Do dù hạnh phúc ở bên cạnh bạn, bạn chớ bao giờ quên hẳn nó đi.

Jacques Prévert
Truyen-tin.net - Sơ lược dữ kiện:

  • ♥ Tiểu sử Các Thánh: 272
  • ♥ Các Bài đọc thánh lễ: 772
  • ♥ Văn hoá, nghệ thuật: 1154
  • ♥ Tin tức, chuyên đề... 15439
  • ♥ Thư viện hình ảnh: 6916
  • ♥ Suy niệm Lới Chúa: 784
  • ♥ Video: 2269
  • ♥ Tài liệu tham khảo: 780

... cùng những sưu tập khác.
tt
Laudetur Jesus Christus - Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô NewsFeed
-
TÀI LIỆU
Back TRỞ LẠI (Cập nhật: 14/03/2015 3:49:16 SA)
A  A  A
Đối thoại những vấn đề khoa học và đức tin - Chương 1
LỜI MỞ ĐẦU

Ngày nay việc tìm hiểu về các vấn đề liên quan đến khoa học và đức tin tôn giáo rất cần để người tín hữu thêm xác tín và có khả năng trình bày đức tin cho người muốn tìm hiểu những vấn đề liên quan đến khoa học và đức tin tôn giáo như: Chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa và của linh hồn nơi con người; Về sự hình thành của vũ trụ vạn vật theo khoa học và đức tin; Giải đáp các thắc mắc theo quan điểm của Hội Thánh về các mầu nhiệm đức tin và các họat động trần thế của Giáo Hội...

Đây là những vấn đề khá mới mẻ đối với phần đông các tín hữu, đặc biệt là giới trẻ thanh niên nam nữ Công giáo chuẩn bị vào đời, mà với vốn liếng giáo lý ít ỏi, thu lượm được trong thời thơ ấu, không đủ để tự giải đáp thoả đáng. Nhờ hiểu biết thêm về các vấn nạn trên với cái nhìn đức tin, các tín hữu sẽ không bị mặc cảm tự ti khi tiếp xúc với các người vô tín hay bạn bè khác niềm tin với mình. Các bạn trẻ cần được tập huấn trở thành những tông đồ giáo dân nhiệt thành loan Tin Mừng cho bạn đồng trang lứa như Công đồng Vatican II đã khẳng định, "giới trẻ phải làm tông đồ trước tiên và trực tiếp cho giới trẻ" (Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân, số 12). Họ phải trở nên như nắm men giữa thúng bột xã hội, để làm dậy lên men tình yêu của Chúa (x. Mt 13,33).

Nhằm mục đích giúp kiến thức giáo lý cho các thành phần tín hữu chuẩn bị vào đời, các lớp giáo lý hôn nhân và dự tòng, các sinh viên muốn tìm hiểu đức tin tôn giáo; Đồng thời giúp các hội viên của Hiệp hội Thánh Mẫu và các hội đoàn Tông đồ Giáo dân có tư liệu học tập để đi loan báo Tin Mừng… chúng tôi đã thu thập và giải đáp các thắc mắc của anh em ngoài Công giáo và sắp xếp theo đề tài thành sách ĐỐI THOẠI VỀ NHỮNG VẤN ĐỀ KHOA HỌC VÀ ĐỨC TIN.

Trong phần giải đáp, chúng tôi đã khai triển, đào sâu đề tài để giúp các giảng viên giáo lý sử dụng khi giảng dạy. Mỗi lời giải đáp gồm Lời Chúa, trình bày đề tài theo chiều hướng khoa học tự nhiên và đức tin siêu nhiên và kết thúc mỗi đề tài bằng câu Lời Chúa và lời cầu nguyện dành cho học viên, để xin Chúa Giê-su ban thêm đức tin như Người đã dạy: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.” (Ga 14,6).

Những lời giải đáp này không nhằm cổ vũ những cuộc tranh luận vô bổ với người vô tín, mà chỉ muốn trình bày quan điểm của người có đức tin Công giáo trước những vấn đề thiết thực liên quan đến khoa học và đức tin, luân lý, thánh kinh... Những lời giải đáp này được tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau như: Giáo lý Hội thánh Công giáo; Giải quyết vấn đề nhân sinh; Người Công giáo trước vấn đề đức tin; Những thắc mắc của cuộc đời; Trả lời vắn tắt; Lịch sử nhân lọai; Con người và vấn đề Thương đế; Đi về đâu ? Đạo Công giáo là gì? Và các tài liệu được cập nhật trên các trang mạng truyền thông Công giáo…

Tuy nhiên, những lời giải đáp này chắc không tránh khỏi những mặt hạn chế sai sót và chưa phải là những lời giải đáp đầy đủ nhất... Dù chỉ là viên gạch nhỏ bé tầm thường, nhưng chúng tôi hy vọng góp phần với Hội Thánh trong việc xây dựng và củng cố đức tin cho anh em tín hữu công giáo và giúp người lương hiểu biết về đức tin. Xin Chúa qua lời bầu cử của Thánh Mẫu Maria xuống muôn ơn lành cho những người đã giúp chúng tôi hoàn thành tập sách này.

Gx. Sao Mai Xuân Ất Mùi 2015

Lm. Đan Vinh

Giám huấn HHTM Trung ương

***

ĐỐI THOẠI NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ KHOA HỌC VÀ ĐỨC TIN

CHƯƠNG I: TƯƠNG QUAN GIỮA KHOA HỌC VÀ ĐỨC TIN

I. PHÂN BIỆT KHOA HỌC VÀ ĐỨC TIN CHÂN CHÍNH

VẤN ĐỀ 1: Chỉ khoa học mới là tiếng nói chân chính của loài người tiến bộ, vì khoa học có khả năng giải đáp mọi vấn đề liên quan đến cuộc sống con người. Còn đức tin tôn giáo chẳng qua chỉ là sự mê tín, bắt nguồn từ sự dốt nát của những người thời tiền sử. Ngày nào khoa học hoàn toàn tiến bộ, thì ngày ấy tôn giáo đương nhiên sẽ bị đào thải.

GIẢI ĐÁP:

A. TRÌNH BÀY


1) Thực ra khoa học chỉ có giới hạn và không thể giải đáp được mọi vấn đề liên hệ đến con người

Vào thế kỷ 19, khoa học đã tiến một bước nhảy vọt, đem lại những phát minh mới lạ làm đảo lộn mọi hiểu biết của con người về vũ trụ thiên nhiên, khiến cho một số người quá lạc quan, tin tưởng khoa học có khả năng vô hạn, có thể giải quyết được mọi vấn đề đặt ra mà không cần phải nại tới Thiên Chúa hay thần minh nào khác. RENAN đã mạnh dạn tuyên bố: “Tổ chức nhân lọai theo phương pháp khoa học. Đó là câu nói cuối cùng của tân khoa học. Dĩ nhiên lý trí sẽ điều định nhân lọai trước, rồi điều định tới Thiên Chúa sau…” (L ‘Avenir de la science, p. 37).

Nhưng giây phút phấn khởi ban đầu qua đi mau chóng, và người ta đã dần dần ý thức được sự bất lực của khoa học, sản phẩm của trí khôn con người. Những giả thuyết khoa học mà người đi trước coi là chân lý, đã không còn đứng vững trước những khám phá mới lạ hợp lý hơn của người đi sau. P. TERMINÉ đã khiêm tốn hơn khi thú nhận: “Khoa học liền với bất khả tri. Khoa học đầy bí ẩn mà phần lớn không giải thích được. Khoa học khêu gợi bí nhiệm hơn là giải thích chúng.”

Thực vậy, ngay trong lĩnh vực vật chất là đối tượng nghiên cứu của khoa học, thế mà các nhà bác học cũng gặp rất nhiều trở ngại không thể vượt qua. Chẳng hạn, nhìn một bông lúa ngoài đồng, do quá trình quan sát khoa học có thể cho biết bông sẽ nảy sinh ra hạt lúa. Nhưng lại bất lực không thể hiểu thấu bí nhiệm của việc nảy mộng như thế nào. Cho đến nay, sau bao nhiêu cố gắng, các nhà bác học vẫn không thể làm được một con vật bé nhỏ tầm thường với đời sống tự lập như một con sâu, một con kiến… Đang khi chung quanh họ có không biết bao nhiêu sinh vật khác phức tạp gấp bội phần vẫn chưa được khoa học tìm hiều nghiên cứu.

Như vậy, phải công nhận rằng: Khoa học có giới hạn và không thể tự hào giải quyết được mọi vấn đề, nhất là những vấn đề siêu hình không thuộc đối tượng nghiên cứu của nó như: Thiên Chúa, linh hồn, đời sau… Những vấn đề này thuộc phạm vi đức tin và chỉ có triết học và thần học mới có khả năng và có quyền lên tiếng mà thôi.

2) Đức tin không phải là mê tín, nhưng là thái độ cần thiết và hợp lý của con người có trí khôn

a) Đức tin chân chính khác hẳn mê tín dị đoan


- Mê tín là quá tin một điều gì cách mù quáng và vô lý. Mê tín do sự ngu dốt, kém hiểu biết khoa học mà ra. Chẳng hạn ngày xưa người ta tin các hiện tượng thiên nhiên như mưa bão sấm chớp… là những vị thần minh, mà con người nếu muốn được an thân, cần cầu khấn lễ bái để được các vị thần ấy che chở phù giúp. Hoặc ngày nay ở các dân tộc bán khai, dân chúng u mê tin tưởng vào tài chữa bệnh của các thày mo, thày pháp… Thay vì phải uống thuốc chữa bệnh theo toa bác sĩ, họ lại theo lời quỷ thần mách bảo để dâng lễ vật và uống tàn nhang, nước thải… Trong trường hợp này, khi con người càng tiến bộ về khoa học, thì những điều mê tín kia cũng bị sẽ bị đào thải.

- Trái lại, đức tin chân chính là chấp nhận chân lý cách sáng suốt, dựa trên những bằng chứng đáng tin như: dù mắt ta không nhìn thấy Thiên Chúa, nhưng khi nhìn xem vũ trụ mênh mông vô tận, với những trật tự lạ lùng hoàn hảo, hoặc khi nghiên cứu các bộ phận trong cơ thể con người, người ta sẽ trực giác nhận biết phải có một Đấng nào đó đã sáng tạo và an bài mọi sự. Đấng ấy được gọi là Thiên Chúa, Ông Trời hay Đấng Tạo Hoá…

b) Đức tin là điều hợp lý và cần thiết

- Đức tin hợp lý vì ngay trong đời sống thường ngày, con người muốn tiến bộ và sống an vui hạnh phúc cũng cần tin cậy lẫn nhau như: Chúng ta tin các kiến thức khoa học được dạy ở nhà trường là đúng, dù chúng ta chưa hề kiểm chứng. Ta tin tưởng giao chìa khoá nhà cho bà con hàng xóm giữ dùm khi ra khỏi nhà, để ngươi thân về trước có thể mở khoá vào nhà được… Thế thì tại sao một khi đã nhận biết có Thiên Chúa, ta lại không tin tưởng những lời Ngài mặc khải, nếu những điều ấy có bằng chứng đáng tin, phát xuất từ những nguồn gốc có giá trị mặc khải, có những phép lạ đi kèm, đồng thời rất nhiều lời tiên báo đã được ứng nghiệm trong lịch sử? Lời Chúa dù do nhiều tác giả viết ra trong nhiều thời điểm khác nhau, nhưng vẫn luôn đồng nhất trong toàn bộ giáo lý.

Đàng khác, đức tin chân chính không phải là mê tín, vì không phủ nhận vai trò tìm hiểu của trí khôn. Trí khôn là một tài năng đặc biệt của con người, có quyền điều tra tìm hiểu những bằng chứng thiết yếu, trước khi quyết định chấp nhận. Đức Giáo hoàng Piô IX đã viết: “Để tránh mọi lầm lạc lừa dối trong một vấn đề quá quan trọng như thế, lý trí con người phải điều tra rất cẩn thận xem sự việc Thiên Chúa mặc khải có thật không? Để biết chắc chắn rằng Thiên Chúa đã nói thực sự.” (Thông điệp Qui pluribus, 1846).

- Đức tin còn cần để đạt hạnh phúc vĩnh cửu: Đời sống con người không phải chỉ gồm các việc ăn uống, ngủ nghỉ, chời đùa… sinh ra rồi chết đi như một con vật tầm thường. Trái lại, con người chúng ta có giá trị trổi vượt vì có hồn thiêng bất tử. Chết không phải là hết, nhưng linh hồn con người sẽ tồn tại mãi, và con người sẽ lãnh nhận hậu quả là được hạnh phúc hay bị đau khổ do những việc đã làm khi còn sống. Chỉ những người biết mở lòng chấp nhận đức tin và trung thành thể hiện đức tin ấy trong cuộc sống thường ngày, mới hy vọng được ơn cứu độ như lời Đức Giêsu, “ai tin Ta sẽ được sống đời đời” (Ga 6,47); và ngược lại, “ai không tin thì đã bị luận phạt rồi” (Ga 3,18).

