Chỉ có hai điều là vô hạn: vũ trụ và sự ngu xuẩn của con người. Tôi không chắc lắm về điều đầu tiên.

Albert Einstein
Truyen-tin.net - Sơ lược dữ kiện:

  • ♥ Tiểu sử Các Thánh: 272
  • ♥ Các Bài đọc thánh lễ: 772
  • ♥ Văn hoá, nghệ thuật: 1154
  • ♥ Tin tức, chuyên đề... 15093
  • ♥ Thư viện hình ảnh: 6916
  • ♥ Suy niệm Lới Chúa: 784
  • ♥ Video: 2269
  • ♥ Tài liệu tham khảo: 780

... cùng những sưu tập khác.
tt
Laudetur Jesus Christus - Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô NewsFeed
-
TÀI LIỆU » Nghiên Cứu
Back TRỞ LẠI (Cập nhật: 08/02/2012 12:00:00 SA)
A  A  A
Trường Cuénot, đỉnh cao trong phương thức loan báo Tin Mừng vùng Tây Nguyên

TRƯỜNG CUÉNOT

ĐỈNH CAO TRONG PHƯƠNG THỨC

  LOAN BÁO TIN MỪNG TRÊN VÙNG TÂY NGUYÊN

Lời nói đầu

Thiết lập cơ sở Trường Yao Phu Cuénot và được Đức cha Grangeon Mẫn làm phép và khánh thành vào tháng giêng năm 1908 nhằm đào tạo thành phần “thầy giảng” cho người dân tộc, là “đỉnh cao trong phương thức loan báo Tin Mừng” trên vùng truyền giáo Tây Nguyên, vốn đã được định hứơng từ lâu. Tuy nhiên, phương thức “cầm tay chỉ việc” trong sứ vụ loan báo Tin Mừng, cụ thể là người dân tộc hướng dẫn giáo lý cho ngừơi dân tộc tại Tây Nguyên, là một cố gắng vượt bậc được các vị thừa sai xây dựng từng bước một qua nhiều gian nan trong năm tháng truyền giáo.

Phần I: VÀI BIẾN CỐ CỤ THỂ

1.  Nhu cầu của việc loan báo Tin Mừng trong cả vùng Truyền giáo

a. Cha Irigoyen Hương, phụ trách vùng Kon Hơring, và sau đó là Cha Bonnal Bổn cũng như một số cha đã quy tụ một số thanh niên dân tộc nhằm đào tạo họ thành các giáo phu cho các họ đạo:

“Việc trở lại đạo không phải là công trình của nhân loại; như vậy có nên thiết lập một địa sở mới không? Người ta muốn được một cái gì? Cần có Thiên Chúa giúp đỡ bằng những ơn lành toàn năng, điều đó vượt quá mắt của độc giả.

“Năm 1891, làng Kon Hơring đông dân (800) ở 30 cây số phía bắc Kon Trang, một làng Công giáo cũ lúc đó thuộc Cha Irigoyen, trở lại đạo. Về sau, chỉ có Chúa mới biết Cha Irigoyen chịu bao nhiêu khổ cực trong những năm dài để biến làng này thành làng Công giáo.

“Năm 1904, nhiều làng lân cận khác trở lại đạo. Kon Hơring thành một trung tâm của một địa sở mới. Chính cha Bonnal trẻ tuổi đã được chỉ định ở chổ đó, như người tiên khởi chính thức vào ngày 4-4-1904 (...).

“Một năm sau, 1905, vào một ngày đẹp trời, một đoàn người đại diện thượng Sơđang gặp Cha Bonnal. Cha chẳng biết tí nào về những con người này; ngài rất ngạc nhiên khi nghe nói họ đến từ làng họ - làng Dak Kơna - để xin ngài một đặc ân là được nhận vào đàn chiên Giáo Hội (...)”.

“Thứ năm ngày 21-9-1905, chúng tôi đi huỷ linh vật tại làng Dak-Kơna. Dân làng Kon Hơring muốn đi cùng với chúng tôi với vũ khí…

“Tôi đi ngựa với giáo phu của tôi và một vài người nhà của tôi. Tôi thấy phía bên kia sông Psi một nhóm 40 thanh niên có lao làm vũ khí đi theo tôi làm thành một nhóm hộ tống tôi[1].

b. Cũng trong tờ trình của Cha Bonnal, vào tháng 10-1905, Cha Bề trên Vialleton cho thiết lập Dak-Kơna như một trung tâm, cha viết như sau:

“Tôi đã tới Dak Kơna với một vài hành lý của tôi, không hơn không kém. Hai giáo phu người dân tộc thuộc địa sở Kon Hơring đã theo sự xếp đặt của Cha Irigoyen, có 2 người Annam tháp tùng cha và một vài trẻ em dân tộc. Chúng tôi ở trong một xứ hoàn toàn mới lạ, và vui sướng về sự sai phái đượm một tí vinh dự này. Vừa đến nơi, cần phải nghĩ đến làm một chỗ nương thân bằng cách nào đó dù làm tạm thời. Điều đó không lâu la, vì chẳng ai tỏ ra khó khăn cả; và đã có một nơi, không thể làm tốt hơn hay làm cách nào khác được. Tôi, giữ lại với tôi một trong những chú giáo phu này, người khác phải ở làng Đak-Rơnu”.

“Ở trong một túp lều thượng, nơi mưa, nắng, gió đều lọt vào như trong chòi của họ. Ở gần mép rừng, cây cối đe doạ mái chòi tôi. Tôi ngăn hãm được cơn sốt, mà từ lâu đã ít thường xảy ra (có lẽ là nguyên do bệnh phổi sau này của ngài - NV). Lúc đó, chúng tôi thường đi thăm những làng khác. Trong mỗi làng người ta làm cho tôi một lều. Những người Đak-Kơna mau thuộc biết các kinh bổn, làng Đak-Rơnu cũng vậy".

c.  Việc tòng giáo lan rộng khắp các buôn làng

      Khởi đầu là làng Kon Klor [1886], tới Kon Hngo Kơtu [1887]. Chỉ trong 21 năm, 94 làng trở lại:

     Trong năm 1888, Kon Kơtu đã huỷ bỏ ngẫu tượng.Trong các năm kế tiếp đến làng Kon Xơlăng, Kon Jơdri, Kon Tơleh, Kon Kơring, Kon Xơmluh, Kon Klơnh, Kon Tơneh, Kon Kơxâm. Một đà tiến tốt đẹp tiếp tục từ phía tây sang mạn đông, chỉ trong 1 năm, 1893, đến lượt Kon Pơnăng, Kon Kơmo, Kon Kơxin, Kon Bah, Kon Dop; kế tiếp năm 1894 đến lượt Kon Ongleh, Kon LongBuk, Kon Chang. Trong vài năm, vị tông đồ - Cha Guerlach - hăng say giảng dạy và rửa tội trên 1.200 tân tòng. Và Chúa biết rõ cần kiên trì như thế nào để chuẩn bị cho một người dân tộc được rửa tội! Trong những vùng gần bên phía nam Kontum cũng một phần nào như vậy: Năm 1898, Cha Guerlach đến truyền giáo Bun Uin[2]; rồi đến Plei Klub  giữa người Jrai[3]); một ít lâu, Cha Guerlach bỏ nhiệm sở Rơhai đến ở họ Giuse Pơkei tại Kon Xơnglok (24-9-1902) (x. id, năm 1904, tr. 225). Một mùa gặt tốt trong thời gian đó[4].

