Ngoài các đại biểu trong nước, Đại hội Dân Chúa lần này cũng mời đại diện HĐGM các Giáo Hội chị em từ các nước khác, nơi có các di dân Việt Nam sinh sống.
Sau khi các đại biểu diễn tả cảm nhận của mình về những ngày sống trong Đại Hội, các vị khách quý nói trên đã được mời phát biểu.
1. Cha Chalerm Kitmong Khol: Linh mục Đặc trách Di dân tại Thái Lan (Phát biểu bằng tiếng Việt)
Tại Thái, cộng đoàn CGVN có thể chia thành 3 thành phần theo thời gian nhập cư: thời Minh Mạng Tự Đức bách hại, thời chiến tranh 45-54, và thời sau biến cố 1975.
Hai thành phần đầu đóng góp nhiều vì đã có quốc tịch, thông thạo Thái ngữ, hội nhập vào đời sống Giáo Hội Thái, chỉ thiếu linh mục người Việt. Những người lớn tuổi cần nâng đỡ thông cảm.
Quan trọng là thành phần thứ ba nhập cảnh không chiếu khán và bất hợp pháp, không có con số chính xác nhưng khoảng 6-8 ngàn người Việt, trong đó 2-3 ngàn là công giáo, phần lớn hành nghề tốt thôi, nhưng lại bất hợp pháp: may vá, giữ xe, làm nhà hàng… Họ gặp rất nhiều khó khăn vì không ai hướng dẫn. Vì sống bất hợp phát nên không dám đi nhà thờ, không được học giáo lý, phá thai không được ai giúp đỡ, con cái không được rửa tội vì không có linh mục Việt Nam...
Hiện có nhóm Niềm Tin do 1 linh mục Việt Nam tại Đức phụ trách. Thiếu linh mục nên chỉ chú trọng lo cho người Công giáo, chưa tổ chức được thánh lễ và dạy giáo lý ở những khu vực người Việt cư ngụ, tập trung hay bị bắt bớ.
Tin vui: 2 cha Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam và Thái đồng ý phái một linh mục Việt Nam qua Thái giúp. Xin cám ơn HĐGMVN đã quan tâm.
2. Cha Nghe Lee Kiang Anthony: Linh mục đặc trách Di dân tại Malaysia
Chia sẻ kinh nghiệm mục vụ cho người di dân tại Malaysia và cám ơn Đức Hồng Y quan tâm cho Linh mục qua giúp mục vụ khi cần.
Nước Malaysia có 75% Hồi giáo. Các linh mục tổ chức sinh hoạt kiểu cộng đoàn Kitô hữu căn bản, đón tiếp mọi giáo dân không kể di dân hay người địa phương. Các ngài cũng thường xuyên kiểm điểm lượng giá các hoạt động cho Di dân.
3. ĐGM Bosco Lin : Giám mục đặc trách Di dân tại Đài Loan
Là Chủ tịch UB Di Dân, Ngài chúc mừng Đại Hội Dân Chúa. Số người Di dân tại Việt Nam rất đông, khoảng 700.000 công nhân nhập cư, trong đó có hơn 90.000 công nhân lao động và 40.000 cô dâu Việt Nam. Có một số linh mục Việt Nam, đa số thuộc Dòng Gioan Tẩy Giả.
Cần có các nữ tu để giúp các cô dâu. Ước mong HĐGMVN quan tâm giúp đỡ. Hiện nay số Công Giáo tại Đài Loan chưa đến 1%, nên cộng đồng Công Giáo Việt Nam tại Đài Loan sẽ đóng góp giúp phát triển cho Giáo Hội Đài Loan.
4. Đức Phó TGM Michael Goro Matsuura Giáo phận Osaka đến từ Nhật
Giáo Hội Nhật Bản cũng quan tâm đến việc bảo vệ sự sống vì gần 10 năm nay năm nào cũng có hơn 30.000 người tự tử hàng năm. Sứ điệp của Đại Hội Dân Chúa Việt Nam giúp ngài học được điều liên quan đến phạm trù sự sống.
Người Công giáo tại Nhật rất ít nên con số 6.000 người Công giáo Việt Nam trong hơn 35.000 người Việt Nam tại Nhật là một con số đáng kể đóng góp cho đời sống Giáo Hội tại Nhật. ĐGM Michael cám ơn Giáo Hội Việt Nam gần đây đã gởi đến Nhật nhiều ơn gọi, nhiều ứng sinh linh mục; họ đang là nòng cốt để xây dựng Giáo Hội Nhật. Ngài cám ơn và sẽ quan tâm chăm sóc.
Hôm nay đến tham dự Đại Hội Dân Chúa tại Việt Nam, ĐGM hy vọng sẽ là một cầu nối cho hai Giáo Hội.
Cha Cao Sơn Thân cũng đại diện anh chị em linh mục tu sĩ giáo dân Việt Nam tại Nhật để chúc mừng Đại hội.
5. ĐGM Claude Schoker: Giám mục đặc trách Giáo dân tại Pháp
ĐGM Claude Schoker rất vui mừng cám ơn Đức Hồng y đã mời dự Đại Hội Dân Chúa Việt Nam. Ngài chia sẻ tình hình tôn giáo tại Pháp: có sự tách rời giữa đạo và đời, thần quyền và thế quyền. Đạo Hồi là tôn giáo đông thứ hai tại Pháp.
Người Pháp quan niệm tôn giáo là việc của cá nhân. Trong tình trạng giảm sút linh mục, Ngài suy tư về việc chia sẻ một phần trách nhiệm cho giáo dân. Lắng nghe những suy tư chia sẻ, có nhiều điều gợi ý cho Ngài trong đường hướng mục vụ tại Pháp.
GH Pháp có một chương trình giáo lý đặc biệt và cũng quan tâm đến phong trào Công Giáo tiến hành. Dự án 2010: đối thoại liên tôn, vấn đề môi sinh và những hậu của cho hoà bình thế giới.
Pháp phải đối phó nhiều vấn đề, nhất là vấn đề di dân. Hiện nay, có 25 cộng đoàn
di dân Công giáo Việt Nam tại Pháp. Có một Uỷ ban toàn quốc gồm các vị giáo sĩ phụ trách di dân họp nhau 2-3 năm 1 lần. GH Pháp lưu ý đến việc bênh vực các quyền lợi của con người.
Ngày 16-1-2011 là Ngày Quốc tế Di dân với chủ đề: Thế giới là một gia đình nhân loại duy nhất. Người Kitô hữu phải là dấu chỉ hiệp thông.
Lm thông dịch viên cho ĐGM Claude Schoker, đại diện các cộng đoàn Việt Nam tại Pháp, chúc mừng và cám ơn Đại Hội.
6. Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Mạnh Hiếu, GM. Phụ tá Giáo phận Toronto, Canada
“Con rất vui mừng vì được nâng đỡ cầu nguyện và đón nhận trong tình huynh đệ. Tại Việt Nam con được sinh ra làm người và làm con Chúa, được vun trồng trong ơn gọi tu trì. Những ngày qua con cảm nhận bầu khí yêu thương những đóng góp cởi mở chân thành thực tế, ước mong đổi mời Giáo Hội Việt Nam đầy sức sống. Một điểm son là mọi người tích cực tham dự đóng góp, có những lời đề nghị tha thiết được dự phần làm cho Giáo Hội được đổi mới trong ân sủng.Chúng con quan tâm đến công tác tái Phúc Âm. Hiện nay, nhiều người không đi lễ, không giữ đạo vẫn xưng mình là người Công giáo. Đây là một bài toán khó cho các vị lãnh đạo Giáo Hội.
Nhìn chung người Công Giáo Việt Nam còn sống đạo tốt nhưng có ai dám bảo đảm trong tương lai sẽ vẫn như thế?
Nhiều người trẻ mong muốn đóng góp cho Giáo Hội. Họ là những phần tử dự phần vào cuộc sống Giáo Hội không chỉ trong tương lai nhưng ngay bây giờ.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho Đại hội, cho những nỗ lực góp phần xây dựng ngôi nhà chung Giáo Hội Việt Nam.”
7. Cha Giuse Nguyễn Thanh Liêm - Linh mục Chủ tịch Liên Đoàn Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ
Cha bày tỏ niềm vui vì có dịp chứng kiến sức sống của Giáo Hội Việt Nam qua Đại Hội Dân Chúa. Đây là một mốc lịch sử trong đời sống Giáo hội Công giáo Việt Nam.
Cha vui vì được lắng nghe những chia sẻ xây dựng đối với Giáo Hội. Ngài nhận thấy những đóng góp hết sức thực tế chân thành, thấy được nguyện vọng của tất cả cộng đồng dân Chúa. Ngài nghĩ rằng tất cả những đóng góp này không chỉ giúp ích cho HĐGMVN, mà cho các Uỷ Ban, các Giáo phận, giáo xứ, và mọi người. Ngài nhận thấy bầu khí hết sức thánh thiện, cởi mở, ấm cúng và đầy tình huynh đệ. Ngài ước mong những tâm tình tốt đẹp đó theo mãi trong suốt cuộc đời của mỗi người chúng ta…
Đáp lời các vị khách quý, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm đã cám ơn với những tâm tình rất thân thương, Ngài cầu chúc các vị mọi điều tốt đẹp.