Carmel McCarthy RSM
Môsê là một trong những nhân vật năng động và phức tạp của Cựu Ước. Có hai cách tiếp cận đối nghịch nhau khi tìm hiểu nhân vật vĩ đại này. Cách thứ nhất là đọc hết mọi đoạn văn nói về ông như một tường thuật “thực mục sở thị” về những điều thật sự đã xảy ra. Cách này không công bằng đối với ý nghĩa Kinh Thánh của nhân vật Môsê, và có lẽ bất cần biết về khoảng cách thời gian ít nhất là 800 năm giữa hình thức cuối cùng của các bản văn Kinh Thánh và các biến cố mà các tác giả nhớ lại và giải thích.
Một thái cực khác cho rằng tìm kiếm một Môsê lịch sử là điều tầm phào vì đó chỉ là truyền thuyết. Quan điểm này ghi nhận rằng ngoài Kinh Thánh ra thì không một tài liệu nào nói về sự hiện hữu của ông Môsê. Những gì ta biết về ông Môsê đều từ Kinh Thánh mà ra và có đôi điều thực sự thuộc về lãnh vực truyền thống dân gian hơn là sự kiện. Song, nhiều học giả Kinh Thánh cho rằng, dù không có truyền thống nào về ông Môsê, ta cũng không thể gạt bỏ sự hiện hữu của ông, vì sự duy nhất của tôn giáo Israel không thể được giải thích như là sự phát triển tự nhiên hoặc không cần có một sức mạnh thúc đẩy nào. Hẳn nhiên phải có một nhân vật có uy tín để làm tâm điểm của kinh nghiệm tôn giáo.
Cách tiếp cận thứ ba là hình ảnh kịch nghệ từ bộ phim anh hùng ca Cecil B. DeMille vào năm 1956, phim “Mười Điều Răn”, đã trở thành tiêu chuẩn để hiểu về Môsê và kinh nghiệm của ông trên núi Sinai và trong hoang mạc. Dầu đây là một trong những siêu phẩm thành công nhất về mặt tài chính nhưng hiện nay chỉ được bảo quản như một tác phẩm văn hóa trong cục lưu trữ quốc gia, và cần phải lưu ý rằng phim ảnh cũng không nói lên hết được những truyền thống Kinh Thánh về ông Môsê. Những bộ phim như thế thường sai lầm nhiều hơn là có ích.
Vậy thì chúng ta thử đi theo con đường trung dung. Biết rằng hình ảnh trong Kinh Thánh về ông Môsê rất phức tạp, gồm nhiều tính cách, chúng ta sẽ thử có cái nhìn tổng quát về nhân vật này. Ông Môsê ẩn hiện đây đó trong bốn cuốn sách của bộ Ngũ Thư (từ sách Xuất Hành cho đến Đệ Nhị Luật). Điều này cho thấy ông đã tạo được dấu ấn trong ký ức của các thế hệ liên tiếp, và mỗi thế hệ đều dùng tầm quan trọng của ông để phê chuẩn cho những thực hành và giá trị của thời đại mình khi kể lại câu chuyện của đất nước. Những câu cuối cùng của sách Đệ Nhị Luật nói thoáng qua về cái chết và việc mai táng ông trên núi Nebo (Jordan ngày nay), truyền thống Kinh Thánh đã khoác cho ông một lịch sử có thật, đồng thời đem lại đoạn kết cho bộ Ngũ Thư.
Chủ yếu có 3 chân dung chính của ông Môsê trong bộ Ngũ Thư. Đầu tiên là việc ông sinh ra (x. Xh 1,15-2,22), được con gái của vua Pharaon cứu thoát và nuôi dưỡng trong triều đình. Cuộc chạy trốn vào sa mạc vùng Midian nơi xảy ra cuộc gặp gỡ bí ẩn tại bụi gai rực cháy (x. Xh 3,1-12). Chính tại đây ông nhận nhiệm vụ giải thoát đồng bào Do Thái, được mạc khải tên gọi đặc biệt của Thiên Chúa là Yahweh - ‘Ta là Đấng Ta là’. Ý nghĩa của cuộc Xuất Hành và các trình thuật trên núi Sinai sau đó sẽ khai thác với chiều kích thâm sâu hơn ở các phần sau.
