Một người bạn là người hiểu quá khứ của bạn, tin tưởng vào tương lai của bạn, và chấp nhận con người của chính bạn.

(Khuyết danh)
Truyen-tin.net - Sơ lược dữ kiện:

  • ♥ Tiểu sử Các Thánh: 272
  • ♥ Các Bài đọc thánh lễ: 772
  • ♥ Văn hoá, nghệ thuật: 1154
  • ♥ Tin tức, chuyên đề... 15439
  • ♥ Thư viện hình ảnh: 6916
  • ♥ Suy niệm Lới Chúa: 784
  • ♥ Video: 2269
  • ♥ Tài liệu tham khảo: 780

... cùng những sưu tập khác.
tt
Laudetur Jesus Christus - Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô NewsFeed
-
VĂN KIỆN » Truyền Thông
Back TRỞ LẠI (Cập nhật: 12/01/2011 12:00:00 SA)
A  A  A
"Truyền thông trong Mục vụ và Truyền giáo" (9)

Ấn bản thứ hai

 

Nguyên bản: COMMUNICATING IN MINISTRY AND MISSION

Tác giả: FRANZ-JOSEF EILERS, SVD

***

PHẦN III

TRUYỀN THÔNG TRONG TRUYỀN GIÁO

3. Truyền thông Truyền giáo trong ánh sáng Ecclesia in Asia

Dưới đây là một suy tư đặc biệt và một ví dụ tiêu biểu về cách nhìn Truyền thông Truyền giáo trong ánh sáng của một văn kiện đặc trưng ‘Ecclesia in Asia’ tiếp theo sau một trong các Thượng Hội Đồng cấp châu lục tại Rôma để chuẩn bị mừng Năm Thánh 2000 và bước sang thế kỷ mới.

Loan báo Tin Mừng (hay Truyền giáo) có nghĩa là truyền thông. Loan báo Tin Mừng là chia sẻ các kinh nghiệm đức tin với người khác. Evangelii Nuntiandi (EN) nói đó là truyền thông “Tin Mừng vào mọi giai tầng của nhân loại và nhờ ảnh hưởng của nó mà biến đổi nhân loại từ bên trong, đổi mới nhân loại” (số 18). Việc truyền thông Tin Mừng này đã xảy ra trong giai đoạn đầu tiên qua việc làm chứng bằng đời sống như “một hành vi loan báo Tin Mừng đầu tiên” (số 21). Nhưng cũng cần phải truyền thông công khai về Chúa Giêsu Kitô:

“Không có loan báo Tin Mừng đích thực nếu không có sự truyền thông về tên, lời dạy, cuộc đời, các lời hứa, nước và mầu nhiệm của Đức Giêsu Nazareth, Con Thiên Chúa!” (EN số 22).

Truyền thông Truyền giáo bắt đầu với việc hiểu biết tình hình của con người, các kỳ vọng của họ, các tâm trạng và hoàn cảnh sống của họ, là nơi mà thông điệp phải được truyền thông và chia sẻ. Chỉ từ chỗ này chúng ta mới có thể bắt đầu quyết định phải chọn và sử dụng các phương tiện và phương pháp nào.

3.1. Tình hình

Trong tình hình của Châu Á, Thượng Hội Đồng đặc biệt tại Rôma (1998) cũng như văn kiện chung cuộc của Thượng Hội Đồng này, Tông huấn Ecclesia in Asia, đã đối diện với các thách thức này và trực tiếp hay gián tiếp đề cập đến hoạt động truyền thông truyền giáo.

1. Khi mô tả “các thực tại kinh tế và xã hội” của Châu Á, Ecclesia in Asia phàn nàn về ảnh hưởng tiêu cực của các phương tiện truyền thông đại chúng và cả về “cách thức chúng bị kiểm soát và sử dụng bởi những người có những quan tâm chính trị, kinh tế và ý thức hệ đáng nghi ngờ”. Các phương tiện truyền thông này được coi là “đe doạ các giá trị truyền thống, đặc biệt sự bền vững của gia đình. Hậu quả của các hình ảnh bạo lực, chủ nghĩa khoái lạc, chủ nghĩa cá nhân buông thả và chủ nghĩa duy vật ‘đang đánh vào giữa lòng của các nền văn hoá Á Châu, đánh vào tính chất tôn giáo của các dân tộc, các gia đình và toàn thể xã hội’ (Thượng Hội Đồng Châu Á: Instrumentum Laboris IL, số 9).  Tình hình này đặt ra một thách thức lớn cho Hội Thánh và cho việc loan báo thông điệp của Hội Thánh” (số 7).

Ở phần sau, Ecclesia in Asia một lần nữa nhắc đến “tính xâm nhập của các phương tiện đại chúng” như là một trong các “hình thức khai thác và thao túng bỉ ổi” làm cho người ta dễ trở thành nô lệ cho những kẻ cường quyền” (số 39).

Chúng ta không thể trốn tránh thực tại này! Trong tư cách Hội Thánh, chúng ta phải đối diện những thách thức này thế nào và việc rao giảng của chúng ta phải như thế nào trong một tình hình như thế? Làm thế nào chúng ta có thể một cách nào đó phản ứng và đáp ứng cụ thể? Hội Thánh phải:

* Củng cố các giá trị truyền thống, đặc biệt sự bền vững của gia đình với nhiều sự chăm sóc cá nhân hơn, nhiều trí tưởng tượng và sáng tạo hơn, tuỳ theo các hoàn cảnh và khả năng địa phương. Để làm điều này, cần có những người giàu sáng tạo, các linh mục, tu sĩ và giáo dân không chỉ là những người quản lý và kế toán, mà là những người có thiện chí ‘lắng nghe’ và cũng có sự dũng cảm để ‘thử những vùng nước mới’. Một cách đặc biệt, họ phải nghe và hiểu ngôn ngữ, tình cảm và nhu cầu của tuổi trẻ, là những người sinh ra giữa nền ‘văn hoá’ truyền thông và lớn lên với con chuột máy tính.

* Tương tự, phải nghe thấy tiếng kêu của người nghèo, hoạt động cho công lý và hoà bình, và giúp bảo tồn sự toàn vẹn của tạo dựng. “Không có hoà bình nếu không có công lý, và không có công lý nếu không có tha thứ”, ĐGH Gioan Phaolô II nói trong thông điệp Angelus Đầu Năm Mới 2002. “Cùng nhau chúng ta phải kiên cường chống lại cám dỗ của lòng căm thù và bạo lực, nó chỉ tạo ra ảo tưởng giải quyết các xung đột nhưng thực chất nó gây ra những thiệt hại thực sự và lâu dài. Ngược lại, lòng tha thứ xem ra có vẻ là yếu đuối, nhưng đòi hỏi sức mạnh tinh thần to lớn và bảo đảm những lợi ích lâu dài”.

2. Châu Á cũng không thể trốn tránh tiến trình toàn cầu hoá, được cổ xuý qua các phương tiện và kỹ thuật truyền thông hiện đại. Động năng của toàn cầu hoá đang “nhanh chóng lôi kéo các xã hội Châu Á vào một nền văn hoá tiêu thụ toàn cầu vừa duy thế tục vừa duy vật, “dễ dàng làm xói mòn các giá trị truyền thống gia đình và xã hội mà cho đến nay đã giữ vững loài người và xã hội...” (số 39). Nhưng đồng thời Ecclesia in Asia nhấn mạnh nhu cầu “toàn cầu hoá nhưng không phân hoá giàu nghèo” (globalization without marginalization). Trong một tình hình như thế:

Đối thoại giữa các nền văn hoá đặc biệt cần thiết hôm nay vì ảnh hưởng của kỹ thuật truyền thông mới đối với cuộc sống của các cá nhân và các dân tộc. Thời đại chúng ta là một thời đại truyền thông toàn cầu, nó đang hình thành xã hội theo con đường của các mẫu văn hoá mới ít nhiều cắt đứt với các mẫu cũ. Ít là trên nguyên tắc, bất cứ ai ở bất cứ đâu trên thế giới đều có thể tiếp cận các thông tin chính xác và cập nhật. Sự lưu hành tự do các hình ảnh và lời nói trên qui mô toàn cầu đang biến đổi không chỉ các mối quan hệ chính trị và kinh tế giữa các dân tộc, mà thậm chí cả sự hiểu biết của chúng ta về thế giới. Nó mở ra hàng loạt những tiềm năng xưa nay chưa từng được nghĩ tới, nhưng nó cũng mang một số khía cạnh tiêu cực và nguy hiểm...” (Thông điệp của Đức Gioan Phaolô II cho Ngày Thế giới Hoà bình 2001, số 11).

