Truyen-tin.net
I. LỊCH SỬ PHỤNG VỤ
Lễ Truyền tin được mừng đầu tiên tại Giáo hội Đông phương vào Chúa nhật I mùa Vọng từ thế kỷ IV hay thế kỷ V để kính nhớ mầu nhiệm Nhập Thể. Đến thế kỷ VII, lễ này lan sang Giáo hội Tây phương để kỷ niệm Đức Trinh Nữ Maria chịu thai Ngôi Lời Nhập Thể, đồng thời kỷ niệm Chúa Kitô được xức dầu làm Thượng Tế và làm Trung Gian giữa Thiên Chúa và loài người. Đức Thánh Sergiô I lập bốn lễ: Lễ Đức Mẹ tịnh tẩy, dâng Con vào đền thờ, lễ Truyền tin, lễ Sinh nhật Đức Mẹ, và lễ Đức Mẹ lên trời. Mỗi dịp lễ này, ngài truyền dạy tổ chức cuộc rước Đức Mẹ từ nhà thờ Thánh Adrianô về đền thờ Đức Bà Cả tại Rôma. Thánh Phêrô Kim ngôn đã giảng nhiều trong lễ Truyền tin.
Thánh Augustinô đã đề nghị mừng lễ Truyền tin vào ngày 25 tháng 3 cho đúng chín tháng trước lễ Giáng sinh, nhưng Giáo hội Tây Ban Nha không đồng ý, nên Công đồng Toleđô năm 656 ấn định mừng tám ngày trước lễ Giáng sinh rồi đổi sang ngày 18 tháng Giêng để tránh mùa Chay. Đức Bênêđictô XIV ra sắc lệnh ấn định khắp Giáo hội mừng lễ Truyền tin vào ngày 25 tháng 3 theo Thánh Augustinô đã đề nghị và như ngày nay.
Năm 1884 Công đồng Baltimore quyết định lễ Truyền tin ngày 25 tháng 3 là lễ nghỉ và lễ buộc cho Giáo hội Hoa Kỳ.
II. Ý NGHĨA PHỤNG VỤ
Lịch Rôma thời xưa trọng thể mừng "lễ Ngôi Lời nhập thể" gọi là "Lễ Truyền tin của Chúa". Lễ này đã được sửa đổi lại nhưng là lễ mừng Chúa Kitô và Đức Trinh Nữ. Mừng Chúa là Ngôi Lời trở thành Con Mẹ Maria (Mc 6:3). Mừng Đức Trinh Nữ trở thành Mẹ Thiên Chúa.
* Về Chúa Kitô, Phụng vụ Đông phương và Tây phương mừng lễ trọng này để kính nhớ "lời xin vâng" của Ngôi Lời nhập thể vào trần gian đã nói: "Lạy Chúa, này con đây. Con xin đến để thực thi ý Chúa" (xem Dt 10:7; Tv 39:8-9). Lễ này cũng kính nhớ giây phút đầu tiên của ơn Cứu chuộc và mối tơ duyên kết hợp bất khả phân ly của Thiên tính với nhân tính trong một ngôi vị của Ngôi Lời.
* Về Mẹ Maria, Phụng vụ Đông phương và Tây phương mừng lễ trọng này như một lễ của Tân Evà là Đức Trinh Nữ tuân phục và trung thành. Với lời thưa "Xin vâng quảng đại", bởi phép Chúa Thánh Thần, Mẹ đã trở nên Mẹ Thiên Chúa cũng là Mẹ chúng sinh. Và bởi nhận trong cung lòng một Đấng trung gian (1 Tm 2:5), Mẹ thật sự trở nên Hòm bia Giao ước và Đền thờ Thiên Chúa. Phụng vụ này cũng kính nhớ thời điểm cao chót của cuộc đối thoại cứu độ giữa Thiên Chúa và loài người, và kính nhớ sự tự tình chấp nhận và hợp tác của Đức Trinh Nữ trong công trình Cứu chuộc.
III. Ý NGHĨA LỜI CHÚA TRONG THÁNH LỄ
Bài đọc I: Isaia 7:10-14
Thời vua Akhaz cai trị nước Giuđêa, vua Aram và vua Ephraim định lên đánh chiếm thành Giêrusalem. Vua Akhaz hoảng sợ. Giavê sai Isaia nói với vua Akhaz: "Hãy ở yên. Đừng sợ. Lòng chớ bủn rủn". Isaia bảo vua Akhaz phải đặt lòng tin vào Giavê trong giờ nguy kịch cho triều đại Đavít. Isaia lại nói với vua Akhaz: "Hãy xin với Giavê, Thiên Chúa ngươi, một dấu". Nhưng Akhaz nói: "Tôi đâu dám xin thế. Tôi không muốn thử sức Giavê". Ngài mới nói: "Hỡi nhà Đavít, hãy nghe đây... chính Đức Chúa sẽ cho các ngươi một dấu: Này Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh Con và Bà sẽ gọi tên Con là Emmanuel". Thánh sử Matthêô giải thích lời tiên tri này nói về Trinh Nữ của lễ Truyền tin là "Chúa ở cùng chúng ta" (Mt 1:22-23).
Bài đọc II: Do thái 10:4-10
Chức tư tế thời Cựu ước tương phản chức tư tế của Chúa Kitô: Hy lễ Cựu ước không trừ được tội lỗi, nên Chúa Kitô đã đến, hiến dâng mình Ngài duy một lần mà chúng ta được ơn cứu thoát.
Phúc âm: Luca 1:26-38
Thánh sử Luca trình thuật cuộc đàm đạo giữa thiên sứ Gabrie và Trinh nữ Maria tại căn nhà Nazaréth xứ Galilêa. Thiên sứ chào chúc Trinh Nữ "đầy ơn phúc" làm Trinh Nữ xao xuyến. Thiên sứ trấn an Trinh Nữ và loan báo "Trinh Nữ sẽ thụ thai sinh con trai sẽ gọi tên là Giêsu. Ngài là Con Đấng tối cao. Ngài sẽ lên ngai Đavít, làm vua trên nhà Giacob đến đời đời. Vương quyền Ngài vô tận". Trinh Nữ thắc mắc: "Làm sao điều đó xảy ra được vì tôi giữ mình đồng trinh". Thiên sứ giải thích: "Thánh Thần sẽ đến trên tôn nương và quyền năng Đấng Tối Cao rợp bóng trên tôn nương, nên con tôn nương sẽ là Đấng Thánh là Con Thiên Chúa". Thiên sứ đưa tin bà Elizabéth già và son sẻ mà đã mang thai sáu tháng để minh chứng: "Với Thiên Chúa, không gì là không có thể". Trinh Nữ đầy lòng tin và ưng thuận.