Phần III: ĐỜI SỐNG MỚI TRONG ĐỨC KITÔ
Bài 22. CÔNG ÍCH
Ai cũng mong hạnh phúc, ai cũng cố vươn đến “sự tự thể hiện”, nghĩa là phát triển đời sống, hoàn thành những ước vọng riêng của mình. Vậy làm thế nào để những ước muốn này hòa hợp với những đòi hỏi của cộng đồng? Thật vậy, không chỉ có những ích lợi của mỗi cá nhân nhưng còn phải nghĩ đến ích lợi của cộng đồng. Làm cách nào để hai thứ ích lợi này hòa với nhau? Phải chăng ích lợi của cộng đồng chỉ đạt được khi mỗi cá nhân bị bó buộc (bằng pháp luật và sự kiểm soát) phải bỏ lối sống cá nhân? Hoặc phải chăng sẽ có sự quân bình giữa cá nhân và cộng đồng khi người ta cố gắng đem lại thiện ích lớn nhất có thể cho số đông trong xã hội?
Thế nhưng hạnh phúc là gì? Hạnh phúc hệ tại điều gì? Và công ích, ích lợi của cộng đồng là gì? Tầm nhìn Kitô giáo về điều này giống như đường biểu diễn với hai cứ điểm.
Cứ điểm thứ nhất là xác quyết dựa trên Mặc khải rằng con người có phẩm giá siêu việt, vì con người được Thiên Chúa tạo dựng theo hình ảnh Ngài, hướng đến Thiên Chúa và hạnh phúc vĩnh cửu trong sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa. Tất cả mọi sự khác phải được sắp xếp để hướng đến mục đích tối hậu và cao cả nhất này.
Tuy nhiên, không thể thực hiện mục đích này cách cá nhân và ích kỷ. Chính Thiên Chúa, trong mầu nhiệm khôn dò của Ngài, cũng là một “cộng đồng” các Ngôi Vị. Không ai trong chúng ta đạt tới mục tiêu này một mình. Điều này hiển nhiên là đúng trong thực tại đời sống trần thế, và còn đúng hơn khi nói đến mục đích siêu nhiên là đời sống vĩnh cửu.
Chính vì thế ích lợi của cá nhân và ích lợi của cộng đồng xoắn xuýt lấy nhau. Sự phong phú cá nhân có thể đạt được cách dễ dàng và đầy đủ hơn khi có những điều kiện xã hội đúng đắn (số 1906). Có 3 yếu tố chủ yếu làm nên công ích:
Một là sự tôn trọng vô điều kiện đối với nhân vị: Cho đến ngày nay, chưa từng có một chế độ nào khinh bỉ con người (hoặc chỉ khinh bỉ một nhóm người) mà có thể đem lại công ích về lâu về dài. Tôn trọng nhân vị là điều tối cần thiết; chỉ có xã hội nào xây nền trên nguyên lý này mới có thể phát triển thật sự (số 1907).
Hai là thiện ích của cộng đồng: Kiến tạo sự quân bình giữa ích lợi của các cá nhân và ích lợi của các nhóm là đòi hỏi tiên quyết cho một xã hội, trong đó mọi người đều có thể có được những nhu cầu thiết yếu của đời sống (số 1908).
Ba là hoà bình, nghĩa là “sự vững chắc và an toàn của một trật tự chính đáng” (số 1909). Thông thường người ta chỉ nhận ra giá trị cao quý của tự do khi bị mất đi.
Như thế, chúng ta hiểu được tại sao Thánh Tôma Aquinô mô tả công ích như thiện ích cao quý nhất cho các cá nhân cũng như cộng đồng. Do đó, sử dụng mọi nguồn lực có thể để phục vụ ích chung là bổn phận cao cả. Cũng vì thế chúng ta phải trân trọng và cảm ơn tất cả những ai đang phục vụ công ích.
ĐHY Christoph Schönborn