Học thuyết Xã hội của Công giáo phản
ảnh sự đồng hành của Giáo hội với sự phát triển của xã hội. Điều này có
nghĩa Giáo hội đưa ra những chỉ dẫn nhằm giúp con người vững bước trên
con đường của Tin Mừng. Trong lĩnh vực công nghệ kỹ thuật cũng thế, Giáo
hội luôn có những phân định và hướng dẫn kịp thời. Có lẽ sau cuộc cách
mạng công nghiệp đầu thế kỷ 18, nhất là sau hai cuộc thế chiến, Giáo hội
nhận ra công nghệ kỹ thuật thường gắn liền với đời sống của con người.
Nói cách khác, lao động thường liên quan đến công nghệ và kỹ thuật. Do
đó, nếu quan tâm đến vấn đề lao động, công việc, thì phải để tâm đến sự
phát triển của công nghệ và kỹ thuật. Theo nghĩa này, chúng ta có thể
tìm thấy những hướng dẫn, phát triển từng bước, phù hợp với từng giai
đoạn phát triển của công nghệ.
1. Công nghệ kỹ thuật cần luật pháp
Ngay
từ Thông điệp Rerum Novarum (Tân Sự-1891) quan trọng đầu tiên, Giáo Hội
đã đề cập đến công nghệ như là yếu tố ảnh hưởng đến các cơ cấu của xã
hội, của các tầng lớp lao động. Chính ảnh hưởng này có thể phá vỡ những
quy tắc của công bằng và hoà bình, bởi ai nắm được công nghệ, người ấy
có thể chi phối, điều khiển nhiều người. Trong tình trạng này, đạo đức
xã hội có thể bị ảnh hưởng xấu. Nền tư bản chủ nghĩa lợi dụng công nghệ
để bóc lột tầng lớp lao động là điều có thể thấy. Do đó, Đức Giáo hoàng
Lêo XIII đã kêu gọi các quốc gia cần soạn thảo những điều luật và thúc
đẩy một hệ thống lao động công bằng.
Nền tảng cho luật về công
nghệ mà Thông điệp này đề nghị là lý thuyết về luật tự nhiện và về quyền
tự nhiên. Đó là dấu ấn mà Thiên Chúa đặt nơi mỗi người qua luật lương
tâm. Do đó, luật này phù hợp với nhu cầu và khát vọng của con người về
gia đình, xã hội dân sự, sở hữu, làm việc, lập hội… Điều đáng lưu ý là
pháp luật chính phủ hoạch định, thì phải hợp công lý thì mới có giá trị[1] – kể cả luật liên quan đến công nghệ kỹ thuật.
Phải
ghi nhận rằng Rerum Novarum và các tài liệu của Giáo Hội sau đó cũng
nhìn nhận giá trị của sự phát triển công nghệ. Sẽ là cực đoan nếu lên án
công nghệ (theo Quadragesimo Anno-1931). Thay vào đó, lúc này cần một
hệ thống pháp luật như Rerum Novarum đề nghị, để vừa phù hợp với luật
luân lý phổ quát, vừa giải đáp được những vấn đề kinh tế xã hội, vốn
đang phát triển nhanh chóng nhờ vào kỹ thuật công nghệ. Thực vậy, 30 năm
sau, một lần nữa Giáo Hội đề nghị nhìn nhận khoa học kỹ thuật như là
hình thức để giúp phát triển kinh tế và ổn định đời sống.
Một mặt
nhờ vào hệ thống luật pháp đang được cải thiện để thu hẹp khoảng cách
giàu nghèo; mặt khác, Giáo Hội như là người Mẹ và là Thầy (Mater et
Magistra-1961), đề nghị các quốc gia lựa chọn những công nghệ kỹ thuật
phù hợp để áp dụng vào: không chỉ nền công nghiệp hiện đại mà cả nền
nông nghiệp và dịch vụ. Mục đích mà Giáo Hội nhắm tới là để ổn định toàn
bộ nền kinh tế, nhất là giúp những người nông dân cũng được thừa hưởng
thành quả của công nghệ, khi ứng dụng vào công việc lao động của mình.
Tuy nhiên, Giáo hội cũng nhìn thấy những nơi nhờ vào công nghệ mà lợi
thế cạnh tranh quá lớn. Khi đó, công bằng xã hội và kinh tế sẽ bị phá
vỡ. Phải chăng vì điều này mà hai cuộc chiến tranh thế giới đã xảy ra?
2. Công bình như là đòi hỏi của phát triển công nghệ
Để
tìm lại nền hoà bình trên trái đất, liền sau đó, Giáo Hội thấy được vai
trò của công nghệ có thể giúp lấy lại thế cân bằng của các quốc gia.
Ngay từ đầu Thông điệp Pacem in Terris (Hoà bình trên Thế giới-1963)[2], Đức Giáo hoàng Gioan XXIII lặp lại tầm quan trọng của công nghệ kỹ thuật[3].
Theo đó, công nghệ như là một cơ hội, công cụ để con người có thể cùng
nhau tạo lập lại trật tự quốc gia và thế giới theo ý định của Thiên
Chúa. Đức Giáo hoàng nhấn mạnh: “Điều nổi lên đầu tiên và quan trọng
nhất từ sự tiến bộ của tri thức khoa học và những phát minh của công
nghệ là sự vĩ đại muôn trùng của chính Thiên Chúa, Đấng đã sáng tạo ra
cả con người và vũ trụ.”[4] Đó là Thiên Chúa công bằng, Ngài
tạo dựng con người theo hình ảnh của Thiên Chúa và ban cho con người có
phẩm giá như nhau, để cùng nhau kiến tạo hoà bình.
Phải thừa nhận
ngay rằng những hướng dẫn của Giáo hội đã tác động hiệu quả không chỉ
đến sự hoàn thiện của luật pháp, nhưng còn đi vào đời sống, chính trị,
văn hoá, xã hội và nhất là giáo dục. Từ đây, tiến bộ của khoa học kỹ
thuật được áp dụng một cách rộng rãi hơn, nhiều phát minh giúp cho sự
phát triển của con người. Hẳn nhiên chính Giáo hội cũng khuyến khích con
người tham gia vào việc nghiên cứu, học thuật để cải thiện công nghệ.
Lý do là vì “những tiến bộ mới nhất của khoa học và kỹ thuật đã có ảnh
hưởng sâu rộng trên con người, và nó đã tác động trên khắp mặt đất một
trào lưu nhằm gia tăng sự cộng tác và siết chặt sự hiệp nhất của họ với
nhau”[5]. Trong đó, những giá trị Tin Mừng như: bình đẳng,
lợi ích công, sự thật, công lý phải được đề cao trong tiến trình phát
triển công nghệ này. Ngay từ đây, Giáo hội đã đề ra một nền giáo dục con
người (nhất là thanh niên vốn gần gũi với công nghệ kỹ thuật) phải được
phát huy toàn diện. Phải chăng lời của ĐGH Gioan XXIII từ những thập
niên 70 của thế kỷ trước đáng để ta suy nghĩ về thời công nghệ 4.0,
5.0...:
“Trong rất nhiều lĩnh
vực thường không có sự thăng bằng giữa sự học giáo lý với sự học các
khoa đời: người ta theo đuổi các khoa đời tới mức độ tối cao, trong khi
đó, về việc huấn luyện đạo giáo, người ta đứng trong mức sơ đẳng. Cho
nên nhất thiết thanh niên phải có một nền giáo dục đầy đủ và liên tục,
thực hiện thế nào để nền học thức đạo giáo và sự tinh luyện lương tâm
phải tiến đồng nhịp với các kiến thức khoa học và sự tài khéo kỹ thuật,
luôn luôn thăng tiến.”[6]
3. Phát triển kinh tế để phục vụ con người
Theo
ý hướng trên, Công đồng Vatian II (1962-1965) đã mở ra một chân trời
mới cho mọi lĩnh vực, trong đó có công nghệ kỹ thuật. Một trong những tài
liệu quan trọng liên quan đến vấn đề này là Hiến chế Mục vụ về Giáo Hội
trong Thế giới Ngày nay (Gaudium et Spes-1965). Trong đó, Giáo Hội cho
thấy công nghệ lúc này đã kéo mọi quốc gia và mọi người vào cuộc. Hơn
nữa, chính sự phát triển này đang thay đổi tư duy, văn hoá và cả đời sống
tâm linh của con người. Nhất là các ngành khoa học kỹ thuật phát triển,
kéo theo là con người muốn chinh phục không chỉ mặt đất này, mà còn các
hành tinh trong vũ trụ. Phải thừa nhận lúc này khoa học thực sự lên
ngôi. Nhiều phong trào thượng tôn lý trí và khoa học đến chỗ cực đoan là
loại bỏ Thiên Chúa. Có thể nói công nghệ là một trong những nguyên nhân
dẫn đến chủ nghĩa vô thần.
