Bs. Nguyễn Đăng Phấn
Trong vai trò đại diện, chúng con xin được trình kết quả góp ý cho ĐHDC của một số tín hữu ngành y Sài Gòn.
1. Kính thưa quý đại biểu Đại Hội Dân Chúa,
Khi nhìn lại suốt chiều dài lịch sử Hội Thánh Việt Nam, ta có thể đọc ra những đóng góp của tín hữu ngành y ngay từ cuối thế kỷ 16: Thừa sai kiêm thầy thuốc, dì phước kiêm bà bán thuốc cao đơn hoàn tán. Lương y cũng phải chết vì đạo. Đầu thế kỷ 20, Hội Thánh đã phục vụ người phong và lập bệnh viện trạm xá nhà hộ sinh. Thời chinh chiến khói lửa thì tín hữu ngành y cũng bị chết trên đường chăm sóc. Hết chiến tranh năm 1975 thì cũng chia nỗi đau với Hội Thánh khi phải bàn giao các cơ sở y tế và trường học cho nhà cầm quyền. Nhưng chỉ vài năm sau thì Hội Thánh lại tìm ra các giải pháp mới trong hoàn cảnh mới để giúp đỡ người bệnh, nhất là những bệnh bị nhiều người sợ hãi lây lan như phong, lao, HIV hoặc khó trị như bệnh tâm thần. Hội Thánh còn có mặt ở vùng sâu vùng xa qua các đợt khám từ thiện. Từ năm 2000, Hội Thánh lại lập những trạm xá, phòng khám từ thiện.
2. Thế rồi lại xuất hiện những vấn đề mới của thời mở cửa với đặt ra những thách đố tín hữu ngành y: Việt Nam là cường quốc về phá thai! Thống kê ước lượng có 1,4 đến 2 triệu ca nạo phá thai hằng năm ở VN, đó là chưa tính đến các ca nạo phá thai ở khối dịch vụ tư nhân. Nếu gộp chung thì phải lên tới xấp xỉ 3 triệu ca, nghĩa là cứ hơn 6 giây lại có một thai nhi bị giết ngay từ trong lòng mẹ. Tổ chức Y tế Thế giới đã xếp hạng Việt Nam chúng ta là 1 trong 3 quốc gia có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới!
Nhiều Giáo Xứ, nhiều Dòng Tu và cả nhiều nhóm anh chị em Giáo Dân, đã âm thầm thu tập xác các thai nhi để chôn cất thành rất nhiều nghĩa trang Anh Hài trải dài trên mọi miền đất nước. Nhiều Mái Ấm, nhiều Gia Đình Tình Thương cũng đã được mở ra để tiếp đón các chị em lỡ lầm, cứu lấy được hàng ngàn cháu bé.
Tuy nhiên, con số phá thai vẫn không ngừng tăng lên, độ tuổi người đi phá thai ngày càng thấp xuống, và số người Công giáo phạm vào tội ác này không nhỏ.
Là người Công giáo, lại hành nghề y, bản thân chúng con không thể nhắm mắt làm ngơ, lại càng không thể dính líu trực tiếp hay gián tiếp đến các ca nạo phá thai. Chúng con thiển nghĩ mọi thành phần Dân Chúa cũng biết rõ thảm họa này đã đến mức báo động.
Chúng con tha thiết kính xin Đại Hội Dân Chúa, sau những ngày tràn đầy hồng ân này, hãy cùng có một tiếng nói chung, mạnh mẽ xác tín, rằng Sự Sống con người là quà tặng vô giá Thiên Chúa đã trao ban, không ai được quyền hủy hoại hoặc gây tổn thương.
Xin Đại hội Dân Chúa bằng những văn kiện của Hội Thánh, với những giáo huấn của Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II, bật lên lời kêu gọi trước hết với người Công giáo, sau nữa đến toàn thể cộng đồng xã hội, hãy Bảo Vệ Sự Sống, dứt khoát nói không với phá thai.
Chúng con xin báo một tin vui: chính Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI sẽ chủ trì một buổi cầu nguyện cho Thai Nhi toàn thế giới ngay tại quảng trường Thánh Phêrô, Rôma vào buổi tối Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng, ngày 28-11 tới đây. Xin toàn thể Đại hội Dân Chúa cùng hiệp thông cầu nguyện cho việc Bảo Vệ Sự Sống trên toàn cầu và riêng tại quê hương Việt Nam chúng ta, được tiến triển, giảm được tệ nạn phá thai và cứu được thật nhiều cháu bé.
3. Sự kiện Nhà nước cho phép tư nhân và ngoại quốc mở bệnh viện khiến cho giới y chúng con cũng mong mỏi có một bệnh viện Công giáo để thi thố năng lực phục vụ của mình nhưng tới nay vẫn chưa xuất hiện bệnh viện Công giáo mà chỉ có một vài phòng khám đa khoa tư nhân do người Công giáo lập nên.
Với tư duy đổi mới của xã hội hôm nay đã quan tâm cả đến lợi ích kinh tế bên cạnh chăm lo sức khoẻ của bệnh nhân. Liệu người tín hữu ngành y còn giữ được tâm tình phục vụ như Chúa mong muốn là quan tâm đến người nghèo, người bị bệnh truyền nhiễm, tâm thần và có còn chân thành, khiêm tốn phục vụ anh chị em bệnh nhân không?
