ĐỨC HỒNG Y ANGELO SCOLA GỬI SỨ ĐIỆP CHO NGƯỜI HỒI GIÁO NHÂN DỊP KẾT THÚC THÁNG CHAY TỊNH RAMADAN
MILANO
- Đức Hồng y Angelo Scola, Tổng Giám mục Milano, miền bắc Italia, đã
gửi sứ điệp đến các cộng đồng Hồi giáo hiện diện tại Milano nhân dịp kết
thúc tháng chay tịnh Ramadan của Hồi giáo.
Sứ điệp của Đức Hồng
y, bằng tiếng Arạp và tiếng Ý, sẽ được công bố vào sáng 8-8-2013, cùng
với sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi thế giới Hồi giáo, và được
các đại diện của Tổng Giáo phận Milano trao cho đại điện Hồi giáo tại
những nơi cử hành nghi thức kết thúc tháng chay tịnh ở Milano.
Trong
sứ điệp, Đức Hồng y Scola nhìn nhận những khó khăn hiện hữu, nhưng cũng
đề cao thời điểm hiện tại, các tín hữu Kitô và Hồi giáo có chung những
thách đố và phần trách nhiệm như nhau trong tư cách là những người có
đức tin. Từ đó, Đức Hồng y Tổng Giám mục Milano bày tỏ xác tín rằng nhu
cầu tiên khởi là phải lớn lên trong sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau,
nhưng không thể làm ngơ hay bỏ qua những gì phân biệt và là đặc thù
trong căn cước mỗi người.
Hướng về tháng Ramadan, Đức Hồng y
Scola cầu chúc tháng chay tịnh và cầu nguyện này giúp gia tăng lòng tin
và can đảm thăng tiến đối thoại cũng như sự cộng tác với nhau, như là
hoa trái của tình yêu Thiên Chúa và tha nhân. Đây chính là hai cột trụ
của Thánh Kinh và của kinh Coran, như viết trong sứ điệp "Một lời chung
giữa chúng tôi và quý vị", mà rất nhiều nhân vật lỗi lạc Hồi giáo đã gửi
đến Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI hồi năm 2007, khai mạc một tiến trình
đối thoại can đảm kéo dài. (Mai Anh, SD 5-8-2013)
ĐỨC THÁNH CHA GỬI SỨ ĐIỆP VIDEO CHO TÍN HỮU BUENOS AIRES NHÂN LỄ THÁNH CAYETANO
VATICAN
- Nhân ngày lễ Thánh Cayetano bổn mạng “Bánh và Việc làm” tại Argentina
mồng 7-8, Đức Thánh Cha Phanxico đã gửi cho tín hữu hành hương đền
thánh nhân một video sứ điệp, khích lệ họ ra đi gặp gỡ những người cần
được trợ giúp nhất.
Lặp lại đề tài cuộc hành hương năm nay là
“Cùng Chúa Giêsu và Thánh Cayetano, chúng ta hãy đi gặp gỡ các anh chị
em túng thiếu nhất”, Đức Thánh Cha nói năm nay ngài cùng tín hữu hành
hương trong tinh thần. Ơn gọi của Kitô hữu là noi gương Chúa Giêsu ra đi
tìm gặp những người cần được giúp đỡ nhất trong vật chất cũng như trong
tinh thần, theo kiểu của Chúa Giêsu tức là sờ vào người họ. Thường khi
chúng ta làm phúc bố thí ném cho người nghèo một đồng bạc rồi đi, nhưng
không nhìn vào mắt họ, lại càng không nói chuyện để biết các nỗi khốn
khổ của họ, và nắm tay họ để an ủi cảm thông. Chúng ta cần phải xây
dựng, tạo ra và vun xới một nền văn hoá của sự gặp gỡ, và phải luôn nghĩ
rằng có ai đó khốn khổ và cần được trợ giúp hơn chúng ta.
Đức
Thánh Cha cám ơn tín hữu đã lắng nghe ngài và xin họ gặp gỡ nhau và đi
tìm gặp các người cần được trợ giúp nhất cùng với Chúa Giêsu và Thánh
Cayetano. Vì khi gặp gỡ ai nghèo túng hơn, thì con tim chúng ta sẽ lớn
lên, lớn lên và lớn lên mãi. Bởi vì sự gặp gỡ nhân khả năng yêu thương
lên nhiều lần. Đức Thánh Cha ban phép lành cho mọi người và ngài xin mọi
người cầu nguyện cho ngài.