TÓM KẾT

Tuy khoa học ngày nay đã có những tiến bộ vượt bậc trong việc khám phá những sự kỳ diệu trong vũ trụ thiên nhiên và nơi con người. Nhưng sự tiến bộ mới chỉ ở lĩnh vực tìm hiểu và lai tạo bắt chước chứ không phải sáng tạo từ không ra có, không thay đổi được những trật tự kỳ diệu trong vũ trụ. Do đó, sự tiến bộ không phải là lý do để con người phủ nhận Thiên Chúa. Khoa học cũng không thể tự hào giải quyết được mọi vấn đề liên quan đến con người. Vì khoa học chỉ là sản phẩm của trí khôn con người. Đối tượng nghiên cứu của nó là vật chất hữu hình, có thể cân đo đong đếm và nhìn thấy được… thì làm sao có cao vọng lên tiếng trong những vấn đề ngòai lĩnh vực thực nghiệm của nó như: Thiên Chúa, linh hồn… Khoa học không thể phủ nhận đức tin chân chính, nhưng có vai trò thanh luyện đức tin, làm cho đức tin ngày một bền vững sáng tỏ hơn.

3) THẢO LUẬN

1) Theo bạn đức tin có phải là mê tín không? Tại sao?

2) Khoa học có giải đáp được mọi vấn nạn liên quan đến vũ trụ thiên nhiên và số phận của lòai người không? Tại sao?


B. PHÚT HỒI TÂM

1) LỜI CHÚA:
“Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, thanh không kể ra sự nghiệp tay Ngài.” (Tv 18,2)

2) LỜI CẦU 

Lạy Chúa, xin mở mắt con để nhìn xem những công trình kỳ diệu Chúa đã làm trong vũ trụ thiên nhiên và nơi bản thân mỗi người chúng con. Con cảm nghiệm thấy quyền năng của Chúa luôn hiện diện và tác động trong từng đường gân thớ thịt, từng góc cạnh sâu thẳm trong tâm hồn con. Xin cho con biết nghiên cứu về khoa học và tâm lý để thêm hiểu biết về những kỳ công Chúa đã làm vì yêu thương con. Nhờ đó, con thêm xác tín vào quyền năng và tình thương của Chúa, và biết dâng lời ngợi khen cảm tạ tình thương của Chúa như tác giả Thánh Vịnh đã viết: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa. Thanh không kể ra sự nghiệp tay Ngài.” (Tv 18,2). Amen.

II. VỀ SỰ ĐỐI LẬP GIỮA TÔN GIÁO VÀ KHOA HỌC: VỤ ÁN GALILEO GALILEI

VẤN ĐỀ 2:
Trong quá khứ, tôn giáo đã từng gây trở ngại rất nhiều cho khoa học như trong vụ án Galileo Galilei (1611-1741). Các nhà bác học vì sợ bị tôn giáo pháp đình kết án thiêu sinh, nên không dám đưa ra những lời giải đáp chân chính về nguồn gốc vũ trụ và con người khác với lời dạy bảo sai lạc của tôn giáo.

GIẢI ĐÁP:

A. TRÌNH BÀY

1) Thực tế có sự xung đột: Vụ Galileo Galilei

Chúng ta công nhận rằng: trong thời trung cổ, đã từng có sự xung dột giữa tôn giáo và khoa học, do lỗi của một số nhà lãnh đạo tôn giáo thời đó gây ra. Câu chuyện của nhà bác học Galileo Galilei là một bằng chứng:

Galileo là một nhà vật lý và thiên văn học ngưới Ý danh tiếng (1564-1642). Ông đã dùng thiên lý kính khám phá ra chân lý về vũ trụ như sau: Ngoài thái dương hệ ta đang sống, còn có hằng hà sa số những thái dương hệ khác nữa trong không gian mênh mông vô tận. Quả đất là nơi con người trú ẩn không phải là trung tâm của vũ trụ, mà cũng chỉ là một hành tinh bé nhỏ tầm thường xoay vần theo quỹ đạo của mặt trời. Chân lý ấy xem ra mâu thuẫn với quan niệm của người xưa cho rằng mặt trời xoay quanh trái đất, mà tác giả sách Sáng Thế Ký đã ghi lại và cho tới thời Trung Cổ vẫn còn được mọi người chấp nhận. Do đó, ý kiến của Galileo đã gây ra một sự xáo trộn, hoài nghi về tôn giáo. Trong khi chờ đợi thêm những bằng chứng xác thực và cũng vì muốn bảo vệ trật tự kỷ luật trong Giáo hội, nên Toà án Tôn giáo (Le Saint Office), một cơ quan có tính cách hành chính của Giáo hội thời đó đã vội vàng lên án Galileo cách bất công.

Thực ra, các nhà thần học và các viên chức Giáo hội vào thế kỷ 17, khi kết án Galileo, đã dựa trên những lời tường thuật trong Kinh Thánh được hiểu theo nghĩa đen, để cho rằng trái đất là trung tâm cố định và mặt trời xoay quanh trái đất. Đang khi tác giả Kinh thánh khi trình bày việc sáng tạo của Thiên Chúa, không nhằm dạy khoa học về sự hình thành của vũ trụ, mà chỉ dạy chân lý đức tin: “Trời đất này không phải tự nhiên mà có, nhưng đã do Thiên Chúa tạo thành từ hư không.” Nhưng vì nói trực tiếp với người đương thời, nên tác giả Kinh thánh đã diễn tả công việc sáng tạo của Thiên Chúa dựa trên những gì mắt thấy tai nghe phù hợp với quan niệm thô sơ của người xưa về vũ trụ, để giúp họ mở lòng đón nhận đức tin. Ngay trong thời đại văn minh khoa học hiện đại, thế mà trong câu chuyện thường ngày, chúng ta vẫn thường nói “mặt trời mọc, mặt trời lặn, bầu trời…”, thì chúng ta cũng dễ dàng hiểu được các kiểu trình bày của tác giả Kinh Thánh ngày xưa.

Như vậy, có thể nói rằng việc lên án ông Galileo chỉ là một biện pháp hành chính kỷ luật sai lầm nhất thời của một số viên chức toà án Giáo Hội thời đó. Điều này không đồng nghĩa với sự khẳng định đức tin của Giáo Hội. Vì thế, không thể dựa vào vụ án này để cho rằng Giáo hội Công giáo chống lại khoa học được. Ngay cả ông Galileo mặc dù bị kết án bất công vẫn trung thành với đức tin và không thấy điều gì mâu thuẫn giữa đức tin và khoa học cả. (Hiến chế Gaudium et Spes, số 37).

2) Khoa học và đức tin chân chính không mâu thuẫn mà còn bổ túc cho nhau

Trong quá khứ, có lẽ đây là trường hợp duy nhất kết án sai lầm của toà án Giáo hội. Ngày nay hầu như mọi người đều ý thức rằng: khoa học và đức tin cùng có mục đích tìm kiếm chân lý nhưng ở hai bình diện riêng, nên không những không xung đột mà còn bổ túc cho nhau nữa.

