Là bậc cha mẹ, chúng ta được giao phó trách nhiệm giáo dục những đứa trẻ về các giá trị đạo đức và phát triển những đức tính tốt đẹp bên trong chúng. Đó là một loại trách nhiệm mà khi chúng ta làm tốt thì sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa tích cực, tác động tới mọi người và mọi thứ của con trẻ trong suốt cuộc đời. Nói một cách ngắn gọn là nghĩa vụ làm cha mẹ của chúng ta sẽ tác động đến toàn bộ thế giới.
Yếu tố căn bản của một nhân cách tốt là tính trung thực. Nó dường như là một khái niệm đơn giản, tuy nhiên, giá trị của sự trung thực vượt xa việc không nói dối đơn thuần. Nếu tính trung thực thấm nhuần trong nhân cách của trẻ em, nó sẽ tạo nhiều thuận lợi cho trẻ em trong mọi khía cạnh của cuộc sống.
Sư trung thực bao gồm những gì? Không nói dối là một bước khởi đầu tốt. Nói dối có thể dễ dàng trở thành một thói quen, vì vậy hãy dập tắt nó từ trong trứng nước.
Từ những lời nói chân thật, chúng ta có thể khuyến khích hành động trung thực và thậm chí cả những suy nghĩ chân thành. Thay vì sử dụng mưu mẹo hoặc thủ đoạn để có điều mình muốn, những đứa trẻ nên được dạy dỗ rằng chân thành và trung thực sẽ mang đến một cuộc sống chân chính.
Một cuộc sống chân chính cho phép người ta sống mà không phải chịu đựng áp lực của việc duy trì những lời dối trá. Nó cũng cho phép người ta kết nối với bản chất và những sức mạnh nội tại của con người. Việc hiểu và phát triển bản chất thật của mình sẽ giúp chúng ta gặt hái thành quả từ những tài năng của bản thân.
Đề cao sự trung thực cũng mang lại khả năng phân biệt sự thật và dối trá, và hướng đến những điều chân chính.
Quả thật, việc dạy trẻ con về tính trung thực không phải là một vấn đề nhỏ. Vậy làm thế nào để các bậc cha mẹ có thể thấm nhuần giá trị tư tưởng này vào tính cách của con? Sau đây là một vài phương pháp bạn có thể cân nhắc.
Hãy chân thành
Là cha mẹ, chúng ta biết rằng trẻ con có thể không nghe lời và hiểu rõ tất cả những gì chúng ta nói, nhưng chúng chắc chắn sẽ chú ý và bắt chước những gì chúng ta làm.
Bạn sống trung thực đến mức nào? Nếu bạn giống với hầu hết mọi người, thì có lẽ bạn vẫn cần hoàn thiện bản thân mình hơn. Hãy tự cho bản thân một bài kiểm tra nghiêm khắc. Liệu bạn có trung thực trong lời nói, trong hành động và trong tư tưởng của mình? Bạn có chân thành với chính mình? Bạn có để người khác nhìn thấy con người thực của bạn? Bạn có luôn tìm kiếm và đề cao sự trung thực? Bạn sẽ làm gì để trở nên chân thành hơn?
Nói về sự thật
Hãy biến tầm quan trọng của sự trung thực trở thành chủ đề chính trong gia đình. Hãy chắc chắn rằng con bạn biết rằng chúng luôn có thể nói thật với bạn cho dù điều đó đáng sợ và khủng khiếp như thế nào. Hãy giúp chúng hiểu về lợi ích của việc sống một cuộc đời chân thật và những hậu quả của việc nói dối.
Đọc những câu chuyện về tính trung thực
Từ xưa đến nay, những bài học đạo đức về tính trung thực đã luôn có mặt trong rất nhiều câu chuyện. Từ “Chiếc Rìu Vàng” (The Golden Axe) của Aesop, đến câu chuyện chặt cây Anh Đào của George Washington, đến “Cậu Bé Chăn Cừu” (The Boy Who Cried Wolf), đến “Cậu Bé Người Gỗ Pinocchio” (Pinocchio), có rất nhiều câu chuyện cổ minh họa cho đức tính chân thật mà bạn có thể kể cho con mình nghe.
Phần thưởng của sự trung thực
Sẽ có thời điểm trẻ em bị cám dỗ để che giấu sự thật hoặc nói dối khi chúng sợ phải gặp phiền phức, hoặc khi chúng xấu hổ, hoặc khi sự thật đôi khi không thoải mái. Là bậc cha mẹ, khi bạn chứng kiến con bạn vượt qua được những hoàn cảnh ấy để lựa chọn làm điều chân chính, hãy thưởng cho chúng. Hãy công nhận những khó khăn mà chúng đã vượt qua và tính cách mạnh mẽ của chúng. Chúng sẽ nhớ đến phần thưởng tích cực của việc làm điều đúng đắn dù phải trải qua khó khăn.
Thấu hiểu con người thật của những đứa trẻ
Đôi khi các bậc cha mẹ thường áp đặt những ước mơ và mong muốn cá nhân lên những đứa trẻ. Tuy nhiên, để chúng có thể sống một cuộc sống hoàn toàn chân thật, tốt hơn là hãy cho phép chúng thể hiện bản tính của mình, cho phép chúng thể hiện tài năng và sức mạnh thật sự của chúng, tính cách cá nhân của chúng ra sao, chúng có những cá tính gì, chúng thật sự yêu thích điều gì – nói ngắn gọn thì là chúng thực sự là ai.
Hãy xem điều đó như công việc bạn cần làm để hiểu con mình và làm những gì có thể để trợ giúp chúng tự tìm ra bản thân mình. Trưởng thành với con người thật của mình và được cha mẹ trân trọng hay khích lệ là một món quà vĩ đại cha mẹ dành tặng con. Bằng cách tập trung phát triển tính trung thực trong trẻ, bạn sẽ cho con mình những điều tuyệt vời.
Barbara Danza
Ý kiến - nhận xét của bạn về bài:
Dạy trẻ đức tính trung thực
(hoặc nhấn phím ESC hoặc nhấn vào khung nền)