Theo tin của John Burger trên tạp chí Aleteia,
5 trong số 9 thẩm phán bỏ phiếu để trả lại vấn đề phá thai cho diễn
trình lập pháp của tiểu bang, nơi mà nó đã hiện hữu cho đến gần 50 năm
trước. Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã bác bỏ cơ cấu pháp lý liên quan đến
phá thai vốn là nguồn gốc của sự chia rẽ sâu sắc trong giới chính trị Mỹ
trong gần nửa thế kỷ qua.
Sáu trong số chín thẩm phán, bao gồm cả Chánh án John G. Roberts, đã bỏ phiếu ủng hộ Đạo luật Gestational Age Act (thai
kỳ) của Mississippi, cấm phá thai sau khi thai nhi được 15 tuần - sớm
hơn nhiều so với mốc 23-28 tuần đã được đặt ra bởi hai tiền lệ về luật
phá thai lớn: quyết định năm 1973 trong vụ Roe v. Wade, và vụ án năm 1986 khẳng định Roe, Planned Parenthood of Southeastern Pennsylvania v. Casey.
Cả Roe lẫn Casey, trong ý kiến đa số do Thẩm phán Samuel A. Alito Jr. soạn thảo, đều bị toà bác bỏ.
Toà nói: "Chúng tôi cho rằng Roe và Casey phải bị đảo
ngược. Hiến pháp không đề cập đến việc phá thai và không có quyền nào
như vậy được bảo vệ một cách hoàn toàn bởi bất cứ điều khoản hiến pháp
nào, kể cả điều khoản mà những người bảo vệ Roe và Casey hiện nay chủ yếu dựa vào - Điều khoản về Diễn trình Phải có của Tu chính án Thứ mười bốn."
Trong một ý kiến đồng tình, Thẩm phán Clarence Thomas gọi Roe và Casey là
“hai trong số các phán quyết về bản chất diễn trình phải có ‘nổi tiếng
là không chính xác nhất’ của Toà án này” phát sinh “sau hơn 63 triệu ca
phá thai đã được thực hiện”.
Tuy nhiên, Chánh án Roberts, trong một ý kiến riêng, nói rằng ông sẽ không đi xa bằng việc đảo ngược Roe và Casey.
Roberts viết: “Tôi sẽ theo một tiến trình chừng mực hơn. Tôi đồng ý với
Toà án rằng ranh giới có thể sống sót được [viability] do Roe và Casey thiết
lập nên bị loại bỏ dưới sự phân tích tiền lệ một cách thẳng thắn. Ranh
giới đó không bao giờ có ý nghĩa. Các tiền lệ về phá thai của chúng ta
mô tả quyền đang được đề cập như quyền của phụ nữ được lựa chọn chấm dứt
thai kỳ của mình. Do đó, quyền đó nên mở rộng đủ để bảo đảm cơ hội hợp
lý để lựa chọn, nhưng không cần mở rộng thêm nữa - chắc chắn không phải
là đến tận lúc thai nhi có thể sống sót được. Luật của Mississippi cho
phép một người phụ nữ sau ba tháng được phá thai, vượt xa thời điểm mà
việc phát hiện mang thai được coi là 'muộn'. (thai kỳ có thể phát hiện
được và thường được phát hiện khi thai kỳ được sáu tuần). Tôi không thấy
cơ sở nào để nghi vấn tính thoả đáng của cơ hội đó… Chắc chắn chúng ta
nên tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc hạn chế pháp lý ở đây, khi con
đường rộng hơn mà Toà án lựa chọn bao hàm việc bác bỏ quyền hiến định mà
chúng ta không những đã công nhận trước đây mà còn khẳng định lại một
cách rõ ràng việc áp dụng học thuyết về tiền lệ. Ý kiến của Toà án là có
suy tư và thấu đáo, nhưng những đức tính này không thể bù đắp được sự
kiện này là phán quyết đầy kịch tính và gây hậu quả của toà là điều
không cần thiết để quyết định vụ án có trước chúng ta."
Nhưng theo ý kiến đa số, toà cho rằng "cuộc xét duyệt dựa trên cơ sở hợp
lý" - nhằm xác định xem một luật có "liên quan hợp lý" đến lợi ích "hợp
pháp" của chính phủ hay không - sẽ là tiêu chuẩn để đánh giá các quy
định về phá thai của tiểu bang khi chúng chịu các thách thức hiến định.
Toà nói: “Một luật quy định về phá thai, giống như các luật khác về sức
khoẻ và phúc lợi, có quyền giả định mạnh về tính hiệu lực. Nó phải được
duy trì nếu có cơ sở hợp lý mà cơ quan lập pháp có thể nghĩ rằng nó sẽ
phục vụ lợi ích hợp pháp của nhà nước."
Những lợi ích đó bao gồm việc “tôn trọng và bảo tồn cuộc sống trước khi
sinh ở tất cả các giai đoạn phát triển; bảo vệ sức khoẻ và an toàn của
bà mẹ; loại bỏ các thủ tục y tế đặc biệt khủng khiếp hoặc man rợ; duy
trì sự liêm chính của nghề y; giảm nhẹ cơn đau của thai nhi; và ngăn
ngừa sự phân biệt đối xử vì lý do chủng tộc, giới tính hoặc khuyết tật”.
Phán quyết ngày 24 tháng 6, một phán quyết được mong đợi nhất từ Tối cao
Pháp viện trong nhiều năm, theo sau các tranh luận miệng ngày 1 tháng
12 và một năm hoạt động đầy ấn tượng ở cấp tiểu bang. Nhiều tiểu bang,
dường như được khuyến khích bởi đa số bảo thủ ở tòa án sau khi Tổng
thống Donald Trump bổ nhiệm ba thẩm phán mới, đã thông qua luật phá thai
rõ ràng không vượt qua quy định hợp hiến với các tiền lệ Roe và Casey.
Toà án cấp cao cũng vào cuộc để cố gắng giải quyết tranh chấp về việc
hạn chế phá thai của Texas, giống như các tiểu bang khác, cấm huỷ thai
khi phát hiện được nhịp tim của thai nhi (khi thai nhi được khoảng 6
tuần), nhưng cũng bao gồm một điều khoản cho phép công dân bình thường
khởi kiện bác sĩ đã thực hiện phá thai.
Đa số ý kiến, trong đó Roberts, Thomas, Amy Coney Barrett, Brett M.
Kavanaugh, và Neil M. Gorsuch đồng tình – hơi khác so với bản thảo mà
Alito đã phổ biến giữa các đồng nghiệp của ông vào đầu tháng Hai và bị
rò rỉ cho báo chí vào đầu tháng Năm. Theo Chánh án Roberts, vụ rò rỉ,
một sự vi phạm và bất thường nghiêm trọng đối với quy định của toà án,
đang được điều tra. Không có thông báo nào được công bố về bất cứ phát
hiện nào trong cuộc điều tra này. Nhiều nhà quan sát suy đoán rằng kẻ rò
rỉ hoặc những kẻ rò rỉ hy vọng bằng cách nào đó việc này có thể gây ra
sự tức giận đến mức một số thẩm phán bảo thủ có thể thay đổi ý định về
việc lật ngược Roe.
Mặc dù chiến thuật đó không thành công, nhưng nó đã có tác động phụ: phá
hoại từ một số cá nhân cực đoan ủng hộ việc phá thai hoặc các trung tâm
và giáo hội phò sinh, một âm mưu ám sát chống lại một trong những thẩm
phán bảo thủ và mối đe dọa của "Ngày Phẫn nộ” (Days of Rage) nếu Roe bị đảo ngược.
Tuy nhiên, cộng đồng phò sinh bày tỏ lòng biết ơn khi một bước - từng
được cho là gần như không thể đạt được - đã được thực hiện. Nhưng họ
nhìn nhận rằng đây mới chỉ là - một bước - và không phải là việc kết
thúc phá thai. Phán quyết Dobbs không tự động hủy bỏ quyền phá
thai ở Hoa Kỳ. Nó cho phép các tiểu bang làm như vậy, nhưng nhiều tiểu
bang không làm. Trên thực tế, một số cơ quan lập pháp tiểu bang đã thông
qua luật tăng cường tính hợp pháp của việc phá thai và thậm chí mở rộng
nó.
Nhưng trong khoảng thời gian trước phán quyết của tuần này, nhiều tiểu
bang đã lựa chọn bảo vệ quyền của những đứa trẻ chưa chào đời trước đây
dễ bị phá thai. Luật của Mississippi tự do hơn luật của Texas và các
tiểu bang khác đã thông qua các dự luật về nhịp tim của thai nhi. Một số
tiểu bang thậm chí còn bỏ phiếu cấm phá thai ngay từ khi thụ thai.
Jeanne Mancini, chủ tịch của Diễn hành Phò Sự sống (March for Life), cho
biết: “Hôm nay, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã đưa ra một trong những phán
quyết đáng vinh dự nhất của họ trong nhiều thập niên, đồng thời sửa
chữa một trong những kỷ nguyên đen tối nhất trong lịch sử quốc gia của
chúng ta. Năm 1973, phán quyết của Tối cao Pháp viện trong vụ Roe v. Wade đã
loại bỏ các luật của tiểu bang bảo vệ sự sống dựa trên lý luận thiếu
sót rằng bất cứ luật nào hạn chế quyền tiếp cận phá thai trước khi đứa
trẻ chưa sinh ‘có khả năng sống sót’ đều vi hiến… Tất cả điều này hiện
đang thay đổi.”
Tổ chức Hoa kỳ Thống nhất Phò sinh (American United for Life) tuyên bố:
“Với quyết định hôm nay, Tối cao Pháp viện đã sửa chữa những sai lầm
lịch sử của mình đối với Roe, Casey và luật pháp sau đó, đồng thời tạo điều kiện cho các nhà lập pháp Mỹ một lần nữa duy trì quyền sống của con người.”
Theo một tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục José H. Gomez của Los Angeles,
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, và Tổng Giám mục William E.
Lori của Baltimore, Chủ tịch Uỷ ban về các Hoạt động Phò sinh của Hội
đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ: "Đây là một ngày lịch sử trong cuộc đời
của đất nước chúng ta, một ngày khiến chúng ta suy nghĩ, cảm xúc và cầu
nguyện. Trong gần 50 năm, nước Mỹ đã thực thi một luật bất công cho phép
một số người quyết định liệu những người khác có thể sống hay chết;
Chính sách này đã dẫn đến cái chết của hàng chục triệu trẻ sơ sinh,
những thế hệ bị từ chối quyền được sinh ra."
Các giám mục nói: "Hôm nay chúng ta tạ ơn Chúa vì Toà án đã đảo ngược
phán quyết này. Chúng ta cầu nguyện để các viên chức dân cử của chúng ta
bây giờ ban hành các luật lệ và chính sách thúc đẩy và bảo vệ những
người dễ bị tổn thương nhất trong chúng ta."
Các Đức Tổng Giám mục Gomez và Lori nói tiếp: "Bây giờ là lúc bắt đầu công việc xây dựng một nước Mỹ hậu Roe.
Đó là thời gian để chữa lành vết thương và sửa chữa những chia rẽ xã
hội; đó là thời gian để suy tư theo lý lẽ và đối thoại dân sự, đồng thời
cùng nhau xây dựng một xã hội và nền kinh tế hỗ trợ hôn nhân và gia
đình, và trong đó mọi phụ nữ đều có sự hỗ trợ và nguồn lực cần thiết để
đưa con mình đến với thế giới này trong tình yêu thương."
"Quyền tư pháp thô"
Trong ý kiến của mình, Alito đã dẫn lời cựu Thẩm phán Tối cao Pháp viện Byron White từ ý kiến bất đồng của ông trong phán quyết Roe năm 1973, gọi đó là “việc thực thi quyền tư pháp thô”. Alito nói, Roe đã “châm ngòi cho một cuộc tranh cãi quốc gia đã làm ô nhiễm nền văn hóa chính trị của chúng ta trong nửa thế kỷ qua”.
Ngay cả phán quyết Casey, ủng hộ Roe trên cơ sở tiền lệ (stare decisis), "đã loại bỏ kế hoạch ba tháng của Roe", Alito nói như thế khi đề cập đến đòi hỏi của Roe rằng
được phép phá thai trong hai quý đầu của thai kỳ, khi một bào thai được
cho là chưa có thể tự sống sót ngoài bụng mẹ. Ông nói rằng Casey "đã
thay thế một quy tắc mới có nguồn gốc không chắc chắn, theo đó các tiểu
bang bị cấm áp dụng bất cứ quy định nào đặt "gánh nặng quá mức" lên
quyền phá thai của một phụ nữ".
Alito viết cho ý kiến đa số: “Chúng ta cho rằng Roe và Casey phải
bị đảo ngược. Hiến pháp không đề cập đến việc phá thai và không có
quyền nào như vậy được bảo vệ một cách mặc nhiên bởi bất cứ điều khoản
hiến pháp nào, kể cả điều khoản mà những người bảo vệ Roe và Casey hiện
đang dựa vào - Điều khoản về Diễn trình Phải có của Tu chính án Thứ
mười bốn. Điều khoản đó đã được duy trì để bảo đảm một số quyền không
được đề cập trong Hiến pháp, nhưng bất cứ quyền nào như vậy phải 'bắt rễ
sâu trong lịch sử và truyền thống của Quốc gia này' và 'mặc nhiên trong
khái niệm tự do có trật tự", Alito viết như thế trong khi trích dẫn Washington v. Glucksberg liên
quan đến việc tự tử được bác sĩ hỗ trợ. “Quyền phá thai không thuộc
loại này. Cho đến cuối thế kỷ 20, quyền như vậy hoàn toàn không được
biết đến trong luật pháp Hoa Kỳ. Thật vậy, khi Tu chính án thứ mười bốn
được thông qua, 3/4 Hoa Kỳ đã coi việc phá thai là một tội ác ở tất cả
các giai đoạn của thai kỳ.”
Ông nói, phá thai về cơ bản khác với các quyền khác mà toà án đã công nhận như bảo vệ tự do, bởi vì phá thai phá hủy điều mà Roe và Casey gọi là “sự sống của thai nhi”.
Tiền lệ
Rất nhiều tranh luận bằng miệng trong vụ Dobbs tập chú vào phán
quyết tiền lệ - nguyên tắc qua đó các thẩm phán bị ràng buộc vào tiền
lệ (do cụm từ tiếng Latinh có nghĩa là “đứng trong-những-điều-đã-được
phán quyết”). Trong khi một số người cho rằng đó là lý do chính đáng để
ủng hộ Roe và Casey, Alito viết rằng “điều đó không bắt buộc phải tuân thủ lâu dài hành vi lạm dụng quyền tư pháp của Roe”.
Alito viết: “Roe đã sai lầm nghiêm trọng ngay từ đầu. Lý luận của nó đặc biệt yếu, và phán quyết đã gây ra những hậu quả tai hại.”
Ông viết thêm: “Đã đến lúc phải lưu ý đến Hiến pháp và trả lại vấn đề phá thai cho các đại biểu dân cử của nhân dân.”
Mặc dù tiền lệ là quan trọng - bảo vệ lợi ích của những người thực hiện
hành động dựa trên quyết định trước đó của tòa án, góp phần vào tính
toàn vẹn thực tế và được nhận thức của diễn trình pháp lý,... - thực tế
có khá nhiều tiền lệ đã bị bỏ qua vì chúng đã bị phán quyết sai lầm, vụ
tai tiếng nhất là vụ Plessy v. Ferguson, vụ án thế kỷ 19 đề cao tính hợp hiến của phân biệt chủng tộc dựa trên cơ sở học thuyết “tách biệt nhưng bình đẳng”.
Ý kiến nói rằng trong Dobbs, “5 yếu tố có ý nghĩa quyết định đến việc đảo ngược Roe và Casey:
bản chất sai của chúng, phẩm chất lý luận của chúng, 'khả năng thực
thi' của các quy tắc mà chúng áp đặt lên đất nước, tác động phá hủy của
chúng đối với những lĩnh vực khác của luật pháp, và thiếu sự đáng tin
cậy cụ thể."
Tòa cho biết, Roe đã tìm thấy một cách sai lầm quyền phá thai trong Hiến pháp dựa trên quyền riêng tư viển vông. Và Casey đã
ủng hộ nó dựa trên sự bảo đảm quyền tự do của Tu chính án thứ mười bốn.