Thật vậy, từ khi Nhà nước chuyển đổi sang cơ chế kinh tế thị trường, bắt đầu với thí điểm thực hiện chính sách tự thu tự chi, và nay thì gần hết các bệnh viện trong thành phố Sài Gòn đã áp dụng chính sách này, nghĩa là bệnh nhân phải thanh toán toàn bộ các chi phí khám điều trị bệnh trừ những người đã có bảo hiểm y tế.
Nên với chính sách mới, do kinh phí nhà nước cấp rất thấp, các bệnh viện phải ra sức tìm mọi cách thu nhập cho bệnh viện, để có thể trả lương công nhân viên và mọi chi phí khác, lấy tiêu chí như nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân, tất cả cho bệnh nhân…, bệnh viện trở thành nơi cung cấp dịch vụ nhiều hơn là phục vụ.
Nhờ vậy, đời sống của nhân viên có khá hơn, nhưng điều đó lại ảnh hưởng đế tư tưởng con người, muốn sống an nhàn hơn, ít suy tư về đời sống tinh thần.
Dân số thành phố ngày càng tăng cao, bệnh viện trở nên quá tải, nhân viên y tế không còn đủ kiên nhẫn, để vui vẻ, hoà nhã trả lời các thắc mắc của bệnh nhân. Khó mà sẵn lòng có thái độ đón tiếp bệnh nhân ân cần như người Samaritano nhân hậu nữa.
Như vậy làm sao tín hữu ngành y thể hiện được văn minh sự sống, tin mừng tình thương trong môi trường được gọi là nhà thương? Khi khám bệnh là dịch vụ, bệnh nhân là khách hàng, có còn chỗ cho hai chữ “phục vụ” nữa không?
Và do tình trạng quá tải của các bệnh viện, các phòng khám tư được phép mở ra, thu hút các bác sĩ có trình độ chuyên môn, nên các bác sĩ làm không hết việc, chạy từ bệnh viện này qua clinic nọ, rồi qua phòng khám khác… Hậu quả là các bác sĩ thời nay bị cuốn vào cơn lốc thị trường, không có thời gian để ngơi nghỉ…, còn thì giờ đâu để tham gia sinh hoạt, học hỏi ? Liệu tâm của bác sĩ còn đủ vững để nhìn thấy Chúa nơi bệnh nhân không, hay chỉ thấy bệnh nhân như một khách hàng trôi nổi trên thị trường?
4. Kết luận
Như vậy, với xã hội đổi mới, tư duy đã thay đổi, tâm tình biến động
Giới y tế Công Giáo cần được huấn luyện, nuôi dưỡng, giúp củng cố đời sống đức tin mới có thể nhìn thấy bệnh nhân là hình ảnh của Chúa được.
Phải chăng cần kín múc thường xuyên hơn lửa mến nơi Thiên Chúa?
Phải chăng mỗi ngày cần để dành năm phút đón nhận lòng thương xót của Chúa để có thể thương xót thật bệnh nhân mình gặp hằng ngày?
Vậy hôm nay, trước mặt Đại hội Dân Chúa, giới y chúng con xin được mọi người cầu nguyện, góp ý để nhóm tông đồ chuyên biệt này được vinh dự cùng với Giáo Hội bước theo Đức Kitô, sẵn sàng nói “xin vâng” khi nghe tiếng Chúa, tiếng Giáo Hội, tiếng nhân dân kêu mời.
Cụ thể, giới YTCG sẽ:
+ Họp nhau mỗi tháng, cùng dâng thánh lễ để hiệp thông chiều thẳng đứng vươn lên Thiên Chúa. Đồng thời lấy chia sẻ Lời Chúa, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn, kinh nghiệm sống sứ vụ Kitô hữu làm trục ngang giữ gìn và phát triển nhóm.
+ Có những hoạt động chung để cùng nhau khơi dậy tâm tình phục vụ và truyền giáo như Chúa mong muốn.
+ Cần phối hợp các giới các ngành cùng với ngành y phục vụ người nghèo
Và xin được đề xuất:
+ Có tiếng nói danh chính ngôn thuận từ hàng Giáo phẩm để liên kết, kêu gọi mọi người tham gia vào Bảo Vệ Sự Sống, xây dựng nền văn minh tình yêu.
+ Khi chưa có bệnh viện Công giáo, cần chăng một cơ cấu, phương thức liên kết hoạt động các nhóm thiện nguyện, nhóm y xã hội với các phòng khám từ thiện, các phòng khám có nhiều nhân viên Công giáo, để cùng chung sức nâng đỡ, hỗ trợ nhau xây dựng nền văn minh tình thương.
+ Do chưa có sự phát triển đồng bộ giữa đời sống tâm linh và đời sống văn hóa xã hội của nhân viên y tế công giáo, giới y chúng con cần được linh hướng, dẫn dắt sâu sát hơn để khơi dậy lòng tin mến, giúp anh em biết nạp năng lượng thường xuyên từ Chúa mới có thể hiệp thông liên đới để phục vụ.
Vì thời gian có hạn nên chúng con xin cám ơn quý đại biểu đã hiệp thông với giới YTCG. Xin luôn nhớ đến các anh chị em bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ, nha tá, điều dưỡng, hộ lý, nhân viên cận lâm sàng là những Kitô hữu đang cần đến sự nâng đỡ của quý vị.
Bs. Phạm Thị Chi Lan và Bs. Nguyễn Đăng Phấn
(Thay mặt giới YTCG)
Bs. Chi Lan và Bs. Phấn