+ Không xung đột mâu thuẫn: Đức tin nhằm tìm ra ý nghĩa của mọi hiện tượng thiên nhiên để đạt tới nguyên nhân cuối cùng là Thiên Chúa, đang khi khoa học chỉ nhằm giải thích các hiện tượng thiên nhiên bằng những nguyên nhân kế cận mà thôi. Chẳng hạn: cũng một hiện tượng trời mưa, nhưng sẽ được trình bày cách khác nhau tuỳ theo đứng trên lập trường khoa học hay đức tin. Nhà bác học sẽ giải thích: mưa là một hiện tượng thiên nhiên, do những hạt bụi nước rất nhỏ trong không khí, khi gặp nhiệt độ thấp, sẽ kết tụ lại thành giọt nước lớn hơn rồi rơi xuống đất liên tục… Đang khi nhà thần học sẽ giải thích: mưa là một hiện tượng thiên nhiên nằm trong trật tự của vũ trụ, do Thiên Chúa đã an bài, để hễ cứ hội đủ điều kiện là có hiện tượng mưa.

Cả hai cách giải thích đều đúng, vì mỗi bên đứng trên một bình diện, nhìn theo lăng kính khác biệt. Nếu ở hai lĩnh vực khác nhau, thì không thể có sự mâu thuẫn hay xung đột nhau. Công việc của các nhà bác học là tìm hiểu vật chất qua 3 giai đoạn: quan sát sự kiện để xây dựng giả thuyết; kiểm chứng giả thuyết bằng cách thí nghiệm nhiều lần; chấp nhận giả thuyết và thiết lập định luật cơ bản để giải thích những trường hợp tương tự. Đang khi người có đức tin tiếp cận chân lý mà không phải vất vả nhiều. Hơn nữa chân lý đức tin phát xuất từ mặc khải của Thiên Chúa lại hoàn hảo, chắc chắn và vĩnh cửu, khác hẳn với kiến thức khoa học không mấy chắc chắn, dễ dàng sụp đổ với thời gian khi một phát minh mới hợp lý hơn xuất hiện (x. Hiến chế Gaudium et Spes, số 57).

+ Bổ túc cho nhau: Một nhà bác học có đức tin sẽ ít bị phân tâm về những vấn nạn liên can đến tinh thân con người, đang khi theo đuổi công việc khảo cứu khoa học của mình. Chẳng hạn: vũ trụ với những trật tự lạ lùng bởi đâu mà có? Tại sao con người lại xuất hiện trên trái đất? Chết có phải là hết?… Ngược lại, một tín hữu có sự hiểu biết khoa học thì đức tin của họ sẽ sáng suốt hơn, tránh được những mê tín, và chắc chắn sẽ làm vinh danh cho Thiên Chúa nhiều hơn.

TÓM LẠI

Người ta không được lạm dụng danh nghĩa đức tin để đàn áp khoa học và các nhà bác học cũng không thể dựa vào khoa học để phủ nhận đức tin chân chính của các tín hữu. Vì mỗi bên nhìn vấn đề một cách khác nhau. Khoa học và đức tin không những không mâu thuẫn mà còn bổ túc cho nhau.

Tuy vậy, vụ án Galileo Galilei 400 năm trước đến nay vẫn có giá trị như một lời cảnh báo về việc: các nhà bác học không nên dạy bảo Giáo hội về đức tin, và Giáo hội, khi tiếp xúc với những khám phá của khoa học, cũng phải rất mực cẩn trọng. Đó là lời tuyên bố của vị bộ trưởng Văn khố mật Toà Thánh Vatican, Đức Giám mục Sergio Pagano.

3) THẢO LUẬN

Bạn sẽ trả lời thế nào khi có người nêu ra vụ án Galileo từng bị kết án bất công để kết luận ai tin vào Kinh Thánh đêu là người mê tín và phản khoa học?

B. PHÚT HỒI TÂM

1) LỜI CHÚA: “Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả.” (1 Cr 13,7)

2) LỜI CẦU

Lạy Chúa. Xin cho mọi người chúng con dù đứng trên cương vị nào cũng biết tôn trọng đức tin của người khác và sống hòa hợp với mọi người dù khác biệt đức tin với mình. Xin cho chúng con biết thực hành lời Chúa trong thư Côrintô để sẵn sàng tha thứ lầm lỗi cho nhau, tin tưởng và chịu đựng lẫn nhau. Nhờ đó mọi người sẽ sống trong hoà bình và hạnh phúc theo thánh ý Chúa. Amen.

BÀI ĐỌC THÊM

VATICAN CITY (CNS) - Vụ án Galileo Galilei 400 năm trước và vụ Pháp đình Dị giáo (Inquisition) nay vẫn còn là một lời cảnh giác có giá trị về việc các nhà khoa học chẳng nên đảm nhiệm vai trò dạy bảo giáo hội về đức tin, và giáo hội, khi tiếp xúc với những khám phá của khoa học, phải rất mực cẩn trọng. Đó là lời tuyên bố của vị bộ trưởng Văn khố mật Toà Thánh Vatican, Đức Giám mục Sergio Pagano.

Trong buổi trình bày một bộ sưu tập đã được cập nhật và mở rộng các tài liệu của Toà Thánh liên quan đến phiên toà xử Galileo vì lạc giáo, Đức Giám mục Pagano nói rằng trường hợp đã xảy ra này dạy cho người Kitô hữu phải tuyệt đối cẩn trọng khi dùng Kinh Thánh để đưa ra những phán đoán về khoa học. Ngài nói: Người Công giáo phải cẩn thận “đừng để phạm phải những lầm lỗi như chúng ta đã phạm lúc đó” khi áp dụng các văn bản Kinh Thánh theo nghĩa đen vào các vấn đề khoa học. Chẳng hạn, “tôi liên tưởng đến tế bào gốc, về thuyết ưu sinh (eugenics), về các vấn đề nghiên cứu khoa học trong vũ trụ này, đôi khi tôi có cảm tưởng rằng chúng bị lên án với cùng những định kiến ngày trước người ta dùng” để kết tội Galileo vào năm 1633 khi ông bảo vệ lý thuyết của Copernic như một sự kiện có thật, cho rằng trái đất quay xung quanh mặt trời. Ngài nói: “Chúng ta phải học hỏi thêm, phải khôn ngoan hơn, phải cân nhắc các sự kiện và phải rất chú tâm để cho Kinh Thánh - là gia tài không khiếm khuyết và không thể sai lầm trong phạm vi mạc khải thần thiêng - được giải thích một cách chính xác.”

Liền sau buổi họp báo với những lời phát biểu như trên, Đức Giám mục Pagano công bố một bản tuyên bố minh xác ngắn. Bản tuyên bố nói: “Vụ Galileo dạy khoa học đừng giữ vai trò dạy bảo Giáo hội về những vấn đề đức tin cũng như Kinh Thánh, và đồng thời cũng dạy Giáo hội phải tiếp cận các vấn đề khoa học với rất nhiều khiêm tốn và cẩn trọng - có lẽ ngay cả với những người liên hệ đến việc nghiên cứu rất hiện đại về các tế bào gốc ngày nay chẳng hạn.”

Trong buổi họp báo, Đức Giám mục Pagano nói rằng thực ra Galileo đã cố thuyết phục các nhà thần học đọc Kinh Thánh theo “đường lối Công giáo”, đừng vụ nguyên văn từng chữ, chỉ trong một hoặc hai đoạn văn, chẳng hạn như Thánh vịnh 19,6 ngụ ý nói rằng trái đất đứng nguyên trong khi mặt trời chuyển động trên bầu trời. Hồi tháng 10 năm 1992, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã chính thức công nhận rằng Giáo hội đã lầm khi kết án Galileo, mặc dầu lý thuyết mà ông giảng dạy như một sự kiện thực tế mãi 100 năm sau mới được chứng minh.

Khi công nhận sai lầm của Giáo hội, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói rằng các nhà thần học và các vị chức sắc giáo hội vào thế kỷ 17, khi xét đoán Galileo, đã dựa trên một lời giải thích theo nghĩa đen những lời trong Kinh Thánh khẳng định rằng trái đất là trung tâm cố định của vũ trụ.

Đức Giám mục Pagano nói rằng giả như Galileo đã ngừng lại ở điểm cho rằng sự chuyển động của trái đất xung quanh mặt trời chỉ mới là một giả thuyết, thì có lẽ ông đã không bị kết án.

Ngài nói: Nhưng các viên chức Giáo hội lúc đó cũng có những lý do xác đáng để nghi ngờ Galileo và những lời khẳng định của ông, bởi vì những điều đó mâu thuẫn với giảng huấn của Kinh Thánh và cũng bởi coi ông như một nhà khoa học cố dạy bảo Giáo hội một điều Giáo hội phải tin, “điều đó ngày này quý vị vẫn còn thấy”.

Những người kết tội Galileo lúc đó cũng “chẳng phải là những kẻ ngu đần”, họ thấy mặt trời mọc, mặt trời lặn, và Galileo đã không chứng minh rằng không có chuyện đó.

“Ngày nay, vào năm 2009 này, chúng ta có các vệ tinh trên đầu. Chúng ta có thể nhận diện mọi sự vật. Chúng ta có thể thấy được trái đất trong mọi khoảnh khắc thực tại của nó. Chúng ta thấy được mặt trời. Chúng ta đã chụp hình được hoả tinh. Chúng ta đã đặt chân lên mặt trăng. Vì thế mà chúng ta biết được thực tại khoa học.”

Nhưng nếu quý vị đọc báo chí hoặc nghe đài phát thanh hằng ngày, quý vị thấy nói rằng vào giờ nào đó “mặt trời mọc”, vào giờ nào đó “mặt trời lặn”. Mà tất cả chúng ta đều biết mặt trời đâu có mọc, đâu có lặn, nhưng mọi người đều nói thế cả”. Cuốn sách Đức Giám mục Pagano biên tập và trình bày nhan đề “Các tài liệu của Toà Thánh từ vụ án Galileo 1611-1741”, được nhật tu từ một bản ấn hành năm 1984. Sách gồm 20 tài liệu được phát hiện trong thời gian 25 năm qua.

Đức Giám mục cho biết hầu hết các tài liệu mới này đến từ văn khố của Thánh Bộ Giáo lý Đức tin, và gồm có những lá thư của Toà Thánh không cho phép người Công giáo, kể cả hàng giáo sĩ, được đọc và nghiên cứu các văn phẩm của Galileo.

III. VỀ SỐ LƯỢNG NGƯỜI CÓ TÔN GIÁO

VẤN ĐỀ 3: Chỉ những người ngu dốt mới tin có Thiên Chúa, còn những ai có kiến thức đều vô thần.

GIẢI ĐÁP:

A. TRÌNH BÀY


1) Một số người nại vào khoa học để phủ nhận tôn giáo: Theo họ: “Tôn giáo bắt nguồn từ sự dốt nát của con người. Ngày xưa, vì thiếu hiểu biết, nên con người cảm thấy nhỏ bé tầm thường. Họ luôn cảm thấy sợ hãi trước những hiện tượng trong thiên nhiên như sấm chớp, bão táp, cháy rừng, động đất... và coi chúng như các thần minh quyền năng, mà muốn được yên thân, người ta phải thờ phượng, lễ bái, cúng kiến… Đó là nguồn gốc phát sinh ra tôn giáo thời sơ khai. Nhưng từ khi khoa học tiến bộ, khi trí óc con người được mở mang, thì những ý niệm về các vị thần minh nói trên cũng dần dần tan biến. Đến nay chỉ có những người ngu dốt mới tin Thiên Chúa, còn những ai có chút kiến thức đều vô thần.”

2) Chúng ta có thể đồng quan điểm phần nào với lập trường nói trên: khi nói về những tôn giáo tự nhiên đa thần, là những tôn giáo do trí khôn con người thời sơ khai tưởng tượng ra, lệ thuộc vào sự hiểu biết nông cạn của con người lúc đó. Dần dần, khi khoa học tiến bộ, lòai người đã giải thích được các hiện tượng trong thiên nhiên như mưa bão sấm chớp…, thì những sự mê tín dị đoan cũng không còn lý do tồn tại.

Trái lại, những tôn giáo độc thần, đặc biệt là Kitô giáo lại là các tôn giáo của con người văn minh: Càng có kiến thức cao, con người càng tin có Đấng Tạo Hóa là căn nguyên của mọi vật hiện hữu trong vũ trụ. Ngày nay, tuy con người đã đạt được trình độ văn minh kỹ thuật khá cao, thế mà đại đa số nhân loại, trong đó có các nhà bác học đều có niềm tin tôn giáo, chỉ có một thiểu số không tin mà thôi:

3) Theo Bách khoa toàn thư mở (Wikipedia) thì niềm tin và thực tiễn tôn giáo vô cùng đa dạng và có rất nhiều tôn giáo trên thế giới ngày nay, có tôn giáo chỉ hạn chế trong một vùng địa lý không lớn nhưng có những tôn giáo có thể gọi là tôn giáo thế giới với nhiều triệu tín đồ ở khắp nơi trên thế giới. Nói chung có khoảng 87% dân số thế giới đang gắn bó với một tôn giáo nào đó; chỉ có khoảng 13% là không tôn giáo.

