THẦY DẠY KHÁT KHAO
ĐỌC TIN MỪNG THEO THÁNH GIOAN
Nguyên tác: Le Maître du désir
Une lecture de l’évangile de Jean
Tác giả: Éloi Leclerc
Chuyển ngữ: Lm. Minh Anh (TGP. Huế)
***
(Ga 11,1-14)
Ý thức được Chúa Cha
sai đến thế gian, mang cho thế gian sự sống, sự sống thực, sự sống không qua
đi, Đức Giêsu không thể hoàn tất sứ mệnh mà không đương đầu với cái chết. Quả vậy,
Ngài không đến trong một thế giới thần tiên, nhưng cách hiển nhiên, Ngài đến
trên mặt đất của chúng ta, nơi sự chết là một thực tại thống trị mọi ngày.
Trong hành trình đời
mình, Đức Giêsu đối diện với sự chết không phải cách lý thuyết, phỏng chừng hay
như một ngẫu nhiên xảy đến tình cờ cho người này người khác. Cái chết đến với
Ngài cách hiện sinh và hoàn toàn cá nhân. Thuộc về thể xác và cảm giác như mỗi
người chúng ta, Ngài run rẩy và đau khổ trước cái chết của mình, một cái chết
được báo trước sẽ rất tàn bạo.
Nhưng trước đó, Ngài
cũng đã cảm nhận cái chết qua những cảm xúc tha thiết nhất của mình như Tin Mừng
Gioan cho thấy. Ngài yêu mến Lazarô, Ngài quý mến hai người chị Matta và Maria
của anh; ở nhà họ, Ngài được tiếp đón như một người bạn. Với Ngài, cả ba người
này là những người thân thiết nhất. Trên con đường sứ vụ, căn nhà của Lazarô ở
Bêtania là nơi dừng chân thanh bình. Giữa một đám đông hay quấy rầy và những
nơi hoang vắng mà Ngài thường ở lại một mình để cầu nguyện, có một số nơi ưu
tiên cho việc nghỉ ngơi và thân tình trong cuộc đời của Đức Giêsu. Bêtania là một
trong những nơi ấy. Ở đó, cách xa đám đông, cách xa những cuộc luận chiến với
các luật sĩ và biệt phái, Đức Giêsu nghỉ ngơi và cảm nếm một niềm vui hoàn toàn
bình dị khi cùng ở một nơi giữa những người bạn. Đó là những giây phút hiếm hoi
của niềm hạnh phúc con người trong một cuộc sống hoàn toàn hiến dâng cho sứ vụ
của Ngài.
Như thế, chính Đức
Giêsu cũng cảm nhận cái chết bất ngờ của Lazarô và nỗi đau mà hai người chị của
ông trải qua. Với Ngài, đó là một nỗi đau thực sự. Ngài cho thấy điều đó. Trước
Matta và Maria, cảm xúc của Ngài thể hiện ở chỗ cảm thấy bất an và không thể cầm
nước mắt, “hãy xem người thương anh ấy biết bao!”, những người vây quanh Matta
và Maria đã thốt lên. Không đoạn Tin Mừng nào của Gioan minh hoạ tốt hơn câu
nói của lời tựa “và Ngôi Lời đã trở nên người phàm” như ở đây. Nhân tính của Đức
Giêsu không phải là một nhân tính bề ngoài nhưng là một nhân tính đầy chiều sâu
của cảm giác và cảm xúc, từ đó làm nên một con người cởi mở nhất.
Vậy mà dù cho cả khi
con người ấy run rẩy, không một khoảnh khắc nào Đức Giêsu quên đi sứ vụ của
mình. Ngài biết, Ngài mang trong mình bí mật của một sự sống vốn không qua đi
và sự chết không thể chiếm lấy nó. Sứ vụ của Ngài là mặc khải và thông ban sự sống
thần linh cho thế gian này. Tuy nhiên, chúng ta chỉ có thể hiểu rõ điều Đức
Giêsu cảm nhận trước cái chết của bạn mình bằng cách đặt sự kiện đó trong cái
nhìn của Gioan, cái nhìn đó chính là sứ vụ của Ngài.
Quả thế, trình thuật Đức
Giêsu đến Bêtania trong hoàn cảnh này được viết trong bối cảnh Thầy trò lên
Giêrusalem, một chuyến đi dẫn đến cái chết. Quyết định trở lại Giuđê, Đức Giêsu
tiên báo Ngài sẽ phải chết; và chấp nhận cái chết. Như thế, Ngài sẽ hoàn tất sứ
vụ bằng cách hiến mạng sống mình. Việc Lazarô sống lại sẽ được thực hiện trong
tương quan mật thiết với quyết định tự hiến của Ngài. Hai sự kiện này không
tách rời nhau. Sự kiện thứ nhất sáng tỏ nhờ ánh sáng của sự kiện thứ hai. Vì thế,
cần phải hiểu trình thuật của Gioan ngay từ những khởi đầu của nó.
Đức Giêsu rút về bên
kia sông Giođan với các môn đệ khi hai chị của Lazarô gửi người đến báo tin cho
Ngài: “Thưa Thầy, người mà Thầy thương mến đang ốm nặng”. Tin này dường như
không làm Ngài xúc động ngay lúc ấy. Ngài chỉ bảo: “Bệnh này không đến nỗi chết,
nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa
được tôn vinh”. Ngài còn nán lại đó hai ngày. Điều đáng chú ý trong phản ứng của
Đức Giêsu ở chỗ là suy nghĩ của Ngài hướng ngay về Chúa Cha và về sứ mệnh được
giao phó. Chân trời của Ngài là vinh quang của Thiên Chúa được biểu lộ trong việc
hoàn tất sứ mệnh trao ban sự sống. Căn bệnh của Lazarô được Ngài nhìn trong
nhãn quan này: như một tiên báo cho việc biểu lộ vinh quang.
Sau hai ngày, Đức
Giêsu nói với các môn đệ: “Chúng ta hãy trở lại xứ Giuđê”. Ngay lập tức họ phản
ứng: “Gần đây, những người Do Thái tìm cách ném đá Thầy mà Thầy còn muốn trở lại
đó sao!”. Đức Giêsu trả lời họ:
“Ban ngày chẳng có mười hai giờ đó sao?
Ai đi ban ngày thì không vấp ngã,
vì thấy ánh sáng của thế gian này.
Còn ai đi ban đêm thì vấp ngã
vì không có ánh sáng nơi mình” (Ga 11,9-10).
Những lời nói khá nhiệm
mầu. Chúng còn nhắm đến những lời khác nữa:
“Ai bước đi trong bóng tối
thì không biết mình đi đâu.
Bao lâu các ông còn có ánh sáng,
hãy tin vào ánh sáng, để trở nên
con cái ánh sáng” (Ga 12,35b-36).
Về phần Đức Giêsu, những
lời này là một lời mời gọi theo Ngài mà không sợ hãi cũng không do dự, vì Ngài
là ánh sáng: “Ai theo tôi sẽ không đi trong bóng tối, nhưng sẽ có ánh sáng mang
lại sự sống” (Ga 8,12b).
Đáp lại các môn đệ, Đức
Giêsu bảo: “Lazarô, bạn của chúng ta, đã yên giấc; Thầy sẽ đi đánh thức anh ấy”.
Hiểu theo đúng nghĩa những lời nói của Ngài, họ thưa: “Thưa Thầy, nếu anh ta đã
yên giấc, anh ấy sẽ khoẻ lại”. Nhưng Đức Giêsu đã nhanh chóng xua tan mọi sự
khó hiểu và công bố rõ ràng với họ: “Lazarô đã chết, và Thầy vui mừng vì Thầy
đã không ở đó, để anh em tin. Thôi, nào chúng ta hãy đến với anh ấy!”.
Từ những lời nói của Đức
Giêsu, các môn đệ chỉ lưu ý đến quyết định trở lại Giuđê của Ngài, một sự trở lại
đầy liều lĩnh của Thầy lẫn trò. Từ đó nảy sinh ý tưởng hoàn toàn tự phát của
Tôma: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy”. Một tuyên bố
hay. Hẳn là một cách thức tự hiến đầy can đảm. Nhưng thực tế sẽ khác.
Vậy là Đức Giêsu rời
nơi ở của Ngài bên kia sông Giođan và lên Giêrusalem. Ngài tiến đến cái chết của
mình, một cái chết Ngài đã dự tính và chấp nhận như một quà tặng tuyệt hảo; mạng
sống Ngài, được hiến trao. Cái chết này sẽ hoàn tất và biểu lộ ý định của Thiên
Chúa. Khi trao ban mạng sống, Đức Giêsu sẽ thông truyền cho thế gian sự sống thần
linh. Chính trong viễn ảnh nội tại này, Ngài lên đường và đến Bêtania, gần
Giêrusalem.
Lazarô đã ở trong mồ từ
bốn ngày. Nhiều người Do Thái đến an ủi Matta, Maria và ở lại đó với hai bà.
Khi Matta biết Đức Giêsu đến, bà đến gặp Ngài, đang khi Maria, phục tang, ủ rũ
ngồi trong nhà.
Thấy Đức Giêsu, không
thể kìm nén, Matta thưa với Ngài: “Thưa Thầy, nếu Thầy ở đây, em con đã không
chết”. Bà trách Thầy đến muộn. Tuy nhiên, ngay lập tức bà nói thêm: “Nhưng bây
giờ con biết: bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy”.
Đức Giêsu bảo chị: “Em con sẽ sống lại”. “Con biết, Matta đáp, em con sẽ sống lại
khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết”. Như thế, Matta bày tỏ niềm tin của Đạo
Do Thái chính thống vào thời kỳ này. Nhưng lời tuyên bố trên môi miệng bà lại
hàm chứa một chút đắng cay. Có nên đợi đến “ngày sau hết” để gặp lại em mình
không?
Đức Giêsu nhìn Matta.
Ngài nhìn bà bằng một cái nhìn không dừng lại ở bề mặt của những hữu thể, nhưng
là một cái nhìn sâu thẳm từ bên trong. Ngài thấy nỗi đau của bà, sự cự tuyệt dữ
dội của bà trước cảnh chia ly, nỗi khát khao của bà về một cuộc sống được giải
thoát khỏi sự chết và những đoạn giao của nó. Ngoài nỗi đau của Matta, Đức
Giêsu còn thấy toàn thể thân phận con người, một đại dương nhân loại mênh mông
đang lồng lộn bởi một khát vọng sống tựa hồ con sóng trong lòng đại dương; con
sóng này sẽ vỡ oà trên một bức tường không thể vượt qua: sự chết, quyền thống
trị của nó.
Đối diện với cơn bão
khát vọng sống mà Tạo Hoá trót gieo xuống mặt đất, sự chết, quyền lực thống trị
xem thường định mệnh cuộc sống. Chính sự chết luôn chiếm thế thượng phong: nó
luôn đưa ra phán quyết cuối cùng. Nó kìm hãm con người trong quyền lực của nó,
giam giữ con người trong chân trời tàn nhẫn của nó. Con người có thể kéo dài
chuỗi ngày đời mình nhưng sự chết lại chụp lấy nó cách nghiệt ngã, bất chấp mọi
nhiệt huyết sống. Ngày kia, cuộc phiêu lưu của con người tự nó sẽ kết thúc trên
trần gian; cuộc phiêu lưu đó thậm chí không ai còn nhớ đến như một kỷ niệm. Cả
trái đất bấy giờ chỉ còn là một cõi chết.
Trước cảnh cùng khốn
này, Đức Giêsu không có ý nói như sách Giảng Viên: “Phù vân trên mọi phù vân, mọi
sự chỉ là phù vân… và cuốn theo chiều gió”, hoặc “Đeo bám vào sự sống này để
làm gì?”. Không, hoàn toàn ngược lại, cả con người nội tại cựa mình run rẩy trước
viễn cảnh này: con người được tạo dựng để sống, được tạo dựng theo hình ảnh
Thiên Chúa và cũng trở thành một hữu thể để chết, làm mồi ngon cho sự chết! Ý định
của Tạo Hoá về định mệnh của sự sống phải biến đổi trước sự thống trị của sự chết:
sự thống trị của Hoàng Tử sự chết! Vì chính nó, Tên Địch Thù, “kẻ giết người từ
lúc khởi đầu”. Chính nó chủ sự ngày hội dã man này, chính nó điều khiển vòng
xoay tàn bạo của các thế hệ; các thế hệ sinh ra, hy vọng nhưng lại chết trong
vòng quay ác nghiệt, không một chân trời nào khác hơn là chính sự chết.
Cũng vậy, chính lúc
này, Đức Giêsu đối diện với Tên Địch Thù, Đối Thủ của Ngài. Ngài, sự sống, Chúa
của sự sống, đến trong thế gian để thông ban sự sống, Ngài cũng phải đương đầu
với sự chết, sự chết của Ngài. Địch Thù của Ngài đã chờ ở đó.
Nhưng sự sống của
Ngài, không ai lấy được: Ngài tự ý ban tặng nó cách hoàn toàn tự do. Ngài có
quyền ban tặng và lấy lại sự sống (x. Ga 10,18). Sự sống được tặng ban và lấy lại
của Ngài sẽ bẻ gãy vòng kim cô hung ác, mở cho con người khung trời hy vọng lớn
lao. Vì không chỉ một mình Lazarô cần được đem ra khỏi mồ, nhưng là toàn thể
nhân loại phải được rựt khỏi tay kẻ Địch Thù. Ngài sẽ không thực hiện điều đó bằng
việc trả lại cho con người cuộc sống dương gian, trả lại như thế chỉ kéo giãn kỳ
hạn. Quả vậy, trong trường hợp này, con người vẫn sẽ là một hữu thể phải chết.
Vậy là phải bẻ tan chiếc vòng định mệnh, phải làm sao để con người có thể bước
vào một cuộc sống mới, một cuộc sống còn mãi và sự chết không còn thống trị. Một
sự sống tự khẳng định trong chính sự chết. Đức Giêsu, chỉ một vài ngày nữa, trước
khi chết, sẽ bảo các môn đệ: “Thủ lãnh thế gian đang đến. Đã hẳn, nó không làm
gì được Thầy”. “Can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33).
Tự thâm tâm, chính lúc
này đây, Đức Giêsu nhìn thấy tất cả những điều đó liên tiếp xâu kết lại với
nhau khi Ngài đang đứng trước Matta. Thế rồi, cách thanh thản, đầy quyền uy,
Ngài tuyên bố với chị, đáp lại sự chờ đợi của chị và của toàn thể nhân loại:
“Thầy là sự Sống Lại và là Sự Sống”.
Lời Ngài thật vô biên như
những lời đã nói với người phụ nữ Samaria về việc thờ phượng trong thần khí và
sự thật. Những lời vượt thời gian, vượt trên cả những sự kiện đặc thù đã khơi gợi
chúng. Lời ngân vọng đến vĩnh cửu. Đừng vội tìm cách cân đo những gì nó chất chứa,
hãy để chúng tự bộc lộ trong cái vô biên, trong sự uy nghiêm viên mãn tột cùng
của chúng.
“Ta là…”. Đó là lời khẳng
định của một Hữu Thể thống trị thời gian. Hữu thể này được định nghĩa trọn vẹn
bởi hai từ: “Sống Lại” và “Sự Sống”. Những lời này làm vang vọng hành vi sáng tạo
nơi Ngôi Lời tạo dựng. Chúng mang theo hơi thở và quyền năng trong chiều kích của
lời tạo dựng. Những lời ấy tuyên bố chiến thắng cuối cùng của sự sống trên sự
chết. Tự thân, chúng là tất cả Tin Mừng. Với những lời này, sự sống được giải
thoát khỏi chân trời sự chết tìm lại hăng nhiệt ban đầu cùng tất cả ý nghĩa trọn
vẹn của mình. Mọi sự lại trở nên có thể. Dẫu cho đông dai dẳng có thể vẫn kéo
dài trên những cánh đồng nhân loại chúng ta; nhưng kìa, xuân đã nở rộ trong tâm
hồn Con Người.
Thuật lại những lời
này và đặt trên môi miệng Đức Giêsu, tác giả Tin Mừng đã viết chúng dưới ánh
sáng Phục Sinh. Chính trong ánh sáng Phục Sinh mà những lời này được hiểu. Đó
là lời khẳng định của sự sống đã chiến thắng sự chết. Không phải bởi một cuộc
trở lại đơn thuần đời sống dương thế trước đó, nhưng bởi sự hiển hiện của một
con người mới. Đức Kitô Phục Sinh đâu phải là sự hoàn sinh đơn thuần của một
Giêsu thành Nazareth. Sáng ngày Phục Sinh, Đức Kitô ra khỏi mồ, hiện ra với
Mađalêna; Đức Kitô ấy không phải là một Giêsu người Galilê với bản án thập giá
ba ngày trước đó nay trở lại cuộc sống thường nhật. Ngài là Đấng sau khi trải
nghiệm cái chết, băng qua vương quốc các tầng địa ngục, nay biểu lộ tình trạng
sáng ngời của Con Thiên Chúa, và cuối cùng, tự khẳng định như một con người
nguyên vẹn: Con người sống động với tất cả sự sống toàn diện của chính Thiên
Chúa. Cuộc phục sinh này là sự xuất hiện của một thực tại mới, một thực tại mà ở
đó, toàn thể vũ trụ được sửa chữa lại toàn bộ nhờ hơi thở của Ngôi Lời tác tạo
và được hoàn lại cho sự sống vốn là ánh sáng.
Chính trong ánh sáng
Phục Sinh này mà những lời Đức Giêsu nói với Matta tự chúng đầy tràn sức sống:
“Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ
không bao giờ phải chết. Chị có tin như thế không?”.
Đáp ứng nỗi khát khao
sâu xa của Matta về một sự sống không còn biết đến đau khổ, chia lìa và tang
tóc, Đức Giêsu nại đến niềm tin của bà. Ai tin vào Ngài thì đã sống cuộc sống
này, một cuộc sống chiến thắng sự chết. Sự sống này không chỉ dành cho ngày
mai, không dành cho ngày sau cùng, cũng không dành cho thế giới bên kia. Chính
hôm nay, sự sống đó được trao ban. Sự sống này đã ở trong tâm hồn mọi kẻ tin. Sự
sống ấy có thể băng qua sự chết và mải sống nguyên tuyền. Sự chết không có quyền
gì trên nó vì sự sống này là sự thông hiệp với sự sống vĩnh cửu của Thiên Chúa.
Vì thế, nó không chịu giới hạn trong sự bất tử của linh hồn. Trong sự sống đó,
chính con người toàn diện, con người sống động đã thông dự vào Con Người toàn vẹn
trong Đức Kitô Phục Sinh. Trong tâm hồn con người, sự sống đó là một hạt giống
phục sinh. Hạt giống ẩn giấu, nhưng linh hoạt, đó là lực đẩy ban đầu vốn sẽ ra
sức nâng con người sống động lên trong luồng sinh khí của niềm hy vọng. Sự sống
này, một sự sống mà Đức Giêsu nắm giữ bí quyết, chỉ có thể được mặc khải ngang
qua một dấu chỉ gắn liền với sứ mệnh của Ngài và khơi gợi niềm tin vào con người
Ngài.
“Chị có tin không?”, Đức
Giêsu hỏi Matta. “Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa,
Đấng phải đến thế gian”. Trước việc tuyên xưng niềm tin vào Đấng Thiên Sai này,
Đức Giêsu sẽ có thể hoàn tất dấu chỉ.
Cảm nhận điều sắp xảy
ra, bấy giờ Matta chạy đi tìm em mình đang ngồi ở nhà. Bà khẽ nói với em: “Thầy
đến rồi, Thầy gọi em đấy!”. Nghe tin này, Maria lập tức đứng dậy, vội vã đến với
Đức Giêsu. Gặp Ngài, Maria phủ phục dưới chân Ngài và thưa: “Thưa Thầy, nếu có
Thầy ở đây, em con đã không chết”. Khi thấy chị khóc, Đức Giêsu thổn thức trong
lòng và xao xuyến. Ngài nói: “Các người để xác anh ấy ở đâu?”, họ trả lời:
“Thưa Thầy, mời Thầy đến mà xem”. Đức Giêsu không thể cầm nước mắt. Bấy giờ, những
người Do Thái hiện diện ở đó bảo nhau: “Kìa xem, ông ta thương anh Lazarô biết
mấy!”.
