Ngay cả nếu có ai đó nói rằng bạn chẳng có chút cơ hội gì, cũng đừng vì thế mà từ bỏ ước mơ của mình.
Truyen-tin.net - Sơ lược dữ kiện:

  • ♥ Tiểu sử Các Thánh: 272
  • ♥ Các Bài đọc thánh lễ: 772
  • ♥ Văn hoá, nghệ thuật: 1154
  • ♥ Tin tức, chuyên đề... 15439
  • ♥ Thư viện hình ảnh: 6916
  • ♥ Suy niệm Lới Chúa: 784
  • ♥ Video: 2269
  • ♥ Tài liệu tham khảo: 780

... cùng những sưu tập khác.
tt
Laudetur Jesus Christus - Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô NewsFeed
-
VĂN KIỆN » Truyền Thông
Back TRỞ LẠI (Cập nhật: 10/01/2011 12:00:00 SA)
A  A  A
"Truyền thông trong Mục vụ và Truyền giáo" (1)

Ấn bản thứ hai

 

Nguyên bản: COMMUNICATING IN MINISTRY AND MISSION

Tác giả: FRANZ-JOSEF EILERS, SVD

***

NHẬP ĐỀ

Hội thánh có sứ vụ truyền thông Tin Mừng cứu độ và tình thương của Thiên Chúa cho mọi tạo vật, và Hội Thánh còn phải tiếp tục truyền thông trong Thiên Chúa Ba Ngôi công việc truyền thông của Người về mầu nhiệm Mặc Khải và Nhập Thể vào cuộc sống cụ thể hằng ngày qua muôn thế hệ. Việc truyền thông này được thực hiện bằng ba phương thức có liên hệ mật thiết với nhau: rao giảng (Kerygma), đời sống cộng đoàn hiệp thông (Koinonia) và phục vụ chu đáo (Diakonia). Truyền Thông Mục Vụ theo nghĩa rộng quan tâm tới cả ba phương thức này dưới góc nhìn của việc truyền thông sự chăm sóc của Thiên Chúa cho dân Người.

Thần học truyền thông nhìn toàn thể Thần học dưới nhãn quan truyền thông. Vì vậy ‘Truyền Thông’ trở thành một nguyên tắc thần học từ đó chúng ta nhìn toàn bộ thần học: Thần học Hệ thống là học về nội dung và các hình thức của việc Thiên Chúa truyền thông trong Hội Thánh và nhờ Hội Thánh. Thần học Kinh Thánh vạch ra các đường lối, ý nghĩa và nội dung của việc Thiên Chúa truyền thông trong các Sách Thánh. Thần học Cơ Bản là học về việc Thiên Chúa truyền thông trong tạo dựng và trong lịch sử nhân loại. Thần học Mục vụ là học về các cách thức và phương tiện của truyền thông trong việc chăm sóc dân Thiên Chúa. Thần học Truyền giáo học về các cách thức và phương tiện Thiên Chúa dùng để truyền thông cho những ai chưa là thành viên của Hội Thánh. Phụng Vụ là cách diễn tả truyền thông của kinh nguyện và cộng đoàn với và trong Thiên Chúa. Khoa giảng thuyết là học và thực hành các cách thức rao giảng trong Hội Thánh. Một cách đặc biệt, chúng ta phải dựa vào tất cả các lãnh vực này để thể hiện thừa tác vụ Truyền thông Mục vụ của Hội Thánh trong việc chăm sóc các thành viên Hội Thánh.

Truyền thông Mục vụ

Truyền thông Mục vụ liên quan tới Thần học Mục vụ. Gerald O. Collins (2001) cho rằng Thần học Mục vụ có mục đích và mục tiêu sau đây:

* Chuyển từ học hỏi Kinh Thánh và thần học hệ thống sang Rao giảng và Huấn giáo.

* Thực hành Phụng vụ và đời sống bí tích.

* Tư vấn về đời sống luân lý và thiêng liêng.

* Chăm sóc những người gặp các vấn đề đặc biệt.

* Đấu tranh cho công lý và hoà bình.

* Chăm sóc những người thuộc các lứa tuổi và các cảnh sống khác nhau.

Collins coi Thần học Mục vụ là một Thần học Thực hành và một suy tư có phê phán về sứ mạng đa diện của Hội Thánh trên thế giới.

Nhìn dưới nhãn quan này, Truyền thông Mục vụ là truyền thông về việc chăm sóc mục vụ, ‘chăn dắt’, xây dựng, duy trì và đào sâu đức tin. Một cách đặc biệt và theo nghĩa chặt hơn, truyền thông mục vụ là communicatio intra Ecclesiam, truyền thông bên trong Hội Thánh cho các thành viên của Hội Thánh hay những người đang chuẩn bị trở thành thành viên Hội Thánh.

Truyền thông Mục vụ xuất phát từ ‘người Mục tử,’ người chăn dắt’ và là tất cả những gì liên quan tới các phương tiện, phương pháp và nội dung truyền thông mà người mục tử cần đến để truyền thông với đoàn chiên và nuôi dưỡng đoàn chiên. Đức Kitô mục tử nhân hậu là gương mẫu (x. Ga 10).

Chính Người đề ra và mô tả các chuẩn mực và thái độ cần thiết đối với một người truyền thông mục vụ mẫu mực:

* Người mục tử tốt thì biết chiên của mình, và nói theo thuật ngữ truyền thông là biết các khán thính giả của mình, các khách hàng của mình, những người được giao cho mình chăm sóc. Không chỉ biết mặt biết tên, nhưng hơn thế nữa, càng biết các thái độ, các kỳ vọng và nhu cầu của họ, người mục tử càng có thể truyền thông hiệu quả hơn...

* Đàn chiên biết chủ chiên của mình, và nói theo thuật ngữ truyền thông, người chủ chiên trở nên dễ thấy, trong suốt, dễ tiếp cận và sẵn sàng mở cửa lòng mình cho những người được giao phó cho mình coi sóc, và họ cũng mở cửa lòng họ ra vì hoàn toàn tin cậy chủ chiên của họ.

* Chủ chiên hiến mạng sống mình cho đàn chiên vì quan tâm tới các nhu cầu thực sự của họ, đức tin, cuộc sống của họ và mối quan hệ rộng mở của họ đối với Chúa. Các quan tâm đầu tiên của người chủ chiên không phải là quan tâm về các nhu cầu cá nhân của mình, chúng có thể cản trở hay làm phai mờ sự truyền thông với những người được giao phó cho họ (x. Ed 34,1-16). Với thái độ truyền thông và cởi mở, người chủ chiên “hiến mình trong tình yêu” theo định nghĩa của Communicatio et Progressio (số 11) về truyền thông trong bản chất sâu xa nhất của nó.

Như vậy, theo nghĩa rộng, Truyền thông Mục vụ có thể được nhìn trong mọi hoạt động truyền thông của Hội Thánh và của các thành viên Hội Thánh. Nó là chiều kích mục vụ của truyền thông xã hội của Vatican II được hiểu như là truyền thông trong và của xã hội loài người. Uỷ ban chuẩn bị cho Sắc lệnh Inter Mirifica của Vatican đề nghị thuật ngữ truyền thông xã hội bởi vì thuật ngữ này diễn tả rõ rệt hơn mối quan tâm của các nghị phụ Công Đồng vượt qua các phương tiện truyền thông đại chúng hay các phương tiện quảng bá. Thuật ngữ này đã được thích nghi cho việc sử dụng chung của Hội Thánh và chỉ về mọi hoạt động truyền thông của con người trong xã hội. Nó liên quan đến các “quan hệ truyền thông của các thành viên của một hệ thống xã hội, các phương tiện, cơ cấu và qui trình của các mối quan hệ ấy”. Nó bao gồm “tất cả các hành vi truyền thông nào của con người mà có liên quan trực tiếp hay gián tiếp với một xã hội con người cụ thể” (có thể xem trình bày chi tiết hơn trong: Franz-Josef Eilers, Communicating in Community. Ấn bản thứ 3, Manila 2002, tr. 311-318).

Tuy nhiên theo một nghĩa hẹp hơn, Truyền thông Mục vụ trước hết và trên hết quan tâm tới các thành viên của Hội Thánh trong các nhu cầu truyền thông của họ. Nó là chiều kích truyền thông của mọi thừa tác vụ của Hội Thánh, các phương tiện truyền thông, các cách thức, cơ cấu, nhu cầu và khả năng truyền thông đối với thừa tác vụ của

- các thừa tác viên của Hội Thánh như giám mục và linh mục;

- các thừa tác viên giáo dân trực tiếp tham gia vào hoạt động của Hội Thánh;

- mọi Kitô hữu với tư cách là thành viên của Hội Thánh, có bổn phận truyền thông đức tin của mình bằng lời nói và việc làm một cách trực tiếp hay gián tiếp cho mọi người xung quanh.

Là Kitô hữu và sống ơn gọi này có một chiều kích thừa tác và truyền thông. Nó đòi phải làm cho Đức Kitô ‘nhập thể’ và khám phá ra sự nhập thể của Người nơi những người khác, những nền văn hoá và tôn giáo của họ.

Truyền thông Mục vụ có nghĩa là:

* Hiện diện khi người khác cần chúng ta nhất;

* Làm chứng cho các giá trị của Chúa Giêsu trong quan hệ với người khác;

* Đưa người ta vào mối hiệp thông và đời sống cộng đoàn để làm men cho xã hội;

* Đem sự sống đến cho người khác trong tình yêu thương và phục vụ quên mình (‘diakonia’) qua việc chăm sóc họ;

* Giúp người ta tìm ra câu trả lời cho cuộc tìm kiếm của họ về

- ý nghĩa cuộc đời

- hướng đi đúng

- chọn lựa đúng

- sống các niềm xác tín và đức tin

- tìm ra con đường dẫn đến Thiên Chúa và Chúa Giêsu

* Trở nên bạn đồng hành trong việc truyền thông với người khác.

Truyền thông trong rao giảng Tin Mừng

Khi nhìn Truyền thông Mục vụ theo nghĩa rộng, ta cũng có thể thấy sự ‘chăm sóc mục vụ’ được mở rộng ra cho những người chưa thuộc về đàn chiên Chúa, những người được mời gọi vào đàn chiên. Nhưng như khoa truyền giáo biệt lập với khoa Thần học Mục vụ, thì cũng thế, trong lĩnh vực truyền thông, khía cạnh truyền giáo, rao giảng Tin Mừng, hay missio ad gentes, như Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II gọi trong thông điệp Redemptoris Missio (1990) của ngài về truyền giáo, cũng phải được nhìn như một lĩnh vực quan tâm, học hỏi và thực hành riêng biệt. Hội Thánh có nhiệm vụ bó buộc phải loan báo, rao giảng Tin Mừng, nhiệm vụ này khác với việc chăm sóc các thành viên trong nội bộ Hội Thánh; phương pháp truyền thông trong lĩnh vực này cũng phải khác. Missio ad intra (sứ mạng đối nội) là một mặt của Hội Thánh, còn mặt kia là missio ad extra (sứ mạng đối ngoại), sứ mạng vươn ra bên ngoài Hội Thánh và cũng có thể gọi là truyền thông Kerygmatic, truyền thông loan báo và rao giảng Tin Mừng. Loại truyền thông này khác với Truyền thông Mục vụ theo nghĩa hẹp. Truyền thông Mục vụ hướng nhiều hơn vào đời sống bên trong Hội Thánh (ad intra) trong khi Truyền thông Rao giảng Tin Mừng (= Truyền thông Truyền giáo) hướng tới đời sống và bổn phận của các Kitô hữu và của Hội Thánh ra ‘bên ngoài’ (ad extra).

Truyền thông Truyền giáo quan tâm tới việc truyền thông Nước Thiên Chúa vượt ra ngoài ranh giới hạn hẹp của Hội Thánh. Nó là sự truyền thông tình yêu cho những ‘người ngoài’, việc truyền thông này thường bắt đầu bằng chứng tá đời sống. “Kìa xem họ yêu thương nhau biết bao” là lời bình luận của dân chúng về các Kitô hữu tiên khởi và thường trở thành yếu tố cơ bản để gia nhập Nước Đức Kitô.

Vì vậy truyền thông truyền giáo đi xa hơn nhưng cũng bao gồm rất nhiều việc sử dụng các phương tiện đại chúng trong hoạt động truyền giáo của Hội Thánh. Hồng y Francesco Ingoli, Bộ Trưởng đầu tiên của Thánh Bộ Truyền Bá Đức tin ở Rôma (thiết lập năm 1622) đã từng khuyến khích và bảo vệ nhu cầu sử dụng việc ấn loát và báo chí cho hoạt động truyền giáo của Hội Thánh; đó là những phương tiện truyền thông hiện đại nhất vào thời ấy. Hơn nữa, ngài còn nói, sách vở có thể đi xa hơn cả đích thân các nhà truyền giáo... Truyền thông bằng loan báo, rao giảng Tin Mừng không loại trừ các phương tiện kỹ thuật hiện đại này, nhưng vượt xa hơn chúng và bao gồm mọi cách thức và phương tiện truyền thông trong xã hội loài người (Truyền thông Xã hội).

Cả Truyền thông Mục vụ lẫn Truyền thông Truyền giáo đều là những thành phần thiết yếu của một Hội Thánh được kêu gọi truyền thông. Chúng giống như hai mặt của một đồng tiền. Có thể nói đơn giản rằng

- Truyền thông Mục vụ là communicatio ad intra (truyền thông đối nội), và

- Truyền thông Rao giảng hay Truyền thông Truyền giáo là communicato ad extra (truyền thông đối ngoại).

Vì cả hai là hai khía cạnh và thành phần khác nhau của cùng một thực tại, nên chúng cũng có các yếu tố và các viễn tượng chung với nhau và cần phải được xét đến trước khi đi vào các yếu tố chuyên biệt của mỗi lĩnh vực quan tâm này. Một số nền tảng và điều kiện chung này cho Hội Thánh truyền thông là:

- Một Thần học Truyền thông.

- Một Linh đạo truyền thông.

- Sự truyền thông tập thể của Hội Thánh như được phản ánh trong sứ mạng và nhãn quan của Hội Thánh và các Hoạt động Truyền thông Công cộng/các Quan hệ Công cộng của Hội Thánh.

- Các phương pháp truyền thông tổng quát của Hội Thánh, đặc biệt các phương tiện truyền thông đại chúng và truyền thông đa phương tiện.

- Các văn kiện và cơ cấu nền tảng của Hội Thánh.

- Sự cống hiến chung của Hội Thánh cho lĩnh vực truyền thông trong xã hội, được diễn tả trong các lãnh vực như đạo đức truyền thông và giáo dục truyền thông.

Dựa trên cơ sở các viễn tượng và thực tại chung này, Truyền thông Mục vụ và Truyền thông Truyền giáo phải được xét đến một cách chi tiết hơn để hiểu rõ các cách thức, nhu cầu, khả năng và thách thức riêng của chúng.

PHẦN I

CÁC NHU CẦU VÀ ĐIỀU KIỆN CHUNG
CỦA TRUYỀN THÔNG MỤC VỤ VÀ TRUYỀN GIÁO

1. Thần học Truyền thông

Có ít là 3 cách triển khai khác nhau về thần học và truyền thông. Trong quá khứ có một thời người ta tìm cách triển khai một thứ Thần học Truyền thông đôi khi giống như người ta muốn ‘rửa tội’ cho các Phương tiện Đại chúng và Truyền thông Đại chúng để đưa chúng vào hàng ngũ đức tin Kitô giáo. Thứ thần học Truyền thông này tìm cách coi sự kiện truyền thông xã hội như một mệnh lệnh thần học: Thiên Chúa đã ban cho chúng ta các Phương tiện này để làm việc tông đồ và vì thế chúng ta phải sử dụng chúng giống như Chúa Giêsu đã sử dụng mọi phương tiện có sẵn vào thời Người để truyền thông sứ điệp. Khi Sắc lệnh Inter Mirifica của CĐ. Vatican II (1963, số 3) khẳng định quyền của Hội Thánh đối với các phương tiện truyền thông xã hội, Sắc lệnh đã đi theo hướng này, đã thay đổi ngay trong Huấn thị Mục vụ Communio et Progressio (1971), được thực sự mở đầu với vai trò của truyền thông xã hội trong xã hội loài người.

Cố gắng này có thể được minh hoạ bằng biểu đồ sau đây:

 

Một cách triển khai khác về Thần học và Truyền thông là hướng tới một khoa Thần học Truyền thông. Cố gắng này muốn trình bày và dạy Thần học sao cho ngay cả những người bình dân cũng có thể hiểu một cách dễ dàng. Các từ và thành ngữ nó dùng có thể được những con người bình thường và đương thời hiểu dễ dàng, vì các nhà thần học sử dụng ngôn ngữ và các khái niệm của họ để cắt nghĩa và truyền đạt Lời Chúa và ơn cứu rỗi cho con người thời nay. Những người hoạt động trong lãnh vực Quan hệ Công cộng và Quảng cáo cũng sử dụng một phương pháp tương tự, đó là lắng nghe những nhu cầu và những mong đợi của con người thời nay rồi diễn tả thông điệp của họ cho phù hợp. Loại Thần học truyền thông này tìm cách trả lời các câu hỏi và các ước muốn thâm sâu của con người thời nay. Chẳng hạn, nó sử dụng niềm khát vọng “hạnh phúc” của họ để chứng tỏ lòng nhân từ của Thiên Chúa được phản ánh và tháp nhập vào đời sống chúng ta. Phương pháp này mang một chiều kích mục vụ và truyền giáo quan trọng, được phản ánh bằng việc đặc biệt hướng tới những người tiếp nhận (xem ở dưới, Phần I, 5.2.3).

Phương pháp này có thể được minh hoạ bằng biểu đồ sau đây:

 

Tuy nhiên, thời gian gần đây có những hướng triển khai dưới tiêu đề Thần học Truyền thông, đặc biệt ở Áo và Đức (Innsbruck, Tuebingen), muốn mở rộng cách hiểu về nó như một khoa Thần học “phản ánh việc thực hành truyền thông của sự hiệp thông các tín hữu”. Cách triển khai này coi thần học như một “hành động truyền thông” (xem Habermas) của các tín hữu trong một cộng đoàn sống động. Nền tảng cuối cùng của nó là mặc khải của Thiên Chúa như được phản ánh trong khả năng truyền thông của con người: ‘Communio’ (sự hiệp thông) do Chúa ban được phản ánh trong một ‘Communicatio’ (sự truyền thông) tương ứng (Scharer/Hilberath 2003, 24tt). Cách triển khai này ứng dụng sự ‘tương tác theo chủ đề’ (‘theme centered interaction’) của nhà tâm lý học Ruth C. Cohn vì mục đích thần học.

Theo cách hiểu này, ‘Thần học truyền thông’ có vẻ trở thành một chiều kích khác nữa dẫn tới khoa Thần học Truyền thông.

Rất sớm sau Vatican II, nhưng đặc biệt vào cuối thập niên 1990, đã xuất hiện một cách triển khai mới và hiểu sâu hơn nhằm đưa Truyền thông vào tâm điểm của Thần học, hướng mới này đã có những ảnh hưởng đặc biệt đối với Thần học Mục vụ. Trong Thần học Truyền thông theo hướng mới này, không phải Thần học tìm cách ‘rửa tội’ cho truyền thông, nhưng toàn bộ Thần học được nhìn trong viễn tượng truyền thông. Ở đây Truyền thông trở thành một nguyên lý thần học hay một chìa khoá để mở ra một sự hiểu biết mới về Thần học trong viễn tượng Truyền thông, là yếu tố đặc biệt quan trọng đối với hoạt động Truyền thông Mục vụ và Truyền giáo. Thần học này nghiêm túc coi Thiên Chúa như là một Vị Thiên Chúa truyền thông và mọi cách biểu hiện của Người được coi như là sự truyền thông.

Phương pháp mới này có thể được minh hoạ bằng biểu đồ sau:

 

Các trình bày về Truyền thông Mục vụ và Truyền thông Truyền giáo trong sách này sẽ dựa trên hướng Thần học Truyền thông này.

1.1. ‘Truyền thông’ như một khái niệm thần học

Có lẽ nhà thần học Đức Gisbert Greshake là người đầu tiên trong thần học chứng minh một cách thuyết phục rằng ngay từ nguồn gốc của nó, từ ‘truyền thông’ là một thành ngữ thần học. Ông viết về nguồn gốc ý niệm truyền thông ngay ở đầu phần trình bày của ông (2002,5-26): “Trong bài viết này, tôi muốn triển khai và chứng minh rằng ‘truyền thông’ tự nguồn gốc của nó là một ý niệm đích thực thần học được đặt nền trên mặc khải Kitô giáo và có chủ đề là tâm điểm sự hiểu biết của Kitô giáo về Thiên Chúa và thế giới”. Ông chứng minh rằng khái niệm thần học Kitô giáo này về truyền thông đã được chuẩn bị ngay từ trong triết học Hy Lạp và cuối cùng được thể hiện trong chiều kích Ba Ngôi và Kitô học của khái niệm này. “Thiên Chúa của Kitô giáo không phải là một Đơn tử cô độc, không phải một bậc toàn năng thu gọn, không phải một người cha chuyên chế siêu việt sống một cách nào đó và ở một nơi nào đó, ‘trên các vì sao’ - theo lời của Schiller. Ngược lại, vị Thiên Chúa độc nhất và duy nhất là sự thể hiện một cộng đoàn, một mối hiệp thông và truyền thông nơi bản thân Người và trong quan hệ với loài người... Niềm tin vào một Thiên Chúa Tam Vị Nhất Thể này được dựa trên kinh nghiệm của chúng ta rằng Thiên Chúa đã tự truyền thông cho con người một cách hoàn toàn không dè giữ, Người không truyền thông một cái gì đó của Người, mà là chính bản thân Người hiểu theo nghĩa đen, theo cách Người tỏ ra cho loài người”. Greshake cũng là tác giả của một tác phẩm nghiên cứu sâu rộng về Thiên Chúa Ba Ngôi (Ấn bản lần thứ 4, 2001). Sau đó ông chứng minh rằng trong lịch sử thần học Kitô giáo, ngay từ thời Công đồng Nicêa, Thiên Chúa đã được nhìn như là một ‘sự duy nhất trong quan hệ’, Đấng là sự truyền thông nơi chính Người. Lối hiểu này của Hội Thánh thời kỳ đầu về thực tại Thiên Chúa như là quan hệ và là truyền thông nơi chính Người, đã được tiếp tục ở thời Trung Cổ. Sau khi trích dẫn Richard of St. Victor, Bonaventure và các tác giả khác, Richard cho thấy rằng chính Tôma Aquinô cũng dạy rõ ràng rằng Thiên Chúa xét như một nhân vị chính sự quan hệ và truyền thông. Ở đây Ba Ngôi là “một bản thể Thiên Chúa duy nhất được nhìn như một sự kiện truyền thông giữa các ngôi vị cùng tiếp nhận, sở hữu và thi hành bản tính duy nhất của mình trong mạng lưới truyền thông”.

Từ đó chúng ta thấy rõ rằng loài người vì được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như Thiên Chúa, nên đã được tạo thành những ngôi vị giống như thế và do đó cũng có quan hệ với nhau. Greshake trích lời của Richard of St. Victor khi nói rằng: “Sự hoàn bị của một con người đòi hỏi sự hiệp thông với những con người khác”. Mối quan hệ này giữa những con người còn được phản ánh nơi toàn thể tạo vật. Toàn thể tạo vật là một “sự duy nhất mang tính liên hệ và truyền thông được hướng tới một tiến trình ngày càng lớn hơn về sự hiểu biết và truyền thông lẫn nhau”. Chính vì vậy mà “Hội Thánh từ thời Công vụ Tông đồ đã hiểu về mình như là ‘koinonia’, là communio (hiệp thông) và communicatio (truyền thông) (x. Cv 2,42), là sống trong cộng đoàn, cùng trao đổi và cùng chia sẻ”.

Dựa trên quan điểm của các lý thuyết và các tiến triển về truyền thông ngày nay, Greshake tóm lược các khám phá và các xác tín của ông như sau: “Thiên Chúa tự bản chất là truyền thông. Người truyền thông chính mình cho thế giới và giúp cho chính thế giới trở thành truyền thông để nhờ đó toàn thể tạo vật trong thế giới trở nên giống Người và đạt tới mối hiệp thông mật thiết nhất với Người. Theo quan điểm này, Thần học có nhiệm vụ cơ bản là thể hiện sự truyền thông phổ quát”.

Do đó chúng ta có thể kết luận rằng từ ngữ và khái niệm ‘truyền thông’ ngay từ gốc rễ đã là một khái niệm thần học rồi, không cần phải được ‘rửa tội’ bằng bất cứ cách nào, nhưng tự nó đã chất chứa và trên thực tế đã bắt nguồn từ đức tin và Thần học Kitô giáo. Thần học Truyền thông nắm lấy sự kiện này và tìm cách triển khai xa hơn trong các lãnh vực thần học khác nhau chiều kích truyền thông của Mặc Khải Thiên Chúa và sự thể hiện việc truyền thông nội tại của Ba Ngôi Thiên Chúa trong thế giới này. Như thế ‘truyền thông’ trở thành một nguyên lý thần học hướng dẫn và điều khiển cách chúng ta hiểu, học và sống Đức Tin Kitô giáo của mình vào một thời mà truyền thông là yếu tố trọng tâm của xã hội loài người. Như thế truyền thông trở thành một nguyên lý cơ bản và một chiều kích cốt yếu cho bất cứ khoa thần học nào.

1.2. Thông điệp Thánh Kinh

TGM. Carlo M. Martini đã triển khai một đường lối truyền thông như thế trong kế hoạch mục vụ của ngài cho Tổng Giáo phận Milan năm 1990. Ngài thấy mọi hoạt động truyền thông bắt nguồn từ mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là căn nguyên của mọi tạo vật và mọi hiện hữu: “Từ mối hiệp thông tình yêu của Ba Ngôi và cuộc đối thoại không ngừng phát xuất từ tình yêu của Người” (1990, 35). Khi Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh Người và giống như Người, Người cũng ban cho họ khả năng và nhu cầu thiết lập các mối quan hệ truyền thông với nhau. Thiên Chúa tự do thiết lập cuộc đối thoại với tạo vật mà Người yêu thương, cuộc đối thoại này cũng là cơ sở của mối quan hệ hỗ tương và đối thoại giữa các con người với nhau, và “mọi trang sách Thánh Kinh đều đào sâu sự kiện đối thoại này, sự đổ vỡ và tái tạo sự đối thoại này”. Các ân huệ của Thiên Chúa và các cách diễn tả đặc biệt về cuộc đối thoại này là giao ước trên núi Sinai và biến cố Lễ Ngũ Tuần. Theo TGM Martini, Tin Mừng của Lễ Ngũ Tuần là “Tin Mừng của Truyền thông” bởi vì Thiên Chúa là hiệp thông và truyền thông: “Người tự truyền thông chính mình cho chúng ta và nhờ đó giúp chúng ta có thể truyền thông lẫn cho nhau đồng thời gạt bỏ bất cứ điều gì cản trở sự truyền thông của chúng ta” (36). TGM Martini còn nói, giống như giai điệu chủ đạo của một bản hoà tấu được lặp đi lặp lại bằng nhiều cách khác nhau, chủ đề và sự kiện Thiên Chúa truyền thông này được diễn tả bằng nhiều chủ đề, hình ảnh và biểu tượng trong Sách Thánh, ví dụ như việc vượt qua tình trạng lộn xộn của vụ tháp Babel trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Trong ngày Lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần dùng “khả năng truyền thông siêu vời” của Người để mở lại các kênh truyền thông đã bị đóng chặt từ vụ Babel, tái lập mối tương quan dễ dàng và trung thực giữa những con người với nhau nhân danh Đức Giêsu Kitô, và nhờ đó Hội Thánh được sinh ra như “dấu chỉ và công cụ của việc truyền thông với Thiên Chúa và của mối hiệp nhất giữa con người với nhau”.

1.3. Vai trò Chúa Thánh Thần

Khái niệm của Karl Rahner về việc Thiên Chúa tự truyền thông theo nghĩa thần học đã được phản ánh trong Văn kiện Dei Verbum của Vatican II về Mặc khải, trong đó các nghị phụ Công Đồng phát biểu rằng “Thiên Chúa đã muốn dùng mặc khải để bày tỏ và thông ban (= communicare: truyền thông) chính mình Người cùng những ý định muôn đời của Người liên quan đến phần rỗi nhân loại... (số 6, xem số 4). Đức Gioan Phaolô II đã lấy lại triền tư tưởng này trong thông điệp về Chúa Thánh Thần Dominum et Vivificantem (1988), trong đó ngài đã triển khai trên thực tế các cơ sở cho một nền thần học về việc Thiên Chúa tự truyền thông. Ngài đã sử dụng và minh hoạ cách diễn tả này hơn 10 lần. Theo ngài, việc Thiên Chúa tự truyền thông bên trong Ba Ngôi cũng trở thành một sự tự truyền thông cho loài người: “Thiên Chúa Đấng là thần khí vô biên đã đến gần với thế giới hữu hình. Thiên Chúa Ba Ngôi tự truyền thông chính mình cho Loài Người trong Chúa Thánh Thần ngay từ khởi nguyên bằng việc tạo nên loài người ‘theo hình ảnh và giống như Người’. Dưới tác động của cùng một Thần Khí, loài người được đưa đến cứu cánh tối hậu của họ trong Thiên Chúa, và nhờ con người, thế giới thụ tạo đã được Đức Kitô cứu chuộc cũng được đưa đến cứu cánh tối hậu ấy” (số 64).

Thiên Chúa tự truyền thông chính mình trong trật tự tạo dựng và ân sủng và “Mầu nhiệm Nhập thể chính là tột đỉnh của sự thông ban này, của việc Thiên Chúa tự truyền thông này... ‘Thời gian viên mãn’ được đánh dấu bởi một sự viên mãn đặc biệt của việc Thiên Chúa Ba Ngôi tự truyền thông chính mình trong Chúa Thánh Thần. ‘Nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần’, mầu nhiệm ‘ngôi hiệp’ được hoàn thành, nghĩa là sự hiệp nhất bản tính Thiên Chúa và bản tính loài người, thiên tính và nhân tính trong một Ngôi Vị là Ngôi Lời-Con. Vào lúc Truyền Tin, khi Đức Maria nói lên lời ‘xin vâng’: ‘Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói’ (Lc 1,38), Người đã cưu mang cách đồng trinh một con người, Con của Loài Người, Đấng là Con Thiên Chúa. Bằng việc ‘nhân hoá’ này của Ngôi Lời-Con, việc Thiên Chúa tự mặc khải đạt tới sự viên mãn vĩnh viễn trong lịch sử tạo dựng và cứu độ. Sự viên mãn này được mô tả một cách phong phú và biểu cảm trong bản văn Tin Mừng Thánh Gioan: ‘Ngôi Lời đã trở nên người phàm’ (Ga 1,14).

Cuối cùng, nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, việc tự truyền thông bằng nhập thể trong Đức Giêsu Kitô đã dẫn tới một chiều kích mới của việc Thiên Chúa tự truyền thông. Các biến cố Vượt Qua “là khởi điểm mới của việc Thiên Chúa Ba Ngôi tự truyền thông cho loài người trong Chúa Thánh Thần nhờ công trình cứu chuộc của Đức Kitô. Khởi điểm mới này là việc cứu chuộc thế giới: ‘Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người...’ (Ga 3,16)” (số 23; xem 13,14).

Với biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống, việc Thiên Chúa tự truyền thông mà “đã được hoàn tất trong Đức Kitô và được làm chứng bởi lời rao giảng của các tông đồ, tiếp tục được tỏ lộ trong Hội Thánh nhờ sứ mạng của Đấng Cố Vấn vô hình, Thần Chân Lý...” (số 7). Hội Thánh “từ ban đầu đã công bố niềm tin của mình vào Chúa Thánh Thần như là Đấng ban sự sống, chính nơi Người mà Thiên Chúa là Đấng không thể dò thấu đã tự truyền thông chính mình cho loài người và nhờ đó ban cho họ nguồn sống trường sinh” (số 1). Chúa Thánh Thần được nhìn như là biểu hiện không ngừng của việc Thiên Chúa tự truyền thông cho mọi dân tộc và mọi thời đại. Người không chỉ là tác nhân của Sứ mạng và Rao giảng Tin Mừng như lời Đức Gioan Phaolô II nói trong Redemptoris Missio (1990) và Đức Phaolô VI trong Evangelii Nuntiandi (1975), nhưng Người phải được nhìn chung như là người thực hiện và hoàn thành việc Thiên Chúa tự truyền thông cho Hội Thánh và cho loài người. Chính Người là Thánh Thần, là cách diễn tả nhân vị của việc tự hiến mình, của việc Người là tình yêu” (số 10). Đây chính là nền tảng Ba Ngôi của mọi sự truyền thông được hiểu như là ‘tự hiến trong tình yêu’, như được diễn tả trong Huấn thị Mục vụ Communio et Progressio (số 11). Sự ‘tự hiến trong tình yêu’ của chúng ta xét trên bình diện truyền thông nhân loại được đặt nền trên việc Thiên Chúa tự truyền thông theo nghĩa tự trao ban chính mình Người cho chúng ta. Chúa Thánh Thần là biểu hiện không ngừng và là tác nhân của điều này cho mọi dân tộc và mọi thời đại. Đức Gioan Phaolô II nhìn Chúa Thánh Thần dưới khía cạnh này như là “nguyên lý trực tiếp và theo một nghĩa nào đó, như là chủ thể của việc Thiên Chúa tự truyền thông trong trật tự ân sủng” (số 50).

1.4. Thần học Truyền thông: Các yếu tô cơ bản

Trong quyển “Phương pháp Thần học” (1971) của ông, Bernard Lonergan nhìn truyền thông như là một chiều kích cơ bản của mọi thần học. Chính Avery Dulles trong quyển “Nghệ thuật Thần học: từ Biểu tượng tới Hệ thống” (1992), đã đem áp dụng cho toàn bộ thần học khái niệm của Karl Rahner về việc Thiên Chúa tự truyền thông chính mình. Ông kết luận rằng “thần học ở tất cả các điểm của nó đều quan tâm tới các thực tại của truyền thông” (22). Ông còn triển khai điều này xa hơn khi gán nó với thần học cơ bản, các khoa thần học hệ thống như Kitô học, Tạo dựng, Giáo hội học, Cánh chung học, các bí tích và thần học thực hành gồm truyền giáo học và thần học mục vụ. Khi kết luận bằng quan điểm Ba Ngôi, ông gọi Kitô giáo là “một tôn giáo trổi vượt về truyền thông, vì Thiên Chúa tự bản thể sâu xa nhất của Người chính là một mầu nhiệm của việc tự truyền thông. Toàn bộ công trình tạo dựng, cứu chuộc và thánh hoá là một sự nối dài tiến trình nội tại trong Ba Ngôi...”.

Thần học Truyền thông có thể được xét theo 4 bước hay 4 chiều kích, truyền thông trong Ba Ngôi, Mặc Khải và Nhập Thể để dẫn tới Hội Thánh như là sự tiếp nối ba bước này trong thực tại cụ thể của mọi dân tộc. “Hội Thánh là Truyền thông” (Dulles 1971). Các suy tư này có thể được tóm lược như sau:

Chúa Ba Ngôi

Trong chiều kích Ba Ngôi, Thiên Chúa được nhìn như là một vị Thiên Chúa truyền thông trong chính mình. Cha, Con và Thánh Thần truyền thông lẫn cho nhau trong các chuyển động nội tại của Ba Ngôi. Bernhard Haering (1973, 155) đã mô tả rất thích hợp sự truyền thông bên trong này như sau:

“Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể, mặc khải cho chúng ta thấy đời sống thần linh là một sự truyền thông, chia sẻ. Người cầu nguyện, ‘Mọi sự của con là của Cha, và mọi sự của Cha là của con’ (Ga 17,10). Việc Đức Giêsu chia sẻ chính mình và mọi sự thật phát xuất từ sự chia sẻ hoàn toàn giữa Cha và Con trong Thánh Thần. Thánh Thần chia sẻ, truyền thông. ‘Khi Thần Sự Thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại...’ (Ga 16,13-15).

