Tháng 11 là tháng tưởng nhớ và tri ân cha mẹ. Tưởng nhớ những người đã khuất và tri ân những người còn sống. Tưởng nhớ và tri ân cha mẹ như là hành vi hiếu thảo mà con cái cần phải làm cho cha mẹ. Có thể nói trong các món nợ thì nợ ân nghĩa cha mẹ là quan trọng nhất mà chẳng bao giờ đền đáp cho đủ. Vì chưng,
Cả cuộc đời mẹ cha tất bật
Cho chúng con lẽ sống tình yêu
Đại dương bao la đâu đã là nhiều
Với chúng con cha mẹ là tất cả.
Cha mẹ đã hy sinh cho con cả một bầu trời hạnh phúc. Tuổi thơ của những người con luôn hồn nhiên, an vui trong tình thương trời bể của mẹ cha:
Tuổi thơ con có một thời hạnh phúc
Gọi Mẹ ơi! Khi đói khát, chán chường
Lòng vui lên thấy mẹ cười trước mặt
Được vỗ về, được âu yếm yêu thương.
Và dần dà theo năm tháng, cho dù khi đã lớn khôn vào đời mải mê chạy theo những khát vọng của danh vọng tiền tài mà quên lãng hay cố tình xa rời mẹ cha, nhưng:
Có đôi lúc
Mải mê quay với dòng đời vồn vã
Những đô hội thị thành
Những phương trời xa lạ
Chợt giật mình tỉnh giấc nhớ mẹ cha.
Vì tình cha mẹ là tình yêu ngọt ngào, chân thành nhất. Một tình yêu không bao giờ thay đổi theo thời gian. Một tình yêu cho con dù không tính toán nhưng lòng con vẫn cảm thấy mắc nợ mẹ cha:
Con nợ căn nhà sập xệ bàn tay mẹ mòn tháng năm
Để con lớn khôn mắt xanh hồn lữ thứ
Con nợ những trưa hè oi bức, cha gồng gánh gia đình
Con đứng đó dửng dưng để thắt từng nhát đau xuyên qua ngực.
Nợ ân nghĩa mẹ cha đòi buộc chúng ta phải thể hiện tấm lòng biết ơn chân thành bằng những việc làm cụ thể để làm vui lòng mẹ cha. Điều này không đợi khi cha mẹ già mới làm, và càng không đợi khi cha mẹ khuất núi mới tri ân mà ngay bay giờ, vào lúc này cần phải làm điều gì đó cho mẹ cha:
Con không đợi một ngày kia
Khi mẹ mất đi mới giật mình khóc lóc
Những dòng sông trôi đi có trở lại bao giờ?
Con hốt hoảng trước thời gian khắc nghiệt
Chạy điên cuồng qua tuổi mẹ già nua
Mỗi ngày qua con lại thấy bơ vơ
Ai níu nổi thời gian?
Ai níu nổi?
Thế nên, hãy biết trân trọng sự hiện diện của cha mẹ ngày hôm nay. Cho dù cha mẹ đã già yếu, kiệt quệ theo năm tháng thì đạo làm con vẫn mời gọi chúng ta đền ơn “chín chữ cù lao” như lời tha thiết khẩn khoản sau:
Nếu một mai thấy cha già mẹ yếu
Hãy thương yêu và thấu hiểu song thân
Những lúc ăn mẹ thường hay vung vãi
Hay tự cha không mặc được áo quần
Hãy nhẫn nại nhớ lại thời thơ ấu
Mẹ đã chăm lo tã, áo, bế bồng
Bón cho con từng miếng ăn, hớp sữa
Cho con nằm trong nệm ấm chăn bông.
Và rồi nếu một mai mất đi bóng hình già yếu ấy, hãy thắp lên cho các ngài một nén hương lòng:
Một nén hương thơm nồng nàn lặng lẽ
Nỗi lòng con gửi gắm những niềm thương
Dù bao năm dù có hóa vô thường
Công sinh dưỡng vẫn là công lớn nhất.
Hôm nay, trong không gian nghĩa trang đang ấm dần bởi những nén hương của biết bao người con đang thắp lên trên phần mộ của những bậc sinh thành. Chúng ta cũng trào dâng niềm cảm mến tri ân về biết bao nghĩa cử cao đẹp mà cha mẹ, anh chị đã làm cho chúng ta nhưng nay họ đã không còn. Họ đã lặng im nơi chín suối hay dưới nấm mồ hoang lặng. Điều họ cần nơi chúng ta không chỉ là một nén hương tỏ lòng tri ân, mà quan yếu là nhớ đến họ để cầu nguyện cho họ, để làm việc hy sinh phúc đức cho họ. Đây là bổn phận đối với Thiên Chúa mà họ phải làm, thế nhưng trong thân phận bất toàn họ đã thiếu sót. Họ đã không chu toàn vì còn phải lao nhọc vì chúng ta. Họ còn phải hy sinh vì chúng ta. Nay họ cần được thanh luyện để xứng với tình yêu của Chúa. Thế nhưng, “lực bất tòng tâm”. Họ lại không còn cơ hội hay khả năng để lập công cho mình.
Truyền thống Giáo hội vẫn xin lễ cầu nguyện cho các linh hồn đã có từ thời Cựu Ước. Đây là việc bác ái mà chúng ta có thể làm cho anh chị em những người đã khuất. Theo sách Macabe 2 kể lại việc: “Ông Giuđa quyên được khoảng 2.000 quan tiền và gửi về Giêrusalem để xin dâng hy lễ tạ tội. Ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao quý này vì cho rằng người chết sống lại... Đó là lý do ông xin dâng hy tế đền tội cho những người đã chết để họ được giải thoát tội lỗi.” (2 Mcb 12,43-46).
Niềm tin này đã được củng cố vững vàng hơn với biến cố lịch sử về cuộc tử nạn và phục sinh của chính Chúa Giêsu. Ngài đã chết và đã sống lại là niềm hy vọng cho mọi người tín hữu. Chúng ta tin có sự sống lại nên chúng ta cầu nguyện trong niềm mong đợi người chết sẽ sống lại trong ngày sau hết. Từ đó, việc cầu nguyện cho kẻ chết đã trở thành truyền thống trong Giáo hội cho đến nay.
Sách Giáo lý mới của Giáo hội số 958 và số 1032 cũng khuyến khích cầu nguyện cho kẻ chết là cách chúng ta giúp cho các tín hữu được thanh luyện nơi luyện tội được sớm kết thúc và mau hưởng hạnh phúc Nước Trời. Trong sách giáo lý đã viết:
“Chúng ta hãy cứu giúp và tưởng nhớ đến những người đã qua đời. Nếu con cái ông Job được thanh luyện nhờ sự hy sinh của ông, thì tạo sao chúng ta lại nghi ngờ rằng những việc hiến dâng của chúng ta sẽ đem lại an ủi cho các linh hồn ấy? Vậy chúng ta đừng ngần ngại giúp những người đã qua đời và cầu nguyện cho họ.”
Ước mong tháng 11 sẽ là cơ hội để chúng ta tỏ lòng tri ân với cha mẹ, ông bà, anh em bạn hữu không chỉ bằng nén hương thắp lên trước phần mộ mà bằng cả tấm lòng mong muốn làm điều gì đó để đền bù cho họ vì những thiếu sót trong phận con người.
Xin cho các linh hồn sớm được nghỉ yên trong tình yêu Chúa qua những lời cầu nguyện và những hy sinh của chúng ta trong tháng dành cho các đẳng linh hồn này. Amen.
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
Ý kiến - nhận xét của bạn về bài:
Mùa tưởng nhớ tri ân
(hoặc nhấn phím ESC hoặc nhấn vào khung nền)