Thổn thức trong lòng một
lần nữa, và này, Ngài đến mồ. Đó là một cái hang với tảng đá đặt phía trên. Đức
Giêsu bảo: “Đem phiến đá này đi!”. Matta lưu ý: “Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em
con ở trong mồ đã được bốn ngày”. Nhưng Đức Giêsu phản ứng lại: “Nào Thầy đã chẳng
nói với chị rằng, nếu chị tin, chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa
sao?”. Thế rồi người ta khiêng tảng đá đi. Ngước mắt lên trời, Đức Giêsu nói:
“Lạy Cha, con cảm tạ Cha
vì Cha đã nhậm lời con.
Phần con,
con biết Cha hằng nhậm lời con,
nhưng vì dân chúng đứng quanh đây,
nên con đã nói để họ tin
là Cha đã sai con” (Ga 11,41-42).
Quả thế, ở đó có nhiều
người Do Thái đến an ủi hai chị em Matta. Mọi người tụ tập trước ngôi mộ và họ
chờ đợi, tò mò xem điều gì sẽ xảy ra. Một số người xầm xì: “Ông ta đã mở mắt
cho người mù lại không thể làm cho anh ấy khỏi chết sao?”.
Ngay sau khi dâng lời
tạ ơn, Đức Giêsu kêu lớn tiếng: “Anh Lazarô, hãy ra khỏi mồ!”. Người chết đi
ra, chân tay còn quấn vải và mặt còn phủ khăn. Đức Giêsu bảo mọi người: “Cởi
khăn và vải cho anh ấy và để anh ấy đi”.
Khi gọi Lazarô trở lại
với cuộc sống, Đức Giêsu trao ban một dấu chỉ về sự sống mà Ngài có sứ vụ mặc
khải và thông truyền. Nhưng dấu chỉ không phải là thực tại, đó chỉ là hình ảnh
của thực tại, là bề ngoài khả giác giúp con người có một tầm nhìn xa hơn, cao
hơn. Đó là một năng lực đánh thức cho phép khát vọng lớn lên và thăng hoa.
Nhưng khổ nỗi, khát vọng lại say mê cái vỏ bọc cảm giác và hấp dẫn trần tục của
dấu chỉ nên mải đeo bám vào đó. Vì thế, thay vì đứng dậy, nó bò, nó cuộn quanh
dấu chỉ như thể đó là thực tại. Bấy giờ, dấu chỉ không còn là dấu chỉ; và niềm
khát khao một khi gắn chặt với một thoả mãn tức thời và chóng qua lại chỉ có thể
khát khao mãi và lặp đi lặp lại như thế: luôn luôn không thoả mãn, và thế là vẫn
bị đóng chặt trong khung trời sự chết.
Hoàn toàn giống với việc
hoá bánh ra nhiều, việc làm cho Lazarô sống lại chỉ là một dấu chỉ Đức Giêsu
trao ban để nới rộng chiều kích khát khao của con người hầu mở lòng họ đón nhận
một sự sống lâu bền hơn. Tự thân, việc sống lại này chỉ là sự trở lại với sự sống
vốn vẫn phải chết. Nó không giải quyết được gì, sự chết vẫn cứ đưa ra phán quyết
cuối cùng. Nhưng khi làm phép lạ này, Đức Giêsu cho thấy trong Ngài, một năng lực
sống có thể đánh bại sự chết. Sự sống thật mà Ngài muốn thông ban cho chúng ta
là sự hiệp thông với sự sống vĩnh cửu nơi Thiên Chúa trong sự chết và sự phục
sinh của Ngài. Sự thông hiệp này không chỉ là một sự kiện của linh hồn, nó làm
sống động toàn thể con người, thân xác và linh hồn trong sự sống mới qua việc
thông dự vào một con người toàn hảo, nơi Đức Kitô Phục Sinh; như thế, thông dự
vào thân xác vinh quang của Ngài. Tắt một lời, nhờ niềm tin, sự sống đó đã là sự
sống của Đấng Phục Sinh trong chúng ta.
Lm. Minh Anh chuyển ngữ