Mỗi gia đình có mỗi
hoàn cảnh riêng, mỗi nếp sống riêng, mỗi một chuỗi kinh nghiệm riêng, đèn nhà
ai nấy rạng, nên chúng tôi cảm thấy áy náy khi giãi bày nếp riêng tư của mình.
Tuy nhiên, xin mạnh dạn đóng góp đôi điều về cuộc sống vợ chồng mà chúng ta đã
trải qua gần 50 năm qua, như là một trao đổi nhỏ để chúng ta cùng chia sẻ hầu
sống hạnh phúc tuổi già, cái tuổi gần đất xa trời trong cái cảnh
Tuổi già rong ruổi tình già
Cháu con đi cả, mặn mà với ai?
Tuy nhiên, tình già lắm khi cũng mang di chứng bất
trị của tuổi già như chính bản thân người già… lẩm ca lẩm cẩm theo thói
thường “già sinh tật” khiến dễ đi tới già
chuyện, sinh già miệng già mồm…
cãi nhau chỉ vì những thứ lặt vặt không đâu!
Mặt khác, giữa
chúng tôi có những khoảng cách lớn về tuổi tác, về tâm tính, về cảm nhận, nhất
là về sở thích… Lắm lúc cái mà người bạn đời của mình ghét nhất thì mình lại
lao vào. Ngược lại, nhiều khi cái mà người bạn đời của mình ưng ý thì mình chẳng
những không mặn mà, mà còn lắm khi dè bỉu chê bai, phản đối!
Khúc mắc trong đối
thoại
Nếu chúng tôi thiếu
khoan dung với nhau hoặc không lưu tâm đến nhau, con thuyền hạnh phúc của chúng
tôi có lẽ đã chao đảo khiến bị nhận chìm từ thuở nào. Theo tôi, khoan dung để đối
thoại và trong đối thoại là điều kiện tiên quyết. Bởi vì với chúng tôi, đối
thoại thiếu tự chế là khía cạnh gai góc nhất, gay cấn nhất trong cuộc sống vợ
chồng.
Các bậc tiền bối, ông bà tổ tiên chúng ta có
lẽ cũng đã trải qua không ít “gian truân” trong đối thoại, nên đã nhắn nhủ
chúng ta:
Lời nói không mất tiền mua,
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
Hoặc:
Vợ chồng chớ cãi nhau hoài,
Sao cho trong ấm thì ngoài mới êm.
Những lời dạy ấy nghe
thì đơn giản, nhưng thực hiện thì lại là cả một quá trình nhẫn nhục khá cam go.
Thiếu đối thoại hay
đối thoại lệch lạc trong đời sống vợ chồng là một khiếm khuyết lớn gây hại
không nhỏ cho hạnh phúc lứa đôi dù ở bất cứ độ tuổi nào! Càng về già, tính tình
càng thay đổi, càng dễ gắt gỏng với nhau… đi đến to tiếng.
Vâng! Không đối
thoại là điều nguy hiểm khó lường. Nhưng đối thoại mà không khéo, thiếu thận
trọng thì càng làm tăng rắc rối cho cuộc sống cuối đời.
Đối thoại, không
đối chọi
Từ chuyện cơm nước,
tới việc chợ búa, việc nhà, việc đời, việc con cái học hành, cái gì cũng có thể
trở thành đề tài khiến cho vợ chồng không tự chế, sinh “lời qua tiếng lại”. Nhiều
lúc chẳng phải tại ai cả, hay có khi tại cả hai, nhưng anh cứ đổ tại em, em cứ
la tại anh... đối thoại thành ra đối chọi.
Cho nên, trong đối
thoại, chúng tôi cố gắng tránh chạm tự ái nhau. Một lời đối đáp không đắn đo kềm chế dễ gây xúc phạm cho nhau. Cuộc đối chọi tăng cường độ, dẫn tới độc thoại, mạnh ai nấy nói, chẳng ai
nghe ai, kết quả dĩ nhiên sẽ là trận đấu
khẩu không kiểm soát, chẳng ai thua ai… để rồi cả hai cùng thua!
