EMTY (Vatican Insider, 7-11-2013, by ANDREA TORNIELLI) - Buổi sáng sau ngày Đức Bergoglio được bầu làm giáo hoàng, vị quản trị trang web của Vatican đã chạy đến một cửa hàng và mua một chiếc iPad màu trắng mà ngài gọi ngay là "iPapapad", chiếc máy tính bảng này đã được trao cho ĐTC Phanxicô vào sáng ngày 16-3-2013, lúc kết thúc buổi tiếp kiến chung của Đức Giáo hoàng với các nhà báo. Đức ông Lucio Adrian Ruiz, 48 tuổi, ở Santa Fe, Argentina, đã giữ cương vị đứng đầu Phòng Internet Vatican (Vatican Internet Service) từ năm 1997. Về cơ bản, ngài quản trị trang web của Đức Giáo hoàng. Ngài từng phục vụ trong Bộ Giáo sĩ nhiều năm, xây dựng trang web www.clerus.org và phụ trách phần kỹ thuật các cuộc họp viễn liên - một loại diễn đàn thần học quy tụ các chuyên gia thần học từ khắp nơi trên thế giới lại với nhau vào một buổi sáng. Tính đến năm 2009, Đức ông Ruiz đã đứng đầu Phòng Internet Vatican và văn phòng viễn thông cũng như chịu trách nhiệm toàn bộ dịch vụ website của Vatican.
"Chúng tôi giống như một cơ quan biên phòng", ĐÔ Ruiz nói. Chúng tôi là một phần trong dây chuyền cung cấp kỹ thuật và hỗ trợ cần thiết để thông điệp, giáo huấn và nghĩa cử Đức Giáo hoàng có thể đến được mọi ngõ ngách của thế giới. Nói cách khác, chúng tôi là những cánh tay, đôi chân và tiếng nói kỹ thuật số của Đức Giáo hoàng. Nhưng chúng tôi không phải là những người duy nhất bảo đảm sự hiện diện trực tuyến của những hoạt động của Đức Giáo hoàng, mà bao gồm cả một đại gia đình, trong đó có Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội, Văn phòng Báo chí, Trung tâm Truyền hình Vatican, Đài Phát thanh Vatican và tờ L'Osservatore Romano của Vatican. Thông tin được nghiên cứu cẩn thận, suy nghĩ chín chắn, chuẩn bị và phát hành, với ý thức rằng gia đình này đang giúp Đức Giáo hoàng trong sứ vụ giáo hoàng của ngài.
Xin giới thiệu bài phỏng vấn Đức ông Lucio Adrian Ruiz.
Công việc của quý vị chính xác gồm những gì?
Chúng tôi làm việc với công nghệ, hoạch định, kỹ thuật và lập nên các trang web của Toà Thánh và các dịch vụ Internet khác với tên miền “.va”, một tên miền cấp cao tương đương với tên miền quốc gia. Hiện có 30 tên miền cấp cao này, nhưng có ít nhất 10 tên miền cấp cao khác hiện đang được chuẩn bị. Những tên miền có nhiều người theo nhất, có lượng truy cập cao nhất, là các trang web của các cơ quan như www.vatican.va <http://www.vatican.va/> - trang web này có hơn nửa triệu mục có lời giáo huấn của Đức Giáo hoàng - và www.news.va <http://www.news.va/> - là một tập hợp tin tức do Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội điều hành. Tiếp đến là có các trang web của những bộ phận khác nhau và những trang được thiết kế cho những sự kiện đặc biệt, chẳng hạn, www.annusfidei.va <http://www.annusfidei.va/>, dành riêng cho Năm Đức Tin, một sáng kiến phong phú được Toà Thánh Vatican đưa ra nhằm phục vụ Giáo Hội hoàn vũ.
Vatican đã có mặt trên các trang web bao lâu rồi?Toà Thánh Vatican được trực tuyến từ Giáng Sinh năm 1995, khi Thông điệp Urbi et Orbi của Đức Gioan Phaolô II được công bố. Nhưng thông điệp này có hình thức và kết cấu như hiện nay là từ năm 1997. Điều thú vị là Giáo Hội nói chung và đặc biệt là Vatican nói riêng đã có mặt trên mạng lưới toàn cầu từ những ngày phôi thai của website! Giáo Hội đã nhảy vào cuộc ngay lập tức và tức khắc trở thành một phần của sự chuyển đổi văn hoá mà Internet mang lại. Và việc này vẫn đang tiếp tục cho đến ngày hôm nay bằng cách dùng các mạng xã hội. Cũng giống như Giáo Hội đã từng thể hiện qua hội hoạ, kiến trúc và âm nhạc, Giáo Hội đang tham gia và tạo ra văn hoá cùng với việc loan báo Tin Mừng, thông qua Internet.
Văn phòng quý vị toạ lạc ở đâu và bao nhiêu người làm việc ở đó? Chúng tôi chỉ là một văn phòng nhỏ gồm khoảng 30 người, nhưng rất năng động trong việc hợp tác với Đức Thánh Cha và việc phục vụ của chúng tôi dành cho Giáo Hội hoàn vũ. Đây là một cảm giác tuyệt vời, đầy thách thức vì công việc của chúng tôi là tiếp cận toàn thế giới, mọi châu lục, mọi quốc gia và những người muốn biết giáo huấn của Đức Giáo hoàng! Hiện tại văn phòng của chúng tôi đặt tại Via della Conciliazione 1, nhưng một khi công việc kết thúc, chúng tôi di chuyển đến văn phòng toạ lạc tại tầng trên của Bưu điện Vatican. Văn phòng hệ thống thông tin được đặt tại nội thành Vatican từ năm 1995.
Những thách thức chính mà quý vị phải đối mặt là gì?Một trong những thách thức lớn là quản lý để đưa những lời giáo huấn, các thông điệp và tình yêu thương của Đức Giáo hoàng qua định dạng công nghệ. Tạo một không gian "gặp gỡ thực tế" trực tuyến là nhiệm vụ không dễ dàng. Một thách thức khác là tất cả các nhiệm vụ đều liên quan đến các kỹ sư, kỹ thuật viên và một số các chuyên môn nội bộ khác. Điều này rất tốt nhưng rất khó khăn, nó đòi hỏi rất nhiều sự cống hiến và liên quan đến việc cập nhật liên tục. Như tôi đã nói, mặc dù chúng tôi là một đại gia đình, và cùng với các cơ quan khác của Vatican, chúng tôi cố gắng tận dụng tối đa thời điểm văn hoá này và tiến bước với thời đại. Nhưng còn có một thách thức khác: tiếp nhận các hoàn cảnh từ các quốc gia khác nhau trên toàn thế giới để suy xét. Chẳng hạn, mọi quốc gia phải được quyền truy cập vào nội dung của chúng tôi, ngay cả những nước không có băng thông rộng hoặc công nghệ chưa tiên tiến. Vì vậy, chúng tôi không thể dùng những công nghệ tiên tiến nhất mà không xem xét hoàn cảnh của các nước nghèo. Các quốc gia đó cũng cần được tiếp cận giáo huấn của Đức Giáo hoàng và cảm nhận được tình yêu thương của ngài!
Cha chịu trách nhiệm về nội dung?Không, Phủ Quốc vụ khanh và những phân bộ khác nhau của Giáo triều Rôma chịu trách nhiệm về nội dung phong phú được công bố trên các phương tiện truyền thông khác nhau. Chúng tôi chỉ phụ trách một phần của "chuỗi truyền thông" này, có nghĩa là, thiết kế, xử lý các khía cạnh công nghệ và đưa lên trực tuyến tất cả các nội dung liên quan đến Đức Giáo hoàng. Chúng tôi cũng chịu trách nhiệm đưa các bài phát biểu và diễn từ của các Giáo hoàng trước đây vào định dạng kỹ thuật số, một công việc đòi hỏi rất nhiều kiên nhẫn và cống hiến. Giấc mơ của chúng tôi là làm cho tất cả các văn kiện chủ yếu của giáo hoàng sẵn sàng trực tuyến, nhưng việc này sẽ mất một thời gian... Khối lượng nội dung dịch cũng đã tăng lên.
Số lượt truy cập vào các trang web như thế nào?Con số này ngày càng tăng, nhất là trong những năm gần đây, đặc biệt kể từ khi Đức Phanxicô được bầu làm Giáo hoàng. Có những lúc cao điểm (hàng triệu lượt truy cập) trong các sự kiện nhất định hoặc khi Đức Giáo hoàng tông du. Chẳng hạn, khi Đức Gioan Phaolô II được phong chân phước, hơn 12 triệu lượt người truy cập trang web của chúng tôi chỉ trong 2 ngày. Hình ảnh và thông điệp thì rất phổ biến. Rất nhiều người tìm kiếm các lời do Đức Giáo hoàng phát biểu.
Những người dùng Internet truy cập vào trang web của quý vị đa số cư trú ở đâu? Hầu hết khách thăm trang web là từ Mỹ, Ý, Tây Ban Nha, Đức và Brazil, tiếp theo là Hàn Quốc, Mexico, Canada, Pháp và Trung Quốc. Lượng truy cập Internet đạt đến đỉnh điểm từ 3:00 chiều đến nửa đêm theo giờ CET.
Quý vị có dùng e-mail không? Đức Giáo hoàng có địa chỉ e-mail công khai không?
Có. Chúng tôi cũng xử lý qua e-mail. Nhưng các Giáo hoàng chỉ được cung cấp địa chỉ e-mail cho các sự kiện đặc biệt, ví dụ như Đức Gioan Phaolô II có một địa chỉ e-mail cho Năm Linh Mục. Các cuộc trò chuyện tương tác với nhau thì không được xem xét. Các lá thư vẫn là cách thức ưu tiên để gửi các thông điệp cá nhân của Đức Thánh Cha...
Đối phó thế nào với các cuộc tấn công của hacker?
Làm việc trong thế giới kỹ thuật số có nghĩa là nghĩ về vấn đề an ninh trên mỗi ngày. Chúng tôi phải đối phó với điều này, cũng giống như bất kỳ tổ chức quan trọng nào khác hiện diện trên các trang mạng. Đó là một sự hiện diện sinh lý nhưng những nỗ lực của chúng tôi tập trung vào việc cung cấp dịch vụ và làm cách nào chúng tôi có thể thông chuyển các thông điệp một cách tốt nhất. Phần còn lại, mọi thứ đều bình thường, giống như khi ai đó đang tản bộ trên đường và phải chú ý... Bất cứ ai là một phần của thế giới Internet cần chú ý đến vấn đề an ninh, bảo mật… Có thể nói rằng tội nguyên tổ cũng có thể xuất hiện trong thế giới kỹ thuật số.
Công việc của quý vị hiện thay đổi ra sao từ khi Đức Bergoglio là Giáo hoàng?Đức Phanxicô thích được gần gũi mọi người, ngài thu hút mọi người và rất lôi cuốn giới truyền thông. Chỉ cần nhìn vào các bức ảnh của ngài với những người khác - chúng chính là những thông điệp tình yêu và hy vọng. Chỉ cần nhìn vào biết bao người tham dự các cuộc triều yết chung và đọc Kinh Truyền Tin - điều này làm tăng thêm sự hiện diện thể lý cùng với sự gia tăng sự hiện diện trong thế giới ảo: ngày càng có nhiều người tìm kiếm các video về các thông điệp của Đức Giáo hoàng và tải xuống các văn bản và hình ảnh. Đức Thánh Cha Phanxicô sử dụng những ngôn từ mạnh mẽ để đi sâu vào trái tim mỗi người chúng ta. Số lượt người truy cập trang web đã tăng lên rất nhiều! Chúng tôi phải làm cho hệ thống mạnh hơn gấp 10 lần so với năm qua và mạnh hơn gấp 20 lần trong thời gian diễn ra Mật viện.
Đức Giáo hoàng đã có hơn 10 triệu người theo trên Twitter...ĐGH Phanxicô sử dụng những biểu hiện tốt đẹp và mạnh mẽ và điều đó rất hiệu quả trên Twitter. Tôi đã có lần thưa với ngài: Thưa Đức Thánh Cha, ngài là một "Giáo hoàng kỹ thuật số", sự gần gũi của ngài, lời nói của ngài và tình yêu của ngài nói lên bằng ngôn ngữ của văn hoá kỹ thuật số ngày nay. Và tôi thực sự muốn nói điều tôi đã nói; bạn có thể thấy những thông điệp và hình ảnh trên Internet. Twitter giống như một lời cầu nguyện kỹ thuật số ngắn đồng hành với dân Chúa mỗi ngày... Thật tốt đẹp khi cảm thấy Đức Giáo hoàng rất gần gũi trên những hành trình hằng ngày của chúng ta.