Khi nói đến chữ viết tiếng Jrai,
thường chúng ta nghĩ ngay là vào thời Linh mục Jacques Dournes mới có
văn bản chữ Jrai, như “Ébauche de dictionaire de la langue jorai”, năm
1955-1964
[1], “Tập nói tiếng Gialai (jơrai), 21 trang, khổ
21x27cm, hoặc một số trích đoạn Tân Ước chuyển qua chữ viết Jrai, in
bằng rônêô... Phải công nhận rằng Linh mục Jacques Dournes đã dày công
nghiên cứu dân tộc học và ngữ học, nhất là chữ viết tiếng Jrai rất sâu
sắc và có tính khoa học thuyết phục. Tuy nhiên, nếu đi lùi về quá khứ,
Cha Kemlin (vào thập niên 10-20 của thế kỷ trước) cũng dùng chữ viết
Jrai trong những bài nghiên cứu nhân chủng học của ngài. Linh mục
Martial Jannin khi còn làm Bề trên Trường Giáo phu Cuénot đã soạn một
quyển tự điển đối chiếu gồm 4 thứ tiếng: Pháp - Bahnar - Seđăng - Jrai,
năm 1925?, 160 trang, khổ 16x25cm.
[2] Một linh mục khác vừa
là cha sở, vừa dạy học tại trường Giáo phu Cuénot là cha Grégoire Bober
(1873-1957) cũng đã cho ra một quyển tự điển nhỏ gọi là Lexique
francais-jrai, gồm 232 trang, khổ 17x24cm, bản đánh máy chưa đóng thành
sách.
[3] Những quyển tự điển này định thức các cách viết theo
mẫu tự Latinh, cần thiết cho các vị thừa sai ngoại quốc học tiếng Jrai
và dùng chữ viết này để soạn bài giáo lý, phụng vụ hay các văn bản khác
dùng trong việc loan báo Tin Mừng. Hai tự điển trên soạn thảo vào thập
niên 10 - 20 của thế kỷ XX vừa qua với những lối viết phiên âm theo mẫu
tự Latinh, đồng thời có thêm vào những dấu riêng khác nữa đặt trên
nguyên âm theo đặc tính phát âm tiếng nói của từng sắc tộc đòi hỏi. Có
thể nói nó là một tiền lệ cho những cách viết tiếng Jrai sau này.
Tuy
nhiên, ở đây chúng tôi muốn xin giới thiệu một tài liệu cổ, bằng tiếng
Jrai: đó là văn bản viết tay có tựa đề “CATÉCHISME EN JRAI” CỦA CHA
GIOAN BAOTIXITA NICOLAS, còn lưu lại tại Thư viện Giáo phận Kontum. Tuy
nhiên, tập giáo lý này không được nhắc trong sách “Bibliographie des
Missions Étrangères”. Chính vì ít ai biết và dễ mai một, nên chúng tôi
mạo muội trình bày tập tài liệu này dưới 3 tiêu đề và vài nhận định sau
đây:
I. CON NGƯỜI LINH MỤC GIOAN BAOTIXITA NICOLAS, MEP
II. CÁCH VIẾT THEO MẪU TỰ LATINH CÓ ĐỐI CHIẾU
III. NỘI DUNG TẬP GIÁO LÝ “CATÉCHISME EN JRAI” - MỘT VÀI NHẬN ĐỊNH
I. CON NGƯỜI LINH MỤC GIOAN BAOTIXITA NICOLAS, MEP Cha Gabriel Maria Gioan Baotixita NICOLAS, MEP, Nhà Truyền giáo Tây Nguyên
Các
vị thừa sai đến vùng đất truyền giáo không nhằm mục đích nghiên cứu
phong tục tập quán như một nhà dân tộc học, hay ngôn ngữ học mà là người
truyền giáo trong căn tính linh mục. Họ đem Tin Mừng đến cho người chưa
biết Chúa, trước nhất là bằng đời sống chứng nhân, và bằng phương thức
thích hợp, cần thiết. Các ngài ngay từ đầu của công cuộc truyền giáo đã
đầu tư công sức và thời gian vào học tiếng nói của dân bản xứ, và dùng
mẫu tự Latinh để phiên âm ra chữ viết. Lẽ dĩ nhiên, vùng truyền giáo Tây
Nguyên gồm đa dân tộc, đa ngôn ngữ, trong khi đó ít linh mục thừa sai
đủ để rải khắp buôn làng, nhất là để hiệp nhất trong đời sống cộng đoàn
phụng tự, nên tiếng nói và chữ viết chung cho cả vùng là tiếng Bahnar.
Tuy nhiên, việc dạy giáo lý và những sinh hoạt trong đời sống giao tiếp
thường ngày là dùng tiếng bản xứ của từng dân tộc được đặc trách. Do đó,
chúng tôi ghi lại vài nét về đời sống linh mục thừa sai của Cha Gioan
Baotixita Nicolas, sau khi thụ phong linh mục, đã được gửi đến vùng Jrai
và đã đầu tư rất nhiều công sức vào việc dạy giáo lý như thế nào.
Chúng tôi xin ghi lại tiểu sử và địa bàn truyền giáo của Cha Nicolas sau đây.
Cậu
Gabriel-Marie-Jean-Baptiste-Nicolas sinh ngày 10 tháng 09 năm 1876 tại
Hoéville, địa phận Nancy. Ngày 11 tháng 09 năm 1896, Nicolas gia nhập
Chủng viện Hội Thừa sai. Ngày 24 tháng 06 năm 1900, Thầy Nicolas được
thụ phong linh mục. Ngày 25 tháng 07 năm 1900, Cha đáp tàu đến địa phận
Đông - Đàng Trong. Ngày 09 tháng 01 năm 1947, Cha qua đời tại Nha Trang.
Cậu
Gabriel Nicolas là người con thứ ba trong gia đình có 12 người con. Cụ
thân sinh, một nhà giáo miền Lorrain, đã biết hướng dẫn các con theo một
nền giáo dục nghiêm túc, và khắc ghi trong tâm trí chúng cảm thức sâu
xa về đức hạnh, xứng hợp với cách ứng xử nhân bản của xã hội.
Sau
khi qua trường lớp bậc tiểu học, Nicolas theo học ở tiểu chủng viện địa
phận nhà. Tốt nghiệp phổ thông trung học, Thầy Nicolas gia nhập Hội
Thừa sai Paris. Ngày 24 tháng 06 năm 1900, Thầy được thụ phong linh mục,
và được phân nhiệm phục vụ Địa phận Đông Đàng Trong. Ngày 25 tháng 07
năm 1900, Cha Nicolas cùng với các Cha Memet, Guillot và Hutinet lên tàu
Salazie đi rao giảng Tin Mừng cho những dân tộc bán khai miền Thượng
Bahnar.Đầu tiên, Cha
Nicolas thực tập một vài tháng ở đồng bằng để tìm đường hướng mục vụ.
Năm 1902, Cha tháp tùng một đoàn người lên Kotum, nơi đang có phong trào
tòng giáo đòi hỏi có nhiều tay thợ tông đồ đến. Vừa tới nơi, Cha
Nicolas được chỉ định coi sóc xứ Rơhai, công việc đầu tiên Cha làm là
xây một ngôi nhà thờ. Bằng nhiệt huyết và tính kiên trì, Cha đã tận tình
hướng dẫn đoàn chiên được trao phó, cương quyết bài trừ những tật xấu,
và duy trì những phong tục tập quán tốt...
Sau
khi Cha đã tổ chức xứ đạo khá vững vàng thì ngài lại được cử tới một
nơi khác chưa được nghe Tin Mừng. Các bề trên đã biết nắm lấy cơ hội để
thoả đáp thiên hướng của nhà thừa sai đầy nhiệt huyết này. Thật vậy, năm
1905, một cơn dịch bệnh đậu mùa đã hoành hành dữ dội trong những buôn
làng của bộ tộc Jrai. Cha Jannin - sau này sẽ trở thành vị Giám mục Đại
diện Tông toà thứ nhất của Miền Truyền giáo Kontum - đã vội vã đến cứu
giúp những con người xấu số mà những thầy phù thuỷ lẫn các yang của họ
không thể nào cứu nổi. Tới nơi được mấy ngày, Cha đã viết cho Cha Bề
trên: “Đây là cánh cửa rộng mở vào bộ lạc Jrai khá quan trọng, đông
người, mà cũng có khá nhiều cuộc phá rối và ương ngạnh như những miền
chưa được khai hoá ở quê hương chúng ta. Những cố gắng loan báo Tin Mừng
trước đây nơi miền đất mênh mông này đã hoàn toàn thất bại. Lần này, có
phải chúng ta sẽ may mắn hơn không? Chắc hẳn như thế, miễn là, chúng ta
mau chóng gửi cho đàn chiên non trẻ này một vị mục tử biết nuôi dưỡng
và bảo vệ họ. Như vậy, việc gửi ngay một nhà truyền giáo giàu kinh
nghiệm đến với người Jrai là điều cần thiết. Hạnh phúc thay cho người
tông đồ ra đi gieo trong nước mắt, nhưng ít lâu sau, ông lại bội thu.Thực
thế, Năm 1905, Cha Nicolas đã đảm nhận công việc cực kỳ khó khăn vùng
này, như lời vị Bề trên nói với các đồng nghiệp, “nếu chỉ cần một ký
kiên nhẫn là đủ cho những bổn đạo Bahnar, thì phải cần đến một tạ kiên
nhẫn mới đủ cho những tân tòng Jrai”. Ngài đã đến vùng Habâu từ năm 1905
cho đến năm 1908.
Đúng thế, nỗi thất vọng đã ập đến nhanh chóng.
Sau khi Cha đã tận tuỵ dạy dỗ những người Thượng đáng thương này, một
số đông tòng giáo đã không sống đạo như họ đã đoan hứa. Thế là, Cha
Nicolas thành lập một họ mới gồm những người mà trước đây là nô lệ. Ngài
định cư họ trong một góc rừng, chung quanh được bao bọc bởi những ngọn
núi. Ngài sống giữa họ trong một chòi tranh, cùng họ khai phá đường xá,
giúp họ tiếp thu văn hoá mới và cùng chung chia sẻ đời sống cơ cực với
họ.
Công việc đang tiến triển tốt đẹp thì vào năm 1908, Cha
Nicolas lại nhường nhiệm sở mình cho một thừa sai trẻ (Cha Corompt) từ
miền người Bahnar đến trông coi. Còn ngài khăn gói lên đường, cách xa 70
km, để xây dựng một họ đạo mới ở làng Plei-Rơngol.
Nhờ biết cách
xử lý và can đảm, xứ đạo của Cha luôn được yên lành và tới lúc phải
trao cho vị thừa sai khác là Cha Gioan Baotixita Décrouille (Cha Tôn)
trông coi. Còn Cha Nicolas lại hăng hái ra xây dựng một họ mới ở Plei
Me, như Cha nói: Mục đích là cắm những cột mốc nhằm tiến xa hơn nữa cho
công cuộc loan báo Tin Mừng nơi những miền đất người Jrai.
Đời
sống nay đây mai đó giữa rừng thiêng nước độc của Cha không thể kéo dài
được nữa; sức chịu đựng đã phản bội lại chủ của nó. Thế là, Cha phải rời
bỏ nhiệm sở trong sự tiếc nuối công việc khởi đầu đầy thuận lợi, nhưng
cũng lắm bạc bẽo và khó khăn này. Cha đi nghỉ một vài tháng ở Hồng Kông.
Dù trong thời gian tỉnh dưỡng, nhưng miền hoang dã, điểm truyền giáo và
những người tòng giáo luôn ám ảnh Cha; Cha không chờ bình phục hẳn mà
vội trở lại cuộc sống đầy vất vả.
Cơn bệnh của Cha thuyên giảm
trong thời gian ngắn nay lại tái phát nhanh, khiến cho sự sống của vị
tông đồ quảng đại này nguy hiểm. Cha đành chịu xa cánh đồng truyền giáo.
Năm
1919, Cha trở lại miền đất Bahnar yêu dấu, ngài coi sóc họ Tơ-uer (đến
năm 1924). Tại đây, Cha xây dựng một ngôi trường cho giáo xứ, gặp nhiều
khó khăn: các bậc phụ huynh ở đây quan niệm: con cái họ không cần biết
đọc, biết viết mà chỉ cần biết cuốc ruộng, chọc tỉa, biết đặt bẫy bắt
rắn, bắt chuột, bắt thằn lằn để cải thiện bữa ăn hằng ngày là đủ.
Vào
thời đó, những hiệp hội tài chính muốn khai thác những nguồn lợi ở trên
cao nguyên, nên họ kêu gọi người Kinh lên theo. Nhiều giáo hữu đã lên
miền này làm thuê trong những đồn điền. Để chăm sóc những người làm công
nhật này, các vị bề trên đã nghĩ đến Cha Nicolas. Tất cả hãy còn mới mẻ
để tổ chức. Ngay lập tức, Cha thấy được ích lợi từ những cuộc di dân
Công giáo Nam bộ, Bắc bộ mang lại cho công tác tông đồ trên miền Thượng.
Cha thiết lập những họ đạo kiểu mẫu để trở thành những cơ sở vững chắc
cho các họ đạo Jrai chưa vững vàng đủ. Đó là một nỗ lực canh tân trong
phương pháp hoạt động Tông đồ nơi miền Thượng; về sau, người ta nói Cha
Nicolas quả thực là một nhà tổ chức tài ba.
Thật thế, sau khi cha
rời Tơ-uer, từ năm 1924-1926, Cha Nicolas một lần nữa đảm trách điểm
truyền giáo TƠGUAH đã xin tòng giáo từ năm 1917, bên cạnh có làng người
kinh tòng giáo (năm 1917) gọi là Thanh Nghiệp được quy tụ vào thời kỳ
Cha Corompt, tiền thân của Giáo xứ Phú Thọ sau này. Phía tây điểm truyền
giáo TƠGUAH, gần núi Hàm Rồng, thuộc điểm truyền giáo này có PLEI PƠ-O
(tòng giáo 1924) và cộng đoàn người Kinh, tiền thân LA-SƠN (năm 1947).
Lần này Cha Nicolas trưng đất, xây dựng lối sống định canh định cư cho
anh em dân tộc tại PLEI PƠ-O, cũng như một số người Kinh đã lên lập
nghiệp, tòng giáo và sau này đổi thành LA-SƠN (vào năm 1947). Địa danh
LA-SƠN bao gồm từ "LA" để ghi nhớ vị thừa sai đáng kính: Cha NICOLAS và
từ "SƠN" chỉ núi Hàm Rồng được người Jrais gọi là Hơdrung, cái nôi sản
sinh ra người dân tộc Jrai vùng này. Hình thành địa danh "LA-SƠN" là như
vậy và họ đạo đã được lớn mạnh từ đó.
Bước qua tuổi 50 (1926),
Cha Nicolas không thể tiếp tục cuộc sống khổ cực trên miền Thượng nữa.
Tuy nhiên, vì lòng yêu mến phục vụ phần rỗi các linh hồn, ngài xin làm
việc mục vụ ở trại phong Qui Hoà, Qui Nhơn. Cha xuống núi lui về miền
biển để những người cùi có được sự an ủi qua thừa tác vụ của ngài. Chính
Cha dạy dỗ họ, thường xuyên thăm viếng họ. Người ta có thể nói chính
Cha mở cửa thiên đàng cho những bệnh nhân phong chết tại trại phong Qui
Hoà.
Với lòng bác ái quảng đại, với cách ứng xử hết sức tế nhị,
Cha Nicolas đã nhận được sự quý mến nơi những đồng nghiệp đến thăm Cha,
nhất là, nơi những người bạn hay những người giúp việc đã từng cùng Cha
sống những ngày đầy luyến nhớ trên mảnh đất cao nguyên.
Cha cùng với các thừa sai khác đã bị lính Nhật bắt giam tại trại tập trung Thành phố Nha Trang.
Cảnh
cùng khốn, không thuốc men, mất tự do,... tất cả những thứ đó đã góp
phần đẩy nhanh sự suy sụp thể xác và tinh thần của Cha. Tại Nha Trang,
ngày 09 tháng 01 năm 1947, sau khi đã lãnh nhận các Bí tích sau cùng
trước sự hiện diện của vài đồng nghiệp, nhà truyền giáo kiên cường và
không biết mệt mỏi đã lìa trần tiến thẳng về trời, đón nhận phần thưởng
dành cho những người nhiệt thành vì vinh quang Thiên Chúa và sự cứu rỗi
các linh hồn.
II. CÁCH VIẾT THEO MẪU LATINH CÓ ĐỐI CHIẾU BẢN VĂN CỦA CÁC TÁC GIẢ KHÁC
1. HÌNH THÀNH CHỮ VIẾT TÂY NGUYÊN
Tiếng
nói dân tộc trên Tây Nguyên đã được nghiên cứu và viết thành sách với
mẫu tự Latinh của Cha Dourisboure (1825-1890): quyển từ điển thời danh
“Vocabularium apud barbaros Bahnars” năm 1870, dày 268 trang, khổ
20x26cm, gồm 3 thứ tiếng: Bahnar - Việt - Pháp, và Từ điển “Dictionnaire
bahnar-français”, in tại Hồng Kông năm 1889, cũng đã định hình mẫu tự
và một số phiên âm tiếng Bahnar ra chữ viết. Cuốn tự điển này là kết quả
quá trình ổn định chữ viết trong một thời gian dài của các vị thừa sai
đầu tiên trên vùng Tây Nguyên. Tuy nhiên, dựa vào tiếng nói, cách phát
âm của người dân tuỳ từng vùng và các vị thừa sai tiếp thu tiếng nói đó
mỗi người một khác, nên chữ viết có phần không đồng nhất. Xin xem trong
phụ lục quyển “Les Sauvages Ba-hnars” (tựa đề tiếng Việt là Dân Làng Hồ)
của Linh mục Dourisboure, năm 1875, có ghi chú những cách viết hơi khác
nhau, như Bannar - Ba-Hnar; Cédans - Se-Dang; Reungao - Rơ-Ngao;
Giarai - Ja-Rai; Beiaou - Bo-jaou; Ca (làng) - Kon; Keusam -
Ko-Xam,...). Ngay trong quyển “Les Sauvages Ba-hnars” vừa trưng dẫn, địa
danh “Kon-Tum” có lúc là “Kon-Tum” và sau đó viết là “Kon-Tom”.
[4]Tinh
thần làm việc chung, cuối cùng cũng đã đạt đến thoả thuận của các vị
thừa sai trong giai đoạn hình thành chữ viết cho hậu thế và chấp nhận có
một số biến cách sau này.
2. THỐNG NHẤT PHƯƠNG THỨC PHIÊN ÂM cho các tiếng dân tộc trên vùng Tây NguyênViệc
hình thành cách viết tiếng nói của các dân tộc trên vùng Tây Nguyên này
thường đi liền với công tác truyền giáo, nên có một số khác biệt tùy
nơi được truyền đạo và cũng còn lệ thuộc nhận thức các nguyên tắc xây
dựng chữ viết. Cha Cassaigne (1895-1973) có phổ biến quyển “Petit manuel
de conversation courante en langue moi: koho et châu soré”, à l’usages
des planteurs, chasseurs, touristes: région Djiring- Dalat, in năm 1930,
hay cuốn tự điển tiếng Stieng của vị thừa sai Gioan Azémar (1834-1895)
xuất bản năm 1886 và tái xuất bản những năm sau, đòi hỏi có một sự
thống nhất mẫu tự và cách viết cho các dân tộc thiểu số trong vùng. Do
đó, vào giữa thập niên 30 thế kỷ XX, một uỷ ban đặc biệt gồm 9 thành
viên trong đó có Linh mục J.B. DÉCROUILLE TÔN, thừa sai KONTUM và thừa
sai CASSAIGNE thuộc Hội Thừa sai tại Sài Gòn đã họp tại Đà Lạt bàn thảo
về các chữ cái, nguyên tắc xây dựng chữ viết như thế nào để thống nhất
cách phiên âm các tiếng bản địa.
