TRỞ LẠI
|
(Cập nhật: 10/09/2013 7:30:47 SA) |
|
Hối cải (Xh 32,7-11.13-14; 1 Tm 1,12-17; Lc 15,1-32)
Truyện kể: Một thầy giáo nói với các học sinh trong lớp: Các em hãy viết lại Dụ ngôn Con chiên lạc, qua đó, các em sẽ cảm nhận được ý nghĩa sâu sắc hơn. Một học sinh viết: Giả sử bạn hoàn thành đánh máy một luận án dài 100 trang. Bạn đã miệt mài nghiên cứu, tìm tòi và sửa chữa rồi đánh máy. Bạn cảm thấy sung sướng khi đã hoàn tất. Bạn thu thập các trang lại bấm ghim và dán bìa, khi đó bạn phát giác ra bị thiếu mất một trang. Tưởng tượng sự sợ hãi, hoang mang và cảm thấy bực bội, sôi bao tử. Bạn bỏ 99 trang đó và bắt đầu lục lọi tìm kiếm. Bạn mong tìm cho được trang giấy đã bị thất lạc. Vì thiếu một trang, cả luận án sẽ vô nghĩa và bị mất giá trị. Đột nhiên, đàng kia, nó rơi ở ngay góc phòng. Bạn phấn khởi, dời ghế, ném tung 99 trang và quỳ gối xuống, nhặt vội trang đã bị lạc mất.
Tội lỗi đã nhập vào thế gian. Lòng con người thường dễ hướng chiều về đàng dữ. Những kéo lôi thoả mãn của dục vọng tội lỗi gọi mời con người đi ngược lại với ý muốn của Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn kiên nhẫn đợi chờ lòng hối cải, chứ không tiêu diệt. Niềm vui của Chúa Giêsu và của thần thánh trên trời là người tội lỗi lầm lạc biết ăn năn hối cải trở về. Chúa nói: "Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần hối cải." (Lc 15,7). Chúa đến để kêu gọi người tội lỗi. Biết rằng chỉ những bệnh nhân mới cần đến thầy thuốc. Chúa Giêsu có quyền tha tội và chữa lành cả thân xác lẫn linh hồn. Chúa mở rộng cửa đón nhận những người tội lỗi. Chúa không kết án hay bỏ mặc họ chìm đắm trong vũng bùn của tội nhơ. Chúa tạo cho họ có cơ hội sám hối trở về.
Ngày xưa, Thiên Chúa đã chọn ông Môsê làm thủ lãnh dẫn Dân Dothái ra khỏi nước Aicập. Giải thoát họ khỏi làm nô lệ cho người Aicập. Bước đầu của Chương trình cứu độ là đưa Dân Riêng vào miền Đất Hứa. Mới ra khỏi vòng nô lệ, lòng dân chưa được thuần thành. Tâm hồn họ còn bị ảnh hưởng bởi cách sống của dân ngoại. Nên khi có cơ hội, họ dễ quay trở lại thờ các thần do chính họ đúc thành. Họ đã nhiều lần phạm tội phản nghịch cùng Thiên Chúa. Khi ông Môsê lên núi cầu nguyện, thì dân chúng ở dưới chân núi đã hùa nhau gây rối và làm phản: Chúa phán cùng Môsê rằng: "Ngươi hãy đi xuống; dân mà ngươi dẫn ra khỏi đất Aicập đã phạm tội." (Xh 32,7). Dân chúng muốn tìm thoả mãn ngay những nhu cầu hạ giới. Họ lo cho sự an toàn cuộc sống, lo cái ăn, cái mặc hiện tại, chứ không nhận biết đường đi nước bước mà Thiên Chúa sẽ dẫn đưa họ.
Phải mất rất nhiều thời gian để cải đổi thuần thành tâm hồn một nhóm dân đông đảo. Thiên Chúa đã yêu thương, bao bọc, chở che, dạy dỗ, sửa phạt và từ từ mạc khải về chương trình cứu độ. Dân Dothái trên đường lữ hành đã đối diện với nhiều khó khăn thăng trầm. Cũng đã nhiều lần họ bỏ Chúa chạy theo tà thần: Chúng đã sớm bỏ đường lối Ta đã chỉ dạy cho chúng, chúng đã đúc tượng bò con và sấp mình thờ lạy nó; chúng đã dâng lên nó của lễ hiến tế và nói rằng: "Hỡi Israel, này là Thiên Chúa ngươi, Đấng đã đưa ngươi ra khỏi đất Aicập." (Xh 32,8). Họ chưa nhận biết Thiên Chúa duy nhất, thánh thiện, nhân từ và công bằng vô cùng. Tâm trí của dân xưa chỉ nhìn nhận một Thiên Chúa vĩ đại, quyền uy, cao sang và sửa phạt công thẳng. Họ chưa cảm nghiệm được hình ảnh một Thiên Chúa đầy lòng xót thương và nhân hậu. Thiên Chúa luôn khoan dung kiên nhẫn đợi chờ.