Chân dung của Môsê trong sách Đệ Nhị Luật chỉ mới có sau này. Sách này được sưu tập trước thời Lưu Đày (khoảng năm 600 trước Công nguyên), trình bày ông Môsê nói với dân Israel trước khi bước vào đất hứa. Dưới hình thức ba bài diễn từ tạm biệt, ông Môsê nhắc nhở họ về tất cả những kinh nghiệm đã mang họ đến được thời khắc này và một lần nữa giải thích những điều mà Yahweh truyền dạy. Như vậy, ông Môsê không chỉ là nhà lập pháp mà còn là người giải thích Lề Luật, thường xuyên khuyên nhủ dân Israel cứng đầu hãy luôn trung thành với Thiên Chúa, Đấng đồng hành với họ qua sa mạc rộng lớn và đáng sợ để đến được thời điểm này.
Các tác giả của truyền thống Đệ Nhị Luật đã thêm thắt vào những chất liệu dưới danh nghĩa ông Môsê về những vấn đề nảy sinh trong cách thế kỷ sau này. Như vậy, người dân được đặc biệt khuyến cáo là không được thờ những thần thánh nào khác cũng như không được dùng bất cứ hình ảnh nào để trình bày Thiên Chúa của mình. Điều khá nhức nhối là Môsê không được vào đất hứa và không biết được mộ ông ở đâu (x. Đnl 34,6). Thay vì khắc bia kỷ niệm, Môsê phải sống trong tâm hồn của người dân, được ghi nhớ như là người nói chuyện “diện đối diện” với Yahweh (34,10).
Chân dung thứ ba được tìm thấy trong các bản văn tư tế (rải rác trong sách Xuất Hành, đặc biệt có nhiều trong sách Lêvi và Dân Số). Đây là truyền thống mới nhất trong Ngũ Thư (được sưu tập khoảng năm 450 trước Công nguyên). Sự thay đổi tiêu biểu nhất trong truyền thống này là cách kể lại câu chuyện về biến cố trên núi Sinai. Họ diễn tả ông Môsê đi vào trong đám mây vinh quang của Thiên Chúa 40 đêm ngày. Rồi ông nhận được Mười Điều Răn, “được viết bằng ngón tay của Thiên Chúa”. Đây là cách nói biểu trưng và thi vị, nói lên tính thánh thiêng của thời điểm này khi mà Môsê trở thành trung gian duy nhất của Yahweh, thông truyền tất cả Lề Luật cho dân chúng.
Như vậy, ông Môsê thống trị trên mọi truyền thống gắn liền với cuộc Xuất Hành, Giao Ước trên núi Sinai, và việc ban hành Mười Điều Răn. Quyền lực của ông thu hút mọi sự chú ý trong bộ Ngũ Thư. Ông đảm nhận nhiều vai trò khác nhau - là ngôn sứ, tư tế, thẩm phán, nhà giải phóng và nhà lập pháp. Ông cũng được ghi nhớ là người can thiệp, mục tử, người chữa bệnh, người làm phép lạ, kẻ đào thoát và là kẻ tạo phản. Môsê không chỉ góp phần khai sinh dân Israel - trong ông, dân Israel thực sự trở thành dân được chọn.
Ngay cả khi chúng ta có thể nói được rất ít điều chắc chắn về một Môsê lịch sử, truyền thống Kinh Thánh rõ ràng đã đặt ông làm trung tâm cho sự giải phóng và hình thành dân tộc mình. Vì các bản văn được viết muộn hơn nhiều so với thời điểm của ông Môsê nên không thể phân biệt được đâu là giáo huấn của ông lúc ấy và giáo huấn của các thế hệ sau này. Dẫu sao, ngay cả những phê bình hoài nghi nhất cũng phải cho phép sự hiện hữu của một nhân vật năng động và rất có uy tín nằm ở trung tâm mọi truyền thống của kinh nghiệm Xuất Hành.