Theo báo cáo mới nhất của UNICEF, “Tiếng nói của chúng ta đáng giá”, thanh thiếu niên và người trẻ di cư, tị nạn tại Ý đang phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng, từ vấn đề an ninh, phân biệt đối xử đến sức khỏe tâm thần và khó khăn trong giáo dục. Báo cáo này được thực hiện dựa trên dữ liệu từ cuộc khảo sát năm 2024 của nền tảng U-Report On The Move, một công cụ lắng nghe và thúc đẩy sự tham gia của giới trẻ di cư và tị nạn.
Báo cáo chỉ ra rằng, cứ ba người được hỏi thì có một người phải tránh né một số địa điểm vì lo sợ bị tấn công hoặc phân biệt đối xử, đặc biệt là các em nữ. Các yếu tố như giới tính, màu da và tôn giáo là nguyên nhân chính dẫn đến cảm giác bất an này. Gần một nửa số người tham gia khảo sát cho biết họ thường xuyên đối mặt với thái độ nghi ngờ và sợ hãi từ người khác, trong khi chỉ 18% cảm nhận được sự đồng cảm. Đáng chú ý, 39% người trẻ cho biết họ bị phân biệt đối xử vì màu da, và 6% vì tôn giáo.
Về sức khoẻ tâm thần, 6 trong số 10 người trẻ được hỏi cho biết quá trình tiếp nhận và hòa nhập đã ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần của họ. Nhiều người phải đối mặt với lo lắng, căng thẳng và cảm giác bất an, thường trầm trọng hơn do rào cản ngôn ngữ, khó khăn kinh tế và nỗi sợ bị phán xét. Mặc dù 46% nhận thức được tầm quan trọng của việc tìm kiếm sự giúp đỡ, nhưng chỉ một số ít có cơ hội tiếp cận với dịch vụ hỗ trợ tâm lý chuyên nghiệp. Điều này cho thấy sự cấp thiết phải mở rộng và cải thiện các dịch vụ này. Ngoài ra, 3 trong số 10 người trẻ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc được cung cấp thông tin rõ ràng về quy trình tiếp nhận để cải thiện phúc lợi của họ.
Trong lĩnh vực giáo dục, 31% thanh thiếu niên di cư không tham gia bất kỳ chương trình học tập nào. Những người may mắn được đi học cũng phải đối mặt với thời gian chờ đợi kéo dài. Hơn nữa, 47% người được hỏi cho biết họ chỉ bắt đầu học tiếng Ý sau hai tháng đến nơi, một sự chậm trễ làm cản trở quá trình hoà nhập xã hội.
Báo cáo kết thúc với những khuyến nghị dành cho các cơ quan chức năng, bao gồm việc tăng cường tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ, đặc biệt là dịch vụ sức khoẻ tâm thần và cơ hội giáo dục; đảm bảo chất lượng tiếp nhận; thúc đẩy các chiến dịch nâng cao nhận thức chống phân biệt đối xử; và tạo cơ chế lắng nghe, thúc đẩy sự tham gia của người trẻ.
Ông Nicola Dell’Arciprete, điều phối viên UNICEF tại Ý, nhấn mạnh: “Lắng nghe trẻ em và thanh thiếu niên là nguyên tắc cốt lõi của Công ước về Quyền Trẻ em. U-Report On The Move cho phép chúng ta lắng nghe tiếng nói của những người thường bị bỏ quên, từ đó làm nổi bật những thách thức mà người trẻ di cư và tị nạn phải đối mặt hàng ngày, cũng như những giải pháp mà chính họ đề xuất. Báo cáo này nhắc nhở chúng ta rằng, một quy trình tiếp nhận hiệu quả không thể thiếu sự lắng nghe và tham gia tích cực của các bạn trẻ, để kinh nghiệm và nguyện vọng của họ có thể định hướng các chính sách và chương trình toàn diện hơn, đáp ứng đúng nhu cầu của họ.”
Vatican News
Ý kiến - nhận xét của bạn về bài:
UNICEF cảnh báo về vấn đề an ninh, phân biệt đối xử và sức khoẻ tâm thần đối với thanh thiếu niên di cư
(hoặc nhấn phím ESC hoặc nhấn vào khung nền)