Ngoài ra, ngay các khoa học gia, những bộ óc thông minh nhất của nhân loại cũng chấp nhận có Thiên Chúa với một tỷ lệ rất lớn.

4) A. EYMIEU đã công bố một bảng thống kê bất ngờ về đức tin của 432 nhà khoa học thuộc thế kỷ 19 như sau:

- 34 người không rõ lập trường tôn giáo.

- Còn lại 398 vị thì 15 dửng dưng với tôn giáo hay thuộc phái bất - khả - tri (Chủ trương không thể dùng trí khôn nhận biết có Thiên chúa hay không).

- 16 vị công khai vô thần.

- Còn 367 vị tin có Thiên Chúa cách rõ rệt chiếm tỷ lệ 92%.

Hơn nữa, những vị có tín ngưỡng lại là những nhà bác học thời danh như: Ampère, Pasteur, Volta, Copernic, Newton, Edison, Galilê, Lavoisier, Marconi...

5) Trên trang web điện từ Vnexpress.net có đăng bài của T. An viết dựa theo tài liệu “Live Science” về niềm tin của các nhà khoa học hiện đại cho thấy đại đa số các nha khoa học đều tin có Thiên Chúa như sau:

- “Khoảng 2/3 các nhà nghiên cứu tin vào Đấng Tối Cao”. Một cuộc khảo sát mới đây cho thấy sự khác biệt sâu sắc giữa họ phụ thuộc vào lĩnh vực mà họ đang theo đuổi: Những người làm trong ngành “khoa học xã hội” có xu hướng tin vào Chúa và tham dự các hoạt động tôn giáo nhiều hơn so với các học giả trong lĩnh vực “khoa học tự nhiên”.

- Chỉ có gần 38% các nhà khoa học tự nhiên (những người liên quan đến bộ môn vật lý, hoá học và sinh học) và 31% những người nghiên cứu xã hội cho biết họ không tin vào Thiên Chúa.

- Trong cuộc khảo sát, nhà xã hội học ELAINE HOWARD ECKLUND từ Đại học Rice đã tìm hiểu 1.646 thành viên tại các trường đại học chuyên nghiên cứu, đưa ra 36 câu hỏi về niềm tin và các hoạt động tinh thần. Ecklund nói: "Dựa trên các nghiên cứu trước đây, chúng tôi tưởng rằng các nhà khoa học xã hội sẽ ít thực hành tôn giáo hơn các nhà khoa học tự nhiên, nhưng dữ liệu thu được lại cho kết quả ngược lại", Một số kết quả nổi bật như sau: 41% các nhà sinh học không tin có Chúa, trong khi con số này chỉ là 27% ở các nhà khoa học chính trị. Trong một công trình độc lập tại Đại học Chicago, công bố tháng 6 vừa qua, 76% các bác sĩ nói họ tin vào Chúa, và 59% tin vào sự tồn tại của thế giới bên kia. Ecklund nói: "Giờ đây chúng ta phải tìm hiểu nguồn gốc của những khác biệt này… Nhiều nhà khoa học xem mình là người duy tâm lại không gắn với một tôn giáo cụ thể nào cả và không tin vào Thiên Chúa". Hiện nay Ecklund và cộng sự viên đang tiếp tục thực hiện những cuộc điều tra dài hơi hơn để tìm hiểu nguyên nhân của điều này.

KẾT LUẬN

Vậy có thể nói ngược lại: Hầu hết nhân loại thuộc đủ mọi thời đại, mọi dân tộc, mọi nền văn minh đều tin có Thiên Chúa là Đấng Tạo Hoá, dựa vào một nguyên lý căn bản là nguyên lý nhân quả, “có hậu quả tất phải có nguyên nhân”. Tuy nhiên, Đấng Tạo Hoá đã được quan niệm một cách khác nhau tuỳ theo trình độ văn minh cao thấp. Ngày xưa, vì dốt nát, nên người ta đã quan niệm sai lạc về Thiên Chúa, nhưng dần dần với kiến thức mở mang, những ý niệm đa thần đã được thay thế bằng một vị Thiên Chúa là căn nguyên của mọi hiện tượng trong vũ trụ. Chỉ có một thiểu số do tự cao, hoặc chịu ảnh hưởng của nền giáo dục vô tôn giáo... mới phủ nhận Ngài mà thôi.

Một nhà nhân chủng học trứ danh của thời đại chúng ta đã viết trong cuốn “loài người” của ông như sau: “Tôi chỉ gặp thấy tình trạng vô thần ở cá nhân, và chỉ là trường hợp đặc biệt. Khắp mọi nơi, luôn luôn đại đa số đều tin tưởng. Không một chủng tộc nào trong các đại chủng mà vô thần. Và cũng không có một nhóm nào quan trọng một chút trong các chủng tộc nhân loại mà vô thần.”

THẢO LUẬN

Phải chăng chỉ một thiếu số người tin vào Thiên Chúa và gia nhập vào một tôn giáo, trong khi đại đa số nhân loại đều vô thần?

B. PHÚT HỒI TÂM

1) LỜI CHÚA:
Thánh Phaolô viết: “Từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người. Do đó họ không thẻ tự bào chữa được. Vì tuy biết Thiên Chúa, họ đã không tôn vinh hay cảm tạ Người cho phải đạo. Trái lại, đầu óc họ suy luận viển vông và tâm trí ngu si của họ hóa ra mê muội. Họ khoe mình khôn ngoan, nhưng đã trở nên điên rồ.” (Rm 1,20-23).

2) LỜI CẦU

Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, chúng con xin tạ ơn Cha vì Cha đã dựng nên muôn loài muôn vật để chúng con hưởng dùng, Cha đã dựng nên vũ trụ thiên nhiên để chúng con có nhà để sống, có nơi để làm việc, có cảnh đẹp để chiêm ngưỡng… Xin cho chúng con mổi khi nhìn vào vũ trụ thiên nhiên biết nhận ra bàn tay Cha đã tác tạo nên chúng, tin vào tình thương của Cha, tạ ơn Cha và phó thác cuộc sống hiện tại và tương lai trong sự quan phòng của Cha. Chúng con cầu xin Cha nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

BÀI ĐỌC THÊM

CUỘC TRANH LUẬN THÚ VỊ VỀ THIÊN CHÚA có một không hai của EINSTEIN - Nhà Khoa học vĩ đại nhất của mọi thời đại đã được ghi lại như sau:

Giáo sư: Con trai là một người tin có Thiên Chúa phải không?

Sinh viên: Dạ đúng, thưa giáo sư.

Giáo sư: Vậy con có thực sự tin vào Chúa không?

