A. TRÌNH BÀY
Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu đã tóm tắt những giá trị văn hoá Á Châu bằng những nét như: “yêu thích thinh lặng và chiêm ngưỡng, sống giản dị, hòa hợp, từ bỏ, bất bạo động, làm việc chăm chỉ, có kỷ luật, sống thanh đạm, ham học hỏi và truy tầm triết lý” (GHCA 6). Những đặc tính này cũng biểu hiện rõ ràng trong văn hoá Việt , cách riêng về lòng hiếu thảo, tình gia đình, nghĩa đồng bào, tính hiếu hoà ... Nổi bật giữa những nét đặc trưng ấy là giá trị gia đình luôn được đề cao. Quả thế, gia đình chính là chiếc nôi sản sinh những vĩ nhân và các anh hùng dân tộc... là cột trụ chống đỡ cho quê hương đất nước trong những thời kỳ khó khăn ... là nơi chuyển đạt những giá trị nhân bản qua các thế hệ ... là mái ấm yêu thương nơi mọi người đều muốn sống sao cho trên thuận dưới hoà, ở đó, lòng hiếu thảo, tình huynh đệ, nghĩa vợ chồng luôn là những giá trị được trân trọng giữ gìn...
Tuy nhiên, trong xã hội hôm nay, những nét đẹp văn hoá nổi bật đó có nguy cơ bị biến thái do những trào lưu duy vật, hưởng thụ, ích kỷ. Nhiều người trẻ chủ trương sống hưởng thụ bất chấp đạo nghĩa. Một số khác, trong giới thanh thiếu niên cũng như người lớn, dung túng chính mình bằng những quan điểm tương đối về luân lý và đạo đức. Những quan hệ nam nữ trong tuổi học trò, phong trào “sống thử” trước hôn nhân, đang có chiều hướng lan rộng trong giới trẻ. Một số thanh thiếu niên sống buông thả, hư hỏng cũng vì gia đình không còn là tổ ấm, vì chính cha mẹ đã gây nên đổ vỡ, bất trung hoặc ly dị. Lối sửa dạy con cái bằng bạo lực, roi đòn, cũng dẫn tới nhiều hệ lụy đáng tiếc trong cuộc sống gia đình. Mặt khác, vì nhiều lý do khác nhau, một số cha mẹ đã để mặc con cái bỏ học, sống lêu lổng để rồi bị tiêm nhiễm nhiều thói hư tật xấu, làm mồi cho nghiện ngập, ma túy và bao nhiêu điều tồi tệ khác. Trong khi đó, nạn phá thai và ly dị không chỉ là mối đe dọa đáng sợ đối với những giá trị về sự sống cũng như hôn nhân, mà còn làm mất đi bao nhiêu nét đẹp truyền thống của cuộc sống gia đình Việt . Ngoài ra, nét son văn hoá “tình cảm gia đình” có thể biến thành một thứ ích kỷ tập thể chỉ biết nghĩ tới gia đình của riêng mình.
Đồng thời, việc đào tạo con người cũng đang làm chúng ta phải ưu tư lo lắng. Những biểu hiện tiêu cực, thiếu trách nhiệm trong lãnh vực giáo dục đã trở thành những tín hiệu báo động đáng lo ngại cho tiền đồ, tương lai đất nước. Học đường như đang tự đánh mất vai trò của mảnh vườn ươm cung cấp những con người hữu dụng có thể giúp ích thực sự cho xã hội mai ngày. Việc dạy học dường như chỉ tập trung đáp ứng nhu cầu chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật, hơn là quan tâm cung cấp cho thế hệ trẻ một nền giáo dục toàn diện cả về tri thức và nhân bản, để xây dựng những con người Việt Nam chân chính, có trách nhiệm, nhân ái và trưởng thành trong đạo đức. Có thể nói kế hoạch giáo dục đào tạo chưa được định hướng rõ rệt bởi một triết lý giáo dục nhân bản đích thực. Kết quả là sự tiến bộ về khoa học không đi đôi với sự tiến bộ về luân lý và đạo đức...
Chúng ta lại thấy những vết đen trong xã hội hôm nay như bị tô đậm thêm bởi khuynh hướng đánh giá người khác theo những gì họ sở hữu, như tiền bạc và chức quyền, hơn là theo nhân cách và thực chất con người của họ. Vì thế, những giá trị nhân văn không còn được coi trọng để rồi con người cũng dần đánh mất đi những phẩm tính cao đẹp của chính mình (Đề Cương 5).
B. HỎI-ĐÁP
1- H. Hội đồng Giám mục tóm tắt những giá trị văn hoá của Việt bằng những nét nào?
T. Hội đồng Giám mục tóm tắt những giá trị văn hoá của Việt Nam bằng những nét như lòng hiếu thảo, tình gia đình, nghĩa đồng bào, tính hiếu hòa, nổi bật là tinh thần tương thân tương ái và giá trị gia đình.
3- H. Tinh thần tương thân tương ái được thể hiện như thế nào trong đời sống dân tộc?
T. Tinh thần tương thân tương ái được thể hiện qua việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển đất nước, qua tình làng nghĩa xóm, nghĩa đồng bào và lòng hiếu khách.
4- H. Vì sao giá trị gia đình luôn được đề cao trong văn hoá Việt ?
T. Vì gia đình chính là chiếc nôi sản sinh những vĩ nhân và các anh hùng dân tộc, là cột trụ chống đỡ cho quê hương đất nước trong những thời kỳ khó khăn, là nơi chuyển đạt những giá trị nhân bản qua các thế hệ, và là mái ấm yêu thương nơi mọi người sống trên thuận dưới hòa, vợ chồng chung thuỷ, ông bà cha mẹ hy sinh cho con cháu, con cháu hiếu thảo vâng lời, anh chị em đùm bọc lẫn nhau.
5- H. Trong xã hội hôm nay, những nét đẹp văn hoá ấy đang có nguy cơ bị biến thái như thế nào?
T. Chúng đang có nguy cơ bị biến thái do những trào lưu duy vật, hưởng thụ và ích kỷ.
C. GỢI Ý TRAO ĐỔI
1. Trong các nét đẹp của văn hóa Á Châu hoặc Việt Nam, nét đẹp nào bạn ưa thích nhất? Tại sao?
2. Trong môi trường giáo xứ hoặc khu phố của bạn, những nét đẹp văn hoá nào còn được duy trì, và những nét đẹp văn hoá nào đang có nguy cơ bị biến thái?
3. Theo bạn, giáo xứ cần phải làm gì để giúp các gia đình trở thành mái ấm yêu thương nơi mọi người sống trên thuận dưới hòa, vợ chồng chung thuỷ, ông bà cha mẹ hy sinh cho con cháu, con cháu hiếu thảo vâng lời, anh chị em đùm bọc lẫn nhau?
Ban Tổ chức Năm Thánh