[5] Nhờ những nguyên tắc và
phương pháp đã được Hội nghị này thảo luận, Quan toàn quyền Đông Dương
ấn dịnh các chữ cái, phương thức ký hiệu,... vào ngày 2-12-1935, nên chữ
viết của các dân tộc trên toàn vùng có phần thống nhất. Với quá trình
hình thành chữ viết, nhất là tiếng Bahnar được tiếp tục san định lại,
qua những tự điển của Linh mục Thừa sai Alberty cùng với ông Guilleminet
hoặc “Conversation française - Bahnar” của Cha Alberty và ông
Pichardie, Sài Gòn 1944,… chữ viết tiếng Bahnar cũng như cách viết
tiếng Jrai sau này của Jacques Dournes tạm ổn định cho việc dạy văn hoá
và phổ biến sách mục vụ dù có một vài ứng dụng khác do phương tiện máy
đánh chữ bị hạn chế.
3. MẪU TỰ THEO VĂN BẢN TẬP GIÁO LÝ “CATÉCHISME EN JRAI”
Văn
bản tập giáo lý này phần lớn theo mẫu tự Latinh đã được các vị đi trước
san định. Tuy nhiên, các mẫu tự Latinh này không thuần tuý phát âm theo
kiểu âu châu, mà còn gồm những nguyên âm với dấu kèm theo như trong chữ
viết phổ thông[6], ví dụ: a, â, ă ; o, ǒ, ô ; ơ, u, ŭ, ū, ư; i, ĭ,
e, ě và đặc biệt còn bồi thêm trên những chữ có dấu một dấu khác nữa
như dấu ngạch ngang ngắn ( ˉ ) hay dấu ă ( ˘ ) chồng lên trên.
Những
dấu hiệu thêm vào nhằm mục đích ấn định cách phát âm theo giọng và
điểm nhấn đặc thù của riêng từng tiếng dân tộc đòi hỏi.
Để minh
hoạ cách viết trong tập tài liệu giáo lý của Cha Nicolas, chúng tôi xin
trưng dẫn một vài trang viết của ngài, đặc biệt trong phần nội dung tập
giáo lý phần III sau đây.
III. NỘI DUNG TẬP GIÁO LÝ “CATÉCHISME EN JRAI”
Về
phần nội dung Tập Giáo lý “CATÉCHISME EN JRAI” của Cha Nicolas, trong
bài giới thiệu ngắn gọn này, chúng tôi không đi sâu vào nội dung, mà chỉ
tóm lược những chủ đề chính, đồng thời kèm theo một số trang giáo lý
của cha để minh hoạ và dễ nhận diện được cách viết tiếng Jrai trong tập
tài liệu giáo lý này sử dụng. Chúng tôi sẽ có chuyên đề về nội dung tập
giáo lý này vào dịp khác: dịch toàn bộ bài giáo lý tiếng Jrai qua tiếng
phổ thông và có một vài nhận định về cách sử dụng tiếng Jrai để diễn tả ý
niệm thần học hoặc tín lý sao cho thích hợp tầm hiểu của người tín hữu
được các linh mục thừa sai phục vụ.
1.
Tập tài liệu này soạn thảo tại Habâu - Tiên Sơn nơi Linh mục Nicolas
đến truyền giáo từ năm 1905 đến năm 1908. Trong kẹp hồ sơ này, soạn thảo
phần cuối tài liệu có một ghi chú ngày rửa tội của một người kinh tại
Tiên Sơn vào năm 1915. Do đó, chúng tôi thiết nghĩ tài liệu của Cha
Nicolas tại Habâu - Tiên Sơn vào thời ký đầu thời gian mục vụ của ngài,
trên 100 năm.
2- Để cho tiện việc trình bày, chúng tôi xin kèm
theo đây một số bài giáo lý được cha soạn trong quyển vở học trò. Trước
nhất, bìa kẹp tài liệu; thứ đến số bài giáo lý cơ bản; kinh thông thường
ngày và phần bí tích.