Sự “đối thoại giữa các nền văn hoá” như thế là một phần của sự đối thoại ba chiều đã được cổ vũ từ nhiều năm bởi “Liên Hội đồng Giám mục Châu Á” (FABC) cùng với “đối thoại với các tôn giáo” và “đối thoại với người nghèo”. Thực vậy, song song với việc củng cố các giá trị truyền thống, cũng phải có sự cởi mở trước các phát triển và các giá trị mới, tích cực cũng như tiêu cực, của các nền văn hoá toàn cầu khác. Chúng ta không còn có thể sống cô lập nhưng phải cởi mở để hiều biết và chấp nhận những người khác mà không đánh mất bản sắc của mình. Ecclesia in Asia cho thấy hướng đi này khi nói:

“Cách tốt nhất để phát hiện và khẳng định bản sắc Châu Á không phải là sự đối đầu và đối kháng, mà là trong tinh thần hoà hợp và bổ sung cho nhau. Trong khung cảnh này... Hội Thánh có thể truyền thông Tin Mừng sao cho vừa trung thành với truyền thống riêng của mình vừa hợp với tâm hồn người Châu Á” (số 6).

Thực tại truyền thông ở Châu Á không chỉ mang tính đe doạ nhưng cũng thách thức và là một cơ hội lớn cho hoạt động loan báo Tin Mừng của Hội Thánh.

3. Trong một đoạn đặc biệt về truyền thông xã hội, Ecclesia in Asia (số 48) trở về lại với góc nhìn về truyền thông xã hội của Thông điệp Redemptoris Missio về Truyền giáo (1990), ở đó các phương tiện truyền thông được gọi là “Areopagus”, nghị trường (hay nơi họp chợ) hàng đầu của thời đại mới. Chúng “đã trở thành quá quan trọng đến nỗi nhiều người coi chúng là những phương tiện chính của thông tin và giáo dục, của hướng dẫn và soi sáng trong cách ứng xử của các cá nhân, gia đình và xã hội. Cách riêng thế hệ trẻ đang lớn lên trong một thế giới bị chi phối bởi các phương tiện đại chúng. Từ chỗ này, Ecclesia in Asia kết luận: “Vai trò phi thường của các phương tiện truyền thông xã hội trong việc hình thành thế giới cũng như các nền văn hoá và các lối suy nghĩ của thế giới, đã dẫn tới những thay đổi mau lẹ và sâu rộng trong các xã hội Châu Á” (số 48). Chúng tạo nên một ‘văn hoá mới’ được nhận thấy rõ ràng ở Châu Á ngày nay, và điều này dẫn đến một khía cạnh quan trọng khác nữa lĩnh vực truyền thông truyền giáo. (Xem Phần III, 5 dưới đây).

3.2. Các phương thức truyền thông truyền giáo

Việc rao giảng Tin Mừng không thể thực hiện mà không có các phương tiện truyền thông xã hội hiện đại. Ngay từ Thông điệp Evangelii Nuntiandi (1975), ĐGH Phaolô II đã tuyên bố: “Hội Thánh sẽ cảm thấy có lỗi trước mặt Thiên Chúa nếu không vận dụng các phương tiện mạnh mẽ này mà tài năng con người không ngừng làm cho phát triển và hoàn thiện mỗi ngày” (số 45).

Ecclesia in Asia đưa yếu tố này vào trong viễn tượng loan báo Tin Mừng với lời tuyên bố: “Vì các phương tiện đại chúng ngày càng có ảnh hưởng lớn cả ở các vùng xa xôi ở Châu Á, chúng có thể trợ giúp rất nhiều cho việc loan báo Tin Mừng tới mọi góc cùng của châu lục” (số 48).

Việc này không đơn giản, nhưng đòi phải có các phương thức “tích hợp triệt để các phương tiện đại chúng vào trong kế hoạch và hoạt động mục vụ, để nhờ sử dụng chúng một cách hiệu quả, sức mạnh của Tin Mừng có thể vươn ra xa hơn nữa tới mọi cá nhân và mọi dân tộc, và truyền vào các nền văn hoá Á Châu những giá trị của Nước Chúa” (số 48). Tại nhiều nơi, các hoạt động tông đồ vẫn còn được thực hiện một cách riêng lẻ và không được tích hợp đủ vào các hoạt động khác của Hội Thánh như tông đồ Kinh Thánh, huấn giáo và giáo dục.

Các chi tiết khác nữa trong Ecclesia in Asia về rao giảng Tin Mừng vạch ra một số hướng dẫn, tuy rằng các hướng dẫn này chủ yếu liên quan tới việc truyền thông đối nội trong Hội Thánh và việc cải thiện tổ chức hoạt động này. Các hướng dẫn này là:

* “Bao có thể”, mỗi giáo phận phải có “một văn phòng về truyền thông và về phương tiện truyền thông”. Điều này đã được nêu lên bởi Sắc lệnh Inter Mirifica (số 20) của Vatican II và được đòi hỏi bởi Huấn thị Mục vụ Communio et Progressio (các số 168tt).

* Giáo dục truyền thông phải trở thành một phần ngày càng quan trọng của việc đào luuyện các linh mục, chủng sinh, tu sĩ, giáo lý viên, các chuyên viên giáo dân, các học sinh trong các trường Công Giáo và các cộng đoàn giáo xứ”. Việc giáo dục truyền thông này chủ yếu không phải là việc sử dụng các phương tiện truyền thông để giáo dục cho bằng giáo dục cách sử dụng các phương tiện truyền thông “gồm việc đánh giá có phê phán các hiệu quả của các phương tiện được sử dụng”. Tại một số quốc gia, môn học này cũng gọi là “Văn hoá Truyền thông”, nó giúp chúng ta ‘đọc’ và nhận thức một cách có phê phán và có trách nhiệm các thông điệp truyền thông. Đôi khi chúng ta chỉ là những khán giả ‘mù’, những người tiêu thụ mù quáng các phương tiện truyền thông, hay như tờ “The Straits Times” của Singapore gần đây có viết về tuổi trẻ ở Hàn Quốc trên Internet “trở thành những con ma sống” trong cơn ghiền ‘game vi tính’.

* “Vì ảnh hưởng sâu rộng và ghê gớm của các phương tiện truyền thông đại chúng”,
 cần có sự hợp tác đại kết và liên tôn để “bảo đảm có một chỗ cho các giá trị thiêng liêng và đạo đức trong các phương tiện truyền thông”.

* Cổ vũ việc triển khai các kế hoạch mục vụ truyền thông “ở cấp giáo phận và quốc gia” theo ước muốn của Huấn thị Mục vụ Aetatis Novae. Tuy nhiên các kế hoạch này phải “lưu ý thích đáng tới các hoàn cảnh đang phổ biến ở Châu Á”.