Dù buồn nhau, giận
nhau mấy, chúng tôi cố giữ cách xưng hô một điều Anh hai điều Em với nhau,
quyết không hề “đổi cung”, “trở giọng” gọi nhau bằng Ông-Bà, Ông-Tôi, Cô-Tôi, hay tệ hơn nữa, Mày-Tao. Chúng tôi tiếc là từ thuở mới thành vợ chồng đã “lỡ” không
tập xưng hô “Mình” với nhau – chồng
gọi vợ là mình, vợ gọi chồng cũng mình, như nhiều ông bà ta ngày xưa quen
gọi. “Mình ơi!” Ngọt ngào làm sao! Nhưng
đã trót quen “anh-em, em-anh” rồi cũng
mặn mà kém gì đâu?
Viết tới đây, tôi
sực nhớ vừa nhận được thư của một bạn già đồng nghiệp cũ của chúng tôi gần 40
năm về trước. Ông bạn viết: “Tôi năm nay
đã xấp xỉ 80 rồi, nên cũng hơi yếu và lẩm cẩm. Thêm vào đó phải ‘hầu hạ’ bà xã 2
năm nay bệnh hoạn liệt giường nên cũng hơi mệt.
Bà xã tôi hai tay đã hoàn toàn tê liệt, không còn làm
được việc gì nữa. Từ ăn uống đến rửa mặt, thay quần áo, đi vệ sinh đều phải có
người giúp đỡ. Tôi phải làm thơ chọc bà là:
Bà ơi! Tôi gẫm mình bà
Khác nào như thể mẹ già tôi xưa
Cơm bưng nước rót hầu bà
Chiều bà cho thoả mối tình thuỷ chung
Gọi bà tôi
sợ mình già
Gọi em tôi
thấy cũng hơi kỳ kỳ
Thôi thì tôi gọi bằng Mình,
Chúng Mình
hai đứa vẫn tình như xưa”.
Ông bạn kết bằng
lời bình: “Chả biết bà có hài lòng không,
nhưng tôi thấy bà cười tươi lắm”. Lạc quan như vậy đó! Tình nghĩa phu thê
tỏ bày nhẹ nhàng, kín đáo, tế nhị và thâm thuý tới mức ấy, tôi cho là tuyệt
vời! Hài lòng là phải! Và chắc chắn còn hơn thế nữa! Hạnh phúc tuổi già tồn tại
và phát triển từ cung cách đối thoại sâu sắc thâm trầm như thế này! Bài học lớn
và vô cùng quý báu cho chúng tôi.
Bảo nhau hay khảo nhau?
Chúng tôi luôn tâm
nguyện: Đối thoại dứt khoát không có nghĩa là cãi nhau, cố gắng tránh “chuyện
nọ xọ chuyện kia”, không vì cái hiện tại nhỏ xíu mà lùi về dĩ vãng xa lơ xa lắc
chẳng ăn nhập vào đâu để hài tội nhau cho hả giận… Khi mà anh lớn tiếng nhân
danh “bảo nhau”, em nặng lời “bảo nhau” với anh thì sẽ không còn là “bảo
nhau” nữa, mà là… “(tra)
khảo nhau”, chì chiết nhau,
tố khổ nhau bằng ngôn từ!
Ngày nay, hầu như
đã qua rồi cái thời “đàn bà thí văn, đàn
ông thí võ”, như Hoa Kỳ, nhưng có lẽ cả nam lẫn nữ bên nào cũng còn thiên
về môn võ khác: võ mồm! Hiểm hoạ tan
vỡ hạnh phúc gia đình đến từ đó!
Tuy nhiên, nếu trót
xảy ra cãi vã như vậy, thì một trong hai chúng tôi lại nhanh chóng tìm cách lái
câu chuyện trở về với hiện tại, dịu giọng với nhau. Phía “nam nhi chi chí” chủ
động trước bước “hoà hợp” nhẹ nhàng
này, thì liễu yếu đào tơ như tôi đây cũng sẽ mềm lòng thôi... bấy giờ đương
nhiên thần “hoà giải” sẽ hiện giữa
chúng tôi, gắn trên môi chúng tôi mỗi người một “nụ cười làm lành” chứa chan nghĩa tình phu thê!
Đặc biệt, chúng tôi
ra sức tránh to tiếng với nhau khi có con cái hiện diện, nhất là lúc chúng còn
bé thơ, tâm trí chúng còn non nớt…
Quan tâm tới nhau
Mặt khác, nhiều lúc
nghiệm lại mới thấy do chểnh mảng hoặc thậm chí vô tâm, chúng tôi không chú ý
tới những biến đổi trong tâm trạng người bạn đời của mình lúc này hay lúc khác bị
ngoại cảnh tác động chi phối, khiến lắm lần chúng tôi vô tình gây phiền não cho
nhau không ít. Xào xáo bắt đầu từ những lần không quan tâm tới nhau như vậy.
