Bạn có thể phàn nàn vì hoa hồng có gai, hoặc bạn có thể hoan hỷ vì trên một cành gai lại có hoa hồng.

Ziggy
Truyen-tin.net - Sơ lược dữ kiện:

  • ♥ Tiểu sử Các Thánh: 272
  • ♥ Các Bài đọc thánh lễ: 772
  • ♥ Văn hoá, nghệ thuật: 1154
  • ♥ Tin tức, chuyên đề... 15483
  • ♥ Thư viện hình ảnh: 6916
  • ♥ Suy niệm Lới Chúa: 784
  • ♥ Video: 2269
  • ♥ Tài liệu tham khảo: 780

... cùng những sưu tập khác.
tt
Laudetur Jesus Christus - Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô NewsFeed
-
NEWS - TTCG
Back TRỞ LẠI (Cập nhật: 08/02/2012 12:00:00 SA)
A  A  A
Hãy rửa chân cho nhau

HÃY RỬA CHÂN CHO NHAU (Ga 13,14)

Hội ngộ Linh mục Giáo tỉnh Sài Gòn tại Xuân Lộc

Trong Phúc Âm thứ tư, không có trình thuật Chúa Giêsu lập phép Thánh Thể, nhưng bù vào đó, lại có trình thuật Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ. Truyền thống chú giải vẫn coi đây là hai trình thuật tương đương. Rửa chân cho môn đệ là hành vi trao thân, được rửa chân là được thông phần vào ơn cứu độ và lời gọi “hãy rửa chân cho nhau” được hiểu trong nhãn giới phục vụ yêu thương. Chọn chủ đề “rửa chân” này cho dịp hội ngộ Linh mục, theo ý của Ban tổ chức, là muốn lặp lại rằng: trong Năm Linh Mục, ngoài việc đặt trọng tâm vào việc thánh hoá, còn phải khai triển về mặt yêu thương, tức là tình huynh đệ, không chỉ để cảnh giác điều Đức Gioan Phaolô II bảo “không hát solo mà phải hát trong ca đoàn”, mà còn để hướng tới: Linh mục thương nhau cũng là giúp nhau nên thánh. Linh mục không nên thánh một mình, mà trong Giáo Hội là thánh: Linh mục cùng dìu nhau nên thánh, như thế ý nghĩa “hiệp thông các thánh” mới được minh hoạ một cách sống động.

1. Rửa chân cho nhau, yêu thương nhau: một điều cơ bản thuộc về chức Linh mục

Giới luật yêu thương là giới răn mới trong Tân ước chi phối mọi tín hữu chẳng trừ ai và cũng chẳng dành riêng cho ai: yêu người như Chúa yêu, yêu người như yêu Chúa, yêu người như mình ta vậy amen. Mến Chúa và yêu người là hai mặt của cùng một giới răn. Không thể mến Chúa mà không yêu người. Điều này mọi Linh mục đều biết rõ và còn dạy người ta cặn kẽ. Trước khi là Linh mục, Linh mục qua bí tích Rửa Tội cũng là tín hữu, nên không thuộc trường hợp miễn trừ. Trái lại, xem ra Linh mục trước khi trổi trang hơn người về các lĩnh vực chuyên môn, cần phải trổi trang về lĩnh vực yêu thương. Nếu Giáo Hội là chuyên gia về con người thì Linh mục phải là chuyên gia về tình yêu thương. Chính Chúa Giêsu đã không ngần ngại chỉ rõ: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con yêu thương nhau”. Lịch sử Giáo hội Việt Nam: sau 5 năm truyền giáo tại Thăng Long, Gaspar d’Amaral cho biết số giáo dân là 5.000, và đặc điểm nổi bật là họ thương nhau khắng khít đến nỗi người ngoại gọi họ là người theo “Đạo Yêu Nhau”.

Hơn nữa, nhờ Bí tích Truyền Chức Thánh, Linh mục được thánh hiến để gắn kết đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô là Đầu, nên là trò cùng một Thầy, là gà cùng một mẹ, là bí bầu một giàn, là thành phần trong cùng một thân thể. Nói tắt là cùng một huyết thống Kitô. Yêu thương nhau không là chuyện tự do, mà đã trở thành một đòi hỏi của bí tích. Bậc sống gia đình yêu nhau do bí tích hôn nhân; còn Linh mục yêu thương nhau do Bí tích Truyền Chức Thánh.

Ngoài ra, nếu không thể có Linh mục lang thang trên không chằng dưới không rễ, chẳng thuộc về một Giáo phận hoặc Hội Dòng nào thì cũng không thể có Linh mục ngoài Linh mục đoàn. Chính trong tư cách là thành viên của một gia đình Giáo phận hoặc Hội dòng mà Linh mục trải ra nhịp sống chan hoà hội nhập yêu thương đoàn kết gắn bó. Đây là đòi hỏi của Giáo luật.

Và rồi, do việc mục vụ đòi hỏi, cùng chen vai thích cánh trên cánh đồng mục vụ Giáo phận, mỗi Linh mục còn vì phần rỗi các linh hồn mà phối hợp chặt chẽ với Đấng Bản quyền cũng như với các anh em Linh mục khác trong những chương trình chung sao cho người này với người kia không là mặt trời mặt trăng khó gần nhau, mà cùng là tinh tú chiếu sáng bên nhau, yêu thương nhau.

2. Rửa chân cho nhau, yêu thương nhau: một sự quân bình trong đời Linh mục

Nếu trong căn bản của Bí tích Truyền Chức Thánh, Linh mục thể hiện lòng yêu thương nhau một cách sâu nặng và giầu ý nghĩa thì trên cơ sở nhân bản, tức là một người bình thường, Linh mục cũng cần có những kênh yêu thương mát mẻ vun bồi cho cuộc sống và dòng nước yêu thương trong lành làm đẹp cho lẽ hiến dâng.

Như mọi người vốn chẳng phải là ốc đảo tự túc tự cường nguyên tuyền sạch và xanh không cần đến người khác, Linh mục cũng cần có tình bằng hữu tự nhiên, biết cho đi và biết nhận về những tình cảm một cách hồn nhiên và phong phú. Nhưng lại khác mọi người chẳng phải vì tấm áo vốn chẳng làm nên thầy tu mà vì con đường chọn lựa một đời là con đường hẹp chẳng mấy người đi, nên khả năng chọn lựa bằng hữu xem ra cũng không thể mênh mông trôi nổi được. Cân đối giữa một đàng là thể hiện tự nhiên giống mọi người và đàng khác là định hướng không giống hết mọi người, thiết nghĩ là cả một kinh nghiệm phải thực hành và trui rèn trong đời Linh mục.

Có mấy bà mẹ Công giáo ghi nhận: “Sao mấy cha hay nhỉ, bình thường thì nghiêm nghị, ai nhìn thấy cũng phát khiếp, thế mà thi thoảng hễ gặp nhau, là truyện trò vui vẻ rôm rả ra phết, lại còn khéo bày chuyện chọc ghẹo nhau đáo để đấy”. Cũng đúng thôi. Không biết các cha nghĩ sao chứ tôi nghĩ đó là một nét đặc trưng của tình huynh đệ Linh mục. Hồn nhiên. Có thể là tình bạn vong niên khi một Linh mục bầu bạn với một Linh mục trọng tuổi hơn; có khi là tình đồng hương đồng khói; có khi là cùng lớp cùng khóa cùng trường, cùng địa phận cùng giáo hạt hoặc có khi cùng một lãnh vực mục vụ hoặc phục vụ… hay đơn giản chỉ vì có cái gì đó hợp nhau thôi như cùng hobby kim khí điện máy, cùng một gu thuốc hút hay thực tế hơn nữa chỉ vì đồng bệnh ví dụ cao huyết áp, tiểu đường (tường đè, tiểu lộ tiên sinh, hội chứng đường cao tốc).

