Đồng tính, một đề
tài nóng bỏng trong xã hội hiện nay, không những chỉ tại Việt Nam mà đã lan rộng
từ lâu trên toàn thế giới với những dư luận trái chiều và chưa có hồi kết. Tại
Việt Nam, vào giữa tháng 12-2010, một cặp đồng tính nữ tổ chức đám cưới ở Hà Nội
đã làm cộng đồng mạng xôn xao với những ý kiến khác nhau về luân lý, tôn giáo,
thuần phong mỹ tục, về quyền tự quyết… gây không ít trăn trở cho những người
quan tâm. Báo chí cũng đã nói nhiều về vấn đề này từ thống kê, phân tích, tâm sự,
giải đáp thắc mắc, tư vấn tâm lý đến bênh vực và trêu chọc. Gần đây, nhất là
qua dịp Tết, màn ảnh phim Việt rộ lên những bộ phim giải trí mà báo Thanh Niên
phải dùng từ lạm dụng “đồng tính” khi nhà làm phim cố xen vào những tình tiết
chủ yếu gây cười để câu khách chứ không thật sự tôn trọng họ, điều này gây bức
xúc không ít trong giới đồng tính.
Về phía Giáo Hội,
ngay hôm
23-11-2010, trong buổi họp báo giới thiệu quyển sách “Ánh sáng Thế gian. Đức Giáo Hoàng, Giáo Hội và các dấu chỉ thời đại”
tại Văn phòng Báo chí Toà Thánh Vaitan, câu trả lời của Đức Thánh Cha Bênêđictô
XVI về vấn đề đồng tính trong quyển sách đã được trích lại: “Những người đồng tính luyến ái với những vấn
đề và công việc của họ, trong tư cách là người, họ đáng được tôn trọng, dù họ
có xu hướng đồng tính luyến ái, và không được kỳ thị họ vì xu hướng ấy. Nhưng đồng
thời tính dục có một ý nghĩa và hướng đi nội tại, không phải là đồng tính luyến
ái. Ý nghĩa và hướng đi của tính dục là để tạo nên sự kết hợp giữa một người
nam và một người nữ, và qua cách thức đó, giúp nhân loại duy trì dòng dõi và có
tương lai. Giáo Hội cần phải giữ vững điều đó, cho dù đây là điều không làm hài
lòng nhiều người thời nay”.
Cùng với sự phát triển của truyền thông, của
khoa học hiện đại, ngày nay người ta vẫn còn tranh luận xem xu hướng đồng tính
luyến ái là bẩm sinh hay chỉ xuất hiện sớm trong cuộc sống. Trước vấn đề nóng bỏng
của thời đại, để “Lắng nghe, Chia sẻ và
Đồng cảm”, để giúp người đồng tính biết phân biệt những gì thuộc tình trạng
và những gì tùy vào ý chí của họ, nhằm giúp họ tìm được ý nghĩa cuộc sống, sáng
Thứ Bảy ngày 19/02/2011, Chương Trình Chuyên Đề của Ban Mục vụ Gia đình TGP.
Sài Gòn đã tổ chức buổi toạ đàm với tựa đề “ĐỒNG TÍNH - TÌNH YÊU, HÔN NHÂN
VÀ NHỮNG TRĂN TRỞ”. Đến chia sẻ tại buổi toạ đàm có 3 diễn giả với những
cách nhìn vấn đề trên các phương diện của y học, xã hội học, tâm lý học và theo
quan điểm của Giáo Hội: “Đồng tính ái dưới góc độ của y học và xã hội
học” được trình bày bởi Bác sĩ Trương Trọng Hoàng, Thạc sĩ
Khoa học Xã hội Sức khoẻ, Bộ môn Khoa học Hành vi & Giáo dục Sức khoẻ, Trường
Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch; Tiến sĩ Tâm lý Trần Mỹ Duyệt (Hoa Kỳ)
trình bày về “Đồng tính dưới cái nhìn của tâm lý học” và Cha
Luy Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Ban Mục vụ Hôn nhân Gia đình TGP. Sài
Gòn, trình bày đề tài “Thế giới đồng tính nhìn từ chiều kích tâm
linh”.
Ngay từ 7 giờ sáng các thành viên Ban Tổ Chức
đã sớm có mặt để chuẩn bị cho công tác tiếp tân dù chương trình đến 8g15 mới bắt
đầu. Hội trường lớn của Trung tâm Mục vụ TGP. Sài Gòn chật kín người khi Cha FX.
Nguyễn Minh Thiệu, SDB, hướng dẫn cử toạ múa cử điệu bài “Nối Vòng Tay Lớn” để
tạo sự sinh động mà ấm cúng cho buổi toạ đàm. Sau những giây phút đầu ngập ngừng,
các ni sư, thượng toạ cũng hoà vào nhịp chung của toàn thể hội trường để tạo bầu
khí huynh đệ trước khi bước vào những chia sẻ, thảo luận.