Chẳng hạn, khi
người bạn đời đến một lúc nào đó rơi vào tình trạng bị ức chế, nếu mình không lưu
ý lắng nghe tiếng lòng của người bạn đời mà chỉ chờ sơ hở mà bắt bẻ những lời
nói không kiểm soát được từ miệng người bạn đời đang trong tình trạng khủng
hoảng về tâm lý, chắc chắn vết thương sẽ không lành mà càng thấm sâu vào máu
thịt xương tuỷ và cả tim óc của người phối ngẫu. Cho nên, trong mọi trường hợp,
tự chế để tránh cãi vã, không đổ thêm dầu vào lửa là điều chúng tôi luôn chú
tâm thực hiện trước nhất!
Giết nhau chẳng cái lưu cầu,
Giết nhau bằng cái u sầu độc chưa?
Cụ Nguyễn Du đã
chẳng từng cảnh báo như vậy sao? Lưu cầu là con dao. Con dao giết người đã là
độc, u sầu giết chết hạnh phúc gia đình và giết chết nhau càng độc địa biết bao!
Một nhịn, chín lành
Là phận nữ, tôi có
một kinh nghiệm này về phía nữ giới chúng tôi: Thông thường, khi người chồng làm
người “dũng cảm” đi bước đầu trong thái độ quảng đại, bao dung với vợ, tiên
phong nhận lỗi trước với vợ mình, thì bà vợ nào mà chẳng xiêu lòng! Tôi cho đây
không phải là thái độ nhu nhược, mà là một biểu lộ tình nghĩa vợ chồng bảo toàn
hạnh phúc cho nhau. “Một sự nhịn, chín sự
lành”. Bao lâu người đàn ông tỏ rõ bản lĩnh “nam tính” của mình, bản lĩnh
của “phái mạnh” không chấp nhất vợ mình
vốn thuộc về “phái yếu” thì phái yếu ấy
chắc chắn sẽ yếu lòng để sẵn sàng
mang gấp mươi lần “chín sự lành” cho đức ông chồng! Ngày nay, vị thế đàn bà
chúng tôi khác xưa, nên mạn phép “điều chỉnh” hai câu ca dao sau:
Chồng giận thì vợ
bớt lời. (Ca dao)
Xin sửa lại:
Bà giận thì ông
bớt lời,
Cơm sôi nhỏ lửa một đời không khê…
Xin các ông chồng đừng ép vợ mình bớt lời
như thời xưa nữa nhé, mà chính phía đàn ông phải đi tiên phong!
Bên thẳng thì bên
phải chùng. (Ca dao)
Xin nói lại:
Nữ thẳng thì nam phải
chùng,
Hai bên cùng thẳng thì cùng đứt dây.
Thắng→thua; thua→thắng
Chúa ban cho tôi
chỉ có một cái miệng mà tới hai lỗ tai. Để nghe nhiều, nói ít! Tôi
suy nghĩ mãi, tại sao mình không tận dụng cả hai tai để lắng nghe hơn là cứ cái
miệng oang oang với người bạn đời của mình?
“Hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại!” Kẻ u đầu, người sứt
trán! Chỉ làm khổ nhau thôi!
Ra sức kềm chế và
thay đổi cung cách xử sự cho tốt hơn, phải đạo hơn với người bạn đời của mình
không phải chỉ là bí quyết mà còn là quy luật của cuộc sống vợ chồng.
Đàn bà không lý
luận bằng lý trí như đàn ông, mà bằng chính con tim. Nếu người chồng không dùng
con tim đáp lại con tim, mà dùng lý lẽ của trí khôn để trấn áp tiếng nói con
tim vợ mình, người chồng tất sẽ là kẻ thua cuộc. Trái lại, người đàn ông nào
chấp nhận “thua” vợ mình trước, phần thắng chắc chắn sẽ thuộc về người chồng
khôn ngoan ấy… Thắng con tim của vợ để con tim ấy mãi mãi thuộc về mình, là của
mình và chỉ là của mình mà thôi. Đó mới thật là bí quyết của một người đàn ông muốn
tròn hạnh phúc với vợ mình! Và rồi người vợ nào sẽ chẳng cảm thương mà đáp lại
bằng lòng mến yêu, kính trọng và hy sinh tất cả vì chồng và cho chồng.
