TT (National Catholic Register, 27/6/2017) - Vào ngày 28 tháng 6, Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ chủ sự Công nghị lần thứ tư kể từ cuộc bầu phiếu năm 2013 - lần thứ tư ngài bổ sung thành viên mới vào Hồng y đoàn. Cho đến nay, Đức Thánh Cha đã đề cử 61 hồng y mới, 49 vị trong số đó dưới 80 tuổi và đủ điều kiện để bỏ phiếu trong một cuộc họp kín, một ngày nào đó sẽ bầu người kế nhiệm ngài.
Câu chuyện thật sau những con số
Đức Giáo hoàng Phanxicô đã mang lại một kỷ nguyên mới cho cách mà các hồng y được chọn, nơi các vị phục vụ, và những quan điểm mà các vị mang lại cho Hồng y đoàn và cho Giáo Hội phổ quát hơn. Đức Giáo hoàng chắc chắn sẽ tái tạo cơ chế theo đường lối quốc tế, nhưng ngài làm như vậy theo một cách sáng tạo. Những ý nghĩa này sẽ được cảm nhận trong nhiều thập kỷ tới.
Có một số người cho rằng nhiều vị được ĐGH chọn có xu hướng có một cái nhìn ít chính thống của Giáo Hội. Tất nhiên, Thánh Gioan Phaolô II đôi khi cũng có những lựa chọn tương tự. Các Hồng y Francis Arinze và John O'Connor cũng như Roger Mahony và Walter Kasper được nâng lên hàng hồng y bởi cùng một giáo hoàng. Vậy thì điều gì đáng chú ý về sự cải tổ của ĐGH Phanxicô về Hồng y đoàn? Ngài đã mở rộng chân trời, đặt tên các hồng y từ những vùng ngoại vi có liên hệ gần gũi với người nghèo và những người bị khủng bố, bị áp bức và bị bỏ rơi bên lề xã hội vì đức tin hoặc vì chiến tranh. Và ngài đã bỏ qua nhiều việc xem xét truyền thống và ủng hộ các giáo phận nhỏ hơn, thậm chí nhỏ bé, vốn chưa bao giờ được coi là một tòa hồng y trước đây.
Khi ngài đặt tên cho đợt hồng y mới nhất vào tháng 5, ngài nói: "Các vị đến từ những nơi khác nhau trên thế giới, các vị biểu lộ tính công giáo của Giáo hội trải khắp toàn cầu." Sự phát triển của Giáo hội trên toàn cầu và sự trưởng thành của đức tin trong các lãnh vực truyền giáo mới là điều cần phải được cử hành và các cuộc bổ nhiệm hồng y từ những bộ phận đang phát triển của thế giới Công giáo là những cột mốc quan trọng cho bất kỳ quốc gia nào.
Người Công giáo Hoa Kỳ đã mừng Đức Hồng y tiên khởi, Đức Tổng Giám mục John McCloskey của New York, khi ngài được bổ nhiệm vào năm 1875. Tương tự, không chỉ những người Brazil, mà cả những người Công giáo trên khắp Nam Mỹ, hoan nghênh vị hồng y đầu tiên của châu Mỹ Latinh năm 1905, khi Đức Giáo hoàng Piô X nâng Đức Tổng Giám mục Joaquim Arcoverde de Albuquerque Cavalcanti của São Paulo, Brazil, lên hàng hồng y. Và người Công giáo châu Phi hăng hái khi Đức cha Laurean Rugambwa của Bukoba, Tanzania, được Đức Giáo hoàng Gioan XXIII đặt làm hồng y gốc Phi châu đầu tiên vào năm 1960.
Đây là những cuộc chỉ định đột phá, và các vị giáo hoàng hiện đại đều đã thêm vào tính cách toàn cầu của Hồng y đoàn. Tuy nhiên, ĐGH Phanxicô đã tập trung vào một hướng hoàn toàn khác biệt. ĐGH Phanxicô biết rõ rằng trung tâm trọng lực cho dân số Công giáo trên thế giới đã chuyển từ Bắc vào Nam bán cầu, và ngày càng tăng từ các trung tâm giàu có của châu Âu và Bắc Mỹ đến những vùng nghèo hơn trên thế giới, với những thách thức và cơ hội của họ.
