Hạnh phúc gặp trên đường đi chứ không phải ở cuối đường.

Sol Gordon
Truyen-tin.net - Sơ lược dữ kiện:

  • ♥ Tiểu sử Các Thánh: 272
  • ♥ Các Bài đọc thánh lễ: 772
  • ♥ Văn hoá, nghệ thuật: 1154
  • ♥ Tin tức, chuyên đề... 15120
  • ♥ Thư viện hình ảnh: 6916
  • ♥ Suy niệm Lới Chúa: 784
  • ♥ Video: 2269
  • ♥ Tài liệu tham khảo: 780

... cùng những sưu tập khác.
tt
Laudetur Jesus Christus - Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô NewsFeed
-
TÀI LIỆU » Nghiên Cứu
Back TRỞ LẠI (Cập nhật: 07/11/2010 12:00:00 SA)
A  A  A
75 năm Chủng viện Thừa sai Kontum (1935-2010)

LỜI NÓI ĐẦU

Kính thưa Quí Đức Cha, Quí Cha cùng toàn thể anh em Cựu Chủng sinh Kontum thân mến.

CHỦNG VIỆN THỪA SAI KONTUM đã tròn 75 tuổi (1935-2010). Nhân dịp Giáo phận Mừng 75 năm thành lập và phát triển Chủng viện Thừa Sai, tập sách nhỏ này xin ghi lại những biến cố và nói lên bao Hồng Phúc được Thiên Chúa đã thương cho Giáo phận Kontum chúng ta. Chúng tôi ghi lại trong tập tiểu sử Chủng viện dựa vào một số tư liệu bằng bản văn rất hạn chế đã lưu lại tại Giáo Phận. Để ghi lại giai đoạn từ năm 1975 đến nay, chúng tôi dựa vào những chứng từ sống của những người trong cuộc, lúc đó họ là linh mục, đại chủng sinh, hay những ứng sinh. Họ thuật lại cung cấp cho chúng tôi một số dữ kiện để biên soạn tập sách nhỏ này. Có nhiều đoạn trong tập sách viết trùng lập vì nhiều người kể hoặc viết dưới hình thức đối thoại. Lối trình bày này cũng có thể mất tính trong sáng của bản văn; nhưng nó cũng gợi cảm cho một số người trong cuộc đã trải nghiệm vui buồn đắng cay khi theo đuổi Ơn gọi Linh mục, phải đối diện với thời thế; anh em cựu chủng sinh cũng cảm thấy có phần đồng hành với các Bề Trên tái lập việc “ĐÀO TẠO CHỦNG SINH THỪA SAI KONTUM” trong giai đoạn cực kỳ khó khăn.

Tiêu đề tập sơ lược tiểu sử Chủng viện Thừa Sai Kontum:

MỪNG 75 NĂM HỒNG PHÚC

CHỦNG VIỆN THỪA SAI KONTUM

(1935-2010)

Chắc chắn tập sách còn nhiều bất cập, xin quý Đức Cha và anh em bổ túc cho trọn vẹn hơn.

Xin chân thành cảm ơn.

***

Một trăm sáu mươi hai năm (1848-2010), đó là thời gian tính từ ngày khởi xướng chương trình truyền giáo vùng dân tộc Tây Nguyên của Thánh Giám mục CUENOT THỂ và cũng là thời điểm Đức Cha muốn di chuyển toàn bộ việc đào tạo linh mục tương lai lên vùng đất này, tránh những cơn bắt bớ của Triều đình Huế đang truy kích giáo sĩ và giáo dân tại Trung Châu thuộc vùng giám quản của ngài. Ý hướng xây dựng một chủng viện dần dần được thực hiện trên vùng Truyền giáo Kontum. Đó là nội dung chúng tôi xin cố gắng trình bày khái quát trong những trang lược sử sau đây.

Chúng tôi xin trình bày CHỦNG VIỆN THỪA SAI KONTUM bằng nỗ lực phác hoạ lại hoàn cảnh, ý hướng, những cố gắng thực hiện dự án, các sinh hoạt, và những bước thăng trầm của công trình trọng yếu này, suốt bao năm tháng đã qua với tâm tình của những người con được đào tạo trong ngôi nhà Chủng viện đầy thân thương này. Ngày nay chủng viện vẫn hiên ngang còn đó như lời mời gọi, như một chứng tích của bao nhiêu công sức, bao nhiêu tình yêu của các  thừa sai, của các Bề Trên... hãy còn vang vọng nơi những con người đã đón nhận công ơn của các ngài và cũng là một lời thúc giục cho hậu thế chu toàn trách nhiệm đối với tiền đồ của địa phận cần có nhiều linh mục nhiệt thành.

Chủng viện Thừa Sai toạ lạc trên một ngọn đồi cao, đối diện với Trường Cuenot, nơi đào tạo các giảng viên giáo lý - giáo phu - người dân tộc cho người dân tộc được thành lập cuối năm 1906, và khánh thành ngày 07/01/1908. Hai trường cách nhau 600 mét. Đây là một toà nhà dài 100 mét, cao 2 tầng, không kể tầng trệt, làm bằng danh mộc với một thiết kế có tính cách miền núi độc đáo, như một kỳ công thế kỷ trên vùng Tây Nguyên này. Chính giữa hai cánh chủng viện là nhà nguyện uy nghiêm, làm nền cho cây Thánh Giá vươn cao như rộng đôi tay ôm chặt cả vùng Truyền giáo, chứng kiến thời gian thay đổi như nước sông DAK-BLA chảy ngược về phía tây, hoà nhập vào sông Mêkông, xuôi dòng qua Campuchia và đổ vào miền Đồng Bằng Sông Cửu Long Việt Nam phì nhiêu. Bên trong nhà nguyện là vòm cao, trang nhã như đưa con người vào cảnh tịch mịch, cõi vô biên, để gặp gỡ Đấng Vô Hình. Ánh sáng chiếu vào Cung Thánh làm nổi rõ Tượng THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU, trên có hàng chữ:

EUNTES ERGO DOCETE OMNES GENTES”

"Vậy các con  hãy ra đi giảng dạy muôn dân" (Mt 28,19)

Chính lệnh truyền này của Thầy Chí Thánh GIÊSU mà biết bao hy sinh, nước mắt, mồ hôi của các vị Thánh Tử Đạo, của các linh mục thừa sai ngoại quốc cũng như bản xứ đã đổ ra, cùng bao đóng góp của anh em tu sĩ nam nữ, giáo phu và giáo dân cho vùng Tây Nguyên. Ngôi nhà Chủng viện Thừa sai là nơi ươm trồng những linh mục tương lai cho cánh đồng truyền giáo Tây Nguyên để tiếp nối những con người đi trước đã nằm xuống và cũng là chứng từ của lòng mơ ước thực hiện trọn vẹn lệnh truyền ra đi rao giảng TIN MỪNG cho anh em dân tộc của Thầy Chí Thánh.

Nhân dịp Giáo phận Mừng 75 năm hình thành và phát triển Chủng viện Thừa sai Kontum, chúng tôi xin trình bày khái quát một số vấn đề sau đây:

I.  ĐƯỜNG HƯỚNG CỦA ĐỨC CHA STÊPHANÔ CUENOT THỂ

Giám mục Đại diện Tông toà Địa phận Đông Đàng Trong

II.  XÂY DỰNG CHỦNG VIỆN THỪA SAI  KONTUM -

 LÝ DO VÀ TIẾN TRÌNH

III.  CHỦNG VIỆN THỪA SAI KONTUM

NHỮNG THĂNG TRẦM THEO TỪNG GIAI ĐOẠN

A.  GIAI ĐOẠN 1935 - 1955

B.  GIAI ĐOẠN 1955 - 1975

C.  GIAI ĐOẠN 1975 - 1995

D.  GIAI ĐOẠN 1995 - 2010

IV.  THỐNG KÊ - PHỤ CHƯƠNG            

***

ĐƯỜNG HƯỚNG CỦA ĐỨC CHA STÊPHANÔ CUENOT THỂ

1. Quan tâm đào tạo linh mục bản xứ

Ngay từ đầu của Giáo Hội tại Việt Nam, các vị thừa sai đã đặc biệt quan tâm đào tạo linh mục bản xứ. Suốt dòng lịch sử, sở dĩ Giáo Hội tại Việt Nam dù trải qua các cơn bắt hại khủng khiếp mà vẫn giữ vững lòng tin, thậm chí phát triển mãnh mẽ, là nhờ có hàng linh mục tu sĩ người bản xứ. Một vài dẫn chứng sau đây nói lên điều đó:

“Năm 1800 tình hình Địa phận Tây Đàng Ngoài được diễn tả bằng những con số về nhân sự như sau: Đức cha Longer GIA, Đức cha Phó La Mothe, 5 thừa sai Pháp, 2 giáo sĩ Dòng Tên, 65 linh mục Việt, vài trăm thầy giảng và nhiều nữ tu Mến Thánh Giá, và khoảng 120.000 giáo dân”.[1]

Thật là may mắn cho địa phận, trong khi các thừa sai Pháp không thêm nữa, thì địa phận có một hàng giáo sĩ bản quốc với con số đáng kể: 65 linh mục. Đó là phần thưởng cho các Giám mục địa phận đã có con mắt tinh đời và hành động theo truyền thống của Hội thừa sai. [2]

Đứng trước tình trạng số linh mục thừa sai cũng như linh mục bản xứ không được bao nhiêu tại Địa phận Đàng Trong do những cuộc bắt đạo gay gắt dưới Triều đình Huế, đặc biệt Tự Đức, và trước nhu cầu cấp thiết cần có hàng linh mục bản xứ, vị Đại diện Tông toà, Đức cha CUENOT THỂ, dù phải trốn lánh nơi hầm trú, ngài đào tạo hàng linh mục bản xứ bằng mọi giá.

Thời gian Giám mục của ngài kéo dài từ 1835 đến 1861 thật phong phú. Trong thời gian này, vị Giám mục tăng cường hàng giáo sĩ bản xứ, vì ngài đã phong chức được 65 linh mục”.[3]

2. Nâng cao phẩm chất tu đức, khoa học thánh cho các linh mục trong địa phận

Đức cha Cuenot Thể hết sức quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và đời sống tâm linh cho các linh mục.

“Để thúc đẩy hàng linh mục của ngài mến yêu đời sống tu đức và khoa học thánh, mỗi năm vị Giám mục hăng say đưa ra cho mỗi cộng sự viên của ngài một chương trình gồm các câu hỏi thần học và mục vụ mà họ phải trao lại cho ngài bài giải đáp bằng văn bản trong dịp tĩnh tâm hằng năm. Chính ngài xem xét mọi công việc, ghi chú cẩn thận và tạo nên trong suốt thời kỳ Đại diện Tông toà của ngài một sự duy nhất trong thức hành và luật sống”.[4]

3. Khao khát thiết lập chủng viện

Thời kỳ Đại diện Tông toà của Đức cha CUENOT là thời kỳ bị bách hại, ngài lo lắng cho đoàn chiên Chúa giao, đặc biệt bảo tồn và đào tạo thêm linh mục địa phận. Vì the, ngài hướng về miền rừng núi Tây Nguyên trong ý nguyện thiết lập một chủng viện cho các bộ tộc vùng Tây Nguyên và Lào, nói chung cho vùng Đông Dương nữa.

“Đã quan tâm một cách tích cực trong Giáo phận Đàng Trong, Đức cha CUENOT nghĩ đến việc rao giảng Tin Mừng cho các bộ tộc cư ngụ trên miền rừng núi phía tây của địa phận ngài. Không kể những lợi tích đức tin Kitô giáo đem lại cho các dân tộc mà người ta tin đã thích hợp để được đón nhận. Ngài còn nhận thấy cần tạo cho linh mục, nhất là các linh mục thừa sai nơi trú ngụ an toàn bảo đảm trong thời kỳ bị cấm cách cực kỳ ác nghiệt; ngài hy vọng có thể thiết lập ở đó chủng viện và các nhà cô nhi của ngài để tránh cuộc lùng bắt của các quan lại”.[5]

Ý định của Đức Cha được thực hiện qua những lần mạo hiểm xuyên qua rừng núi, đầy thú dữ, tránh tất cả con buôn người kinh làm chỉ điểm để bắt đoàn thám hiểm đang tìm vùng an toàn cho đoàn chiên Chúa và tìm một địa điểm dễ bề đào tạo linh mục tương lại. Cha Dourisboure ghi trong tập hồi ký của cha về việc phân bổ công tác do Đức cha CUENOT cho toán truyền giáo như sau:

Cuối cùng, Đức Cha cũng chưa quên ý định thiết lập tiểu chủng viện ở đó (vùng Tây Nguyên) và cũng vì vậy mà ông bạn già của chúng tôi (Cha Desgouts) vẫn giữ nhiệm vụ linh hướng cho cơ sở RƠHAI, trong khi chờ đợi sự phát triển tương lai của cơ sở này  thành  một chủng viện, rồi ngài sẽ hành xử tất cả phận vụ Bề trên”.[6]

Nhưng công việc học hành, sinh hoạt của chủng viện mơ ước này như thế nào?

“Phần Cha Desgouts, từ lúc thầy Sáu DO trở về Trung Châu dọn mình chịu chức linh mục (1852), thì ngài ở một mình trong ngôi nhà RƠHAI với số đông thanh niên trong cộng đoàn. Ngài cũng bỏ chúng tôi mà ra đi sau Cha Fontaine ít lâu. Đức Cha biết rằng học sinh của Cha Desgouts phúc hậu chăm chú nhiều thời giờ để chăm sóc bệnh ghẻ, sốt rét và nhiều bệnh hoạn khác hơn là để học tiếng Latinh; mặt khác, những tin tức liên quan đến công cuộc truyền giáo của các linh mục bản xứ ở BƠNONG cho chúng ta tin tưởng rằng sẽ thiết lập được nay mai một giáo xứ phồn thịnh tại đó, một chủng viện sẽ có nhiều cơ may thành tựu hơn. Do đó, đã có chỉ thị cho Cha Desgouts đi đến xứ BƠNONG và đem hết học sinh của ngài theo...”.[7]

Việc truyền giáo tại vùng BƠNONG (có lúc viết MNONG) cũng thất bại và Cha Hoà cùng các học sinh, người nhà và một số người BƠNONG thật tình theo đạo đã ra đi bỏ vùng này về vùng Bahnar năm 1856.[8] Cha Hoà làm phó cho Cha DO và phụ trách tại nông trường KONTUM. Thế là:

“Dự định kép này không thực hiện được. Dù những năm tháng gặp bao nhiêu cùng khổ, việc truyền giáo vùng dân tộc được thiết lập, nhưng khí hậu của miền này gây những bệnh tật và tình trạng đường giao thông quá xấu luôn luôn cản trở việc thiết lập các công trình mà cuộc bắt đạo đã hủy hoại trong Địa phận Đàng Trong”. [9]

II. XÂY DỰNG CHỦNG VIỆN - NHỮNG LÝ DO VÀ TIẾN TRÌNH

Thời gian trôi qua, với nhiều thay đổi trong cục diện chính trị trên thế giới cũng như tại Việt . Hiện tình Địa phận Đông Đàng Trong (Qui nhơn) biến chuyển và phát triển mọi mặt, đặc biệt sau 30 năm truyền giáo, một thành quả tốt đẹp được thu hoạch do bao công sức của các linh mục thừa sai cũng như bản xứ, và sự đóng góp của mọi thành phần dân Chúa, đó là thành lập địa phận mới: ĐỊA PHẬN KONTUM với Sắc chỉ của Toà Thánh ký ngày 11-1-1932 và Cha JANNIN được bổ nhiệm làm Giám mục GADARA vào ngày 23-1-1933 và thụ phong Giám mục vào Lễ THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU, ngày 23-6-1933.[10]

1. Lý do thực hiện công trình xây dựng chủng viện thừa sai

Mọi sự đều do Chúa an bài xếp đặt và Người có thời điểm riêng cho công việc truyền giáo. Sau biết bao thăng trầm, nhiều khi tưởng chừng lửa hoả ngục sắp thiêu huỷ Giáo Hội tại Việt nói chung và Tây Nguyên nói riêng. Vậy mà việc truyền giáo tại đây tuy không có những bước vĩ đại, nhưng nhờ ơn Chúa vẫn được phát triển và hướng về tương lai đầy lạc quan tin tưởng.

a. Tình hình Địa Phận

Qua thống kê, tình hình địa phận mới (năm 1933) từ nhân sự đến cơ sở, nhất là niềm tin, phần nào được bám rễ trong lòng người tín hữu Kinh cũng như dân tộc.[11]

Mối quan tâm bậc nhất của một địa phận còn non trẻ là cấp bách thiết lập cơ sở đào tạo linh mục tương lai vì vùng truyền giáo này có những nhu cầu đặc biệt khác với những vùng truyền giáo khác, kể cả địa phận MẸ-QUINHƠN.

“Từ ngày khai sinh vào năm 1933, vùng truyền giáo KONTUM chỉ có trường CUENOT để đào tạo các thầy giảng người dân tộc. Sự thành lập này, trong 25 năm qua đã thực hiện tốt mục đích cao cả của mình, vì nó không ngừng cung cấp các thầy giảng cho tất cả mọi làng Công giáo chúng tôi, đã làm nhẹ bớt công việc đang đè bẹp các vị thừa sai trong rừng sâu. Dầu vậy, các giáo lý viên đông bao nhiêu đi nữa cũng không đủ để thiết lập một vùng truyền giáo; cần phải có linh mục, phải có chủng viện; để có chủng viện, phải có chủng  sinh. Nói cách khác, trước nhất phải chắc chắn tìm ra ơn gọi làm linh mục. Đúng là điều chúng tôi sợ thiếu trong vùng mới như vùng chúng tôi. Cũng vậy, để hoàn thành chủng viện theo dự án, với hy vọng có những linh mục tốt sau này, chúng tôi phải tìm một phương thế khác. Chúng tôi muốn thiết lập một Hội các linh mục thừa sai Việt Nam để chiêu mộ ơn gọi từ các địa phận Việt Nam miền duyên hải, nhiều dân cư và người Công giáo. Xin Thiên Chúa chúc lành (...)”.[12]

b. Sự cần thiết của trường thừa sai

Số giáo dân gia tăng, các linh mục thừa sai thiếu hụt, già nua, bệnh tật. Đó là lý do phải cấp bách xây dựng chủng viện với hy sinh phấn đấu, kiên quyết. Chúng tôi xin tạm dịch lại bản tường trình của địa phận KONTUM cho Hội Thừa sai năm 1934 như sau:

KONTUM

Giáo dân: 20.934.

Rửa tội cho người lớn: 933.

Rửa tội cho các em bên lương: 100.

“Miền truyền giáo non trẻ KONTUM, được thiết lập vừa đúng 2 năm với 14 linh mục thừa sai cũng ngần ấy linh mục bản xứ. Vào tháng 2, Cha GUICHARD qua đời; tháng 4 cha IROS và tháng 7, Cha BONNAL. Trong số những vị còn lại, Cha IRIGOYEN đã 78 tuổi rồi; Cha PRIOU bị tai nạn chiến tranh tàn phế hoàn toàn và 7 vị khác đã mừng LỄ BẠC linh mục. Mặt khác, các bệnh truyền nhiễm đã làm cho 1.320 người chết (gần 7% tổng số giáo dân), trong khi số tử những năm vừa qua trung bình là 4% mà thôi. Đây là một điều ít an ủi nâng đỡ đối với địa phận mới! Nhưng, Đức cha JANNIN đáng kính nói đó có phải là một sự thử thách mà lòng Chúa an bài đã bỏ rơi chúng ta không!? Không phải vậy. Điều mà Chúa lấy khỏi chúng ta ở tay này, Ngài lại ban cho chúng ta ở tay khác và sẽ thúc giục nhiều hơn ban cố vấn tại thay thế những vị đã rời xa chúng ta”.

“Trong tháng 10 vừa  qua, Cha MARTY đầy sức khoẻ, linh hoạt đã đến với chúng ta. Chỉ có 8 tháng mà Cha đã rành tiếng Việt khó nói này và với một tinh thần hăng say, Cha học tiếng Bahnar. Vào mùa thu năm 1934, chắc chắn chúng ta đón tiếp người anh em thứ hai. Ai có Chúa thì chẳng sợ gì!...”.

“Nếu trên hết toàn vùng thừa sai này, người ta đang và còn ở trong thời kỳ gieo vãi vất vả, dẫu vậy, nhờ ơn Chúa, ở một vài nơi cũng đã gặt hái được những thành quả. Thần khí Chúa thổi đi đâu thì thổi (Spiritus ubi vult, spirat). Chúng tôi được an ủi thấy Gió Ơn Thánh Chúa đã thổi rộng khắp trên vùng truyền giáo chúng tôi, nơi mà hầu hết các buôn làng ngoại giáo ao ước tòng giáo. Vả lại, không một làng nào trong các làng đó thương thảo đặt một điều kiện gì cả trước khi trở lại đạo. Không nghi ngờ gì nữa, đó chính là Thần Khí Ơn Chúa đã thổi qua. Than ôi! Chính sự an ủi này cũng là điều làm cho chúng tôi lo ngại. Chúng tôi luôn bị bó buộc phải để Thần Khí trôi qua! Có biết bao giờ trở lại nữa không?! Làm sao tiến bước đi tới? Chinh phục; rất tốt; nhưng sau đó cần bảo tồn, đó mới là điều khó. Trong một xứ thượng rộng bao la, có ai muốn chiếm một vùng đất rộng để phát hoang - đối với họ điều đó tương đối dễ - nhưng làm như vậy để làm gì, nếu không tiến đến việc trồng tỉa?! Mất thời giờ và tiền của! Đối với chúng tôi, về mặt thiêng liêng cũng vậy, nếu chúng tôi tiến đến chinh phục truyền bá Phúc Âm mà không có một sự khôn ngoan nào đó. Đau lòng cho chúng tôi! Những thừa sai khi thấy mùa gặt bao la đã chín vàng và khi thấy không có đủ thợ truyền giáo để thu góp chúng vào kho lẫm của Cha gia đình”.[13]

Trong vùng truyền giáo địa phận KONTUM số dân tộc đa dạng, khác biệt với các địa phận khác và nhu cầu số buôn làng người dân tộc xin tòng giáo gia tăng nhưng lại thiếu linh mục. Cần phải có giải pháp cụ thể, hay ngồi đó cam chịu tình trạng thiếu hụt linh mục, rồi nói rằng chẳng có gì để làm không? Kêu cứu Âu Châu, Mỹ châu để xin một số linh mục chí nguyện đến tiếp tay? Vì là thời kỳ khủng hoảng ơn kêu gọi linh mục, do đó cầu cứu họ là điều vô ích!

Khi đó thiết lập một chủng viện như các hội thừa sai khác? Đương nhiên, đó là một giải pháp, nhưng mong manh biết bao, trăm ngàn thiếu thốn như các kết quả thực tế đã cho thấy. Quả thật, chúng tôi có thể hy vọng có các chủng sinh không? Chúng tôi có gần 23.000 tín hữu, dựa trên số này, chúng tôi có 18.000 tín hữu dân tộc, 5000 tín hữu Kinh, nhưng lại mới định cư trong xứ này. Các tín hữu Kinh chắc chắn cung cấp cho chúng tôi được một số tuyển sinh vào Bàn Thánh Chúa, nhưng quá ít so với nhu cầu của chúng ta. Đối với tín hữu dân tộc vẫn là ảo tưởng khi hy vọng giữa các trẻ em của họ có một số ơn gọi nghiêm túc, vì lẽ nền tảng tôn giáo chưa vững chắc”.

“Bằng mọi giá, chúng ta phải tìm cho ra một giải pháp khác”.[14]

c. Những đòi hỏi và lý do để thực hiện dự án theo phương hướng của Toà Thánh

Để nắm bắt mục đích, kế hoạch xây dựng cơ sở cũng như phân kỳ việc đào tạo chủng viện thừa sai tương lai, nhất là những văn bản pháp lý của Toà Thánh về việc thiết lập chủng viện này, chúng  tôi xin ghi lại đây toàn văn dựa vào “Petite notice sur l’École apostolique” như sau:

“Như chúng tôi vừa trình bày, tại vùng thừa sai vừa khai sinh, để nó sống được phải có linh mục. Không có linh mục, thì không có cộng đoàn tín hữu, không có hoạt động truyền giáo nào thực hiện được”.

“Vả lại, để có linh mục phải có các chủng viện; muốn có chủng viện, cần có chủng sinh. Nói cách khác, trước nhất phải chắc chắn có ơn kêu gọi làm linh mục. Và chính chúng tôi lại thiếu điều bảo đảm này!”

“Đây là điểm làm cho chúng tôi có ý tưởng về một Hội mới của các thừa sai chuyên trách để rao giảng Tin Mừng cho vùng dân tộc chúng ta. Và để thiết lập một Hội mới các thừa sai này, trước tiên chúng ta phải thiết lập mọi bộ phận một Trường Truyền giáo, ở đó các thỉnh viên thừa sai tương lai học các lớp tiểu học và trung học”.

“Việc phổ biến Trường Truyền giáo này, điều đó không có khó. Thực tế, phía Bắc, phía Đông và phía Nam của vùng truyền giáo chúng tôi, đã có 12 địa phận truyền giáo Việt Nam, trong đó ơn kêu gọi làm linh mục và tu sĩ rất nhiều. Chúng ta có thể hy vọng ở đó có biết bao nhiêu là các thỉnh viên thừa sai tương lai mà chúng ta mong muốn”.

“Các dự án của chúng tôi là thiết lập tại chỗ “một lò đào tạo truyền giáo”. Một khi mọi người biết được dự án này thì từ mọi nơi đã khích lệ chúng tôi, đặc biệt là Bề Trên Tổng Quản đầy tinh thần tông đồ đáng ghi nhớ của chúng tôi và Đức Cha DREYER KHÂM SỨ Toà Thánh tại Đông Dương cũng đã có nhã ý nói với chúng tôi biết là các dự định của chúng tôi đã làm cho các Ngài vui mừng như thế nào. Nhưng trong tất cả các khích lệ này, không có một khích lệ nào có giá trị hơn những khích lệ chứa đựng trong Tông Thư của Đức Thánh Cha gởi cho chúng tôi qua Thánh Bộ Truyền giáo và chúng tôi xin dịch toàn văn sau đây. Với một sự cổ vũ  từ phía Toà Thánh, chúng tôi cũng được một đảm bảo rằng chúng tôi đã không đi lệch đường”.14

“Rôma, ngày 17 tháng 1 năm 1934”

“Kính thưa Đức Cha khả ái!

“Đức Thánh Cha PIÔ XI chúng ta, nhờ Ơn Chúa, hiển trị Giáo Hội, sung sướng nhận được tin Đức Cha đang lo lập một Hội Thừa sai người Việt Nam theo khuôn mẫu Hội Thừa sai  Paris. Dự định này rất am hợp: vì không một ai thích hợp hơn để rao giảng Đạo cho các cư dân còn lạc hậu trong vùng Đông Dương hơn là người Việt Nam đã quen phong thổ, đã từng chịu khổ trong cuộc sống. Trong các thế kỷ qua, họ đã được thử thách lòng sốt sắng và đức tin vững vàng. Bởi đó, Đức Thánh Cha ban phép lành đặc biệt và dồi dào trên dự án của Đức Cha. Ngài khẩn nguyện xin Thiên Chúa lòng lành thương ban cho Đức Cha thiết lập Hội chóng trưởng thành sẵn sàng làm phong phú mùa gặt hái các linh hồn”.

“Ước chi người Việt Nam đã dâng lên Thiên Quốc bao đấng tử đạo hằng tỏ lòng ngoan nguỳ sốt sắng hơn hết trên các dân tộc trong vùng Đông Dương, trở nên người rao giảng Đức Tin Kitô giáo và khai hoá các bộ lạc, các cư dân lân cận. Lúc đó, đất nước Việt thật đáng được gọi là TRƯỞNG TỬ yêu dấu của Giáo Hội bên Viễn Đông. Vả lại, sứ vụ thánh hoá này khởi sự trong năm thánh và trong năm thánh này chúng ta đặc biệt kỷ niệm Chúa Cứu Thế thật là một điều rất tốt lành vậy”.

“Kính chúc Đức Cha những lời cầu chúc tốt đẹp nhất và luôn dấn thân trong Chúa”.

ký tên

FUMASOMI BIONDI                                                               CHARLES SALOTTI

HỒNG Y VIỆN TRƯỞNG                                                 TỔNG GIÁM MỤC THƯ                      

Lá thư của Đức Hồng y Viện trưởng gửi cho Đức cha JANNIN, chuyển lời cầu chúc của Đức Thánh Cha cho Đức Giám mục Địa phận Kontum cũng cho chúng ta thấy được đường lối mục vụ của Toà Thánh nhấn mạnh đến sự cần thiết đào tạo linh mục bản xứ, và còn hơn thế nữa, cần có một Hội Truyền giáo Việt Nam phụ trách truyền giáo cho các dân tộc trên vùng Tây Nguyên cũng như vùng lân cận, hầu tránh tinh thần thực dân đang trên đà thống trị thế giới và dù ý thức hay không, tinh thần quốc gia của một số vị thừa sai có thể gây nhiều đổ vỡ trong khi đem Lời Chúa cho một quốc gia khác. Quyết định của địa phận được Đức Thánh Cha PIÔ XI chúc lành, được vị Hồng y Viện trưởng nhấn mạnh đi đúng phương hướng của Đức Giáo hoàng BÊNÊĐICTÔ XV trong Thông điệp Maximum Illud, ban hành tại Rôma ngày 30/11/1919. Chúng tôi xin ghi lại đây một số đoạn Thông điệp này để dễ nhận định ý hướng và quyết tâm của Đức Giám Mục địa phận quyết định lập Chủng viện Truyền giáo trên vùng Tây Nguyên này:

Việc giáo dục và tổ chức hàng giáo sĩ người bản xứ phải là một trong những mối quan tâm hàng đầu của mỗi vị chủ chăn các địa phận. Người linh mục bản xứ gắn bó với đàn chiên mình bởi mọi thứ: dòng máu, tâm tính, quan điểm, lý tưởng, là người được trang bị thật tuyệt vời để hướng dẫn các linh hồn với sự thật. Hơn ai hết, vị ấy biết phải mở cửa lòng trí của họ như thế nào, đó là vì vị ấy có thể dễ dàng đến với nhiều linh hồn mà vị linh mục ngoại quốc không đến được”.

Sau đó, Thông điệp nói đến vấn đề giáo dục đầy đủ cho các linh mục bản xứ, giao phó trách nhiệm đúng mức và tham dự việc điều hành lãnh đạo trong Giáo hội địa phương. Thông điệp hướng về các vị thừa sai, ghi tiếp:

“Quí cha hãy nhớ rằng, quí cha đang xây dựng không phải một vương quốc của con người mà là của Chúa Kitô (...). Vị thừa sai đại diện cho lợi ích của Chúa Kitô, chứ không phải cho lợi ích của quốc gia mình (...). Thật đáng buồn khi thấy số thừa sai quên mất chức năng của mình và lo lắng đến lợi ích của quốc gia mình nhiều hơn là lợi ích của Nước Trời, đồng thời lại tỏ ra nhiệt thành quá đáng đối với việc mở mang quyền lực, sự bành trướng và vinh quang của nước mình trên mọi thứ khác”.[15]

Sau đó Thông điệp nói đến hệ luỵ việc số thừa sai vì thái độ thực dân đó sẽ gây ra sự nghi ngờ trước mắt dân chúng về tôn giáo.

Ngoài ra, chính Đức cha GUÉBRIANT, Bề trên Hội Thừa sai Hải ngoại trong bài thuyết trình tại Viện Đại học Công giáo , tháng 2-1924 cũng khẳng định như sau:

“Hơn bất cứ ai hết, Vị thừa sai Pháp, do tính chất tế nhị về chủng tộc, không thể làm kẻ tiên phong cho bất cứ một quốc tịch nào. Ông chỉ có thể làm kẻ tiên phong cho Chúa ...”.[16]

Chính tinh thần đó, Giáo hội Việt đã thực hiện khi phong chức Giám mục cho hai vị linh mục Việt đầu tiên vào thập niên 30: Đức cha NGUYỄN BÁ TÒNG (1933) và Đức cha HỒ NGỌC CẨN (1935)[17]. Và cũng chính đường hướng đó, dự án thiết lập Hội Thừa Sai KONTUM hình thành và bắt tay vào việc cách cương quyết.

2. Những công việc chuẩn bị và thực hiện dự án

Theo phương hướng của Toà Thánh vạch ra là đào tạo hàng giáo sĩ bản xứ, nhất là vùng Tây Nguyên bao gồm nhiều dân tộc khác nhau, tuy cũng có một môi trường sinh thái, những yêu cầu khách quan vừa đa dạng vừa có một  nền tảng chung, khác biệt với các địa phận vùng duyên hải khác, cho nên, chẳng những đào tạo số linh mục bản xứ như các địa phận khác mà còn huấn luyện tinh thần truyền giáo đặc thù. Do đó, dự án lập một Hội Thừa sai Việt và cần một chủng viện thừa sai tương lai cho toàn vùng dính liền với nhau. Chúng tôi xin ghi lại một số tài liệu nói đến việc thực hiện dự án xây cất như thế nào. Đâu là những khó khăn đang và sẽ gặp phải khi thực hiện công trình này.

a. Đức cha JANNIN với việc thực hiện công trình                  

BẢN THIẾT KẾ [18]

Khi thụ phong giám mục, Đức cha JANNIN đã 66 tuổi, 42 năm ở tại Vùng Truyền giáo Bahnar. Ngài là một con người xuất chúng về mặt tài năng và ý chí. Ngài để ý mọi khía cạnh, vạch một hướng hành động khó tưởng tượng nổi và vững chắc trong việc điều động công trình. Ngài là mục tử thánh thiện, là giáo sư, nhà văn (trong những sách ngài viết bằng tiếng Bahnar, có quyển viết về vũ trụ, thế giới), ngài tài giỏi nghệ thuật trang trí (Bàn thờ Tiểu Chủng viện Thừa sai Kontum được điêu khắc tuyệt hảo là tác phẩm của ngài), là kỹ sư cơ khí (độ được chiếc xe FORT thời danh và bảo đảm chạy thông suốt đến Qui Nhơn an toàn trở về), là kỹ sư điện (ngài làm nhà máy thuỷ điện cung cấp cho các cơ sở tôn giáo và phát minh cách đưa nước thuỷ lợi về thị xã Kontum), nhất là kiến trúc sư lỗi lạc, là đốc công khôn khéo cần mẫn (xây dựng Trường CUENOT và Chủng viện Thừa sai thời danh đến ngày nay)...

Với tài năng lỗi lạc như thế, nên Đức cha JANNIN đã bắt tay vào việc xây dựng ngôi nhà Chủng viện đẹp đẽ hiếm có như ta thấy hôm nay:

Trong lĩnh vực sau này, ngài lưu lại cho hậu thế một công trình tuyệt tác là: Tiểu Chủng viện Kontum, một toà nhà gác hai tầng, 100 mét bề dài, hoàn toàn bằng danh mộc. Nói chung, ngài có nhiều biệt tài trong nhiều lĩnh vực, với những phương tiện trong tầm tay nghèo nàn và ít ỏi. Cung cách của ngài tóm gọn trong cụm cụm từ: CÁI-NHÌN-ĐỘC-ĐÁO; KỲ-TÀI, KIÊN-NHẪN”.[19]

Đức Cha điều động phương tiện trong tầm tay, thô sơ, hiếm hoi để đốn gỗ, dùng voi kéo về để đầy một khu đất, thuê thợ cưa, đục, đẽo... Anh em dân tộc tham gia việc phát hoang, san bằng một đồi cao đồi diện với Trường CUENOT[20]. Một công trường nhộn nhịp với những người thợ nung gạch, nung vôi, làm ngói, đục đẽo... Chưa từng thấy trên vùng Kontum từ trước cho đến nay một số lượng công nhân và vật liệu ngổn ngang chồng chất, nhưng thi công trật tự với tình người và tinh  thần cao độ như thế.

b. Chuyển biến 

Để theo dõi diễn biến theo thời gian thi công, chúng tôi xin ghi lại đây từng năm theo bản báo cáo năm 1934.