Qua lời giới thiệu của 2 MC Minh Khoa và
Đông Quân, ngoài 3 diễn giả chính, buổi toạ đàm còn đón tiếp nhiều vị khách quý
từ các tôn giáo bạn như Mục sư Phạm Đình Nhẫn và phu nhân; Sư cô Tiến sĩ Hương
Nhủ, Giáo viên Học viện Phật giáo Việt Nam tại Sài Gòn; Đại Đức Thích Hoàng Dự.
Phía Công giáo có sự hiện diện của Cha Đa Minh Trần Công Hiển, Chuyên viên tư vấn
Tình yêu, Hôn nhân, Gia đình Giáo phận Xuân Lộc; Cha Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Tổng
Thư ký Uỷ ban Công lý và Hoà bình; Cha Nhạc Sĩ Xuân Thảo, Dòng Phanxicô; Nữ tu
Têrêsa Phạm Thị Oanh, Phó Bề trên Tổng quyền Dòng Đaminh Tam Hiệp, Sr. Quỳnh
Giao, Dòng Phan Sinh, Sr. Mai Thành, Dòng Đức Bà; Giáo sư Tiến sĩ Lê Đức Ánh,
Hiệu trưởng Trường Quốc tế.
Ngoài ra, đến dự buổi toạ đàm còn có gần
600 tham dự viên thuộc giới tri thức, giáo dục, linh mục, nam nữ tu sĩ, các tu
sĩ tôn giáo bạn: Phật giáo, Tin lành, anh chị em đồng tính, và những người quan
tâm.
Sau khi thánh hoá khai mạc, Nữ tu Maria
Nguyễn Thị Hồng Quế, Chuyên viên Tư vấn Tình yêu, Hôn nhân, Gia đình TGP. Sài
Gòn, người phụ trách Chương Trình Chuyên Đề, đã lên tuyên bố lý do của buổi toạ
đàm. Soeur đã phân tích súc tích, sâu xa về thực trạng đồng tính của xã hội Việt
Nam và trăn trở của những người làm công tác tư vấn tình yêu, hôn nhân, gia
đình khi tiếp xúc tư vấn cho người đồng tính. Soeur cho hay: “Qua nhiều năm
nghiên cứu, các nhà chuyên môn đã đi đến kết luận: có ít nhất 5% nhân loại có khuynh
hướng tính dục không giống với 95% đa số còn lại. Và 5% nhân loại đó không phải
ai xa lạ, mà có thể chính là những người xung quanh, đồng nghiệp, bạn bè, anh
chị em, con cháu của chúng ta”. Soeur cho biết thêm ở Việt Nam thì đồng tính vẫn
còn là một vấn đề gây nhiều ngộ nhận và kỳ thị. Chưa từng có một cuộc nghiên cứu
tầm cỡ hay thống kê trên cả nước hoặc một vùng nào đó về số lượng hay tỉ lệ người
đồng tính trong dân chúng. Nếu áp dụng tỉ lệ 3-5% người trưởng thành (từ 15-49
tuổi) là người đồng tính mà các nhà khoa học và xã hội hay dùng là thì người đồng
tính ở Việt Nam chiếm một con số không nhỏ. Soeur cho biết mục đích của buổi toạ
đàm là nhằm tạo ra kênh thông tin “cung cấp
kiến thức chuyên môn từ 3 góc nhìn: sinh học - xã hội học, tâm lý học và quan
điểm của Giáo Hội về khái niệm đồng tính và người đồng tính, cũng như lắng nghe
tiếng nói của những người có liên quan, trong tinh thần tôn trọng, chia sẻ và lắng
nghe”.
Màn múa “Trăn Trở” tiếp theo với vũ đạo đẹp
đã làm cả hội trường lắng đọng khi vũ đoàn Number One khắc hoạ những động tác
thể hiện tâm trạng khắc khoải, băn khoăn, ưu tư của người đồng tính.
Đề tài “Đồng tính ái dưới góc độ của y học và xã hội
học” được Bác sĩ Trương Trọng Hoàng trình bày bằng cách đưa ra khái niệm
về đồng tính ái (ĐTA). Theo đó, từ “pê-đê” trong dân gian thường gọi để chỉ những
người nam thích ăn mặc như phụ nữ chỉ là một trường hợp của ĐTA mà thôi. Thật sự,
ĐTA là (tiếng Anh là homosexuality và tiếng Pháp là homosexualité) là tình trạng
một người có ham muốn gần gũi và quan hệ tình dục (QHTD) với người cùng giới
tính. Người ĐTA nam tiếng Anh và tiếng Pháp cùng gọi là “gay”. Người ĐTA nữ tiếng
Anh gọi là “lesbian”, tiếng Pháp gọi là “lesbienne”. Ngoài ra, còn có những dạng
ĐTA như: người thích mặc trang phục của người khác phái, người chuyển giới
tính, người lưỡng tính ái.
Dưới góc độ y học,
người ĐTA là người có cơ quan sinh dục bình thường và có thể quan hệ với người
khác phái để sinh con bình thường. Nếu người ĐTA không bộc lộ thì bản thân y học
hiện tại không có cách nào để nhận biết ai đó là ĐTA hay không. Từ năm 1990
trong Phân loại bệnh Quốc tế phiên bản 10 (ICD-10), Tổ chức Y tế Thế giới đã
không xem đồng tính ái là một bệnh nữa mà chỉ coi đây là một khuynh hướng tình
dục (sexual orientation).
Lý do nào dẫn đến ĐTA,
hiện tại vẫn còn nhiều bàn cãi, chỉ có một số trường hợp do di truyền hoặc do
nhóm tế bào thần kinh INAH3 ở vùng dưới đồi (Hypothalamus), tuy nhiên ở nhiều
trường hợp khác lại không thấy điều này. Cũng có những người không thật sự ĐTA
mà chỉ QHTD đồng giới do sống trong môi trường lâu ngày chỉ toàn là người cùng
phái như trường nam, trường nữ, quân đội, nhà tù; hay những người QHTD cùng giới
vì tò mò muốn thử, vì chạy theo mốt (mode); những người mại dâm nam phục vụ nhu
cầu QHTD của những người ĐTA...
Về vấn đề “điều trị”, qua kết quả của nhiều
nghiên cứu, cho đến nay y học vẫn không tìm thấy cách nào thay đổi được tình trạng
ĐTA mặc dù trên thế giới hiện nay có phong trào cố gắng làm điều này (SOCE:
Sexual orientation change efforts).
Ở góc độ xã hội học
thật ra có 2 khái niệm: giới tính (sex) và giới (gender). Trong khi giới tính
chịu sự chi phối bởi yếu tố sinh học thì giới, tức những vai trò xã hội của người
thuộc một giới tính nào đó lại gắn liền với những chuẩn mực xã hội (social
norms). Thật sự, hiện tượng đồng tính ái vừa có khía cạnh về giới tính, vừa có
khía cạnh về giới vì nó không chỉ liên quan đến cảm xúc mà còn liên quan đến
hành vi, mà hành vi thì bị chi phối rất lớn bởi các chuẩn mực xã hội. Xét trên
góc độ số đông (cho đến hiện tại), hành vi quan hệ tình cảm và tình dục cùng giới
được xã hội học cho là lệch chuẩn (deviant). Vì thế quá trình hình thành hành
vi của những người ĐTA và sự công khai hóa tình trạng ĐTA phụ thuộc rất lớn vào
xã hội họ đang sống và tiến trình này được gọi là “sự bước ra” (coming out).
Xét về góc độ công khai tình trạng ĐTA, có
thể chia thành 2 dạng ĐTA: dạng mở là công khai tình trạng ĐTA của mình, còn dạng
kín là những người không dám công khai tình trạng ĐTA của mình. Trên thế giới
nhiều nước đã chấp nhận đây là một khuynh hướng của thiểu số hơn là lệch chuẩn
hoặc bất bình thường. Có thể nói ĐTA là một hiện tượng mà bản chất của nó vẫn
còn nhiều điều chưa được rõ, nhưng dù muốn hay không, nó lại đang tồn tại. Có
cái nhìn hiểu biết về nó sẽ giúp ta có một ứng xử phù hợp với bối cảnh văn hóa
của từng nước hoặc thậm chí hoàn cảnh riêng của từng gia đình, từng cá nhân.
Sau 45 phút được trình bày khá chi tiết về
ĐTA theo góc độ y học và xã hội học với những minh hoạ, những con số và những
xu thế xã hội đối với người đồng tính, các tham dự viên được Tiến sĩ Trần Mỹ Duyệt trình bày về “Đồng
tính dưới cái nhìn của tâm lý học”. Mở đầu, tiến sĩ cho hay đồng tính
là một khuynh hướng, một lựa chọn và được diễn tả qua những thao thức, những
tình cảm, những yêu đương và cả những chia sẻ về đời sống sinh lý giữa những
người cùng giới tính. Từ năm 1990 trở đi, dù nhìn dưới góc độ thể lý hay tâm lý
thì người ta không xem người đồng tính là người bệnh mà chỉ là một sự lựa chọn
của con người đó. Tuy nhiên, đây vẫn là vấn đề còn phải trăn trở và đòi hỏi nhiều
nghiên cứu làm rõ.