Rửa chân cho nhau trong tình bằng hữu tất nhiên là cầu nguyện góp ý giúp đỡ nâng đỡ, nhưng thường khi chỉ là gặp gỡ vui vẻ vồn vã thăm hỏi, đánh cờ đánh chén. Linh mục còn gần gũi với các Linh mục bạn mình thì đó là dấu hiệu tốt cho một đời quân bình; ngược lại, Linh mục không còn lui tới với các Linh mục khác thì đó là tín hiệu của một sự bất ổn nào đó trong thể xác hoặc tinh thần. Hãy biết rửa chân cho nhau để duy trì được sự quân bình trong đời mục tử.

3. Rửa chân cho nhau, yêu thương nhau: một điều cấp bách giữa thời hiện tại

Người ta bảo nhịp sống hiện nay có vẻ hối hả so với thời đại trước, và do đó con người dù có nhiều tiện nghi cho một cuộc sống dễ thở hơn nhưng lại phải đối mặt với nhiều áp lực hơn. Nếu trước đây bệnh than thở là có độ rộng là 1/3 nhân loại thì hiện nay bệnh căng thẳng stress dường như lại có biên độ lớn hơn. Ai cũng có thể bị stress. Ngay cả những em học sinh tiểu học, sách nhiều cặp nặng, học ngày không đủ tranh thủ học đêm học thêm học bù. Trong nhịp sống ấy, người ta cũng bắt đầu nói đến hội chứng stress trong đời sống của các Linh mục. ĐHY Phạm Minh Mẫn trong thư gửi anh em Linh mục ngày 9-2-2009 có nêu lên những nguyên nhân ngoại tại như: điều kiện thi hành sứ vụ khó khăn; bổn phận nặng nề phức tạp; những đòi hỏi thích ứng luôn đổi thay; thiếu phương tiện hoạt động; phải đối diện với thái độ chống đối. Và những nguyên nhân nội tại như: thiếu tự tin; thiếu bình tâm; rối loạn tình cảm; bất ổn xung lực. Những nguyên nhân trên có thể trở thành áp lực gây căng thẳng ngắn hạn là bào mòn sinh lực và dài hạn là gây kiệt sức (rối loạn đường tu). Nếu phương thế khắc phục stress là tái tạo thế quân bình toàn diện thì tình huynh đệ Linh mục phải được xem như một dung môi vô cùng thuận lợi, để sự cân bằng kia mau chóng được phục hồi. Có lẽ Linh mục chúng ta chưa bị stress nặng đến nỗi ngẩn ngơ phải điều trị chuyên sâu và dài lâu, nhưng dấu hiệu stress nơi đời Linh mục cũng không thiếu: tâm lý bồn chồn nóng nảy; thể lý RLTH; khó ngủ…thế nên giữ cân bằng mọi mặt trong đời sống là một điều cấp bách. Linh mục biết rửa chân cho nhau trong tình bằng hữu hy vọng sẽ tránh khỏi nguy cơ bị stress trên đường phục vụ.

Linh mục sống đời độc thân nên cảm thức về sự cô đơn không chỉ là một kiến thức trong sách vở mà xem ra đã trở thành kinh nghiệm máu thịt của từng người. Đó là hệ quả tất yếu, không có gì phải bàn. Nhưng vấn đề là phải đảm lĩnh và hoá giải sự cô đơn ấy như thế nào để một mặt cá nhân Linh mục không bị tổn thương và nẻo đường dâng hiến cũng không bị thương tổn. Nếu ghi nhận có vẻ triết lý sau đây là đúng “cô đơn không phải là không có ai bên cạnh mà là vắng bóng một sự hiện diện đích thực” như kiểu nói “cô đơn giữa đám đông”, thì phương thế hiệu nghiệm và nhẹ nhàng để giải quyết sự cô đơn chính là xây dựng tình bằng hữu. Rửa chân cho nhau ở đây là thể hiện một sự hiện diện đích thực và tích cực, nghĩa là sẵn sàng nâng đỡ tinh thần và cũng sẵn sàng giúp đỡ vật chất nữa. Bạn bè bên nhau lúc túng cực mới là bạn bè đích thực. “Friend in need, friend indeed”. “Bạn bè thân thiết biết chung vui khi thành công biết cảm thông khi thất bại; bạn bè thân ái chẳng e ngại bước xa gần, những khi cần là sẵn có; dù cho trời mưa gió, dù cho đời gian khó; tình bạn bè gắn bó, sớt chia nhau đắng cay ngọt bùi”.

