. Nạn dịch lan rộng 5 nơi, cha vội xin thuốc ngừa, chủng ngừa, cũng như tìm phương thế đào tạo nhân sự để giải quyết phần nào các bệnh dịch đe doạ tiêu diệt cư dân. Cha Guerlach viết như sau:

“Sau khi miễn dịch được cư dân vùng Truyền giáo, tôi lên vùng Sơđang, khi một nhóm người Gơlar tới xin tôi đến miền của họ, vì bệnh truyền nhiễm đã hoành hành dữ dội”.

“Tôi đi ngay. Chúng tôi đang ở giữa mùa mưa như thác làm ngập cả vùng thung lũng; trong hai ngày, tôi đi dưới mưa gió, và các người dân tộc mang các đồ đạc đơn giản của tôi phải run rẩy vì lạnh buốt, vì sợ hãi, vì gió thổi rít quá mạnh. Khi tôi đến, một trong các chủ làng thốt lên: ‘Quả thật, các linh mục thừa sai có một trái tim quảng đại và can trường, phải công nhận cha đã thương chúng tôi quá sức để đến đây, mặc dù trời mưa gió bão táp; chúng tôi biết ơn các ngài’.

“Để tránh tai hoạ này, các người dân tộc phải phân tán vào các truông, những khoảnh đất hoang, do đó tôi phải vất vả cực nhọc đến với họ, luôn luôn đi dưới mưa gió và tôi chủng ngừa hơn 600 người trong vùng người Gơlar”.

“Hết 8 ngày, tôi phải chỉ dẫn cho dân địa phương cách thức chủng ngừa và tôi trở về miền của tôi, từ đó tôi lại lên vùng Sơđang cũng đang bị dịch đậu mùa hoành hành do các người Kon Krôh mang tới…”.

“… Để tự đề phòng, các người Sơđang đã đặt chung quanh làng những cây cột thành hình chữ thập, các cây chông bằng tre và các loại bẫy. Một chùm cây gay to tướng chắn lối ngoài cổng làng. Tôi chủng ngừa các dân cư trong 3 làng, rồi tôi lên vùng Kon Run, sau cùng tôi chủng mọi dân làng Hagou, mọi bộ tộc Kon Trong, Kon Jơry. Vì thế, tôi quá mệt mỏi nhưng bệnh truyền nhiễm bị chặn đứng, và cả vùng được an toàn. Tôi đã chủng hơn 7.000 người, một công việc đòi thời gian dài và mệt mỏi…”.

“Có cần nói đến các thứ thuốc men do chúng tôi cứu trợ cho hết mọi người, không phân biệt lương hay giáo chăng? Tiền để lập tủ thuốc hằng năm từ 4 lên tới 600 đồng phật lăng Pháp: vốn tiền chi dụng càng tăng lên, nhất là trong thời kỳ bị nạn dịch.

“Nhờ thuốc Hoàng Nam, chúng tôi đã cứu biết bao nhiêu người địa phương bị rắn cắn thường thì bị chết do nộc độc của nó”.

e. Chặn đứng việc buôn bán nô lệ

Cha Guerlach khẳng định:

“Tôi làm trong khả năng của tôi để chặn đứng lộ trình buôn bán nô lệ, bằng cách chấm chỉ rõ ràng các người buôn bán nô lệ không được qua lại trên những con đường chúng tôi xây dựng. Các nô lệ bị người Sơđang bắt, trong trường hợp không bán được, thường là bị giết chết”.

“Trong thời kỳ đầu của nạn dịch đậu mùa, một vài người Sơđang giết nô lệ người kinh để cúng thần. Trẻ em bị cột chặt vào trụ như một con trâu và suốt đêm, người dân tộc múa nhảy chung quanh các vật tế thần này trong tiếng trầm bổng của chiêng trống. Người ta sẽ hiểu các nạn nhân bị căng thẳng chịu một cảnh tượng hấp hối trong một đêm rùng rợn não nề hãi hùng như thế nào! Khi mặt trời vừa ló rạng, trẻ em bị đâm bằng những nhát dao, sau đó mọi dân trong buôn làng lấy ngón tay thấm máu và bôi vào ngực mình. Thây ma thì đem đi chôn!”

“Tiếp đó, người ta giết trâu và cùng nhau ăn thịt sau khi dâng cho các yang phần đặc biệt”.

“Đấy còn là những điều rùng rợn mà tôn giáo phải khử trừ (…)”.

“Tôi có nên nói đến các mê tín dị đoan mà các vị thừa sai dần dần khử trừ trong các buôn làng tòng giáo không? Ví dụ: “deng” mà người Jrai gọi là “rơlung” (Ma lai). Đó là một sức mạnh ẩn khuất mà người nào đó có được sức mạnh đó, từ xa có thể giết và ăn được hồn của nạn nhân mình. Biết bao nhiêu người xấu số đã bị bắt giết chết ngay, cách thê thảm chỉ vì mê tín dị đoan “deng” này!”.

“Trong làng Công giáo không còn loại mê tín dị đoan này nữa”.
 
2. Giai đoạn 1908-1933

Trong thời gian đầu, số linh mục ít, hoàn cảnh khó khăn, các vị thừa sai hết sức cố gắng để đem tinh thần Tin Mừng vào nếp sống, cơ cấu tổ chức xã hội cổ sơ là buôn làng của người dân tộc. Tuy nhiên, vào những giai đoạn sau (1908-1933), nghĩa là giai đoạn tổ chức chuẩn bị thành lập địa phận vào năm 1932, phương thức Phúc Âm hoá vùng dân tộc Tây Nguyên chuyển biến cách cụ thể và dài hơi, là xây dựng cơ sở, đào tạo nhân sự.

Ngoài các trường học tại họ đạo, một trường đào tạo lớp thầy giảng người dân tộc khởi công từ năm 1905, khánh thành ngày 7-1-1908, còn nhiều cơ sở y tế, xã hội khác… cùng đội ngũ nhân lực thiện chí, khả năng, nhất là có lòng thương yêu và tôn trọng anh em dân tộc để phục vụ cho anh em dân tộc.

Vùng Truyền giáo Tây Nguyên vào năm 1932 hội đủ điều kiện để trở thành một vùng truyền giáo độc lập.

“Năm 1930, số giáo dân từ 18.000 lên 80.000 tín hữu, có 45 vị thừa sai ngoại quốc và gần 90 linh mục bản xứ thuộc địa phận Qui Nhơn. Riêng Vùng Truyền giáo (Kontum) phát triển tốt đẹp về số lượng cũng như phẩm chất lòng đạo: 20.000 tín hữu, 14 linh mục thừa sai ngoại quốc, 11 linh mục Kinh và 3 linh mục người Bahnar. Đó là một vùng mà chẳng có gì giống với vùng truyền giáo Qui Nhơn: chủng tộc, khí hậu, ngôn ngữ, phong tục, thể chế chính trị, phương pháp truyền giáo… mọi cái đều khác”.

“Do tình trạng địa dư, nhân văn và tôn giáo của vùng, Toà Thánh thấy cần tạo lập một vùng truyền giáo độc lập. Ngày 11-1-1932, Toà Thánh chỉ định một địa phận gọi là Kontum độc lập, và ngày 15-1-1933, Cha Jannin, vị thừa sai ở vùng truyền giáo Kontum cho người dân bản địa từ 43 năm, được bổ nhiệm Giám mục Gadara và là vị Đại diện Tông toà đầu tiên trên vùng Tây Nguyên này”.

“Ngày 18 tháng 4 năm 1933, Cha Jannin xuống Qui Nhơn trình Tông thư bổ nhiệm cho Đức cha Tardieu, Giám quản Qui Nhơn và tuyên thệ theo giáo luật quy định cho các Tân Giám mục Giám quản Tông toà. Như vậy, ngài chính thức là vị Giám quản Tông toà một địa phận mới, và chính thức chia thành 2 địa phận: Qui Nhơn và Kontum từ đó”[54].

“Địa phận Kontum gồm 4 tỉnh: Kontum, Pleiku, Ban Mê Thuột và Attopeu, bề rộng từ 150 km đến 200 km; dài: 450 km, diện tích 70.000 km2 và 700.000 dân cư”[55].

Địa danh KONTUM đã đi vào lịch sử của Giáo Hội hoàn vũ, là một trong các địa phận tại Việt Nam. Như vậy, từ năm 1932, địa danh KONTUM chính thức sử dụng trong Giáo Hội để chỉ vùng đất truyền giáo bao la và bao gồm một số đông đảo 700.000 cư dân Kinh cũng như  một số lớn các dân tộc trên vùng đất Tây Nguyên và Hạ Lào.

KẾT LUẬN

Chúng tôi xin kết thúc chuyên đề về TẦM QUAN TRỌNG “LÀNG KONTUM” với phần CẢM NGHĨ trích trong tập tài liệu vừa trương dẫn.

“LÀNG KONTUM” NHƯ HẠT CẢI NHỎ BÉ, NHƯNG DẦN DẦN LỚN MẠNH, TRỞ NÊN CÂY TO lỚN XUM XUÊ, THÀNH MỘT ĐỊA DANH KONTUM CÓ TẦM CỠ GIÁO PHẬN và đã đi vào lịch sử của Giáo Hội hoàn vũ, là một trong các địa phận tại Việt Nam. Như vậy, từ năm 1932, địa danh KONTUM chính thức sử dụng trong Giáo Hội để chỉ vùng đất truyền giáo bao la và bao gồm một số đông đảo 700.000 cư dân Kinh cũng như  một số lớn các dân tộc trên vùng đất Tây Nguyên và Hạ Lào. Mặt khác, “LÀNG KONTUM” VÀ ĐỊA DANH KONTUM ẤY ĐÃ TRỎ THÀNH TÊN CỦA TỈNH KONTUM, mà toàn dân trong tỉnh MỪNG 100 NĂM KỶ NIỆM NGÀY THÀNH LẬP TỈNH (09.02.1913 – 09.02.2013).
 
MỘT VÀI CẢM NGHĨ[56]

LÀNG KONTUM, GIÁO PHẬN KONTUM, TỈNH KONTUM - nới rộng ra như một đất nước chẳng hạn: nó có thể thuần chủng hay gồm đa chủng tộc cùng quy tụ chống ngoại xâm, hoặc do lấn chiếm bằng vũ lực, hay thực dân bằng kinh tế, kể cả bằng chính trị và nhiều trường hợp bằng cộng sinh để tập hợp lại thành một đất nước thống nhất. Nhưng điều quan trọng là nhà cầm quyền biết theo chính sách “an dân” như Nguyễn Trãi, để quy hướng tất cả mọi người đồng tâm xây dựng thành một quê hương tươi đẹp, một đất nước hạnh phúc thật sự. Kontum phần nào theo quy luật như thế, nhưng còn bao hàm một số yếu tố khác về giá trị dân tộc và tôn giáo.