Những cuộc phong hồng y của ngài đã phản ánh nhận thức toàn cầu. Trong số 49 hồng y được ĐGH Phanxicô đề cử, 30 vị đến từ Châu Phi, Châu Á, Châu Mỹ Latinh và Châu Đại Dương. Và trong số này, hầu hết đến từ một số nơi nghèo nhất trên thế giới hoặc nơi mà Giáo Hội đang chịu đựng nhiều nhất. Các vị cũng có một số đặc điểm chung. Nhiều người được biết đến như các mục tủ mạnh mẽ và hiện là chủ tịch hoặc cựu chủ tịch của hội đồng giám mục, có nghĩa là các vị đã được bầu vào vị trí lãnh đạo bởi các đồng nghiệp của họ. Do đó, những lựa chọn này không phải là ngẫu nhiên hoặc hoang mang dù có thể lúc đầu dường như vậy.
Theo truyền thống, danh xưng "hồng y" xuất phát từ chữ Cardo ("bản lề" theo tiếng Latinh), biểu thị rằng những người này là những người cố vấn chính, hoặc trục xoay, cho ĐGH. ĐGH Phanxicô muốn những tiếng nói của những hồng y này được lắng nghe như là các cố vấn và để các ngài mang những quan điểm đặc biệt của họ về tình hình Giáo hội ở khắp nơi trên thế giới tới Rôma.
Rõ ràng là ngài muốn người Công giáo ở những vùng đau khổ biết rằng ngài đứng cùng họ trong tình đoàn kết và thương yêu, và một trong những cách tốt nhất để thể hiện đó là có tiếng nói mạnh mẽ mà chỉ có hồng y mới có thể mang lại. Rốt lại, hồng y mặc phẩm phục đỏ để nhắc nhở rằng họ sẵn sàng phục vụ với đức ái thậm chí đến đổ máu.
Hãy xem Đức Hồng y Mario Zenari, sứ thần của ĐGH Phanxicô tới Syria, người đã được trao mũ đỏ vào năm 2016 - một cuộc phong chức bất thường, vì các vị đại sứ của giáo hoàng hiếm khi được thăng chức trong khi vẫn hoạt động trong lĩnh vực ngoại giao. Đức Hồng y Zenari bày tỏ lòng biết ơn đối với việc bổ nhiệm ngài cho người Syria. Phát biểu với Đài Phát thanh Vatican vào thời điểm đó, ngài nói, "Tôi chân thành cảm ơn Đức Thánh Cha, bởi vì điều này... là cho Syria, cho các nạn nhân của Syria, cho tất cả những người đau khổ vì chiến tranh khủng khiếp này." Tình cảm tương tự đã được biểu lộ từ các vị hồng y khác từ những vùng khó khăn như Cộng hoà Trung Phi, Ethiopia, Lào, Mauritius, Myanmar và Mali.
Làm thế nào để tất cả những điều này được phơi bày khi đến thời điểm các hồng y từ mọi miền tụ họp trong công nghi (bầu giáo hoàng)? Lịch sử cho thấy rằng rất khó để dự đoán các hồng y sẽ bỏ phiếu trong một cuộc họp kín. Xét cho cùng, cuộc bầu cử Thánh Gioan XXIII hầu hết là từ các hồng y được ĐGH Piô XI và Piô XII phong chức. Công nghị bầu chọn Thánh Gioan Phaolô II hầu hết là những vị được Đức Phaolô VI tuyển chọn.
Nhưng có thể thấy rằng các hồng y sẽ tụ tập trong công nghị bầu giáo hoàng tiếp theo sẽ thật sự đại diện cho mọi phần của Giáo hội Công giáo toàn cầu. Các vị có thể bao gồm những vị được phong chức trong suốt 3 triều đại giáo hoàng và sẽ mang tới Roma tình yêu cho Giáo Hội cũng như những kinh nghiệm, nỗi buồn, hy vọng và tiềm năng của một Giáo hội Công giáo toàn cầu đang phát triển. Điều này rất quan trọng bởi vì theo truyền thống, mỗi hồng y được nhận hiệu tòa cho một nhà thờ ở Rôma, một lời nhắc nhở lịch sử về việc thực hành trước đây của hàng giáo phẩm Rôma tham gia vào cuộc bầu cử giáo hoàng.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra một phản ánh về truyền thống đó, với lời nhắc nhở quan trọng về nhu cầu tin tưởng vào Chúa Thánh Thần. Ngài nói với công nghị hồng y lần thứ 2 dưới triều của ngài vào năm 2015: "Chúng ta càng được 'tuyên phong' trong Giáo hội Rôma, chúng ta càng trở nên ngoan ngoãn đối với Thần Khí, để lòng bác ái có thể thành hình và ý nghĩa cho tất cả những gì là chúng ta và những gì chúng ta thực hiện."
Trung Nguyên