Tinh thần
tự do đích thực loại trừ bạo lực, âu lo và bối rối, chứ không loại bỏ sự vâng
lời. Lý tưởng tự do mà loài người khát khao chỉ được thực hiện với sự tràn đầy
trong Thiên Chúa, chứ không qua bạo lực và sợ hãi.
Đức
Thánh Cha đã khẳng định như trên với gần 8.000 tín hữu tham dự buổi tiếp kiến
chung sáng thứ tư 2-3-2011 trong Đại Thính đường Phaolô VI.
Trong
bài huấn dụ, Đức Thánh Cha đã giới thiệu gương mặt Thánh Phanxicô de Sales,
Giám mục, Tiến sĩ Giáo Hội. Ngài nói về tiểu sử thánh nhân như sau:
Sinh năm
1567, trong một vùng biên giới nước Pháp, người là con ông chúa vùng Boisy, một
gia đình thượng lưu quyền quý nhà Savoia. Sống giữa hai thế kỷ XVI-XVII, thánh
nhân quy tụ nơi mình cái tinh tuý của các giáo huấn và các chinh phục văn hoá
thời đó, bằng cách hoà giải gia tài của thuyết nhân bản với sự thúc đẩy hướng
tới cái tuyệt đối của các trào lưu thần bí.
Tại
Paris, người học cao học và triết học tại Đại học Padova; ở Italia, người theo
học luật như thân phụ muốn, và lấy bằng tiến sĩ lưỡng luật: giáo luật và dân
luật. Trong thời thanh xuân, khi suy tư về tư tưởng của Thánh Agostino và Thánh
Toma Aquino, Phanxicô gặp khủng hoảng nặng liên quan tới ơn cứu rỗi và sự tiền
định của mình, nghi ngờ đến mất ăn mất ngủ trong mấy tuần liền và sống các vấn
đề thần học thời đó như là thảm cảnh tinh thần. Sau cuộc thử thách, Phanxicô
đến nhà thờ các cha dòng Đaminh ở Paris, rộng mở con tim cho Chúa và cầu nguyện
như sau: “Lạy Chúa là Đấng nắm giữ mọi sự trong tay, và các con đường của Ngài
là công lý và sự thật, bất cứ sự gì xảy ra, bất cứ gì Chúa đã thiết định cho
con… Chúa luôn luôn là thẩm phán công bằng và là Cha thương xót, con sẽ yêu
Chúa, lạy Chúa... Con sẽ yêu Chúa ở đây và sẽ luôn luôn hy vọng nơi lòng thương
xót Chúa và sẽ luôn luôn lặp lại lời ca ngợi Chúa… Ôi lạy Chúa Giêsu, Chúa sẽ
luôn mãi là niềm hy vọng và ơn cứu độ của con trên cõi đất của các kẻ sống” (I
Proc. Canon., Vol I, art 4).
Từ đó
Phanxicô tìm được sự bình an trong thực tại triệt để và giải thoát của tình yêu
Chúa: yêu Chúa mà không thắc mắc đòi hỏi gì và hoàn toàn tín thác nơi tình yêu
Chúa và thánh ý Ngài. Đây sẽ là bí quyết cuộc sống của thánh nhân sẽ được trình
bày trong “Khảo luận về tình yêu Thiên Chúa”.
Thắng
vượt mọi chống đối của thân phụ, ngày 18-12-1593, Phanxicô de Sales được thụ
phong linh mục. Năm 1602, người trở thành Giám mục Genève trong thời gian thành
phố này đã trở thành pháo đài của Tin lành Calvin, đến độ toà giám mục của Đức
Cha phải đặt tại Annecy. Là chủ chăn của một giáo phận miền núi nghèo và gặp
nhiều khó khăn, nhưng thánh nhân đã biết nếm hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên và
núi rừng và coi tất cả đều là lời ca ngợi Thiên Chúa.
Tuy
gặp các khó khăn nhưng cuộc sống và giáo huấn của thánh nhân xem ra có ảnh
hưởng mênh mông đối với Âu châu thời đó và các thế kỷ theo sau. Người là tông
đồ, vị giảng thuyết, nhà văn, người hoạt động và cầu nguyện, dấn thân thực hiện
các lý tưởng của Công đồng Chung Trento; bị liên luỵ trong cuộc tranh luận và
đối thoại với các anh em Tin lành, và sống kinh nghiệm sự hữu hiệu của tương
quan cá nhân và bác ái. Thánh nhân cũng đảm trách các sứ mệnh ngoại giao trên
bình diện âu châu và các nhiệm vụ làm trung hoà giải, nhưng nhất là người hướng
dẫn các linh hồn.
Từ
cuộc gặp gỡ với một phụ nữ trẻ là bà chúa vùng Charmoisy, người có chất liệu để
viết các sách thiêng liêng được nhiều người đọc nhất trong kỷ nguyên tân tiến.
Từ sự hiệp thông tinh thần xâu xa với Thánh nữ Giovanna Francesca di Chantal sẽ
nảy sinh dòng các nữ tu Thăm Viếng, có đặc tính là sống sự thánh hiến hoàn toàn
cho Thiên Chúa trong đơn sơ và khiêm tốn, chu toàn các việc tầm thường hằng
ngày một cách phi thường.
Cuộc
sống của Thánh Phanxicô de Sales tương đối ngắn ngủi. Người qua đời năm 1622
khi mới 55 tuổi, nhưng gương mặt của người đã toả ra một sự tràn đầy, thanh thản
và phong phú với các giáo huấn có ảnh hưởng lớn trên lương tâm Kitô.
Thánh
nhân có nhiều quan niệm về từ “nhân bản” và khiến cho nó có nghĩa là văn hoá và
lịch thiệp, tự do và dịu dàng, cao quý và liên đới.