KONTUM từ một địa danh nhỏ bé đã trở nên một sức sống cho toàn vùng Truyền giáo Tây Nguyên và ảnh hưởng đến nếp sống của người dân, nhất là người dân tộc bản địa. Sự sống đó là tính dân tộc dần dần được thấm nhuần tinh thần Kitô giáo. Nói cách khác, chính là Tin Mừng Chúa Kitô dần dần hội nhập và cải hoá toàn bộ cơ cấu tổ chức xã hội, nhất là tâm thức tôn giáo cổ sơ của họ.

KONTUM ví như dòng sông Dak Bla bắt nguồn từ đỉnh núi cao phía bắc của tỉnh, bằng muôn vàn hạt nước li ti, dần kết tụ lại thành những con suối nhỏ, để rồi trở thành dòng sông lớn tưới mát và nuôi sống vùng đất thân thương, và từ thị xã Kontum, nó hướng dòng về phía tây, đem phù sa đến cho vùng này, cuối cùng đổ về miền Nam Việt Nam. KONTUM cũng bắt nguồn bằng hạt mưa của “Suối Nước Hằng Sống”, đi ngược dòng đời, tô điểm cho lòng người với Ơn Thánh Chúa, biến đổi xã hội để hướng con người lên Đỉnh Núi Cao của thế giới Thần Thiêng.

Người dân tộc KONTUM hiền hoà, cần cù lao động trên mảnh đất Tây Nguyên. Khung cảnh sống ngày nay trên vùng đất này đã biến đổi rất nhiều: đồng ruộng, nông trường xen lẫn với đồi trọc hay phần nào đã được phủ xanh; các buôn làng và thôn xã kinh tế mới, lấn dần rừng núi làm cho thú rừng phải di tản hoặc đi tìm thức ăn ở nơi khác. Điện đã được thắp sáng nhiều nơi, phương tiện nghe nhìn tăng dần; nhưng nhiều nơi lại bị ngập dưới lòng hồ Yaly, nên một số người dân ven sông Dak-Bla phải tìm các kế sinh nhai khác. Một điều đáng lưu ý là lòng đạo đức và tâm hồn chất phác nay cũng đã bị tha hoá nhiều do xu hướng hưởng thụ và nạn rượu chè nơi không ít người dân tộc. Trước mắt, nội lực của người dân tộc cần tăng cường để họ ý thức việc học tập và thăng tiến bản thân. Nhà nước cần đầu tư nhiều lĩnh vực như giáo dục, y tế, phát triển ngành nghề… Không có sức mạnh biến đổi nào hữu hiệu cho bằng chính bản thân người dân tộc phải ý thức vươn lên. Phúc Âm hoá vùng Tây Nguyên bước đầu phần nào đã giúp họ vượt thắng được các trì trệ trong việc phát huy tài năng cũng như kiến tạo một xã hội ngày càng công bình và tốt đẹp hơn theo như lòng Chúa mong muốn. Với “văn minh tình thương” của Kitô giáo và tinh thần “mọi người là anh em”, cùng Cha trên trời, họ được tôn trọng và đồng thời cũng biết tôn trọng người khác với tất cả trách nhiệm trong việc phục vụ bản thân, gia đình và xã hội.

Các Giám mục Giáo phận Kontum từ trước đến nay luôn chủ trương làm sao để giúp người tín hữu Tây Nguyên cùng sống đạo trong các mối quan hệ hỗ tương với một thái độ tôn trọng và phục vụ lẫn nhau. Các ngài không chủ trương Tây Nguyên phải đóng kín hoặc cấm chỉ người Kinh lên lập nghiệp tại đây, như Léopold Sabatier, được mệnh danh là “cha già của người Rađê”, là “ông vua da trắng”[57] tại Ban Mê Thuột (tỉnh Daklak), đã chủ trương vào thập niên 20-30 của thế kỷ XX. Các ngài cũng phê phán việc di cư vô tổ chức làm phá huỷ sinh thái tự nhiên và khung cảnh sống thích hợp cho người dân tộc hoặc có thái độ khinh miệt họ. Các ngài đã đưa ra đường lối mục vụ chỉ đạo trong việc người Kinh định cư trên vùng Tây Nguyên, nhất là trách nhiệm người tín hữu như thế nào để loan báo Tin Mừng cũng như xây dựng nền văn minh tình thương và góp phần làm cho xã hội ngày càng phồn thịnh mà không đánh mất bản sắc dân tộc vùng Tây Nguyên. Định cư người Kinh trên vùng dân tộc Tây Nguyên là vấn đề gai góc, xã hội cũng như Giáo Hội đều quan tâm đặc biệt. Vấn đề này sẽ trình bày trong một chuyên đề khác khi hoàn cảnh cho phép[58].
 