+ Năm 1934

Chính Đức cha Jannin vừa thiết kế và thi công ngôi Trường Truyền Giáo. Người ta gọi Ngài vừa là kiến trúc sư vừa là đốc công của toà nhà là không ngoa tí nào. Trước tiên vị trí được chọn nằm trên một ngọn đồi, đối diện và cách Trường Cuenot 600m về hướng Bắc. Đó là một toà nhà dài 100m, hoàn toàn bằng gỗ cà chít, loại danh mộc có thể đương đầu với mối mọt mà người Pháp gọi là “Bois de fer” (= gỗ sắt), nhà gồm hai tầng lầu và một tầng trệt. Các cột nhà được đặt trên bệ xây xi măng cao 2 mét. Theo thiết kế, chính giữa là Nhà nguyện, hai cánh hai bên là nhà ở và các lớp học. Năm 1933, tiến hành thi công dãy nhà cánh trái (phía Đông) và nhà nguyện. Chẳng may, khi khung nhà mới được dựng lên, thì một cơn lốc mạnh đã làm sụp đổ hoàn toàn. Thế là phải làm lại từ đầu. Với sự kiên nhẫn và quyết tâm của cả thầy lẫn thợ, cuối cùng cánh trái và nhà nguyện cũng được hoàn thành, sẵn sàng để khai giảng vào năm 1935. Dãy nhà bên phải nhà nguyện tiếp tục được thi công, và công việc xây dựng dãy nhà này đã hoàn thành cách an toàn vào năm 1937.

Trong bản báo cáo của giáo phận (Compte rendu) năm 1934 tr.172, có ghi như sau:

Để bù đắp sự thiếu hụt nhân sự, chúng tôi không từ nan một hy sinh nào cả. Biết rằng tương lai của vùng truyền giáo chúng tôi lệ thuộc vào đó. Chúng tôi sẽ thực hiện dự án xây dựng mà chúng tôi đã đề cập trong bản báo cáo (Compte rendu)  năm vừa qua. Nhờ Chúa quan phòng, các công việc xây dựng cơ bản đã tiến hành như tòa nhà làm trường dự bị sắp hoàn thành. Nó bao gồm một tòa nhà trung tâm, trước là dùng vào các lớp học và phòng ngủ cho trăm học sinh; cánh bên phải để làm nhà nguyện. Tất cả đều kiến trúc theo kiểu KONTUM, nghĩa là khung cột kèo bằng gỗ, sắt, được đặt trên một bệ cao 2 mét. Để chấm dứt báo cáo về việc cuối cùng công trình, tôi xin nói là chúng tôi chờ đón những khó khăn trong khi thi công; chúng tôi đoán đúng. Khởi đầu, mọi sự đều tốt đẹp và từ tháng 3, toà nhà lớn và ngôi nhà nguyện đều dựng lên. Toà nhà bên cánh phía đông sắp dựng lên, thì một cơn lốc thổi mạnh ùa tới làm sụp đổ hoàn toàn!, thế là phải bắt đầu làm lại, điều làm cho chúng tôi hy vọng sẽ bắt đầu tiến hành vào đầu năm 1935, vì chúng tôi có kêu gọi và chúng tôi cũng nhận được lời đáp ứng ở vùng người kinh; việc điều động tòa nhà này sẽ giao lại cho cha HUTINET vừa từ bên Pháp  mới qua”. [21]

Chúng ta cũng có thể hình dung những cột gỗ to cao, các cây kèo vào mộng đủ hướng mà đổ xuống... chồng chất lên nhau, kéo trì nhau, thì còn gì nữa, hư tất cả mộng âm dương, chưa nói một số lớn cây bị gãy hư hại nặng! Phải  đục đẽo lại từ  đầu. Nhưng với lòng tin và ý chí sắt đá, con người ấy - Đức cha JANNIN - mới đứng vững trên lộ trình đã tiến bước.

Năm 1935, lớp tuyển sinh đầu tiên gồm 80 em học sinh người Kinh, hầu hết từ các nơi ở miền xuôi lên. Cha HUTINET (Nhì), mới từ Pháp sang, đặc trách giai đoạn đầu của Trường Truyền Giáo, được gọi là trường Dự Bị (Probatorium). Tám mươi em học sinh này được phân thành 2 lớp: lớp nhất và nhì sinh hoạt cánh trường Dự Bị (phần nhà phía đông), khai giảng năm học vào trung tuần tháng 02 cùng năm[22]. Năm 1937, một lớp chiêu sinh mới trên 50 em vào Trường Dự Bị. Thời gian trong 3 năm, các chú lớp nhất khoá năm 1935 theo học hết các lớp tiểu học. Sau đó, khi cánh phải (phần nhà phía tây) hoàn tất (1937), các chú mãn tiểu học vào Tiểu Chủng viện ở dãy nhà này. Các học sinh khoá 1935 này không về nghỉ hè. Theo thông lệ, chủng viện nghỉ hè sau Thánh Tâm Chúa Giêsu và nhập học ngày Lễ Đức Mẹ Lên Trời (15/08) hằng năm.

Sau đây là những điều Cha Hutinet Nhì trình cho Đức Cha về các diễn tiến trong năm:

Con xin gửi đến Đức Cha bản báo cáo đầu tiên của Trường Dự Bị, nơi mà các em thỉnh  sinh thừa sai bắt đầu học tập và giáo huấn. Từ lâu rồi, việc thành lập một Hội Thừa sai người Việt là một nguyện ước thâm sâu của chúng ta. Nhưng khi chia làm hai vùng truyền giáo: QUI NHƠN và KONTUM, vì số linh mục người Việt của địa phận MẸ-QUINHƠN không còn hy vọng có đủ, nên việc thành lập này đối với chúng ta là một điều khẩn thiết. Sau bao nhiêu khó khăn và biết bao hy sinh to lớn, tháng hai năm vừa qua, một ngôi nhà hầu như đã sẵn sàng, người ta có thể nghĩ đến nuôi đàn chim non. Lời kêu gọi dựa vào tình yêu Chúa và các linh hồn đã vang vọng đến vùng người kinh, rơi vào mảnh đất tốt. Lần kêu gọi đầu tiên, 80 em Việt từ khắp tỉnh miền xuôi đến với chúng tôi với quyết tâm tận hiến đời mình cho Chúa. Từ lúc đó, nhiều em khác từ mọi nơi xin đến với chúng tôi, nhưng tất cả những trẻ này là gánh nặng của chúng tôi; vả lại tài chính của Hội Thừa sai lại thiếu hụt, chúng tôi hoãn lại và chờ Chúa quan phòng để thu nhận vào một lần khác. Những tháng đầu thật ra ít vất vả. Cần thích nghi các trẻ em này cho quen khí hậu trên vùng dân tộc và vào khuôn phép bản tính chưa có kỷ luật của chúng. Hơn nữa, một bệnh truyền nhiễm lắp ló thăm ngôi trường Dự-bị này; một số lớn học sinh bị liệt giường, nhiều chú làm cho chúng tôi lo lắng, nhưng Chúa tốt lành chỉ để có một  em là nạn nhân, một trong những em tốt nhất của chúng tôi, chết trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Đó đã là Thánh giá nền tảng của công trình, dấu hiệu chắc chắn được Chúa chấp nhận và ban phúc lành. Từ thời gian đó, tình trạng sức khỏe khá hơn, tất cả đều thích nghi, tỏ ra vững tiến trên đường học vấn, khôn ngoan và đầy tình thương của Chúa. Các em nghỉ hè đầu tiên ở đây vui vẻ. Các em tuy có nhớ nhà, nhưng dần dần các em cũng quen sống xa xứ sở, xa cha mẹ mà các em chỉ sẽ gặp sau 3 năm học tập”.[23]