Thực vậy, Công đồng này cho thấy một
trong những hình thức vô thần hiện nay là mong giải phóng con
người, nhất là về phương diện kinh tế và xã hội. Hình thức vô
thần này cho rằng tự bản chất, tôn giáo làm cản trở công
cuộc giải phóng đó, vì khi khơi lên nơi con người niềm hy vọng
vào cuộc sống vị lai và hão huyền, tôn giáo đã làm cho họ xao
lãng việc xây dựng xã hội trần thế này[7]. Nói cách
khác, khoa học kỹ thuật, công nghệ mới là cứu cánh của con người. Do đó,
không lạ gì khi người ta càng phụ thuộc vào khoa học công nghệ, và niềm
tin tôn giáo nói chung, Công giáo nói riêng, không tránh khỏi bị tác
động.
Hai năm sau, Thông điệp Phát triển các Dân tộc (Populorum
Progressio-1967) cho thấy một mối nguy đang xảy ra vì sự phát triển của
công nghệ kỹ thuật: “Nền văn minh cổ
truyền và văn minh kỹ nghệ mới đang đụng độ nhau, làm tan vỡ những cơ
cấu không còn thích ứng với nhu cầu của thời đại.”[8] Những ai hoặc quốc gia nào không thích nghi được với sự phát triển của công nghệ sẽ bị loại trừ hoặc bị bỏ lại đằng sau[9].
Khi đó, xung đột về xã hội và lợi ích sẽ xảy ra. Hậu quả của nó là phá
vỡ hệ thống trật tự của xã hội. Một trong những giải pháp của vấn đề này
là “hãy trở về với mục đích của công nghệ là phục vụ con người, cả về phương diện vật chất lẫn tinh thần”[10].
Trong
Thông điệp này, thuật ngữ “tiến bộ, phát triển” không có nghĩa là bỏ
lạicon người ở đằng sau. Thay vào đó, phát triển bền vững và thực sự
phải hướng đến một nền kinh tế và kỹ thuật hướng về ích lợi con người để
phục vụ. Trong đó, con người phải là chủ thể với tự do và những quyền
của nó. Sự phát triển này cũng phải phù hợp với bản tính mà Đấng Tạo Hoá
tối cao đã ban cho, gồm có những khả năng và đòi hỏi mà mình tự đón
nhận[11].
Để hướng đến con người, Giáo hội đề nghị mỗi
quốc gia, dựa vào luật pháp để tạo ra sự công bằng cho toàn dân. Trong
hoàn cảnh này, Giáo hội đã nhìn thấy hệ thống độc tài vốn nhờ vào sự
phát triển của công nghệ. Nhất là những năm trở lại đây,chúng ta thấy vô
số người phụ thuộc, nô lệ vào công nghệ. Lúc đó, những tập đoàn công
nghệ xuyên quốc gia có thể lèo lái người ta đi theo hướng của chúng.