 
 
_____________________

[1] x. “Mở đạo Kontum”, được Đức cha Jannin, vị Đại diện Tông toà Kontum chuẩn y vào ngày 10 tháng 2 năm 1933, của 2 vị linh mục đồng tác giả là Cha P. Ban và S. Thiệt, Nhà In Qui Nhơn, trang 113.
[2] x. “Mở Đạo Kontum” của P. Ban và S. Thiệt, 10.02.1933, trang 113. Xin xem thêm.“Phỏng trước năm 1800, thì không có tên Kontum vì làng Mọi ấy cũng chưa có. Trước, chỉ có làng Kontrang-ôr, ở gần bên sông, chỗ gọi là Dak-Lai, bây giờ kêu là Chuoh-Reng, chỗ ấy có một cây xoài lớn, bây giờ hãy còn”. (xem “Kontum Tỉnh Chí” của Ông Võ Chuẩn, viết ngày 24 tháng 10 năm 1933, đăng trong NAM PHONG, số 191, tháng Octobre năm 1933 trang 530).
[3] x. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.
[4] x. “Nghiên cứu Địa bạ Triều Nguyễn - Phú Yên”, tr. 59-60.
[5] x. “Nghiên cứu Địa bạ Triều Nguyễn - Phú Yên”, tác giả: Nguyễn Đình Đầu, trang 64-66.
(3) Lê Quý Đôn, sđd. Tập I, tr. 216-217.
[6] Id, trang 65.
[7] Id, trang 56.
[8] Xem trong tài liệu “Nghiên cứu địa bạ Triều Nguyễn  Phú Yên”, tác giả Nguyễn Đình Đầu, NXB Thành phố Hồ Chí Minh năm 1997, trang 58.Ghi chú (1) của sđd, trang 67 có viết: Bản đồ ROYAUME D’ANNAM, phụ bản sách HISTOIRE DE ROYAUME DU TONQUIN, Lyon 1953. Chúng tôi xử dụng bản này vì được chú giải bằng tiếng Pháp cổ. Chú thích trên đây là nguyên văn, dù có thể sai văn phạm. Chúng tôi không dùng phụ bản chú thích bằng tiếng Latinh trong sách ấn hành năm 1651 của Alexandre De Rhodes (A Lịch Sơn Đắc Lộ). Có lẽ đây là bản đồ đầu tiên phân biệt Đàng Trong với Đàng Ngoài và vẽ trên kinh tuyến (...).
[9] x. Bản đồ “Hồng Đức Bản Đồ” do các tác giả: Bửu Cẩm, Đỗ Văn Anh, Phạm Huy Thuý, Tạ Quang Phát và Trương Bửu Lâm, Bộ Quốc Gia Giáo Dục, Sài Gòn năm 1962. được phổ biến trong tủ sách Viện Khảo Cổ, số III trang 4 ghi chú (1). Xin xem thêm trong  Nguyệt san Xưa và Nay, số 341 (10-2009) trang 18, tác giả ghi : bản đồ Hồng Đức ghi Tây giáp Lung Lang giới, thì bản đồ Đắc Lộ ghi Cambogiae pars (có lẽ Lung Lang phiêm âm tên Panduranga, một xứ của Chăm Pa).
Chúng tôi, người viết bài này đặt câu hỏi Lung Lang trong bản đồ Hồng Đức phải chăng là Lung Leng địa danh của cư dân thời xa xưa nằm hữu ngạn sông Sesan tỉnh Kontum đã được khai quật nghiên cứu khảo cổ cách đây không lâu?
[10] Như trên, mục 9. - A
[11] Xem trong tài liệu “Nghiên cứu địa bạ Triều Nguyễn  BÌNH ĐỊNH”, tác giả Nguyễn đình Đầu, NXB Thành phố Hồ Chí Minh năm 1996, trang 78-79.
Hình bản đồ - Xin xem thêm Bibliographie des Missions Étrangères, Civilisations, Religions et Langues de l‘Asie, NXB les Indes savantes - Missions de Paris, phần bản đồ đính kèm trang 16.
[12] x. “Nghiên cứu địa bạ Triều Nguyễn, Phú Yên”, trang 73
[13] x. “Nghiên cứu địa bạ Triều Nguyễn, Phú Yên”, trang 59
[14] Bách khoa toàn thư mở Wikipedia:
“Vùng Tây Nguyên, một thời gọi là Cao nguyên Trung phần Việt Nam là khu vực cao nguyên bao gồm 5 tỉnh, xếp theo thứ tự vị trí địa lý từ bắc xuống nam gồm Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk,Đắk Nông và Lâm Đồng. Tây Nguyên là một tiểu vùng, cùng với vùng Duyên hải Nam Trung Bộ hợp thành vùng Nam Trung Bộ, thuộc Trung Bộ Việt Nam”.
[15] Bách khoa toàn thư mở Wikipedia:
“Vùng Tây Nguyên, một thời gọi là Cao nguyên Trung phần Việt Nam là khu vực cao nguyên bao gồm 5 tỉnh, xếp theo thứ tự vị trí địa lý từ bắc xuống nam gồm Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Tây Nguyên là một tiểu vùng, cùng với vùng Duyên hải Nam Trung Bộ hợp thành vùng Nam Trung Bộ, thuộc Trung Bộ Việt Nam”.
[16] Trích theo tài liệu “Trường luỹ Quảng Ngãi’, trong Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
[17] x. Nguyễn Đỉnh Chi và Nguyễn Đổng Chi, “Mọi Kontum”, trong phần thứ nhất.
[18] x. “Dân Làng Hồ”, NXB Đà Nẵng 2008, chương III, Trang 33
[19] x. Võ Chuẩn, “Kontum Tỉnh Chí”, tháng 10 năm 1933, 537-539.
[20] x. “Kontum Tỉnh Chí” của ông Quản đạo Võ Chuẩn, viết xong tại Kontum vào 24 tháng 10 năm 1933, được in trong Nam Phong Số 191, Décembre 1933, trang 537.
