Hãy trở nên khôn ngoan, đây là điều ưu tiên hàng đầu.
Truyen-tin.net - Sơ lược dữ kiện:

  • ♥ Tiểu sử Các Thánh: 272
  • ♥ Các Bài đọc thánh lễ: 772
  • ♥ Văn hoá, nghệ thuật: 1154
  • ♥ Tin tức, chuyên đề... 15093
  • ♥ Thư viện hình ảnh: 6916
  • ♥ Suy niệm Lới Chúa: 784
  • ♥ Video: 2269
  • ♥ Tài liệu tham khảo: 780

... cùng những sưu tập khác.
tt
Laudetur Jesus Christus - Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô NewsFeed
-
TÀI LIỆU » Đọc Sách
Back TRỞ LẠI (Cập nhật: 12/02/2011 12:00:00 SA)
A  A  A
Lịch sử Giáo Hội qua 100 trình thuật (88-89)

(DIE GESCHICHTE DER KIRCHE IN 100 REPORTAGEN)

Tác giả: Josef Holzer

Người dịch: Đinh Phan Cư, Phạm Hồng Lam

TRÌNH THUẬT 88
NAPOLEON BONAPARTE VÀ GIÁO HOÀNG PIÔ VII

“Người ta để giáo hoàng cưỡi ngựa về Paris như một ông linh mục phó xứ làng quê nhận được lệnh giám mục về dâng lễ”, Hồng y Bộ trưởng Ercole Consalvi đã viết như thế về cách Napoleon triệu giáo hoàng về Paris để xức dầu phong đế cho mình. Trước đây, chấp chánh đoàn tìm cách dẹp bỏ ngai giáo hoàng. Nay Napoleon lại “quàng ách vào ngai đó để biến nó thành một công cụ cho quyền lực toàn trị của ông” (Ranke). Thái độ coi thường của Pháp được chứng tỏ qua câu của tướng Lafayette Napoleon một lần nói thẳng với giáo hoàng: “Ông chỉ có việc nhận tội thôi! Chiếc bình xức dầu nhỏ này đáng được đập vỡ trên đầu ông. Ông chỉ muốn có vậy!”.

Năm 1804, khi muốn trở thành hoàng đế nước Pháp, tướng Napoleon đã yêu cầu Giáo hoàng Piô VII về Paris làm lễ phong đế cho mình. Chưa bao giờ một giáo hoàng đã tới Wien để xức dầu phong đế (cho hoàng đế đế quốc Đức). Nhưng lần này Piô VII chịu đến Paris, là vì ngài hy vọng có dịp gặp riêng để yêu cầu Napoleon bỏ đi một số điểm trong danh sách “khoản (77)” của ông. Song chuyến đi này cũng thất bại như chuyến đi sang Áo của vị tiền nhiệm Piô VI trước đây. Napoleon muốn trở thành một quân vương chính danh qua việc xức dầu đội mũ. Ông bắt giáo hoàng phải tuyên bố bỏ tước “Đế chính Rôma của Quốc gia Đức” (hoàng đế Rôma), dù rằng tước này đang thuộc về hoàng đế Joseph II nước Áo. Ngày 6-8-1806, Joseph II tuyên bố tự nguyện từ chối tước hoàng đế nước Đức, để giúp Giáo hoàng đỡ khó khăn trong quyết định đó.

Trong lễ tấn phong tại Nhà thờ Đức Bà Paris, Napoleon chỉ cho phép giáo hoàng xức dầu mà thôi, còn vương miện thì tự tay ông cầm đội lên đầu. Nữ quận công đất Abrantes viết về biến cố đó như sau: “Giáo hoàng là người đầu tiên bước vào nhà thờ. Không thể tưởng tượng được có sự  xuất hiện nào uy nghi và đáng kính hơn hình ảnh của Piô VII... Napoleon tỏ ra thật thanh thả... Chỉ có buổi lễ lâu làm ông cảm thấy mệt, và tôi để ý nhiều lần thấy ông muốn ngáp nhưng cố nén. Khi giáo hoàng xức dầu ba lần lên đầu và tay ông, nhìn qua ánh mắt ông, tôi biết ông là người hơn ai hết muốn lau ngay những vết dầu đó. Tôi là người hiểu rõ thái độ thường biểu hiện qua gương mặt của ông nên tôi cam đoan nhận xét mình đúng...”.