* Một điển hình rất cụ thể và hiệu quả về truyền thông truyền giáo cho Hội Thánh tại Châu Á là ‘Đài Chân Lý Á Châu’ (RVA: Radio Veritas Asia). Trong khi một số chương trình bằng 17 thứ tiếng Á Châu được phát sóng chủ yếu để sử dụng trong nội bộ Hội Thánh, như Chương Trình tiếng Quan Thoại dành cho Hội Thánh ‘ngầm’ tại Trung Hoa, hầu hết các chương trình được phát sóng cho những người ngoài Hội Thánh. Chẳng hạn, khoảng 90% thính giả trong 5 ngôn ngữ của tiểu lục địa Ấn Độ (Hinđi, Tamil, Telugu, Bengali, Urđu) là người Hindu và Hồi giáo. Họ đánh giá cao các chương trình, như có thể thấy và cảm nghiệm được tại các cuộc gặp gỡ thường xuyên ở các vùng phát sóng. Tông huấn Ecclesia in Asia có lý khi giới thiệu “Radio Veritas Asia” như là “đài phát thanh châu lục duy nhất cho Hội Thánh tại Châu Á”, và yêu cầu “phải có các cố gắng để gia tăng sức mạnh của công cụ truyền giáo tuyệt vời này, qua các chương trình bằng ngôn ngữ thích hợp, trợ giúp nhân sự và tài chánh từ các HĐGM và các giáo phận tại Châu Á” (số 48; cũng xem Phần III, 6.2.2 ở dưới).

Vì “Liên Hội đồng Giám mục Châu Á” (FABC) chịu trách nhiệm điều hành và tài trợ cho RVA, nên mọi HĐGM đều có một nghĩa vụ đặc biệt, kể cả những HĐGM không trực tiếp được phục vụ bởi một chương trình ngôn ngữ hiện có nào.

“Ban Chương trình Ngôn ngữ” tại các vùng phát sóng khác nhau đặc biệt cố gắng lôi kéo các giám mục địa phương và những người khác đóng góp một cách đặc biệt vào việc lập chương trình, sản xuất, đào tạo và tài trợ cho mỗi chương trình ngôn ngữ. Tại Đại hội Toàn thể của FABC ở Bandung 1990, các chủ tịch của các HĐGM thành viên đã ký một thoả ước gánh vác hoàn toàn các chi phí trong 5 năm của tất cả các chương trình phát thanh của RVA được thực hiện tại các trung tâm sản xuất của quốc gia họ. Tiếc rằng thoả thuận này đã không bao giờ được thực hiện đầy đủ.

3.3. Các thái độ đối với truyền thông truyền giáo

Tài năng không phải là vấn đề đầu tiên và trên hết để sử dụng đúng đắn các phương tiện truyền thông hiện đại để đến được với đại đa số dân Châu Á không phải là thành viên của Hội Thánh. Vấn đề quan trọng hơn là phải có một số thái độ và khía cạnh thích hợp. Việc loan báo Tin Mừng đích thực bắt đầu với sự ‘hoán cải’ trong Hội Thánh, nhưng sự hoán cải này cũng phải được đem chia sẻ với ‘người ngoài’. Vấn đề không phải chỉ là xây dựng và sử dụng các phương tiện kỹ thuật như các phương tiện đại chúng, nhưng phải bắt đầu với những yếu tố cơ bản của việc truyền thông nhân bản và Kitô giáo.

1. Chứng tá đời sống là đòi hỏi đầu tiên cho việc truyền thông truyền giáo tại Châu Á. Đặc biệt ở điểm này, các lời của ĐGH Phaolô VI trong Evangelii Nuntiandi (số 41; cũng xem số 21.76) phải được áp dụng:

“Con người thời nay thích nghe các chứng nhân hơn là các thầy dạy, và nếu họ nghe các thầy dạy, thì chính là vì các người này cũng là các chứng nhân. Thánh Phêrô đã diễn tả rất hay điều này khi ngài nêu lên gương sáng của một nếp sống đáng kính và trong sạch dù không dùng lời nói mà vẫn chinh phục được những người không muốn vâng nghe Lời (x. 1 Pr 3,1). Vì thế, Hội Thánh phải loan báo Tin Mừng cho thế giới chủ yếu nhờ hạnh kiểm và đời sống của mình. Nói khác đi, Hội Thánh truyền thông nhờ chứng tá sống động về lòng trung thành với Chúa Giêsu - chứng tá về sự nghèo khó và từ bỏ, về tự do đối với các quyền lực của trần gian này, nói tóm, chứng tá về sự thánh thiện”.

Một mẫu gương gần đây nữa cho Châu Á là Mẹ Têrêsa Calcutta. Bà đã loan báo Tin Mừng một cách đơn sơ bằng đời sống của bà. Đối với việc truyền thông Kitô giáo, điều này có nghĩa là chúng ta không được chỉ quan tâm tới kỹ thuật. Tâm trạng và thái độ truyền thông nhân bản của chúng ta phải dựa trên một kinh nghiệm thiêng liêng sâu xa. Theo mô tả về truyền thông trong Huấn thị Mục vụ Communio et Progressio (số 11), tinh thần truyền thông sâu xa nhất của chúng ta phải là “hiến mình trong tình yêu”.

Chứng tá đời sống như thế thường cũng dẫn tới sự ‘tiếp xúc cá nhân’ như là một phương tiện cơ bản để truyền thông truyền giáo. “Toàn thể sách Công vụ Tông Đồ, được coi là cuốn sách đầu tiên viết về Hội Thánh truyền thông thời kỳ đầu, đã tường thuật và làm chứng rằng đức tin đã lan đi khắp thế giới vào thời đó nhờ chứng tá và sự tiếp xúc cá nhân như là phương tiện chính của việc rao giảng Tin Mừng. Dù không có các phương tiện truyền thông đại chúng, thế giới của thời ấy đã được Tin Mừng hoá trong một thời gian ngắn và phát triển vượt ra khỏi cộng đồng Do Thái để đến Hy Lạp và Rôma và tới tận Tây Ban Nha. Nhiều đoạn trong sách Công vụ Tông đồ là những bài tường thuật và ví dụ về việc truyền thông truyền giáo. Và ĐGH Phaolô VI cũng nhắc nhở chúng ta trong Evangelii Nuntiandi (1975) rằng chính Chúa đã sử dụng cách truyền thông này và vì vậy “không thể để xảy ra tình trạng các nhu cầu cấp bách loan báo Tin Mừng cho muôn dân làm chúng ta quên mất hình thức loan báo này mà nhờ đó một lời hoàn toàn độc đáo từ một người khác đến được và chạm được vào lương tâm của một cá nhân” (số 46).

Các gương điển hình về chứng tá và tiếp xúc cá nhân như thế bao gồm những biểu hiện cụ thể của thái độ đại kết và hợp tác với các tôn giáo khác vì hoà bình và công ích. Lời nói không ‘nói’ được bao nhiêu, nhưng việc làm ‘nói’ lên rất nhiều!

2. Truyền thông truyền giáo còn phải được hỗ trợ bởi hình ảnh tập đoàn của Hội Thánh như một tổ chức nhưng cũng còn nhờ hình ảnh công cộng của một cộng đoàn đức tin duy nhất và các thành viên cộng đoàn. Chính Communio et Progressio đã đề nghị áp dụng các nguyên tắc về Quan hệ công cộng cho việc này Aetatis Novae đòi hỏi việc lập kế hoạch mục vụ phải có nó (số 31). Đối với các người truyền thông truyền giáo, nó có nghĩa là “lưu ý đến loại công chúng mà họ có dịp ngỏ lời vào mỗi lúc khác nhau, đồng thời thiết lập mối quan hệ dựa trên sự tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau”. Nhưng “việc này chỉ có thể thực hiện nếu người ta có sự tôn trọng và quí chuộng lẫn nhau và hết sức tôn trọng sự thật” (C&P, số 174).

Điều này có nghĩa là không chỉ áp dụng các nguyên tắc về quan hệ công cộng hay truyền thông kinh doanh. Cuối cùng nó lại dẫn tới ‘chứng tá đời sống’ như là điều kiện đầu tiên bởi vì các quan hệ công cộng có nghĩa là: ‘Làm điều tốt và nói về nó’. Điều này trở nên rất cụ thể ở Châu Á, khi Ecclesia in Asia nhắc nhở chúng ta:

“Tại Châu Á, quê hương của các tôn giáo lớn trong đó các cá nhân và toàn thể các dân tộc khao khát Thượng Đế, Hội Thánh được kêu gọi để là một Hội Thánh cầu nguyện, có bản chất thiêng liêng sâu xa cả khi dấn mình vào các mối quan tâm nhân bản và xã hội. Mọi Kitô hữu cần có một linh đạo cầu nguyện và chiêm niệm. Một con người tôn giáo chân chính dễ dàng chinh phục được lòng tôn trọng và có người theo tại Châu Á...” (số 23).

