Đức cha Hoàng Đức Oanh chào thăm một em đau nằm trên giường
CARITAS VIỆT NAM (31.10.2009) – Sáng ngày 27-10-2009, Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh và Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Tổng Thư ký UBBAXH-Caritas VN đã đi thăm một vài nơi bị lũ lụt để hoạch định chương trình phục hồi và tái thiết sau trận bão số 9 (Ketsana). Chương trình cứu trợ khẩn cấp đã được thực hiện trong vòng một tháng, từ 29-9 đến 28-10. UBBAXH-Caritas VN đã gửi 200 triệu đồng để giúp đỡ nạn nhân ở Kontum cho việc cứu trợ khẩn cấp này.
Đoàn ra đi từ lúc 6g30 sáng theo quốc lộ 14 để tới Đắk Hà và Đắk Tô. Dòng sông PôKô với những khối bùn đỏ ngầu vẫn tiếp tục chảy xuôi về hướng Tây. Những khối đất cát do lũ mang về vẫn còn lắng đọng dưới lòng sông cần phải nạo vét sớm nếu không những trận lũ sắp tới sẽ là những thảm hoạ lớn lao hơn nữa cho những người dân sống gần bờ.
Trận lũ do cơn bão số 9 đã mang đất cát phủ nhiều đồng ruộng ở Kontum. Muốn hồi phục các đồng ruộng này, người ta phải xúc những lớp đất cát đó đi. Tuy nhiên, vì khối lượng đất cát quá nhiều nên một số nơi đành phải san bằng mặt ruộng và thay đổi cây trồng. Chúng tôi đi ngang qua cầu Diêm Bình ở khu vực huyện Đăk Tô, nhiều khối bùn đất lấp đầy dòng sông và những thân gỗ lớn từ thượng nguồn đổ về còn nằm đầy tại đó.
Hàng ngàn cây gỗ lớn đã phá huỷ đoạn đường. Dưới lớp bùn và những thân gỗ này vẫn còn có thể tìm thấy xác người trong số hàng chục người mất tích. Một số người dân ở vùng này đã thu được lợi lớn từ những khối gỗ khổng lồ đó, nhưng cũng chính nhờ họ dọn dẹp những thân gỗ mà quốc lộ 14 mới được khai thông. Chúng tôi hy vọng những người này và một vài đại gia ở Kontum đang kiếm lợi hàng trăm tỷ đồng từ nguồn gỗ thiên nhiên, từ đầu cơ tích trữ, từ buôn gian bán dối cho đồng bào thiểu số sẽ đóng góp vào quỹ cứu trợ nạn nhân thiên tai thay vì nhiều nơi phải ngửa tay xin viện trợ nước ngoài.
Ở Kontum có hàng ngàn ngôi nhà đã bị dòng nước lũ cuốn trôi hoặc phá huỷ hoàn toàn trên đường đi với những thân gỗ lớn. Vấn đề tái thiết những ngôi nhà ấy cần có sự phối hợp giữa chính quyền và những tổ chức cứu trợ để đề phòng cho những cơn bão lũ sắp tới. Những ngôi nhà cần phải tránh xa dòng nước lũ mới bảo đảm an toàn.
Một vấn đề khác, đó là sự đầu cơ hàng hoá của một số những thương lái người Kinh cho việc xây dựng nhà cửa, phục hồi cuộc sống trên vùng đất Tây Nguyên này. Những người dân tộc sẵn sàng bỏ nhiều tiền để mua tôn lợp mái nhà, mua những vật dụng như tủ, bàn, tivi, xe máy với giá cao và mang cả sổ đỏ nhà đất để bảo đảm. Nhưng vì mùa màng không ổn định nên chỉ một hai vụ mùa bị thất bát là người dân tộc bị mất cả nhà lẫn đất. Cần có một chính sách hỗ trợ để người dân mua được tấm tôn lợp với giá rẻ, lập ra quỹ tín dụng của Nhà Nước hay của Giáo Hội để giúp cho người dân tộc thiểu số khỏi bị mất đất, mất nhà hay chuộc lại sổ đỏ đã giao cho người Kinh. Cần có những tiệm bán hàng thật thay vì những hàng mã giả dối của một ít người Kinh như tivi cũ sửa lại sử dụng vài tháng là mất màu, xe máy cũ được tân trang chỉ chạy được vài tháng là hỏng, những chiếc điện thoại di động cho mượn để sử dụng thoải mái mà không lường trước được phải trả mỗi tháng hàng triệu đồng tiền cước.
Đồng bào dân tộc rất đơn sơ, mộc mạc. Cầm nắm tiền cứu trợ vài ba triệu đồng trên tay, họ thường không biết suy tính nên mua cái gì trước cái gì sau, cái gì cần cái gì nên để lại. Họ thường nghe lời chào mời của bạn bè người Kinh, mua vội vài tấm tôn lợp để che mưa nắng và nghĩ ngay đến một số đồ dùng cần thiết hoặc ăn nhậu với bạn bè. Vì thế, cần phải có những tổ chức tư vấn cho họ như một số xứ đạo Công giáo đã từng làm qua các Yao Phu người dân tộc. Các anh chị em trong Caritas VN ở giáo phận và giáo hạt cần tích cực trong việc tư vấn này.
Điều quan trọng nhất đối với chúng tôi là bảo đảm cho các con em đồng bào dân tộc có được chỗ ăn học sau cơn bão. Nhiều gia đình không còn đủ tiền đóng học phí cho con. Ngay đến cái ăn hằng ngày cũng không thể lo nổi vì đồng ruộng với những nương sắn, ruộng mía đã bị mất trắng, vườn cà phê đã ký nợ cho người Kinh. Báo Tuổi Trẻ và một số cơ quan cứu trợ như Gạch Đồng Tâm hợp tác với các Tỉnh đoàn Thanh Niên đã giúp đỡ nhiều trong chương trình “Giúp học sinh vùng bão lũ trở lại trường” ở Quảng Nam (5.100 suất) như Bắc Trà Mi, Tiên Phước, Phú Ninh và các trường ở TP. Đà Nẵng, Quảng Ngãi (4.500 suất), Kontum (3.600 suất), Gia Lai (1.200 suất), Bình Định (200 suất), Thừa Thiên-Huế (400 suất), Quảng Trị (500 suất) (x. Báo Tuổi Trẻ, 24-10-2009, tr. 7). Mỗi suất từ 250 đến 350 ngàn đồng gồm cặp, vở, bút và tiền mặt. Số tiền này thật đáng quý và rất cần thiết cho các em trong lúc này.
Chúng tôi đã đến thăm một số ký túc xá dành cho các em đồng bào dân tộc thiểu số do các nữ tu dòng Chúa Quan Phòng, dòng MTG Quy Nhơn, dòng Thánh Phaolô ở Kontum, làng Plei Kơ Bay, làng Kon H’Ring. Vài trăm em sống chen chúc trong những ngôi nhà nhỏ. Nhiều em là những học sinh trung học từ lớp 6 đến lớp 12. Vì các em quá đông sau trận lụt nên 2 em phải ngủ chung một giường.
Phòng sinh hoạt vừa là nơi học tập, vừa là nơi cầu nguyện, vừa là chỗ ăn uống hội họp. Mỗi bữa, ngoài tiền gạo tương đối đầy đủ do các xứ đạo đóng góp, tiền ăn chỉ từ 1.500 đến 2.000 đồng/em/ngày, bữa ăn chỉ có một chút rau, một tuần mới có được một con cá nhỏ. Tôi hỏi chị phụ trách: “Mỗi ngày chị đi chợ bao nhiêu?” Chị trả lời: “350.000 đồng cho 220 em. Mắm muối là do nhà dòng mẹ từ Quy Nhơn đưa lên tặng cho các em”. Chị nữ tu phụ trách nói lên niềm mơ ước của các em vào ngày lễ bổn mạng (24 tháng 11) sắp tới là mỗi em được một gói mì ăn liền cho bữa sáng vì thường ngày các em chỉ được ăn hai bữa trưa-chiều và thường nhịn đói đi học ngay từ sáng sớm.
Giáo phận Kontum hiện nay đang vận động các dòng tu, các xứ đạo mở lưu xá cho các em dân tộc. Số các em sống trong các lưu xá này khoảng hơn 2.000 em. Nếu được giáo dục tốt, chính các em sẽ là những người thay đổi đời sống buôn làng. Khi hỏi đến niềm mơ ước, các em mong được giúp đỡ một số phương tiện như máy vi tính để các em biết sơ đẳng về tin học. Chúng tôi nghĩ cũng nên gửi các chuyên viên dạy về sức khoẻ cộng đồng, sức khoẻ sinh sản, các kỹ năng sống cần thiết… để đào tạo cho các em lớn trở thành những “cán sự xã hội” trong chính buôn làng của các em sau này.
Trên chuyến bay trở về Sài Gòn, tôi cứ nghĩ mãi đến các bạn trẻ tại thành phố đầy ánh sáng này: các bạn có nhiều quà tặng, nhiều trò vui, nhiều mục tiêu phí tiền bạc, trong khi chỉ cần 2.000 đồng cho một ngày sống ở miền cao nguyên đất đỏ. Thế mà nhiều em cũng không dám về với gia đình vì ở nhà chỉ có đọt khoai mì (sắn) luộc ăn thay gạo.
Ước mong có nhiều bạn trẻ cùng tiếp sức cho các bạn cao nguyên tới trường.
(Ghi nhận từ chuyến đi thực tế)
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn