Để mặc giới trẻ giải quyết những vấn đề như trêu chọc và quấy rối trên mạng, chính là đẩy trẻ rơi vào sự cô đơn trong một xã hội đông đúc cả ngoài đời và trên mạng."Tay không" đương đầu18 tuổi, cô bé L. đã chọn cách uống thuốc diệt cỏ tự tử để phản ứng một trò đùa tai hại của bạn cùng lớp: ghép hình trêu chọc trên Facebook. Câu chuyện xót xa gióng lên tiếng chuông về những nguy cơ từ thế giới mạng đối với giới trẻ, đặc biệt là trẻ đang ở độ tuổi vị thành niên.
Nếu chuyện đó không xảy ra, những ngày này L. chắc đang đang hồi hộp tham gia kỳ thi đại học năm nay. Rồi em sẽ trưởng thành, sẽ chín chắn, và sẽ nhìn sự việc như một trò đùa vớ vẩn. Bởi người trong ảnh không phải là em. Nhưng đó là những năm sau này. Còn giờ đây, điều đó sẽ không diễn ra được nữa. Giá như...
Ở tuổi 18, L. đã không "vượt qua" được sự tức giận, liều lĩnh, dại dột và cả non nớt của những người còn ở ngưỡng vị thành niên vốn mong manh, dễ vỡ. Cái chết của em khiến nhiều phụ huynh "sốc". Nhiều người bắt đầu đổ lỗi cho truyền thông, cho thế giới mạng đã cung cấp công cụ góp phần tạo nên những trò đùa ác ý ấy.
Nhưng thật ngây thơ, và sẽ chẳng giải quyết được vấn đề gì nếu chúng ta chỉ biết trách cứ và đổ lỗi cho thứ vô tri, vô giác như công nghệ. Bởi các tiến bộ kỹ thuật được tạo ra cũng có thể bị dùng vào mục đích xấu, giống như việc dùng nồi áp suất để đánh bom thay vì ninh thịt vậy.
Sự dại dột của L. cho chúng ta thấy, giới trẻ Việt đang "đương đầu" với thời đại bùng nổ của truyền thông mà không có bất cứ sự chuẩn bị nào. Hơn thế, câu chuyện của L. "cảnh tỉnh" cho chúng ta rằng, dù chưa được đề cập nhiều, nhưng hiện tượng trêu chọc, quấy rối trên mạng đang ngày một phổ biến trong xã hội ngày nay. Hơn ai hết, chính các em học sinh, giới trẻ, những người đang tiếp xúc ngày một nhiều với công nghệ có nguy cơ trở thành nạn nhân của những hành động đó.
Trên thế giới, việc trẻ em, đặc biệt là trẻ vị thành niên trở thành nạn nhân của "cyberbully" (trêu chọc, quấy rối trên mạng) đã trở thành hiện tượng từ rất lâu. Cyberbully, được xác định là trêu chọc, ngược đãi, quấy rối người khác trên mạng, qua điện thoại di động, hoặc các thiết bị điện tử khác.
Danh sách những vụ việc kiểu này cứ nối dài theo sự phát triển của công nghệ, độ bao phủ của Internet. Câu chuyện về cô bé 15 tuổi, người Canada, Amanda Todd đã tự vẫn một tháng sau khi bị các bạn cùng lớp đưa tấm hình ngực trần của cô lên mạng cuối năm ngoái, vẫn còn khiến cho những bậc phụ huynh ở nước này thấy sốc.
Hay cái chết của cô bé lớp sáu vào tháng 6-2010 sau khi nhận được những tin nhắn kèm hình ảnh sex từ một bạn trai cùng lớp vẫn gây bàng hoàng cho dư luận ở bang New Jersey, Mỹ. Rồi vụ việc cậu bé 15 tuổi người Anh, Joshua Unsworth, mới hôm đầu tháng 4-2013 được tìm thấy treo cổ trong vườn nhà, sau một tháng trời nhận được những lời nhắn quấy rối, hạ nhục qua mạng xã hội.
Nếu nhìn vào hệ thống giáo dục ở các nước, thì việc tư vấn tâm sinh lý học sinh luôn được các trường chú trọng. Đơn cử như ở Mỹ, ở tất cả các bậc học phổ thông, ngoài các giáo viên, những nhân viên tư vấn tâm lý là những vị trí nằm trong biên chế của trường. Trẻ được học về nhận biết, cách thức phòng chống việc trêu chọc, quấy rối cả trong đời sống hàng ngày lẫn trên mạng, từ người lạ hay chính những người thân quen quanh chúng như bạn bè, gia đình, thầy cô từ những năm tiểu học.