Chúa Giêsu là hình ảnh Chúa Cha. Không ai biết Chúa Cha ngoài Chúa Con và không ai biết Chúa Con ngoài Chúa Cha. Chúa con là Ngôi Lời mạc khải. Ngài thi hành sứ mệnh Chúa Cha giao phó. Trước hết, Chúa mang ơn cứu độ cho các con chiên lạc nhà Israel. Thời đó, các vị chức sắc tôn giáo chưa nhận diện được sứ vụ của Chúa Giêsu. Họ càm ràm: Thấy vậy, những người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm rằng: "Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi, cùng ngồi ăn uống với chúng." (Lc 15,2). Các biệt phái và luật sĩ rất bén nhạy quan sát cách hành xử của Chúa. Tư tưởng, cung cách sống đạo và thi hành lề luật của họ chỉ giới hạn nơi hình thức bên ngoài. Chúa Giêsu đi vào nội tâm khao khát của từng người. Chúa chữa lành và ban lại sự bình an cho mọi tâm hồn.
Chúa dùng nhiều thí dụ để nói lên niềm vui của tâm hồn. Chúa mong muốn những mảnh hồn đang bị xa lạc, tội lỗi, thương tích và tan nát được rửa sạch thay bằng trái tim lành mạnh đầy yêu thương. Chúa vui lắm khi một người tội lỗi biết ăn năn sám hối trở về. Tôi bảo các ông: "Các Thiên thần của Thiên Chúa sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải." (Lc 15,10). Trên trời vui mừng, các Thiên thần vui mừng và mọi người cùng hối nhân vui mừng. Sự mừng vui trong tâm hồn không thể trả giá. Vui của nước mắt ăn năn, vui của sự hối cải trở về và niềm vui của ơn cứu độ. Niềm vui an bình và thanh thoát của tâm hồn được kết hợp cùng Chúa.
Mỗi người có tiến trình trở về khác nhau. Người xa kẻ gần, người tốt kẻ xấu, ai ai cũng cần có những giây phút trở về. Đừng nghĩ rằng mình là người công chính thánh thiện không cần hối cải. Ai nói mình không phạm tội là người nói dối. Có thể chúng ta không hư thân mất nết, ăn chơi phung phí hết tiền của như người con phung phá để rồi cuối cùng mới trở về: Tôi muốn ra đi, trở về với cha tôi và thưa người rằng: 'Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha (Lc 15, 18). Tự vấn, có thể chúng ta không đến nỗi sống tệ bạc như người bạn trẻ này, nhưng có khi chúng ta đã lạc xa Chúa qua những sự dối gian, ích kỷ, giận ghét, thù hận và kiêu căng khác. Những thói xấu này làm xói mòn đời ta hơn nữa. Tội lỗi âm ỉ như những con vi trùng ung thư lan tràn khắp châu thân. Tội như là những con vi khuẩn độc hại tàn phá từng ngày. Chúng ta phải luôn cảnh tỉnh xét mình qua lời nói, hành động và cách suy nghĩ. Sẽ không thừa thãi, chúng ta biết chạy đến bác sĩ để khám bệnh, phòng bệnh và chữa bệnh kịp thời.
Một tâm hồn biết hối cải sẽ là niềm vui chung. Trong dụ ngôn người con phung phá trở về, đã được cha mở tiệc ăn mừng. Cha nói: "Nhưng phải ăn tiệc mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy." (Lc 15,32). Thật cảm động về tình cha nhân hậu! Cha không ngoái lại quá khứ để bắt bẻ, hạch hỏi hay la rầy. Cha đón nhận một tâm hồn thống hối với trái tim yêu thương rộng mở. Lòng xót thương của cha thật bao la vĩ đại. Cha ôm con vào lòng và thổ lộ rằng con ta đã bị lạc mất nay lại tìm thấy. Niềm vui vỡ oà. Con được đón nhận trở lại trong vòng tay âu yếm của cha. Của cải của cha giờ đây sẽ là của con. Sự giao hoà, tha thứ và yêu thương sẽ đan kết nên một tương lai an vui và hạnh phúc.
Thánh Phaolô không ngại nói về quá khứ bất hảo của mình. Khi được ơn trở lại, Phaolô đã sống trong ân sủng của Chúa. Thánh Phaolô tâm sự: "Dù trước kia cha là kẻ nói phạm thượng, bắt đạo và kiêu căng, nhưng cha đã được Thiên Chúa thương xót, vì cha vô tình làm những sự ấy trong lúc cha chưa tin." (1 Tm 1,13). Phaolô đã rũ bỏ quá khứ lỗi lầm và bước đi trên con đường cứu độ. Ngài không ngừng rao giảng về Chúa Kitô chịu đóng đinh và phục sinh từ cõi chết để chuộc lại lỗi lầm của chúng ta. Chúa đến để cứu thoát những con người tội lỗi. Phaolô chấp nhận thân phận yếu đuối của mình: "Lời nói chân thật và đáng tiếp nhận mọi đàng là: Đức Giêsu Kitô đã đến trong thế gian này để cứu độ những người tội lỗi, trong số ấy, cha là người thứ nhất." (1 Tm 1,15). Noi gương Thánh Phaolô, mỗi người chúng ta cũng tự xét mình, cúi đầu nhận lỗi và xưng thú lỗi lầm, ăn năn sám hối và xin ơn tha thứ.
Lạy Chúa, chúng con đã nhiều lần lạc xa và phạm tội mất lòng Chúa. Đôi khi chúng con tự cho mình là người thánh thiện và công chính. Xin cho chúng con biết cúi đầu đấm ngực ăn năn và hối lỗi trở về với Thiên Chúa là Đấng từ bi nhân hậu.
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Ý kiến - nhận xét của bạn về bài:
Hối cải[|(Xh 32,7-11.13-14; 1 Tm 1,12-17; Lc 15,1-32)]
(hoặc nhấn phím ESC hoặc nhấn vào khung nền)
|