Yêu nhau, muôn sự chẳng nề,
Dù trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng!
Cầu cứu Đấng Tình
Thương
“Đối thoại” không
“đối chọi” nhiều lúc xem ra lý tưởng quá, một lý tưởng khó thành hiện thực đối
với bản chất phàm tục trong thân phận con người. Chúng tôi chỉ còn chạy đến với
Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Cầu nguyện giúp chúng tôi vượt mọi thứ cạm bẫy để mãi
mãi trọn tình nghĩa với nhau. Mỗi ngày, chúng tôi cùng suy niệm và chia sẻ ít
ra một hai câu Phúc Âm (ngắn và dễ hiểu), sau đó là kinh Lạy Cha, Kính Mừng,
Sáng Danh, rồi kết thúc bằng lời nguyện “Xin cho con tình yêu và ân sủng” và
“Nữ
Vương ban sự bình an, cầu cho chúng con”.
Dù rất nguội lạnh,
biếng trễ việc kinh sách, nhưng khi thực hiện điều đơn giản trên đây, chúng tôi
cũng cảm nhận có Chúa Tình Yêu ở cùng để hoà giải chúng tôi với Chúa và với
nhau, cũng như nhờ Đức Mẹ phù trợ đem bình an đến cho đời sống vợ chồng chúng
tôi. Đó chính là lúc chúng tôi cảm thấy mình gần gũi nhau hơn, hạnh phúc thật
sự.
Quên những gì phải
quên
Từ ơn ích trên, sau
mỗi trận cãi nhau dù có lúc nảy lửa, chúng tôi cố gắng không để cơn giận đè
nặng lâu quá 10-15 phút mà không làm lành với nhau bằng một lời xin lỗi, một nụ
cười và một chiếc hôn nồng thắm, chân thật… cùng quên đi những gì không tốt đẹp
xảy ra, quên cả những thiếu sót, khuyết điểm và nết xấu của nhau!
Tâm niệm rằng, mang
cái thói của bà, đem cái tật của ông đi tỉ tê than phiền với hàng xóm từ người
này tới người nọ là điều tối kỵ, chúng tôi thề nguyền với nhau không bao giờ để
cho cái thói tật đáng trách ấy len lỏi vào đời sống vợ chồng. Xấu em, thì có
tốt gì cho anh? Hay ngược lại, xấu anh, em nào đẹp mặt gì hơn? Cả vợ lẫn chồng
cùng xấu là điều chắc! Lại mất đi cái tình, cái nghĩa của thuở bao đầu lưu
luyến ấy!
Tạ ơn Chúa ban cho
chúng tôi sống với nhau ấm êm hạnh phúc đến nay đã gần 50 năm dù tuổi tác giữa chúng
tôi chênh lệch gần trọn 12 con giáp và trải qua một chặng đường dài không ít
chông gai, Chúa đều dẫn dắt chúng tôi vượt qua mọi chướng ngại vật.
Nghĩa ban đầu,
nghĩa cả đời
Có lẽ từ đây đến
cuối đời mình (không bao lâu nữa đâu), chúng tôi vẫn phải tiếp tục tâm nguyện mãi
với nhau rằng, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào vẫn giữ mãi tinh thần:
Đối thoại, không đối chọi;
Chia sẻ, không chia rẽ;
Tâm sự, không gây sự;
Trò chuyện, không to chuyện.
Dĩ nhiên, chúng tôi
có thể không đồng ý với nhau về một điều gì đó, nhưng cố vượt khỏi cái
“tôi” của mình hầu nhường nhịn nhau để luôn đi tới đồng thuận.
Dẫu có bất
đồng, cũng đừng bất hoà!
Để sao mái ấm
chúng tôi cứ mãi là tổ ấm!
Và cùng đi theo con
đường ông bà mình đã vạch:
Vợ chồng là nghĩa cả đời,
Ai ơi, chớ nghĩ những lời thiệt hơn.
“Nghĩa cả đời”? Phải chăng đó là đạo thuỷ chung của nghĩa tình phu thê?
“Đạo vợ
chồng chẳng dễ đổi thay,
Nên vinh
hiển hoặc ăn mày vẫn theo”.
Nguyễn Thị Ngọc