Bài 26. CÔNG TRẠNG
Trong bài trước, chúng ta đã nói ngày nay người ta cảm thấy khó hiểu khi nghe đến từ “ân sủng”. Số phận của từ “công trạng” còn tệ hơn! Dù có khó khăn trong hiểu biết như thế, vẫn không nên bỏ qua. Hình như ngày nay chúng ta quá ngần ngại khi sử dụng ngôn ngữ tôn giáo. Nhìn kỹ lại thì thấy hầu hết những từ ngữ căn bản trong đời sống đức tin đều có gốc trong ngôn ngữ đời thường và người ta hiểu được. Trong các dụ ngôn, Chúa Giêsu thường xuyên nhắc đến những thực tại trần thế để giúp người ta hiểu về những thực tại của Nước Trời.
Chúa Giêsu thường hứa ban “phần thưởng trên Thiên đàng”: “Phúc cho anh em khi người ta nói xấu và bách hại anh em vì Thầy… vì phần thưởng của anh em trên trời thật lớn lao.” (Mt 5,11-12). “Hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không thể đục khoét và trộm cắp không thể đột nhập và lấy đi. Vì kho tàng của anh em ở đâu thì lòng anh em cũng ở đó.” (Mt 6,20-21).
Công trạng và phần thưởng: đây là những chuyện rất bình thường trong cuộc sống. “Thợ đáng được trả công” (Lc 10,7); nếu ai đó làm một việc đáng công, chúng ta nợ người đó một phần thưởng. Nếu công trạng không được vinh danh thì không những đó là điều vô ơn mà còn là sự bất công (GLHTCG số 2006). Nhận xét này không chỉ đúng trong lãnh vực vật chất mà cả cho công việc thiêng liêng nữa. Khi chúng ta nói đến “những người có công lớn”, ta hiểu đó là những người đã tận tụy phục vụ, hi sinh cho người khác, cho công ích. Chắc chắn cũng có những điều gọi là “tích trữ công trạng” trong đời này, vì thế Chúa Giêsu mới chỉ cho chúng ta thấy điều quan trọng không phải là được tưởng thưởng bởi người đời: Hãy làm việc bố thí cách kín đáo “và Cha ngươi, Đấng ngự nơi bí ẩn, sẽ trả công cho ngươi” (Mt 6,4).
Vậy phải chăng Thiên Chúa mắc nợ chúng ta khi ta làm điều lành? Lại chẳng phải là trước mặt Chúa, chẳng có gì đáng gọi là công trạng sao? Chẳng phải là mọi ân sủng đều là quà tặng cho không sao (số 2007)? Cũng như đối với mọi vấn đề đức tin, kinh nghiệm giúp chúng ta hiểu được vấn đề ở đây. Các thánh nhìn những việc tốt lành, những điều được gọi là “công trạng” trước hết là ơn Chúa chứ không phải nỗ lực riêng của các ngài. Các thánh ý thức rõ ràng các ngài đến trước mặt Chúa “với hai bàn tay trắng” (Thánh Têrêxa Hài Đồng). Tất cả những gì các ngài có và làm được đều là công trình của Thiên Chúa (số 2011).
Tuy nhiên, đặc điểm của ân sủng là làm cho chúng ta mạnh sức để cộng tác vào công trình của Chúa. Đức Kitô đã làm cho chúng ta nên bạn hữu của Ngài. Ngài trao cho chúng ta những gì Ngài đã đón nhận từ Chúa Cha. Do đó chúng ta trở nên những người “đồng thừa tự” với Đức Kitô và có thể có được “công trạng” cùng với Ngài, trong Ngài, nhờ Ngài (số 2009). Bởi lẽ chúng ta đón nhận mọi sự từ Ngài, nên những công trạng của chúng ta vẫn là công trình của ân sủng.
Những nhận xét này giúp cho chúng ta dễ hiểu hơn giáo huấn và thực hành của Giáo hội về Ân xá (số 1471-1479). Đây là điều dễ bị hiểu lầm. Vì không ai chỉ sống cho mình, nên công trạng và ân sủng nơi một linh hồn cũng luôn luôn là phúc lành cho những người khác trong sự hiệp thông các thánh. “Trong sự trao đổi kỳ diệu này, sự thánh thiện của một người sinh lợi cho những người khác, vượt xa sự thiệt hại mà tội lỗi của một người có thể gây ra cho những người khác” (số 1475). “Ân xá” có nghĩa là những công trạng của Đức Kitô và các thánh của Ngài được ban cho chúng ta, những người đang sống hay đã chết, chữa lành những thương tích tội lỗi trong chúng ta. Hãy quan tâm hơn nữa đến sự liên đới này, cho chính mình cũng như cho người khác.
ĐHY Christoph Schönborn