+ Tháng 8-1936

Theo “petite notice” đã trích trên, viết vào tháng 8-1936, chúng tôi xin ghi lại đây một biến cố trong năm. Cũng có điều đã được thông tri ở trên, tuy nhiên để chúng ta có một cái nhìn liên tục, chúng tôi xin ghi lại đây, thiết nghĩ cũng hữu ích để hiểu được những bất cập, môn học.

Tháng 2 năm 1935, tất cả hầu như hoàn tất. Lời kêu mời  ơn gọi được gởi xuống Việt nam, dựa trên tình yêu Chúa và các linh hồn, được rơi vào mảnh đất tốt, 80 em Việt Nam từ khắp tỉnh Việt Nam đến với chúng tôi quyết tâm theo Chúa, và vì yêu Người và sau này phục vụ Người. Từ đó có nhiều em khác từ mọi nơi xin đến với chúng tôi. Vì không đủ tài chánh, chúng tôi cần phải giới hạn và chỉ thu nhận hơn 50  tuyển sinh thiện nguyện mà thôi”.

Vả lại, chúng tôi phải nghĩ đến còn cần xây dựng nữa, vậy là còn phải tốn phí rất nhiều. Theo sự gợi ý của Rôma, trường Truyền giáo của chúng tôi phải mở khóa đầu tiên, khóa dự bị, ở đó các học sinh sẽ theo các lớp tiểu học, học các tiếng dân tộc, Việt ngữ và Pháp ngữ trong 3,  hoặc 4 năm. Sau đó, các em sẽ vào khóa khác, khóa trung cấp, học La ngữ và các môn khoa học tự nhiên, 4 hoặc 5 năm. Sau đó, các em sẽ vào Chủng viện Truyền giáo cho người dân tộc học triết học và thần học”.

“Toà nhà được trình bày trong ảnh là toà nhà dùng cho các lớp Trường Dự Bị. Bên trái nhà nguyện, cần xây dựng lên một tòa nhà giống như vậy để làm tiểu chủng viện. Đối với Đại Chủng viện Trường Truyền giáo sẽ trình bày sau (...)”.

“Vậy chúng tôi cần khẩn trương. Chúng tôi không nên ảo tưởng. Công việc chúng tôi đã bắt đầu thực hiện, thật nặng nề, gặp trăm ngàn khó khăn và hụt  hơi. Cần nhiều năm, trước khi thấy các linh mục thừa sai đầu tiên Việt Namdấn thân vào công cuộc chinh phục tinh thần cho các xứ dân tộc”.

“Nhưng lời “Euntes ergo docete omnes gentes”(vậy các con hãy ra đi dạy dỗ muôn dân) đang vang vọng nơi tai chúng tôi, phải làm sao cho các bộ tộc được Đức Thánh Cha ủy thác cho chúng tôi lo lắng nghe được Tin Mừng. Do đó, bị thúc bách bởi những cấp thiết, không còn phương thế nào khác sử dụng hầu có đủ nhân sự rao giảng Tin Mừng, chúng tôi không lưỡng lự mà đặt trọn trái tim để bắt tay vào công trình, hoàn toàn đặt niềm tin vào sự an bài của Thiên Chúa và dưới sự bảo trợ của Mẹ Maria Nữ Vương các thánh Tông đồ”.

“Xác tín rằng không nhờ hồng ân tuôn đổ tràn đầy của Thiên Chúa, thì chúng tôi không thể nào làm gì được cả; cũng vậy chúng tôi khẩn khoản xin tất cả những vị nào đọc các dòng trên đây giúp đỡ chúng tôi thu được hồng ân dồi dào cần thiết này bằng cách lời cầu nguyện sốt sắng của mình”.

+ Năm 1937: Công việc tiến  hành tốt đẹp đầy an ủi.

Đức cha JANNIN báo cáo về Hội Thừa sai và được ghi trong Compte rendu  của Hội M.E.P năm 1937, tr. 167-168, như sau:

“Công việc chính yếu trong vùng Truyền giáo (Đức cha JANNIN viết trong báo cáo hằng năm của ngài) đó là các chủng viện. Vả lại, từ 4 năm nay, khi chúng tôi được Toà Thánh bổ nhiệm làm Đại diện Tông toà Giám quản KONTUM, chúng tôi không có một chủng viện nào cả. Các đọc giả của bản báo cáo hằng năm cũng đã biết rõ các dự án thiết lập một Chủng viện Thừa sai Việt ; nhắc lại vấn đề này thiết nghĩ không cần thiết. Việc thiết lập trên đà tiến tốt đẹp. Trường Truyền giáo chuẩn bị cho điều đó được thực hiện từ hai năm nay. Nó mang lại cho chúng tôi những an ủi to lớn và những hy vọng nghiêm túc vào tương lai. Sau đây là lời của cha HUTINET, Bề trên cơ sở này viết cho tôi:

“Cảm ơn Thiên Chúa về mọi ơn lành mà Người đã đoái thương ban cho các con cái để chúng thăng tiến trong sự khôn ngoan, trong tinh thần tốt và nhất là đời sống đạo đức. Nhìn chung, tiến triển đáng khích lệ. Việc học hành trong năm nay đã mang lại những thành quả thỏa đáng: 20 học sinh dự thi tiểu học đều đạt kết quả tốt. Bây giờ, chúng tôi còn phải nghĩ đến việc dạy latinh, chúng tôi sẽ bắt đầu lớp 6è với 25 em học sinh”.

“Tiếp sau việc xây cất Trường Truyền giáo, cần phải xây dựng một tiểu chủng viện. Cơ sở mới này kế tiếp; tất cả được chuẩn bị và sẽ hoàn tất vào năm 1938”.

Còn tiếp...



[1] L.E. Louvet , “Les Missions Catholiques au XIX è siècle, Paris 1894, tr. 207.

     Xem thêm “Le clergé Tonkinois et ses prêtres Martyrs, Paris 1925, tr. 3.

[2]   “Giáo hội Công giáo ở Việt Nam”, tập  2, tr. 294.

[3]   x. Annales  de  la Société des Missions Etrangères năm 1907, tr. 6.

