Anh Marco Rodani năm nay 48 tuổi, sống ở Leggiuno thuộc tỉnh Varese của Ý, cách biên giới Thuỵ Sĩ vài km, trong vai chú hề, trong 15 năm qua đi đến những nơi có chiến tranh và xung đột, với mong muốn đem lại nụ cười cho các trẻ em.
Anh Marco giải thích về cơ duyên đưa anh trở thành chú hề là vào tuổi thiếu niên khi làm hoạt náo viên trong các sự kiện, anh phát hiện ra mình có khả năng làm cho các thiếu nhi vui cười. Sau đó Marco theo học chuyên ngành lịch sử nhưng tiếp tục làm hoạt náo viên cho các chương trình giải trí và khám phá ra khuôn mặt chú hề nơi mình. Thế là anh bắt đầu có trải nghiệm công việc này đầu tiên trong các bệnh viện nhi đồng. Ở khu vực vật lý trị liệu để phục hồi chức năng các em nhỏ thường khó thực hiện các bài tập vì đau đớn, anh Marco đến giúp vui cho các em. Anh chia sẻ: “Làm cho các em cười là điều khó, đặc biệt trong lúc các em đang bị đau. Bắt đầu tôi làm một số trò ảo thuật cho các em, để các em tạm quên đi những gì đang phải trải qua. Các em cần có những giây phút ngạc nhiên, thoát ra khỏi tình trạng hiện tại và cảm thấy thanh thản. Qua những bước này, các em sẽ dễ dàng tuân theo các bài tập của nhân viên y tế.”
Sau đó, Marco bắt đầu thực hiện các chuyến đi tình nguyện, từ Đông Âu đến Phi châu, những khu vực nghèo nhất trên thế giới. Dần dần, anh hoàn thành các kỹ năng và phong cách chú hề của mình: chiếc quần có miếng vá, áo và mũ nhiều màu và tất nhiên một vật không thể thiếu là chiếc mũi đỏ cổ điển của chú hề. Anh luôn mang theo bên mình một vali hình chữ nhật, từ đó anh lấy ra những dụng cụ để thực hiện các trò ảo thuật. Trước mặt các em, anh trở thành một người đầy năng động với những hành động chạy nhảy, cười nói, hát ca với ngôn ngữ của các thiếu nhi.
Vào năm 2009, đã có một bước ngoặt đối với Marco: cha Jorge Hernandez, linh mục chánh xứ người Agentina ở Gaza, đã mời anh ở lại đó một vài tháng. Tại đó, anh đã trở thành chú hề chiến tranh, gần như một ơn gọi được phát hiện trên chiến trường. Anh nói: “Khái niệm này về cơ bản giống như làm chú hề trong bệnh viện. Bởi vì trong một giây lát cũng giúp các em thoát khỏi hoả ngục mà các em đang phải trải qua.” Tuy nhiên đối với anh, khi thực hiện công việc này anh muốn giúp xây dựng hoà bình. Anh nói: “Không có ngạc nhiên, người ta không thể nghĩ đến hoà bình. Chỉ bằng cách khôi phục sự ngạc nhiên, các trẻ em mới có thể nghĩ đến một điều gì đó khác. Một thế giới không có chiến tranh. Và niềm vui của trẻ thơ cũng hữu ích đối với người lớn, vì mang lại nụ cười cho một trẻ em, có nghĩa là trao tặng niềm hy vọng cho người lớn.”
Sau Gaza, Marco Rodari đến nhiều chiến trường khác: Iraq, Syria, và các chuyến đi đến Israel và Palestine. Và từ tháng 02/2022, anh đã thực hiện một số chuyến đi đến Ucraina. Hiện tại chú hề đã được nhiều người biết đến, thông thường các hiệp hội có liên kết với các Giáo hội Kitô sẽ liên hệ với anh để lên chương trình thực hiện. Và thế là chú hề đi từ Aleppo đến Baghdad, đến tận hầm trú ẩn Bakhmut. Khi đi du hành, anh tham gia vào các sự kiện khác nhau, tuỳ theo điều kiện: trò chơi ở quảng trường hoặc các cuộc gặp gỡ nhỏ tại nhà. Và anh đặt mục tiêu tạo ra những mạng lưới còn lại sau khi anh rời đi: chẳng hạn như ở Gaza, có một nhóm hề đang hoạt động tích cực trong khu vực, với hy vọng rằng dự án này có thể tiếp tục ngay cả sau khi chiến tranh đang diễn ra. Từ năm 2015, Marco đã thành lập Hiệp hội “Để Thiên đàng mỉm cười” nhằm hỗ trợ các hoạt động của anh và các dự án khác nhau ở vùng chiến sự.
Chiến tranh và hoà bình, nỗi đau và điều kỳ diệu. Hoạt động của anh Marco Rodai có thể giống như một điệu nhảy của những yếu tố đối lập nhưng thu hút nhau. Một chú hề mang đến tiếng cười nơi có bom rơi. Một người lớn trở thành một trẻ thơ với mong muốn đem lại nụ cười làm bừng sáng khuôn mặt cau có của người lớn.
Hoạt động của anh như một hành động đáp lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha về việc đem lại hoà bình cho mọi người, đặc biệt đem lại nụ cười cho các trẻ em. Như trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Đức Thánh Cha kể lại có một lần một nhóm các em Ucraina đến Vatican. Trong lúc hỏi chuyện không có em nào mỉm cười. Thường thì trẻ em mỉm cười một cách tự nhiên, nhưng khi Đức Thánh Cha cho các em sôcôla các em không cười vui. Đức Thánh Cha kết luận: “Các em đã quên cười, và việc trẻ em quên cách cười là một tội ác. Chiến tranh đã ngăn cản giấc mơ.”
Vatican News