Steve Jobs lúc sinh thời luôn lo ngại sự ảnh hưởng của công nghệ đến các con của mình
Công nghệ đã trở thành một phần không thể thiếu và ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày, trong đó ảnh hưởng không nhỏ đến những đứa trẻ ngày nay. Tuy nhiên, bản thân những người được xem là “tượng đài” công nghệ lại lo ngại sự ảnh hưởng của công nghệ đến giới trẻ, trong đó có cố CEO của Apple, Steve Jobs.
Được xem là CEO huyền thoại của Apple và là một biểu tượng lớn của thế giới công nghệ, tuy nhiên trong vai trò của một người cha, Steve Jobs lại hạn chế con cái tiếp xúc với các thiết bị công nghệ, thậm chí cả với iPhone hay iPad, những sản phẩm do chính Apple của Steve Jobs tạo ra. Các con của Steve Jobs còn không được sở hữu những thiết bị này của Apple.
Dĩ nhiên, Steve Jobs hoàn toàn có lý do cho quyết định của mình.
Theo phóng viên công nghệ người Anh Nick Bilton, người đã từng đặt câu hỏi cho Steve Jobs vào năm 2010, không lâu sau khi Apple trình làng phiên bản iPad đầu tiên, rằng: “Vậy những đứa trẻ của ông yêu thích iPad chứ?”.
Câu trả lời của Steve Jobs đã khiến Bilton ngỡ ngàng: “Chúng chưa từng sử dụng nó. Tôi giới hạn các con sử dụng các thiết bị công nghệ khi ở nhà.”
Steve Jobs cho biết lý do khiến ông hạn chế việc sử dụng các thiết bị di động như iPhone hoặc iPad với con cái của mình bởi lẽ ông lo ngại công nghệ sẽ ảnh hưởng đến các con, đặc biệt khi chúng vẫn đang ở độ tuổi phát triển.
Thông tin này sau đó một lần nữa được nhà văn Walter Isaacson, tác giả cuốn tự truyện của Steve Jobs xác nhận. Isaacson là người đã ở bên Steve Jobs cho đến những giây phút cuối đời của ông để hoàn thành cuốn tự truyện của chính Jobs.
“Vào mỗi buổi ăn tối tại nhà bếp của nhà riêng, Steve Jobs thường thảo luận về sách, lịch sử và các sự vật... mà không ai đụng đến iPad hay iPhone. Những đứa trẻ có vẻ như không hề nghiện những thiết bị này”, Isaacson cho biết.
Đến lúc qua đời vào năm 2011, Steve Jobs có 3 con với người vợ Laurene Powell, bao gồm Reed (20 tuổi vào thời điểm năm 2011), Erin (16 tuổi) và Eve (13 tuổi). Ngoài ra, Steve Jobs còn một con gái ngoài giá thú Lisa Brenna Jobs (36 tuổi) với người bạn gái đầu tiên của ông, Chris-Ann Brennan. Ban đầu Steve Jobs đã không nhận cô con gái này, tuy nhiên sau đó để chuộc lại lỗi lầm, Jobs đã sử dụng tên gọi Lisa để đặt cho một chiếc máy tính của Apple.
Đáng chú ý, Steve Jobs không phải là “đại gia công nghệ” duy nhất hạn chế sự tiếp xúc các con của mình với công nghệ, ngay cả với những sản phẩm quen thuộc do chính họ tạo ra. Ngày càng có nhiều nhân vật nổi tiếng tại Silicon Valley, thiên đường công nghệ thế giới, đang muốn che chở con mình khỏi sự ảnh hưởng của công nghệ. Họ thậm chí còn gửi con mình đến những ngôi trường “phi công nghệ”, chẳng hạn Trường Waldorf tại thành phố Los Altos (bang California), nơi máy tính không hề được sử dụng vì ngôi trường này chỉ chú trọng đến việc học bằng tay.
Chris Anderson, cựu biên tập viên của trang công nghệ Wired và nay là CEO của công ty sản xuất máy bay không người lái 3D Robotics, là một trong số đó.
“Các con buộc tội tôi và vợ khi chúng tôi hạn chế sử dụng và lo ngại quá mức về công nghệ. Chúng bảo rằng không ai trong số bạn bè chịu sự quản lý tương tự”, Chris Anderson cho biết. Tuy nhiên, Anderson, hiện có 5 con từ độ tuổi 8 đến 19, cho biết mình có lý do rõ ràng cho sự ngăn cấm này.
“Bởi vì chúng tôi nhìn thấy sự nguy hiểm trực tiếp của công nghệ. Tôi đã nhìn thấy điều này ngay trong chính bản thân mình, vì vậy tôi không muốn nhìn thấy điều tương tự xảy ra với các con của tôi”, Anderson chia sẻ.
Sự nguy hiểm mà Anderson đang đề cập đến bao gồm các nội dung độc hại như khiêu dâm, nạn bạo lực học đường và có thể tồi tệ hơn cả là trở thành “nghiện” các thiết bị công nghệ, giống như Anderson và vợ.
Alex Constantinople, Giám đốc Điều hành Công ty OutCast Agency, chuyên về makerting và cộng đồng công nghệ, cho biết con trai út của cô, 7 tuổi, không bao giờ được phép sử dụng các thiết bị công nghệ, trong khi 2 đứa con lớn, từ 12 đến 15 tuổi, chỉ được phép sử dụng thiết bị công nghệ 30 phút mỗi đêm vào những ngày đi học.
Evan Williams, nhà sáng lập của dịch vụ web Blogger và mạng xã hội Twitter, cho biết mình và vợ Sara Williams không muốn 2 đứa con trai của mình sở hữu iPad, mà thay vào đó là những cuốn sách thật để có thể đọc bất cứ lúc nào.
Dĩ nhiên, nhiều người nổi tiếng khác trong giới công nghệ lại không hoàn toàn phủ nhận vai trò của các thiết bị công nghệ với con em của họ.
Alo Partovi, một chuyên gia tư vấn cho các hãng công nghệ lớn như Facebook, Dropbox... cho biết mình phân biệt rõ tác dụng khi trẻ em sử dụng máy tính như một công cụ sáng tạo, hay sử dụng chúng như một công cụ giải trí vô bổ và lãng phí thời gian.
“Cũng như tôi mơ ước con mình sẽ dành nhiều thời gian để vẽ, tập chơi video hay tập viết... Tôi nghĩ rằng sẽ thật vô lý nếu hạn chế thời gian các con của mình để sáng tạo nghệ thuật trên máy tính, chỉnh sửa video hay học lập trình trên máy tính...”, Partovi cho biết.
Nhà sáng lập và CEO Facebook Mark Zuckerberg cũng đã nhiều lần kêu gọi các bậc phụ huynh cho con em của mình tiếp cận với máy tính sớm để có thể phát huy sự sáng tạo của những đứa trẻ, tuy nhiên cần phải có một cách tiếp cận hợp lý và phù hợp để không mang lại các tác hại cho sự phát triển của chúng.