Điều này cần được nhận ra, hoặc đề cao cảnh giác. Bốn năm sau, Tông thư
Bát Thập Niên (Octogesima Adveniens-1971)[12], Đức Giáo hoàng Phaolô VI cũng nhắc lại điều quan trọng này với giải pháp: “Đang
khi tiến bộ khoa học và kỹ thuật tiếp tục làm đảo lộn những khung cảnh
sống của con người, những cách thức để hiểu biết, lao động, hưởng thụ và
quan hệ luôn luôn tỏ lộ, trong những bối cảnh mới, một khát vọng kép
ngày càng mãnh liệt hơn trong quá trình thông tin và giáo dục của con
người phát triển: đó là khát vọng về công bằng, khát vọng được tham gia;
hai hình thức của phẩm giá con người và của quyền tự do con người.”[13]
4. Nhân phẩm và công nghệ kỹ thuật
Có
lẽ một trong những giáo hoàng quan tâm nhiều đến nhân phẩm của con
người là Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Chính trong Thông điệp
Laborem Exercens (Lao động của Con người-1981)[14], vốn nghi
nhớ Thông điệp Rerum Novarum tròn 90 năm, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô
II nói rất nhiều đến công nghệ. Ngài cho thấy tương quan của công việc
và kỹ thuật. Trong đó công nghệ như là công cụ, và con người phải là chủ
thể. Giáo Hội lặp lại rằng, dù lao động chân tay hoặc trí óc, kể cả các
máy móc hoặc robot, thì con người phải có vai trò chính trong quá trình
lao động này. Lý do là “người thực hiện lao động ấy là một nhân vị, một chủ thể có ý thức và tự do, nghĩa là một chủ thể tự quyết định”[15]. Do đó, không thể chạy theo công nghệ kỹ thuật mà đánh mất hoặc chà đạp lên nhân phẩm của người khác.
Từ
những thập kỷ 90 của thế kỷ trước, không ai nghi ngờ rằng trong mọi
lĩnh vực đều thấy sự tham gia của công nghệ kỹ thuật. Trong hoàn cảnh
đó, Giáo hội thấy công nghệ có thể vừa là đồng minh, vừa là kẻ thù[16].
Là đồng minh khi công nghệ giúp cho con người sáng tạo, sản xuất ra
nhiều của cải vật chất để phục vụ cho cộng đồng. Tuy nhiên, nhiều khi
công nghệ lại thay thế sức lao động của con người, cướp đi nguồn sáng
tạo (kể cả các nước đã phát triển). Máy móc, công nghệ kỹ thuật nhiều
khi được xem trọng, được tôn vinh hơn con người! Trong tình cảnh “tôn
thờ” công nghệ như thế, chắc chắn vấn đề đạo đức xã hội và luân lý cũng
bị xem thường. Để giải đáp cho vấn đề này, Giáo Hội đề nghị phải xem
nhân phẩm con người là trên hết. Điều này thường đi ngược với chiêu trò
của các nhà tư bản vốn xem công nghệ như là giải pháp cho tất cả. Kết
quả là nhiều người bị gạt ra khỏi sự phát triển chung của nhân loại
(thất nghiệp, bất công xã hội, loại trừ, văn hoá vứt bỏ,…). Do đó, Giáo
hội vẫn tiếp tục mời gọi trở về với Thiên Chúa, ngay trong lao động, văn
hoá và công nghệ.
5. Công nghệ đang tác động đến môi trường sinh thái
Sau
Laborem Exercens, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhìn thấy khoa học kỹ
thuật như là một thứ quyền lực chi phối đời sống của xã hội. Thực vậy,
trong Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis (1987)[17], Đức
Giáo hoàng tiếp tục cho thấy những liên minh của hệ thống công nghiệp
như là “cơ cấu tội lỗi” (structures ofsin) đang thống trị toàn cầu[18],
cả mức độ cá nhân lẫn quốc gia. Dấu vết của tội lỗi này không dễ để
nhận ra! Đây là một trong những dấu vết và Thông điệp này chỉ dẫn: “Nếu
người ta xét một số hình thức đế quốc hiện đại, dưới ánh sáng các tiêu
chuẩn luân lý, người ta sẽ khám phá ra rằng, đằng sau một số quyết định
nào đó, bề ngoài như chỉ dựa trên các lý do sinh kế hoặc chính trị,
nhưng lại chứa đựng những hình thức thờ ngẫu tượng thực sự. Chúng mang
tên: tiền bạc, ý thức hệ, giai cấp, kỹ thuật học.”[19] Điều này cũng đúng ở đây và bây giờ!