BÌA KẸP TÀI LIỆU
Và trong từng PHẦN được chia ra nhiều CHAL [ĐOẠN] có đánh 1, 2, 3,...
Chúng ta có thể thấy được tài liệu giáo lý có dàn bài tổng quát:
1/ Phần: GIÁO LÝ CƠ BẢN (đánh số từ đoạn 1)
2/ Phần KINH
3/ Đặc biệt cho Phần BÍ TÍCH
Và một số tờ đang biên soạn chưa phân loại được.
1/ ĐẦU TIÊN LÀ PHẦN GIÁO LÝ CƠ BẢN
(gần 100 trang giấy vở học sinh)
Chúng tôi xin đưa ra một số trang đầu của tập giáo lý này để giới thiệu khái quát.
+ CHAL 1 [ĐOẠN 1]
2/ PHẦN KINH
(Gồm vài trang)
3/ PHẦN BÍ TÍCH
(gồm 7 trang học sinh)
KẾT LUẬNChúng
tôi xin thưa cùng quý vị là tập tài liệu “CATÉCHISME EN JRAI” của Linh
mục Gabriel Maria Gioan Baotixita NICOLAS, MEP, Nhà Truyền giáo Tây
Nguyên, là một bản văn đang soạn thảo, nên nhiều bài chưa có thể
phân loại được. Tuy nhiên, xuyên qua đó cũng không nói quá, khi khẳng
định các vị thừa sai ưu tiên hàng dầu cho việc soạn giáo lý bằng tiếng
bản địa, trong trường hợp này là tiếng Jrai. Mặc khác, từ ngữ để diển tả
về Thiên Chúa: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần được Cha Nicolas
dùng bằng những cụm từ “Yāng Amā, Yāng Ană pāng Yāng Xipirito Santo”,
“Yāng Rơngĭt” (Chúa Trời). Tuy nhiên, cách viết “Yāng”, trên chữ a có
dấu ngạch ngang, nhưng riêng Yāng Ană thì chữ Ană là dấu ă. Qua đó, vị
linh mục cũng đã có lối viết cách sáng tạo riêng cho mình. Chúng tôi xin
gác lại khía cạnh này cho chuyên đề sau, hy vọng phần nào sẽ bổ túc cho
những nghiên cứu về văn học và ngữ học qua tài liệu cổ được viết bằng
chữ tiếng Jrai trên 100 năm quý hiếm này. Nhưng nhìn về sứ vụ của người
linh mục, vị thừa sai Nicolas trước nhất sống và chu toàn căn tính linh
mục trên vùng truyền giáo, phục vụ Lời Chúa, loan báo Tin Mừng cho anh
em dân tộc. Chính vì thế mà ngài đã đặt bàn tay mình trong bàn tay hiệp
thông và yêu thương của anh em linh mục đồng sự khi trút hơi thở cuối
cùng trong an bình tại Nha Trang vào ngày 09 tháng 01 năm 1947, cách đây
64 năm vậy.
____________________
[1] Xin xem “Bibliographie des Missions Étrangères, janvier 2008, in tại Pháp, trang 400.
[2] Sách đã trưng dẫn, trang 394.
[3] Sách đã trưng dẫn, trang 400.
[4]
Xin xem chương XXVI. Một số người dân tộc cho rằng viết Kon-Tum là theo
kiểu phát âm của người kinh, còn dân tộc phát âm theo cách viết Kon-Tom
mới đúng.
[5] Xem Bulletin năm 1935, MEP, tr. 672.
Quyển
“Lexique Français - Bahnar et Bahnar - Français”, Hànội in lần thứ
nhất năm 1940 của linh mục Alberty và ông Guilleminet theo mẫu tự được
Quan Toàn Quyền Đông Dương ấn định ngày 2 tháng 12 năm 1935 (x. J.O.I.O
năm 1935 tr. 4008, và Bulletin général de l’Instruction publique
février 1936). Lời tựa của quyển tự điển nầy cũng nói rõ.
[6] Xin xem phần ngữ pháp trong cuốn tự điển đã được trích dẫn của linh mục Dourisboure, in tại Hồng Kong năm 1889.
Phương Quý, 24/06/2011