[21] x. Bibliographie des Missions Étrangères , Civilisations, Religions et Langues de l‘ Asie,  NXB  les Indes savantes – Missions  de Paris, trang  350-352.
[22] x. “Mở Đạo Kontum” của P. Ban và S. Thiệt, 10.02.1933, trang 113. Xin xem thêm.“Phỏng trước năm 1800, thì không có tên Kontum vì làng Mọi ấy cũng chưa có. Trước, chỉ có làng Kontrang-ôr, ở gần bên sông, chỗ gọi là Dak-Lai, bây giờ kêu là Chuoh-Reng, chỗ ấy có một cây xoài lớn, bây giờ hãy còn”. (xem “Kontum Tỉnh Chí” của Ông Võ Chuẩn, viết ngày 24 tháng 10 năm 1933, đăng trong NAM PHONG, số191, tháng Octobre năm 1933 trang 530)
[23] x. “TÌM VỀ DĨ VÃNG LÀNG KON TRANG ÔR” đăng trang Truyền thông Giáo phận Kontum ngày 19.01.2013. Chúng tôi có đặt mấy câu hỏi xin ông câu Hiuh làng Kontum Kơnâm làm sáng tỏ: “Ông có biết làng MOER xưa kia ở đâu không?
- Ông trả lời: dân làng không gọi MOER mà gọi là PƠER. Làng  PƠER nằm  tại KONTUM KƠNÂM 2 bây giờ, phía bên kia cầu treo thuộc xã Đăk Rwa, gần bờ sông.
- Ông có biết KONTRANG PHĂ BENG ở đâu không?
- Nó nằm lệch về phía đông bắt gần TUM PHĂ.
- Xin ông cho biết KONTRANG ÔR xưa kia ở đâu không?
- Xưa kia nó nằm phía bên kia sông gần suối DAK LĂI, trên mô đất cao và gần KON HRA KƠTU. Chúng tôi đọc là Dak Lăi, chứ không đọc Dak Lai người kinh thường đọc”.
 Chúng tôi đến làng Kon Klor và được Ông cụ tên là A Pưnh, gần 80 tuổi, làm câu trong làng Kon Klor cho biết thêm làng Pơer nằm phía bên kia sông qua cầu treo, tả ngạn sông và vùng đất gần sông Đak Bla.
[24] x. “Les Sauvages Bahnars” (Dân Làng Hồ) của linh mục thừa sai P. Dourisboure, bắt đầu viết tại Kon Kơ Xâm năm 1865; viết xong ngày 28.01.2070 tại Chủng viện Hội Thứa sai ở Paris. Đây là quyển sách trong chương XXVI nhắc tới 2 lần địa danh KONTUM trong một đoạn ngắn thuật lại bệnh đậu mùa xẩy ra tại vùng dân tộc kéo dài trong vòng 2 năm (năm 1865-1866), khi cha Do vừa mới đi Trung Châu, nhưng còn một linh mục khác ở làng Kontum, cũng là một chi nhánh của địa sở Công giáo Rơ Hai.
[25] Xem trong trang mạng Truyền thông Giáo phận Kontum: giaophankontum.com hoặc trong Tạp chí NGHIÊN CỨU TÔN GIÁO, số 05 và 06 năm 2011.
[26] Bản đồ Địa phận Đông Đàng Trong, In năm 1889, của Adrien Launay.
[27] Bản đồ vẽ những con đường hành trình của Pavie đi giữa những năm 1879-1895.
Xin đọc thêm: Bulletin de la Société Des Études Indochinoises, Tome XXX,  số 1,  Sai-gòn 1955, trang 62, hình số 10.
[28] Phác hoạ Bản đồ hành chánh một phần thành phố Kontum hiện nay vẫn còn dấu vết các “tum” (hồ, bàu).
[29] Hiện nay (năm 2013) nói đến thầy Chơrơng giúp việc nhà trường Kontum đã lâu năm và mới qua đời tử tế, cùng Cha Den và Cha Hoà học Pi-năng, thụ phong linh mục 1933, cả dân làng Kontum ai cũng biết, biết rất rõ. Họ là hậu duệ của ông Bau: Thầy Chơrơng, Cha DEN và cha HÒA là cháu ông Bau, là con của HUENG. Cha Hòa là con cháu của ông KUK theo cha Hòa từ Mnong về xây dựng Kontum Kơnâm trong giai đoạn đầu.
[30] x. Maurice Soulié, “Marie Ier, Roi Des Sedangs  (1888-1890), Paris 1927, tr. 74-75.
[31] Theo tiểu sử của MEP cho biết cha Vialleton lên Kontum 1875 và ở tại Kontum. Xin xem thêm trong “Répertoire Des Membres de la Société Des Missions Étrangères (1659-2004) Paris 2004. mã số riêng của cha Vialleton  (1118).  Xin đối chiếu với “Mở Đạo Kontum”, trang 188, cha đến đảm nhận họ Kontum vào năm 1875.
[32] Theo, lời ông Hiuh câu giáo phu làng Kontum Kơnâm cho biết hiện nay vẫn còn một số con cháu 2 làng Kon Treng và Kon Mong này vẫn ở tại Kontum Kơnâm.
[33] Dựa vào tài liệu viết tay của cha nguyên Tổng Đại diện Nguyễn Thanh Liên đã lưu tại Nhà xứ Giáo xứ Kontum.
[34] x. Lịch sử xây dựng Nhà thờ chí toà Kontum. Có lưu trữ tại Giáo xứ Kontum.
[35] x. Lịch Địa phận Kontum, năm 1954, nhà in Địa phận Kontum. Trong phần “Số bổn đạo Địa phận Kontum năm 1953”, trang 36.
[36] Xem thêm trong “Répertoire Des Membres de la Société Des Missions Étrangères (1659-2004) Paris 2004, mã số riêng của Cha Vialleton (1118).
Xem thêm “Mở Đạo Kontum”, trang 188, cha đến đảm nhận họ Kontum vào năm 1875. Trong khi đó, tài liệu trong Echos ghi năm 1882, cha Vialleton đến phụ trách Kontum. (xin xem phần B. Thống Kê kèm theo sau đây )
[37] x. Văn Khố của MEP. Xin xem thêm trong “Répertoire Des Membres de la Société Des Missions  Étrangères (1659-2004) Paris  2004. Mã số riêng của cha Joseph Decrouille (2821); mã số riêng của cha Kemlin (2384).
[38] Theo tiểu sử trong văn khố MEP, Cha Kemlin Vị Đại diện của Giám mục, Bề Trên Miền, người đứng đầu của địa sở Kontum, vào năm 1918, đã trở lại Kontum để làm phép ngôi nhà thờ mới. Ngài sẽ cống hiến cho địa sở tất cả  nhiệt huyết của ngài. Địa sở Kontum có số dân Bahnar và dân Kinh gần bằng nhau, nên ngài phải thi  hành tác vụ bằng hai ngôn ngữ khác nhau, để tránh đụng chạm đến tính nhạy cảm của dân này cũng như của dân kia. (…) Vào năm 1923, ngài thiết lập một nhiệm sở mới là Mang-Giang, và tích cực đi sâu vào miền thung lũng AIUN và bộ lạc người Jơrai. Cùng năm đó, ngài đã gửi bốn thiếu nữ đầu tiên người Bahnar đến đệ tử viện Mến Thánh Giá ở Gò Thị. Năm sau, cả thảy là 9 thiếu nữ.
[39] x. Tiểu sử trong văn khố MEP. Đọc thêm trong “Répertoire Des Membres de la Société Des Missions Étrangères (1659-2004), Paris  2004. mã số riêng của cha Fx. Régis Louison (2939).
[40] Theo lịch địa phận Kontum, năm 1954, năm Giáp Ngọ, nhà in địa phận Kontum.
+ Trang 34 có ghi: (…). Cha Simon Diện (1860-1921) làm Bề Trên thay mặt Đức cha, làm Cha sở họ Phương Nghĩa.
+ Trang 35: Cha Olivier Deschamps Cha Đề, (địa sở) Kontum (ngày sinh - chịu chức): 1921-1950.
Cha André Rannou Cha Rạng (địa sở): Phương Nghĩa; (ngày sinh - chịu chức): 1925-1951.
NB: Cha Rannou thụ phong linh mục 29 tháng 6 năm 1951, lên miền Kontum, học tiếng Việt và Bahnar và giúp cha sở giáo xứ Kontum, trong công tác mục vụ cho các tín hữu kinh Phương Nghĩa, tiếp đến phụ trách Kon Jơdreh; năm 1961: phụ trách ơn gọi. Địa sở Kontum vốn có tín hữu kinh (Phương Nghĩa) và người dân tộc, giai đoạn mới hình thành địa phận vì tình trạng thiếu linh mục, nên địa sở Kontum chỉ có một cha sở lo mục vụ chung cho 2 cộng đoàn tín hữu kinh lẫn người dân tộc. Nhưng khi có một số linh mục địa phận tương đối,  lúc đó vào năm 1953, địa sở Kontum chia thành 2 địa sở, có linh mục chánh xứ tài thẩm riêng biệt : một là địa sở Kontum, và một là địa sở Phương Nghĩa. Xin đối chiếu với lịch địa phận năm 1954 sau đây:
+ Trang 36: Số Bổn đạo địa phận Kontum năm 1953 có ghi:
– Địa sở Phương Nghĩa: số lượng: 1; số giáo phu: 0; Bổn đạo Bahnar: 0 ; Bổn đạo Việt nam: 1463; số tử: 34; chầu nhưng: 0.
– Địa sở Kontum: số lượng: 2; số giáo phu: 6; Bổn đạo Bahnar: 811; số tử: 13; chầu nhưng: 2.
Xem thêm: Việt Nam Công giáo, NIÊN GIÁM, 1964: tr. 261.                      
Trong tất cả tài liệu như “Les Missions Catholiques En Indochine năm 1939, trang 216: trong tỉnh Kontum chỉ ghi Thánh hiệu của địa sở: PRO-CATHÉDRALE DE L’IMMACULÉE – CONCEPTION. Cha sở: Régis Louison (Lui) và cha Antoine Den: cha phó; trường học: 1; Học sinh: 50; cộng đoàn tín hữu: 5; tín hữu: 2.128.
Trong tài liệu năm 1949: địa sở Kontum và liệt kê các họ đạo dân tộc và họ đạo Phương Nghĩa.
[41] Xem thêm trong “Répertoire Des Membres de la Société Des Missions  Étrangères (1659-2004), Paris  2004. mã số riêng của cha Cha Deschamp số mã riêng (3895).
[42] x. Échos tháng 12 năm 1947 và tháng 1 năm 1948.
[43] Xem thêm “Bôl De Iao Phu”. Địa phận Kontum và lịch địa phận.
[44] Theo thống kê báo cáo của Toà Giám mục Kontum gởi Toà Thánh.
[45] x. J.B. Guerlach, “L’Oeuvre néfaste”, Sài Gòn 1906, đề mục Cha Vialleton, Đại diện Quan Toàn quyền vùng Lào.
[46] x. Maurice Soulié, “Marie Ier, Roi Des Sedangs (1888-1890), Paris 1927, tr. 74-75.
[47] x. Bulletin de la Société Des Études Indochinoises, Tome XXX, số 1, Sài Gòn 1955, trang 83.
Xin đọc thêm “Việt Nam Sử Lược”, Trần Trọng Kim, NXB Thời Đại, năm 2010, trang 631-632: “Nhưng về sau nước ta suy nhược lại có việc chiến tranh với nước Pháp, cho nên nước Xiêm La mới nhân dịp mà sang chiếm giữ lấy. Sau có người Pháp tên là Pavie sang dụ nước Lao nhận sự bảo hộ của nước Pháp, rồi đến năm Quý Tị (1893), quan Pháp sang lấy lại những đất cũ thuộc về nước Nam ta trước. Bấy giờ quan Xiêm La ở mạn Cam môn giết mất một người quan binh Pháp, người Pháp bèn sai hải quân đem hai chiếc tàu chiến vào sông Mê Nam, lên đậu ở gần thành Băng Cốc (BangKok). Ngày 24 tháng 8 năm ấy, nước Xiêm La phải ký hoà ước, nhường nhưng  đất Lào cho nước Pháp bảo hộ, hạn trong một tháng phải rút quân ở bên tả ngạn sông Mékong về, lại phải bồi thường 2 triệu phật lăng, và phải trị tội những người dám chống cự với người Pháp”.
[48] x. Tài liệu về Phong chức Giám mục của Đức Cha Jannin, ngày 23-6-1933, lưu trữ tại Toà Giám mục Kontum, tr. 4-5.
[49] Hình thành tỉnh DAKLAK. Chúng tôi xin ghi lại đây việc hình thành tỉnh DakLak trong tài liệu của ông Dương Quốc Anh, “Việt Nam, những sự kiện lịch sử 1858-1948, tập III, 1919-1935, Hà Nội 1988, tr. 87, như sau:
“Ngày 2-7-1923, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định lập lại tỉnh DakLak, đặt tỉnh lỵ tại Buôn Mê Thuột.
Tỉnh DakLak vốn được thành lập theo NĐ ký ngày 21-11-1904; nằm trên địa bàn Tây các tỉnh Phú Yên và Khánh Hoà, lấy tỉnh lỵ Buôn Mê Thuột.
“Ngày 9-2-1913, TQĐD ra NĐ sáp nhập Đắc Lắc vào tỉnh Công Tum và trở thành một Đại Lý hành chính.
“NĐ ngày 2-7-1923 lập lại tỉnh Đắc Lắc và tới NĐ của Khâm sứ Trung Kỳ ngày 5-6-1930, thì Ban Mê Thuột trở thành thị xã. Các NĐ 11-12-1936 và 22-1-1940 xác định ranh giới giữa tỉnh Đắc Lắc với các tỉnh Đồng Nai Thượng (Di Linh) và Phú Yên”.
[50] Dựa vào Địa Chí Gialai, Văn hoá Dân tộc 1999, tr. 44tt.
x. Đào Duy Quyền (chủ biên) Ngô Binh, “Văn hoá Truyền thống các dân tộc Kontum”, Kontum-Pleiku 11-1995, tr. 12.
x. Về GIALAI (Pleiku), Dương Quốc Anh, Việt Nam, những sự kiện lịch sử 1858-1948, tập III, 1919-1935, Hà Nội 1988, tr. 342, viết như sau:
“Ngày 12-12-1932, Bảo Đại ra chỉ dụ thành lập đạo Gialai (Plâycu).
“Đạo Gialai (Plâycu) vốn là hạt Trà Cu thuộc tỉnh Công-Tum nay tách thành một đạo riêng có một  Quản Đạo, một Kinh Lịch và ba Thừa Phai cai quản. Chỉ dụ này dựa vào một NĐ của TQĐD ngày 24-5-1932 về việc thành lập tỉnh Plây Cu. NĐ này được bổ sung thêm một văn bản ký ngày 4-3-1933 theo đó thì một phần đất đai thuộc tỉnh Công Tum được tách ra, chủ yếu gồm Đại Lý Plây Cu (thành lập theo NĐ ngày 24-5-1925, trở thành thị xã theo NĐ 3-12-29). Đến NĐ ngày 9-8-1943 tách thêm Đại Lý An Khê của Công Tum nhập vào Plây Cu. Như vậy, tỉnh Plây Cu chia thành hai khu vực: khu người kinh là Đạo Gialai và khu người Giơrai gồm khu vực Pây Cu và Cheoreo”.
[51] x. Đào Huy Quyền (chủ biên), Ngô Binh, Văn hoá Truyền thống các dân tộc Kontum, Kontum-Pleiku 11-1995, tr. 6.
[52] x. Niêm giám Thống kê 1997 tỉnh Kontum, tr. 20-21.
[53] x. Dourisboures, sđd, tr. 255.
[54] x. Lễ Phong chức Giám mục Jannin, ngày 23-6-1933, tr. 16 (lưu trữ tại Toà Giám mục Kontum).
[55] x. Lễ phong chức Giám mục Jannin, tr. 4-5.
[56] Xem trong “Kontum - Một địa danh mang tính dân tộc và tôn giáo”.
[57] x. Jacques Dorurnes, “Pơtao une théorie du puovoir chez les indochinois Jơrai”, Plammarion, 1977, tr. 73.
[58] Chúng tôi sẽ đề cập (khi có dịp) đường lối mục vụ của các Bề trên và Giám mục về sự kiện “di dân người Kinh lên vùng Tây Nguyên qua nhiều thời kỳ”.
Xem thêm: Kemlin, “L’immigration annamite en pays moi”, imprimerie de Quinhơn, 1923. Có thể tham khảo các bài trình bày mục vụ của Cha Jannin, Cha Corompt và Cha Kemlin viết bằng Pháp ngữ vào thập niên 20-30 của thế kỷ XX, bản đánh máy về đề tài định cư người Việt Nam trên vùng Tây Nguyên, lưu trữ tại TGM Kontum. Và một số thư mục vụ khác của Đức cha Phaolô Seitz Kim vào thập niên 50 của thế kỷ XX.

Kontum, ngày 09 tháng 02 năm 2013

Lm. Gioakim Nguyễn Hoàng Sơn

Nguồn: gpkontum.wordpress.com/

Ghi lại phản hồi, xin nhấn vào »  Nhập ý kiến của bạn:
Ý kiến - nhận xét của bạn về bài:

Hình thành "làng Kontum" như mốc thời gian để định giá tình hình Tây Nguyên

Tên:
Email:
Ý kiến - nhận xét - Comments:

  (hoặc nhấn phím ESC hoặc nhấn vào khung nền)

Chưa có ý kiến   Pending (3)
TIN - BÀI KHÁC   74 tin bài trong TÀI LIỆU » Nghiên Cứu
  Điều gì đã xảy ra với Thánh Philipphê sau Lễ Hiện Xuống? | Cao Nguyên
  Tại sao Vatican II gọi Giáo hội là ‘Dân Thiên Chúa’ | Father Joseph Thomas
  Câu chuyện chưa biết về Quả cầu vàng của Đền thờ Thánh Phêrô | Mi Trầm
  Bảy sự Thương khó của Đức Maria | Cao Nguyên
  Mộ Thánh Phêrô: Khi khoa học khẳng định Truyền thống | Thérèse Puppinck
  Các giám mục nói rằng thuỷ phân (an táng bằng nước) không khả thi đối với người Công giáo | J-P Mauro
  Tại sao Thánh Bonaventura được mệnh danh là “Bác sĩ thiên thần” | Philip Kosloski
  Cách Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraina lan rộng ra toàn thế giới | TT
  Nhà thần học luân lý giải thích Giáo huấn Công bình về Chiến tranh và Cuộc chiến ở Ukraine | Cao Nguyên
  Lịch sử đầy biến động của Nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ở Mátxcơva | Cao Nguyên
  Con Hổ trong văn hoá Việt | Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
  Điều gì xảy ra tại buổi Dâng Chúa vào Đền thánh? | Jimmy Akin
  Phúc đáp của Bộ Giáo lý Đức tin đối với nghi vấn về việc chúc phúc cho kết hiệp đồng giới | VoetCatholic
  Cảm tưởng về Tết trong Nam | Vương Hồng Sển
  Tục tắm nước lá mùi đêm Tất niên: ‘Tẩy sạch’ những muộn phiền năm cũ | Tuệ Anh
  Tướng do tâm sinh: Người thiện tâm có tướng mạo hiền lành phúc hậu | An Hoà
  Thủ tục filibuster là gì và tại sao filibuster quan trọng với nước Mỹ? | Hải Đăng
  Đạo Công giáo có cho phép thuỷ táng không? | Lm. Antôn Phạm Trọng Quang, SVD
  3 cách Rửa tội khác nhau trong Giáo hội Công giáo | Mi Trầm
  Điều kỳ diệu của Orvieto: Nguồn gốc ấn tượng của Lễ Mình Máu Thánh Chúa | Kathy Schiffer
Tìm kiếm trong phần Tin - Bài này
 [Tìm tên bài, tên tác giả, nội dung...]
Ngày 22 tháng 10 năm Giáp Thìn
Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 11-2024
Cầu nguyện cho những người đã mất con
Chúng ta hãy cầu nguyện để tất cả những người cha mẹ phải than khóc vì cái chết của người con trai hay con gái, tìm thấy sự nâng đỡ của cộng đoàn và nhận được từ Thánh Thần an ủi sự bình an trong tâm hồn.
For those who have lost a child
The prayer intention for the month of November is for “all parents who mourn the loss of a son or daughter.”
SUY NIỆM TIN MỪNG

Phim - Nhạc - Suy niệm
Xem chuyên mục Media Online
Từ Điển Online:     

Truyền Tin

Email: tt.march25@gmail.com

Website: truyen-tin.net

Online since: May 2010

Tìm kiếm nội dung
(Gõ từ khóa vào vào khung dưới đây)
Tìm kiếm trong Google
Nhấn vào >> Google Search

Liên hệ

Đặt làm trang chủ

@