Một Linh mục bỏ tiền cá nhân trang trải giúp Linh mục bạn đang lâm cảnh ngặt nghèo để khỏi bị tố tụng nơi tòa đời: đó là một cách rửa chân cho nhau. Một Linh mục đón người anh em Linh mục cùng lớp bị ngã trên đường tình về ở chung, mong có dịp hồi tâm đứng dậy: đó là một cách rửa chân cho nhau.Một Linh mục trưa thứ hai hằng tuần luôn đón các Linh mục nhiều lớp khác nhau về xứ nghỉ ngơi giải trí cỗ bànvui vẻ: đó cũng là một cách rửa chân cho nhau. Và thiết nghĩ còn nhiều cách khác nữa, các Linh mục vẫn âm thầm rửa chân ngày này qua ngày khác cho nhau. Đó là những phần đời sáng nghĩa Tin Mừng và đẹp như chuyện cổ tích. Nếu có chữ đừng nào phải chia sẻ ở đây thì đó là “đừng ngáng chân nhau” bằng ganh ghét (Linh mục ngang nhau), bằng phân bì (dòng triều), bằng tủi hờn (già trẻ), bằng chèn ép (sở phó), bằng gièm pha (trước sau).

Chúa Giêsu đã rửa chân cho ta trong bí tích Truyền chức thánh, vì thế theo gương Người và thông phần trong ơn cứu độ của Người, ta cũng khiêm tốn kiên trì rửa chân cho nhau. Và lạ lùng làm sao: rửa chân cho anh em cũng là cách ta được rửa chân hoặc ta rửa chân cho chính mình, được thông phần vào Ơn cứu độ của Chúa Kitô.

+ GM Giuse Vũ Duy Thống

 

Ghi lại phản hồi, xin nhấn vào »  Nhập ý kiến của bạn:
Ý kiến - nhận xét của bạn về bài:

Hãy rửa chân cho nhau

Tên:
Email:
Ý kiến - nhận xét - Comments:

  (hoặc nhấn phím ESC hoặc nhấn vào khung nền)

Chưa có ý kiến   Pending (3)
Tìm kiếm trong phần Tin - Bài này
 [Tìm tên bài, tên tác giả, nội dung...]
Ngày 11 tháng 11 năm Giáp Thìn
Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 12-2024
Cầu nguyện cho những người hành hương hy vọng
Chúng ta hãy cầu nguyện để Năm Thánh mở ra cho chúng ta sự tăng cường về đức tin, giúp chúng ta nhận biết Đức Kitô phục sinh ở giữa cuộc đời chúng ta, biến đổi chúng ta thành những người hành hương đầy hy vọng Kitô giáo.
For pilgrims of hope
In anticipation of the Church’s next jubilee, the faithful are asked to pray during the month of December that “the coming Church Jubilee Year 2025 strengthens us in our faith, helping us to recognize the risen Christ in the midst of our lives, transforming us into pilgrims of Christian hope.”
SUY NIỆM TIN MỪNG

Phim - Nhạc - Suy niệm
Xem chuyên mục Media Online
Từ Điển Online:     

Truyền Tin

Email: tt.march25@gmail.com

Website: truyen-tin.net

Online since: May 2010

Tìm kiếm nội dung
(Gõ từ khóa vào vào khung dưới đây)
Tìm kiếm trong Google
Nhấn vào >> Google Search

Liên hệ

Đặt làm trang chủ

@