Gặp ĐHY Etchegaray
Phỏng vấn ĐHY. GB. Phạm Minh Mẫn về chuyến đi Vatican từ 30.5 đến 3.6.2010
WGPSG – Vừa qua, ĐHY GB. Phạm Minh Mẫn đã thực hiện một chuyến đi Vatican từ ngày 30.5.2010 đến 3.6.2010, sau đó đi thăm thân nhân ở Houston, USA, rồi về tới Việt Nam vào chiều ngày 8.6.2010. Phóng viên website Tổng Giáo phận TP.HCM đã xin gặp và phỏng vấn ĐHY về chuyến đi này.
1. Phóng viên: Chúng con xin chúc mừng ĐHY đã đi Vatican và trở về bình an khoẻ mạnh. ĐHY có thể cho chúng con biết lý do và mục đích của chuyến đi này?
Đức Hồng Y: Trong tình hình một số ý kiến trên mạng hay qua truyền tai nhau, tạo nên dư luận gây ít nhiều hoang mang và bất ổn trong cộng đồng Giáo Hội và xã hội, ví dụ như một vài dư luận cho rằng có sự tắc trách của Bộ Truyền giáo, sự thoả hiệp của Bộ Ngoại giao, sự cấu kết của một ít nhân vật trong Giáo Hội vì tư lợi, sự ngây ngô của Vatican..., một số giám mục đề nghị tôi đi tìm hiểu sự thật “thực” tận gốc rễ, vì tin rằng chỉ có sự thật “thực”, chứ không phải dư luận hay sự thật “ảo”, mới đem lại sự ổn định cho đời sống trong cộng đồng Giáo Hội cũng như xã hội.
2. PV: ĐHY có thể cho chúng con biết diễn tiến của chuyến đi này?
ĐHY: Tôi rời Sài Gòn vào chiều Chúa Nhật 30.5.201, và sáng Thứ Hai 31.5, đến Rôma.
– Chiều Thứ Hai 31.5, gặp gỡ và thăm hỏi anh em linh mục, tu sĩ, giáo dân VN tôi gởi học tại Rôma.
– Sáng Thứ Ba 1.6, gặp Đức Tổng Giám mục Dom. Mamberti, Ngoại trưởng Vatican, gần một tiếng đồng hồ. Sau đó gặp Đức ông Ern. Ballestrero, Thứ trưởng, trong một giờ.
– Chiều Thứ Ba 1.6, tôi đến thăm ĐHY. Rog. Etchegaray đang phục hồi sau tai nạn té gẫy xương đùi.
– Sáng Thứ Tư 2.6, gặp ĐHY. Ivan Dias, Tổng trưởng Bộ Truyền giáo trong một tiếng rưỡi đồng hồ.
– Chiều Thứ Tư 2.6, gặp gỡ linh mục, tu sĩ VN đang làm việc tại Vatican.
3. PV: ĐHY có thể cho chúng con biết nội dung của những cuộc gặp gỡ trong chuyến đi này?
ĐHY:
– Gặp gỡ và trao đổi với Bộ Ngoại giao Vatican: Sau khi nghe tôi giải bày tình hình do dư luận tạo ra, Đức Tổng Giám mục Mamberti, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Vatican, nói về phần vụ của Bộ Ngoại giao và đường hướng phục vụ lợi ích của Giáo Hội địa phương và toàn cầu trong sự tôn trọng ý kiến của người liên hệ. Đức ông Ballestrero, Thứ trưởng, cho biết: trong khi thực hành đường hướng đó, Bộ luôn lắng nghe và tôn trọng ý kiến cùng bản thân của đương sự, luôn lưu tâm đến chức vụ cùng đời sống của đương sự trong tương quan với xã hội. Đức Ông có cho biết rằng: khi Bộ Ngoại giao Vatican thi hành nhiệm vụ thông báo cho Chính phủ Việt Nam quyết định của Đức Thánh Cha chấp thuận lời Đức cha Ngô Quang Kiệt xin từ nhiệm Tổng Giám mục Hà Nội vì lý do sức khoẻ, Bộ có nói rõ với Chính phủ Việt Nam rằng Đức Thánh Cha quyết định như thế vì tôn trọng tiếng nói lương tâm của Đức cha Ngô Quang Kiệt.
– Gặp gỡ và trao đổi với ĐHY. Etchegaray: ĐHY. Etchegaray cho tôi biết một chi tiết về tai nạn của ngài: khi ngài bị xô té, thì một vệ sĩ cũng bị ngã và đè lên làm gãy xương đùi của ngài. Ngài nói rằng ngài cũng biết dư luận xôn xao vì việc thay đổi nhân sự ở Toà Tổng Giám mục Hà Nội. Chúng tôi rất tâm đắc với nhau về việc lắng nghe tiếng nói của dân Chúa. Tôi có thêm rằng, ngoài ra, người dẫn dắt dân Chúa còn phải lắng nghe Chúa Thánh Thần muốn nói gì qua tiếng nói của dân Chúa, mới có thể trung thành thực thi ý Chúa, mới có thể đồng hành cùng hướng dẫn dân Chúa đi trong đường lối của Chúa. ĐHY Etchegaray hỏi tôi: có dự kiến đi gặp Đức Thánh Cha không? Tôi trả lời rằng tôi nghĩ hai Bộ Ngoại giao và Truyền giáo cũng đủ giúp tôi biết sự thật mà tôi muốn tìm hiểu rồi, nên không muốn quấy rầy Đức Thánh Cha luôn bận rộn nhiều việc, nhiều vấn đề.