Sinh viên: Tất nhiên rồi thưa giáo sư.

Giáo sư: Chúa tốt lành chứ?

Sinh viên: Chắc chắn là như vậy.

Giáo sư: Chúa có toàn quyền không?

Sinh viên: Dạ có.

Giáo sư: Anh trai tôi chết vì ung thư mặc dù anh ấy đã nhiều lần tha thiết cầu xin Chúa chữa cho anh ấy được lành bệnh. Mọi người chúng ta ai cũng sẵn sàng giúp đỡ người khác khi có thể. Còn Chúa đã không làm như vậy! Vậy cậu hãy nói xem: Chúa tốt lành ở chỗ nào?

(Sinh viên im lặng)

Giáo sư: Cậu không thể trả lời được phải không? Vậy chúng ta hãy bắt đầu lại với câu hỏi: Chúa có tốt lành không nhé?

Sinh viên: Dạ vâng.

Giáo sư: Quỷ Satan có tốt lành không?

Sinh viên: Không.

Giáo sư: Thế Quỷ Satan do đâu mà có?

Sinh viên: Dạ, từ … Thiên Chúa mà ra…

Giáo sư: Đúng rồi. Con trai hãy nói cho ta biết, tội ác có tồn tại trên thế giới này không?

Sinh viên: Dạ có.

Giáo sư: Tội ác ở khắp nơi phải không? Và Chúa tạo nên tất cả mọi thứ đó, đúng không?

Sinh viên: Đúng!

Giáo sư: Vậy ai tạo ra tội ác?

(Sinh viên không trả lời)

Giáo sư: Vậy còn bệnh tật? Sự đồi bại? Lòng thù hận? Sự xấu xa?... Tất cả những thứ kinh khủng đó vẫn luôn tồn tại trên thế giới phải không?

Sinh viên: Dạ đúng, thưa giáo sư.

Giáo sư: Vậy, ai đã tạo nên chúng?

(Sinh viên không trả lời)

Giáo sư: Khoa học nói rằng chúng ta có 5 giác quan để nhận định và quan sát thế giới chung quanh chúng ta. Vậy hãy nói cho ta biết, mắt con đã từng thấy Chúa chưa?

Sinh viên: Dạ chưa.

Giáo sư: Nói cho ta biết tai con đã từng nghe thấy lời Chúa nói chưa?

Sinh viên: Chưa, thưa giáo sư.

Giáo sư: Con đã từng cảm nhận thấy Chúa hiện hữu, nếm được vị của Chúa, ngửi được mùi của Chúa chưa? Con đã từng nhận thức được Chúa bằng bất cứ giác quan nào chưa con trai?

Sinh viên: Chưa, thưa giáo sư. Con e là chưa cảm nhận được Chúa bằng bất cứ giác quan nào.

Giáo sư: Vậy cậu còn tin vào Chúa không?

Sinh viên: Dạ có.

Giáo sư: Theo kinh nghiệm, bằng sự thực nghiệm, bằng những phương pháp chứng minh khác, khoa học nói rằng: Chúa không hề tồn tại. Con nói về điều này thế nào hả con trai?

Sinh viên: Không gì cả. Con chỉ có niềm tin vào Thiên Chúa mà thôi.

Giáo sư: Đúng rồi, đức tin. Và đó là vấn đề mà khoa học gặp phải.

Sinh viên: Thưa giáo sư, có tồn tại một thứ gọi là “nóng” không?

Giáo sư: Có!

Sinh viên: Và có tồn tại thứ gọi là “lạnh” không?

Giáo sư: Có!

Sinh viên: Không có, thưa giáo sư. “Lạnh” không hề có.

(Giảng đường bỗng trở nên im lặng với câu trả lời bất ngờ của cậu sinh viên)

Sinh viên: Thưa giáo sư, giáo sư có thể có rất nhiều thứ gọi là nóng, nóng hơn, siêu nóng, cực kỳ nóng, nhiệt độ nóng trắng... Nhưng chúng ta không có bất cứ thứ gì gọi là lạnh cả. Chúng ta có thể đạt đến nhiệt độ dưới 0 đến âm 458 độ, nhưng chúng ta không thể đạt đến mức thấp hơn con số đó. Không có bất cứ thứ gì gọi là lạnh, lạnh là một từ ngữ chúng ta dùng để mô tả sự vắng mặt của nóng. Chúng ta không thể đo lường được lạnh, độ lạnh đến đâu? Nóng là một loại năng lượng, và lạnh không phải là mặt trái của nóng, thưa giáo sư: Lạnh chỉ là sự vắng mặt của nóng mà thôi.

(Giảng đường thinh lặng với những giải thích của cậu sinh viên)

Sinh viên: Còn về bóng tối thì sao, thưa giáo sư? Có thứ gì để gọi là “bóng tối” không?

Giáo sư: Có. Đêm tối là gì, nếu nó không phải là bóng tối?

Sinh viên: Giáo sư lại sai nữa rồi. Bóng tối là sự thiếu vắng của một thứ khác là ánh sáng. Giáo sư có thể có được ánh sáng yếu, ánh sáng trung bình, ánh sáng mạnh, ánh sáng chớp. Nhưng nếu không có ánh sáng thường xuyên, giáo sư sẽ không có cái gì gọi là “bóng tối”. Trong thực tế, không có bóng tối, nếu có, giáo sư có thể làm cho bóng tối trở nên tối hơn không, thưa giáo sư?

Giáo sư: Vậy vấn đề mà con đang muốn đề cập ở đây là gì, chàng thanh niên trẻ tuổi?

Sinh viên: Thưa giáo sư, điều mà con muốn nói đây là tiền đề triết học của giáo sư có chỗ sai sót.

Giáo sư: Sai sót? Cậu có thể giải thích rõ hơn không?

Sinh viên: Thưa giáo sư, giáo sư đang giải thích trên tiền đề của sự đối ngẫu 2 mặt. Giáo sư chỉ rõ rằng có sự sống và có cái chết, có Chúa tốt và Chúa xấu. Giáo sư đang nhìn vào khái niệm về Thiên Chúa chỉ như một vật thể hữu hạn, bằng một cái gì đó có thể đo lường được, thưa giáo sư. Khoa học thậm chí không thể giải thích về cách thức con người suy nghĩ như thế nào. Có thể là dùng những tín hiệu về xung điện và từ ngữ gì đó, nhưng chúng ta không bao giờ xem thấy được. Tuy nhiên, bằng cách nào đó chúng ta vẫn có thể hiểu được về người khác. Nếu chúng ta xem xét về cái chết là đối lập với sự sống, nghĩa là đang phớt lờ đi sự thật rằng cái chết không hề tồn tại như một thứ gì đó. Sự chết không phải là sự đối lập của sự sống, mà chính là sự vắng mặt của sự sống. Điều này giải thích rằng: bệnh tật, tội ác, tất cả những thứ kinh khủng trên thế giới này đều không hề tồn tại như những vật thể, mà là vì thiếu vắng tình yêu của một Đấng Tối Cao nào đó.

