Thánh Gianuariô danh tiếng không vì cuộc sống hay cái chết của ngài mà chỉ vì việc máu ngài được lưu giữ tại Naples tan loãng định kỳ.
Câu chuyện ngài chịu tử đạo còn rất mù mờ vì không được kể từ sớm trong sách các vị tử đạo, mà có lẽ chỉ được đưa vào đó do các tác phẩm của Bêđê viết năm 733. Người ta tin rằng ngài là Giám mục Bênêventô, nước Ý, thời hoàng đế Diôclêtianô. Khi nghe 4 Kitô hữu bị tống giam vì đức tin, ngài đã tới thăm họ. Bọn người dò xét sau đó đã khám phá ra và ngài bị bắt giam. Những tường thuật về cái chết của ngài không giống nhau.
Xem như ngài cùng các bạn bị ném cho thú dữ xâu xé tại vận động trường Puzzuoli... nhưng thú dữ đã không xâm phạm tới các ngài. Thánh nhân sau đó bị xử trảm vào năm 305. Thoạt đầu, thi thể ngài được lưu giữ tại Bênêventô, nhưng sau này vì sợ chiến tranh tàn phá nên được dời về Monte Vergine và sau này về Naples. Dấu chứng đầu tiên về ngài dường như là của Uraniô (431) là người cho rằng nhờ sự chuyển cầu của ngài mà núi lửa Vesuviô không phun nữa.
Tới thế kỷ XV, những hiểu biết trên là bối cảnh cho lòng sùng kính thánh nhân. Nhưng từ đó về sau, máu ngài được lưu giữ tại Naples đã làm tăng sự chú ý của rất nhiều người. Thánh tích được chứa trong ống nghiệm có hình một chiếc bình và lại được đặt trong một ống kính đặt trên giá trang hoàng lộng lẫy. Như vậy, thánh tích được đặt trong hai lớp kính và được gắn kín, không tiếp xúc với khí trời. Thánh tích là một chất đen đục chiếm nửa bình đựng. Mỗi năm, khoảng 18 lần được trưng bày cho dân chúng, cùng với một thánh tích khác được coi là đầu của vị thánh tử đạo.
Sau một khoảng thời gian thay đổi từ ít phút đến vài giờ, trong khi vị linh mục đảo ngược vài lần bình đựng và cầu nguyện xin trời cao làm phép lạ, thì khối đặc tan loãng ra, đổi thành màu đỏ, thỉnh thoảng còn sôi lên và sủi bọt nữa. Rất nhiều người nghi ngờ sự kiện này nhưng không có sự đồng nhất trong việc giải thích. Vấn đề chưa được chứng minh.
Trích trong Theo Vết Chân Người (Chân dung các thánh nhân)