WHĐ (29.10.2016) – Nhân dịp Lễ Deepavali hằng năm của Ấn giáo, còn gọi là Diwali (Lễ hội Ánh sáng) – năm nay là Chúa nhật 30-10-2016– Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn đã gửi sứ điệp chúc mừng các cộng đoàn tín đồ Ấn giáo trên toàn thế giới. Chủ đề của sứ điệp năm nay là “Kitô hữu và tín đồ Ấn giáo: Cổ vũ niềm hy vọng nơi các gia đình”. Lễ này đánh dấu ngày khởi đầu năm mới trong lịch Ấn giáo.
Sau đây là toàn văn Sứ điệp:
***
Các bạn tín đồ Ấn giáo thân mến,
1. Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn gửi đến các bạn những lời chúc tốt đẹp nhân dịp mừng lễ Deepavali vào ngày 30 tháng Mười 2016. Cầu chúc những cử hành của các bạn trên toàn thế giới là dịp đào sâu mối quan hệ gia đình, mang lại niềm vui và bình an trong các mái ấm và cộng đồng của các bạn.
2. Sức khoẻ của xã hội phụ thuộc vào những mối quan hệ gia đình của chúng ta. Nhưng ngày nay, ngay cả khái niệm về gia đình dường như đã bị xói mòn bởi một bầu khí tương đối hoá ý nghĩa và giá trị thiết yếu của gia đình. Cũng vậy, cuộc sống gia đình thường bị xáo trộn bởi những thực tế khắc nghiệt như những xung đột, nghèo đói và hiện tượng di dân hiện đang rất phổ biến trên toàn thế giới. Tuy vậy, vẫn có những dấu chỉ khích lệ. Đó là những dấu chỉ mạnh mẽ về niềm hy vọng mới mẻ của những người luôn quan tâm đến ý nghĩa của hôn nhân và đời sống gia đình vì hạnh phúc của mỗi người và của toàn xã hội. Với niềm tôn trọng sâu sắc gia đình ấy, và ý thức rõ ràng những thách đố toàn cầu mà chúng ta phải đối mặt hằng ngày, chúng tôi muốn đưa ra một suy tư về cách mà các Kitô hữu và tín đồ Ấn giáo chúng ta có thể cùng nhau cổ võ niềm hy vọng nơi các gia đình để làm cho xã hội chúng ta ngày càng nhân đạo hơn.
3. Chúng ta biết rằng gia đình là “trường học đầu tiên của nhân loại”, và cha mẹ là “những nhà giáo dục đầu tiên và quan trọng nhất” của con cái họ. Chính trong gia đình mà con cái, nhờ tấm gương cao quý của cha mẹ và các anh chị của chúng, được giáo dục theo các giá trị giúp chúng lớn lên như những người tốt và có trách nhiệm. Tuy nhiên, rất thường khi sự lạc quan và lý tưởng của tuổi trẻ chúng ta bị khô héo đi bởi các biến cố có ảnh hưởng đến gia đình. Thế nên điều đặc biệt quan trọng là cha mẹ, trong sự hợp tác với cộng đồng rộng lớn hơn, phải làm cho con cái mình, ngay cả trong nghịch cảnh, thấm nhuần ý nghĩa của niềm hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn và tìm kiếm điều thiện hảo.
4. Thật vậy, việc đào tạo và giáo dục niềm hy vọng là hết sức quan trọng trong gia đình (x. Đức giáo hoàng Phanxicô, Tông Huấn Amoris Laetitia, 274-275) vì chúng phản ánh bản chất thần linh của lòng thương xót; lòng thương xót đón nhận những người đã mất hy vọng và mang lại ý nghĩa cho tương lai của họ. Một nền giáo dục hy vọng như thế sẽ khuyến khích những người trẻ, với tinh thần bác ái và phục vụ, đến với những ai thiếu thốn, và nhờ đó, trở thành ánh sáng cho những ai còn trong tối tăm.
5. Vì thế, gia đình được gọi là “một nhà máy sản xuất hy vọng” (Đức Giáo hoàng Phanxicô, Huấn từ trong buổi canh thức cầu nguyện tặ Đại hội Thế giới các Gia đình, Philadelphia, 26-09-2015), nơi trẻ em học hỏi mẫu gương của cha mẹ và những người thân trong gia đình; nơi chúng trải nghiệm sức mạnh của niềm hy vọng trong việc củng cố các mối tương quan giữa con người và sự chăm sóc những người bị bỏ rơi trong xã hội, vượt thắng những bất công của thời đại chúng ta. Thánh Gioan Phaolô II đã nói rằng “tương lai của nhân loại đi ngang qua gia đình” (Tông huấn Familiaris Consortio, 86). Nếu muốn cho nhân loại được hưng thịnh và sống trong hòa bình, thì gia đình phải có nhiệm vụ nuôi dưỡng niềm hy vọng và khuyến khích con cái mình trở nên những sứ giả của niềm hy vọng cho thế giới.
6. Ước gì người Kitô hữu và tín đồ Ấn giáo chúng ta hợp tác với tất cả những người thiện chí để bảo vệ hôn nhân và cuộc sống gia đình như những ngôi trường của hy vọng. Ước gì chúng ta đem ánh sáng hy vọng đến mọi ngõ ngách của thế giới, và đem lại niềm an ủi và sức mạnh cho tất cả những ai cần đến.
Chúng tôi chúc các bạn một lễ Deepavali tốt đẹp!
Jean-Louis Tauran ĐHYChủ tịchMiguel Ángel Ayuso Guixot, MCCJThư ký