Trong tư cách cá nhân và cộng đoàn, chúng ta thực sự là những “con người tôn giáo chân chính” tới mức nào để trở thành nền tảng cho các mối “Quan hệ Công cộng” tốt?

3. Truyền thông truyền giáo tại Châu Á còn dựa trên hội nhập văn hoá. Các lối suy nghĩ, các giá trị và các phương tiện truyền thông, các cách thức và cơ cấu của các nền văn hoá Châu Á phải là cơ sở và bối cảnh cho mọi việc truyền thông Kitô giáo. Chẳng hạn, phải áp dụng các “phương pháp kể truyện gần gũi với các loại hình văn hoá Á Châu” bởi vì “việc rao giảng Đức Giêsu Kitô có thể hiệu quả nhất bằng việc kể lại câu truyện về Người như các sách Tin Mừng đã làm” (số 20). Cùng với điều này, Hội Thánh và các người rao giảng Tin Mừng “phải cởi mở với các cách thức mới mẻ và lạ lùng qua đó khuôn mặt Đức Giêsu có thể được trình bày tại Châu Á”.

Đây là một cách thức đặc biệt quan trọng đối với giai đoạn khởi đầu của việc rao giảng Tin Mừng như các nhà truyền giáo lớn của Châu Á như Gioavanni Montecorvino, Matteo Ricci và Robert de Nobili đã nêu gương khi các ngài có “cái nhìn trực giác sâu sắc vào các dân tộc và các nền văn hoá của họ” (EA, số 20). Các ngài đã nêu những tấm gương sáng chói về lòng kính trọng nhưng các ngài cũng sát nhập các nền văn hoá địa phương vào sứ mạng Kitô giáo của các ngài. Các ngài đã đặt nền cho một đường lối tích cực để đi vào Kitô giáo, nhưng tiếc thay đường lối ấy đã bị phá huỷ phần nào do sự thiển cận của một số lãnh đạo Hội Thánh vào thời đó.

Theo một nghĩa rộng hơn, chúng ta cũng có thể thấy một thái độ tương tự trong việc ‘hội nhập văn hoá’ các phương tiện truyền thông hiện đại vào sứ vụ của chúng ta, như ĐGH Gioan Phaolô II đã nói trong thông điệp cho Ngày Thế giới Truyền thông 2002 về “Internet: Một Diễn Đàn Mới cho việc Loan Báo Tin Mừng”:

“Internet có thể cống hiến những cơ hội tuyệt vời cho việc loan báo Tin Mừng nếu được sử dụng một cách thành thạo và ý thức rõ ràng được những điểm mạnh và điểm yếu của nó. Trên hết, nhờ cung cấp thông tin và khơi dậy sự thích thú, nó làm cho có thể có một cuộc gặp gỡ ban đầu với thông điệp Kitô giáo, đặc biệt giữa giới trẻ là những người ngày càng quay sang thế giới của không gian mạng như một cánh cửa sổ mở ra thế giới. Vì vậy điều quan trọng là Cộng Đoàn Kitô giáo phải nghĩ ra những cách rất thực tế để giúp những người tiếp xúc lần đầu với Internet để họ chuyển từ thế giới ảo của không gian mạng sang thế giới thực của cộng đoàn Kitô giáo”.

Nhưng trong giai đoạn thứ hai của việc loan báo Tin Mừng, là giai đoạn chuyên về giảng dạy đức tin trong huấn giáo và hướng dẫn tôn giáo, việc truyền thông trong rao giảng Tin Mừng cũng đòi hỏi một phương thức hội nhập văn hoá. Ecclesia in Asia nhắc nhớ chúng ta phải sử dụng thích nghi “một khoa sư phạm khêu gợi, dùng các câu truyện, các ẩn dụ và các biểu tượng, là những nét rất đặc trưng trong phương pháp luận sư phạm của Châu Á”.

Nhu cầu hội nhập văn hoá cũng được đòi hỏi bởi nguyên tắc truyền thông cơ bản là trân trọng người tiếp nhận và gặp gỡ họ trong thực tế đời sống của họ. Vì vậy truyền thông truyền giáo tại Châu Á phải “quan tâm tới hoàn cảnh của người nghe” và phải “thích nghi với mức trưởng thành của người nghe và dùng hình thức và ngôn ngữ thích hợp... để rao giảng Tin Mừng sao cho nó cuốn hút được khả năng nhậy cảm của các dân tộc Châu Á”. Các hình ảnh về Chúa Giêsu phải được trình bày sao cho “dễ hiểu đối với trí khôn và văn hoá của người Châu Á” (số 20).

4. Truyền thông truyền giáo tại Châu Á đặt nền sâu xa trên linh đạo. Các chuyến thăm của Đức Gioan Phaolô II tới Châu Á đã xác nhận quan điểm của ngài “rằng tương lai của việc truyền giáo lệ thuộc một phần rất lớn vào chiêm niệm. Trừ khi người truyền giáo là một con người chiêm niệm, họ không thể loan báo Đức Kitô một cách đáng tin” (EA số 23; x. RM, số 91).

Đây cũng phải là cơ sở cho mọi việc truyền thông truyền giáo và cho mọi người truyền thông Kitô giáo tại Châu Á. Suy cho cùng, việc truyền thông truyền giáo của chúng ta cơ bản là chia sẻ kinh nghiệm. Truyền giáo, cũng như truyền thông truyền giáo, là “hoạt động trong chiêm niệm và chiêm niệm trong hoạt động... Một người truyền giáo mà không có kinh nghiệm sâu xa về Thiên Chúa trong kinh nguyện và chiêm niệm thì sẽ có rất ít ảnh hưởng thiêng liêng hay thành công truyền giáo”, ĐGH Gioan Phaolô II viết trong Ecclesia in Asia (số 23). Cũng đúng như thế đối với mọi người truyền thông Kitô giáo. Truyền thông và rao giảng ở Châu Á cần “những con người thánh thiện dùng đời sống mình để làm cho người khác biết và yêu mến Chúa Cứu Thế. Lửa chỉ có thể được đốt lên bởi một cái gì tự nó đã cháy...”. Chương cuối của Thông điệp về truyền giáo Redemptoris Missio của Đức Gioan Phaolô II bàn đặc biệt về một linh đạo bắt đầu với lòng dễ dạy đối với Chúa Thánh Thần (các số 87-91).

Đi theo mẫu truyền thông Kitô giáo, ở đây cũng vậy, chính Thiên Chúa là người nói, còn sứ giả chỉ là người phục vụ thông điệp của Người. Họ càng biết lắng nghe và tràn đầy thông điệp, họ càng thể hiện tốt sứ mạng sứ giả của họ. Đây là thách thức của một linh đạo sâu xa, là điều kiện tiên quyết cho mọi việc truyền thông truyền giáo và Kitô giáo.

5. Đoạn đặc biệt về truyền thông xã hội trong Ecclesia in Asia (số 48) nhắc đến niềm tin của ĐGH Gioan Phaolô II rằng truyền thông xã hội hiện đại là một ‘areopagus’, nghị trường hay nơi họp chợ tạo ra một “văn hoá mới”. Hội Thánh và các cơ chế được nhìn nhận lâu đời như gia đình không còn quyết định các giá trị và các lối sống nữa, đặc biệt đối với giới trẻ. Chính cái “areopagus” này của truyền thông hiện đại ngày càng quyết định cuộc sống và các giá trị của con người.

Truyền thông truyền giáo phải ý thức rằng truyền thông hiện đại tạo ra một ‘văn hoá mới’, “phát sinh không phải từ bất cứ nội dung nào đã được diễn tả ra, nhưng từ chính sự kiện là có những cách thức truyền thông mới, với những ngôn ngữ mới, kỹ thuật mới và một tâm lý mới” (RM, số 37c). Nếu truyền thông truyền giáo không nghiên cứu nghiêm túc các điều kiện mới này, kết cục nó sẽ không có thể thực sự truyền thông và đóng một vai trò trong nghị trường của cuộc sống hiện đại.

Có một số câu hỏi đầy thách thức mà chúng ta phải trả lời: Chúng ta nghiên cứu nghiêm túc tới mức nào các cách thức mới, các ngôn ngữ mới, các kỹ thuật mới và tâm lý mới này? Trong tư cách cá nhân và cộng đoàn, chúng ta có ý thức về các thực tại như thế trong đời sống chúng ta không? Các trường đại học Công giáo và các học viện cao cấp có học các môn ấy không hay chúng (và chúng ta) chỉ biết ngưỡng mộ và sử dụng các kỹ thuật mới mà không có óc phê phán và đào sâu hơn?

Thái độ chúng ta đối với tất cả điều này có những hậu quả quan trọng đối với việc truyền giáo! Nếu chúng ta không muốn chỉ là một thành phần nhưng cũng muốn ảnh hưởng và hình thành “văn hoá mới’ này, chúng ta phải đi tiên phong trong việc nghiên cứu và học hỏi. Redemptoris Missio nói “sẽ không đủ nếu chỉ đơn thuần sử dụng các phương tiện truyền thông để truyền bá thông điệp Kitô giáo và giáo huấn chân chính của Hội Thánh”.

Cho tới nay, có lẽ quan tâm chính của chúng ta mới chỉ là sử dụng các phương tiện truyền thông. Nhưng trong thế giới hôm nay, các phương tiện này không chỉ đơn thuần là những dụng cụ mới và hiện đại của việc truyền thông xã hội…! Chúng hình thành thế giới chúng ta và không chỉ ở các vùng thành thị mà ngày càng gia tăng ảnh hưởng cả ở các vùng nông thôn nữa. Tại vùng nông thôn Tamil Nadu (Ấn Độ), người ta có thể thấy, ví dụ, những cụm nhỏ từ 5 tới 8 căn nhà gỗ có gắn các chảo vệ tinh trên mái nhà. Sự có mặt khắp nơi ngày càng gia tăng của các phương tiện truyền thông mới chính là lý do tại sao một số nhà trí thức Công giáo tại một “hội nghị bàn tròn” do Văn phòng Truyền thông Xã hội của FABC tổ chức tại Đại học Assumption ở Bangkok năm 1999 đã đề nghị một “Lịch trình Nghiên cứu về Giáo hội/Tôn giáo và Truyền thông Xã hội tại Châu Á”. Đề nghị này bao gồm một “Trung tâm Nghiên cứu Châu Á về Tôn giáo và Truyền thông” (ARC=Asian Research Center), được thành lập cùng năm ấy tại Đại học Thánh Gioan, Bangkok. Tiếc rằng cho đến nay chúng ta vẫn còn thiếu các nhà trí thức Kitô giáo dấn thân và có trình độ để đi sâu hơn vào tình hình truyền thông tại Châu Á và tầm quan trọng của truyền thông đối với tôn giáo hay của tôn giáo đối với truyền thông xã hội trong các nền văn hoá của chúng ta.

Đức Giáo Hoàng đã đề cập đến vấn đề này một cách chi tiết trong thông điệp của ngài cho Ngày Thế giới Truyền thông năm 2002 về “Internet: Một Diễn đàn Mới cho việc Loan báo Tin Mừng”. Thay vì nói đến ‘Aeropagus’ của Hy Lạp thời xưa như trong Redemptoris Missio, ngài nói đến “Forum” của Rôma như là “địa điểm công cộng nơi diễn ra các giao dịch thương mại và chính trị, nơi thực hành các bổn phận tôn giáo, nơi diễn ra phần lớn đời sống xã hội của thành phố, và nơi phô bày bản chất tốt nhất cũng như xấu nhất của con người”, và ngài so sánh nó với Internet ngày nay.

Sau đó ngài kết luận rằng “đối với Hội Thánh, thế giới mới của không gian mạng là một lời kêu gọi đi vào cuộc mạo hiểm vĩ đại của việc sử dụng các tiềm năng của nó để loan báo thông điệp Tin Mừng. Thách thức này nằm ở tâm điểm của việc thực thi vào đầu thiên niên kỷ này lệnh truyền của Chúa: ‘Ra chỗ sâu mà thả lưới’ (Lc 5,4)”. Nhưng chúng ta cũng được nhắc nhở rằng chỉ chồng chất các thông tin và các khả năng mới cho các giao tiếp của con người thì không đủ để thay thế cho “sự tiếp xúc cá nhân trực tiếp mà việc loan báo Tin Mừng đích thực đòi hỏi. Vì rao giảng Tin Mừng luôn luôn lệ thuộc vào chứng tá bản thân của người được sai đi rao giảng (x. Rm 10,14-15)”.

Đối với Châu Á cũng thế, thách thức của việc truyền thông truyền giáo là: “Làm thế nào để từ những mối tiếp xúc được cung cấp bởi Internet, Hội Thánh dẫn đến sự truyền thông sâu hơn do việc loan báo của Kitô giáo đòi hỏi? Chúng ta xây dựng thế nào từ sự tiếp xúc và trao đổi thông tin đầu tiên mà Internet cung cấp?” (Thông điệp cho Ngày Thế giới Truyền thông 2002).

6. Tất cả các điều trên dẫn chúng ta tới nhu cầu phải có một sự đào luyện thích hợp các người truyền thông truyền giáo, những người cần có cái gì đó nhiều hơn là những khả năng kỹ thuật. Bất chấp mọi thực tế kỹ thuật từ Phương Tây đem đến, chúng ta vẫn phải tích hợp mọi việc đào tạo và huấn luyện truyền thông vào với các điều kiện và hoàn cảnh ở Châu Á, như Ecclesia in Asia (số 23) đòi hỏi nơi những người loan báo Tin Mừng:

“Trong quá khứ, việc huấn luyện thường đi theo lề lối, phương pháp và chương trình du nhập từ Phương Tây. Trong khi đánh giá cao việc phục vụ mà cách đào luyện ấy đã cống hiến, các Nghị phụ của Thượng Hội Đồng nhìn nhận những cố gắng tích cực đã được phát triển thời gian gần đây để thích nghi việc đào luyện các người loan báo Tin Mừng với các bối cảnh văn hoá của Châu Á...”.

Nói một cách cụ thể, điều này cũng có nghĩa là cần nhấn mạnh hơn về việc đào tạo những người truyền thông truyền giáo tại chính Châu Á thay vì gửi họ đến các châu lục và các nền văn hoá khác để học tập ở ngoài môi trường sinh sống của họ. Ecclesia in Asia không chỉ nhấn mạnh bổn phận của các giám mục, linh mục, chủng sinh và tu sĩ, mà cả vai trò của giáo dân:

“Hơn ai hết, chính họ là những người được kêu gọi để biến đổi xã hội… bằng việc truyền ‘tinh thần của Đức Kitô’ vào trong não trạng, phong tục, luật pháp và các cơ cấu của thế giới trần tục mà họ đang sống. Một sự hội nhập Tin Mừng một cách sâu rộng hơn ở mọi tầng lớp xã hội tại Châu Á sẽ tuỳ thuộc rất nhiều vào việc đào luyện thích hợp mà Hội Thánh cống hiến được cho giáo dân”.

Ngoài việc làm chứng bằng đời sống, tất cả những ai có liên quan tới sứ mạng loan báo Tin Mừng của Hội Thánh phải có một sự hiểu biết cơ bản về truyền thông xã hội, nếu họ muốn là một thành phần của một Hội Thánh loan báo Tin Mừng. Ngay từ thời Công đồng Vatican II, các Nghị phụ đã đòi hỏi trong Sắc lệnh Inter Mirifica rằng “mọi thành viên của Hội Thánh phải đồng tâm hiệp lực cố gắng để bảo đảm rằng các phương tiện truyền thông được sử dụng để phục vụ rất nhiều loại hoạt động tông đồ khác nhau một cách mau chóng và hăng say bao có thể, ở những nơi và những lúc có nhu cầu... Các vị chủ chăn các linh hồn phải đặc biệt nhiệt thành trong lĩnh vực này, vì nó liên quan mật thiết với nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng của họ” (số 13).