Cách mạng đã chấm dứt

Với việc xưng đế của Napoleon, cách mạng Pháp coi như chấm dứt. Nay là dịp để chúng ta bàn thêm một chút về nhà triết học ngọng nghịu khó hiểu nhưng đầy tình cảm và hăng say Jean Jacques Rousseau ở Genève, “cha đẻ” của cách mạng. Ông là đầu mối cho đòi hỏi “tự do, bình đẳng, huynh đệ” của giai cấp đệ tam bị chèn ép ở Pháp. Ông cũng là tác giả câu nổi tiếng: “Con người sinh ra bình đẳng, nhưng đâu đâu nó cũng bị xích xiềng”.

Căn nguyên quyết định cho việc nảy sinh cách mạng trong lịch sử Pháp là cuốn “Khế ước xã hội”, cuốn sách đã trở thành “sách thánh” của nhóm Jacobin và trong đó Rousseau đã bàn đến “lý thuyết ma quái về quyền tối thượng của người dân vốn không sai lầm và tự bản chất là tốt” (R. Ingrim). Người ta đọc được trong sách đó những câu “hướng dẫn tương lai” như: “Mỗi chúng ta tự khép con người và toàn bộ sức lực mình vào sự hướng dẫn của ý chí chung”; “Ai không vâng lời ý chí chung thì bị ép buộc làm chuyện đó... Như thiên nhiên cho phép mỗi cá nhân toàn quyền trên việc điều động chân tay, ‘khế ước xã hội’ cũng cho phép nhà nước có toàn quyền trên công dân mình. Tất cả mọi công việc người dân làm cho nhà nước là làm vì bổn phận của mình trước đòi hỏi của nhà nước”.

“Tự do” của Rousseau, như thế, cuối cùng đã dẫn đến việc nhà nước đàn áp con người cá nhân. Bảo Rousseau là “ông nội” (R. Ingrim) của chủ nghĩa cộng sản, như vậy, cũng không phải là sai.

Về mặt Kitô giáo, Rousseau là kẻ lót đường cho chủ nghĩa mác (Marx), khi ông khẳng định trong “Khế ước xã hội” rằng Kitô giáo “không trói buộc lòng người công dân vào nhà nước, nhưng kéo họ ra khỏi nhà nước cũng như khỏi tất cả những vấn đề trần thế khác”. Rousseau viết: “Không có chi mâu thuẫn với tinh thần của xã hội hơn thế. Một xã hội của Kitô hữu thật sự chẳng còn là một xã hội con người nữa”. Sau này Karl Marx cũng viết như vậy, khi cho rằng Chúa phải chết đi để con người sống. Hoặc là: Ai tước tôn giáo ra khỏi con người là người ấy đã làm một việc thiện, cũng giống như kẻ đã giật điếu thuốc phiện ra khỏi miệng anh cu li, vì nhờ đó mà anh này mới có khả năng chung tay đóng góp vào công cuộc xây dựng xã hội.

Chửi bới tôn giáo kết thúc trong hỗn loạn

Đứng đàng sau cuộc bách đạo quá khích thời cách mạng Pháp không phải chỉ có Rousseau, mà còn nhiều tác giả ánh sáng khác. Chẳng hạn như Voltaire, với lời hô quá khích “Diệt tên khùng đó đi!” (tên khùng ở đây ám chỉ Giáo Hội). Montesquieu gọi linh mục là những tay phù thuỷ, người làm cho người ta tin “ba là một”, ở đây ông muốn ám chỉ một cách khôi hài về giáo lý Chúa Ba Ngôi. Holbach cho rằng tôn giáo là căn nguyên của mọi khổ đau con người, và Diderot tuyên bố: “Thế giới chỉ hạnh phúc khi nào mà vị vua cuối cùng bị thắt cổ bằng khúc ruột của ông linh mục cuối cùng”.

Nước Pháp như ngộp thở trong máu và nước mắt khi cách mạng thực thi những điều mà các triết gia “ánh sáng” nhân danh “lý trí” đòi hỏi, bởi lẽ lý trí con người cuối cùng đã lộ hình như một ác thú đui mù, mặc sức cắn xé đồng loại. Vì thế, nhà khoa học và thần học Blaise Pascal đã viết về lý trí con người: “Kết luận cuối cùng của lý trí là nó nhận ra có nhiều điều còn vượt xa trí hiểu của nó”, nghĩa là, lý trí không bao giờ là và không bao giờ được phép là lẽ phán xét cuối cùng cho hành động và tính toán con người, nếu như nó không muốn chỉ mang lại khổ đau và đường cùng cho con người. Cách mạng Pháp đã chứng minh cho thấy lý trí “thuần tuý” không thể nắm quyền quyết định nếu như nó tách rời khỏi tinh thần trách nhiệm, đạo đức và tôn giáo.

Chỉ một mình giáo hoàng chống lại Napoleon

Khi Napoleon buộc giáo hoàng đi theo mình về mặt chính trị và buộc ngài phải tăng số hồng y lên 1/3 nữa và Piô VII không đồng ý, thì quan hệ giữa hai người vỡ. Ngày 2-2-1808, Napoleon chiếm Rôma, và ngày 17-5-1809 ra dụ sát nhập phần đất còn lại của nước Giáo Hội vào lãnh thổ Pháp, để “chấm dứt sự thông đồng lạm dụng giữa thần và thế quyền”. Từ lâu đài Schoenbrunn ở Wien - mà ông gọi “căn cứ quân sự của hoàng đế chúng ta”. Napoleon tuyên bố từ nay chấm dứt “vĩnh viễn” nước Giáo Hội. Nước này từ nay trở thành một phần của Vương quốc Pháp. Ngày 10-6, cờ giáo hoàng trên luỹ Thiên thần được thay bằng cờ tam tài của Pháp. Piô VII phản ứng, dứt phép thông công Napoleon. Ngài cho dán sắc chỉ này lên các nhà thờ ở Rôma ngày 10-6-1809. Đêm mồng 6-7, Giáo hoàng bị bắt.

Đức Piô VII bị bắt

Tướng Radet được lệnh bắt giáo hoàng. Vào lúc 2 giờ 30 sáng, chỉ huy trưởng cảnh sát Radet dẫn quân lính vào điện Quirinal, phá cửa. Đột nhiên, giáo hoàng xuất hiện, ra lệnh cho đội lính canh người Thuỵ Sĩ không được chống lại. Thấy ngài, lính Radet theo nhau kính cẩn quỳ sụp xuống. Riêng Radet, như sau này ông thố lộ, thoạt tiên có cảm tưởng như đang ở trong buổi rước lễ lần đầu. Sau khi sực tỉnh, ông nói với giáo hoàng là ông nhận lệnh vào cất vai trò thế quyền của giáo hoàng. Nghe vậy, Piô VII trả lời rằng ngài không thể cho cái gì mình không có, rằng ngài chỉ là một người quản trị nước Giáo Hội. Sau đó ngài được dẫn ra một chiếc xe thư đậu bên ngoài thành phố. Trong xe rất nóng nực, nhưng người ta vẫn kéo các màn che xuống để không ai nhìn thấy ngài. Mọi người ăn trưa trong một quán ăn dơ bẩn. Nước uống múc từ dòng suối trước cửa quán ăn. Sau 19 giờ di chuyển, người ta đưa ngài vào nghỉ đêm trong một nhà trọ. Ngày 8-7, ngài được đưa vào nghỉ đêm trong chính căn phòng ở Certosa gần Firenze mà 10 năm trước Giáo hoàng Piô VI đã lai vãng. Ngày 15-8, ngài tới Savona và tạm lưu lại đó. Đoàn hồng y và tuỳ tùng được lệnh đi tiếp về Paris. Trên đường sang Nga đánh nhau, khi đang ở thành phố Dresden (Đức), Napoleon ra lệnh đưa Giáo hoàng về Fontainebleau gần Paris. Dù lúc đó đang đau sắp chết, người ta cũng mang ngài lên đường.

Sau khi ở Nga về, Napoleon lại ép Piô VII lần nữa, để ngài đồng ý bỏ nước Giáo Hội và gấp rút công nhận những giám mục mới được Napoleon bổ nhiệm cũng như chịu chấp nhận điều kiện có hai dinh thay đổi nhau cho giáo hoàng, lúc thì ở Rôma lúc ở Paris. Ngày 25-1-1813, lực đã kiệt, Piô VII chấp nhận bản dự thảo đó để làm nền tảng cho một thoả ước về sau. Nhưng Napoleon cho công bố bản dự thảo và nói đó là “Thoả ước Fontainbleau”. Giáo hoàng vì thế đã rút lại sự đồng ý.

Khi liên quân Âu châu tiến gần tới Paris sau khi đã thắng trận gần Leipzig (1813), Napoleon ra lệnh đưa Giáo hoàng về lại Savona và trả tự do cho ngài ngày 10-3-1814. Một tháng sau, chính Napoleon phải ký lệnh từ chức ở Fontainebleau và bị đưa đi lưu đày ở đảo Elba.

Chiến thắng tinh thần của giáo hoàng

Khi tới sông Taro thuộc bắc Ý, nơi Áo và Pháp đang dàn quân chống nhau, một đại tá người áo mang Giáo hoàng qua sông rồi quỳ rạp xuống chân ngài. Lính Pháp và Áo cũng theo nhau quỳ xuống để được đức Thánh Cha chúc lành.  Sau 5 năm tù, ngày 25-5-1814, Piô VII về tới Rôma giữa tiếng reo hò vui không thể tả của dân chúng. Trong cuộc đọ sức với Napoleon, ngài đã thắng về tinh thần. Vừa về tới Rôma, ngài cho lập lại dòng Tên, và trong 9 năm cuối đời, ra sức đặt lại nền móng cho sự phục hưng của giáo triều.

TRÌNH THUẬT 89
CHẤM DỨT QUỐC GIA GIÁO HỘI

Năm 1809, Napoleon sát nhập Quốc gia Giáo Hội (nước Giáo Hội) vào Pháp. Đại hội Wien (1814) đã bãi bỏ việc sát nhập đó và trả lại đất cho giáo hoàng, trừ phần đất Avignon và Venaissin vẫn tiếp tục nằm trong tay người Pháp. Nhưng số phận của Quốc gia Giáo Hội cũng chẳng kéo dài. Nó chấm dứt vào ngày 20-9-1870, sau hơn 1000 năm hiện diện. Từ đây nó bị sát nhập vào Vương quốc Ý vừa mới hình thành.

Có hay không có giáo hoàng, Ý vẫn thống nhất

Từ năm 1831, các đại biểu Anh, Pháp, Nga và Phổ ở Vatican đã đề nghị giáo hoàng ân xá các chính trị phạm, cho phép giáo dân tham gia vào các cơ quan hành chánh và tư pháp, mở quyền tự trị cho các làng xã và cho thành lập một hội đồng quốc gia và hội đồng tài chính.

Những người quốc gia khác như Vincenzo Gioberti chủ trương đi tới một liên bang Ý với vị đứng đầu liên bang là giáo hoàng. Nhân vật tam điểm Mazzini thì đòi thành lập một quốc gia Ý và dẹp bỏ vai trò lãnh đạo của giáo hoàng trên nước Giáo Hội.

Giáo hoàng Grêgôriô XVI (1830-1846) bác bỏ không những đòi hỏi của Mazzini và đề nghị của Gioberti, mà cả bất cứ nỗ lực nào nhằm dân chủ hoá nước Giáo Hội, vì sợ rằng làm như vậy có thể sẽ đưa Ý vào con đường “cách mạng” như ở Pháp đã xảy ra.

Nước Giáo Hội vì vậy tiếp tục chìm trong tình trạng tham nhũng vì luật pháp bất minh, trong sưu cao thuế nặng, trong luật lệ ăn chay hãm mình khắc nghiệt, trong bất an vì khủng bố của những băng đảng trong vùng Abruzzen. Lại nữa chỉ có giáo sĩ mới được làm công chức và thành phần này thường cố ý cản trở việc phong chức cho những người khác, để mình khỏi phải chia bớt nguồn thu nhập. Làm như thế họ mới có cơ hội gom góp tiền bạc mau đủ để lập gia đình. Cơn giận của người dân chống lại nước Giáo Hội, chung quy lại, cũng là vì lệ không cho giáo dân tham gia bộ máy hành chính.

Ngay năm 1831 đã xảy ra cách mạng trong nước Giáo Hội. Một chính quyền đã được thành lập trong vùng Romagna để tính chuyện lật đổ giáo hoàng, nhưng đã bị quân đội Áo dẹp kịp thời. Cũng như giáo hoàng, nước Áo không muốn để Ý thống nhất, vì Áo còn có nhiều uy thế trên nước này.

Piô IX, niềm hy vọng của nhiều người

Piô IX nguyên là Mastai Ferreti, Giám mục Giáo phận Imola, được bầu giáo hoàng năm 54 tuổi. Khi ngài lên thì phong trào đòi thống nhất đã như nước vỡ bờ, không thể cản được nữa. Phe quốc gia hồ hởi về việc bầu Piô IX, vì trước đó ngài đã tỏ cho thấy có nhiều thiện cảm với chủ trương của họ. Một vài biện pháp vào thời gian đầu của triều đại ngài đã tạo nhiều phấn khởi, như mở lệ triều yết chung vào mỗi ngày thứ năm, giảm kiểm duyệt báo chí, thành lập đội tự vệ và hội đồng bộ trưởng và tái lập hiến pháp dân sự cho Rôma. Việc ngài một sớm một chiều ra lệnh ân xá cho tù chính trị đã đưa uy tín ngài lên cao tột đỉnh. Ngày 16-7-1846, thông cáo lệnh ân xá được treo khắp đó đây: “Ta ra lệnh ân xá toàn bộ cho những thần dân nào đã bị án phạt vì phạm tội chính trị, với điều kiện họ phải viết giấy tuyên hứa là, bất kỳ ở đâu và lúc nào, sẽ không bao giờ lạm dụng sự ân xá này và hứa từ nay sẽ làm tròn bổn phận của một thần dân tốt và trung thành”.

Ngay cả Mazzini lúc đó cũng phấn chấn viết thư khuyên giáo hoàng nên đứng ra dẫn đầu phong trào thống nhất, nhưng cũng không quên nhắc khéo ngài là, nếu không, dân sẽ bỏ thập giá mà theo con đường riêng của họ. Những biện pháp trên càng làm dân Ý mến bao nhiêu thì Piô IX lại bị Áo bực bội bấy nhiêu. Ở Wien lúc đo, một tài liệu với tựa đề “Nguỵ thánh Piô IX” được tung ra khắp nơi. Tuy nhiên, khi phe quốc gia ở Ý yêu cầu Đức Thánh Cha tích cực tham gia vào cuộc chiến chống Áo, thì ngài từ chối và trả lời rằng ngài không muốn ai ra điều kiện cho mình cả.