2. Nhưng đâu là động lực thúc bách có một hướng đi mới cho cả vùng Tây Nguyên này?

a. Trước sự kiện ngày càng đông đảo dự tòng thuộc nhiều làng và sắc tộc khác nhau xin tòng giáo, số linh mục lại ít, nhân sự phụ giúp như Thầy giảng Kinh cũng như dân tộc hiện tại, không thể đáp ứng cách hiệu nghiệm những yêu cầu của công cuộc loan báo Tin Mừng cho người dân tộc được.

b. Vai trò định hướng của Cha Bề trên Vialleton Truyền rất quan trọng cho việc thiết lập ngôi trường riêng biệt đào tạo trẻ em dân tộc thành chú giáo phu sau này. Chúng tôi xin trích lại đây chính Tường trình của Cha Jannin vào năm 1923[5], trình bày rất rõ ràng về vai trò của Cha Bề trên Vialleton như sau:

(…) Kon Rơbang, ngôi làng của chú giáo phu Bobu là làng người Rơngao đã tòng giáo năm 1896; làng “đã đọc kinh” theo ngôn ngữ của người dân tộc, vì theo ngôn ngữ của họ, “đọc kinh và tin theo tôn giáo” cũng là một. Một người đọc kinh, “bơngai khop”, cũng còn có nghĩa là một Kitô hữu.

“Bất hạnh thay, ngay từ đầu, Kon Rơbang đã không thể học đạo đến nơi đến chốn. Có lẽ vì thế nguyên nhân đưa đến việc làng bỏ đạo.

“Nhưng Thiên Chúa tốt lành đã đem một phương thuốc cứu chữa điều xấu này. Trước thời kỳ này, Cha Vialleton, Bề trên của Vùng Truyền giáo dân tộc đã thực hiện một dự án được mọi người ấp ủ từ lâu: một trường đào tạo giáo lý viên[6]. Ngôi trường được xây dựng vào năm 1906 và vào năm 1909 được đặt dưới sự bảo trợ của vị Thánh Cuénot. Thánh Tâm Chúa Giêsu rất yêu mến chúng ta vì Ngài đã san bằng mọi khó khăn và bây giờ công trình đã được vận hành tốt đẹp như thế trong một guồng máy và những bước tiến của vùng truyền giáo chúng ta, nếu trong trường hợp nó bị ngưng trệ e rằng tất cả sẽ bị khựng lại…”.

Tuy nhiên, để thực hiện chương trình đào tạo Yao Phu, trước mắt Cha Bề trên Vialleton yêu cầu mỗi họ đạo có nhà thờ hoặc nhà nguyện[7], nhưng luôn cần có trường học vừa dạy chữ, vừa dạy giáo lý cho các em. Mô hình này nằm trong tầm tay, đã thực hiện từ lâu, tuy chưa chính quy lâu bền và kỹ lưỡng, khá bị hạn chế nhiều mặt, cần bước lên tầm cao hơn. 

Phần II: TIỂU SỬ CHA BỀ TRÊN VIALLETON

1. Tầm ảnh hưởng của Cha Bề trên Vialleton trên Vùng Truyền giáo Kontum

      Cha Bề trên Vialleton truyền giáo trong giai đoạn cực kỳ khó khăn và giữ một vai trò trọng yếu chẳng những về mặt xã hội mà còn trong công tác mục vụ cả Vùng Truyền giáo Tây Nguyên. Ngoài ra, cuộc đời của ngài có tầm ảnh hưởng trong sứ vụ thời ngài đang sống mà có lẽ ngay cả hôm nay nữa. Khi viết lịch sử đạo cũng như đời giai đoạn thế kỷ XIX tại vùng Tây Nguyên, không thể không biết đến vai trò của Cha Bề trên Vialleton. Khi đọc một số bài nghiên cứu về giai đoạn này, có tác giả cho rằng người Sơđang vào năm 1909 giết chết Linh mục Vialleton. Không rõ vì thiếu sử liệu hay có một hậu ý gì đó cho cá nhân Cha Vialleton hay cho Giáo hội Công giáo?! khi ông Nguyễn Văn Huy viết:

      “Tháng 2-1907, phong trào nổi dậy của người Séđang tại Plei Beer bị dập tắt. Năm 1909, hai đồn Dak Sut và Dak To bị chiếm đóng, linh mục Jules Vialleton quản hạt Kontum bị giết (...)”[8].

2. Tiểu sử Cha Vialleton

      Để có đầy đủ tiểu sử của Cha Bề trên Vialleton, chúng tôi xin phỏng dịch tài liệu lưu trữ trong văn khố của MEP[9]:

“M.J. VIALLETON

Vị Tông đồ Thừa sai của Việt Nam

 Sinh ngày 15-03-1848.

 Lên đường ngày 19-06-1872.

 Tạ thế ngày 11-11-1909. 

      Đã từ 2 năm, sứ vụ truyền giáo cho những người thượng Bahnar trải qua một loạt thử thách và cực kỳ khó khăn mà chủ yếu do sự gian trá của con người gây nên. Lần này, chính Thiên Chúa đã làm giao động chúng ta khi gọi về với Ngài Cha J. Vialleton thân yêu và đáng kính, Bề trên Tổng Đại diện Vùng Truyền giáo người thượng, ngài qua đời thánh thiện ngày11-11-1909 tuổi 62.

      Sinh ngày 15-03-1848 tại Saint-Didier-La-Seauve (Le Puy, Haute Loire), Cha J. Vialleton đã đón nhận ngay từ tuổi ấu thơ ở nơi cha mẹ lòng đạo đức đơn sơ với một nền giáo dục Kitô giáo căn bản. Ngài đã học tự trên gối mẹ những bài giáo lý đầu tiên và học tập nơi người cha một tấm gương sống động về đức tin. Những thiên hướng tốt đẹp có từ trong gia đình đã được phát triển trong thời gian cậu ở tiểu chủng viện Verrieres, nơi đó cậu tỏ ra là một học sinh thông minh, chăm chỉ và là một người bạn tốt, vui tính. Cậu chủng sinh M. Vialleton đã giữ kỷ niệm tuyệt vời trong những ngày ở Verrieres và thường nhắc đến những thầy giáo và bạn bè cũ bằng những lời thương mến chân thành.

      Sau những năm học chương trình cổ điển vững chắc tại Verrieres, năm 1866, Jules Vialleton vào Chủng viện Alix để trau dồi ơn gọi tông đồ mà ngài đã cảm nhận. Sau khi tốt nghiệp triết học, Cha Giám đốc nhận định thầy có ý hướng truyền giáo ở các miền lương dân. Và như thế, thầy xin đăng ký vào Chủng viện Thừa sai Hải ngoại và đã được nhận vào tháng 8-1868.

      Cuộc chiến tranh Pháp - Đức đã làm gián đoạn việc học tập của các chủng sinh, họ trở về gia đình và chỉ sau hoà bình được vãn hồi, họ mới quay trở lại Paris. Cũng do sự kiện này, lễ Truyền chức và bài sai bị đình trệ và Jules Vialleton mới được thụ phong Linh mục vào năm 1872.

      Ngày 19-6 năm đó, ngài lên tàu cùng với 9 vị khác ra đi, được chỉ định truyền giáo ở Ấn Độ, Cambodge, và Trung Kỳ (Vietnam). Hành trình từ Marseille đến Sai Gòn chẳng có gì lạ thường, và nhóm thừa sai “Đông Dương” cập bến một cách may mắn tại thủ phủ Miền Đông Dương, thuộc địa Pháp. Từ đó, Cha Vialleton và Cha Perrot đươc gửi tới Đông Đàng Trong, lên một chiếc thuyền buồm bản xứ để tới Bình Định.

       Ngày 22-8-1872, những nhà viễn du của chúng ta cập bến Kim Bồng, một cảng nhỏ ở Bồng Sơn, vùng Bình Định. Họ được tiếp đón nồng hậu của một người phụ nữ Công giáo đạo đức và giàu có - chiếc thuyền buồm các cha đã đi là của bà. Ngôi nhà của người đàn bà phúc hậu này thường xuyên được các vị thừa sai và linh mục bản xứ qua lại. Họ tìm thấy nơi đây không chỉ lương thực và nơi trú ẩn, mà còn là nơi rất thích hợp để dâng thánh lễ. Cảng Kim Bồng gần Gia  Hựu, nơi đây người tín hữu sống đức tin Công giáo vững chắc, và cũng là nơi Đức cha Charbonnier đã thiết lập cơ sở cư trú của ngài.

Chính ở Gia Hựu, các vị tân thừa sai đã đến chào vị Đại diện Tông toà Đông Đàng Trong, một chứng nhân đức tin anh hùng, vừa ra khỏi các nhà tù Huế. Vị Giám mục dang rộng đôi tay đón nhận những người thợ tin mừng mới mà một trong số họ, Cha Perrot, đã chết chưa đầy 4 năm sau đó tại Phú Yên. Sau vài ngày bên cạnh Đức cha Charbonnier, Cha Vialleton được gửi tới Bến Đá để học tiếng Việt. Ngài chuyên tâm học tiếng và liền sau đó thực thi thánh vụ vùng Đồng Quả và rồi tại Kim Châu và Kỳ Bương.

      Năn 1875, các vị thừa sai đang làm việc ở vùng người thượng Bahnar xin trợ giúp để thay thế những vị bị bệnh sốt rét rừng và kiết lỵ đánh gục. Đức cha Charbonnier đã ký quyết định cho Cha Vialleton  lên nhiệm sở vinh dự này.

      Được thành lập từ 25 năm trước, cùng với những cuộc bách hại dã man ở vùng Trung Châu, vùng truyền giáo cho người thượng, 1875, vẫn còn mang tiếng là “kẻ ăn thịt người khủng khiếp” - “những người lên nơi đó cũng sẽ không giữ được những bộ xương già”. Và họ có lý do để nói như thế. Thật ra, những vị thừa sai đến với người thượng trước Cha Vialleton, họ đâu cả rồi? Những người thợ từ lúc khởi đầu cuộc truyền giáo chỉ còn một người đứng vững, Cha đáng kính Dourisboure; còn tất cả các vị khác đều đã nằm dưới nấm mộ: các Cha Combes và Fontaine, những người đầu tiên đến với người Bahnar, đã qua đời; Cha Desgouts tốt lành đã chết; và cả các Cha Arnoux,Verdier, Suchet cũng đã chết.

      Như những vị tiền nhiệm, Cha Vialleton cũng bị những cơn sốt rét rừng dữ dội và nhiều khi tưởng chừng ngài nguy tử. Sau khi tới làng Kontum, ngài ở trong một túp nhà chật hẹp gần giống như nhà sàn dân tộc, vừa làm nhà nguyện vừa làm nơi ở cho những người giúp việc Việt nam. Một tấm phên đan mỏng ngăn phòng ngài với phòng Cha Dourisboure. Một ngày nọ, Cha Vialleton, như con mồi của những cơn sốt rét, đã ói mửa tới mật một cách không cưỡng lại nổi, ngài nghe cha già Dourisboure nói ở phòng bên cạnh: “Chà! một người mới tới sắp như những người khác rồi, tôi lại bị ép buộc đi chôn anh ta”. Người bệnh nghe rõ lời tiên tri đáng buồn ấy nhưng không một chút cảm xúc. Khi kể lại cho tôi câu chuyện này, Cha Vialleton cười và thêm vào: “Cha già tốt lành này tưởng tôi không nghe thấy và thật tình ngài nghĩ tôi sắp chết, nhưng ngài lại là một tiên tri tồi, chính tôi đã phải chôn ngài”.

      Từ đó, nhiều lần sốt rét hành hạ, nhiều lúc bị kiết lỵ tấn công, bệnh phổi và dạ dày, những cơn cúm đau đớn đã minh chứng cho sức chịu đựng đáng kính nể của Cha Vialleton và không bao giờ có ai nghe ngài rên rỉ. Ngài cảm thấy sự đau đớn như mọi người khác nhưng ý chí và sức chịu đựng của người Kitô hữu đã giúp ngài chịu đựng tất cả những đau khổ không một lời than van. Biết bao điều tôi có thể kể về ý chí kiên trì của người anh em đồng sự đáng kính của chúng ta. Chúng tôi đã thấy ngài bị đau nhức thấu tai dữ dội, nhưng dẫu đau đớn như thế, ngài cũng không nghỉ ngơi một giây phút nào, cả ngày lẫn đêm, với cả tấm lòng để nghe những người thượng chạy đến kêu cầu ngài xem xét vụ kiện tụng hay hoà giải các mâu thuẫn.

      Chúng tôi cũng đã thấy ngài bị thấp khớp phải lê những bước chân khó khăn và nặng nề, để đem cho những người dân bản địa thuốc men cần thiết. Ngài thăm viếng bệnh nhân mỗi khi sức khoẻ cho phép, và chỉ lúc cuối đời, khi đôi chân bị bệnh cứng khớp không cho ngài leo lên thân gỗ được người Thượng đẽo nhiều nấc dùng như cái bậc thang để lên nhà, lúc đó ngài mới nhờ người mang Mình Thánh Chúa đến cho người hấp hối.

      Ý chí là một trong những đặc tính chủ đạo mà Cha Vialleton yêu quí. Nó đã giúp ngài rất nhiều trong suốt cuộc đời nhưng nó cần hơn nữa trong giai đoạn đầu đời truyền giáo tại Kontum, thành phần Công giáo bị dân ngoại lăng mạ và miếu thờ các ngẫu tượng được dựng lên bên cạnh ngôi nhà nguyện của người Công giáo, ở đó lời phỉ báng của họ châm chích lên từng phút giây đầy khiêu khích và thù địch. Một ngày nọ, Cha Vialleton nhắc nhở một số điều tuân giữ cho một già làng ở chỗ công cộng vì ông ta giúp dân lột da con vật tế thần, ông chủ làng trả lời vị thừa sai: “Sao lại xía vào việc của chúng tôi? Hãy để chúng tôi yên. Chúa của ông không có sức mạnh để chiến đấu với quỷ thần đâu!” Hơn nữa, một âm mưu chống lại ông Krui, một người dân tộc, trưởng cộng đoàn Kitô hữu còn nhỏ bé, làm Cha Vialleton phải cẩn thận, khôn ngoan, cương quyết hơn. Dần dần, ảnh hưởng của ngài được củng cố và ngài luôn biết tận dụng mọi cơ hội để tôn vinh công lý và sự thật.

      Gần 2 năm sau khi ngài tới ở đã có thêm một ngôi nhà rông, làm nhà nguyện của người Công giáo. Nhiều gia đình từ nơi khác đến xin theo đạo, và dân làng đã tháo dở hàng rào phòng vệ làng. Từ đó, dân số Kontum tăng lên nhiều.