Bây giờ giáo sư hãy nói cho con biết, giáo sư có dạy cho sinh viên rằng họ tiến hoá như bây giờ là từ loài khỉ không?

Giáo sư: Nếu như cậu đang đề cập về quá trình tiến hoá tự nhiên thì dĩ nhiên là có.

Sinh viên: Đã bao giờ giáo sư quan sát, nhìn thấy quá trình tiến hoá bằng mắt thường chưa, thưa giáo sư?

(Giáo sư lắc đầu và cười, bắt đầu nhận ra rằng vấn đề của cuộc tranh luận đang đi về đâu)

Sinh viên: Bởi vì không ai có thể quan sát được quá trình tiến hoá trong công việc và càng không thể chứng minh rằng quá trình này là một quá trình đang diễn ra. Vì thế, thưa giáo sư, giáo sư đã chẳng dạy cho sinh viên bằng quan điểm cá nhân của giáo sư đó sao? Như vậy giáo sư đang là một nhà khoa học hay chỉ là một nhà thuyết giáo suông?

(Lớp học bỗng trở nên ồn ào)

Sinh viên: Có ai trong lớp học này đã từng nhìn thấy bộ não của giáo sư chưa?

(Lớp học ồ lên những tiếng cười lớn)

Sinh viên: Có ai đó đã từng nghe nói về bộ não của giáo sư, cảm nhận được vị của bộ não đó, chạm được vào nó, hoặc ngửi được mùi của nó chưa? Không ai có mặt ở đây đã làm điều đó cả. Vì thế, theo quy luật được thiết lập bởi kinh nghiệm, sự thử nghiệm, các phương pháp chứng minh khoa học, con có thể quả quyết giáo sư không có bộ não. Như vậy, nếu chỉ có lòng kính trọng mà thôi, thì làm sao chúng con có thể tin những gì giáo sư giảng dạy được, thưa giáo sư?

(Căn phòng im lặng. Giáo sư nhìn chằm vào cậu sinh viên, không đoán được cậu ấy đang nghĩ gì)

Giáo sư: Tôi nghĩ là cậu hãy cứ để những thứ cậu nói đó cho niềm tin, con trai ạ.

Sinh viên: Đúng vậy, thưa giáo sư… Cũng vậy, sự kết nối giữa con người với Thiên Chúa chính là Niềm Tin. Tất cả những điều đó giữ cho mọi thứ vẫn tiếp tục sống, tiếp tục tồn tại và phát triển.

Cậu sinh viên trong câu chuyện trên đây không ai khác hơn là EINSTEIN - Nhà Khoa học được bình chọn là vĩ đại nhất của mọi thời đại đấy các bạn ạ.

(Nguồn: Internet)

Lm. Đan Vinh
Ghi lại phản hồi, xin nhấn vào »  Nhập ý kiến của bạn:
Ý kiến - nhận xét của bạn về bài:

Đối thoại những vấn đề khoa học và đức tin - Chương 1

Tên:
Email:
Ý kiến - nhận xét - Comments:

  (hoặc nhấn phím ESC hoặc nhấn vào khung nền)

Chưa có ý kiến   Pending (3)
TIN - BÀI KHÁC   735 tin bài trong TÀI LIỆU
  Bộ Giáo lý Đức tin và các cuộc “hiện ra” | Vatican News
  Có thể lưu giữ tro cốt người quá cố ở đâu? Câu trả lời của Bộ Giáo lý Đức tin | Vatican News
  Tóm tắt Tông huấn mới của ĐTC về Thánh Têrêsa Hài Đồng "Chính sự tin tưởng" | Vatican News
  Kinh nguyện chính thức của Ngày Thế giới Ông bà và Người Cao tuổi lần thứ nhất | Vatican News
  Lịch sử thành hình Công giáo nghi lễ Chanđê và Công giáo nghi lễ Syriac
  Toàn văn bài diễn văn của Đức Giáo hoàng tại Nhà thờ Đức Mẹ Cứu Rỗi ở Baghdad | Cao Nguyên
  Diễn từ của ĐTC trước Chính quyền Dân sự và Ngoại giao đoàn tại Iraq | TT
  Phải dạy Giáo lý theo Công đồng Vatican II | Vũ Văn An
  Hướng đi tổng quát và các sáng kiến trong Năm “Gia đình Amoris Laetitia”
  Hướng dẫn của Bộ Phụng tự cử hành ngày Chúa Nhật Lời Chúa | Hồng Thuỷ
  Kinh nguyện Gia đình |
  Giới thiệu vài trang đầu Tông huấn Amoris Laetitia - Niềm vui của Tình yêu | VP. HĐGM Việt Nam
  Tài liệu dành cho Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu năm 2016 |
  Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc
  Đối thoại những vấn đề khoa học và đức tin - Chương 6 | Lm. Đan Vinh
  Đối thoại những vấn đề khoa học và đức tin - Chương 5 | Lm. Đan Vinh
  Đối thoại những vấn đề khoa học và đức tin - Chương 4 | Lm. Đan Vinh
  Đối thoại những vấn đề khoa học và đức tin - Chương 3 | Lm. Đan Vinh
  Đối thoại những vấn đề khoa học và đức tin - Chương 2 | Lm. Đan Vinh
  Đối thoại những vấn đề khoa học và đức tin - Giới thiệu | Lm. Đan Vinh
Tìm kiếm trong phần Tin - Bài này
 [Tìm tên bài, tên tác giả, nội dung...]
Ngày 22 tháng 10 năm Giáp Thìn
Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 11-2024
Cầu nguyện cho những người đã mất con
Chúng ta hãy cầu nguyện để tất cả những người cha mẹ phải than khóc vì cái chết của người con trai hay con gái, tìm thấy sự nâng đỡ của cộng đoàn và nhận được từ Thánh Thần an ủi sự bình an trong tâm hồn.
For those who have lost a child
The prayer intention for the month of November is for “all parents who mourn the loss of a son or daughter.”
SUY NIỆM TIN MỪNG

Phim - Nhạc - Suy niệm
Xem chuyên mục Media Online
Từ Điển Online:     

Truyền Tin

Email: tt.march25@gmail.com

Website: truyen-tin.net

Online since: May 2010

Tìm kiếm nội dung
(Gõ từ khóa vào vào khung dưới đây)
Tìm kiếm trong Google
Nhấn vào >> Google Search

Liên hệ

Đặt làm trang chủ

@