Ngay sau khi dạy cho các môn đệ biết về việc cần thiết phải cầu nguyện luôn luôn và cầu nguyện cách kiên trì (dụ ngôn “Bà goá quấy rầy”), Chúa Giêsu còn dạy các môn đệ biết phải có tâm tình và thái độ nào khi cầu nguyện, qua dụ ngôn “Người biệt phái và người thu thuế”. Đây là một trong những dụ ngôn kinh điển của Tin Mừng Luca. Dụ ngôn đề cập 2 nhân vật chính: người thu thuế và người biệt phái. Cả hai cùng lên đền thờ cầu nguyện.
Thái độ của người biệt phái khi cầu nguyện là gì? Người biệt phái đã tự hào cho mình là người công chính. Ông đã sống ra sao mà tự cho mình là một người công chính, một “á thánh”? Thưa, ông đã thực hành nghiêm chỉnh những gì luật dạy: không trộm cướp giết người, không tham ô hối lộ, không cờ bạc rượu chè, không xì ke ma tuý, không số đề bia ôm… Tắt một lời, ông chẳng làm gì đáng chê, đáng trách.
Ông còn làm những việc đạo đức hơn cả những gì luật dạy: “mỗi tuần tôi ăn chay hai lần” (Lc 18,12). Trước thời lưu đày Babylon, luật chỉ buộc mỗi năm ăn chay một lần vào dịp Lễ Xá Tội (x. Lv 23,27). Sau lưu đày, người ta đã thêm vào luật một lần ăn chay nữa để tưởng nhớ cảnh Giêrusalem bị tàn phá. Nhưng người biệt phái này tỏ ra rất đạo đức, mỗi tuần tự nguyện ăn chay thêm 2 lần vào ngày Thứ Hai và Thứ Năm (tức là 104 lần/năm) để đền bù những thiếu sót của dân tộc đối với lề luật (x. Stanislas Hoàng Đắc Ánh, Bài giảng Chúa Nhật - Tin Mừng theo Thánh Luca, tr. 214). Chưa hết ông còn tự phụ kể lể: “Tôi nộp thuế thập phân về hết mọi vật tôi mua” (x. Lc 18,12). Luật chỉ buộc dâng một phần mười lợi tức cho các thầy Lêvi; trong khi đó, người Biệt phái này tình nguyện dâng một phần mười tất cả các thứ, kể cả những thứ ông mua được vốn không buộc phải dâng.
Như vậy, rõ ràng những điều ông làm là rất tốt, tốt hơn cả những gì mà Thiên Chúa đòi hỏi. Ông là người giữ đạo rất mẫu mực, không có gì đáng chê trách. Có lẽ ông còn mẫu mực hơn nhiều người Công giáo chúng ta bội phần. Nhưng vì sao ông lại không đẹp lòng Thiên Chúa? Vì sao Thiên Chúa không nhận lời cầu nguyện của ông? Vì 2 lý do:
- Lý do thứ nhất, vì ông đã tự mãn tự phụ và kể công trước mặt Thiên Chúa, như thể sự công chính ông đang có là nhờ vào công trạng của mình, và như thể Thiên Chúa mắc nợ ông, vì thế, Thiên Chúa phải trả công, phải ban thưởng cho ông. Ông lầm tưởng rằng chỉ với công đức của mình, ông có thể mua được Nước Thiên Đàng.
- Lý do thứ hai là vì ông tự cao tự đại, cậy dựa vào công đức của mình mà khinh thường người khác. Đại khái ông đã vênh váo: “Lạy Chúa, con không giống như thằng thu thuế khốn nạn đáng sa hoả ngục, đang đứng cuối nhà thờ kia kìa! Chắc là Chúa thấy nó rồi đó.” Rõ là ông không hề biết đấm ngực mình mà chỉ đấm ngực người khác, cụ thể ở đây là đấm ngực người thu thuế.
Động cơ của những việc đạo đức ông làm là để tỏ ra mình là người công chính, chứ không phải là do lòng yêu mến. Ông chẳng yêu mến Thiên Chúa mà cũng chẳng yêu thương anh em. Chính vì thế mà khi ra về, chẳng những ông không được giao hoà mà còn mắc thêm tội: tội kiêu ngạo, tội đứng thứ nhất trong danh mục bảy mối tội đầu. Ngược lại, người thu thuế tội lỗi thì lại được thứ tha và được nên công chính.
Vậy thì thái độ của người thu thuế như thế nào mà lại được Thiên Chúa tha thứ và được nên công chính? Có phải là do anh ta đã có nhiều công trạng đặc biệt không? Có phải do anh ta là người đạo đức và bác ái không? Hoàn toàn không! Anh ta chẳng có công trạng gì, ngoài một “mớ tội” công khai. Bởi lẽ theo cái nhìn thời bấy giờ, tất cả những người thu thuế đều bị liệt vào hạng người tội lỗi công khai đáng khinh bỉ, hạng mọt dân bán nước, tiếp tay với ngoại bang bóc lột chính đồng bào của mình... Thế thì do đâu mà anh ta được nên công chính, như lời Chúa Giêsu quả quyết ở đoạn cuối Tin Mừng: “Người thu thuế được nên công chính, còn người pharisêu thì không” (x. Lc 18,14)?
Do trước mặt Chúa, anh biết khiêm tốn nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi. Thể hiện qua các cử chỉ: đứng xa xa mà không dám tới gần Cung Thánh, cúi đầu, đấm ngực… Tất nhiên là đấm ngực chính mình, chứ không phải đấm ngực người khác như ông Biệt phái kia. Hơn nữa, anh còn biết giục lòng thống hối ăn năn một cách sâu xa, và tha thiết kêu xin lòng thương xót thứ tha của Thiên Chúa: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” (Lc 18,13). Chỉ với một lời cầu xin ngắn gọn, có thể nói được là ngắn gọn nhất, anh lại được trở nên công chính. Thế mới hay lời Chúa Giêsu đã từng tuyên bố: “Phàm ai nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên.” (Lc 18,14).
Phần chúng ta thì sao? Chúng ta thường có thái độ nào khi cầu nguyện? Thái độ của người biệt phái hay của người thu thuế? Có khi nào tôi rơi vào thái độ của người Biệt phái không?
Có đấy! Đó những lúc tôi đã gân cổ tranh cãi với người khác: “Tao đúng, mày sai; tao có lý, mày vô lý…” Đó là những lúc tôi bỉu môi, lên tiếng chê bai những người mà tôi cho là xấu xa, đáng trách. Đó là những lúc tôi tự cao tự đại vì thấy mình hơn người nào đó về nhiều mặt: đạo đức hơn, tài giỏi hơn, thông minh hơn, giàu có hơn,... Như vậy, tôi chính là người biệt phái đứng nghêng ngang trong đền thờ và khoe công trạng của mình với Chúa.
Chúa không cần những cái đấm ngực thình thịch, “lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”. Chúa cũng chẳng cần công trạng của tôi. Chúa chỉ cần tấm lòng khiêm nhường thống hối của tôi.
Vậy, xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn biết khiêm cung để nhận ra mình cũng đầy những thói hư tật xấu, đầy lỗi tội, để hiểu và cảm thông với anh chị em mình hơn, nhất là để biết xin Chúa thứ tha và biết cất lời ngợi khen một mình Chúa là Thiên Chúa, là Đấng Thánh, ngàn trùng chí thánh. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long