      Làm việc vì sự thịnh vượng vật chất của cộng đoàn Kitô hữu ắt hẳn là cần thiết, nhưng mục đích chính của nhà truyền giáo là cứu rỗi các linh hồn khi biến đổi họ từ lương dân thành người Kitô hữu, công trình tuyệt diệu, gian khổ ở mọi miền nhưng việc đó làm gian khổ hơn và đầy dẫy bất ngờ nơi những người thượng. Trong nhiều năm đầu, cộng đồng cư dân Kontum không có lòng sùng đạo. Điều đó cho thấy: người ta không thể thay đổi trong ngày một ngày hai tâm tính những người vốn đã sống từ tuổi ấu thơ giữa dân ngoại mà dòng máu sùng bái vật linh vẫn còn chảy trong huyết quản.

      Cha Vialleton dấn thân vào việc đào tạo giáo dục thanh thiếu niên và để đạt được kết quả ngài cố gắng dạy cho những em thông minh đọc và viết. Người Thượng không có chữ viết. Chính những nhà thừa sai đã sử dụng mẫu tự Latinh, thêm vào những dấu đặc biệt để chỉ cách phát âm ngôn ngữ của họ.

     Ngôi trường học đầu tiên được hình thành dưới hiên nhà của Cha Vialleton; những lúc đầu thật thảm hại, nhiều em nhỏ mất kiên nhẫn đã vung tay ném bút, nhưng vị thừa sai là một người bền chí, nhẫn nại; cuối cùng thành công đã tôn vinh cho những cố gắng của ngài. Bây giờ, rất nhiều người trong địa hạt Kontum đã biết chữ. Giáo huấn tôn giáo trở nên vững vàng hơn, sự xét đoán của họ có lý luận hơn và cho dù việc truyền giáo có bị khủng hoãng, nhiệm sở của cha bề trên vẫn không suy yếu.

       Vào tháng 7-1890, Cha Vialleton được đưa về Pháp để bồi dưỡng sức khoẻ bị suy nhược sau 18 năm làm việc chuyên cần, 15 năm trong môi trường sốt rét vùng rừng núi. Những ngày nghỉ ở Pháp phần nào hồi phục sức khoẻ cho người cha bệnh tật nhưng ngài không khỏi bệnh hẳn và khi ngài trở lại với chúng tôi vào tháng 2-1892 với quyền Tổng Đại diện, ngài vẫn không mập khoẻ. Trong khi đó, vị linh mục đáng kính dường như cần tất cả sức lực để vác Thánh giá như chất chồng thêm lên. Tháng 3-1893, một người Kinh ở Kontum về vùng Trung Châu đã dẫn một chàng thanh niên xin đi theo lên với những người Thượng. Vài ngày sau khi tới nơi, chàng thanh niên này mắc bệnh đậu mùa. Mầm truyền nhiễm đã lây lan nhanh chóng, và trong thời gian ngắn, người ta đã tính được 168 người mắc bệnh ở Kontum. Trong khi đau khổ nhìn thấy một số rất lớn giáo dân của mình bị chết, một nỗi lo buồn khác thêm vào làm cho vị thừa sai đáng kính càng đau khổ nhiều hơn. Khi đi chôn người chết vì bệnh đậu mùa, những người Thượng Kontum không bằng lòng với lời than khóc bình thường và cùng với những tiếng than vãn, rên xiết đó, họ nguyền rủa người Kinh, nhất là đối với người đã mang bệnh dịch đến. Khi tai hoạ đã chấm dứt, những thủ lĩnh của làng đã đòi Cha Vialleton phải bị vạ rất nặng bằng mấy con trâu vì ông người Kinh đó đã đem theo chàng thanh niên nhiễm bệnh. Ngài từ chối, những người Thượng thể hiện sự oán hận bằng một thái độ thù địch và sự lạnh lùng đáng sợ. Nhiều nỗi thương tâm làm tăng buồn thêm cho vị thừa sai và tinh thần tác động lên cơ thể, vị cha già đáng thương nhanh chóng kiệt sức. Bệnh ho dai dẳng đã xé buồng phổi của ngài, bao tử không tiêu hoá thức ăn nữa. Vì chúng tôi khẩn khoản nhiều lần, Cha Vialleton đồng ý đi Hong Kong chữa bệnh. Ngài đi điều dưỡng vào tháng 8-1894. Ngài trở về với chúng tôi vào tháng 7-1895, khoẻ hơn lần từ Pháp trở về 3 năm trước.

       Ngài trở lại công việc với lòng nhiệt tình mới, phân phát cho những người bản xứ biết đọc cuốn “Cuộc đời Đức GIÊSU KITÔ, Chúa chúng ta” bằng tiếng Bahnar mà ngài đã in tại nhà xuất bản Nazareth trong lúc ngài ở Hong Kong.

       Thiên Chúa nhân lành thử thách tinh thần những kẻ phục vụ Người. Người cho phép một đau khổ mới tấn công người anh em đồng sự của chúng ta. Kontum có một ngôi nhà thờ rất đẹp mà công cuộc xây dựng mất 5 năm và đòi hỏi vị thừa sai dũng cảm rất nhiều lo lắng và chi phí lớn. Đáng tiếc, ngày 17-5-1897, một em trai người Kinh đã bất cẩn làm cháy nhà. Đám cháy lan sang nhà của cha và nhà thờ, và phá huỷ tất cả. Ngôi nhà Rông, 18 căn nhà của dân làng, 5 hay 6 lẫm lúa cũng trở thành mồi cho ngọn lửa. Hầu hết dân làng đều ở ngoài đồng và ngọn lửa không dập tắt được. Khi thấy mái nhà thờ đang cháy, Cha Vialleton cung kính kiệu Mình Thánh từ Nhà Tạm sang Rơ-hai. Ngài chịu đựng một cách can đảm điều bất hạnh phá huỷ thành quả của những tháng năm dài tiết kiệm và lao động chỉ trong vài giờ. Các vị thừa sai chạy đến chia buồn sâu sắc với ngài lại có vẻ buồn rầu hơn ngài. Người con trai, tác nhân của tai hoạ, chạy trốn trong bụi cây. Cha bảo đi tìm em và khi em đến, bấn loạn, run rẩy, cha hỏi em: “Con ăn cơm chưa?” - “Chưa! Thưa cha!” -  “Ô! con đi ăn cơm đi!”. Đó là tất cả những lời quở mắng và trách phạt mà người có lỗi đã nhận. Vị Bề trên xây dựng lại nhà xứ rộng hơn và ngài tập kết vật liệu để xây dựng một ngôi nhà thờ đẹp thay thế nhà nguyện tạm thời đã dựng lên sau trận hoả hoạn. Thiếu thợ và nhiều nguyên nhân khác đã làm trễ việc thực hiện dự án của ngài; nhưng vào lúc lìa đời, ngài đã để lại những vốn liếng, vật tư cho người kế nhiệm.

Tháng 12-1907, Cha Vialleton bị bệnh rất nặng và người ta sợ một chung cục cuộc đời cực kỳ đen tối, nhưng nghị lực và thể trạng tốt đã giúp ngài vượt qua. Cha Tổng Đại diện khoẻ lại dần khi ĐGM. Grangeon đến thăm những người Thượng vào tháng Giêng năm 1908 để làm phép và long trọng khánh thành Trường CUÉNOT, ở đó các giảng viên giáo lý (Yao-Phu) các vùng khác nhau sẽ được đào tạo. Lễ này là một trong những niềm hạnh phúc cuối cùng của ngài; Thiên Chúa còn dành riêng cho ngài một thử thách nặng nề để thanh luyện tâm hồn và tăng thêm công nghiệp cho ngài.