Cách mạng lúc này chẳng còn tránh nước Giáo Hội nữa. Ngày 15-11, vị thủ tướng đầu tiên được giáo hoàng uỷ nhiệm lãnh đạo Quốc gia Giáo Hội là Pellegrino Rossi bị một anh cách mạng đâm chết, khi ông này bất chấp đe doạ tiến vào điện Quirinal để khai mạc quốc hội. Tiếp đó, cách mạng bùng nổ, khiến Giáo hoàng ngày 24-11 phải chạy tới Gaeta thuộc Vương quốc Napoli lánh nạn. Ngày 9-2 năm sau (1849) Giuseppe Mazzini tuyên bố nước Giáo Hội là một quốc gia cộng hoà. Nhưng nhà nước cộng hoà này chỉ kéo dài được 62 ngày và Rôma trong thời gian đó lâm vào tình trạng bi đát như chưa từng thấy. Cướp bóc, ám sát, chém giết như cơm bữa, cho tới khi thành phố được quân Pháp tái lập trật tự. Sau khi trở lại Rôma, Piô IX quay trở về con đường chuyên chế triệt để. Điều này làm những người “dân chủ” - mà thực chất là một đám khủng bố đội lốt, như ở Pháp trước đây - thất vọng.

Bước ngoặc quyết định

Khi vua Viktor Emanuell II của Vương quốc Piemont Sardinien và anh du kích Giuseppe Garibaldi đứng ra điều động việc thống nhất, thì số phận nước Ý và Quốc gia Giáo Hội bước vào một khúc rẽ quyết định. Năm 1859, quân cách mạng Ý thắng Áo ở trận gần Solferino, chiếm phần đất Lombardei về lại cho Ý. Năm 1860 Garibaldi đưa quân lên đảo Sizilien đánh đuổi quốc vương xứ Napoli. Cùng năm đó quân Piemont tiến vào nước Giáo Hội và đánh bại quân của giáo hoàng trong trận gần Castelfidardo. Dân trong các vùng Toskana, Parma, Modena và Romagna bỏ phiếu gia nhập Vương quốc Ý vừa mới hình thành. Năm 1861, Viktor Emanuell II được đại hội ở Firenze đề cử làm “Vua của nước Ý”. Giáo hoàng chỉ còn lại phần đất Rôma và vùng lãnh địa Phêrô (Patrimonium Petri: vùng đất chính của Quốc gia Giáo Hội).

Rô ma trở thành thủ đô của Ý

Sau khi thất trận ở Sedan, Pháp rút quân khỏi Ý. Giáo hoàng, vì vậy, mất hậu thuẫn quân sự của Pháp. Được thế, Garibaldi cho tiến quân vào phần đất còn lại của Quốc gia Giáo Hội và trực chỉ tiến về Rô ma. Giáo hoàng Piô IX ra lệnh cho lực lượng trú phòng chỉ chống trả tượng trưng mà thôi và sẵn sàng giao thành ngay sau khi thành vỡ. Klemens August Eicholt, một trung uý pháo binh người Đức trong đoàn binh của Giáo hoàng, ghi lại theo nhãn quan của ông việc chiếm thành Rôma và những giờ phút chót của nước Giáo Hội như sau:

“Chiều tối ngày 19-9, Piô IX đi xe tới Lateran. Như thói quen của dân Ý thời đó, ngài quỳ gối leo lên đền Scala Santa để chầu Mình Thánh Chúa. Cho tới hôm nay, đây là lần cuối cùng một giáo hoàng rời bỏ Vatican. Cũng chiều tối hôm đó, chỉ huy trưởng của chúng tôi ra lệnh chuẩn bị và nói: ‘Sáng mai lúc 5 giờ cuộc tấn công vào Rô ma sẽ bắt đầu’. Cũng may mà cuộc tấn công xảy ra lúc còn sớm. Các đấng bậc chức sắc chưa dậy và do đó sẽ không ai hối hả chạy tới Vatican để xin Đức Thánh Cha cấp tốc cho kéo cờ trắng. Và vừa xoa tay, ông nói thêm: ‘Như thế hy vọng chúng ta còn có mấy tiếng đồng hồ để dập quân Ý’. Bình minh ngày 20-9-1870, chiếu sáng một quang cảnh buồn bã. Thành Rôma của các giáo hoàng, thủ đô của Giáo hội Công giáo, bị họng súng bao vây tứ phía và chốc nữa đây sẽ biến thành một biển khói và lửa. 5 giờ kém mười lăm, 14 họng pháo bắt đầu nhả đạn vào cửa San Giovanni. Lực lượng trú phòng bảo vệ cửa gồm hai đội pháo. Đây là giờ phút vinh dự và may mắn cho chúng tôi được lâm chiến...”.

Sau một cuộc đụng độ ngắn, người ta biết được Garibaldi sẽ vào thành bằng cửa Pia. Vì vậy đội pháo được lệnh ngừng bắn. Anh trung uý kể tiếp:

“Chúng tôi thoải mái tiến về Công trường Thánh Phêrô, dựng hai khẩu pháo bên tháp giữa công trường và dẫn lừa, ngựa vào trú dưới các trụ phía cửa đồng điện Vatican. Sau chúng tôi, những đám quân khác cũng kéo tới đóng trại trên công trường. Một đêm buồn bã nữa trôi qua, đêm cuối cùng trong cuộc đời phục vụ giáo hoàng. Những vết thương làm tôi không thể nào chợp mắt được. Càng không ngủ được khi nghĩ đến rồi đây số phận của đức Thánh Cha, vị lãnh đạo chúng tôi, sẽ ra sao. Mãi lâu sau nửa đêm đèn phòng của ngài mới tắt. Không biết tắt đèn rồi ngài có chợp mắt được không. Tôi tựa mình vào súng, người quấn trong áo choàng, đợi chờ ngày tới, chong mắt nhìn những tia sáng bình minh trong làn khí ban mai se lạnh...

Buổi sáng trôi qua trong những chuẩn bị súng ống. Lần cuối cùng quân đội của giáo hoàng dàn binh trên công trường Phêrô. Chúng tôi ngồi trên mình ngựa trong tư thế sẵn sàng lên đường. Bổng hàng ngàn tiếng la reo lên: ‘Đức Thánh Cha, xin ĐTC ban phép lành cho chúng con!’ ĐTC xuất hiện nơi cửa sổ, cánh cửa mở, tất cả yên lặng như tờ. Ngài đưa tay lên ban phép lành...

Tôi gập đầu lên cổ ngựa. Những hạt nước mắt nóng thấm xuống bờm ngựa. Tôi xấu hổ liếc nhìn sang bên thì thấy vị tiểu đoàn trưởng Mueller của tôi - một tay lính chân chất đã từng ra trận ở Phi châu và Mễ tây cơ - cũng nước mắt lăn dài trên má... Rồi như có lệnh, các đơn vị bộ binh đồng loạt dơ cao tay súng. Lời chào cuối cùng là một phát đại bác xé trời. Bóng dáng ngài Piô IX biến mất sau cánh cửa sổ...”.

Từ cái ngày 20-9-1870 ấy Rôma trở thành thủ đô của Ý. Không lâu sau đó Viktor Emanuell vào thành và đóng đô tại dinh Quirinal.

