Truyen-tin.net
THỨ BẢY TUẦN III MÙA CHAY Chìa Khoá Của Tự Do
Người Hồi giáo nói về sự cầu nguyện bằng câu chuyện sau:
Có một người thợ kim hoàn nghèo nhưng thanh liêm bị giam tù vì một tội ông không bao giờ phạm. Vài tháng sau khi người chồng bị giam giữ, người vợ đến gặp ban giám đốc và xin cho chồng một ân huệ. Bà nói chồng bà là một tín hữu trung thành với các buổi cầu nguyện, bà xin được gửi cho chồng một tấm thảm nhỏ để quì cầu nguyện năm lần một ngày theo qui định của Hồi giáo. Lời thỉnh cầu được chấp nhận dễ dàng… Ngày nọ, người thợ kim hoàn đến trình bày với các quản giáo: “Tôi là thợ kim hoàn, nếu các người cho tôi một ít kim loại, tôi có thể vừa qua được thời giờ nhàn rỗi, vừa làm được cho các người những nữ trang có thể dùng được”. Các quản giáo không thấy trở ngại nào về điều đó. Một ngày nọ, các canh tù bỗng phát giác ra cánh cửa nhà tù bị mở toang và người thợ kim hoàn đã tẩu thoát. Cùng lúc đó người ta cũng bắt giữ được thủ phạm đích thực mà họ đã qui lầm cho người thợ kim hoàn. Bấy giờ người thợ kim hoàn mới ra mặt và tiết lộ việc trốn thoát cuả ông. Sau khi ông bị bắt oan, vợ ông liên lạc với kiến trúc sư đã vẽ hoạ đồ nhà tù. Ông này cho phép bà in nguyên hoạ đồ chi tiết cuả nhà tù lên tấm thảm. Mỗi ngày năm lần dù phủ phục trên tấm thảm để cầu nguyện, người thợ đã thuộc lòng đường ra lối vào của nhà tù, thêm vào đó nhờ những mảnh kim loại các quản giáo cung cấp, người thợ đã có thể mài dũa những chìa khoá để mở các cánh cửa nhà tù, đó là bí quyết đã giúp ông trốn được khỏi nhà tù.
Cầu nguyện là chìa khoá của tự do. Một tâm hồn khao khát tự do đích thực là một tâm hồn biết cầu nguyện. Chúa Giêsu như muốn minh hoạ cho chân lý ấy qua dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện: một người Biệt phái lên giữa đền thờ đứng thẳng người để kể về những thành tích của mình, trong khi đó người thu thuế tội lỗi đứng trong góc đền thờ, không dám ngước mặt lên, nhưng cúi mình đấm ngực nói lên nỗi khốn cùng tội lỗi của mình. Chúa Giêsu tuyên bố người thu thuế ra về được tha tội, còn người Biệt phái vẫn tiếp tục ù lì trong sự tự phụ của mình. Phải chăng Chúa Giêsu không muốn nói với chúng ta rằng câu chuyện đích thực chính là nỗi khao khát được thoát khỏi những thứ nô lệ đang trói buộc tâm hồn con người.
Mùa Chay là trường dạy cầu nguyện. Giáo hội mời gọi chúng ta gia tăng cầu nguyện, điều đó có nghĩa là chẳng những dành nhiều thời giờ cho cầu nguyện, mà nhất là thanh luyện thái độ chúng ta trong khi cầu nguyện, lời cầu nguyện đích thực trong mùa chay phải là thái độ sám hối. Khởi đầu của cầu nguyện ấy là mọi nhận thức sâu xa về thân phận, tội lỗi của chúng ta và từ đó nói lên tất cả tín thác của chúng ta vào tình yêu tha thứ của Chúa. Lòng tín thác ấy sẽ xoá tan mọi tội lỗi và mang lại cho chúng ta tự do đích thực của con cái Chúa.
Như người con hoang đàng mong được trở về với cha, như người thu thuế nép mình nơi lòng tha thứ của Chúa, xin cho chúng ta luôn được sống trong tâm tình sám hối thực sự và cảm nhận được tình thương khoan dung vô bờ của Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
“Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,33)