Cứ mãi nhớ và không quên khuyết điểm của người khác thì người bị tổn thương nhiều nhất chính là bản thân mình.
Truyen-tin.net - Sơ lược dữ kiện:

  • ♥ Tiểu sử Các Thánh: 272
  • ♥ Các Bài đọc thánh lễ: 772
  • ♥ Văn hoá, nghệ thuật: 1154
  • ♥ Tin tức, chuyên đề... 15457
  • ♥ Thư viện hình ảnh: 6916
  • ♥ Suy niệm Lới Chúa: 784
  • ♥ Video: 2269
  • ♥ Tài liệu tham khảo: 780

... cùng những sưu tập khác.
tt
Laudetur Jesus Christus - Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô NewsFeed
-
LINH ĐẠO
Back TRỞ LẠI (Cập nhật: 22/02/2012 12:00:00 SA)
A  A  A
Nhân sinh quan của Thánh Inhã qua thuật ngữ “Cura Personalis”

Từ “Cura personalis”…

“Cura personalis”là một thuật ngữ quen thuộc trong việc huấn luyện và quản trị của Dòng Chúa Giêsu. Không những vậy, nó còn là nguyên tắc của nhiều trường và đại học khắp Âu - Mỹ của Dòng.

Thuật ngữ Latinh này có nghĩa là “chăm sóc toàn diện con người cách cá vị” nhằm giúp mỗi người đạt đến sự hội nhất giữa các mặt thể lý, tình cảm, trí tuệ, và tâm linh trong đời sống họ. Muốn được vậy, bề trên trong Dòng hay các giáo viên trong trường học phải quan tâm đến những nhu cầu cá nhân của mỗi thành viên hay sinh viên. Sự quan tâm ấy không chỉ dừng lại ở những chương trình hay giáo án chung (radio studiorum), mà còn bao hàm cả việc tôn trọng lắng nghe những hoàn cảnh và bận tâm, những tài năng và thách đố riêng của mỗi người được thụ huấn.[1] Sau khi đã lắng nghe và thấu hiểu, tuỳ theo từng trường hợp, người huấn luyện biết cảm thông, tha thứ, kiên nhẫn hoặc cho những lời khuyên thích hợp để người thụ huấn được lớn lên và trưởng thành thật sự. Nói thế, con người dường như trở thành trung tâm của nhiều sự chăm sóc.

Dẫu vậy, bài viết này không đào sâu phân tích về khía cạnh thực hành của công việc huấn luyện ấy. Thay vào đó, những trang dưới đây muốn tìm hiểu xem đâu là cái nhìn của Thánh Inhã về con người mà qua đó ngài đã đưa ra thuật ngữ kia. Thế nên, không có tài liệu nào đáng truy nguyên hơn là hai tác phẩm do chính ngài viết: Linh thao (Lt) và Hiến chương Dòng Chúa Giêsu (HC).

 … đến nhân sinh quan của Thánh Inhã

Khi nhìn về con người, Thánh Inhã thường đặt nó trong những mối tương quan. Mà mối tương quan đầu tiên nhất là với Đấng Siêu Việt. Trong đó, con người như mang lấy một vận mệnh lớn lao: sống với Thiên Chúa trong một tình thân sâu xa. Ngài đã diễn tả điều này thật hay ngay trong những số đầu của tập Linh thao như sau:

“… Điều thích hợp và tốt đẹp hơn là chúng ta lo tìm kiếm Thánh ý Thiên Chúa, tức là để cho chính Đấng Tạo Hoá tự thông truyền chính mình cho linh hồn sốt mến, ấp ủ nó trong tình yêu mến và sự ngợi khen Ngài, và đặt nó vào con đường mà ở đó nó có thể phụng sự Ngài cách tốt đẹp hơn sau này” (Lt 15).

Vậy hoá ra, con người là đối tượng của tình yêu Thiên Chúa. Tình yêu ấy đã khắc khoải tìm kiếm con người, mời nó gặp gỡ và đối thoại, trao cho nó tự do đáp trả cách cá vị.[2] Chính vận mệnh ấy sẽ chi phối trọn cả cuộc sống con người. Nó vừa mang lại cho con người một cùng đích tối hậu đong đầy ý nghĩa, vừa đặt con người vào trong những nỗi giằng co thao thức.

Thật vậy, ngày nào con người tự nguyện chấp nhận bước vào và tận lực sống với tình yêu ấy, ngày đó sự kết hiệp được nên trọn. Trong kết hiệp đã “có sự gặp gỡ, sự hiệp thông giữa hai tự do để làm nên một công trình chung”[3] rồi. Lúc ấy, quyết định của họ trùng với ý muốn và dự định của Thiên Chúa và nhờ đó mà cuộc sống họ có thêm sự mạch lạc, thống nhất và ý nghĩa.[4] Hay nói cách khác, qua tương quan với Thiên Chúa, con người thấy được tính Siêu việt hay bản năng thiêng liêng nơi mình.

Nhưng rồi, được phú ban siêu việt tính không đồng nghĩa với việc con người đã ở trong tình trạng kết hiệp như đã nói. Họ chợt nhận ra nơi mình những ước muốn trái chiều đang chuyển động mạnh mẽ khiến họ phải khắc khoải làm sao để hội nhất được (Lt 313). Mang phận người, họ đói những nhu cầu căn bản để tồn tại: thực phẩm, chỗ định cư, nước uống. Để sống, họ khát tình yêu, sự thật, phẩm giá, và hy vọng.[5]Nhiều lần, vì bị những mê lực của tạo vật, của vòng danh - lợi - thú (Lt 142) níu giữ, họ cứ mải loay hoay với chính mình trong vòng quyến luyến lệch lạc (Lt 21). Rồi lắm lúc, khát khao hướng đến tha nhân và làm hoà với Thiên Chúa lại thôi thúc họ. Ngược lại với kết hiệp là đổ vỡ. Ngược lại với trọn vẹn là phân mảnh. Đổ vỡ hay phân mảnh chỉ là những diễn tả khác nhau cho một mối tình kết hiệp còn dang dở.

Những thức tỉnh nội tâm kia kéo con người vào mối tương quan với chính mình. Và nơi đó, cuộc hành trình sắp xếp lại cuộc đời (Lt 21) đã diễn ra. Muốn quy hướng về Đấng Tạo Hoá như là trung tâm và cùng đích cuộc đời, mỗi người cần những ý thức và hiểu biết bên trong và cả những nỗ lực, cố gắng bên ngoài. Hầu “cảm nghiệm và thưởng nếm những việc bề trong” (Lt 2), con người cần tập trung vào ba tài năng của linh hồn: trí nhớ để ý thức (Lt 25), trí hiểu để suy xét, và lòng muốn để yêu mến (Lt 3). Để trợ giúp cho hoạt động của linh hồn, họ cũng cần “đặc biệt chăm lo canh chừng các cửa ngõ giác quan cho khỏi mọi hỗn loạn, nhất là mắt, tai và miệng lưỡi” (HC 250, 726). Vì “chiến thắng chính mình là bắt tình cảm vâng theo lý trí và mọi phần hạ phục tùng phần thượng” (Lt 87).

Không chỉ chú trọng đến trật tự siêu nhiên, con người còn nên lưu tâm đến trật tự tự nhiên nữa. Trật tự ấy được Thánh Inhã phác hoạ nơi chân dung của vị Bề Trên Cả. Đầu tiên là về những năng khiếu tự nhiên như: ý chí và nghị lực để can đảm khởi sự những việc lớn và kiên tâm đưa công việc đến kết thúc (HC 728); trí thông minh và óc phán đoán (HC 729), lòng nhân nghĩa và yêu mến (HC 735). Thêm nữa là những gì liên quan đến bên ngoài như: tuổi tác, sức khoẻ, dáng vẻ (HC 731); uy tín, tiếng tốt (HC 733); khiếu ăn nói (HC 726).

Như vậy, một con người có trật tự theo Thánh Inhã phải bao gồm: đầu tiên là trật tự siêu nhiên với ba tài năng của linh hồn là trí nhớ, trí hiểu, lòng muốn. Trật tự này sẽ giúp con người có được những đức hạnh vững chắc bề trong. Tiếp sau là trật tự tự nhiên gồm những năng khiếu sẵn có như nghị lực, trí thông minh, học vấn, lòng nhân nghĩa, tài khéo. Và cuối cùng là những gì liên quan đến thân thể cũng như các giác quan bên ngoài. Nói thế, Thánh Inhã chỉ muốn làm nổi rõ những ưu tiên mà ta cần chú tâm xây dựng, chứ không có ý tách con người ra làm đôi theo trật tự siêu nhiên và trật tự tự nhiên. Con người luôn là một thể thống nhất của những yếu tố và chức năng khác nhau. Hay nói theo viễn cảnh đức tin, Thánh Inhã thấy trật tự nơi con người là sự hoà quyện của tự nhiên và siêu nhiên. Từ đó, ngài đã tóm kết như sau:

“… Để tôn vinh Thiên Chúa chứ không vì một lợi lộc nào khác, xem ra phải lo sao để mọi người trong Dòng đạt tới các đức hạnh vững chắc và hoàn hảo, và những điều thiêng liêng, coi đó là quý trọng hơn học vấn cũng như các năng khiếu tự nhiên và nhân loại khác. Vì chính những điều bên trong đó là những gì làm cho những điều bên ngoài hiệu quả đối với mục đích nhắm tới” (HC 813).

Sau khi tìm lại được chính mình, con người lại trở về với thế giới xung quanh. Nơi thế giới ấy, con người nhìn thấy những cảnh chiến tranh - hoà bình, những kẻ khóc - người cười, kẻ mạnh - người yếu (Lt 106); nghe thấy người ta chửi rủa, lăng mạ nhau (Lt 107); và cảm nhận thấy cảnh người người đánh đập, chém giết nhau (Lt 108). Thế giới vẫn thế, vẫn chứa đầy những thực tế đau khổ, nghèo nàn, tội lỗi và bất công mang tính hệ thống.[6] Đó chính là môi trường mà con người sống với, vì họ là một phần của xã hội mà. Nếu vậy, con người dường như đang được đặt vào ngay tâm của một mối giằng co căng thẳng giữa một bên là mối tương quan thân tình với Thiên Chúa, và bên kia là những thực tại đau thương của thế gian này.[7] Hay diễn tả khác đi, con người đang được mời gọi cùng thao thức với Thiên Chúa Ba Ngôi khi nhìn ngắm thế giới.

Một lần nữa, ngay khi bước đi giữa những lằn ranh chênh vênh ấy, cái tôi đã được sắp xếp trong mối tương quan với Đấng Siêu Việt kia có cơ hội được thành hình và tỏ lộ rõ nét hơn nhờ những chọn lựa cá vị của nó. Đối diện với một xã hội nhiều đen hơn trắng mà tôi cũng là một phần tử, với những thói xấu cứ lặp đi lặp lại của anh chị em và của chính tôi, với những cay độc mỉa mai mà người thân cận có thể gây cho tôi (vì mình đã thay đổi sau cuộc “giác ngộ”), hay do tôi gây nên cho họ, lúc đó trật tự của “cái tôi giác ngộ” liệu có còn đứng vững? Có còn dám mở lòng tha thứ, kiên nhẫn trong bao dung, và yêu thương họ chân tình chăng? Hay qua những biến cố thăng trầm cái tôi ấy lại co mình trong sự sợ hãi mất trật tự như xưa? Không lẽ những thử thách bên ngoài lại lớn hơn những xác quyết nội tâm sao? Cách đón nhận hay phản ứng của “con người mới” lúc ấy sẽ cho thấy mức độ trưởng thành nơi ta. Xét cho cùng, những môi trường khác nhau là nơi để luyện rèn, mài giũa cho ta có được “cùng một phản ứng tâm linh duy nhất dù những biến cố kia thế nào hay bất ngờ ra sao”.[8]

 

Rồi từ đó, ta như nghe được và sẵn sàng nhập cuộc vào giữa những lời khóc than của anh chị em đồng loại đang cần giúp đỡ. Một mặt, những cấu trúc xã hội vẫn cho tha nhân triển nở, thậm chí còn hơn ta, nhưng thường không mang tính toàn diện và có trật tự. Do đó, khi tiếp xúc với một nhân cách tuy hữu hạn nhưng thống nhất nơi cái tôi có trật tự của ta, họ có thêm cơ hội để ngỡ ngàng tự hỏi về một sức mạnh siêu nhiên đằng sau nhân cách ấy. Mặt khác, nơi những ai bé nhỏ và là nạn nhân của những bất công, ta là nơi an ủi, sẻ chia và trợ giúp họ bằng những cống hiến tận lực. Qua những nhu cầu khác nhau của anh chị em, ngờ đâu con người ta cũng được lớn lên thêm mãi. Người giúp ta. Ta giúp người. Những tương quan, va chạm rất thực trong chính cuộc sống cộng đồng giúp ta nên mềm mại, khiêm tốn để tiếp tục mở ra, phiêu lưu và cống hiến hơn mà không sợ hãi hoặc thoái lui.

Nói tóm lại, để định hình con người cách toàn diện, Thánh Inhã đặt nó vào trong 3 mối tương quan: hướng lên với Thiên Chúa, hướng vào với chính mình và hướng ra với tha nhân. Tương ứng với từng mối tương quan trên, những đặc nét của con người dần được tỏ lộ. Con người được ban tặng một phẩm giá thiêng liêng đầy tính Thiên Chúa. Hầu đạt tới phẩm giá ấy, con người cần thống nhất lại đời mình theo những trật tự siêu nhiên của linh hồn, trật tự tự nhiên của các năng khiếu khác và thân xác bên ngoài. Rồi sự hội nhất kia lại cần được kiểm chứng và bồi đắp thêm lên trong từng chọn lựa sống giữa đời thường trước bao áp lực và đổi thay của kiếp nhân sinh.

Trước một hành trình dài, phức tạp, và những mối giằng co vốn có trong những tương quan, quả thật con người rất cần được quan tâm và chăm sóc cách cá vị. Tuỳ theo mức độ khát khao, đón nhận và cộng tác của mỗi người mà họ cần đến những sự đào luyện, hướng dẫn và đồng hành khác nhau. Mục đích không gì khác hơn là để mỗi người có thể phát triển và hoàn thành đời mình cách toàn diện theo đúng cùng đích mà vì đó họ được dựng nên (Lt 23). Hay nói một cách khác, căn tính của mỗi người dần được tìm thấy, định hình và triển nở đến mức tròn đầy hơn; cuộc sống mỗi người thêm đậm đà, nhuần thấm và ý nghĩa hơn. Đó có lẽ là nguồn gốc của điều mà chúng ta gọi là “cura personalis”.

Như thế đấy, cuộc đời là một chuyến phiêu lưu đầy ý nghĩa. Ý nghĩa không giảm nhẹ đi tính phiêu lưu. Nhưng ý nghĩa mang lại cho con người sức mạnh và mục đích để bước tiếp cho đến kỳ cùng vận mệnh đời mình. Triết lý sống sâu sắc ấy - của một con người Tây phương cách đây gần 5 thế kỷ - ngờ đâu cũng tìm được những âm giai đồng điệu nơi nhân sinh quan của người Á Đông chúng ta. Điều này sẽ mở đường cho những cuộc đối thoại sâu xa hơn về con người và tôn giáo giữa hai nền văn minh Đông - Tây. Đoạn trích dưới đây của một nhà văn già Việt Nam thấm đậm triết lý Phật giáo như vừa minh chứng cho điều ấy, vừa là lời kết cho bài viết này.

“Sống ở cuộc đời chính là đang làm một cuộc hành hương. Hành hương không chỉ là tìm đến một nơi chốn, mà là qua cuộc du hành ấy ta tìm thấy được cái sức mạnh linh thiêng ngay chính trong tâm hồn mình. Rốt cuộc, đó là cuộc truy tìm cái bản lai diện mục của ta. Ý nghĩa các cuộc hành hương tốt đẹp ở chỗ nó làm biến đổi hẳn sự thức nhận tầm thường của thế gian, chuyển sự thức nhận ấy lên một tầm cao. Ở đó con người trở nên cao thượng hơn, sâu sắc hơn, khoáng đạt hơn, từ bi hơn”.[9]

-----------------------

[1] Xem thêm tại: http://en.wikipedia.org/wiki/Cura_personalis (06/10/2011).

[2] x. Michel Rondet, S.J., Lời thì thầm của Chúa hay Những nẻo đường khác nhau trong hành trình tâm linh, Lm. Đặng Xuân Thành dịch (NXB. Tôn Giáo, TP. HCM, 2009), tr. 105. 130.

[3] Sđd, tr. 167.

[4] Sđd, tr. 167.

[5] x. TH. 35, nq. 2, s. 13.

[6] x. TH. 35, nq. 2, s. 6.

[7] x. TH. 35, nq. 2, s. 8.

[8] Michel Rondet, S.J., Sđd, tr. 165.

[9] Nguyễn Xuân Khánh, Đội gạo lên chùa (tiểu thuyết), (NXB. Phụ Nữ, Hà Nội, 2011) tr. 715.