Từ năm 1888, vùng truyền giáo cho người Thượng đã tiến triển rộng lớn; thay vì 4 họ đạo, vào năm 1886 đã có 100 họ đạo; thay vì có 3 vị thừa sai, lúc đó chúng tôi có 18 người. Nhiều lần Cha Vialleton đã nói: “Tuyệt vời quá! Ước gì cứ tiếp tục mãi như thế! Tất cả các công trình của Chúa trên thế gian này phải chịu những chống đối và thù ghét: Signum cui contradicetur”.

Công trình phát triển Đức tin trong vùng Đồng bào Thượng đã có nhiều thử thách và đã trải qua một cơn khủng hoảng mà trong lúc đó đã làm người ta sợ như một tai hoạ thật sự. Tiếp theo sau những lăng nhục và đe doạ, nhiều làng đã dần dần bỏ đạo. Các vị thừa sai đã bị xúc động mạnh và lòng đau như bị dao cắt.

Cha Vialleton, chính ngài không hề mất dũng khí, ngài bảo: “Hãy để cho bão tố qua đi! Gió bão làm lung lay cây cối và những cành xấu, trái thối sẽ rơi rụng đi, những gì còn lại sẽ là cành trái tốt. Đối với những kẻ yếu đuối và người không kiên định bị lôi kéo, họ sẽ quay về khi an bình được lập lại. Chúng ta hãy cầu nguyện nhiều,Thiên Chúa là chủ của tâm hồn”.

Vị đồng sự của chúng ta đã được hưởng một niềm vui trước lúc qua đời là nhìn thấy một số đông người bỏ đạo trở lại và việc trở lại luôn tiếp tục. Chúng ta hy vọng, nhờ lời nguyện cầu của người cha quá cố đáng kính, tất cả những người bỏ đạo sẽ trở lại và mọi tín hữu được thánh hoá.

Vào tháng 6, một cơn sốt triền miên mà thuốc quinine không tài nào cứu chữa được đã làm cho Cha Tổng Đại diện yếu đi nhiều nhưng không làm mất vẻ vui tươi của ngài. Tháng 9, sốt rét thêm rắc rối với bệnh tiêu chảy. Và từ lễ Các Thánh, Cha Vialleton không thể dâng thánh lễ được nữa. Ngày 3-11, hầu hết tất cả chúng tôi tụ hội về Kontum để dâng thánh lễ cầu nguyện cho những vị linh mục “đàn anh” đã qua đời, ngài không thể tham dự nghi lễ và vừa cười vừa nói với chúng tôi: “Lần tới tôi sẽ cùng đến với các cha, nhưng mà người ta sẽ khiêng tôi đi”, rồi nghiêng về bên tôi, ngài thêm: “Tôi đã đi hết quãng đường đời tôi, và mong mỗi người cũng vậy, điều đó thật tốt đẹp biết bao!”

Người bệnh yếu dần thấy rõ. Chính ngài đã xin lãnh các bí tích cuối cùng. Khi mang Mình Thánh Chúa đến cho ngài, mặc dù rất yếu, ngài không muốn nằm để rước Mình Thánh Chúa, 2 người bạn đỡ ngài ngồi dậy trên giường. Rồi ngài nhìn tất cả chúng tôi với một sắc mặt khó tả. Chúng tôi bắt đầu những lời kinh hấp hối. 5 phút sau, Cha Vialleton trút hơi thở cuối cùng. Đó là ngày 11-11.

Người ta mặc phẩm phục cho ngài và đặt trong nhà, sau đó chuyển tới Nhà Nguyện. Các tín hữu kinh thượng đọc kinh liên tục cầu nguyện cho ngài. Ngày 13-11, tang lễ được cử hành, có sự tham dự của ông Dereymez, chỉ huy trưởng bảo an Kontum, muốn lần cuối tỏ lòng quý mến người quá cố đáng kính.

Linh cửu của Cha được đặt cạnh Thánh giá tại nghĩa trang, đối diện với phần mộ Cha Combes, Tổng Đại diện đầu tiên vùng Thượng. Ngài ngủ giấc cuối đời dưới bóng Thánh giá chờ trỗi dậy ngày phục sinh. Người thợ truyền giáo đã làm việc 37 năm trong vùng truyền giáo, trong đó 34 năm trên vùng hoang dã miền Thượng. Đôi mắt khép lại với ánh sáng trần gian, nhưng ngài đang chiêm ngưỡng hào quang Thiên Quốc: “Tôi đã tin, tôi được thấy” - “Fiant novissima mea, ejus similia”.

Phần III: TIỂU SỬ ĐỨC CHA JANNIN

Đề cập đến Trường Yao Phu Cuénot, không thể không đề cập đến đời sống mục vụ của Đức cha Jannin với những tính khí thiên phú và lòng tin của ngài vào sức mạnh của Thần Khí Chúa.

1. Vai trò này của Cha Jannin

Chúng tôi xin trích dịch lại đây một đoạn tôn vinh[10] vai trò này của Cha Jannin như sau:

“(…) Thế nhưng, chúng ta hãy quay lại buổi đầu của thế kỷ. Cha Jannin ghi nhận rằng các nhà thừa sai mỗi khi tiếp cận các làng của người dân tộc miền núi thì đều tiếp cận trong tư thế ngoại kiều; ghi nhận này cũng ứng nghiệm và thậm chí còn ứng nghiệm hơn đối với các cộng tác viên Annam của các vị thừa sai: linh mục hay thầy giảng. Ngài kết luận chúng ta cần những cộng tác viên người Bahnar được đào luyện nghiêm minh cho công việc tiến gần, thuần hoá và bảo trì mà chúng ta sẽ yêu cầu họ thực hiện nơi những người đồng hương của họ. Do vậy, cần phải thành lập một ngôi trường đào tạo dành cho các giáo lý viên Bahnar… Khi Cha Jannin bày tỏ ý kiến của mình, ngài đã không gặp được một người nào coi trọng ý kiến ấy. Những lý lẽ chính đáng vốn không thiếu: đem các trẻ em của núi rừng này đi xa khỏi làng mạc của chúng là điều bất khả thi, huống hồ gì là “nhốt kín” chúng một nơi; tệ hơn nữa là cưỡng bức chúng phải học hành? Thật là điều không thể nghĩ tưởng! Thế nhưng bằng cách chai lì, điều mà không đạt được bằng con đường thuyết phục thì Cha Jannin đã đạt được nhờ sự bền chí".