Đòi hỏi này được tiếp nối bởi các Huấn thị Mục vụ Communio et Progressio (1971, các số 106,108,111) và Aetatis Novae (1992, số 18). Theo Ecclesia in Asia (số 48), nó phải thúc đẩy chúng ta “khám phá ra các cách thức để tích hợp hoàn toàn các phương tiện truyền thông đại chúng vào các kế hoạch và hoạt động mục vụ (của Hội Thánh), để nhờ sử dụng chúng một cách hiệu quả, sức mạnh Tin Mừng có thể vươn xa hơn nữa tới các cá nhân, các dân tộc và truyền vào các nền văn hoá của Châu Á các giá trị của Nước Thiên Chúa”. Đây không chỉ là một bổn phận của những người truyền thông, mà là của mọi Kitô hữu, đặc biệt các lãnh đạo của Hội Thánh. Tất cả chúng ta phải học và thực hành để trở thành những con người truyền thông trên bình diện nhân bản trước, rồi sau đó, một phần nào trên bình diện kỹ thuật.

3.4. Loan báo Tin Mừng trong truyền thông đại chúng

Bây giờ tất cả những điều này có nghĩa là gì đối với truyền thông đại chúng? Các phương tiện truyền thông sẽ tiếp tục thống trị cuộc sống chúng ta. Chúng sẽ cho chúng ta tin tức, thông tin và đặc biệt các mục giải trí. Trong lãnh vực truyền thông truyền giáo, điều này lệ thuộc rất nhiều vào cách chúng ta phản ứng thế nào đối với một ‘nơi họp chợ’ (areopagus) hiện đại như thế.

* Chúng ta có thể sở hữu các phương tiện như thế, và phần nào đi theo trào lưu thời đại. Hội Thánh hiện có những dụng cụ loại này, như Đài Chân Lý Á Châu (Radio Veritas Asia), và ở một số nơi cũng có các đài phát thanh địa phương và cả các nhật báo và nhà xuất bản.

* Chúng ta cũng có thể thử đi vào các doanh nghiệp truyền thông hiện hữu. Chúng ta có thể đề nghị hay bán các sản phẩm của chúng ta, cống hiến các chuyên gia và ý tưởng cho các doanh nghiệp này, hay đề nghị tài trợ. Việc này đặc biệt có thể thực hiện trong các hệ thống truyền thông thương mại.

* Tất cả các việc trên đây đòi phải có nhân sự có trình độ ngang tầm với các chuyên gia ngoài đời về khả năng truyền thông và quản lý truyền thông.

* Có nghĩa là phát hiện, phát triển và cổ võ các tài năng đặc biệt giữa các thanh thiếu niên của chúng ta, cũng như tìm các điều kiện tốt cho việc đào tạo và huấn luyện. Các cơ sở giáo dục Công Giáo của chúng ta có thể cống hiến các chương trình huấn luyện đặc biệt và nhờ đó chúng ta có cơ hội để phát hiện và cổ võ các tài năng trẻ.

* Phải mở rộng sự chăm sóc mục vụ cho các Kitô hữu đã đang làm việc trong lĩnh vực truyền thông. Họ có quyền mong đợi sự nâng đỡ tinh thần và nghiệp vụ từ các anh chị em Kitô hữu của họ và đặc biệt từ các lãnh đạo của Hội Thánh. Họ có thể giúp ích rất nhiều trong việc tiền-Tin Mừng hoá những con người và cộng đồng.

Chúng ta phải ý thức hơn nữa về các phát triển chuyên môn trong thời gian gần đây, chúng vạch ra cho chúng ta thấy hướng chuyển đổi từ truyền thông đại chúng sang truyền thông đơn thuần. Càng ngày, các phương tiện truyền thông đại chúng không còn là phương tiện duy nhất để nuôi dưỡng ‘quần chúng’. Nhờ hệ thống phát sóng bằng kỹ thuật số và cá nhân hoá truyền thông trên Internet, truyền thông hướng trực tiếp hơn tới các nhóm khán thính giả chuyên biệt. Hệ thống kỹ thuật số giúp gia tăng số lượng các chương trình TV và rađiô và nhờ đó tạo ra nhiều chương trình chuyên biệt hơn, ví dụ, tin tức, thông tin, phim, phong cách sống và cả các chương trình tôn giáo như ở một số nơi có “Eternal Word Television Network” (“Mạng Truyền hình Lời Vĩnh Cửu”) của Mẹ Angelica hay một số chương trình của Tin Lành. Các chương trình chuyên biệt giúp tăng sự tương tác với khán thính giả và nhờ đó mở ra các khả năng mới cho truyền thông truyền giáo.

3.5. Loan báo Tin Mừng và truyền thông

Khi kết luận phần viết về truyền thông xã hội, tài liệu Instrumentum Laboris (số 53) chuẩn bị cho Thượng Hội đồng Đặc biệt về Châu Á (1998) nhìn thấy thách thức của “Truyền thông đại chúng đối với Hội Thánh tại Châu Á bao hàm 3 lĩnh vực hành động cụ thể sau đây:

1.  Hội Thánh tại Châu Á cần gia tăng sự hiện diện của mình trong thế giới truyền thông đại chúng để có thể phổ biến thông điệp Tin Mừng cũng như các giáo huấn xã hội và luân lý của Huấn Quyền Hội Thánh.

2.  Hội Thánh cần đi vào ‘aeropagus đương đại’ thông qua các phương tiện truyền thông xã hội để có thể Tin Mừng hoá xã hội và nhờ các giá trị của Tin Mừng mà biến đổi nền văn hoá mới đang được hình thành bởi các phương tiện truyền thông xã hội; và

3.  Mọi người trong Hội Thánh, giáo sĩ cũng như giáo dân, cần nhận được một sự đào tạo cân xứng và khả năng tiếp cận các phương tiện truyền thông đại chúng và truyền thông xã hội. Đồng thời, Tin Mừng phải được đưa vào cuộc sống của những người đang kiểm soát và những người đang tham gia vào lãnh vực truyền thông đại chúng bằng những cách thức khác nhau”.

Đây là những để nghị rất hay. Nhưng song song với những điều này, chúng ta không được quên rằng truyền thông xã hội không phải chỉ là một hoạt động trong tiến trình loan báo Tin Mừng. Nó là một phần cốt yếu và không thể thiếu của mọi việc loan báo Tin Mừng. Trong một thời gian dài chúng ta đã tỏ ra quá “thiên về công cụ” và coi truyền thông và đặc biệt truyền thông đại chúng như là một phương tiện để loan báo Tin Mừng. Theo cách hiểu của chúng ta bây giờ, điều đó hoàn toàn không đủ. ĐGH Gioan Phaolô II nói trong Redemptoris Missio (số 37c) rằng “sử dụng các phương tiện truyền thông chỉ để truyền bá thông điệp Tin Mừng thì không đủ”.

Thực tại của một “văn hoá mới” cũng phải nhắc nhở chúng ta rằng việc loan báo Tin Mừng có một chiều kích truyền thông, hay đúng hơn nó truyền thông. Vâng, chúng ta sử dụng các phương tiện nhưng chúng ta phải hết sức lưu ý rằng vượt lên trên các phương tiện, cái quyết định sự ‘thành công’ của mọi hoạt động loan báo Tin Mừng chính là cuộc sống chúng ta, chứng tá của chúng ta, và toàn thể cách cư xử và thái độ giao tiếp của chúng ta, đương nhiên là với ơn của Chúa. Trong Thần Khí của Hội Thánh thời kỳ đầu, mỗi người là một nhà truyền giáo, thì hôm nay cũng vậy, mỗi người Kitô hữu ở Châu Á phải là một ‘người truyền thông truyền giáo’.