----------------------

Sách tham khảo:

1. Hiến chương Dòng Tên và Quy luật bổ sung.

2. INHÃ, Linh Thao, Lm. Lê Quang Chủng dịch, Nhà tập Thánh Tâm, 2010.

3. Nguyễn Xuân KHÁNH, Đội gạo lên chùa (tiểu thuyết), NXB. Phụ Nữ, Hà Nội, 2011.

4. Michel RONDET, S.J., Lời thì thầm của Chúa hay Những nẻo đường khác nhau trong hành trình tâm linh, Lm. Đặng Xuân Thành dịch, NXB. Tôn Giáo, TP.HCM, 2009.

5. Tổng Hội 35 Dòng Tên.

6. http://en.wikipedia.org/wiki/Cura_personalis (06/10/2011)

Nguyễn Phước Bảo Ân, S.J.

Nguồn: dongten.net

Ghi lại phản hồi, xin nhấn vào »  Nhập ý kiến của bạn:
Ý kiến - nhận xét của bạn về bài:

Nhân sinh quan của Thánh Inhã qua thuật ngữ “Cura Personalis”

Tên:
Email:
Ý kiến - nhận xét - Comments:

  (hoặc nhấn phím ESC hoặc nhấn vào khung nền)

Chưa có ý kiến   Pending (3)
TIN - BÀI KHÁC   101 tin bài trong LINH ĐẠO
  Thánh Augustinô - Những trích dẫn bất hủ | Jos. Tú Nạc, NMS
  Augustinô - Nhà thần học của mọi thời đại | Jos. Tú Nạc, NMS
  Thánh nữ Monica: Người phụ nữ của đức tin và gia đình | Jos. Tú Nạc, NMS
  Linh đạo giáo dân | Lm. Giuse Phạm Quốc Văn, OP
  Thánh Gioan Brébeuf và các bạn tử đạo trong công cuộc truyền giáo cho người Huron ở Bắc Mỹ |
  Thánh Kateri Tekakwitha - Bông huệ của dân Mohawk | + Gm. Cosma Hoàng Văn Đạt, SJ
  Thánh Giacomo Berthieu, S.J. - Nhà truyền giáo nhiệt thành | Minh Triệu, S.J.
  Danh ngôn Thánh John Mary Vianney | CGM
  Tâm sự với Cha Inhã | Lm. Antôn-Phaolô, SJ
  Kateri Tekakwitha, Chân phước thổ dân Mỹ sắp được phong thánh, truyền cảm hứng cho khách hành hương | BBT
  Charles de Foucauld - Một mẫu gương truyền giáo |
  Phong thánh cho Chân phước Pedro Calungsod | Trầm Thiên Thu
  Kateri Tekakwitha: Vị thánh thổ dân đầu tiên của Bắc Mỹ | Cao Nguyên
  Thầy Anphong Rodriguez - vị thánh khiêm nhu
  Tây Ban Nha: Phong chân phước cho Nữ tu Maria dello Sposalizio | Trầm Thiên Thu
  ĐTC phong thánh cho Nt. Bonifacia Rodriguez, Lm. Luigi Guanella và ĐGM Guido Maria Conforti | Trầm Thiên Thu
  “Con đường nhỏ” của Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu với người trẻ hôm nay | J.B. Nguyễn Quốc Tuấn
  Bí quyết nên thánh: Làm việc nhỏ với tình yêu lớn | Lm. Nguyễn Thành Long
  Bài ca dâng Mẹ | Nt. Anh Thư, OP
  Sống thánh giữa đời | Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
Tìm kiếm trong phần Tin - Bài này
 [Tìm tên bài, tên tác giả, nội dung...]
Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 11-2024
Cầu nguyện cho những người đã mất con
Chúng ta hãy cầu nguyện để tất cả những người cha mẹ phải than khóc vì cái chết của người con trai hay con gái, tìm thấy sự nâng đỡ của cộng đoàn và nhận được từ Thánh Thần an ủi sự bình an trong tâm hồn.
For those who have lost a child
The prayer intention for the month of November is for “all parents who mourn the loss of a son or daughter.”
SUY NIỆM TIN MỪNG

Phim - Nhạc - Suy niệm
Xem chuyên mục Media Online
Từ Điển Online:     

Truyền Tin

Email: tt.march25@gmail.com

Website: truyen-tin.net

Online since: May 2010

Tìm kiếm nội dung
(Gõ từ khóa vào vào khung dưới đây)
Tìm kiếm trong Google
Nhấn vào >> Google Search

Liên hệ

Đặt làm trang chủ

@