 

Các Vương quốc trên lãnh thổ Ý trước khi thống nhất Ý

Còn tiếp

Đinh Phan Cư, Phạm Hồng Lam chuyển ngữ
Ghi lại phản hồi, xin nhấn vào »  Nhập ý kiến của bạn:
Ý kiến - nhận xét của bạn về bài:

Lịch sử Giáo Hội qua 100 trình thuật (88-89)

Tên:
Email:
Ý kiến - nhận xét - Comments:

  (hoặc nhấn phím ESC hoặc nhấn vào khung nền)

Chưa có ý kiến   Pending (3)
TIN - BÀI KHÁC   179 tin bài trong TÀI LIỆU » Đọc Sách
  Vatican II đã trở lại trong các bản tin, đặt ra câu hỏi: Vatican I là gì? | Cao Nguyên
  Diễn văn: “Đế chế tà ác” – Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan | Minh Nhật biên tập
  Tết của mẹ | Thanh Phong
  Gặp gỡ Sandra Sabattini, một thiếu nữ 22 tuổi mới được phong chân phước | Cao Nguyên tổng hơp
  Kinh Mân Côi là sự sùng kính với cả Trái tim, Trí óc và Thân thể | Susan Klemond
  Tòa thánh báo cáo về cuộc đàm phán giữa Taliban để ngăn chặn thảm họa nhân đạo | Cao Nguyên dịch
  Tam Nhật Thánh: Tìm thấy các biểu tượng của 7 Bí tích trong Kinh Lạy Cha | Julia Kang - Cao Nguyên dịch
  Phép lạ của Thánh Giuse về chiếc máy bay gãy đôi nhưng không thiệt hại nhân mạng | Mi Trầm
  Đấng đáng kính TGM Fulton Sheen viết về Thánh Giuse | Cao Nguyên
  Sách mới về ĐTC Phanxicô: “Thiên Chúa và thế giới sẽ đến” | Ngọc Yến
  Lịch sử và Tinh thần Nhóm Mân Côi (11) | F.X. Trần Kim Ngọc, OP, chuyển ngữ
  Lịch sử và Tinh thần Nhóm Mân Côi (10) | F.X. Trần Kim Ngọc, OP, chuyển ngữ
  Lịch sử và Tinh thần Nhóm Mân Côi (9) | F.X. Trần Kim Ngọc, OP, chuyển ngữ
  Lịch sử và Tinh thần Nhóm Mân Côi (8) | F.X. Trần Kim Ngọc, OP, chuyển ngữ
  Lịch sử và Tinh thần Nhóm Mân Côi (7) | F.X. Trần Kim Ngọc, OP, chuyển ngữ
  Lịch sử và Tinh thần Nhóm Mân Côi (6) | F.X. Trần Kim Ngọc, OP, chuyển ngữ
  Lịch sử và Tinh thần Nhóm Mân Côi (5) | F.X. Trần Kim Ngọc, OP, chuyển ngữ
  Lịch sử và Tinh thần Nhóm Mân Côi (4) | F.X. Trần Kim Ngọc, OP, chuyển ngữ
  Lịch sử và Tinh thần Nhóm Mân Côi (3) | F.X. Trần Kim Ngọc, OP, chuyển ngữ
  Lịch sử và Tinh thần Nhóm Mân Côi (2) | F.X. Trần Kim Ngọc, OP, chuyển ngữ
Tìm kiếm trong phần Tin - Bài này
 [Tìm tên bài, tên tác giả, nội dung...]
Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 4-2024
Cầu nguyện cho vai trò của những người nữ
Chúng ta hãy cầu nguyện để phẩm giá và sự phong phú của những người nữ được nhận biết trong tất cả các nền văn hoá, để không còn sự phân biệt đối xử mà họ là những nạn nhân ở nhiều nơi trên thế giới.
For the dignity of women
During April, Catholics are asked to pray that “the dignity and worth of women be recognized in every culture.” The prayer intention includes praying for an end to the discrimination many women face in different parts of the world.
SUY NIỆM TIN MỪNG

Phim - Nhạc - Suy niệm
Xem chuyên mục Media Online
Từ Điển Online:     

Truyền Tin

Email: tt.march25@gmail.com

Website: truyen-tin.net

Online since: May 2010

Tìm kiếm nội dung
(Gõ từ khóa vào vào khung dưới đây)
Tìm kiếm trong Google
Nhấn vào >> Google Search

Liên hệ

Đặt làm trang chủ

@