Thánh Cayetano da Thiene là con của
một gia đình thượng lưu, sinh năm 1480 tại Vicenza. Sau khi học triết
học và thần học ngài lấy bằng Tiến sĩ Luật Dân sự và Giáo luật, rồi làm
linh mục. Cha Cayetano đã tận hiến toàn cuộc đời cho người nghèo và qua
đời ngày mồng 7-8-1547, được phong thánh năm 1671 và là vị thánh bình
dân nhất tại Argentina. Sau cuộc khủng hoảng năm 1929, thánh nhân trở
thành Bổn mạng của Bánh và Việc làm.
Đền thánh Cayetano nằm trong
một khu phố ngoại ô Buenos Aires. Tín hữu làm tuần cửu nhật để kính
thánh nhân, và đúng ngày mồng 7-8, họ xếp hàng hành hương đến kính viếng
bức tượng nhỏ của thánh nhân đặt trong tủ kính. Suốt ngày từ sáng sớm,
đoàn người xếp hàng dọc theo 15 con đường của khu phố, và có khi phải
đợi 10 giờ mới tới lượt mình. Cứ mỗi giờ trong đền thánh đều có Thánh
lễ. Thánh lễ chính được Đức Tổng Giám mục Benos Aires cử hành lúc 11
giờ. Khi còn là Tổng Giám mục, năm nào Đức Hồng y Bergoglio cũng chủ sự
thánh lễ cho giáo dân, và sau thánh lễ, ngài trà trộn vào dân chúng để
nói chuyện với họ và lắng nghe họ. (Linh Tiến Khải, SD 6-8-2013)
CÔNG BỐ SỨ ĐIỆP NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2013
VATICAN
- Trong sứ điệp gửi Ngày Thế giới Truyền giáo lần thứ 87 công bố ngày
6-8-2013, Đức Thánh Cha Phanxicô khích lệ mọi thành phần Dân Chúa hăng
say rao truyền Chúa Giêsu Kitô qua chứng tá cuộc sống thường ngày.
Trong
sứ điệp Đức Thánh Cha khẳng định rằng đức tin là ơn quý báu Thiên Chúa
ban cho tín hữu giúp mở rộng tâm trí để họ có thể hiểu biết và yêu
thương và rao truyền tình thương của Chúa cho tha nhân. Khi chỉ giữ Tin
Mừng cho chính mình, thì tín hữu trở thành cô lập, cằn cỗi và bệnh hoạn.
Năm Đức Tin kỷ niệm 50 năm Công đồng Vatican II phải kích thích toàn
Giáo Hội canh tân ý thức sự hiện diện và sứ mệnh của mình giữa lòng thế
giới và các dân nước, và gia tăng nhiệm vụ truyền giáo. Truyền giáo
không phải là áp đặt, nhưng là đề nghị Chúa Kitô và sự thật Tin Mừng với
các anh chị em chưa biết Chúa, trong thái độ tôn trọng và tinh thần đối
thoại rộng mở.
Trong một thời đại, trong đó con người di chuyển
và truyền thông dễ dàng với các thay đổi có thể khiến cho nhiều Kitô hữu
xa rời Giáo Hội và lơ là với đức tin, việc tái rao truyền Tin Mừng trở
thành cấp thiết. Ngoài ra, cuộc khủng hoảng toàn cầu liên quan tới nhiều
lĩnh vực cuộc sống: từ kinh tế tài chính, tới an ninh thực phẩm, môi
trường, ý nghĩa cuộc sống và các giá trị nền tảng, càng khiến cho việc
loan báo Tin Mừng hy vọng, tươi vui, hoà giải và hiệp thông cần thiết
hơn nữa. Và đó là sứ mệnh của Giáo Hội.