Truyền thông là một thành phần trong mầu nhiệm Thiên Chúa. Mỗi ngôi vị trong Ba Ngôi đểu sở hữu tất cả chân, thiện, mỹ, nhưng dưới dạng hiệp thông và truyền thông. Tạo dựng, cứu chuộc, và truyền thông xuất phát từ mầu nhiệm này và có mục đích cuối cùng là lôi kéo chúng ta vào hiệp thông với Thiên Chúa nhờ chính sự truyền thông này. Khi dựng nên chúng ta theo hình ảnh Người và giống như Người, Thiên Chúa cho chúng ta chia sẻ sự truyền thông sáng tạo và giải phóng trong hiệp thông, nhờ hiệp thông, và vì hiệp thông”.

Tại sao trong thân phận con người, chúng ta có khả năng truyền thông? Bởi vì Thiên Chúa Ba Ngôi là Đấng truyền thông này đã tạo dựng chúng ta theo ‘hình ảnh Người và giống như Người’. Bởi vì Thiên Chúa là một vị Thiên Chúa truyền thông, nên chúng ta cũng có khả năng truyền thông.

Mặc Khải

Nhưng Thiên Chúa Ba Ngôi không đóng kín trong mình, Người tự mặc khải và truyền thông với các tạo vật của Người, để làm chúng thành các đối tác của Người. Người tự mặc khải nhờ tạo dựng và ân sủng. Tất cả Cựu Ước có thể được coi như một bản tường thuật về việc Thiên Chúa truyền thông với Israel là dân của Người. Trong Cựu Ước, Người sử dụng mọi đường lối và phương tiện truyền thông bằng lời và không bằng lời mà nền văn hoá nhân loại hiện có.

Quả là điều kỳ diệu khi thấy Người vận dụng mọi cách truyền thông khác nhau, từ giận dữ tới yêu thương, bằng động đất và thinh lặng, bằng bão tố và sự bảo vệ khỏi các kẻ thù và thiên tai. Người nói trực tiếp với các ngôn sứ và vua chúa, ‘diện đối diện’ với Môsê, với các nhóm dân chúng và các cá nhân. Người kêu gọi Môsê vào việc phục vụ đặc biệt cho Người từ trong bụi cây đang bốc cháy mà ông đã lại gần có lẽ vì tò mò nhiều hơn. Thiên Chúa sử dụng nhu cầu và cảm giác về các tin tức nơi những con người để thiết lập các mối quan hệ với họ và truyền đi các thông điệp và các mối quan tâm của Người.

Trong Giao Ước Thứ Nhất, chúng ta đọc được chính việc Thiên Chúa truyền thông với Israel: “Người chúc phúc, giải phóng, cứu thoát, dẫn dắt họ trên những con đường nguy hiểm, ban cho họ những lời khuyên cứu sinh (nhờ Môsê); Người muốn sống giữa dân Người nhưng Người cũng bắt họ đối diện với tình trạng tội lỗi của họ; Người ký kết một giao ước với dân Người và cho họ kinh nghiệm lòng tha thứ của Người để giúp họ luôn luôn bắt đầu trở lại... Các lời hứa của Người được chứa trong một cuốn sách, Kinh Thánh, là ‘sách giao ước’ (x. Ed 24,7), trong đó Thiên Chúa đã cam kết với Israel rằng Người là Thiên Chúa của sự thật và lòng thương xót” (Erich Zenger). Như vậy, Thiên Chúa truyền thông bằng nhiều cách, bằng lời và không bằng lời, và cuối cùng việc truyền thông của Người được trình bày, lưu giữ và niêm phong trong một cuốn sách, một phương tiện truyền thông làm chứng về hoạt động truyền thông của Thiên Chúa.

Nhập Thể

Tuy nhiên, đỉnh điểm việc truyền thông của Thiên Chúa là sự Nhập Thể của Con của Người: “Thưở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài. Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa...” (Dt 1,1-3).

LỜI này truyền thông như thế nào? Tìm hiểu các cách thức và phương pháp truyền thông của Đức Giêsu Kitô sẽ cho chúng ta thấy rõ khá nhiều điều:

* Ngài nói dựa trên các hoàn cảnh của đời ngài. Việc ngài trở thành xác phàm nhờ Thánh Thần, việc ngài sinh ra trong máng cỏ, những năm sống ẩn dật tại Nadarét, 40 đêm ngày trong hoang địa, nỗi thống khổ của ngài trên đồi Canvê và cái chết của ngài trên thập giá, sự sống lại của ngài. Tất cả các sự kiện này là những biểu hiện về sứ mạng và sự dấn thân của ngài đối với việc Chúa Cha sai ngài đến cứu rỗi loài người.

* Những nơi ngài giảng dạy thuộc nhiều loại và hầu như khắp nơi: ngài là nhà rao giảng lưu động, ngài giảng trong các hội đường và nhà riêng, ngoài đường và nơi phố chợ, trên biển và trên núi... Bất cứ đi đâu, ngài luôn luôn nhắm phục vụ sứ mạng.

* Toàn thể việc truyền thông của ngài đặt nền trên việc chia sẻ với Cha trong kinh nguyện, đặc biệt vào ban đêm.

* Các lời ngài nói với dân mở đầu bằng các kinh nghiệm hằng ngày và các mối quan tâm của họ, ngài liên kết mọi sự với thánh ý của Cha. Ngài Ngài không bao giờ nói về bản thân ngài nhưng nói về Đấng đã sai ngài. Vì vậy ngài dùng các câu truyện rút ra từ cuộc sống hằng ngày như công việc của người đánh cá, người gieo giống, kinh nghiệm của bà goá đi tìm đồng bạc bị mất, kinh nghiệm của người làm bánh...

* Ngài nói với những thính giả tụ tập thành đám đông nhưng ngài cũng nói với những nhóm nhỏ như nhóm môn đệ ngài và ngài đến với các cá nhân bằng những mối quan hệ sâu xa của con người như với Nicôđêmô, người phụ nữ Samaria, Ladarô và những người khác.

* Lời rao giảng của ngài dựa trên Kinh Thánh Cựu Ước, nhưng ngài cũng dùng các dụ ngôn, các câu truyện đời thường và thậm chí cả các ‘tin tức’ thời sự như vụ những người bị tháp Silôê đè chết.

* Lời giảng của ngài không phải để làm người ta vui tai. Ngài hỏi các câu hỏi - Hans Wijngaards đếm được chỉ riêng trong Tin Mừng Gioan đã có 164 câu hỏi như thế. Ngài đòi người ta phải quyết định. “Nếu mắt anh em làm cớ cho anh em...”. “Cả anh em cũng muốn bỏ đi ư?” Ngài thậm chí đặt người ta vào tình trạng nguy kịch để buộc họ phải quyết định.

* Mọi việc Đức Giêsu chữa lành không chỉ có mục đích chữa lành thân xác nhưng - như lời TGM. Carlo Martini nói - đúng hơn là để tái lập đường dây truyền thông với Thiên Chúa là Cha. Ngài tha các tội cho người mù trước khi chữa mắt họ khỏi mù. “Các tôi của anh đã được tha...” thì quan trọng hơn sức khoẻ thể xác.

* Sau cùng, việc truyền thông của Đức Giêsu không chỉ là truyền đi các thông tin và thông điệp. Trên cả những điều này, truyền thông của ngài là một sự cam kết sâu xa của cá nhân với Cha và thông điệp của Người, một sự cam kết đòi hỏi toàn thể con người. Đức Giêsu truyền thông bằng toàn thể con người của ngài, cho tới cái chết trên thập giá. Ngài không chỉ ‘nói’ mà còn đi đến chỗ thinh lặng trên thập giá, trong sự hiến dâng trọn cuộc đời ngài. Điều này cũng cho thấy việc truyền thông của ngài không kết thúc ở cuộc đời này, nhưng còn chỉ đến một thực tại sâu xa hơn ở bên kia...

Vị Thiên Chúa Truyền thông: Toà Thương Xót

 

Tất cả các đường lối truyền thông của Thiên Chúa Ba Ngôi được tổng hợp một cách nghệ thuật bằng hình ảnh Toà Thương Xót. Ngay từ trong Cựu Ước, “Khám Giao Ước’ đã được gọi như thế rồi, và được Martin Luther dịch sang tiếng Đức là “Gnadenstuhl.” Trong Tân Ước, đó là chính Thiên Chúa Cha khi Người ban tặng Người Con (chịu đóng đinh) của Người trong Chúa Thánh Thần cho các tạo vật của Người. TGM. Carlo Martini gọi đây là một “biểu tượng của hành vi Truyền Thông Thần Linh tột đỉnh” và một “biểu tượng không thể vượt qua về sự Truyền thông của Thiên Chúa” (số 24). Trong lịch sử nghệ thuật Kitô giáo từ ít là 700 năm trước, đã có hàng trăm ảnh biểu tượng loại này.

Hội Thánh được sai đi

Vì vậy, Hội Thánh được gọi và được sai đi vào thực tế của mọi nơi và mọi thời để tiếp tục công việc truyền thông của Thiên Chúa Ba Ngôi trong Mặc Khải và Nhập Thể. Chính Chúa là Đấng sai đi: “Anh em hãy đi rao giảng - truyền thông - Tin Mừng cho muôn dân, làm phép rửa cho họ...” (Mt 28,19).

Hội Thánh này được khai sinh trong hành vi truyền thông của Chúa Thánh Thần vào ngày lễ Ngũ Tuần. Chính Thánh Thần này đã biến đổi các môn đệ nhát sợ thành các sứ giả dũng cảm. Mọi người có mặt ở khắp nơi trên thế giới đều hiểu được ngôn ngữ của các môn đệ. Như Vatican II nói trong sắc lệnh về Truyền giáo Ad Gentes:

“Hội Thánh ở trần gian này tự bản chất là truyền giáo, vì theo kế hoạch của Chúa Cha, Hội Thánh bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Kế hoạch này tuôn trào từ ‘suối tình yêu’ của Chúa Cha, Người là Nguyên lý phi nguyên lý, bởi Người mà Chúa Con được sinh ra và nhờ Chúa Con mà phát xuất Chúa Thánh Thần” (số 2).

Sự kiện ngày lễ Ngũ Tuần còn là một gương mẫu ấn tượng về sự truyền thông liên văn hoá, sự truyền thông về việc Thiên Chúa đến với mọi dân tộc thuộc mọi nền văn hoá vào thời ấy - bằng một ngôn ngữ duy nhất và vào một dịp duy nhất.

Tất cả sách Công vụ Tông đồ là một bản tường thuật về sự tiếp nối hành vi sai đi và truyền thông liên tục của Thánh Thần Thiên Chúa ở buổi đầu của Hội Thánh. Một sự kiện rất có ý nghĩa là ngay cả những người thuộc giới tiếp thị ngày nay (Berger/Gleissner, 1998) cũng phát hiện trong tất cả điều này nòng cốt của các nguyên tắc làm việc của họ khi họ nói đến “nguyên tắc Phaolô”. Họ nhắc đến hoạt động truyền thông của Thánh Phaolô như là “chiến lược tiếp thị thành công nhất trong lịch sử loài người.” Họ nói vị tông đồ này không chỉ đáp ứng đầy đủ bốn nguyên tắc tiếp thị cơ bản với 4 chữ “P”―Product (Sản phẩm), Price (Giá cả), Placement (Địa điểm), Promotion (Khuyến mãi)―mà còn đáp ứng cả nguyên tắc thứ 5, là chìa khoá thực sự của thành công: Personality (Con người). Rõ ràng các chuyên gia tiếp thị này coi Thánh Phaolô là bậc thầy truyền thông vĩ đại nhất cho tới ngày hôm nay.

1.5. Lịch sử Cứu độ: Lịch sử Truyền thông của Thiên Chúa

Như vậy, toàn thể lịch sử cứu độ có thể được coi như một lịch sử của việc Thiên Chúa tự truyền thông. Từ hoạt động truyền thông bên trong Ba Ngôi, Thiên Chúa đi ra tới các tạo vật của Người. Người tạo dựng loài người ‘theo hình ảnh Người và giống như Người,’ nghĩa là Người tạo dựng họ có khả năng truyền thông và sống trong một cộng đoàn truyền thông. Rồi người nói và mặc khải chính mình Người cho những con người này, bắt đầu với Ađam và đặc biệt với Israel trong lịch sử. Sự nhập thể của Đức Giêsu Kitô là đỉnh điểm và sự sung mãn của việc Thiên Chúa tự truyền thông, qua việc Con của Người trở thành một người giữa chúng ta và truyền thông tình yêu của Cha cho toàn thể loài người. Mặc Khải và Nhập Thể dẫn tới Hội Thánh như là sự tiếp tục việc Thiên Chúa tự mặc khải cho tới ngày tận thế. Hội Thánh này bắt đầu với việc Chúa Thánh Thần hiện xuống trong ngày lễ Ngũ Tuần và tiếp tục được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần như là ‘tác nhân của việc Thiên Chúa tự truyền thông.’ Trong đời sống và hoạt động của Hội Thánh, việc Hội Thánh tiếp nối hoạt động tự truyền thông này của Thiên Chúa được diễn tả chủ yếu bằng việc rao giảng (Kerygma), bằng đời sống cộng đoàn (Koinonia), và bằng việc phục vụ (Diakonia). Tất cả tiến trình này có thể được trình bày bằng lược đồ sau đây:

     

Truyền Thông - Lịch sử/Tiến trình Cứu độ

(Xem thêm chi tiết trong Franz-Josef Eilers, SVD, Communicating in Community, 3rd Edition, Manila 2002, tr. 41-60).

1.6. Các Hệ quả cho Truyền thông Mục vụ

Từ tất cả các điểm trên đây, chúng ta có thể rút ra một số kết luận cơ bản - tuy chưa phải là tất cả - cho hoạt động truyền thông trong mục vụ:

1.  Mọi việc truyền thông mục vụ đều đặt nển trên bản tính độc nhất và mối quan hệ truyền thông trong Ba Ngôi.

2.  Mọi việc truyền thông mục vụ phải đi theo các cách thức và qui luật của việc truyền thông của Thiên Chúa. Người truyền thông như thế nào và chúng ta tuân theo cách thức và ‘phương pháp’ của Người thế nào?

3.  Trong cách truyền thông của Ngài, Đức Giêsu Kitô là mẫu mực và thầy dạy cho mọi việc truyền thông mục vụ của chúng ta.

4.  Mọi người truyền thông mục vụ chỉ truyền thông trong mức độ họ dựa trên sự truyền thông của Thiên Chúa. Có nghĩa là Truyền thông mục vụ trước hết và trên hết cần phải được sống và trải nghiệm sâu xa bởi chính người truyền thông mục vụ.

5.  Mọi việc truyền thông mục vụ còn phải phát xuất từ việc truyền thông của một cộng đoàn Hội Thánh (‘koinonia’), cộng đoàn này phải phản ánh sự truyền thông bên trong của Ba Ngôi Thiên Chúa.

6.  Mọi việc truyền thông mục vụ phải được hướng dẫn và được sung mãn bởi sức mạnh của Chúa Thánh Thần như là yếu tố truyền thông trong mặc khải và cứu độ.

2. Truyền thông - Linh đạo Truyền thông

Bất cứ ai muốn nói về Linh đạo đều phải bắt đầu với chính Chúa Thánh Thần. Linh đạo là kinh nghiệm sống về Chúa Thánh Thần. Chính Thánh Thần dựng nên Hội Thánh vào lễ Hiện Xuống. Chính Thánh Thần biến đổi các tông đồ thầm lặng và nhát sợ thành các nhà truyền thông mãnh liệt và dũng cảm về sứ điệp cứu độ của Đức Kitô cho mọi dân tộc. Được đầy tràn sức mạnh Chúa Thánh Thần, họ truyền thông không chút sợ sệt cho toàn thể Israel và cho thế giới vào thời của họ. Không phải vô lý khi Hồng y Carlo Martini (1996, số 19) đã gọi kinh nghiệm Hiện Xuống (x. Cv 2,1-47) là Tin Mừng Truyền Thông. Ngài cảm thấy rằng kinh nghiệm này thậm chí vượt ra ngoài cả ranh giới của lễ Hiện Xuống, vì nó được diễn tả như một “giai điệu chủ đạo lớn với nhiều môtíp và... nhiều hình ảnh và biểu tượng” xuyên suốt Kinh Thánh. Trong biến cố Ngũ Tuần, “cảnh lộn xộn của Babel đã được vượt qua”. Sự can thiệp của Thiên Chúa bằng việc Chúa Thánh Thần hiện xuống được tiếp nối bằng “phép lạ nói các tiếng lạ mà cả các môn đệ lẫn các thính giả của các ngài đều trải nghiệm được” (Cv 2,3-12) và “trong phần thứ ba (Cv 2,14-17), Phêrô giải thích những sự việc đã xảy ra: ơn của Chúa Thánh Thần được gửi đến bởi Chúa Giêsu, Đấng đã chịu đóng đinh và đã sống lại. Ngài nhắc lại các hiệu quả ‘lây lan’ của ơn này; từ đó phát sinh cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên: ‘Và hôm ấy đã có thêm khoảng 3.000 người theo đạo” (2,41).

Chính ơn của Chúa Thánh Thần ngày Lễ Hiện Xuống đã “làm bùng lên một khả năng truyền thông phi thường. Nó mở lại các kênh truyền thông đã bị đóng chặt ở Babel và nó tái lập cho con người khả năng có những mối quan hệ dễ dàng và chân thực với nhau nhân danh Đức Giêsu Kitô. Nó làm phát sinh Hội Thánh như là dấu chỉ và công cụ của sự truyền thông giữa Thiên Chúa và gia đình nhân loại, và sự hiệp nhất của toàn thể nhân loại”.

Chính trong kinh nghiệm này mà việc sai Hội Thánh đi đã bắt đầu như là sự tiếp tục truyền thông sứ mạng của Đức Kitô. Trong kinh nghiệm truyền thông liên văn hoá (xem Eilers, 1992, 147t.) của lễ Hiện Xuống, các dân tộc thuộc mọi nền văn hoá hiện hữu đều hiện diện, nghe và hiểu được thông điệp, thông điệp này cũng là sự cam kết của Hội Thánh trong việc truyền thông mục vụ và truyền giáo hôm nay. Chính từ sự lắng nghe trong thinh lặng sâu xa của tâm hồn (x. 1 V 3,9) và kinh nghiệm về Thánh Thần của Thiên Chúa mà mọi việc truyền thông của Hội Thánh tìm được những hiệu quả năng động bên trong cũng như bên ngoài. Sau cùng, trước hết và trên hết không phải việc sử dụng các phương tiện và kỹ thuật tạo được sức thuyết phục và nâng đỡ người ta, mà là tâm hồn cởi mở và lắng nghe, đầy tràn Thánh Thần của Thiên Chúa. Như lời Thánh Basiliô Cả (330-379): “Con người thần thiêng là người không còn sống bởi xác thịt nhưng được hướng dẫn bởi Thần Khí Thiên Chúa, người được gọi là con cái Thiên Chúa, được tái tạo giống hình ảnh của Con Thiên Chúa. Giống như thị lực hoạt động trong một con mắt lành mạnh, Thánh Thần hoạt động trong một linh hồn thanh sạch” (Về Thánh Thần, chương 26, số 61). Thánh Phaolô Tông Đồ quả quyết với chúng ta rằng “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,5) và ngài nhắc nhở chúng ta: “Đấng củng cố chúng tôi cùng với anh em trong Đức Kitô và đã xức dầu cho chúng ta, Đấng ấy là Thiên Chúa. Chính Người cũng đã đóng ấn tín trên chúng ta và đổ Thần Khí vào lòng chúng ta làm bảo chứng” (2 Cr 1,21tt).

2.1. Linh đạo Truyền thông là sự mở lòng

Linh đạo Truyền thông bắt đầu bằng kinh nghiệm và lửa của Chúa Thánh Thần, và muốn chúng ta cũng diễn tả và chia sẻ sự sung mãn này cho người khác. Truyền thông Mục vụ là sự chia sẻ và đưa Thần Khí này vào sâu trong cuộc sống người khác; Truyền thông Truyền giáo chia sẻ Thần Khí này của Đức Giêsu Kitô cho những ai chưa trải nghiệm đầy đủ hay hầu như đã hoàn toàn để mất Người.

Linh đạo truyền thông phải là cơ sở của mọi việc truyền thông Kitô giáo. Về cơ bản điều này đòi mỗi người truyền thông phải có sự mở lòng về ba phương diện:

* mở lòng với Thiên Chúa

* mở lòng với chính mình, và

* mở lòng với người khác.

Mở lòng với Thiên Chúa

Sự mở lòng với Thiên Chúa và Thần Khí Người bắt đầu với kinh nghiệm bản thân về Chúa Giêsu trong cầu nguyện, suy niệm Kinh Thánh, kinh nghiệm về Thần Khí Người trong việc cử hành chung Phụng vụ và đời sống cộng đoàn. Sự mở lòng này với Thần Khí là điều kiện tiên quyết cho mọi linh đạo truyền thông, như lời Đức Gioan Phaolô II khẳng định trong thông điệp của ngài nhân Ngày Truyền Thông Thế Giới 1998: “Các nhà truyền thông Kitô giáo phải là những con người cầu nguyện với đầy Thần Khí, ngày càng đi sâu hơn vào sự truyền thông với Thiên Chúa để lớn lên trong khả năng nuôi dưỡng sự truyền thông giữa đồng loại. Họ phải được Chúa Thánh Thần dạy dỗ về lòng trông cậy, vì Người là tác nhân của việc rao giảng Tin Mừng”.

Trong một thái độ mở lòng như thế, linh đạo truyền thông mục vụ cũng giống như linh đạo truyền giáo, với các yếu tố được Đức Gioan Phaolô II vạch ra trong Thông điệp Truyền giáo Redemptoris Missio (1990):

a.  Linh đạo truyền thông trước hết và trên hết được diễn tả “bởi một đời sống hoàn toàn dễ dạy với Chúa Thánh Thần. Nó đòi chúng ta phải được Thần Khí uốn nắn bên trong để ngày càng trở nên giống Đức Kitô hơn. Không thể nào làm chứng cho Đức Kitô mà không phản ánh hình ảnh Người, được ân sủng và sức mạnh của Thần Khí làm sống động trong chúng ta. Thái độ dễ dạy đối với Thần Khí cho chúng ta đón nhận các ơn sức mạnh và khôn ngoan, là những yếu tố cơ bản của linh đạo truyền giáo” (số 87) cũng như một linh đạo truyền thông đích thực. Ở điểm này các Tông Đồ của Chúa có thể là một mẫu gương cho chúng ta: “Tuy họ rất yêu mến Chúa và quảng đại đáp lại tiếng gọi của Người, họ vẫn tỏ ra không có khả năng hiểu được những lời của Người và không sẵn sàng đi theo Người trên con đường đau khổ nhục nhã. Thần Khí đã biến đổi họ thành những chứng nhân can đảm cho Đức Kitô và những sứ giả sáng suốt cho lời của Người. Chính Thần Khí đã hướng dẫn họ đi theo những con đường sứ mạng đầy khó khăn và mới mẻ. Ngày nay cũng như trong quá khứ, sứ mạng ấy luôn đầy những khó khăn và phức tạp, chúng ta cần có ơn can đảm và ánh sáng của Thần Khí”.

b.  Linh đạo Truyền thông được sống dựa trên “mối hiệp thông thân mật với Đức Kitô. Chúng ta chỉ có thể hiểu hay thi hành sứ mạng nếu chúng ta qui nó về Đức Kitô như là Đấng được sai đi để rao giảng Tin Mừng,” được sai đi để truyền thông. Sự nhập thể và cứu chuộc của Người được Thánh Tông Đồ Phaolô mô tả (Pl 2,5-8) “như là một sự trút bỏ mình hoàn toàn, làm cho Đức Kitô trải nghiệm đầy đủ thân phận con người và chấp nhận trọn vẹn kế hoạch của Cha. Đây là một sự trút bỏ mình thấm nhuần tình yêu và diễn tả tình yêu” (RM 88). Một người truyền thông Kitô giáo trong hoạt động truyền thông mục vụ và truyền giáo phải kết hợp và hiệp thông sâu xa với hành vi trút bỏ mình này của Đức Kitô, để thể hiện việc truyền thông như là “hành vi hiến mình trong tình yêu,” như cách diễn tả của Communio et Progressio (1971, 11; cũng xem Ep 5,25). Vì vậy người truyền thông mục vụ và truyền giáo phải “từ bỏ mình và tất cả những gì mà từ trước đến nay mình vẫn coi là của mình, và làm cho mình trở nên mọi sự cho mọi người” (AG 24). Có nghĩa là họ phải hiến mình hoàn toàn cho những người mà họ truyền thông.

c.  Linh đạo truyền thông để phục vụ hoạt động truyền thông mục vụ và truyền giáo còn được nổi bật vì đức ái tông đồ, là “đức ái của Chúa Kitô, Đấng đến để ‘quy tụ các con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối’ (Ga 11,52), đức ái của người mục tử tốt lành biết các chiên của mình, đi tìm kiếm chúng và thí mạng mình vì chúng (x. Ga 10). Người truyền giáo được thúc đẩy bởi ‘nhiệt tình vì các linh hồn’, một nhiệt tình được gợi hứng từ đức ái của chính Đức Kitô, được biểu hiện bằng sự quan tâm, dịu dàng, cảm thông, cởi mở, sẵn sàng phục vụ và quan tâm tới các vấn đề của dân. Tình yêu của Đức Giêsu rất sâu: Người là Đấng ‘biết rõ lòng dạ con người’ (Ga 2,25), Người đã yêu thương mọi người bằng cách ban cho họ ơn cứu độ và Người đau khổ khi ơn cứu độ này bị từ chối”. Giống như người truyền giáo, người truyền thông Kitô giáo là “con người của đức ái. Để rao giảng cho mọi anh chị em mình rằng họ được Thiên Chúa yêu thương và có khả năng yêu thương, người truyền thông phải biểu lộ tình yêu đối với mọi người, hiến mạng sống mình cho mọi người. Người truyền giáo là ‘người anh em của mọi người’, mang nơi mình tinh thần của Hội Thánh, thái độ cởi mở và quan tâm của Hội Thánh đối với mọi dân tộc và mọi cá nhân, đặc biệt những anh chị em hèn mọn và nghèo khổ nhất. Bằng thái độ ấy, họ vượt qua được những rào cản và phân cách về chủng tộc, giai cấp hay ý hệ. Họ là dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa trong thế giới - một tình yêu không loại trừ hay thiên vị một ai” (RM 89).

d.  Sau cùng, linh đạo của người truyền thông là một lời kêu gọi vươn tới sự thánh thiện bản thân. Họ chỉ là một người truyền thông Kitô giáo đích thực nếu họ dấn mình vào việc này và nếu tất cả hoạt động truyền thông của họ tuôn trào từ sự dấn mình này. “Sự thánh thiện phải được gọi là một điều kiện nền tảng và không thể thay thế đối với mọi người trong việc hoàn thành sứ mạng cứu rỗi trong Hội Thánh” (Christifideles Laici, 1988, 17). Lời kêu gọi mọi người phải vươn tới sự thánh thiện là một thách thức đặc biệt đối với những người truyền thông mục vụ và truyền giáo. Họ phải hằng ngày cố gắng canh tân bản thân trong Thần Khí và ngày càng đi sâu hơn trong sự quý chuộng Kinh Thánh và “cũng cố gắng cập nhật việc huấn luyện giáo thuyết và mục vụ của họ” (RM 91).

Contemplata Tradere, truyền đạt điều mình suy niệm, là châm ngôn của Dòng Giảng Thuyết (Đaminh) trong Hội Thánh. Thánh Inhaxiô Loyôla, sáng lập Dòng Tên, là người đầu tiên được gọi là nhà chiêm niệm trong hành động. Đức Gioan Phaolô II cũng đòi hỏi người truyền giáo phải có thái độ ấy và một người truyền thông Kitô giáo muốn xứng với tên gọi này cũng phải có thái độ như vậy. Theo Đức Gioan Phaolô II (RM 91), một ‘người chiêm niệm trong hành động’ là người “tìm thấy câu trả lời cho các vấn đề trong ánh sáng của lời Chúa và trong kinh nguyện cá nhân và cộng đoàn. Các tiếp xúc của tôi với đại diện của các truyền thống thiêng liêng ngoài Kitô giáo, đặc biệt các truyền thống ở Châu Á, đã xác nhận cho tôi quan điểm rằng tương lai của truyền giáo tuỳ thuộc một phần rất lớn vào chiêm niệm. Trừ khi người truyền giáo là một người chiêm niệm, họ không thể nào rao giảng Đức Kitô một cách đáng tin được. Họ là một chứng nhân về kinh nghiệm Thiên Chúa, và họ phải có thể nói như các tông đồ: ‘điều chúng tôi đã thấy tận mắt... về Lời sự sống... chúng tôi loan báo cho anh em’ (1 Ga 1,1-3)”. Lời Đức Thánh Cha nói ở cuối Thông điệp của ngài cũng áp dụng cho người truyền thông Kitô giáo: “Nét đặc trưng của mọi cuộc đời truyền giáo đích thực là niềm vui bên trong phát xuất từ đức tin. Trong một thế giới bị dằn vặt và đè bẹp bởi quá nhiều vấn đề, một thế giới bị cám dỗ bởi thái độ bi quan, thì người loan báo ‘Tin Mừng’ phải là một người đã tìm thấy niềm hy vọng thực sự trong Đức Kitô” (số 91).

Mở lòng với chính mình

Sự mở lòng của người truyền thông mục vụ và truyền giáo với Thiên Chúa cũng được phản ánh qua sự mở lòng ra với chính mình và với các nhu cầu riêng của mình. Chỉ ai biết đối diện với thực tế của bản thân mình mới có thể là một đối tác truyền thông với Thiên Chúa và với tha nhân. Người ta muốn truyền thông với một con người cụ thể, quân bình, trưởng thành, đầy Thánh Thần và có trách nhiệm, chứ không phải với những con phỗng vô tri vô giác hay với những người quá bị giày vò bởi các rắc rối của bản thân mình. Vì vậy, người truyền thông Kitô giáo phải quan tâm tới đời sống và sự trưởng thành thiêng liêng cũng như phát triển nhân bản của chính mình. Họ cần quí chuộng và phát triển kinh nghiệm về việc linh hướng, cũng là một phần cơ bản của truyền thông mục vụ. Một vị linh hướng giỏi giúp phân định rõ những đường lối của Thánh Thần, khích lệ sự tăng trưởng và cống hiến niềm hi vọng và mục đích trong cuộc đời và sứ mạng. Người truyền thông sáng suốt và có nền tảng Kitô giáo sâu xa sẽ trân trọng và chấp nhận giá trị của một cộng đoàn Kitô giáo, mà trong trường hợp lý tưởng thậm chí có thể là một cộng đoàn các người truyền thông Kitô giáo, sống và tìm kiếm sứ mạng của mình trong cuộc đời. Chính trong thái độ cởi mở đối với tất cả những điều này mà mọi hành động của chúng ta rạng chiếu nền linh đạo đích thực. Một người truyền thông thiêng liêng sẽ dễ dàng được nhận ra và sẽ có thể góp phần vào việc xây dựng “các cộng đoàn bằng tình yêu, chia sẻ, hiệp thông, quan hệ và bình đẳng” (Hội nghị các Giám mục FABC-OSC 1999). 

Mở lòng với người khác

Sự mở lòng với Thiên Chúa và với bản thân mình dẫn tới sự mở lòng với người khác, trong việc lắng nghe các câu truyện và kinh nghiệm của họ, các nhu cầu và nguyện vọng của họ, chia sẻ các kinh nghiệm đức tin, tạo dựng và nâng đỡ các cộng đoàn. Đây là nguồn mạch cho đời sống thiêng liêng của người truyền thông. Trong khi dấn thân cho hoạt động truyền thông, họ cần được sự nuôi dưỡng và nâng đỡ của cộng đoàn. Không phải vô cớ mà hai từ ‘cộng đoàn’ (community) và ‘truyền thông’ (communication) có cùng từ gốc Latinh là communis, nghĩa là ‘chung’. Khi đào sâu ý nghĩa các từ này, Gisbert Greshake (2002, 6f) thấy trong gốc của từ này nguyên thuỷ có hai khía cạnh. Nó đến từ gốc “mun” có nghĩa là một cái gì giống như một khối, hay một bức tường bao quanh. Những người sống trong hiệp thông, trong quan hệ truyền thông, thì “cùng nhau ở sau cùng một bức tường”, cùng nhau ở cùng một chỗ và cùng một môi trường, ở đó mọi người lệ thuộc lẫn nhau. Nghĩa thứ hai cũng dựa trên cùng một gốc “mun” như được phản ánh trong từ Latinh “munus” nghĩa là quà tặng, phục vụ, và dấn thân. Nó cho thấy người truyền thông sống để phục vụ người khác, chia sẻ bản thân và mọi sự của mình để từ đó phát triển một cái gì chung, đó là cộng đoàn.

Linh đạo truyền thông vì vậy không chỉ là linh đạo cá nhân mà còn là linh đạo cộng đoàn. Kinh nghiệm cộng đoàn trong Kinh nguyện, Thánh Thể và đời sống bí tích, trong chia sẻ Kinh Thánh và đời sống chung, kinh nghiệm ấy nuôi dưỡng và tạo sức mạnh, đặc biệt trong những tình huống truyền thông khó khăn. Chính từ điểm này mà người truyền thông Kitô giáo cảm thấy mình đặc biệt gắn chặt với các nhu cầu của người khác và vì vậy, trong nhiều trường hợp, họ trở thành ‘tiếng nói của những người không có tiếng nói’.

Đặc biệt tính sáng tạo nhân bản và truyền thông vượt trên các phương tiện kỹ thuật chính là cái được nuôi dưỡng nhờ linh đạo sâu xa hơn của cá nhân và cộng đoàn. Trong một thông điệp gửi Đại hội Thế giới các tổ chức Công giáo Quốc tế về Truyền thanh và Phim ảnh (Unda/OCIC) tại Montreal 1998, Hồng y Angelo Sodano từ Văn phòng Quốc vụ khanh Vatican đã nhân danh ĐTC viết (ngày 14-7) đích thị về mối quan tâm này. Sau khi nhắc đến “sự sáng tạo kỳ diệu về kỹ thuật” trong thế giới các phương tiện truyền thông thời gian gần đây, ngài đòi rằng chúng “cần được đi đôi với một sự sáng tạo khác mang tính chất thiêng liêng chân chính. Sự sáng tạo thiêng liêng chân chính nhấn mạnh ‘sự ưu tiên của đạo đức trên kỹ thuật, sự trổi vượt của con người trên sự vật, sự siêu việt của tinh thần trên vật chất’ (Redemptoris Hominis, 16). Nó mở con người ra với mầu nhiệm là cốt tuỷ của mọi sự vật, mở ra với cái tốt, cái thật và cái đẹp là những điều mà mọi người khao khát. Nó mở ra các tầng trời để thấy được niềm hy vọng, và như thế nó dự phần vào sự sáng tạo của Thiên Chúa. Sự sáng tạo này đòi những người Công giáo đang dấn thân trong hoạt động truyền thông hã hội phải có một trình độ chuyên môn đầy đủ trong một lĩnh vực đang phát triển quá nhanh. Nó cũng đòi hỏi họ một trí tưởng tượng có chất lượng - khả năng nhìn thế giới không chỉ như nó hiện có mà như nó sẽ có thể là gì, và nhờ đó cống hiến những tầm nhìn tiềm năng để nuôi hy vọng. Theo nghĩa này, người truyền thông Công giáo cần phải là một nghệ nhân có khả năng phá vỡ những nhận thức cũ và chán nản về thế giới để sinh ra những nhận thức mới đầy hi vọng. Về phần mình, trí tưởng tượng có chất lượng này đòi hỏi một sự thánh thiện đích thực - một sự mở lòng ra với mầu nhiệm Thiên Chúa và một sự gần gũi Đức Kitô như là Đấng mà trong vinh quang của Người cái tốt, cái thật và cái đẹp đạt được sự sung mãn của chúng. Sau cùng, một sự ‘thánh thiện’ dựa trên sự gần gũi Đức Kitô đòi hỏi người truyền thông Công giáo một phẩm chất can đảm, giúp họ rao giảng Tin Mừng trong một thế giới thường tỏ ra dửng dưng và có khi thù nghịch ra mặt. Nếu những người truyền thông Công giáo tìm được những ngôn từ và những hình ảnh đúng để rao giảng Tin Mừng, thì ngay cả những người dửng dưng và thù nghịch cũng có thể nhận ra những gì được cống hiến cho họ, một tiếng nói sáng tạo thực sự thấm vào tận những khát vọng thâm sâu nhất của họ”.

Trong thái độ cởi mở với tha nhân, “Đức Ái Tông Đồ” - cũng là kết quả của sự mở lòng ra với Thiên Chúa (xem ở trên, 2.1.c) - được diễn tả một cách đặc biệt cho người linh mục và cả cho người truyền thông mục vụ bằng điều mà Đức Gioan Phaolô II gọi là ‘Đức Ái Mục Tử”. Trong Tông huấn Pastores Dabo Vobis (số 24), ngài mô tả nội dung cơ bản của Đức Ái Mục Tử là “nhân đức mà nhờ đó chúng ta bắt chước Đức Kitô trong sự hiến mình và phục vụ. Không chỉ là những việc chúng ta làm, nhưng chính sự hiến mình của chúng ta bộc lộ tình thương của Đức Kitô đối với đàn chiên của Người. ‘Đức Ái Mục Tử’ xác định cách chúng ta suy nghĩ và hành động, cách chúng ta quan hệ với người khác. Nó có những đòi hỏi đặc biệt đối với chúng ta...”. Đối với các linh mục, và cũng có thể áp dụng cho mọi người truyền thông mục vụ, Đức Thánh Cha bảo đảm rằng ‘Đức Ái Mục Tử’ như một nguyên lý năng động nội tại “có khả năng thống nhất nhiều hoạt động khác nhau của người linh mục. Nhờ nguyên lý nội tại này... họ có thể đáp ứng thích hợp sự đòi hỏi cơ bản và thường xuyên về sự thống nhất giữa đời nội tâm của linh mục và các hoạt động bên ngoài cùng với các bổn phận thừa tác vụ của họ, một đòi hỏi đặc biệt cấp bách trong một bối cảnh văn hoá-xã hội và giáo hội chứa đầy sự phức tạp, manh mún và phân tán” (x. Eilers, 1999, tr. 93tt.).

2.2. Linh đạo Truyền thông làm Cơ sở cho Kế hoạch Truyền thông Mục vụ và Truyền giáo

Với văn kiện Novo Millennio Ineunte (6-1-2001) của ngài, một cách chi tiết và ấn tượng, Đức Gioan Phaolô II cho thấy bằng cách nào linh đạo phải là nền móng và cơ sở cho mọi việc truyền thông mục vụ và truyền giáo của Hội Thánh. Sau khi điểm lại những kinh nghiệm của Năm Thánh 2000, Đức Thánh Cha đề nghị “bắt đầu vạch ra một kế hoạch mục vụ hiệu quả sau Năm Thánh”, đương nhiên cũng bao gồm lĩnh vực truyền thông mục vụ và truyền giáo. Thay vì bắt đầu với các đề nghị ‘làm thế nào’, văn kiện này trình bày khá dài về các nền tảng thiêng liêng cho một kế hoạch như thế, cũng là một kế hoạch cơ bản để có một hoạt động truyền thông sâu xa hơn và có trách nhiệm hơn trong thiên niên kỷ mới này. Đức Gioan Phaolô viết: “Tuy nhiên, điều quan trọng là những gì chúng ta đề nghị, với sự trợ giúp của Thiên Chúa, phải được đặt nền sâu xa trên sự chiêm niệm và cầu nguyện. Thời đại chúng ta là thời đại chuyển động không ngừng, thường dẫn tới rối động, với nguy cơ ‘làm vì làm’. Chúng ta phải kháng cự lại cám dỗ này bằng cách cố gắng ‘là cái gì’ trước khi cố gắng ‘làm cái gì’. Về phương diện này, chúng ta hãy nhớ lại lời Đức Giêsu khiển trách cô Mácta: ‘Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần mà thôi...’ (Lc 10,41-42). Trong tinh thần này, trước khi nêu lên một số hướng dẫn suy tư cho anh chị em, tôi muốn chia sẻ với anh chị em một ít suy niệm về mầu nhiệm Đức Kitô, nền tảng tuyệt đối của mọi hoạt động mục vụ của chúng ta” (số 15).

* Truyền thông mục vụ và truyền giáo bắt đầu với việc chiêm ngắm khuôn mặt Đức Kitô ăn rễ sâu trong đức tin mà Thánh Phêrô tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). “Phêrô đã đến được với đức tin này như thế nào? Và chúng ta cần phải làm gì nếu muốn đi theo vết chân của ngài với một niềm xác tín ngày càng lớn hơn? Mátthêu cho chúng ta một trực giác sáng suốt qua lời Chúa Giêsu chấp nhận lời tuyên xưng của Phêrô: ‘Không phải máu thịt mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời’ (16,17). Thành ngữ ‘máu thịt’ là chỉ về loài người (‘phàm nhân’, theo bản dịch của Nhóm CGKPV) và cách hiểu chung của loài người về sự vật. Đối với Chúa Giêsu, cách hiểu này không đủ. Cần phải có một ơn ‘mặc khải’ đến từ Cha. Luca cho chúng ta một chỉ dẫn theo cùng một hướng này khi ngài lưu ý rằng cuộc đối thoại này diễn ra khi Đức Giêsu ‘đang cầu nguyện một mình’ (Lc 9,18). Cả hai chỉ dẫn trên đây đều làm sáng tỏ rằng chúng ta không thể nào đạt được sự sung mãn trong việc chiêm ngắm khuôn mặt Chúa Giêsu nếu chỉ dựa vào cố gắng riêng của mình, nhưng phải để cho ân sủng cầm tay dẫn chúng ta đi. Chỉ có kinh nghiệm về sự thinh lặng và cầu nguyện mới cung cấp cho chúng ta khung cảnh thích hợp để nuôi dưỡng và phát triển một sự hiểu biết đích thực, trung thành và nhất quán về mầu nhiệm với cách diễn tả tột đỉnh được tìm thấy trong lời tuyên bố long trọng của Thánh Gioan tác giả Tin Mừng: ‘Và NGÔI LỜI đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta, đầy tràn ân sủng và sự thật...’” (Ga 1,14) (số 19,20).

Liên quan tới nhu cầu thinh lặng và cầu nguyện, có lẽ rất ích lợi nếu chúng ta biết rằng Uỷ ban Phụng vụ của Hội đồng Giám mục Đức đã công bố (ngày 14-2-2003) một văn kiện dài về “Các Căn Phòng Yên Tĩnh. Một ít tư tưởng về việc bảo tồn một điều tốt đang có nguy cơ bị mất đi trong các Thánh Đường của chúng ta”, văn kiện này trình bày đích thị về nhu cầu thinh lặng và yên tĩnh trong thời đại ngày nay, đặc biệt tại các nhà thờ của chúng ta, nơi đang ngày càng trở nên một địa điểm du lịch giống như các viện bảo tàng. Văn kiện cũng nhấn mạnh nhu cầu thinh lặng trong các cử hành phụng vụ cũng như nhu cầu suy niệm trong thinh lặng về các ảnh tượng thánh như là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa giữa chúng ta. Văn kiện kêu gọi hãy có những “Đảo Thinh Lặng” trong thế giới ồn ào của chúng ta.

Các suy từ này mới đây đã được nhấn mạnh thêm bởi Tông huấn của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II về Phụng vụ Thánh nhân dịp kỷ niệm 40 năm Hiến chế Sacrosanctum Concilium, ngày 12-12-2003, số 13): “Một khía cạnh phải được các cộng đoàn của chúng ta đặc biệt quyết tâm vun trồng, đó là kinh nghiệm về thinh lặng. Chúng ta cần sự thinh lặng để ‘đón nhận trong tâm hồn âm vang đầy đủ của tiếng Chúa Thánh Thần, và để kết hợp một cách mật thiết hơn kinh nguyện cá nhân với Lời Chúa và với tiếng nói công cộng của Hội Thánh’ (số 32). Trong một xã hội ngày càng sống cuồng nhiệt, điên đảo vì những tiếng ồn ào và bị cuốn hút vào những thứ phù du, thì tìm lại giá trị của thinh lặng là một điều sống còn. Không phải tình cờ mà ngoài việc phụng tự Kitô giáo, các việc thực hành nguyện gẫm nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hồi tâm đang đang trở thành phổ biến. Sao chúng ta không dấn mình thực hiện bằng sự táo bạo sư phạm một việc giáo dục chuyên biệt về thinh lặng trong ranh giới của kinh nghiệm Kitô giáo? Chúng ta phải đặt trước mắt gương sáng của Chúa Giêsu, ‘Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó’ (Mc 1,35). Trong số các lúc và các dấu hiệu khác nhau của nó, Phụng Vụ không thể coi nhẹ các lúc và các dấu hiệu của sự thinh lặng”.

* Mọi việc truyền thông mục vụ và truyền giáo phải gắn chặt vào sự thánh thiện. Dựa trên chương 5 của Lumen Gentium của Vatican II với ‘ơn gọi mọi người nên thánh’, rõ ràng đây cũng là một điều kiện cho mọi công việc mục vụ và truyền thông Kitô giáo. “Thoạt nghe, việc nhắc lại sự thật sơ đẳng này có vẻ là chuyện thiếu thực tế... Có thể nào ‘lên kế hoạch’ cho sự thánh thiện chăng? Từ ‘thánh thiện’ có thể có nghĩa gì trong bối cảnh của một kế hoạch mục vụ? Thực ra đặt kế hoạch mục vụ dưới tiêu đề của sự thánh thiện là một chọn lựa mang nhiều hệ quả. Nó bao hàm niềm xác tín rằng, vì Phép Rửa là một cửa ngõ thực sự để đi vào sự thánh thiện của Thiên Chúa qua việc sát nhập vào với Đức Kitô và việc Thánh Thần của Người đến cư ngụ trong chúng ta, nên sẽ là mâu thuẫn nếu chấp nhận một đời sống tầm thường, với một nền đạo đức tối thiểu và một lòng đạo nông cạn. Hỏi những người dự tòng: ‘Anh chị em có muốn lãnh nhận Phép Rửa không?’ cũng đồng thời có nghĩa là hỏi họ: ‘Anh chị em có muốn nên thánh không?’ Nó có nghĩa là đặt ra trước mắt họ bản chất triệt để của Bài Giảng Trên Núi: ‘Anh em hãy nên trọn lành như Cha của anh em trên trời là Đấng trọn lành’ (Mt 5,48)” (các số 30, 31).

* ‘Nghệ thuật cầu nguyện’ là phần cốt yếu của mọi việc truyền thông mục vụ và truyền giáo. Đức Gioan Phaolô II viết: “Nhưng tất cả chúng ta đều biết rằng cầu nguyện không phải là một chuyện tự nhiên mà có. Chúng ta phải học cầu nguyện: như thể chúng ta học nghệ thuật luôn luôn mới mẻ này từ chính miệng Thầy Chí Thánh, giống như các môn đệ đầu tiên: ‘Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện!’ (Lc 11,1). Cầu nguyện làm phát triển cuộc đàm thoại với Đức Kitô để biến chúng ta thành các bạn hữu chí thiết của Người: ‘Hãy ở lại trong Thầy và Thầy trong anh em’ (Ga 15,4). Tính hỗ tương này là chính bản chất và linh hồn của đời sống Kitô giáo và là điều kiện của mọi đời sống mục vụ đích thực. Được Chúa Thánh Thần thực hiện trong chúng ta, tính hỗ tương này mở lòng chúng ta ra để chiêm ngắm khuôn mặt Cha, nhờ Đức Kitô và trong Đức Kitô. Việc học biết hình dạng Ba Ngôi này của kinh nguyện và sống nó trọn vẹn, đặc biệt trong phụng vụ, tột đỉnh và nguồn mạch đời sống của Hội Thánh, mà cả trong kinh nghiệm cá nhân, đó chính là bí quyết của một đời sống Kitô đích thực, không có lý do gì để sợ tương lai, bởi vì nó không ngừng trở về với các nguồn mạch và tìm thấy sức sống mới ở đó... Các cộng đoàn Kitô giáo của chúng ta phải trở thành các ‘trường học’ cầu nguyện đích thực, ở đó việc gặp gỡ Đức Kitô được diễn tả không chỉ bằng việc cầu xin trợ giúp, nhưng còn bằng việc tạ ơn, ngợi khen, thờ lạy, chiêm ngắm, lắng nghe và sốt sắng mến yêu, cho tới khi quả tim thực sự ‘say đắm’...” (các số 32, 33).

* Địa vị tối thượng của ân sủng là yếu tố cơ bản của mọi việc truyền thông Kitô giáo. “Nếu trong kế hoạch đang chờ đời chúng ta, chúng ta dấn mình một cách tin tưởng vào một hoạt động mục vụ mà trong đó việc cầu nguyện cá nhân và cộng đoàn được dành một chỗ thích hợp, thì chúng ta đang tuân giữ một nguyên tắc cơ bản của nhân sinh quan Kitô giáo: địa vị tối thượng của ân sủng. Có một cám dỗ xưa nay luôn cản trở mọi hành trình thiêng liêng và hoạt động mục vụ: đó là nghĩ rằng kết quả tuỳ thuộc khả năng hành động và kế hoạch của chúng ta. Đương nhiên Thiên Chúa muốn chúng ta thực sự cộng tác với ân sủng của Người, và Người mời gọi chúng ta vận dụng mọi tâm lực để phục vụ Nước Người, nhưng sẽ là tai hoạ thực sự nếu chúng ta quên mất rằng ‘không có Đức Kitô, chúng ta không thể làm được gì’ (x. Ga 15,5). Chính kinh nguyện giúp chúng ta gắn chặt với chân lý này. Kinh nguyện không ngừng nhắc nhớ chúng ta về địa vị tối thượng của Đức Kitô và của đời sống nội tâm và thánh thiện trong mối kết hợp với Người. Khi nguyên tắc này không được tôn trọng, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu các kế hoạch mục vụ của chúng ta chỉ là công dã tràng và để lại trong lòng chúng ta một cảm giác thất vọng. Những lúc như thế, chúng ta có cùng một trải nghiệm như các môn đệ trong câu truyện Tin Mừng về mẻ cá lạ: ‘Chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà chẳng bắt được gì’ (Lc 5,5). Đây là lúc để cầu nguyện, để nói chuyện với Thiên Chúa, xin Người mở lòng chúng ta ra trước đợt sóng ân sủng của Người và để cho Lời Đức Kitô thấm nhập vào lòng chúng ta với tất cả sức mạnh của Lời ấy. Duc in altum! (‘Hãy ra chỗ sâu mà thả lưới!’) Lúc ấy, chính Phêrô đã nói lên lời nói đức tin: ‘Vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới” (số 38).

* Linh đạo Truyền thông phải là một linh đạo Hiệp thông. Linh đạo này “vạch rõ trên hết việc chiêm niệm mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi cư ngụ trong chúng ta, và ánh sáng của mầu nhiệm này cũng phải có thể được nhìn thấy rạng ngời trên khuôn mặt của các anh chị em xung quanh chúng ta. Linh đạo hiệp thông cũng có nghĩa là khả năng suy nghĩ về các anh chị em chúng ta trong đức tin, với sự duy nhất sâu xa của Nhiệm Thể, và vì vậy, có thể nhìn họ như là ‘những thành phần của tôi’. Điều này giúp chúng ta biết chia sẻ những vui buồn của họ, cảm thấy được các nguyện vọng và quan tâm tới các nhu cầu của họ, cống hiến cho họ tình bạn sâu xa và chân thật. Linh đạo hiệp thông cũng bao hàm khả năng thấy được những điểm tích cực nơi người khác, đón nhận và quý chuộng chúng như là một quà tặng của Thiên Chúa... Sau cùng, linh đạo hiệp thông có nghĩa là biết cách ‘dành chỗ’ cho anh chị em chúng ta, mang ‘gánh nặng lẫn cho nhau’ (Gl 6,2) và kháng cự lại các cám dỗ ích kỷ không ngừng làm chúng ta buồn phiền và khích động sự cạnh tranh, nghi kỵ và ghen tương. Chúng ta không được có ảo tưởng: Nếu chúng ta không đi theo linh đạo này, thì các cơ cấu hiệp thông bề ngoài” - và truyền thông! - “sẽ chẳng có ích gì. Chúng sẽ chỉ là những cỗ máy vô hồn, ‘những mặt nạ’ truyền thông thay vì là phương tiện để diễn tả và tăng trưởng” (số 43).

Một linh đạo truyền thông sâu xa phải là cơ sở cho mọi hoạt động truyền thông, nhưng đặc biệt cho loại truyền thông liên quan đến việc chăm sóc mục vụ và sứ mạng rao giảng Tin Mừng của Hội Thánh. Loại linh đạo này không phải là cái có thể học được giống như các kỹ năng hay kỹ thuật, nhưng phải được sống. Phải lớn lên trong nó. Nhưng chúng ta có các ‘thầy dạy’ để chỉ cho chúng ta đường đi, giúp chúng ta trong nhiệm vụ cơ bản này không? Chúng ta có các cơ cấu để phát huy sự lớn lên như thế không? Đây là một thách thức của cả đời, không riêng gì đối với cá nhân người truyền thông nhưng cả đối với mọi tổ chức và tập thể quan tâm và dấn thân cho việc truyền thông đời sống và đức tin Kitô giáo.

Sách Công vụ Tông đồ (4,23-40) vạch ra con đường và chỉ cho chúng ta thấy các bước cụ thể của một sự truyền thông dựa trên Thần Khí: Sau khi Phêrô và Gioan đã làm chứng trước Thượng Hội Đồng và được thả, toàn thể cộng đoàn tạ ơn và cầu nguyện cùng Thiên Chúa. “Họ cầu nguyện xong, thì nơi họ họp nhau rung chuyển; ai nấy đều được tràn đầy Thánh Thần và bắt đầu mạnh dạn nói lời Thiên Chúa”. Từ điểm này, chúng ta có thể rút ra ba bước mà mọi việc truyền thông mục vụ và truyền giáo phải làm: 1. Cầu nguyện, 2. Tràn đầy Thánh Thần, 3. Mạnh dạn nói Lời Thiên Chúa. Truyền thông mục vụ và truyền giáo bắt đầu với việc cầu nguyện bởi vì đó là sự truyền thông của Thiên Chúa. Rồi nó phải được tràn đầy Thánh Thần của Người, Đấng làm cho chúng ta can đảm rao giảng giống như các tông đồ nhát sợ vào ngày lễ Hiện Xuống đã được Thánh Thần biến đổi thành những người can đảm trình bày Lời của Người.

Để chuẩn bị cho thiên niên kỷ mới, văn kiện Novo Millennio Ineunte (các số 30 tới 40) nêu lên cơ bản bốn trụ cột cho mọi hoạt động mục vụ: 1. Sự thánh thiện, 2. Cầu nguyện, 3. Các bí tích, 4. Lời Thiên Chúa.

Còn tiếp 

Lm. Franz-Josef Eilers, SVD
Ghi lại phản hồi, xin nhấn vào »  Nhập ý kiến của bạn:
Ý kiến - nhận xét của bạn về bài:

"Truyền thông trong Mục vụ và Truyền giáo" (1)

Tên:
Email:
Ý kiến - nhận xét - Comments:

  (hoặc nhấn phím ESC hoặc nhấn vào khung nền)

Chưa có ý kiến   Pending (3)
TIN - BÀI KHÁC   21 tin bài trong VĂN KIỆN » Truyền Thông
  Sứ điệp của ĐTC Phanxicô nhân Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 58 | Vatican News
  Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 47 của ĐTC Bênêđictô XVI | Nguyễn Minh Triệu, SJ, chuyển ngữ
  Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần đầu tiên của ĐGH Phaolô VI | G.B. Lưu Văn Lộc chuyển ngữ
  Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 45 của ĐGH Bênêđictô XVI | G.B. Lưu Văn Lộc chuyển ngữ
  "Truyền thông trong Mục vụ và Truyền giáo" (10) | Lm. Franz-Josef Eilers, SVD
  "Truyền thông trong Mục vụ và Truyền giáo" (9) | Lm. Franz-Josef Eilers, SVD
  "Truyền thông trong Mục vụ và Truyền giáo" (8) | Lm. Franz-Josef Eilers, SVD
  "Truyền thông trong Mục vụ và Truyền giáo" (7) | Lm. Franz-Josef Eilers, SVD
  "Truyền thông trong Mục vụ và Truyền giáo" (6) | Lm. Franz-Josef Eilers, SVD
  "Truyền thông trong Mục vụ và Truyền giáo" (5) | Lm. Franz-Josef Eilers, SVD
  "Truyền thông trong Mục vụ và Truyền giáo" (4) | Lm. Franz-Josef Eilers, SVD
  "Truyền thông trong Mục vụ và Truyền giáo" (3) | Lm. Franz-Josef Eilers, SVD
  "Truyền thông trong Mục vụ và Truyền giáo" (2) | Lm. Franz-Josef Eilers, SVD
  Giới thiệu sách "Truyền thông trong Mục vụ và Truyền giáo" của Lm. Franz-Josef Eilers, SVD
  Đạo đức trong Internet
  Đạo đức trong quảng cáo
  Đạo đức trong truyền thông
  Giáo Hội và Internet
  Huấn thị Mục vụ Thời đại mới (Aetatis Novae) về việc truyền thông xã hội
  Sắc lệnh Inter Mirifica của Công đồng Vatican II về các phương tiện truyền thông xã hội
Tìm kiếm trong phần Tin - Bài này
 [Tìm tên bài, tên tác giả, nội dung...]
Ngày 22 tháng 10 năm Giáp Thìn
Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 11-2024
Cầu nguyện cho những người đã mất con
Chúng ta hãy cầu nguyện để tất cả những người cha mẹ phải than khóc vì cái chết của người con trai hay con gái, tìm thấy sự nâng đỡ của cộng đoàn và nhận được từ Thánh Thần an ủi sự bình an trong tâm hồn.
For those who have lost a child
The prayer intention for the month of November is for “all parents who mourn the loss of a son or daughter.”
SUY NIỆM TIN MỪNG

Phim - Nhạc - Suy niệm
Xem chuyên mục Media Online
Từ Điển Online:     

Truyền Tin

Email: tt.march25@gmail.com

Website: truyen-tin.net

Online since: May 2010

Tìm kiếm nội dung
(Gõ từ khóa vào vào khung dưới đây)
Tìm kiếm trong Google
Nhấn vào >> Google Search

Liên hệ

Đặt làm trang chủ

@