Kính thưa Đại hội,
Chúng con, Ban Mục vụ Truyền thông Tổng Giáo phận TP. Hồ Chí Minh, xin trình bày những ý kiến của chúng con cho Đại hội Dân Chúa Việt Nam 2010.
Hội Thánh có sứ vụ truyền thông Tin Mừng cứu độ và tình thương của Thiên Chúa cho mọi tạo vật. Khi suy nghĩ về sứ vụ này, trên phương diện truyền thông, chúng con có những nhận định và đề xuất như sau:
1. Truyền thông để Hiệp thông
Giáo hội là thân thể của Đức Kitô trong đó mỗi cộng đoàn và thành viên là chi thể. Giữa một thế giới đang thay đổi nhanh chóng, các phương tiện truyền thông là công cụ rất tốt nhằm thông truyền, nối kết và hiệp nhất các chi thể trong cùng một thân thể Giáo Hội.
Trước khi phát hành thông tin, bản thân chúng con, những người làm công tác truyền thông, luôn cố gắng tự hỏi, và cũng kêu mời anh em trong lãnh vực tự hỏi mình rằng: thông tin chúng ta loan tải có xây dựng sự hiệp thông trong thân thể Giáo Hội hay không.
Chúng con ý thức rằng: Truyền thông, không chỉ là sử dụng các phương tiện để trao gửi thông tin, nhưng chính là trao ban chính mình vì Tình Yêu và sự Hiệp thông của Hội Thánh, theo gương mẫu Đức Kitô.
2. Truyền thông trong mục vụ
Việc mục vụ sẽ phát huy hết ý nghĩa và hiệu quả khi đi cùng công tác truyền thông. Hiện công tác mục vụ tại các cấp rất nhiều, nhưng khía cạnh truyền thông trong hoạt động mục vụ lại chưa được quan tâm cho đủ, nếu không nói rằng rất thiếu. Và như thế là bỏ qua một phương tiện rất hữu hiệu cần có.
Chẳng hạn, trước khi phát hành một cuốn sách giáo lý chung cũng cần phải có một chiến dịch truyền thông riêng cho cuốn sách. Trước khi ấn định cử hành Năm Thánh và Đại Hội, cũng cần có một chương trình truyền thông riêng với những kế hoạch chi tiết rõ nét, hợp lý và khả thi.
Chúng con lưu tâm đến hoạt động truyền thông và mục vụ tại giáo xứ. Các ban ngành, đoàn thể phục vụ cho giáo xứ đã được xây dựng. Tuy nhiên, hầu hết chưa có bộ phận hay cơ chế nào phục vụ cho công tác truyền thông đúng nghĩa và đúng “bài bản”.
Như vậy, xin hãy nhìn nhận truyền thông như là một chiều kích cơ bản của Hội Thánh ở mọi bình diện. Cần xây dựng một phương thức thống nhất, hợp tác và toàn diện giữa truyền thông với các hoạt động mục vụ.
3. Truyền thông và truyền giáo
Việc rao giảng Tin Mừng không thể thực hiện mà không có các phương tiện truyền thông xã hội.
Hoạt động truyền giáo đã có nhiều nỗ lực. Tuy nhiên, số liệu cho biết phần trăm người Công giáo so với dân số vẫn không thay đổi nhiều từ nhiều năm nay. Giáo hội Việt Nam chúng ta vẫn đang loay hoay cho chính mình.
Để việc truyền giáo hữu hiệu hơn, song song với việc tạo mối truyền thông thực sự với Chúa, Giáo Hội cần tích cực và thường xuyên hiện diện trên các phương tiện truyền thông truyền thống cũng như hiện đại để thông truyền Lời Chúa cách hữu hiệu cho mọi người. Cung cấp Lời Chúa, giáo huấn và thông tin nhanh chóng. Tổ chức đối thoại dưới nhiều hình thức với dân chúng, công chúng, người nghèo, các tôn giáo.
