Truyen-tin.net
Suy niệm: Chúng ta đã bước vào Mùa chay với nghi thức xức tro lên đầu, nói lên tâm tình sám hối của người tín hữu. Nhưng lòng sám hối không chỉ dừng lại ở nghi thức trong ngày thứ Tư Lễ Tro hay trong 40 ngày Mùa Chay; trái lại tâm tình đó phải đi suốt cuộc đời mỗi người chúng ta. Bởi vì tất cả chúng ta đều ý thức rằng thân phận con người vốn mỏng dòn, dễ sa đi ngã lại. Chính nhận thức đó giúp ta dễ sống khiêm nhường hơn, cũng như dễ nghe theo Lời Chúa dạy hơn. Đang khi Giô-na là một ngôn sứ được Thiên Chúa sai đến kêu gọi dân sám hối, Đức Giê-su đến không chỉ rao giảng lòng thương sót của Thiên Chúa, mà còn có quyền ban ơn tha tội ‘tội con đã được tha rồi’ (Lc 7,48). Một Đấng uy quyền đang ‘ở đây’ lẽ nào chúng ta lại cứng lòng không nghe theo sao!
Mời Bạn: Mùa Chay nhắc nhở chúng ta sống tâm tình sám hối như ý nghĩa của thời gian đặc biệt này. Nhưng thật nguy hiểm nếu sau Mùa Chay, chúng ta lại ‘sống thả giàn’ theo kiểu bù lỗ lại những tháng ngày chay tịnh khắc khổ. Lâu nay bạn có suy nghĩ như vậy không?
Chia sẻ: Chúa mời gọi bạn hoán cải về phương diện nào trong Mùa Chay này?
Sống Lời Chúa: Tôi tham dự các nghi thức phụng vụ với tâm tình sám hối trong Mùa Chay cũng như trong suốt cuộc đời làm con Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa luôn quảng đại và giàu lòng thương xót. Xin cho chúng con đừng lợi dụng lòng tốt của Chúa để ở mãi trong tội lỗi, nhưng cho chúng con luôn sống tâm tình thống hối để làm đẹp lòng Chúa. Amen.
Ở đời, người ta hay đề cao những kẻ nói hay, hót giỏi, tức là nịnh bợ tốt. Họ cũng hay khen những kẻ biết dùng mánh khóe để lừa thầy phản bạn… Người ta cũng không tiếc đưa ra những lời ca ngợi những người thành đạt, giàu có và có chỗ đứng trong xã hội, bất luận điều đó đến từ đâu!
Sống trong một xã hội như vậy, chúng ta không lạ gì khi có rất nhiều người khẳng định vị trí, vai trò của mình bằng những hành động lưu manh mà không hề áy náy!
Tuy nhiên, những điều mà người đời cho là khôn ngoan trên đây thì lại là dại dột, ngu xuẩn trước mặt Thiên Chúa. Thật vậy, người khôn ngoan trước mặt Thiên Chúa là người biết sám hối.
Tại sao thế? Thưa! Bởi vì, sám hối là biểu hiện của một tâm hồn khiêm nhường, công chính. Sám hối còn là dấu chỉ của người thuộc về Chúa. Sám hối là điều kiện cần để được cứu độ.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, các Luật Sĩ và Pharisêu đòi Đức Giêsu phải làm một dấu lạ thì họ mới tin. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã không làm và ngược lại, Ngài đã dạy cho họ phải biết sám hối, nếu không thì không thể được cứu độ. Đức Giêsu đã cảnh báo họ, khi đưa ra hình ảnh nữ hoàng phương nam, dân Ninivê sẽ được cứu độ, vì họ đã đi tìm kiếm sự khôn ngoan, biết ăn năn sám hối, còn con cái trong nhà sẽ bị loại vì không biết sám hối.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho mỗi người chúng con biết đi tìm lẽ khôn ngoan là biết ăn năn sám hối chân thành để được cứu độ. Amen.
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP