Càng lớn tuổi ta càng nhận ra rằng hạnh phúc đồng nghĩa với từ tâm.
Truyen-tin.net - Sơ lược dữ kiện:

  • ♥ Tiểu sử Các Thánh: 272
  • ♥ Các Bài đọc thánh lễ: 772
  • ♥ Văn hoá, nghệ thuật: 1154
  • ♥ Tin tức, chuyên đề... 15886
  • ♥ Thư viện hình ảnh: 6916
  • ♥ Suy niệm Lới Chúa: 784
  • ♥ Video: 2269
  • ♥ Tài liệu tham khảo: 780

... cùng những sưu tập khác.
tt
Laudetur Jesus Christus - Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô NewsFeed
-
CHUYÊN ĐỀ » Đất nước - Con người
Back TRỞ LẠI (Cập nhật: 11/05/2025 10:08:36 SA)
A  A  A
Từ Đức Phanxicô đến Đức Lêô XIV, một Chúa Thánh Thần luôn bất ngờ và mới mẻ
Người Ý thường truyền miệng nhau câu nói đầy ẩn ý và cũng đầy kinh nghiệm: Chi entra in conclave da papa, ne esce cardinale! – Ai bước vào Mật viện với tâm thế là Giáo hoàng sẽ bước ra với tư cách là Hồng y.

Những ngày qua, báo chí và giới truyền thông trên mạng đã nói rất nhiều về “cuộc đua kế nhiệm ngôi giáo hoàng”, về những “ứng viên cho vị trí quyền lực số một của Vatican”. Rất nhiều vị Hồng y được liệt kê vào danh sách papabile, “có thể thành Giáo hoàng”, với hồ sơ và tiểu sử cá nhân được mổ xẻ kỹ lưỡng. Thậm chí, các nhà cái cũng nhảy vào góp vui với những tỉ lệ cá cược rất rộn ràng.

Thế nhưng kinh nghiệm lâu đời của người Ý và những người được sống từ trong lòng Giáo Hội lại cho thấy: những người được đồn đoán và mong đợi nhiều nhất thường không phải là những người được Hồng y đoàn lựa chọn. Tối ngày 13/03/2013, cả thế giới đã bất ngờ khi nghe trên Quảng trường Thánh Phêrô vang lên cái tên lạ hoắc của người được chọn: Jorge Mario Bergoglio. Mười hai năm sau, sự bất ngờ ấy lại được lặp lại với cái tên cũng lạ không kém: Robertum Franciscum Prevost.

Thế mới nói: Chúa Thánh Thần làm việc trong Giáo Hội là có thật đó! Bất cứ một cuộc bầu chọn Giáo hoàng nào cũng đến từ sự hướng dẫn và soi sáng của chính Chúa Thánh Thần, chứ đâu có đến từ khôn ngoan và toan tính của nhân loại! Khi Mật nghị Hồng y bắt đầu, những người đã dám đặt niềm tin vào Chúa Thánh Thần thì không cần phải đoán định. Họ chỉ một lòng tin tưởng và chờ đợi. Chúa Thánh Thần luôn có cách hành động riêng của Ngài, trong âm thầm lặng lẽ, nhưng dứt khoát và hữu hiệu. Các Hồng y tìm được sự đồng thuận chỉ qua 4 lần bầu phiếu, nghĩa là chỉ cần 1 ngày làm việc. Khi cánh cửa Nhà nguyện Sistina khép lại với lời tuyên bố extra omnes, thì tất cả đều phải ra ngoài hết: không chỉ là những người không phận sự, mà còn là tất cả những gì thuộc về thế gian trong lòng những người có phận sự bầu Giáo hoàng. Chúa Thánh Thần định hình nên hướng đi cho Hội Thánh, không phải ngang qua những ồn ào và toan tính của nhân loại, nhưng là trong sự tĩnh lặng thánh thiêng của những con tim nhu thuận với sự hướng dẫn của Ngài.