– Gặp gỡ và trao đổi với Bộ Truyền giáo: Sau khi nghe tôi giải bày tình hình, Đức Hồng y Ivan Dias, Tổng trưởng Bộ Truyền giáo cho biết về phần vụ và đường hướng làm việc của Bộ. Trong khi phục vụ lợi ích của Giáo Hội, Bộ luôn lắng nghe và tôn trọng ý kiến cùng bản thân của người liên hệ. Chính ngài thường xuyên đệ trình và trao đổi với Đức Thánh Cha về mọi diễn biến và tình hình liên hệ, để Đức Thánh Cha suy nghĩ, cầu nguyện và quyết định. Và trước khi quyết định, Đức Thánh Cha lắng nghe đương sự. Chính vì tôn trọng tiếng nói lương tâm của Đức cha Ngô Quang Kiệt mà Đức Thánh Cha mới chấp nhận đơn xin từ nhiệm Tổng Giám mục Hà Nội. Đồng thời, với kinh nghiệm 30 năm phục vụ ngành Ngoại giao của Vatican trong nhiều nước như Việt Nam, Đức Hồng y Dias có lưu ý đến nhiệm vụ của các giám mục trên đất nước Việt Nam hôm nay: nhiệm vụ loan báo Tin Mừng, dẫn dắt các tín hữu đi trong ánh sáng đức tin, xây dựng Giáo Hội hiệp thông và hiệp nhất trong tình bác ái huynh đệ. Và ngài khuyên người Công giáo Việt Nam trên khắp thế giới hãy chuyên cần cầu nguyện với Đức Mẹ La Vang là Nữ Vương ban sự bình an. ĐHY. Dias cho biết vào Thứ Bảy 29.5.2010, ngài cũng đã gặp và trình báo cho Đức Thánh Cha về tình hình Giáo Hội tại VN, cả việc tôi đến Rôma để gặp gỡ hai Bộ.
4. PV: ĐHY có thể cho chúng con biết nhận định của ĐHY về chuyến đi này?
ĐHY: Chuyến đi này cho tôi thêm những kinh nghiệm mục vụ, cụ thể như sau:
(1) Trước mọi vấn đề nảy sinh từ cuộc sống trần thế, nhiệm vụ chính của chủ chăn là lắng nghe và tìm hiểu, đồng hành và hướng dẫn dân Chúa đi trong đường lối của Chúa là Đấng làm chủ lịch sử, tiến bước trên Con Đường Giêsu là Con Đường Tình Yêu dẫn đến sự sống dồi dào của Chúa Phục Sinh. Điều chủ chăn cần luôn ghi khắc trong lòng là phải nhờ ơn Chúa, cùng với ơn tin cậy mến là ơn khôn ngoan, ơn sức mạnh, ơn hiệp nhất, ‘người thuyền trưởng’ mới có thể vững tay lái ‘con thuyền Giáo Hội’ vượt qua mọi cơn sóng gió ba đào ở mọi thời và trong mọi chế độ xã hội nơi cõi trần.
(2) Trong mọi hoàn cảnh, lúc yên hàn hay lúc gian truân, hãy kiên vững tiến bước trong ánh sáng chân lý và tình thương cứu độ của Chúa. Chỉ Lời Chúa mới là ánh sáng chân lý trường tồn. Mọi sự con người nghĩ ra, sẽ qua đi. Trời cao hơn đất bao nhiêu, sự khôn ngoan của Thiên Chúa cũng cao hơn sự khôn ngoan của loài người bấy nhiêu.
(3) Có một định luật: nhân cách con người được cấu thành bởi 3 yếu tố: một là di truyền, hai là môi trường (gia đình, học đường, cộng đồng xã hội, Giáo Hội), ba là ý thức và ý chí tự do của mỗi người. Thể theo định luật này, khi cộng đoàn tín hữu lâm vào tình trạng ít nhiều thiếu sự nhất trí và hợp nhất, khi một số tín hữu để thói đời lôi cuốn, để lòng đạo phai mờ dần, thì các mục tử đều có phần trách nhiệm. Và trách nhiệm ở đây là việc giáo dục, huấn luyện, trợ lực cho mọi tín hữu biết luôn chung sức lấy Lời Chúa làm nền tảng, làm trụ cột để xây đắp, gia cố những ngôi nhà gia đình và cộng đoàn, Giáo Hội và xã hội, ngày càng thêm vững bền.
(4) Ngoài ra, những cuộc gặp gỡ và trao đổi cũng giúp tôi yên tâm và thêm xác tín về đường hướng mục vụ tôi đang tiến hành trong gia đình giáo phận. Cụ thể như những gì tôi đề xuất trong “Lời Chủ chăn” gởi gia đình giáo phận trong tháng 6 này, phù hợp với đường lối của Chúa và Giáo Hội, không lạc đạo, không phản đạo, như một ít người tưởng.
5. PV: ĐHY có thể cho chúng con biết: sau khi rời Vatican vào ngày 3.6.2010, ĐHY còn đi thăm những nơi nào nữa?
ĐHY: Rời Roma, tôi đến Houston, USA, để làm hai việc:
– một là, thăm lại gia đình thân thuộc (đã lâu tôi chưa có dịp gặp lại gia đình) và làm lễ giỗ cho bà cô họ đã mất 3 năm nay.
– hai là, được người thân giới thiệu, tôi gặp gỡ đối tác sẵn sàng đầu tư theo phương thức BOT cho những dự án mục vụ trong gia đình giáo phận.
Tôi dự kiến về kịp lễ Thượng Thọ Bát Tuần của Đức cha Emmanuel, Giám mục Cần Thơ, vào ngày 8.6.2010. Thế nhưng, vì không có chuyến bay sớm, nên mãi đến chiều 8.6.2010 tôi mới về tới nhà.
PV: Chúng con rất vui mừng vì ĐHY đã có một chuyến đi Vatican tốt đẹp. Xin chân thành cám ơn ĐHY.
WGPSG