Đức Thánh Cha cũng đặc
biệt cám ơn các thừa sai nam nữ, các linh mục hồng ân đức tin, các tu sĩ
và giáo dân nam nữ truyền giáo đang dấn thân chu toàn sứ mệnh của Giáo
Hội. Ngài khích lệ các bạn trẻ đáp lại tiếng Chúa gọi làm thừa sai, tươi
vui đem Tin Mừng cứu độ tới cho mọi người. Ngài cũng đặc biệt nhớ tới
các Kitô hữu bị bách hại vì đức tin tại nhiều nơi trên thế giới, nhưng
vẫn kiên trung làm chứng cho Chúa Kitô và sống Tin Mừng của Người. Ngài
cầu mong Năm Đức Tin giúp tín hữu củng cố tương quan thân tình với Chúa
Kitô để làm chứng cho Chúa một cách hữu hiệu và xác tín hơn. (Linh Tiến
Khải, SD 6-8-2014)
CẦN LOAN BÁO TIN MỪNG BẰNG CHỨNG TÁ CUỘC SỐNG
FRIBOURG
- Trong sứ điệp gửi tín hữu toàn nước nhân lễ quốc khánh mồng 1-8-2013,
Hội đồng Giám mục Thuỵ Sĩ mời gọi mọi người loan báo Tin Mừng bằng
chứng tá cuộc sống cụ thể của mình, vì các giá trị Tin Mừng giúp thăng
tiến một xã hội tốt đẹp hơn.
Sứ điệp mang chữ ký của Đức cha
Charles Morerod, Giám mục Lausanne, Genève và Fribourg, nhận định rằng
nếu Kitô hữu tin rằng Thiên Chúa yêu thương con người, thì họ cũng được
mời gọi yêu thương con người như Thiên Chúa. Cho dù trên bình diện cá
nhân và cộng đoàn, cách sống của các Kitô hữu Thuỵ Sĩ không luôn luôn ở
độ cao của Tin Mừng, cuộc sống thường ngày của các tín hữu tiếp tục nhào
nặn thế giới. Mỗi một cử chỉ được linh hứng bởi Tin Mừng, có ý thức hay
không ý thức, đều gây âm hưởng trên cuộc sống công cộng. Đó là xác tín
của đa số dân Thuỵ Sĩ theo kết quả của cuộc khảo cứu mới đây, mặc dù
không phải tất cả mọi người Thuỵ Sĩ đều coi hình ảnh tích cực của tôn
giáo như điểm tham chiếu cho xã hội. Nhưng cung cách sống đức tin thiếu
dấn thân của Kitô hữu gây thiệt hại cho tính cách đáng tin cậy của Giáo
Hội. Đã không thiếu Kitô hữu góp phần vào việc khai sinh ra chủ thuyết
cộng sản, vì đã lơ là không giáo dục đức tin của mình hay vì bị lừa dối
bởi việc trình bầy lý thuyết cộng sản, hoặc vì các thiếu sót trong cuộc
sống tôn giáo luân lý xã hội của mình. Do đó, họ che giấu thay vì biểu
lộ gương mặt thật của Thiên Chúa và của tôn giáo.
Tiếp tục sứ
điệp các Giám mục Thuỵ Sĩ khẳng định rằng vì con người là bản vị có cuộc
sống tinh thần và xã hội, nên nó chỉ thực sự hạnh phúc khi đáp ứng đầy
đủ các nhu cầu tinh thần. Chính các chiều kích tinh thần ấy đã giúp
nhiều Kitô hữu chống lại các chủ thuyết duy vật cộng sản và Đức quốc xã.
Kitô giáo và thiện ích chung của quốc gia đòi buộc mỗi người phải biết
thắng vượt ích kỷ và sống yêu thương quảng đại, cũng như thừa nhận vai
trò quan trọng của yếu tố tôn giáo trong cuộc sống thế giới. Sự kiện 20%
tổng số dân Thuỵ Sĩ là người nước ngoài rất gắn bó với tôn giáo, là một
cơ may giúp thăng tiến cuộc đối thoại và xây dựng một sống xã hội quân
bình tại Thuỵ Sĩ, trong đó các giá trị tôn giáo và tinh thần có chỗ đứng
của chúng. (Linh Tiến Khải, SD 2-8-2013)
ĐỨC GIÁM MỤC SALTILLO CỦA MEXICO TỐ GIÁC TÌNH TRẠNG THÊ THẢM CỦA CÁC TÙ NHÂN
SALTILLO
- Đức cha Raul Vera Lopez, Giám mục Giáo phận Saltillo của Mexico, đã
lên án tình trạng sống thê thảm của các tù nhân tại Trại giam Cereso của
thành phố này: không có nước dùng, thuốc men và thực phẩm, đồng thời
phải chịu đựng bao nhiêu hành hạ khổ sở từ phía cai tù.