Hơn nữa, trong Thông điệp Centesimus Annus (Bách Chu Niên-1991)[20], Đức Giáo hoàng cho thấy có một mối nguy hiểm chủ nghĩa thống trị này: “Ðặc
biệt trong thời đại của chúng ta có một hình thức làm chủ khác quan
trọng không kém đất đai, đó là việc làm chủ kiến thức, kỹ thuật và tài
năng. Tài sản của các nước kỹ nghệ căn cứ nhiều trên loại quyền sở hữu
này hơn là trên các tài nguyên thiên nhiên.”[21] Như
vậy, thay vì phục vụ con người, xây dựng hoà bình, những tiến bộ về khoa
học và kỹ thuật đã biến thành công cụ của chiến tranh. Ví dụ như chạy
đua vũ trang là điều đang xảy ra nơi các cường quốc. Như thế, mặt trái
của công nghệ không chỉ tác động xấu lên con người, mà còn ảnh hưởng đến
chính hành tinh sống của chúng ta.
Cùng tiếng nói với Thông điệp
trên đây, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI tiếp tục đề cao việc phát triển
con người cách toàn diện, nghĩa là dựa trên tình yêu trong chân lý
(Thông điệp Caritas in Veritate-2009)[22].Trong đó, Đức Giáo
hoàng nhấn mạnh rằng dù sự phát triển công nghệ hiện nay là vượt bậc, có
thể giúp cho sự phát triển của con người, nhưng “nếu chỉ phát triển về
mặt kinh tế và kỹ thuật thì không đủ”. Trong đó vấn đề phát triển công
nghệ lúc này còn phải quan tâm đến môi trường sinh sống của con người.
Vấn đề lạm dụng công nghệ để tiêu thụ năng lượng, khai thác tài nguyên
thiên nhiên đã tác hại không chỉ đến các nước nghèo, mà còn làm cho môi
trường ngày càng ô nhiễm. Nền kinh tế duy lợi nhuận và cậy vào sức mạnh
của công nghệ đang bào mòn hệ sinh thái của nhiều nơi. Giáo Hội gióng
lên tiếng chuông rằng “hãy làm chủ vận mạng của mình”, nghĩa là cùng
nhau cộng tác và có trách nhiệm với thiên nhiên ở cả tầm mức quốc gia và
quốc tế.
Để bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta, Giáo Hội đề nghị
cá nhân và quốc gia phải thực hiện các chương trình hành động trong
tình yêu và chân lý. Giáo Hội không sợ khuyến khích sự phát triển công
nghệ kỹ thuật, nhưng vấn đề làm sao trong sự phát triển đó cần góp phần
bảo vệ môi trường bảo vệ, nuôi dưỡng và sử dụng tài nguyên một cách hợp
lý. Điều này đề nghị: “Các xã hội trên
đường phát triển phải trung thành với những gì thật nhân bản trong
truyền thống của họ, tránh cơn cám dỗ tôn sùng chủ thuyết cơ giới của
nền văn minh kỹ thuật toàn cầu.”[23] Theo đó công nghệ
là sản phẩm sáng tạo của con người, là quà tặng củaThiên Chúa để góp
phần giúp con người tiếp tục sáng tạo thế giới theo ý định của Thiên
Chúa. “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp.” (St 1,31). Những điều này một lần nữa được Đức Giáo hoàng Phanxicô trình bày chi tiết trong Thông điệp Laudato Si’ (2015).