Vấn đề đặt ra là nếu một lúc nào đó người
con trai, con gái duy nhất trong gia đình bộc lộ xu hướng đồng tính thì cha mẹ
sẽ giải quyết như thế nào? Hoặc giả như người vợ, người chồng bấy lâu nay bỗng
dưng bộc lộ xu hướng đồng tính thì sẽ giải quyết ra sao?
Về phương diện khoa học, tâm lý, việc phân
biệt người đồng tính hay không vẫn chưa có câu trả lời. Nhưng đa số người đồng
tính bị mắc chứng bệnh căng thẳng (stress), do họ không bộc lộ được hoàn toàn
xu hướng đồng tính vì hoàn cảnh gia đình, xã hội. Họ gặp rất nhiều khó khăn, mặc
cảm khi chia sẻ với gia đình, bạn bè do xã hội vẫn chưa chấp nhận. Chính vì thế
họ dễ phản ứng tiêu cực, thiếu tự tin, rất nhạy cảm về giới tính nên khi tiếp
xúc với họ cần tế nhị, cư xử như người bình thường vì chỉ cần một lời nói vô
tình là có thể làm cho họ phản ứng.
Tâm lý học chỉ có thể giải thích chút ít về
xu hướng giới tính, các nhà phân tâm học cho rằng thời gian phát triển thiếu
nhi từ 18 tháng tuổi đến 4 tuổi, hình ảnh cư xử của người cha, người mẹ có thể ảnh
hưởng đến hình thành giới tính của con trẻ. Đến 4 tuổi, đứa trẻ biết mình là
trai hay gái và trong độ tuổi từ 4 đến 12, việc giáo dục tâm lý rất quan trọng,
có ảnh hưởng đến việc chọn lựa phái tính. Người ta khi sinh ra, về cơ thể học
dù đã xác định rõ là trai hay gái nhưng sự phát triển tâm lý đều mang hai hình ảnh
trai và gái tùy thuộc vào giáo dục gia đình và môi trường sống. Bên cạnh đó, những
hình ảnh xúc phạm tình dục hay tình cảm, sinh lý không được thỏa mãn trong đời
sống vợ chồng cũng có ảnh hưởng làm cho người ta tìm đến tương quan tình dục
khác dẫn đến xu hướng đồng tính. Tuy rằng những ảnh hưởng từ môi trường và giáo
dục là ít nhưng không loại bỏ được ảnh hưởng của nó đến xu hướng này.
Khi có người thân có tác phong đồng tính
thì cần tìm hiểu rõ xem đó có phải thật sự là đồng tính không, đế qua việc tư vấn
tâm lý có thể điều chỉnh lại tư tưởng cho đúng. Cần tôn trọng, thương yêu họ vì
họ có những sắc thái, bản tính đáng trân trọng.
Sau khi lắng nghe hai diễn giả trình bày, cử
toạ được thư gỉãn bằng những điệu vũ sôi động, hấp dẫn của nhạc phẩm “Tự Hỏi”,
do Cha Nguyễn Minh Thiệu hướng dẫn cử điệu: nắng diễn tả bằng biểu tượng mặt trời,
rừng cây giang tay trên cao, mây bay thì tay để ngang, người thì để hay tay trên
ngực, nói đến muối thì lắc cổ tay, biển thì giang ngang hai tay, hoa thì để hai
tay trên ngực: “Muối nếu không mặn nữa có
còn là muối nữa không? Biển nếu không còn sóng có còn là biển được chăng? Hoa nếu
chẳng toả hương, sẽ được gọi tên là gì? Người nếu chẳng yêu người, cõi đời còn
gì vui không?”
Tâm linh là một yếu tố không thể thiếu
trong đời sống của người Công giáo, buổi toạ đàm lại diễn ra tại Trung tâm Mục vụ
Giáo phận vì thế Cha Luy Nguyễn Anh Tuấn đã trình bày “Thế giới đồng tính: nhìn từ chiều
kích tâm linh”. Mở đầu, cha đặt ra câu hỏi: “Giáo Hội nghĩ rằng mình đang giảng
dạy điều gì về tính dục hay không? Hơn thế nữa có biết đang giảng dạy điều gì về
đồng tính?”. Bên cạnh đó, là một người sống đời tu, đời sống khiết tịnh,
cha cũng tự vấn mình: “Tôi biết gì mà nói?”. Liền đó, ngài cho hay “quan điểm tính dục con người và vấn đề đồng
tính của Giáo Hội không phải do các vị lãnh đạo Giáo Hội tự nghĩ ra nhưng là một
cái nhìn xuất phát từ niềm tin mặc khải, những gì là chân lý mà người Công giáo
tin rằng Thiên Chúa tỏ lộ cho mình biết về con người và những gì liên quan đến
con người”.
Để trả lời câu hỏi về đồng tính nói riêng
và tính dục nói chung, Cha Luy đã trình bày cái nhìn về con người bằng câu hỏi:
“Con
người là gì?”. Theo quan điểm Công giáo, Cha khẳng định một niềm tin
không lay chuyển rằng theo mạc khải Kinh Thánh, con người là một tạo vật được
Thiên Chúa dựng nên: “Thiên Chúa sáng tạo
con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên
Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1,27). Câu Kinh Thánh
này đã nói lên “chiều kích giới tính nam nữ rất căn cơ trong hình ảnh Thiên
Chúa được khắc ghi trong con người khi xuất hiện trên thế giới”.
Một câu hỏi kế tiếp được đặt ra: “Thiên
Chúa là gì? Tại sao con người với giới tính lại phản chiếu Thiên Chúa cách nào
đó?”. Tân Ước mạc khải rằng Thiên Chúa là Tình Yêu, mà tình yêu bao giờ
cũng là một tương quan giữa những ngôi vị khác biệt. Thiên Chúa muốn con người
có giới tính nam nữ, để làm cơ sở sinh học cho một thực tại ái tình, là lực hút
để người nam, người nữ kết hợp nên một xương, một thịt và sinh sôi nảy nở với sự
chúc lành của Thiên Chúa. Ý nghĩa của tình yêu dựa trên giới tính khác biệt nam
nữ là yêu thương nhau, nâng đỡ nhau và sinh con có trách nhiệm trong tình yêu
thương để phản chiếu một Thiên Chúa của tình yêu, là Thiên Chúa phong nhiêu,
nghĩa là Thiên Chúa sự sống, hằng sống.
Từ mạc khải của Kinh Thánh, Hội thánh Công giáo
rút ra một cái nhìn về con người: Con người dù là nam hay nữ, dù là sắc tộc, dù
là địa vị nào trong xã hội, dù là khuynh hướng tình dục như thế nào, đồng giới,
khác giới hay lưỡng giới, dù là ai cũng là một người đáng được trân trọng, yêu
thương vì đó là hình ảnh Thiên Chúa, là phẩm giá của con người, một phẩm giá
siêu việt được chính Thiên Chúa ban.
Trong thế giới của anh chị em chúng ta, sự kỳ
thị là đi ngược lại với tình yêu, người tin vào Chúa Giêsu lại không
bao giờ kỳ thị. Vì tình yêu thương mà Con Thiên Chúa làm người đã chấp nhận
mang cái giá phải trả là cái chết của mình, chính cái chết này nói lên hình ảnh
Thiên Chúa là tình yêu, vì cốt lõi của tình yêu là sự hiến dâng, là sự hy sinh,
là sự quên mình, là sự tự huỷ. Trong cái nhìn tính dục con người trong đời sống
hôn nhân hay đời sống tính dục của loài người nói chung, cả trong đời tu, con
người luôn luôn được nhìn trong viễn tượng con người là hình ảnh tình yêu của
Thiên Chúa phong nhiêu.
Sự sống con người
không chỉ dừng lại ở bình diện sinh học, mà còn ở bình diện tinh thần. Sự sống
con người phải toàn diện, người ta không chỉ hạnh phúc khi người ta thoả mãn
tính dục, người ta còn đòi hỏi ở những bình diện khác, mà khát vọng sâu nhất của
con người ở bình diện cao hơn gọi là tâm linh, đó là khát vọng vô biên của con
người.
Sách Sáng Thế nói rằng Thiên Chúa dựng nên
con người đầu tiên từ đất, gọi tên Ađam và đã thổi Thần Khí của Ngài vào Ađam.
Điều đó có nghĩa là con người không chỉ thuộc về đất mà còn thuộc về Trời. Con
người không chỉ sống bằng cơm bánh, con người không chỉ sống bằng tình dục mà
con người còn sống bằng tình yêu, vượt lên cõi vật chất thời gian, biến dịch vô
thường và đó là cái vĩnh cửu.
Cha Luy đưa ra câu hỏi cuối cùng: “Làm
sao để ta sống hạnh phúc trọn vẹn, hạnh phúc đích thực?” Ngài giải
thích rằng nếu người ta chỉ chú tâm vào một điểm trong thế giới này, coi tình dục
là cùng đích quan trọng tới mức như là cứu cánh thì mãi mãi sẽ còn những bất đồng,
bất hoà và chiến tranh. Vì tính dục mà Chúa dựng nên nơi con người là một chiều
kích rất căn bản để phục vụ cho việc yêu thương, nghĩa là biết ra khỏi chính
mình để nhìn tới người khác. Do đó những anh chị em chúng ta, dù cảm nhận mình
là nữ, là nam hay đồng tính, điều quan trọng không phải là đấu tranh cho chính
mình mà cần phải đấu tranh với cái ác, với tội lỗi, với sự ích kỷ, với sự tàn bạo
để biết quan tâm hơn, yêu thương hơn, bao dung hơn với con người anh em, trong
đó có anh chị em đồng tính đang bị cách nào đó rất thiệt thòi trong cái nhìn của
xã hội, đặc biệt ở Á Đông.
Giáo lý của Hội thánh Công giáo vẫn
không thay đổi trong cái nhìn cơ bản về con người và dạy rằng chỉ có trong hôn
nhân, tính dục mới có ý nghĩa đích thực là để yêu thương nhau, nâng đỡ nhau,
sinh con cái và giáo dục con cái, đó là kế hoạch của Thiên Chúa Tạo Hoá. Ngoài
điều đó ra, con người đi ngược lại Thánh Ý Thiên Chúa và vì thế không hợp luân
lý.
Qua phần trình bày của mình, Cha Luy cho rằng
sự thật có thể gây thất vọng cho những người đồng tính, nhưng Giáo Hội đã có một
sự đổi mới, đó là khi quay trở về nguồn với tinh thần Tin Mừng là tinh thần
tình yêu thì sẽ được giải thoát, cả người trong giới và ngoài giới đồng tính đều
được giải thoát, quan trọng là làm sao có được cái nhìn đó, nó phải thay đổi dần
dần nội tâm để đạt được trái tim như Chúa Giêsu không phân biệt, bởi vì Thiên
Chúa là Cha của tất cả mọi người mà không kỳ thị. Phương pháp thực hành như là
một đường hướng để được giải thoát, đó là cầu nguyện, trở về với chính mình ở
cõi thâm sâu nhất, nơi đó ta gặp được Thiên Chúa tình yêu. Trong một lối nói
khác là thực hành thiền định, chánh niệm, quán chiếu thường xuyên để cái tâm
càng ngày càng vô lượng hơn, yêu thương hơn mà không kỳ thị và trở về với sự thật
mà thánh ý Thiên Chúa đã định, trong đó có vấn đề giới tính.
Sau
giờ giải lao, buổi toạ đàm được nối tiếp bằng múa cử điệc nhạc phẩm “Tâm Điểm
Yêu Thương” để diễn tả tình yêu và sự gặp gỡ nhau trong yêu thương. Sau đó, cử toạ
buổi toạ đàm được lắng nghe tâm tư, tình cảm của những người trong cuộc, trước
tiên là một nhân chứng đồng tính nữ, một người Công giáo. Bằng lối thuật
chuyện khá tự tin, trôi chảy pha chút dí dỏm khi sâu lắng, lúc gây cười, M.T.
đã kể lại quá trình khám phá bản thân mình là ai, từ khi M.T. được sinh ra là một
đứa con không mong đợi, thiếu tình thương của cha mẹ cho đến khi tìm đến cái chết
do thất vọng về cuộc sống và để rồi sống tự tin như hôm nay nhờ vào đức tin vững
vàng vào Thiên Chúa.
Thuở
thiếu thời, M.T. đã có khuynh hước mặc đồ giống anh, em trai, có hành động cử
chỉ như con trai. Khi đến tuổi vị thành niên, M.T. đã sốc khi người bạn gái đầu
tiên viết cho một lá thư tình ướt át, nhưng sự tinh tế của người bạn gái thứ
hai lại làm M.T. rung động. Lúc trưởng thành thì mất lòng tin vào người khác
phái sau khi trải qua 2 mối tình tan vỡ. Khi đó, M.T. có những người bạn gái rất
sâu sắc, ân cần, đồng cảm, chia sẻ đến tận cùng, lại tinh tế làm cho ranh giới
về giới tính bị xoá bỏ. Từ đó dẫn đến chuyện yêu thương và sống theo cảm xúc mà
không nghĩ sâu xa, miễn vui là được.
Dù
được chia sẻ, giải toả phần nào nỗi cô độc nhưng M.T. lại cảm thấy bất an, lệ
thuộc, mất tự do, bị kiểm soát. Qua những cuộc tình đồng giới chông chênh,
không tìm được sự thoả mãn từ tâm lý đến thể lý, để rồi tổn thương thất vọng cứ
lớn dần, nỗi đau ngày càng sâu hơn và tận cùng dẫn M.T. đến ý nghĩ tự vẫn.
Nhưng nhờ vào đức tin vào Thiên Chúa, M.T. đã cảm nhận được sự che chở khi muốn
đoạn tuyệt cuộc đời để ra đi với trái tim hết sức tổn thương. Từ đó, M.T. hiểu
được mình như thế nào và điều chỉnh tình cảm cho thích hợp.
M.T.
cho hay rằng quan hệ đồng giới nếu đặt trên tình bạn nương tựa về tinh thần thì
quá tốt, còn nếu chờ đợi người ta cho mình một tình yêu mãnh liệt, và đặt vào
đó tất cả niềm tin, theo kinh nghiệm của M.T. thì luôn luôn thất bại. Bởi vì
chưa chắc cách người ta yêu giống như điều mình ước mong.
Nhân
chứng thứ hai chia sẻ ở buổi toạ đàm là L.T., một người đồng tính nam, 25t,
hiện quản lý một tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam nhằm hỗ trợ và giúp đỡ giới
đồng tính: tư vấn tâm lý, dự phòng và lây nhiễm HIV, tư vấn cho gia đình và người
thân của họ. Bằng lối đối đáp phỏng vấn, qua những câu hỏi của Sr. Maria Hồng
Quế, L.T. cho hay đã biết mình là người đồng tính khi học cấp 3, có mối quan hệ
với người cùng lớp, sau khi ra trường mỗi người một nẻo nhưng vẫn liên hệ với
nhau thường xuyên, tình cảm cả hai trong sáng, không một chút cảm giác xác thịt
nào. L.T. cho biết cũng đã từng thử quen một người bạn gái, sau 3 tháng thì
chia tay vì nhận thấy mình hoàn toàn không có một cảm giác nào với người bạn
gái đó.
Trong
gia đình, chỉ mẹ L.T. biết L.T. là một người đồng tính, lúc đầu mẹ hơi sốc
nhưng sau đó cũng khoan dung: “Dù con là ai, thì con vẫn là 1 đứa con mà mẹ
sinh ra”. Là người quản lý một tổ chức phi chính phủ, L.T. mong những người
không phải là đồng tính có một cái nhìn thông cảm hơn về những người đồng tính
và hãy xem những người đồng tính là một sự đa dạng sinh học.
Khi tặng hoa cho L.T., sư cô Hương Nhủ đã có đôi lời
chân tình, sư cô cho hay đã tiếp xúc với nhiều người đồng tính, đa số
có tâm trạng mặc cảm, đau khổ, cảm thấy bị bỏ rơi bên lề xã hội dù họ có nghề
nghiệp và làm những điều tốt cho xã hội, hầu như lúc nào họ cũng giấu giếm mối
quan hệ tình cảm riêng của mình. Các chứng nhân đã nói lên thật lòng tình cảm của
người thuộc giới của mình. L.T. vì đồng cảm với những người cùng cảnh ngộ đã lập
ra một tổ chức để chia sẻ và giúp đỡ họ, làm ho họ không còn mặc cảm nữa. Sư cô
cho rằng đem hạnh phúc đến cho mọi người là niềm hạnh phúc to lớn nhất cho
mình, sư cô muốn dành tặng đoá hoa không chỉ riêng cho L.T. mà còn gửi đến cho
những người đồng tính hãy tin tưởng vì tất cả mọi người đến với nhau bằng tình
yêu thương chân thật.
Để thay đổi không khí, Tiến sĩ Trần Mỹ Duyệt
đã trả lời câu hỏi của cử toạ: “Có nên
khuyến khích người đồng tính bộc lộ mình hay không?”. Tiến sĩ cho rằng nên
bộc lộ để tạo ra sự tự tin nơi chính mình, để vượt qua mọi thử thách; phải sống
và minh chứng cho chọn lựa đó là đúng, tự tin và dám sống với chọn lựa của
mình, chấp nhận may rủi ở sự chọn lựa đó.
Với câu hỏi “Cha mẹ phải đối xử với con cái như thế nào nếu con mình thực sự đồng
tính?”, tiến sĩ cho rằng “dù gì đi nữa cũng là con cái mình”, những người
có trách nhiệm đừng dùng cảm tính để đày đoạ con cái của mình mà hãy nâng đỡ
con cái sống tự tin.
“Sống
trong môi trường biểu diễn thường xuyên nhìn thấy việc trang điểm, làm đẹp,
chăm sóc bản thân thì có ảnh hưởng đến giới tính?”.
Tiến sĩ trả lời điều đó tuỳ thuộc vào khuynh hướng cá nhân nhưng chưa quyết định
người đó có đồng tính không trừ khi họ chọn lựa và chấp nhận sự chọn lựa đó như
là diễn tả cách sống và khuynh hướng đồng tính của họ.
Nhân
chứng cuối cùng là T.T.L, một người đồng tính nữ, 33 tuổi, sinh ra ở Hà Nội, làm
việc tại Sài Gòn trong lĩnh vực công nghệ thông tin và đang sống cùng người bạn
gái cũng đang có mặt tại buổi toạ đàm. Cũng bằng phương pháp phỏng vấn đối đáp,
T.L cho biết đã phát hiện ra mình có tình cảm đặc biệt với một người bạn gái
khi 19 tuổi, và đến 2 năm sau đó thì khẳng định mình là người đồng tính. T.L
nghĩ rằng đó là món quà mà cuộc sống ban tặng cho mình nên mình đón nhận trong
niềm vui, chỉ có một băn khoăn duy nhất là không biết người bạn có đáp lại tình
cảm của mình hay không thôi. Về phản ứng của gia đình, lúc mới biết người mẹ đã
rất hoang mang, người chú thì khuyên gia đình hãy để cho T.L tự quyết định cuộc
sống của mình.
Khi
chia chia sẻ về những mối tình của mình, T.L cho biết từ khi thích người bạn
gái đầu tiên đến giờ, T.L. có quen biết với một vài người khác. Điều khó khăn
là rất khó tìm được người giống mình trong tiếp xúc hằng ngày, và khi gặp được
người giống mình thì cũng chưa chắc người đó đã phù hợp cho mối quan hệ như
mong muốn. Theo T.L. thì chung thuỷ là giá trị không phân biệt giới tính. Người
đồng tính không dám lộ diện vì sợ bị kỳ thị, nhiều người còn chưa có cơ hội để
sống cuộc sống của người đồng tính nên chưa thực sự biết được người đồng tính
có chung thuỷ hay không.
T.L.
cho hay rằng xã hội Việt Nam có cái nhìn ít cực đoan hơn về đồng tính so với
nhiều nước ở trong và ngoài Á Châu. Điều này xảy ra vì người Việt coi trọng
tình nghĩa, không ưa bạo lực và có tấm lòng nhân ái bao dung đối với những người
xung quanh. Tuy nhiên, đâu đó trong xã hội vẫn còn nhiều sự e dè, thậm chí sợ
hãi đối với người đồng tính mà T.L. cho rằng nguyên nhân gốc rễ của nó là sự
thiếu thông tin mà thôi.
Thời
gian đã điểm 12 giờ trưa, rất nhiều câu hỏi của cử toạ được đặt ra cho các diễn
giả, nhưng thời gian đã không cho phép buổi toạ đàm tiếp tục. Để kết thúc, Cha Luy
Nguyễn Anh Tuấn đúc kết buổi toạ đàm. Ngài nói lời cảm tạ, ngợi khen
Chúa vì đây là một cơ hội, một món quà rất đặc biệt cho mỗi tham dự viên của buổi
toạ đàm. Để từ đó, mỗi người mở lòng ra nhiều hơn, mở mắt ra để nhìn thế giới
xung quanh nhiều hơn, nhất là đối với những anh chị em trong thế giới đồng
tính. Việt Nam là xã hội trọng chữ tình, chữ nghĩa, tuy nhiên cũng cần sự thông
cảm qua lại. Mỗi người có những khác biệt, đừng vì những khác biệt mà gây tổn
thương nhau, dù bằng lời nói, hành vi, hành động bên ngoài thể chất vì đó là điều
dữ. Tình thương vượt lên trên khác biệt để chấp nhận nhau trong quan hệ gia
đình, hôn nhân cũng như trong quan hệ giữa người với người trong cộng đồng,
trong xã hội.
Cha
cho hay khi nghe tâm tư tình cảm của anh chị em nhân chứng trò chuyện để hiểu rằng
không dừng lại ở quan điểm khác biệt mà cần đạt mục tiêu, cũng là ơn cứu độ cuối
cùng là làm sao chấp nhận yêu thương người khác, rất khác với ta, như Chúa
Giêsu đã chấp nhận yêu thương những người tội lỗi, chết vì tội lỗi.
Cuối
cùng, Cha Luy nhấn mạnh rằng cần xác định căn tính của mình, bạn là bạn, tôi là
tôi, nhưng đón nhận nhau trong cộng đồng yêu thương nhau, đó là cộng đồng phát
triển theo hình ảnh của Thiên Chúa giữa trần gian.
Buổi
toạ đàm kết thúc với bài hát “Và Con Tim Đã Vui Trở Lại” để nói lên dư vị để lại
trong lòng mỗi người thật tốt đẹp, người Công giáo hiểu rõ hơn về luân lý tính
dục theo giáo huấn của Giáo Hội cũng như thái độ cần thiết để cư xử với người đồng
tính, các tôn giáo bạn hiểu được cái nhìn của Hội thánh Công giáo đối với thân
xác con người, còn giới đồng tính thì xoá bỏ được suy nghĩ cho rằng người Công giáo
luôn kỳ thị mình. Tuy còn nhiều thắc mắc chưa được giải đáp do thời gian không cho
phép, nhưng bầu khí thông cảm, sẻ chia đã luôn là bầu khí xuyên suốt buổi toạ
đàm. Mong rằng kết quả của buổi toạ đàm sẽ là bước đầu để giới Công giáo tìm được
hướng đi cụ thể thích hợp trong việc chăm sóc mục vụ đối với giới đồng tính mà
vẫn giữ được bản sắc Kitô giáo của mình.
Sài
Gòn, ngày 22 tháng Hai năm 2011
Tạ Ân Phúc