Từ Prevost đến Lêô XIV: nomen omen


Prevost là một tên có gốc đến từ tiếng Pháp và Latinh cổ (praepositus, từ gốc động từ praeponere), có nghĩa là “người được trao trách nhiệm, người được đặt vào sứ mạng”. Chắc chỉ có Chúa Thánh Thần mới nhìn ra trong cái tên ấy một điềm tiên báo về số phận và trọng trách gắn với con người mang tên này.

Với làn khói trắng bay lên từ ống khói Nnhà nguyện Sistine, cả thế giới như nín thở chờ đợi một tên gọi, không chỉ để nhận diện một con người, mà còn là đón lấy một định hướng cho Giáo Hội và cho cả thế giới. Khi vị tân Giáo hoàng chọn cho mình tông hiệu là Lêô XIV, lịch sử như lập tức bước vào một khoảnh khắc của một sự chuyển tiếp kỳ diệu giữa Đức Phanxicô của lòng thương xót và Đức Lêô XIII của công bằng xã hội. Quả vậy, Đức Lêô XIII được xem là người tiên phong trong việc định hình và cổ vũ học thuyết xã hội của Giáo Hội, mở cửa đức tin để đối thoại với khoa học, và là người kiến tạo hoà bình ngang qua việc bảo vệ quyền lợi của những người lao động nghèo khổ. Đức Phanxicô là vị Giáo hoàng của những cải tổ mạnh mẽ, của cởi mở và đối thoại, của lòng thương xót, của người nghèo. Với tông hiệu Lêô XIV, Đức tân Giáo hoàng gởi đi một tuyên bố âm thầm nhưng mạnh mẽ về khát vọng hoà bình cho một thế giới đang còn oằn mình trong đau khổ, về sự tiếp nối sâu sắc của tinh thần cải tổ, của sứ mạng mở ra với thế giới, của một Giáo Hội hiệp hành, một Giáo hội nghèo cho người nghèo, và đặc biệt một Giáo Hội bao gồm những con người biết loan báo Tin Mừng bằng tinh thần cởi mở, đối thoại, xây dựng những chiếc cầu của lòng bác ái và tình huynh đệ đại đồng.  

Đức tân Giáo hoàng cho thấy một sự hoà quyện tuyệt đẹp giữa truyền thống và đổi mới. Ngài không ngại khoác lại trên mình chiếc áo mozetta, chiếc hoàng bào màu đỏ buông xuống vai, vốn tượng trưng cho quyền uy của một vị Giáo hoàng, và là chiếc áo mà vị tiền nhiệm của mình đã đặt qua một bên để nhắc nhớ cả Giáo Hội về giá trị của sự đơn sơ, khiêm hạ, và khó nghèo. Ngài xuất hiện với dáng vẽ tự tin, vững chãi, và uy nghi của truyền thống, nhưng đồng thời cũng rất thân thiện và dễ cảm mến, rất gần với cung cách mục vụ gần gũi và cởi mở của vị tiền nhiệm. Từ ban công của cửa sổ chính ở Đền thờ Thánh Phêrô, Đức tân Giáo hoàng trình diện với cả thế giới bằng một nụ cười tươi và hiền lành. Nhưng khi ống kính zoom lại gần, chúng ta mới thấy giọt lệ còn chưa kịp khô trên mắt của Ngài. Chưa kịp sống trọn vẹn giây phút thiêng liêng và xúc động cho riêng mình trong “căn phòng nước mắt” kế bên Nhà nguyện Sistine, ngài đã bước vào khung trời của sứ mạng, để hoà mình vào niềm vui chung của toàn thể Giáo Hội. Một chút xúc động thoáng qua, một giọt nước mắt lưng tròng của vị tân Giáo hoàng, đã trở nên thật đẹp và thật ý nghĩa trong giây phút xúc động của toàn thể cộng đoàn dân Chúa.

Những lời đầu tiên của vị tân Giáo hoàng Lêô XIV hướng đến mọi người không phải là một diễn văn long trọng. Trước niềm háo hức đợi chờ của cả Giáo Hội và cả thế giới, lời chào của ngài vang lên như những lời ngôn sứ thật dịu dàng và đầy tính gợi hứng, với một số từ khoá thật ý nghĩa và đắt giá: “hoà bình và bác ái”; “hiệp hành và hiệp nhất”, “đối thoại và loan báo Tin Mừng”, “đừng sợ”.

