Đó là mục tiêu mà Uỷ ban Bác ái Xã hội (UBBAXH) - Caritas Việt Nam, trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, nhấn mạnh tại Hội nghị Xây dựng Chương trình về HIV/AIDS, được Uỷ Ban tổ chức cho 40 đại diện của Ban Bác ái Xã hội của 11 giáo phận và của một số đơn vị đang hoạt động trong lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS của Giáo Hội, trong đó gồm các y bác sĩ, linh mục, tu sĩ, các tham vấn viên…, tại Trung tâm Công giáo, số 72/12 Trần Quốc Toản, Q.3, TP. Hồ Chí Minh, vào ngày 27-5-2008. Các tham dự viên được mời dự Hội thảo lần này chủ yếu là những giáo phận, đơn vị hay các nhóm đang có vấn đề và đang có những dự án về HIV/AIDS, trong đó, số thành viên tham dự nhiều nhất thuộc Tổng Giáo phận TP. Hồ Chí Minh, nơi đã xây dựng được chương trình phòng chống HIV/AIDS tương đối hoàn chỉnh. Mặc dù bận rộn, Đức cha Đa Minh Nguyễn Chu Trinh, Chủ tịch Uỷ Ban, cũng đã thu xếp để đến khai mạc và nhắc nhở những đường hướng cụ thể cho Hội nghị.
Mục đích của Hội nghị là UBBAXH sẽ cùng với ban Bác ái Xã hội của các giáo phận nhìn lại các hoạt động thuộc lĩnh vực HIV/AIDS trong thời gian vừa qua, đặc biệt là thời gian từ sau cuộc Hội thảo Quốc tế HIV/AIDS được tổ chức ở Hà Nội vào ngày 14 đến 16-1-2008 đến nay, và đồng thời cũng nêu lên chương trình và phương hướng mới cho các hoạt động sắp tới. Hội nghị này cũng là dịp chuẩn bị cho Hội nghị CHAN (Catholic HIV/AIDS Network), được Caritas Internationalis tổ chức ở Geneva (Thuỵ Sĩ) từ ngày 3 đến 6-6-2008, trong đó ngày 3-6-2008 được dành riêng cho Việt Nam.
“Thông qua các giáo phận, các nhóm đang có những dự án phòng chống HIV/AIDS, Caritas Việt Nam muốn xây dựng một chương trình hương trình thống nhất về các hoạt động Dự phòng - Chăm sóc - Điều trị cho người có HIV/AIDS một cách toàn diện trên toàn quốc, dựa trên giá trị và nền tảng Đức tin Kitô giáo, theo một hệ thống từ Caritas trung ương đến Caritas của từng giáo phận; qua đó, xây dựng môi trường cộng đồng, giáo xứ thân thiện, hỗ trợ và đồng hành với người sống với HIV/AIDS; cũng như tăng năng lực cho người sống với HIV/AIDS và gia đình của họ để tạo cho họ khả năng sống ổn định” - Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Tổng Thư ký Caritas Việt Nam, đã cho biết tại Hội nghị.
Hội thảo đã dành nhiều thời gian để phân tích mặt mạnh, mặt yếu, những cơ hội và thách thức mà các giáo phận, các nhóm đã và đang gặp phải trong quá trình hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến HIV/AIDS. Từ đó, Hội nghị phân tích và xây dựng Chương trình dự thảo Người Công giáo phòng chống HIV/AIDS tại VN. Bản dự thảo này sẽ được đoàn Việt Nam (gồm Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt - TGM Hà Nội; Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn - Tổng Thư ký Caritas Việt Nam; Lm. Phương Đình Toại - người chịu trách nhiệm về Chương trình HIV/AIDS tại Tổng Giáo phận TP. Hồ Chí Minh; và Sr. Maria Nguyễn Thị Hiền - đại diện cho Chương trình HIV/AIDS tại Tổng Giáo phận Huế) trình cho Hội nghị CHAN, được tổ chức tại Thuỵ Sĩ vào tháng 6 sắp tới.
Hội thảo không dừng lại ở việc soạn ra chương trình dự thảo để trình cho CHAN để hoàn toàn trông chờ vào sự trợ giúp của họ. “Trước mắt, cần đẩy mạnh các hoạt động để nâng cao năng lực về truyền thông, giáo dục, chăm sóc hỗ trợ, nhất là phải xây dựng một mạng lưới giữa các cá nhân, các nhóm, các tổ chức đang hoạt động trong lĩnh vực này..., cần dựa vào nội lực của chính mình để xắn tay áo lên làm ngay, chứ không thụ động ngồi chờ sự trợ giúp từ bên ngoài. Những nguồn này chỉ là sự hỗ trợ chứ không thể chi phối mọi hoạt động của chúng ta” - Cha Antôn Nguyễn Ngọc Sơn cho biết thêm.
Hiện tại, UBBAXH đang cố gắng thành lập các tổ chuyên môn để soạn thảo một chương trình rõ ràng, thống nhất, mang tính chiến lược, có thể sử dụng chung trên toàn quốc, trong đó không chỉ nhấn mạnh đến việc truyền thông một cách chung chung, đài trà, mà chú ý đến yếu tố giáo dục người trẻ một cách toàn diện về giá trị của sự sống, của tình yêu… Trong phần giáo dục kỹ năng sống, phải đưa ra những tiêu chuẩn, giá trị đạo đức và tâm linh Kitô giáo. Mong ước chương trình này sẽ được lồng vào trong các sinh hoạt của các cơ cấu và tổ chức Giáo Hội, cũng như lồng vào trong chương trình giáo lý bao đồng, giáo lý hôn nhân... là điều mà nhiều thành viên tại Hội thảo đề cập đến, tuy có hơi táo bạo nhưng không phải là không khả thi.
Nhìn chung, lĩnh vực HIV/AIDS là lĩnh vực mà những người làm công tác xã hội luôn quan tâm, nhưng nhiều nơi, nhiều đơn vị, nhất là tại một số giáo phận có người nhiễm HIV cao, còn bị lấn cấn vì không biết làm cách nào, bắt đầu từ đâu, hoặc chưa được sự đồng thuận và khuyến khích của các đấng bản quyền.
Một điều quan quan trọng khác mà Hội thảo nhấn mạnh là làm sao khơi dậy tinh thần hợp tác trong hoạt động tông đồ liên quan đến HIV/AIDS. Nếu các nhóm có sự cộng tác và liên kết với nhau, bổ sung cho nhau những mặt mạnh, yếu, những điểm còn thiếu sót, thiết nghĩ công việc sẽ đạt được thành quả cao hơn rất nhiều, không chỉ trong lĩnh vực HIV, mà còn trong nhiều lĩnh vực hoạt động khác mà những người làm công tác xã hội đang dấn thân vào.
Hơn nữa, công tác lo cho người nghèo không phải là một hoạt động kinh doanh, nên phải có tầm nhìn xa, rộng, làm sao người nghèo có thể tiếp cận được những điều họ cần giúp đỡ, chứ không nên giữ tinh thần co cụm, cục bộ, hay cạnh tranh lẫn nhau. Tinh thần trách nhiệm, tập cách làm việc chung, theo một nguyên tắc làm việc khoa học, luôn là những yếu tố cần thiết cho một chương trình hành động chung.
“Hiện tại, những hoạt động của Giáo Hội đã được chính quyền cũng như cộng đồng đánh giá cao, đây là điều thuận lợi trước mắt cho hoạt động của chúng ta. Thái độ phục vụ cũng là điều rất quan trọng, nếu chúng ta bảo đảm được sự không kỳ thị bằng tình thương, bằng sự tận tình phục vụ hết mình, chúng ta có thể thay đổi được thái độ nhận thức của cá nhân, của cộng đồng. Khi đó, những người bệnh có thể sẽ không còn giấu giếm, trốn tránh, mà sẽ tìm đến chúng ta vì họ cảm nhận mình được yêu thương" - Đó là tâm tình mà Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn dành để kết thúc ngày Hội thảo.
Tương lai gần, cần đẩy mạnh các hoạt động để nâng cao năng lực về truyền thông giáo dục, chăm sóc hỗ trợ, xây dựng mạng lưới, chia sẻ kinh nghiệm thường xuyên của những người làm việc trong lĩnh vực HIV/AIDS; cần đạo tạo ngay các chuyên viên, các nhóm nòng cốt có năng lực và khả năng truyền thông, tham vấn, chăm sóc tại cộng đồng; làm sao để người có HIV/AIDS được tham gia vào các hoạt động của cộng đồng, và được hỗ trợ sống tự lập.
Trước mắt, để nhân viên xã hội có thể làm việc một cách dễ dàng và công khai, UB BAXH sẽ phối hợp với Uỷ ban Phòng chống AIDS của TP. HCM mở các khoá tham vấn viên - học viên sẽ được cấp chứng chỉ của Nhà nước - cho những cá nhân và tổ chức có nhu cầu. Dự kiến sẽ thực hiện vào tháng 7-2008. Uỷ Ban cũng phối hợp với Công ty Hợp Tác Trẻ để mở những khoá tập huấn như: Khoá tập huấn kỹ năng truyền thông giáo dục chủ động (6-8/6/2008); Khoá kỹ năng sống của anh chị sống chung với H (17-18/6/2008) tại TP. Hồ Chí Minh…