Tạm kết
Trước sự phát triển công nghệ kỹ thuật như vũ bão hiện nay[24],
thiết tưởng Giáo Hội có vai trò quan trọng để tham gia vào “cuộc chơi
chung này”. Bởi nơi đó, không chỉ là vấn đề kinh tế, kỹ thuật, xã hội,…
mà còn là những hệ luỵ liên quan đến luân lý, tác động trực tiếp đến
hành vi đạo đức, tôn giáo. Điều này thật dễ thấy nơi những thay đổi hành
vi của người sử dụng công nghệ (như Internet chẳng hạn), nhất là nơi
các bạn trẻ. Do đó, để đồng hành với con cái mình, Giáo Hội tiếp tục
lắng nghe và đưa ra những hướng dẫn cụ thể liên quan. Chẳng hạn:
“Sự
phát triển cần đến các Kitô hữu biết giang tay hướng về Thiên Chúa
trong thái độ cầu nguyện; các Kitô hữu ý thức rằng bác ái ngập tràn chân
lý, từ đó xuất phát sự phát triển đích thực – không phải là công trình
của chúng ta, nhưng được Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta. Vì thế, ngay
trong những thời điểm khó khăn nhất và hoàn cảnh phức tạp nhất, chúng ta
không những phải phản ứng cách ý thức, nhưng trước hết phải gắn bó vào
tình yêu của Người. Sự phát triển đòi hỏi phải chú tâm đến đời sống tinh
thần, quý trọng những kinh nghiệm tin tưởng vào Thiên Chúa, tình huynh đệ
trong Đức Kitô, phó thác vào sự quan phòng và lòng nhân từ của Thiên
Chúa, tình yêu và sự tha thứ của Người, sự từ bỏ mình, đón nhận tha
nhân, công bằng và hoà bình.”[25]
-------------------------
[1] Rerum Novarum, số 8.
[2] Thông điệp Pacem in Terris (Hoà bình trên Thế giới) của ĐGH Gioan XXIII (11-04-1963).
[3] Gaudium et Spes, số 1 và 2.
[4] Gaudium et Spes, số 3.
[5] Pacem in Terris, số 69.
[6] Pacem in Terris, số 82.
[7] Gaudium et Spes, số 20.
[8] Populorum Progressio, số 10.
[9] Điều
này rất dễ thấy trong những năm gần đây cả trong lĩnh vực kinh tế theo
mô hình kỹ thuật số và kinh tế truyền thống, xe ôm truyền thống và xe ôm
công nghệ, bán hàng truyền thống hay online,...
[10] Populorum Progressio, số 34.
[11] Populorum Progressio, số 34.
[12] Tông thư Bát Thập Niên (Octogesima Adveniens) của Đức Giáo hoàng Phaolô VI (14-05-1971).
[13] Octogesima Adveniens, số 20.
[14] Thông điệp Laborem Exercens (Lao động của Con người) của ĐGH Gioan Phaolô II (14-09-1981).
[15] Laborem Exercens, số 6.
[16] Xem phần giới thiệu của Tông huấn Laborem Exercens.
[17] Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis (Quan tâm đến Vấn đề Xã hội) của ĐGH Gioan Phaolô II (30-12-1987) [18] Sollicitudo Rei Socialis, số 37.
[19] Sollicitudo Rei Socialis, số 37.
[20] Thông điệp Centesimus Annus (Đệ Bách Chu Niên) của ĐGH Gioan Phaolô II phân tích Học thuyết Xã hội Công giáo.
[21] Centesimus Annus, số 32.
[22] Thông điệp Caritas in Veritate (Bác ái trong Chân lý) của ĐGH Bênêđictô XVI.
[23] Caritas in Veritate, số 59.
[24]
Ngoài Internet, công nghệ kỹ thuật còn làn rộng đến truyền thông xã
hội, chuyển đổi giới tính, chiến tranh công nghệ, sinh học, trí tuệ nhân
tạo, thụ tinh trong ống nghiệm, nghiên cứu phôi, khả năng tạo ra những
nhân bản và phôi người,...
[25] Caritas in Veritate, số 79.
Giuse Phạm Đình Ngọc, SJ