(1) Hoà bình và bác ái: khát mong của nhân loại và lời mời gọi trở về với cội nguồn Tin Mừng


Lời đầu tiên mà Đức tân Giáo hoàng chọn để chào cộng đoàn là cụm từ giản dị nhưng đầy sức mạnh: “Bình an ở cùng tất cả anh chị em!” Đây là lời của Đức Kitô Phục Sinh chào các môn đệ khi họ đang đóng kín trong thế giới của mình vì buồn rầu và sợ hãi. Lời ấy xuất hiện trên miệng của vị tân Giáo hoàng không chỉ như một công thức phụng vụ, nhưng còn có tác dụng như một tuyên ngôn thần học về sứ mạng trung tâm của Giáo Hội ở mọi thời đại, đó là sứ mạng làm chứng và trao ban bình an của Đức Kitô.

Rất đặc biệt khi ngài không nói đến một nền hoà bình mang tính chính trị, mà là một nền hoà bình được xây dựng trên nền tảng khiêm tốn, kiên nhẫn, bác ái, một loại hoà bình không dựa trên vũ khí. Trong bối cảnh hỗn loạn vì những xung đột leo thang của thế giới hiện nay, sứ điệp này vang lên như một tiếng chuông cảnh tỉnh lương tâm nhân loại và là một phương dược chữa lành cho rất nhiều tổn thương của các nạn nhân. Ngài khích lệ mọi người bằng sứ điệp vô cùng nền tảng của đức tin Kitô giáo: “Thiên Chúa yêu thương chúng ta”, và “sự dữ sẽ không chiến thắng”. Đó là cách một mục tử mời gọi đoàn chiên của mình sống Tin Mừng giữa lòng một thế giới còn đầy hoài nghi và lo âu, còn bị chi phối quá nhiều bởi văn hoá loại trừ và bạo lực.

(2) Hiệp hành và hiệp nhất: mô hình của một Giáo Hội bước đi cùng nhau


Một trong những chọn lựa tiếp nối rõ nét nhất từ di sản của Đức Phanxicô mà chúng ta có thể thấy nơi Đức Lêô XIV là việc nhấn mạnh đến hình ảnh của một Giáo Hội hiệp hành, một Giáo Hội hiệp nhất và bước đi cùng nhau. Hiệp hành không chỉ là một tiến trình tổ chức, nhưng chắc chắn sẽ là một thái độ mục vụ sâu sắc của vị tân Giáo hoàng: Giáo Hội là dân của Thiên Chúa, tay trong tay, cùng nhau lắng nghe và cùng nhau hành động. Cùng với Ngài, tất cả chúng ta sẽ là một một Giáo Hội cùng nhau bước đi trong cuộc hành trình tìm kiếm và hoà bình và công bằng, hướng đến những giá trị tốt đẹp nhất cho cả nhân loại.

Ai cũng có thể thấy sức mạnh của lời mời gọi và định hướng mục vụ này giữa lòng một thế giới phân mảnh như hôm nay. Viễn tượng của Đức tân Giáo hoàng là hình ảnh về một Giáo Hội có thể trở thành không gian của hiệp nhất, không phải là bằng chinh phục và đồng hoá, nhưng là bằng đối thoại trong khác biệt. Hiệp hành là cung cách sống, là dung mạo, là căn tính của Giáo Hội giữa lòng thế giới hôm nay.

(3) Một Giáo Hội đối thoại và loan báo Tin Mừng: dấn thân vào giữa lòng thế giới chứ không lùi lại phía sau

Là một nhà truyền giáo đã từng sống nhiều năm tại Peru và phục vụ những người bản địa nghèo khó, chắc chắn Đức Lêô XIV là người giàu có trong kinh nghiệm sống và gặp gỡ những nền văn hoá khác nhau. Trong tim của ngài, chắc chắn có một vị trí đặc biệt dành cho những người bên lề. Rất giống với vị tiền nhiệm của mình, ngài mời gọi chúng ta hành động và bày tỏ sự gần gũi với những người đau khổ nhất.