4. Tổ chức truyền thông và đào luyện truyền thông
Để mục vụ truyền thông Lời Chúa đạt được hiệu quả đúng mực, cần đưa bộ môn truyền thông vào các chương trình giáo dục do Giáo Hội phụ trách như đào tạo chủng sinh, tu sĩ, giáo lý viên. Dĩ nhiên, cần đào tạo các chuyên viên đặc trách truyền thông của Giáo Hội.
Cần tổ chức lại hệ thống và quy trình cung cấp thông tin trong Giáo Hội, chuẩn hoá các văn phòng truyền thông tại các cấp giáo phận cũng như toàn quốc. Cần lập kế hoạch truyền thông ngắn hạn và dài hạn, đối nội và đối ngoại phục vụ cho công tác mục vụ và huấn giáo.
5. Văn phòng/uỷ ban kế hoạch - điều phối
Hiện có rất nhiều nỗ lực xây dựng Giáo Hội ở nhiều cấp độ. Tuy nhiên, có những lúc công việc bị chồng chéo, không huy động hết nguồn lực và chậm trễ.
Chúng con mong ước ngoài các uỷ ban của Hội đồng Giám mục hiện nay, cần có một uỷ ban hay văn phòng kế hoạch, nhằm làm đầu mối quy tụ các chương trình và dự án lớn trong toàn thể Giáo Hội.
Xin chân thành cám ơn Đại hội.
(Phần trên là tham luận tại Đại hội trong khuôn khổ thời gian 5 phút. Những đề xuất chi tiết dưới đây xin thêm vào như một văn bản làm tài liệu.)
6. Những đề xuất chi tiết khác
Thực hiện việc nghiên cứu nghiêm túc và lượng giá để thấy rõ các nguồn lực, các thế mạnh, các điểm yếu, các cơ hội và hướng đi cho các hoạt động truyền thông. Lên kế hoạch mục vụ cho hoạt động truyền thông ở mọi cấp.
Kết hợp linh đạo truyền thông vào tất cả các kế hoạch mục vụ và chương trình huấn luyện. Cổ võ việc đào tạo về truyền thông cho những người làm công tác mục vụ, kể cả tu sĩ và giáo dân, qua các chương trình học khác nhau tại các trung tâm mục vụ hoặc trên mạng Internet, qua các cuộc hội thảo và phổ biến các chương trình giúp tự học...
Thu thập, chuyển ngữ, phổ biến các tài liệu truyền thông của Giáo Hội toàn cầu và Liên Hội đồng Giám mục Á châu, nhất là các văn bản về luân lý truyền thông để sử dụng như nguyên tắc chỉ đạo và hướng dẫn cho các nghiên cứu, suy tư và hành động đi xa hơn.
Xây dựng mạng lưới hiệu quả các nhà truyền thông Công giáo để chia sẻ các nguồn lực, phổ biến những thông tin có giá trị, và hợp tác trong các hoạt động truyền thông của Giáo Hội. Cung cấp những chương trình chăm sóc mục vụ và đối thoại cho các chuyên viên truyền thông, lưu ý đặc biệt đến việc phát triển đức tin và sự tăng trưởng đời sống thiêng liêng của họ.
Xác định và phổ biến các chiến thuật mới cho việc rao giảng Tin Mừng và Mục vụ Huấn giáo áp dụng các kỹ thuật truyền thông truyền thống cũng như hiện đại và các phương tiện truyền thông xã hội khác nhau tùy theo tình huống.
Cần quan tâm đến các gia đình, đặc biệt giới trẻ cần được hướng dẫn trong một xã hội nhiều cám dỗ và thách đố về luân lý. Các vị lãnh đạo trong Giáo Hội và các nhà truyền thông Công giáo phải là bạn đồng hành và người dẫn dắt cho giới trẻ, giúp họ biết sử dụng đúng đắn các phương tiện truyền thông, giải đáp các vấn đề về đạo đức, tôn giáo, đời sống thiêng liêng… và tạo các sân chơi lành mạnh cho họ.