Phạt tù chỉ là bước cuối cùngMặc dù được chuẩn bị như vậy, nhưng kết quả của cuộc khảo sát do Trung tâm Phòng chống Dịch bệnh CDC của Mỹ thực hiện một năm trước, cho thấy, có đến hơn 16% học sinh phổ thông trung học là nạn nhân của việc trêu chọc và quấy rối trên mạng.
Về mặt tâm sinh lý, một nghiên cứu hiện tượng này được công bố trên Tạp chí Sức khoẻ vị thành niên (Journal of Adolescent Health) cho thấy, việc trêu chọc, quấy rối trên mạng có thể gây nên những ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng đối với nạn nhân. Những học sinh là nạn nhân của những hành động trêu chọc, quấy rối trên mạng dễ bỏ học, bị đình chỉ học, rơi vào tình trạng khủng hoảng tinh thần, hay thường cảm thấy bất an khi ở trường.
Chính bởi những hậu quả đó mà hàng loạt các biện pháp đã được Mỹ áp dụng nhằm ngăn chặn triệt để hiện tượng này. Ngoài việc tăng cường kiến thức cho học sinh, chính quyền các bang còn áp dụng các quy định pháp luật cứng rắn đối với các hành động trêu chọc quấy rối.
Chẳng hạn, cho đến nay đã có 47 bang tại nước Mỹ ban hành các điều luật về xử lý việc quấy rối dưới hình thức sử dụng các phương tiện điện tử. Trong đó 12 bang coi việc quấy rối này là tội hình sự. Ngoài ra các bang khác có các quy định về hình thức phạt, đuổi học đối với các hành vi quấy rối, trêu chọc qua mạng.
Tuy nhiên dù hình thức phạt đuổi học, hay phạt tù chỉ là bước cuối cùng. Và các biện pháp này chỉ có thể thực hiện khi sự việc đã rồi, và những tổn thương về sinh mạng hay tâm lý với trẻ đã thành những vết hằn trong xã hội.
Điều đáng sợ hơn nữa, là các hành động đáng tiếc của các thanh thiếu niên là nạn nhân của việc trêu chọc, quấy rối qua mạng thường khó đoán định. Tâm lý chuẩn bị bước sang ngưỡng cửa trưởng thành khiến các em luôn thấy có trách nhiệm tự mình giải quyết các vấn đề như vậy, cho đến tận khi các em rơi vào bế tắc.
Vậy chúng ta nên làm gì? Cấm không cho trẻ tiếp xúc với công nghệ kỹ thuật, hay mạng xã hội ư? Điều này là phản tác dụng. Ta không thể "bảo bọc" mãi những thanh thiếu niên này như trẻ vài tháng tuổi. Bởi đó cũng là lứa tuổi cần học thêm những kỹ năng học tập, làm việc và sống. Tiếp cận với công nghệ, kỹ thuật cũng chính là một trong những kỹ năng ấy.
Hơn nữa, ở lứa tuổi tò mò, sẽ chẳng có ai ngăn được các em tìm hiểu. Bởi vậy, các chuyên gia khuyến cáo: phòng vẫn hơn chống. Các biện pháp tư vấn tâm lý, giáo dục giới trẻ cách nhận biết, đối phó với những lời lẽ, hành động quấy rối, trêu chọc trên mạng vẫn luôn là biện pháp hữu hiệu hơn cả.
Đã hơn một thập kỷ Internet vào Việt Nam, nhưng cho đến nay hầu như giới trẻ Việt vẫn chưa được chuẩn bị để đối phó với những hành động trêu chọc và quấy rối trên mạng như đã xảy ra với L. Vấn đề "giảm tải" chương trình chính khoá, tăng cường đào tạo kỹ năng sống, cung cấp các dịch vụ tư vấn cho các em đã tốn không ít giấy mực của báo chí. Nhiều chuyên gia cũng đã đăng đàn để hy vọng góp những tiếng nói vào việc thay đổi phương pháp giáo dục đối với giới trẻ để khi các em "bước chân" vào cuộc sống trưởng thành không lo lắng bị "vấp ngã".
Sự ra đi của L. đã làm dấy lên một loạt những câu hỏi: Liệu trẻ em chỉ cần được ăn uống, có quần áo đẹp, được đến trường đã đủ chưa? Về mặt vật chất "sướng hơn" thời bố mẹ chúng thời thiếu thốn trước đây rồi còn đòi hỏi gì nữa? Việc để mặc cho giới trẻ giải quyết những vấn đề như chuyện trêu chọc và quấy rối trên mạng, chính là chúng ta đã vô tình đẩy trẻ rơi vào sự cô đơn trong một xã hội đông đúc cả ngoài đời và trên mạng.
(Nghiên cứu sinh Tiến sĩ ngành Báo chí Truyền thông, ĐH Texas tại Austin, Mỹ)