 Thật cảm động khi trong giây phút đặc biệt nhất của một vị tân Giáo hoàng, ngài không quên dành một giây phút cho đàn chiên nhỏ bé ở Giáo phận Chiclayo xa xôi mà ngài đã từng phục vụ. Ngài nói trực tiếp với họ bằng ngôn ngữ mà họ có thể hiểu được. Ngài cám ơn sự cống hiến và những dấn thân của họ trong việc xây dựng Giáo Hội. Sau đó, ngài mới hướng đến Giáo phận Roma của mình và nhắn gởi cho toàn thế giới về việc sống với một thái độ cởi mở và đôi tay giang rộng, để trở nên những nhà truyền giáo và loan báo Tin Mừng. Từ khoá “đối thoại” trong lời chào đầu tiên của ngài không chỉ mang tính ngoại giao mà còn mang một chiều kích thần học và thiêng liêng đặc biệt. Đó là một hình thức hiện diện của Ngôi Lời Nhập Thể giữa lòng thế giới, một Giáo Hội biết hiện diện, cảm thông, lắng nghe, và chia sẻ. Có thể mường tượng được rằng đối thoại bằng ngôn ngữ của tình thương sẽ là chìa khoá của sứ mạng loan báo Tin Mừng trong triều đại của vị tân Giáo hoàng của chúng ta.

(4) Đừng sợ: lời mời gọi can đảm sống đức tin trong thế giới hiện đại

Trong lời chào ngắn ngủi, cụm từ “đừng sợ” được lặp lại 2  lần. Cụm từ ấy gợi lại tiếng chào đầy mãnh lực của Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II trong bối cảnh thế giới vào năm 1978. Thế nhưng sâu xa hơn, cụm từ ấy là tiếng chào của Đức Kitô Phục Sinh dành cho các môn đệ đang sợ hãi và nghi ngờ của mình. Lời chào ấy được lặp lại cho thế giới của chúng ta hôm nay.

Nhìn nụ cười thân thiện và cử chỉ trìu mến của vị tân Giáo hoàng, chúng ta nhận ra rằng “đừng sợ” không chỉ là một lời hô hào trống rỗng. Đó là một xác tín của đức tin, rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta và vẫn đang hành động ngay trong bóng tối và thử thách của thế giới chúng ta. “Chúng ta là những môn đệ của Đức Kitô. Ngài đi trước chúng ta. Thế giới cần đến ánh sáng của Ngài. Nhân loại cần đến Ngài như chiếc cầu giúp vươn đến Thiên Chúa và tình yêu của Thiên Chúa.”

Có thể là quá sớm khi nói rằng những lời chào ngắn ngủi đầu tiên của Đức Thánh Cha Lêô XIV đã vẽ ra cho Giáo Hội một chương trình mục vụ. Thế nhưng, từ lời chào đơn sơ và chân tình, nhưng cũng thật vững vàng và đầy xác tín của ngài, chúng ta có thể nhận ra một làn gió mới đang thổi qua Giáo Hội, làn gió của Thánh Thần Thiên Chúa, Đấng vẫn luôn hành động trong Giáo Hội và ngang qua Giáo Hội. Đấng ấy không dẫn dắt Giáo Hội theo những đường thẳng an toàn hay trong những khuôn khổ khép kín, nhưng theo những khúc quanh đầy bất ngờ. Kết quả bầu cử vị Giáo hoàng thứ 267 chính là một khúc quanh đầy bất ngờ như thế!

Tạ ơn Chúa ban cho chúng ta một vị mục tử biết đặt mình vào giữa lòng dân Chúa như một người bạn đồng hành, như một người cha hiền lành và khiêm tốn, để dẫn dắt đoàn dân lữ hành tiến bước giữa thế gian và hướng về quê hương thiên quốc.