Toà khẳng định những gì Byron White đã kết luận trong bất đồng ý kiến
của ông đối với Roe - rằng quyền được cho là phá thai không hề "bắt nguồn sâu xa" trong lịch sử hoặc truyền thống của Hoa Kỳ, vì, trước Roe, hầu hết các tiểu bang đã đặt nó ngoài vòng pháp luật - hoặc ít nhất là hạn chế nó một cách nghiêm ngặt.
Roe đã xây dựng một bộ quy tắc quy định việc phá thai theo tam cá
nguyệt. Ý kiến cho biết: “Toà ít cố gắng trong việc giải thích làm thế
nào những quy tắc này có thể được suy luận từ bất cứ nguồn nào trên đó
các phán quyết hợp hiến thường dựa vào.”
Casey ủng hộ Roe bằng cách viện dẫn các trường hợp
khác liên quan đến tầm quan trọng của quyền tự chủ cá nhân (chẳng hạn
như quyền kết hôn với những người thuộc chủng tộc khác), Toà án cho biết
như thế, đồng thời cho biết thêm rằng trong các tranh luận bằng miệng
ngày 1 tháng 12, Tổng luật sư Hoa Kỳ và Trung tâm Quyền sinh sản được
trích dẫn như nhau các trường hợp hậu Casey như phán quyết Obergefell cho
phép hôn nhân đồng tính. Nhưng tòa cho biết, phá thai thì khác, không
có trường hợp nào khác được trích dẫn liên quan đến việc lấy đi mạng
sống của một con người.
Ý kiến này nhắm vào khái niệm khả năng sống sót ngoài bụng mẹ, điểm mà tại đó Roe cho biết các quốc gia có thể cấm phá thai.
Y kiến đặt câu hỏi: "Định nghĩa về một bào thai ‘có thể sống sót’ là một
bào thai có khả năng sống sót bên ngoài tử cung, nhưng tại sao điểm này
lại là điểm tại đó quyền lợi của Nhà nước trở nên có tính bó buộc. Như Roe vốn
chủ trương, nếu lợi ích của Nhà nước trong việc bảo vệ sự sống trước
khi sinh là điều bó buộc ‘sau khả năng sống sót’, thì tại sao mối quan
tâm đó không bó buộc như nhau trước khả năng sống sót? Roe không nói gì,
và không có lời giải thích nào rõ ràng."
Toà cho biết khả năng sống sót một phần phụ thuộc vào các yếu tố như
tiến bộ y tế và chất lượng chăm sóc dành cho phụ nữ ở bệnh viện thành
phố lớn chứ không phải cơ sở y tế nông thôn. Ý kiến thắc mắc: “Nếu khả
năng sống sót được dùng để đánh dấu đường ranh có ý nghĩa đạo đức phổ
quát, thì có thể nào một bào thai sống sót được ở một thành phố lớn của
Hoa Kỳ có một tư thế đạo đức ưu tuyển hơn mà một thai nhi giống hệt như
thế ở một vùng sâu vùng xa của một đất nước nghèo không được hưởng?”
Casey đã thay thế kế hoạch tam cá nguyệt của Roe bằng
một trắc nghiệm “gánh nặng không đáng có”. Trường Luật Cornell giải
thích rằng một gánh nặng không đáng có nảy sinh “nếu mục đích hoặc hiệu
quả của việc tiểu bang hạn chế việc phá thai đã đặt ra một trở ngại đáng
kể lên một người đang tìm cách phá một thai nhi không thể sống sót”.
Tuy nhiên, ý kiến Dobbs cho biết, “cơ sở của trắc nghiệm này tối nghĩa… Trắc nghiệm này đầy những mơ hồ và khó áp dụng”.
Toà kết luận: "Hiến pháp không cấm công dân của mỗi tiểu bang quy định
hoặc cấm phá thai. Roe và Casey đã loại bỏ quyền đó. Bây giờ chúng tôi
đảo ngược các phán quyết đó và trả lại quyền đó cho người dân và các đại
diện được bầu của họ.”
Vũ Văn An