Phần III: ĐỜI SỐNG MỚI TRONG ĐỨC KITÔ
Bài 46. TRỘM CẮP
Sách Giáo lý xưa, khi bàn đến điều răn thứ bảy, thường nói đến việc cấm trộm cắp của cải vật chất và là trộm cắp của cá nhân. Còn ngày nay, chúng ta lại thường giới hạn vào những luật kinh tế và xã hội, tức là những điều được Giáo huấn xã hội bàn đến (GLHTCG, số 2419-2442). Dĩ nhiên cả hai điều này liên hệ chặt chẽ với nhau: cá nhân không tôn trọng của cải của người khác, thì cũng coi thường của cải chung. Đàng khác, ứng xử cá nhân luôn mang lại những hậu quả xã hội, cũng như những điều kiện xã hội quá tệ khiến cho cá nhân khó lòng tuân giữ những điều răn của Thiên Chúa.
Trộm cắp là “chiếm đoạt của cải tha nhân trái với ý muốn hợp lý của sở hữu chủ” (số 2408). Hơn nữa, nếu việc trộm cắp này được thực hiện bằng vũ lực, thì chúng ta gọi là “ăn cướp”. Một người có nhu cầu cấp thiết, cho nên lấy và sử dụng của cải của người khác để sinh tồn, thì không phải là trộm cắp. Ngược lại, không phải cứ tuân theo luật lệ của Nhà nước là đủ. Có nhiều điều không nằm trong tầm ngắm của dân luật nhưng vẫn là tội trộm cắp. Trong cuốn Tự Thuật, thánh Augustinô kể chuyện hồi nhỏ, cùng với những đứa trẻ khác, ngài đã trộm những trái táo của nhà hàng xóm, không phải vì nhu cầu mà chỉ để thoả mãn cái cảm giác làm những điều bị cấm. Có lẽ chuyện này chẳng có nghĩa gì theo luật dân sự, chỉ là trò nghịch ngợm trẻ con. Thế nhưng khi nhớ lại, Thánh Augustinô lại xem việc làm này như sự diễn tả ra bên ngoài khuynh hướng tội lỗi trong tâm hồn, nơi đó Thiên Chúa đã ghi khắc điều răn của Ngài. Lương tâm chứng thực điều đó, “điều mà kể cả tội lỗi cũng không dập tắt được”. Mười Điều Răn không xuất hiện do loài người thoả thuận với nhau; đúng hơn, Mười Điều Răn đã được ghi sâu trong trái tim con người, điều mà thánh Augustinô khẳng định bằng kinh nghiệm của ngài.
Sự kiện Thánh Augustinô vẫn áy náy khi nhớ lại hành vi trộm cắp thời thơ ấu cho thấy lương tâm ngài nhạy bén ra sao đối với chuyện trộm cắp. “Mọi cách lấy hoặc giữ cách bất công của cải của tha nhân, mặc dầu không nghịch với quy định của dân luật, vẫn nghịch với điều răn thứ bảy. Chẳng hạn cố tình giữ lại của cải đã mượn hoặc của rơi; gian lận trong việc buôn bán; trả lương bất công; lợi dụng sự không biết hoặc nhu cầu của tha nhân để tăng giá kiếm lời” (số 2409). Lương tâm ngay thẳng không chấp nhận những điều này, còn nếu lương tâm không thấy áy náy gì, thì nó đang có nguy cơ trở thành câm điếc.
Trộm cắp còn có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức khác: đầu cơ, hối lộ, chiếm đoạt của công; trốn thuế, làm việc cẩu thả (số 2409).
Trong những vi phạm này, điều nổi bật đi ngược lại điều răn thứ bảy là chúng hủy hoại sự tin tưởng giữa con người với nhau. Do đó, những hành động này là phi lý, cho dù ngày nay nhiều kẻ ăn cắp tự cho mình là “khôn ngoan”. Nền tảng của đời sống chung và của mọi quan hệ thương mãi là chữ tín, nghĩa là phải có sự tín nhiệm lẫn nhau: “Các lời hứa phải được giữ và các hợp đồng phải được tuân thủ nghiêm túc” (số 2410).
Xa hơn nữa, ai không tôn trọng của cải của tha nhân, thì dần dần cũng coi thường chính phẩm giá của tha nhân và sẽ khai thác tha nhân để kiếm lời cho mình: “Điều răn thứ bảy cấm các hành vi và sáng kiến dẫn tới việc nô lệ hoá con người, không nhìn nhận nhân phẩm của họ, mua bán hoặc trao đổi họ như hàng hoá” (số 2414). Như thế, cũng như các điều răn khác, điều răn thứ bảy có mục đích là bảo vệ phẩm giá của con người.
ĐHY Christoph Schönborn