Lm. Giuse Cao Gia An, SJ
Ghi lại phản hồi, xin nhấn vào »  Nhập ý kiến của bạn:
Ý kiến - nhận xét của bạn về bài:

Từ Đức Phanxicô đến Đức Lêô XIV, một Chúa Thánh Thần luôn bất ngờ và mới mẻ

Tên:
Email:
Ý kiến - nhận xét - Comments:

  (hoặc nhấn phím ESC hoặc nhấn vào khung nền)

Chưa có ý kiến   Pending (3)
TIN - BÀI KHÁC   506 tin bài trong CHUYÊN ĐỀ » Đất nước - Con người
  Châm ngôn và Huy hiệu của Đức Giáo hoàng Lêô XIV | Vatican News
  Ảnh chính thức của Đức Giáo hoàng Lêô XIV | Vatican News
  Thánh Giá của Đức Lêô XIV có thánh tích của hai Thánh Augustinô và Monica | Vatican News
  Ký ức của Đức tân Giáo hoàng Lêô XIV về Đức cố Giáo hoàng Phanxicô | Vatican News
  Huấn quyền truyền giáo của Đức cố Giáo hoàng Phanxicô | Vatican News
  Cho đến phút cuối, Đức cố Giáo hoàng Phanxicô vẫn gửi thư cho các lãnh đạo Nam Sudan thúc giục hoà bình | Vatican News
  Đức cố Giáo hoàng Phanxicô: Chúa đã bắt đầu. Chúa đã gọi tôi. Chúa ở cùng tôi | Vatican News
  Đức cố Giáo hoàng Phanxicô tin với lòng thương xót án tử hình sẽ chấm dứt | Vatican News
  Đức Giáo hoàng và bức ảnh Đức Mẹ Salus Populi Romani, tình yêu của người con dành cho Mẹ | Isabella Piro
  ROGITO - Bản tóm tắt tiểu sử của Đức Thánh Cha Phanxicô được đặt trong linh cữu | Vatican News
  Đức Thánh Cha Phanxicô và bức hoạ còn dang dở | Phượng Hoàng, SJ
  Ân sủng Phục Sinh, một sự trở về Thiên đàng trong sự quan phòng của Thiên Chúa | Vatican News
  Đức Giáo hoàng Phanxicô: Chứng tá về ơn gọi làm người | Khắc Bá SJ
  6 năm cuối triều đại Giáo hoàng Phanxicô: Người lữ hành cao tuổi mang những lo âu của thế giới | Vatican News
  Ngôi mộ của ĐTC Phanxicô nói lên cuộc đời ngài | Vatican News
  ĐTC Phanxicô, người con của Công đồng Vatican II | Vatican News
  Sơ Geneviève Jeanningros, bạn của ĐTC Phanxicô, thương tiếc ngài | Vatican News
  Đức Thánh Cha Phanxicô “Giáo hoàng của hoà bình, cho hoà bình” | Vatican News
  6 năm đầu Triều đại Giáo hoàng Phanxicô: Triều đại của lòng thương xót | Hồng Thuỷ
  Những hoạt động cuối cùng của Đức Thánh Cha Phanxicô | Vatican News
Tìm kiếm trong phần Tin - Bài này
 [Tìm tên bài, tên tác giả, nội dung...]
Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 5-2025
Cầu cho điều kiện làm việc.
Chúng ta hãy cầu nguyện rằng thông qua công việc, mỗi người có thể tìm thấy sự viên mãn, các gia đình có thể được duy trì trong phẩm giá và xã hội có thể được nhân bản hóa.
SUY NIỆM TIN MỪNG

Phim - Nhạc - Suy niệm
Xem chuyên mục Media Online
Từ Điển Online:     

Truyền Tin

Email: tt.march25@gmail.com

Website: truyen-tin.net

Online since: May 2010

Tìm kiếm nội dung
(Gõ từ khóa vào vào khung dưới đây)
Tìm kiếm trong Google
Nhấn vào >> Google Search

Liên hệ

Đặt làm trang chủ

@