2. Đức cha JANNIN PHƯỚC, Đại diện Tông toà, Giám quản Địa phận KONTUM

Đức cha JANNIN PHƯỚC, Đại diện Tông toà, Giám quản Địa phận KONTUM đã qua đời! Một lao công cần cù của CHÚA đã ra đi vĩnh viễn! Một người kế thừa xứng đáng của  những đấng đầu tiên đặt chân lên vùng Tây Nguyên, là một trong những vị đã xây dựng, đã tổ chức hình thành KONTUM, trước khi chính quyền Pháp  đến. Họ đến chỉ là tiếp tục công việc đã khởi đầu. Trong vòng 50 năm, không ngừng, không ngơi nghỉ, không về quê hương, Đức cha đã đương đầu với tất cả những hiểm nguy của bước đầu xâm nhập vào miền Cao Nguyên, tất cả những bệnh hoạn, tất cả những khó khăn đủ loại. Không bao giờ chán nản, trong thể xác già nua 73 tuổi, vẫn giữ một tâm hồn trẻ trung, một trí lực dồi dào trong lao động xây dựng, trong công trình sáng tạo hoặc trùng tu, người dân xứ Pháp - Comtois này, mạnh mẽ thể xác, vững tâm hồn, đã theo đuổi cách can cường lý tưởng thừa sai mà ngài đã tự nguyện dấn thân từ lúc trẻ tuổi. Nên nhắc lại cho tất cả những ai sinh sống tại KONTUM hiện thời: người Pháp, người Việt - kinh lẫn dân tộc - rằng họ đều mang ơn vị Giám mục già của họ về kinh nghiệm dồi dào cũng như về tâm hồn quảng đại của ngài.

Không ai đến KONTUM mà không tìm cách gặp Đức cha JANNIN, bởi vì Ngài nổi tiếng hoà nhã, đơn sơ, tốt bụng. Đối với một số người, tôi còn có thể nói ngài có “máu du lịch” nữa. Thiệt là một quang cảnh không kém phần lý thú khi nhìn vị Giám mục già này (chắc là mặc áo dòng tím, nhưng đã phai màu và sờn rách) leo lên chiếc xe “FORT tiền sử’ của ngài được gọi là ‘BÀ GIÀ’, ngồi vào tay lái, tay vặn chỗ này, chân đạp chỗ kia, miệng không ngừng cỗ vũ từ 10 đến 20 người đẩy giúp xe, có  như thế  ‘BÀ GIÀ’ mười lăm mã lực mới chịu nổ máy! Bỗng chốc, tất cả đều chuyển động trong tiếng ồn ào hỗn độn đinh tai nhức óc của máy mòn, của sắt vụn. Chiếc xe ì à ì ạch tiến lên. Từ xa, mọi người đều biết là xe của Đức cha đã đến gần, khỏi cần bóp kèn! “BÀ GIÀ” không chịu im lặng chút nào! Người chủ cỡi bà càng khiêm tốn, thì “BÀ” càng làm cho người ta chú ý. Và tiếng vang hỗn độn của thùng xe bằng ‘tôn’ nứt hở lung tung này đã kêu gọi dân chúng ở chung quanh đó, kinh có, dân tộc có,  họ đổ xô ra quỳ ngoài lề đường trong khi Đức cha thả tay lái ban phép lành, bên phải, bên trái, vừa mỉm cười vừa luôn miệng “a”, a a a , các con ngoan, các con ngoan”. Trong những người xa lạ chứng kiến cảnh tượng này, có người chỉ mỉm cười, có người vội vàng chớp kiểu  ảnh, nhưng tất cả đều nhận thấy gương sống động của tính “đơn sơ tổ phụ” và của lòng nhân ái đang đi qua.

Tính đơn sơ và lòng nhân ái này được gặp lại ở Toà Giám mục mỗi lần ngài tiếp chuyện. Căn phòng gọi là phòng khách của ngài không có gì cho ra  vẻ cả: cây ván chống đỡ bên trong mối mọt gặm nhấm loang lổ; vách tường còn đứng vững chắc là do thói quen thôi. Nhưng ta không chú ý làm gì đến cái “phông” không hề có ấy. Đức cha từ buồng riêng bước ra, giang tay về phía khách, trong  một cử chỉ nói lên: “Bạn ở đây như ở nhà mình vậy”, và câu chuyện bắt đầu về KONTUM thuở xưa, về những năm anh hùng của khởi đầu miền truyền giáo. Ngài nói về thời dĩ vãng rất thiết tha đối với ngài, như chỉ với tư cách một khán giả khách quan, chứ không phải với tư cách một trong những người đóng vai chính trong cuộc. Chỉ nghe ngài nói thì tất cả mọi việc đều đã được thực hiện do các vị thừa sai đồng sự với ngài mà ngài trìu mến, chỉ các bức ảnh treo trên tường: những Dourisboure (Cha ÂN), những Vialleton (Cha Truyền), những Kemlin (Cha Văn), những Guerlach (Cha Cảnh)...

Nếu mà ta muốn tâng bốc công trình cá nhân của ngài hoặc đề cao đặc tài sáng kiến và xây dựng của ngài, thì ngài liền nghiêm nét mặt, nói: “ồ ồ ồ”. Ba tiếng độc vận ấy có một ý nghĩa mà ta không thể nghi ngờ: lời nịnh bợ, không có chỗ đứng trong nhà này.

Ta muốn làm hài lòng Đức Giám mục của ta chăng? Hãy hỏi ngài về “con chiên Bahnar” của ngài. Không ai yêu thương họ như ngài đã yêu thương họ;  không có ai đã cố công ra sức bằng ngài để làm cho họ yêu mến Thiên Chúa; không có ai đã biết quên đi những khiếm khuyết của họ, thói lười biếng, thiều năng nổ của họ như ngài. Không phải là ngài mù quáng đâu. Ngài hoàn toàn thấu suốt tâm tính người Bahnar và đôi khi, trong lúc trò chuyện thân mật, ngài để lộ một vài lời nói, qua đó ta có thể đoán biết tất cả nỗi đau buồn của ngài về bản tính kỳ cục, ngoan cố và hay thay lòng đổi dạ của những kẻ mà ngài đã hiến dâng cả cuộc sống và cả tấm lòng, không một chút dè xẻn. Nhưng, là tông đồ đích thực, vì nhân đức, ngài nín lặng không nói ra nỗi buồn của ngài. Ngài quên đi những cơ cực quá khứ để duy trì một sức sống tông đồ luôn luôn trẻ trung và đầy hy vọng. Bất cứ lúc nào “con cái Bahnar” của ngài cũng có quyền quấy rối ngài; vì họ, ngài ngưng công việc đang làm, bắt chuyện với họ, hỏi han, vỗ về họ làm như ngài cùng đồng chủng, cùng cảnh ngộ, cùng tâm hồn như họ, và với tất cả sự đơn sơ của một người anh cả, ngài nghe họ líu lo trầm trồ có khi hàng tiếng đồng hồ  mà không hề tỏ vẻ chán mệt. Có Chúa mới biết thâm tâm ngài, ngài có bực bội hay không đối với nhiều cuộc chuyện trò chỉ  là con cà con kê tràng giang đại hải một cách vô bổ. Thế nhưng, đối với ngài, đó cũng là một phương thế ‘chiêu dân’ cho Chúa.

Vì “con chiên Bahnar” của ngài, để thăng tiến đời sống của họ cho xứng hợp với tư cách là con người, ngài đã cố công ra sức trong vòng 50 năm, suốt thời gian hiện diện của ngài ở Kontum. Ban đầu, ngài đặc biệt chú ý đến đời sống vật chất của họ, thử cách cày bừa trồng trọt theo kiểu Âu châu. Kết quả phải về lâu về dài, phải chờ số người Kinh đến định cư và những khích lệ của chính quyền phần nào cải tiến những phương pháp cổ truyền của người bản xứ. Tuy nhiên, ta không nên quên từ lâu đã có những cố gắng, những thử nghiệm đầu tiên.