[4]   x. Annales, id. 1907, tr. 7.

[5]   Dourisboure, “Les sauvagres Bahnars, 1929, tr. 94.

[6]   Dourisboure, “Les sauvages Bahnars, 1929, tr. 29.

[7]   Dourisboure, id, tr. 130.

[8]   Hlabar Tơbang năm 1916,  tr. 65-66; Id., năm 1917, tr. 45-48.

[9]   Annales, id, năm 1907, tr. 7.

[10] “Les Missions Catholiques en Indochine, 1939. tr. 215tt.           

[11]  “Lễ phong chức Giám mục của Đức Cha Jannin, ngày 23-6-1933”, Lưu trữ  tại TGM. Kontum

[12]  Compte rendu năm 1935, tr. 169-170.

[13]  Compte rendu năm 1934, tr. 171-172.

[14] Xem Petite notice sur l’École apostolique de KONTUM pour l’Évangélisation des pays Moys“, lưu trữ  tại TGM. Kontum.

[15] Patric J.N Tuck, “Thừa sai Công giáo Pháp và các chính sách của đế quốc tại Việt Nam 1857-1914, TP. Hồ Chí Minh, 1989, tr. 717-719.

[16]  Patric J.N., , tr. 719.

[17]  Phan Phát Huồn, “Việt Nam Giáo sử”, quyển II, Sài Gòn 1962, tr. 198; x. Bulletin, tháng 6-1935, tr. 442-443.

[18]   Lưu trữ tại Văn Khố MEP.

[19]   Christian Simonet, “La mission du Far-West Vietnam, tr. 6.

[20]   x. Petite notice sur l’École apostolique de Kontum, id.

[21]   Compte rendu năm 1934, tr. 172. Xem thêm Annales năm 1935, tr. 369 và các trang 672-673.

[22]  Cha Gioakim Nguyễn Thúc Nên cho biết: ngài lên trường Dự Bị (Probatorium) vào  đầu năm 1935 và cùng các bạn khác quét nhà cửa và dọn cây cối phía sân trước. Vào ngày 1 tháng 2 cùng năm các học sinh bắt đầu đến nhập học, hôm đó nhằm Tết Âm lịch. Khai giảng vào trung tuần tháng 02 cùng năm.

[23] Compte rendu năm 1935, tr. 170-171.

    Xem thêm Bulletin năm 1935, tr. 816 (có ảnh trường Probatorium); id. tr. 672.

Lm. Gioakim Nguyễn Hoàng Sơn
Ghi lại phản hồi, xin nhấn vào »  Nhập ý kiến của bạn:
Ý kiến - nhận xét của bạn về bài:

75 năm Chủng viện Thừa sai Kontum (1935-2010)

Tên:
Email:
Ý kiến - nhận xét - Comments:

  (hoặc nhấn phím ESC hoặc nhấn vào khung nền)

Chưa có ý kiến   Pending (3)
TIN - BÀI KHÁC   74 tin bài trong TÀI LIỆU » Nghiên Cứu
  Điều gì đã xảy ra với Thánh Philipphê sau Lễ Hiện Xuống? | Cao Nguyên
  Tại sao Vatican II gọi Giáo hội là ‘Dân Thiên Chúa’ | Father Joseph Thomas
  Câu chuyện chưa biết về Quả cầu vàng của Đền thờ Thánh Phêrô | Mi Trầm
  Bảy sự Thương khó của Đức Maria | Cao Nguyên
  Mộ Thánh Phêrô: Khi khoa học khẳng định Truyền thống | Thérèse Puppinck
  Các giám mục nói rằng thuỷ phân (an táng bằng nước) không khả thi đối với người Công giáo | J-P Mauro
  Tại sao Thánh Bonaventura được mệnh danh là “Bác sĩ thiên thần” | Philip Kosloski
  Cách Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraina lan rộng ra toàn thế giới | TT
  Nhà thần học luân lý giải thích Giáo huấn Công bình về Chiến tranh và Cuộc chiến ở Ukraine | Cao Nguyên
  Lịch sử đầy biến động của Nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ở Mátxcơva | Cao Nguyên
  Con Hổ trong văn hoá Việt | Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
  Điều gì xảy ra tại buổi Dâng Chúa vào Đền thánh? | Jimmy Akin
  Phúc đáp của Bộ Giáo lý Đức tin đối với nghi vấn về việc chúc phúc cho kết hiệp đồng giới | VoetCatholic
  Cảm tưởng về Tết trong Nam | Vương Hồng Sển
  Tục tắm nước lá mùi đêm Tất niên: ‘Tẩy sạch’ những muộn phiền năm cũ | Tuệ Anh
  Tướng do tâm sinh: Người thiện tâm có tướng mạo hiền lành phúc hậu | An Hoà
  Thủ tục filibuster là gì và tại sao filibuster quan trọng với nước Mỹ? | Hải Đăng
  Đạo Công giáo có cho phép thuỷ táng không? | Lm. Antôn Phạm Trọng Quang, SVD
  3 cách Rửa tội khác nhau trong Giáo hội Công giáo | Mi Trầm
  Điều kỳ diệu của Orvieto: Nguồn gốc ấn tượng của Lễ Mình Máu Thánh Chúa | Kathy Schiffer
Tìm kiếm trong phần Tin - Bài này
 [Tìm tên bài, tên tác giả, nội dung...]
Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 5-2024
Cầu nguyện cho việc đào tạo các tu sĩ nam nữ và các chủng sinh
Chúng ta hãy cầu nguyện để các tu sĩ nam nữ và các chủng sinh được lớn lên trong tiến trình ơn gọi nhờ việc đào tạo nhân bản, mục vụ, thiêng liêng và cộng đoàn, làm họ trở thành những chứng nhân đáng tin cậy vào Tin Mừng.
For the formation of men and women religious and seminarians
May’s prayer intention is for the formation of men and women religious and seminarians, that they may “grow in their vocational journeys through human, pastoral, spiritual, and community formation.”
SUY NIỆM TIN MỪNG
“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu Phép Rửa sẽ được cứu đo” (Mc 16,15)
“Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20)
Nhìn lên Trời | Lm. Giuse Hoàng Kim Toan
Góp phần kiến tạo Thiên đường đời sau ngay từ hôm nay | Lm. Đan Vinh
Chứng từ và việc rao giảng | Lm. Mark Link, S.J.
Chúa Cha | Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Làm chứng cho Chúa hôm nay | Lm. Đan Vinh
Ái mộ những sự trên trời | PM. Cao Huy Hoàng
Phòng Tiệc Ly là nơi Giáo Hội khai sinh và từ đó chảy ra con suối bác ái trở thành dòng sông lớn | Linh Tiến Khải
Hãy là chứng nhân của Thầy | Jos. Vinc. Ngọc Biển
Rao giảng việc sám hối | PM. Cao Huy Hoàng
Cùng lên trời với Chúa | Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
Phim - Nhạc - Suy niệm
Xem chuyên mục Media Online
Từ Điển Online:     

Truyền Tin

Email: tt.march25@gmail.com

Website: truyen-tin.net

Online since: May 2010

Tìm kiếm nội dung
(Gõ từ khóa vào vào khung dưới đây)
Tìm kiếm trong Google
Nhấn vào >> Google Search

Liên hệ

Đặt làm trang chủ

@