Trong
cuốn “Dẫn nhập vào cuộc sống đạo đức” viết cho bà Filotea năm 1607,
thánh nhân mời gọi tín hữu hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa, sống tràn đầy hiện
tại trong thế giới này và chu toàn các bổn phận của mình. Lời mời gọi tín hữu
giáo dân săn sóc việc thánh hiến các thực tại trần thế và thánh hoá cuộc sống
thường ngày sẽ được Công đồng Chung Vatican II đề cao và cũng là tinh thần tu
đức của chúng ta ngày nay.
Trong
“Khảo luận về Tình yêu Thiên Chúa” viết cho Teotimo năm 1616, Thánh Phanxicô
đưa ra một quan điểm chính xác về con người, một nền nhân chủng học, trong đó
lý trí hay “linh hồn lý luận” được coi như một kiến trúc hài hoà, một đền thờ,
có nhiều chỗ chung quanh một trung tâm gọi là “đỉnh” “chóp” của tinh thần, hay “đáy”
của linh hồn. Đó là nơi, sau khi đã qua hết các mức độ của nó, lý trí “khép
mắt” và sự hiểu biết trở thành tất cả là một với tình yêu (x. libro I, cap. XII).
Đức Thánh Cha khai triển điểm này như sau:
Rằng
tình yêu, trong chiều kích đối thần, thiên linh của nó, là lý do hiện hữu của
tất cả mọi sự, trong một chiếc thang đi lên, xem ra không có đổ gãy và vực
thẳm, thì Thánh Phanxicô de Sales đã tóm tắt trong câu nổi tiếng này: “Con
người là sự toàn thiện của vũ trụ; tinh thần là sự toàn thiện của con người;
tình yêu là sự toàn thiện của tinh thần; và bác ái là sự toàn thiện của tình
yêu” (ibid. libro X, cap. I).
Trong
thời văn chương thần bí nở hoa, Khảo luận nói trên của thánh nhân là một tổng
luận đích thật, đồng thời cũng là một tác phẩm văn chương hấp dẫn. Lộ trình dẫn
tới Thiên Chúa bắt đầu với sự hướng chiều tự nhiên, được khắc ghi trong trái
tim con người dù là tội lỗi, để nó yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự. Theo mô
thức của Thánh Kinh, Thánh Phanxicô nói tới sự kết hợp giữa Thiên Chúa và con
người bằng cách khai triển một loạt các hình ảnh tương quan liên bản vị. Thiên Chúa
của thánh nhân là cha và chúa, là phu quân và bạn, có các đặc tính như người mẹ
và vú nuôi, là mặt trời mà đêm đen cũng là sự mạc khải bí nhiệm. Vì Thiên Chúa
ấy lôi kéo con người bằng các mối dây tình yêu, nghĩa là sự tự do thật: “bởi vì
tình yêu không có các kẻ bị cưỡng bách và nô lệ, mà biến mọi sự ở dưới sự vâng
phục mình với một sức mạnh ngọt ngào đến nỗi không có gì mạnh hơn tình yêu,
không có gì dễ thương như sức mạnh của nó” (ibid libro I, cap.VI).
Tuyệt
đỉnh sự kết hợp với Thiên Chúa, ngoài các cuộc xuất thần khi chiêm niệm, là sự
tràn đầy tình bác ái cụ thể, chú ý tới tất cả mọi nhu cầu của tha nhân mà thánh
nhân gọi là “xuất thần của sự sống và các công việc”... Thánh Phanxicô de Sales
viết cho thánh nữ Chantal như sau: “Đây là luật sự vâng lời của chúng ta mà
cha viết bằng chữ hoa: LÀM TẤT CẢ VÌ TÌNH YÊU - KHÔNG CÓ GÌ LÀ CƯỠNG BÁCH - YÊU
MẾN VÂNG LỜI HƠN LÀ SỢ HÃI VIỆC BẤT TÙNG PHỤC. Cha để lại cho các con tinh thần
tự do, không phải tinh thần loại bỏ sự vâng lời là tinh thần của thế gian; nhưng
là tinh thần loại trừ bạo lực, âu lo và bối rối” (Lettera del 14 ottobre
1604). Không phải vô tình mà nhiều con đường sư phạm và tu đức thời đại chúng
ta tìm thấy nguồn gốc của chúng trong các tác phẩm và tư tưởng của Thánh Phanxicô
de Sales... Thánh Phanxicô de Sales là một chứng nhân gương mẫu của thuyết nhân
bản Kitô. Với giọng văn thân tình, với các lời đôi khi có cú đập cánh của thơ
phú, người nhắc cho biết rằng con người mang trong trong mình nỗi nhớ nhung
Thiên Chúa được khắc ghi trong nó và chỉ nơi Thiên Chúa con người mới tìm ra
niềm vui đích thực và sự hiện thực tràn đầy.
Đức
Thánh Cha đã chào các tín hữu bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha,
Bồ Đào Nha, Ba Lan, Tscheques, Slovac, Croat, và Ý. Chào người trẻ ngài khích
lệ họ chuẩn bị đương đầu với các chặng quan trọng của cuộc sống với dấn thân
tinh thần và xây dựng mọi dự án trên các nền tảng vững chắc của lòng trung
thành với Thiên Chúa. Đức Thánh Cha xin các anh chị em bệnh nhân dâng mọi khổ
đau cho Thiên Chúa Cha, kết hiệp với các khổ đau của Chúa Kitô để góp phần xây
dựng Nước Chúa. Ngài nhắn nhủ các cặp vợ chồng mới cưới biết xây dựng cuộc sống
gia đình trên việc lắng nghe Lời Chúa, chung thuỷ với nhau trong tình yêu và
tiếp đón những người cần trợ giúp nhất.
Linh Tiến Khải