Truyền thông truyền giáo bắt đầu bằng chứng tá đời sống, dẫn tới các mối tiếp xúc cá nhân, phản chiếu đời sống Kitô giáo cho những người ngoài và hội nhập vào các nền văn hoá địa phương nhưng không từ chối các ảnh hưởng toàn cầu. Một sự truyền thông như thế chỉ có thể là chân chính nếu nó đặt nền trên một linh đạo thâm sâu được sống vì lòng dễ dạy đối với Chúa Thánh Thần. Truyền thông truyền giáo là một thách thức đặc biệt cho việc đào luyện các sứ giả Kitô giáo và không thể làm ngơ đối với một ‘văn hoá mới’ được tạo ra bởi các phương tiện truyền thông và đặc biệt bởi các kỹ thuật truyền thông mới.

Hồng y Sepe, Bộ trưởng Thánh Bộ Truyền bá Tin Mừng cho các Dân tộc, đã nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng của việc truyền thông truyền giáo đối với Bộ của ngài trong một cuộc phỏng vấn cho ngày Chúa Nhật Truyền Giáo Thế Giới năm 2002 (Agenzia Internazionale Fides, 2-10-2002):

“Hội Thánh thời kỳ đầu đã nhìn các con đường của Đế quốc Rôma như là một ân huệ Chúa Quan Phòng ban cho để lên đường đi truyền giáo, mặc dù biết chắc Rôma không xây những con đường đó cho Hội Thánh. Các tông đồ đã nhận lệnh của Chúa “đi khắp thế giới loan báo Tin Mừng cho mọi tạo vật’, các ngài đã không ngần ngại sử dụng các phương tiện giao thông ấy của Đế quốc để đi rao truyền Lời Thiên Chúa. Ngày nay, công nghệ hiện đại cống hiến những con đường mới mà tất cả chúng ta phải sử dụng vì chúng sẽ giúp chúng ta tung ra những mạng lưới xưa nay chưa từng có. ‘Một số lượng khán thính giả đông đảo quá sức tưởng tượng của các vị rao giảng Tin Mừng trước chúng ta. Vì vậy, điều mà thời nay chúng ta cần là một sự dấn thân tích cực và giàu tưởng tượng của Hội Thánh vào lĩnh vực truyền thông. Người Công giáo không được sợ hãi mở toang cánh cửa truyền thông xã hội cho Đức Kitô, để Tin Mừng của Người có thể được nghe thấy từ các nóc nhà trên khắp thế giới’ (Gioan Phaolô II, Thông điệp cho Ngày Thế giới Truyền thông 2001). Thánh Bộ Truyền bá Tin Mừng cho các Dân tộc đặc biệt chú ý tới cả một đại dương những khả năng mà các phương tiện truyền thông cống hiến cho chúng ta; chúng ta tiến bước một cách táo bạo - như lời Đức Thánh Cha nói khi hô hào ‘ra chỗ nước sâu thả lưới’ và chúng ta phải cầu xin Chúa ban cho chúng ta sức mạnh và lòng dũng cảm để thể hiện các sáng kiến mục vụ và thiêng liêng hợp với thời đại mới, nó cho phép chúng ta sử dụng với hiệu quả tối đa các công cụ mà nền văn hoá thông tin cống hiến, khi chúng ta được kiện cường nhờ tin tưởng vào lời Chúa Giêsu”.

Đức Gioan Phaolô II nhắc tới điểm này khi ngài kết luận thông điệp cho Ngày Thế Giới Truyển Thông 2002. Ngài hỏi rằng khuôn mặt và tiếng nói của Đức Giêsu có hiện ra từ hàng tỉ hình ảnh trên Internet hay không, “vì chỉ khi thấy được khuôn mặt và nghe được tiếng nói của Người, thế giới mới biết được tin vui về ơn cứu chuộc của chúng ta. Đây là mục đích của việc rao giảng Tin Mừng” (xem Phần II, 5.3).

4.  Truyền thông trong tiến trình rao giảng Tin Mừng

Trong tiến trình Rao giảng Tin Mừng, có ba bước phân biệt có thể xét đến: 1. Tiền-Rao giảng Tin Mừng; 2. Rao giảng Tin Mừng thực sự; và 3. Hậu-Rao giảng Tin Mừng. Mỗi bước này có những nhu cầu khác nhau và cống hiến những cơ hội khác nhau không chỉ cho các phương tiện truyền thông khác nhau mà cũng đòi hỏi các phương thức truyền thông khác nhau.

4.1. Tiền-rao giảng Tin Mừng

Truyền thông cho giai đoạn tiền-Rao giảng Tin Mừng liên quan tới việc tạo ra một thái độ và tâm trạng tích cực đối với đức tin và đời sống Kitô giáo. Quy tắc về quan hệ công cộng ‘hãy làm và nói về nó” có thể đem áp dụng ở đây nhưng còn phải đi xa hơn. Hình ảnh tập đoàn của Hội Thánh và của các tổ chức Kitô giáo và các hoạt động cũng như thế giới quan Kitô giáo có một ảnh hưởng ở giai đoạn này. Tuy nhiên điều quan trọng nhất là ảnh hưởng của chứng tá cá nhân và sự tiếp xúc với các cá nhân và cộng đồng. Truyền thông trong giai đoạn tiền-Rao giảng Tin Mừng dọn sẵn cái nền và thiết lập các điều kiện để có một sự hiểu biết lẫn nhau sâu xa hơn mà không đòi hỏi diễn tả ra bên ngoài ước muốn theo đạo. Nếu người ta cảm thấy các cá nhân và các cộng đoàn là những người đáng yêu, hiểu biết lẫn nhau, tương thân tương ái và tràn đầy Thánh Thần, họ sẽ phần nào cảm nhận được đức tin Kitô giáo là gì và có khả năng gì.

Truyền thông truyền giáo được diễn tả trước hết và trên hết theo cách này, và mang mọi hình thức và đường lối hiện có trong một hoàn cảnh nhất định.

Ở đây có thể áp dụng tất cả các suy nghĩ về các quan hệ/truyền thông công cộng của Hội Thánh. Mọi hoạt động giáo dục, công cuộc xã hội và trợ giúp y tế của Hội Thánh phải đi theo hướng này và phải được coi một cách nào đó như là hoạt động truyền thông truyền giáo.

Trong số các phương tiện truyền thông đại chúng, có thể các phương tiện điện tử như rađiô, TV và phim ảnh là những phương tiện có một vai trò đặc biệt ở đây. Các phương tiện này phổ biến hơn và không cần phải biết đọc như sách báo. Qua các chương trình của chúng, chúng có thể tạo ra các khung cảnh trong đó các giá trị và kinh nghiệm Kitô giáo có thể được chấp nhận hay thậm chí được đề cao. Truyền thông tiền-Rao giảng Tin Mừng không quan tâm nhiều tới các chương trình Kitô giáo cho bằng tới các giá trị được phản chiếu qua diễn xuất của các nhân vật, các câu truyện và đời sống. Nếu chúng phản ánh trực tiếp hay gián tiếp các giá trị Kitô giáo như giới thiệu các mẫu gương Kitô hữu hay các câu truyện Kitô giáo tiêu biểu, chúng có thể tạo ra một bầu khí tích cực và một tâm trạng tốt hơn để chấp nhận thông điệp của Đức Kitô. Các sách báo có thể cống hiến qua các câu truyện thật hay hư cấu về cùng loại này. Các khoá học trên mạng hay hàm thụ về Kinh Thánh và Kitô giáo có thể công hiến một sự tiếp cận tích cực đối với Kitô giáo.

Về lãnh vực Internet, ĐGH Gioan Phaolô II thấy nó có một sự đóng góp đặc biệt ở giai đoạn này qua việc cung cấp “thông tin và khơi dậy sự quan tâm” và tạo ra “một cuộc gặp gỡ sơ khởi với sứ điệp Kitô giáo, đặc biệt giữa giới trẻ” (Thông điệp cho Ngày Truyền thông Thế giới 2002).