Đức Giám
mục Lopez cũng phê bình Uỷ ban Bảo vệ Quyền con người ở Coahuila đã
không chu toàn sứ mạng bảo vệ tù nhân. Đức cha nhắc lại cuộc xung đột
ngày 29-6-2013 giữa các tù nhân và lực lượng canh gác. Và các lực lượng
canh tù đã bắn trọng thương một số tù nhân không rõ là bao nhiêu người.
Đức
cha Lopez biết rất rõ và đã nhiều lần tố giác tình trạng khốn khổ của
các tù nhân Trại giam Cereso như thiếu nước, thực phẩm thì ít ỏi không
đủ no rồi lại hư thối có dòi bọ. Ngoài ra, các tù nhân còn phải chịu sự
đày đoạ từ phía cai tù. Khi có người nhà mang thức ăn đi thăm, các thức
ăn này bị cai tù tịch thu để rồi sau đó, bán lại cho chính các tù nhân.
(Mai Anh, FIDES 01-08-2013)
THEO UỶ BAN CÔNG LÝ VÀ HOÀ BÌNH, CUỘC BẦU CỬ TẠI ZIMBABWE LÀ TRONG SÁNG VÀ HOÀ BÌNH
ZIMBABWE
- Một thông cáo chung của Uỷ ban Công lý và Hoà bình Zimbabwe và của
Liên Hội đồng Giám mục Nam Phi châu, gọi tắt là IMBISA, vừa khẳng định
rằng cuộc bầu cử tổng thống nước này hôm 31-7-2013 đã diễn ra trong hoà
bình và trong sạch.
Hai tổ chức Công giáo nói trên đã cử 2.796
người quan sát cuộc bầu cử này để kiểm soát việc tiến hành. IMBISA còn
gửi một phái đoàn để theo dõi sát tình hình. Từ nhiều năm nay, IMBISA hỗ
trợ mọi nỗ lực để khích lệ nền dân chủ trong nước Zimbabwe. Có một số
khó khăn vì danh sách cử tri hỗn độn, khiến một số người không được bỏ
phiếu. Các quan sát viên cũng ghi nhận được 47 tai nạn trầm trọng nhằm
tạo áp lực trên cử tri gần một số cứ điểm bỏ phiếu. Nhưng nói chung thì
đây là một cuộc bầu cử tự do, trong sạch và có thể tin cậy được. Cả phái
đoàn quan sát viên của Liên hiệp Phi châu, do nguyên Tổng thống
Obasanjo của Nigeria cầm đầu, cũng đi đến nhận định này.
Kết quả
sơ khởi của cuộc bầu cử cho thấy Tổng thống mãn nhiệm Robert Mugabe dẫn
đầu so với nguyên Thủ tướng Morgan Tsvangirai. Trước khi cuộc bầu cử
diễn ra, hội đồng các Giáo hội Kitô Zimbabwe đã gửi một thư ngỏ đến mọi
tín hữu kêu gọi hoạt động cho một cuộc đầu phiếu tự do và đúng đắn,
tránh những bạo động đẫm máu như đã xảy ra sau cuộc bầu cử hồi năm 2008,
cũng vẫn giữa hai ứng cử viên này. (Mai Anh, FIDES 0-08-2013)
NGHI THỨC KẾT THÚC NĂM ĐỨC TIN TẠI THÁNH ĐỊA
NAZARETH
- Tại Thánh Địa, Năm Đức Tin sẽ kết thúc vào Chúa Nhật 17-11, với một
ngày đức tin quốc tế và với thánh lễ trọng thể do Đức Thượng phụ Công
giáo Latinh Giêrusalem Fouad Twal chủ sự tại Núi vực thẳm, nơi Đức Thánh
Cha Bênêđictô XVI đã cử hành thánh lễ trong chuyến viếng thăm của ngài
tại đây ngày 14-5-2009.