Ít lâu sau, Đức cha JANNIN đã đặt trọng tâm vào việc đào tạo về trí tuệ và luân lý cho giới trẻ, mong rằng qua họ, một cuộc sống mới sẽ được khởi đầu trong các buôn làng. Người đã là đấng tiền hô, là cha đẻ của “cái trường thượng” ở Kontum. Là người đầu tiên, ngài đã thành công trong việc quy tụ một số ít trẻ con thượng, làm cho chúng chấp nhận học tập và sống tập thể trong một kỷ luật nghiêm túc. Có lẽ chính đây là công trạng to lớn nhất của ngài. Chính trong công tác này mà ngài đã sử dụng đến tối đa sự kiên nhẫn và quyết tâm của mình. Ban đầu, nhiều lần, học sinh của ngài đã bỏ ngài mà về với rừng núi của chúng. Không buồn chán, ngài đã đi tìm lại chúng từng đứa, an ủi dỗ dành, đem trở về những đứa có vẻ xiêu lòng và tuyển lựa thêm một số học sinh mới. Ngày hôm sau phá vỡ mất công việc như đã hoàn thành ngày hôm qua! Nhưng trên những đổ vỡ đó, ngài lại xây dựng không ngừng; và từ những cố gắng không ngừng này, ngôi trường giảng viên giáo lý thượng đã ra đời trên miền thượng, được đặt tên là TRƯỜNG CUÉNOT. Mục đích của Đức cha là phần nào khai hoá số con cái của núi rừng này, đào tạo họ thành một lớp ưu tú giữa dân thượng trong mỗi họ đạo thượng sẽ có một hai giảng viên giáo lý (chú giáo phu), biết đọc biết viết, với một số kiến thức thường thức cơ bản, có thể duy trì mức sinh hoạt tôn giáo khi thiếu vắng linh mục, đi mời linh mục cho người bệnh tật sắp qua đời và có thể  phân phát một số thuốc men cần thiết. Để cho họ sử dụng, ngài đã biên soạn một tập nhỏ “chỉ nam y dược”[11]; hằng năm, ngài cung cấp cho họ nào thuốc sốt rét, thuốc tiêu chảy, nào thuốc trị mụt nhọt, ghẻ chốc, trị vết thương. Đó phải chăng là tổ chức đầu tiên về  “cứu trợ y tế” trên xứ thượng này?(...)

Không một ai trong các vị thừa sai thuộc quyền của ngài, dầu năng nổ nhất, dầu mạnh mẽ nhất cũng không có thể tranh đua với ngài về việc liên tục dốc toàn lực trong công tác không ngừng nghỉ. Ngài ân cần niềm nở với hết mọi người. Ngài biết lắng nghe con cái Bahnar của ngài hàng giờ liền, như chúng ta đã nói; nhưng thật sự, sự nghỉ ngơi hoàn toàn di dưỡng, nghỉ định kỳ, ngưng công tác thì không bao giờ. Đối với ngài, nghỉ ngơi tức là từ  công việc này bắt tay làm sang công việc khác. Là đầu tàu của miền truyền giáo, Giám đốc thực tế của Trường CUÉNOT cho đến ngày cuối đời ngài, ngài vẫn dành đủ thời giờ để sửa chữa, cải tiến cơ cấu điện lực của ngài, để biên soạn toàn bộ sách giáo lý bằng tiếng Bahnar, tập quy luật cho giáo phu và để điều khiển cơ sở ấn loát của ngài. Ngài đã là kiến trúc sư, và sáng tạo phẩm cuối cùng của ngài là ngôi trường tiểu chủng viện, biểu hiện tất cả những gì là khéo léo và tiện lợi, vừa là nghệ thuật trong con người “kỷ sư nửa mùa” này, như một số người đã gọi đùa Đức cha. Có khách lạ nào lại không thán phục khi chiêm ngưỡng ngôi nhà nguyện của tiểu chủng viện?

Tất cả những hoạt động bên ngoài này là nhằm cho “Danh Cha cả sáng”; tất cả tấm lòng sốt mến truyền giáo này đã được nuôi dưỡng trong cuộc sống thiêng liêng kết hợp gắn bó với Thiên Chúa mà ngài đã thực hành từng giờ một. Những ai chỉ nhìn thấy ngài leo lên chiếc xe “BÀ GIÀ”, chỉ viếng thăm ngài vài lần nơi Toà Giám mục, chỉ nhìn  qua ngài đang làm việc trong các cơ sở hoặc trong các cuộc giao tiếp thông thường thì chưa có thể  biết ngài cách hoàn toàn. Chỉ những người đã sống gần gũi với ngài mới có thể biết hết vẻ đẹp của một đời sống linh mục lâu dài. Tất cả thời giờ nào không dành cho công việc là dành cho kinh nguyện. Đức cha biết rằng linh mục thừa sai truyền giáo, tự mình không thể làm được việc gì để có thể tác động thiêng liêng trong các linh hồn. Vì thế, mỗi ngày, hằng giờ liền, trước Thánh Thể trong Nhà Tạm, ngài đã đổ tuôn trào tất cả nỗi lòng sốt mến của ngài đối với Thầy Chí Thánh của ngài. Không phải là bịa đặt theo trí tưởng tượng đâu. Tất cả những người thân cận ngài đã có thể bất chợt nghe thấy đôi lời đàm thoại của ngài với vị Khách Chí Thánh trong Nhà Tạm, khi mà Đức cha chỉ có một mình ngài trong nhà nguyện. Lòng sốt mến của ngài mãnh liệt và hiện thực vừa chất phát và dịu dàng như của một đứa bé thơ. Ngài tin dựa vào Chúa trong mọi việc. Lòng tin cậy của ngài không hề giảm phai, có người còn bảo: “lòng tin cậy ngoan cố”. Ngài đã không bao giờ thôi nói với Chúa là ngài yêu mến Chúa. Và một trong lời nói cuối cùng của ngài đã diễn tả khá rõ thân tình của ngài đối với Chúa: “Chúa muốn cho  con sống thêm ít lâu nữa. Không đâu. Hãy để cho con chết. Chính là đã đến lúc con phải đi gặp Giêsu của con”. Bài học mạnh mẽ xiết bao cho chúng ta: chúng ta đừng quên. Thời gian dành cho kinh nguyện không phải là thời gian mất đối với công việc làm, nhưng đó chính là thời gian canh tân, một thức dinh dưỡng hữu hiệu nhất trong các món bồi dưỡng, là tia sáng soi linh hồn nhất. Đức cha JANNIN đã hoạt động thành công nhiều là vì ngài đã cầu nguyện nhiều.

Đức cha JANNIN luôn luôn khởi đầu những là thơ của ngài bằng câu: “Hãy chúc tụng Đức Nữ Đồng Trinh”. Yêu mến Con, ngài cũng yêu mến Mẹ: hai tình yêu này kết hợp làm một trong những linh hồn thật sự là Kitô giáo. Và Đức Trinh Nữ đã muốn tỏ bày rằng ngài hài lòng đối với sự sùng kính của vị Giám mục già, cho nên Người đã đến rước linh hồn tôi tớ của Người đúng vào một trong các ngày lễ kính Người - ngày 16-7 dương lịch - giống như Người đã thường làm đối với những tôi tớ sủng ái nhất của Người.

Chúng tôi xin một lời cầu cho linh hồn Đức cha JANNIN được đến nơi an nghỉ vĩnh hằng. Nhưng chúng tôi sẵn sàng lặp lại lời nói của nhiều người lúc Đức cha qua đời: “Chớ gì chúng ta có được một đời sống tốt đẹp như thế để dâng hiến cho Thiên Chúa. Chắc chắn phúc thiên đàng là dành để cho những tín hữu, những linh mục, những Giám mục tầm mức như vậy thôi”.                    

MỘT THÂN HỮU [12]

Kết luận

       Giáo phận Kontum đang chuẩn bị kết thúc Năm Thánh Yao Phu ngày 14-11-2008 này. Dĩ nhiên, nhiều sinh hoạt cần thiết như tĩnh tâm cho các Yao Phu suốt năm từ ngày 14-11-2007 đến nay và còn những chương trình khác như hành hương, Thánh lễ Tạ ơn cử hành vào chính ngày 14-11 này. Chính vì thế, chúng tôi thiết nghĩ sẽ để phần kết luận này thật sinh động, in đậm dấu ấn ngày kết thúc Năm Thánh Yao Phu trong thời gian sắp tới với nhiều diễn biến vui tươi và đầy đủ ý nghĩa. Chắc hẳn chúng tôi sẽ phổ biến các sinh hoạt được tổ chức trong những ngày này như thành quả trước mắt, và làm đà tiến cho giai đoạn sắp tới, hầu đáp trả lại phần nào các công lao của những vị đã xây dựng Trường Đào tạo Yao Phu như «đỉnh cao của phương thức loan báo Tin Mừng hôm qua» dù khó khăn mà đã vượt qua, thì thế hệ hiện tại có trách nhiệm kế tục cho ngày mai sắp tới gặt hái bội thu hoa trái hơn, dù phải gặp nhiều chông gai, thử thách...

KONTUM, ngày 6-11-2008

Lm. GIOAKIM NGUYỄN HOÀNG SƠN



[1]  La Mission des Pays Mois, năm 1939, nhà in Trường Cuénot, Kontum, trong Petite Histoire du district de Dak Kơna.

[2]  x. Annales MEP, tháng 7 và 8-1912, số 89, tr. 163.

[3]  x. id, số 89, tr. 298.

[4] Annales MEP, 1912, số 89, tr. 295.

[5]  x. Revue Annales des Missions Étrangères, năm 1923, “Cochinchine orientale chez nos sauvages Bahnars do Cha Martial Jannin”, tr. 59-71.

[6] Trong tiếng chuyên môn “Catéchiste” được dịch sang tiếng Bahnar là “GIÁO PHU”, chú giáo phu. Xin xem Lưat GIÁO PHU năm 1915 và luật GIÁO PHU  các năm kế tiếp.

[7]  x. Báo cáo hằng năm của các giám mục vào năm 1905, chương VI.

[8]  Xin xem trang Web: www.thongluan.org/vn  bài «Việt Nam - Đất & Người. Người Thượng trên cao nguyên Việt Nam», bài của ông  Nguyễn Văn Huy đăng ngày 11 và 12-2-2008 trên trang Web này.

[9]  http://archivesmep.mepasie.net/recherche/fiche

     (Lược dịch: GIOAKIM Nguyễn Hoàng Sơn & Nhóm CVK Phương Quý).

 

[10] x. Christian Simonet, “La Mission du Far-West Vietnamien”: Extrai du Bulletin de la Société des Missions Etrangères de Paris (Hong-Kong), tr. 5-6.

[11]  Tựa đề sách bằng tiếng Bahnar: “HLABAR PƠGANG”, nhà in KONTUM 1932, (khổ 8cmx16cm, có 234 trang).

 

[12]  Bulletin de la Société du MEP,  năm 1944, tr. 599t.

     Đây là nội dung bài điếu văn của Cha Niên Trưởng là Cha Irigoyen Hương (ghi chú của người dịch).

Ghi lại phản hồi, xin nhấn vào »  Nhập ý kiến của bạn:
Ý kiến - nhận xét của bạn về bài:

Trường Cuénot, đỉnh cao trong phương thức loan báo Tin Mừng vùng Tây Nguyên

Tên:
Email:
Ý kiến - nhận xét - Comments:

  (hoặc nhấn phím ESC hoặc nhấn vào khung nền)

Chưa có ý kiến   Pending (3)
TIN - BÀI KHÁC   73 tin bài trong TÀI LIỆU » Nghiên Cứu
  Tại sao Vatican II gọi Giáo hội là ‘Dân Thiên Chúa’ | Father Joseph Thomas
  Câu chuyện chưa biết về Quả cầu vàng của Đền thờ Thánh Phêrô | Mi Trầm
  Bảy sự Thương khó của Đức Maria | Cao Nguyên
  Mộ Thánh Phêrô: Khi khoa học khẳng định Truyền thống | Thérèse Puppinck
  Các giám mục nói rằng thuỷ phân (an táng bằng nước) không khả thi đối với người Công giáo | J-P Mauro
  Tại sao Thánh Bonaventura được mệnh danh là “Bác sĩ thiên thần” | Philip Kosloski
  Cách Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraina lan rộng ra toàn thế giới | TT
  Nhà thần học luân lý giải thích Giáo huấn Công bình về Chiến tranh và Cuộc chiến ở Ukraine | Cao Nguyên
  Lịch sử đầy biến động của Nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ở Mátxcơva | Cao Nguyên
  Con Hổ trong văn hoá Việt | Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
  Điều gì xảy ra tại buổi Dâng Chúa vào Đền thánh? | Jimmy Akin
  Phúc đáp của Bộ Giáo lý Đức tin đối với nghi vấn về việc chúc phúc cho kết hiệp đồng giới | VoetCatholic
  Cảm tưởng về Tết trong Nam | Vương Hồng Sển
  Tục tắm nước lá mùi đêm Tất niên: ‘Tẩy sạch’ những muộn phiền năm cũ | Tuệ Anh
  Tướng do tâm sinh: Người thiện tâm có tướng mạo hiền lành phúc hậu | An Hoà
  Thủ tục filibuster là gì và tại sao filibuster quan trọng với nước Mỹ? | Hải Đăng
  Đạo Công giáo có cho phép thuỷ táng không? | Lm. Antôn Phạm Trọng Quang, SVD
  3 cách Rửa tội khác nhau trong Giáo hội Công giáo | Mi Trầm
  Điều kỳ diệu của Orvieto: Nguồn gốc ấn tượng của Lễ Mình Máu Thánh Chúa | Kathy Schiffer
  Tâm lý ngày Tết | Thượng Chi (Phạm Quỳnh)
Tìm kiếm trong phần Tin - Bài này
 [Tìm tên bài, tên tác giả, nội dung...]
Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 4-2024
Cầu nguyện cho vai trò của những người nữ
Chúng ta hãy cầu nguyện để phẩm giá và sự phong phú của những người nữ được nhận biết trong tất cả các nền văn hoá, để không còn sự phân biệt đối xử mà họ là những nạn nhân ở nhiều nơi trên thế giới.
For the dignity of women
During April, Catholics are asked to pray that “the dignity and worth of women be recognized in every culture.” The prayer intention includes praying for an end to the discrimination many women face in different parts of the world.
SUY NIỆM TIN MỪNG

Phim - Nhạc - Suy niệm
Xem chuyên mục Media Online
Từ Điển Online:     

Truyền Tin

Email: tt.march25@gmail.com

Website: truyen-tin.net

Online since: May 2010

Tìm kiếm nội dung
(Gõ từ khóa vào vào khung dưới đây)
Tìm kiếm trong Google
Nhấn vào >> Google Search

Liên hệ

Đặt làm trang chủ

@