4.2. Rao giảng Tin Mừng thực sự

Giai đoạn rao giảng Tin Mừng thực sự quan tâm tới việc trình bày thực sự về đức tin Kitô giáo, thông điệp của Đức Kitô và sự cứu chuộc đời sống qua phép Thanh Tẩy và trở thành phần tử của Hội Thánh. Ở giai đoạn này, một lần nữa sự tiếp xúc cá nhân là con đường chủ yếu. truyền thông nhóm có thể đóng một vai trò và cũng giúp những người đã quan tâm đạt đến một sự hiểu biết sâu hơn và cao hơn. Chia sẻ các ý tưởng và kinh nghiệm với những người khác trong một khung cảnh truyền thông nhóm thường giúp cho những người tham dự trở nên vững vàng và xác tín hơn trong đức tin của họ.

Trong số các phương tiện truyền thông đại chúng hiện đại, các sách báo nhưng một phần nào đó cả các phương tiện nghe nhìn là những phương tiện đặc biệt thích hợp cho tiến trình học tập về đức tin và đời sống Kitô giáo. Ở giai đoạn này, truyền thông truyền giáo vượt lên trên các thông tin đơn thuần và các ấn tượng ban đầu. Trong hoạt động huấn giáo, đức tin được đưa vào một mức độ hiểu biết và chấp nhận sâu hơn bằng việc sống điều mình đã học không chỉ trên bình diện trí tuệ nhưng ảnh hưởng tới con người toàn diện. Bằng cách này, cả phụng vụ, cộng đoàn và hành động Kitô giáo cũng hỗ trợ cho việc học giáo lý.

Trong một tiến trình mang tính cá vị như thế, cái thực sự giúp phát triển sự hiểu biết và kinh nghiệm Kitô giáo sâu xa hơn không phải là các phương tiện điện tử đại chúng cho bằng sự truyền thông trực tiếp cá nhân. Chính Hồng y Ingoli, Bộ trưởng đầu tiên của Thánh Bộ Truyền giáo “Propaganda Fidei” mới được lập tại Vatican năm 1626, khi nói về giai đoạn rao giảng Tin Mừng này, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sách báo, đặc biệt các sách giáo lý, đối với việc truyền thông truyền giáo. Trên thực tế, tại một số nước như Philíppin, sách giáo lý (De Doctrina Christiana) là cuốn sách đầu tiên được in tại nước này (1593).

4.3. Hậu-rao giảng Tin Mừng

Sau khi chấp nhận đức tin Kitô giáo trong Phép Rửa, điều quan trọng là phải đào sâu kinh nghiệm đức tin và sự hiểu biết tôn giáo. Ở đây một lần nữa, các tài liệu in như các sách báo sẽ giúp chia sẻ các nhận thức sâu sắc và các câu truyện dựa trên gương sáng của các thánh và các tín hữu có thể kích thích các thành viên mới của cộng đoàn đức tin.

Đức tin cần được nuôi dưỡng liên tục. Sự nuôi dưỡng này thường xuyên được cung cấp bởi các sách báo cũng như bởi sự gia tăng chia sẻ và hướng dẫn cá nhân. Nó giúp theo dõi các sự kiện diễn ra trong Hội Thánh nhờ các tin tức về Hội Thánh từ báo chí và cập nhật các thông tin về các phát triển và các suy nghĩ của Hội Thánh ở Rôma, đặc biệt các tuyên bố và các hành động của Đức Thánh Cha như việc đưa các ‘Mầu nhiệm Sáng’ vào Chuỗi Mân Côi (2002).

Cả Internet cũng có thể “cung cấp sự nuôi dưỡng liên tục này mà việc rao giảng Tin Mừng đòi hỏi”, như lời Đức Gioan Phaolô II nói trong thông điệp cho Ngày Truyền thông Thế giới 2002. Đặc biệt trong một nền văn hoá không thuận lợi cho Kitô giáo, đời sống Kitô giáo đòi hỏi có sự tiếp tục hướng dẫn và dạy giáo lý, và đây có lẽ là lĩnh vực mà Internet có thể cung cấp sự trợ giúp tuyệt vời”.

Ở giai đoạn cuối này, truyền thông truyền giáo và truyền thông mục vụ gặp nhau trong sự chăm sóc cho các người bạn đồng hành trong đức tin và các thành viên của Hội Thánh.

Còn tiếp

 

Lm. Franz-Josef Eilers, SVD
Ghi lại phản hồi, xin nhấn vào »  Nhập ý kiến của bạn:
Ý kiến - nhận xét của bạn về bài:

"Truyền thông trong Mục vụ và Truyền giáo" (9)

Tên:
Email:
Ý kiến - nhận xét - Comments:

  (hoặc nhấn phím ESC hoặc nhấn vào khung nền)

Chưa có ý kiến   Pending (3)
TIN - BÀI KHÁC   21 tin bài trong VĂN KIỆN » Truyền Thông
  Sứ điệp của ĐTC Phanxicô nhân Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 58 | Vatican News
  Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 47 của ĐTC Bênêđictô XVI | Nguyễn Minh Triệu, SJ, chuyển ngữ
  Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần đầu tiên của ĐGH Phaolô VI | G.B. Lưu Văn Lộc chuyển ngữ
  Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 45 của ĐGH Bênêđictô XVI | G.B. Lưu Văn Lộc chuyển ngữ
  "Truyền thông trong Mục vụ và Truyền giáo" (10) | Lm. Franz-Josef Eilers, SVD
  "Truyền thông trong Mục vụ và Truyền giáo" (8) | Lm. Franz-Josef Eilers, SVD
  "Truyền thông trong Mục vụ và Truyền giáo" (7) | Lm. Franz-Josef Eilers, SVD
  "Truyền thông trong Mục vụ và Truyền giáo" (6) | Lm. Franz-Josef Eilers, SVD
  "Truyền thông trong Mục vụ và Truyền giáo" (5) | Lm. Franz-Josef Eilers, SVD
  "Truyền thông trong Mục vụ và Truyền giáo" (4) | Lm. Franz-Josef Eilers, SVD
  "Truyền thông trong Mục vụ và Truyền giáo" (3) | Lm. Franz-Josef Eilers, SVD
  "Truyền thông trong Mục vụ và Truyền giáo" (2) | Lm. Franz-Josef Eilers, SVD
  "Truyền thông trong Mục vụ và Truyền giáo" (1) | Lm. Franz-Josef Eilers, SVD
  Giới thiệu sách "Truyền thông trong Mục vụ và Truyền giáo" của Lm. Franz-Josef Eilers, SVD
  Đạo đức trong Internet
  Đạo đức trong quảng cáo
  Đạo đức trong truyền thông
  Giáo Hội và Internet
  Huấn thị Mục vụ Thời đại mới (Aetatis Novae) về việc truyền thông xã hội
  Sắc lệnh Inter Mirifica của Công đồng Vatican II về các phương tiện truyền thông xã hội
Tìm kiếm trong phần Tin - Bài này
 [Tìm tên bài, tên tác giả, nội dung...]
Ngày 22 tháng 10 năm Giáp Thìn
Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 11-2024
Cầu nguyện cho những người đã mất con
Chúng ta hãy cầu nguyện để tất cả những người cha mẹ phải than khóc vì cái chết của người con trai hay con gái, tìm thấy sự nâng đỡ của cộng đoàn và nhận được từ Thánh Thần an ủi sự bình an trong tâm hồn.
For those who have lost a child
The prayer intention for the month of November is for “all parents who mourn the loss of a son or daughter.”
SUY NIỆM TIN MỪNG

Phim - Nhạc - Suy niệm
Xem chuyên mục Media Online
Từ Điển Online:     

Truyền Tin

Email: tt.march25@gmail.com

Website: truyen-tin.net

Online since: May 2010

Tìm kiếm nội dung
(Gõ từ khóa vào vào khung dưới đây)
Tìm kiếm trong Google
Nhấn vào >> Google Search

Liên hệ

Đặt làm trang chủ

@