Các Giáo hội Công giáo Thánh Địa cùng với
Dòng Phanxicô quản thủ Thánh Địa đã quyết định kết thúc Năm Đức Tin với
một thời gian suy tư đặc biệt để đẩy mạnh sự hoán cải ngày càng toàn
diện hơn với Thiên Chúa. Ngày kết thúc Năm Đức Tin sẽ có nhiều sinh hoạt
khác nhau, chẳng hạn như tín hữu có thể viếng thăm tất cả các nơi Thánh
tại Nazareth và tham dự cuộc kiệu nến đến thánh đường Truyền Tin. Đức
cha William Shomali cho biết Bộ Du lịch Israel đã giúp canh tân địa điểm
Núi Vực Thẳm, có thể đón tiếp khoảng 60.000 người. Đức cha hy vọng đây
sẽ là một lễ hội lớn cho tất cả cộng đoàn Dân Chúa cùng với nhiều tín
hữu người nước ngoài đang làm việc tại Thánh Địa. Các nghi lễ kết thúc
Năm Đức Tin tại Thánh Địa đi trước biến cố kết thúc Năm Đức Tin tại
Vatican một tuần. Tại Vatican, Năm Đức Tin sẽ được kết thúc vào Chúa
Nhật 24-11-2013, lễ trọng kính Chúa Kitô Vua. (Mai Anh, FIDES
02.08.2013)
NỔ BOM Ở PHILIPPINES LÀM 8 NGƯỜI THIỆT MẠNG
(UCAN)
- Một vụ đánh bom bên đường phố đông đúc thành phố Cotabato miền nam
hôm thứ Hai giết chết 8 người và làm bị thương ít nhất 40 người khác.
Vụ nổ xảy ra 10 ngày sau một vụ đánh bom khác ở thành phố Cagayan de Oro, làm 8 người thiệt mạng và làm 50 người bị thương.
Vụ
đánh bom hôm thứ Hai xảy ra khi Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra khuyến cáo toàn
cầu đối với các cuộc tấn công tiềm ẩn của mạng lưới khủng bố al-Qaeda.
Nhà chức trách không bình luận liệu hai vấn đề đó có liên quan.
Cảnh
sát trưởng thành phố Cotabato, ông Rolen Balquin, cho biết quả bom xe
phát nổ khi xe chở nhà quản lý thành phố, bà Cynthia Guiani-Sayadi đi
ngang qua.
Thống đốc Mujiv Hataman thuộc Khu tự trị Hồi giáo Mindanao nói vụ đánh bom là “tàn nhẫn và hèn nhát.”
Nạn nhân vụ đánh bom là những người Hồi giáo đang chuẩn bị mừng lễ kết thúc tháng Hồi giáo Ramadan tuần này.
“Chúng tôi đau buồn sâu sắc rằng hành động dã man này xảy ra trong tháng Ramadan”, Hataman nói.
“Chúng tôi kêu gọi các cơ quan chức năng tiến hành điều tra nhanh chóng, kỹ lưỡng và đưa tội phạm ra công lý.”
Nhóm phiến quân Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF) hôm nay đưa ra tuyên bố lên án cuộc tấn công “man rợ”.
Muhammad
Ameen, người đứng đầu ban thư ký nhóm nổi dậy, nói: “Bất kỳ ai đã làm
điều này đều xứng đáng với cơn thịnh nộ của Allah”, và nói thêm rằng
ông “lên án loại hình chủ nghĩa dã man này nơi thường dân đang bị cố
tình là mục tiêu để làm phương tiện phổ biến thông điệp cho một chương
trình nghị sự của sự dữ”.
Trung tá Custodio Parcon, chỉ huy tiều
đoàn lính thuỷ đánh bộ trong khu vực cho biết, cuộc điều tra về vụ việc
vẫn đang diễn ra. “Rất khó để xác định đối tượng tình nghi khi còn quá
sớm”, ông nói.
Phát ngôn viên quân đội Trung tá Ramon Zagala cho
biết binh sĩ được triển khai trong khu vực để bảo vệ, làm hàng rào ngoại
vi và kêu gọi mọi người bình tĩnh.
Giám đốc điều hành Trung tâm
Hành động Nhân quyền Mindanao, ông Zainudin Malang, nói ông cảm thấy
“hoài nghi” về tình hình ở miền nam Philippines.
“Đến bây giờ tôi
thấy tất cả những chuyện này trong tháng Ramadan năm nay, bao gồm cả
pháo binh bắn phá nhà dân, người dân bị buộc phải rời đất đai của họ và
bị đánh đập, và cả lũ lụt khiến họ phải rời bỏ nhà cửa”, ông nói.
“Tôi đã nghĩ rằng một kỷ nguyên mới của hoà bình đã mở ra bởi tất cả các cuộc hội đàm cải cách và các hiệp ước hoà bình.”