“Chúng ta có thể nói rằng đời sống tâm linh, được hiểu như là
sống với đức Ki tô và do Thánh Linh hướng dẫn, là một cuộc hành trình mỗi ngày
một trung tín hơn, trong đó, người tận hiến được Thánh Thần soi dẫn và biến đổi
trở thành Đức Kitô, trọn niềm hiệp thông trong tình yêu và phục vụ Giáo Hội”.
(x. Tông huấn Đời sống Thánh hiến, số 93)
Trong Niên giám Toà
Thánh 2011, trình bày cho thấy số liệu linh mục, chủng sinh, tu sĩ, giáo dân được
thống kê tính đến 2009. Trong đó, số liệu bản thống kê cho thấy sự tăng - giảm
về số lượng các thành phần trên toàn thế giới, hay từ địa lục riêng biệt nào đó,
“trong gần 10 năm (2000-2009), số các
linh mục giáo phận và các dòng tăng 1,34%, trong khi đó, tính riêng từ 2008 đến
2009, con số này tăng 0,34% (từ 409.166 lên 410.593). Số các tân linh mục dòng
giảm, còn tân linh mục giáo phận tăng nhẹ. Số linh mục trên toàn thế giới tăng,
nhưng tại châu Âu lại giảm sút: các linh mục giáo phận (giảm 0,82%) và các linh
mục dòng (giảm 0,99%). Về con số chủng sinh: năm 2009 tổng số chủng sinh trên
toàn thế giới là 117.978, tăng 0,8% so với năm 2008. Tuy nhiên, số chủng sinh
tại châu Âu giảm 1,64%. Số phó tế vĩnh viễn trên toàn thế giới tăng từ 37.203
năm 2008 lên 38.155 trong năm 2009 (+ 2,5%). Số phó tế vĩnh viễn đang gia tăng
đáng kể ở châu Á và châu Phi. Tuy nhiên, châu Âu và châu Mỹ vẫn là những địa
phương có số phó tế vĩnh viễn chiếm tỉ lệ áp đảo, đến 98%. Số liệu thống kê
đáng chú ý nhất là sự giảm sút số lượng các nữ tu. Nếu tại châu Á và châu Phi
số ơn gọi nữ tu tiếp tục tăng trưởng, thì lại giảm sút trên phạm vi toàn thế
giới (giảm gần 9%): từ 801.185 (năm 2000) còn 729.371 (năm 2009)”.
Từ bản thống kê trên,
chúng ta sẽ quan tâm đến việc tăng hay giảm về ơn gọi đời tu? Tự hào về con số
tăng lên tại châu Á và châu Phi? Hay lo ngại về sự giảm sút ơn gọi trên toàn
thế giới? Theo thiển ý cá nhân, tăng hay giảm cũng đều đẩy chúng ta đến sự thao
thức nhìn lại đời tu dưới nhiều góc cạnh, để tìm ra cho mình một điểm nhấn quan
trọng nền tảng cho sự bền vững trong đời sống ơn gọi khi mà chúng ta đặt cho
mình câu hỏi: đâu là yếu tố cốt yếu nền tảng để nuôi dưỡng đời tu, trong hành
trình khám phá Đức Kitô, đi theo Ngài để chất và lượng được song hành trong
việc gia tăng số lượng tại Châu Á và châu Phi; hoặc đâu là nguyên nhân dẫn đến
giảm sút số lượng ơn gọi tu trì tại Châu Âu…; để từ suy tư được lắng đọng, sẽ
đẩy chúng ta, những người được thánh hiến phải làm một cuộc canh tân từ chính
mình dựa trên yếu tố cốt lõi, hàng đầu của đời thánh hiến cho hôm nay và tương
lai.
TỰ HÀO TỪ SỰ GIA TĂNG, LO LẮNG TỪ SỰ GIẢM
SÚT?
Vào thời điểm bản
thống kê của Giáo Hội công bố, số tu sĩ tại Châu Á và châu Phi tiếp tục tăng
trưởng, làm nhịp đỡ cho sự giảm sút ơn gọi tại các châu lục khác. Tuy nhiên, sự
gia tăng này có đi với phẩm, một vấn đề quan trọng làm cho đời tu trở nên khuôn
mặt rạng ngời thánh thiện của Giáo Hội hay không? Và động lực để theo đuổi và
nuôi dưỡng ơn gọi, đời tu dựa trên những yếu tố nào?
Nếu cho rằng, một
trong những yếu tố góp phần làm tăng trưởng ơn gọi tu trì khởi từ những lý do
kinh tế, nghèo đói, thiếu cơ hội phát triển tri thức, tài năng… thì liệu chừng
sự tăng trưởng này có là một điều đáng quan ngại hay không? Bởi cho dù Châu Á
là một lục đìa rộng lớn và giàu có, nhưng bên cạnh đó, vẫn còn nhiều quốc gia,
con người sống trong nghèo đói và thiếu thốn. Bên cạnh những tiến bộ văn minh,
vẫn còn đó những lạc hậu, không bắt kịp thời đại. Cuối tháng 4-2011, theo báo
cáo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), giá lương thực ở nhiều nền kinh tế
châu Á đã đạt mức trung bình 10% trong đầu năm 2011. Việc này đang đe doạ đẩy
thêm 64 triệu người vào cảnh nghèo khổ với thu nhập dưới mức 26.000 đồng (tương
đương 1,25 USD) một người, một ngày.
Nhìn đến khía cạnh này để phần nào có thể dừng chân một chút ngắm nhìn và quan
sát thực tại của ơn gọi tu trì đang gia tăng tại Châu Á, châu Phi theo cái nhìn
từ hiện trạng kinh tế trên. “Có lẽ, nhất là tại một số nước, các ứng sinh nam
nữ xin vào đời tu là để, một cách có ý thức không nhiều thì ít, tìm được sự
thăng tiến về mặt xã hội và có được một tương lai bảo đảm; một số khác lại coi
đời tu như là nơi lý tưởng cho việc dấn tính cách ý thức hệ để hoạt động cho
công bằng. Sau cùng một số khác, với đầu óc khá bảo thủ, lại tìm ở đời tu một
nơi để gìn giữ đức tin của mình một cách an toàn, giữa một thế giới bị coi là
thù nghịch và hư hỏng…”.
Ơn gọi có thể khởi
đi từ nhiều lý do khác nhau, cho dù có thể bắt đầu từ một ước muốn chưa đậm dấu
ấn theo Đức Kitô, nhưng cùng với thời gian, đời tu sẽ triển nở từ đời sống nội
tâm của hành trình ơn gọi. Nhung nếu số lượng gia tăng mà phẩm lượng lại không
triển nở, thì sự gia tăng đó không phải là điều tự hào, nhưng trở nên một thao
thức, một điều rất đáng ưu tư, cần canh tân để đời tu thể hiện đúng căn tính của
mình.
Bên cạnh sự tăng
trưởng số ơn gọi của châu Á và châu Phi, thì sự giảm sút ơn gọi tại các nước
châu Âu cũng là thực tại để mỗi người phải suy nghĩ để nhìn lại đời tu trong
bối cảnh xã hội hôm nay. Lý do cho thiếu vắng ơn gọi đa phần dựa trên các yếu
tố: suy giảm đức tin, đạo đức suy đồi; hưởng thụ gia tăng… Sự giảm sút này phải
là một câu hỏi đáng để mỗi người chúng ta suy nghĩ, nhìn lại đời sống tu trì
của chúng ta giữa một thế giới nhiều biến động, trước vấn đề toàn cầu hoá,
trước sự bùng nổ, tiến bộ nhanh chóng của thời đại kỹ thuật, thông tin, khi mà
đời tu đang bị thách đố bởi những chủ nghĩa cá nhân, hưởng thụ, tục hoá, coi
thường tâm linh. Vì hiện tượng này tại các nước Châu Âu cũng có thể là một bức
tranh báo trước tại châu Á và châu Phi khi kinh tế phát triển gia tăng, hiện
đại hoá… ảnh hưởng rộng lớn trên đời sống đức tin người Kitô hữu.
Chính từ việc nhận
ra sự gia tăng hay giảm sút số ơn gọi tu trì với những vấn đề liên quan sẽ như
là lời giải đáp, là chìa khoá để thấy rằng: hơn bao giờ hết, đời sống tâm linh,
phẩm chất thiêng liêng phải là yếu tố cốt yếu của người tu sĩ, là con đường
quan yếu của những người theo Chúa Kitô, là cánh cửa mở ra để đời thánh hiến
họa lại vẻ đẹp thần linh trong mầu nhiệm Giáo Hội, trong bản chất đích thực của
đời tu trì. “Chính phẩm chất thiêng liêng
của đời thánh hiến mới lay chuyển được những con người thời đại này đang khao
khát những giá trị tuyệt đối và trở thành một lời chứng hấp dẫn”.
ĐỜI TU: KHỞI ĐI TỪ CHIỀU KÍCH TÂM LINH
“Các anh tìm gì
thế?”. Họ đáp: “Thưa Rabbi (nghĩa là “Thưa thầy”), Thầy ở đâu?”. Ngài đáp: “Hãy
đến mà xem” (Ga 1,38-39). Trong mẩu
đối thoại ngắn gọn, Đức Giêsu khơi gợi ý hướng chính yếu, cốt lõi cho hành
trình theo Ngài của các môn đệ ngay từ giây phút đầu tiên gặp gỡ: “Các anh tìm
gì thế?”. Và chính các ông, trong giây phút ngỡ ngàng, bối rối của bước chân
đầu tiên theo Chúa Giêsu, cũng đã tìm cho mình một hướng đi, diễn đạt khao khát
theo Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?”. Quả thực, ơn gọi đời tu khởi đi hoàn
toàn từ sáng kiến của Thiên Chúa, “không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính
Thầy đã chọn anh em” (Ga 15,16), dẫn
đưa con người vào huyền nhiệm tình yêu, để họ được trở nên đồng hình đồng dạng
với Ngài trong ân sủng. Từ cánh cửa ân ban yêu thương đó, con người cảm nhận
một khát vọng tâm linh, ước muốn đi theo và làm môn đệ Chúa Giêsu, khi chiêm
ngắm vẻ đẹp rạng ngời của Chúa, để họ cũng thốt lên một cách ngỡ ngàng như
Phêrô: “Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay” (Mt 17,4) cho dù khát vọng đó được diễn tả trong nhiều hình thái
khác nhau.
Người tu sĩ được
mời gọi nhận biết Thiên Chúa, Đấng Phục Sinh một cách nồng nàn và riêng tư
trong mối tương quan cá vị.
Họ được mời gọi để phản ánh, nói về “Con Thiên Chúa làm người là đích điểm cánh
chung trên hết mọi sự, là ánh huy hoàng làm mờ nhạt mọi ánh sáng khác, là vẻ
đẹp vô biên duy nhất có thể lấp đầy trái tim con người”
giữa một thế giới coi thường giá trị tâm linh, loại trừ Thiên Chúa. Đồng thời,
khi được Thiên Chúa ngỏ lời đưa vào mối tương giao thần bí, đồng hình đồng dạng
với Đức Kitô, “đời thánh hiến thể hiện theo một danh nghĩa đặc biệt việc tuyên
xưng Chúa Ba Ngôi (confession Trinitatis), đặc điểm của toàn thể đời sống Kitô
hữu”.
Đó là điều quan trọng để khởi đầu cho một ơn gọi, một đời sống thánh hiến. Khát
vọng tâm linh được tỏ bày qua ước muốn được đến, xem và ở lại với Chúa Giêsu
chính là khúc dạo đầu thật ấn tượng trong bản nhạc giao hưởng đời tu, gắn kết
với Thiên Chúa.
ĐỜI SỐNG TÂM LINH: YÊU SÁCH HÀNG ĐẦU CỦA
ĐỜI TU
“Đời thánh hiến cần được nuôi dương tại nguồn
cội đời sống tâm linh vững chắc và sâu xa. Đây là yêu sách hàng đầu nằm trong
bản chất của đời thánh hiến”.
Lời nhắc nhở trên cho người tu sĩ thấy được sự cần thiết, quan trọng của đời
sống thiêng liêng trong ơn gọi của họ. Vì họ được mời gọi đi theo Đức Kitô và
kết hiệp với Ngài trong ơn gọi thánh hiến dưới sự tác động và ban ơn của Thần
Khí khi được biến đổi để sống với Đức Kitô (x. Rm 8,9). “Đời sống thánh hiến
cần đến một nỗ lực mới mẻ sống thánh thiện”.
Đời sống thánh thiện, chiều sâu tâm linh phải trở nên căn cước của người tu sĩ,
là nét nổi bật quan trọng của đời tu trì. Người tu sĩ được mời gọi dấn bước
theo Đức Kitô không phải để trở nên những chuyên viên, các kỹ thuật viên của xã
hội… nhưng là trở nên những chuyên viên đời tâm linh, những con người biết dìm
mình vào trong đời sống nội tâm với Đức Kitô. “Đề nghị mà
Chúa Giêsu đưa ra với những người mà Ngài nói: “Hãy theo tôi!”: Ngài mời gọi họ
đi vào tình bạn của ngài, lắng nghe kề cận Lời Ngài và sống với Ngài; Ngài dạy
họ hiến thân tận tụy với Thiên Chúa và truyền bá Nước Ngài theo quy luật Tin
Mừng: “Nếu hạt lúa, rơi xuống đất, mà không chết đi thì nó trơ trọi một mình;
trái lại nếu nó chết đi, thì sinh nhiều bông hạt” (Ga 12,24); Ngài mời gọi họ
hãy ra khỏi ý chí khép kín, khỏi ý tưởng tự mãn của họ để dấn mình vào một ý
chí khác, là thánh ý Chúa và để cho ý Chúa hướng dẫn; Ngài làm cho họ sống một
tình huynh đệ, nảy sinh từ thái độ hoàn toàn sẵn sàng đối với Thiên Chúa (x. Mt
12,49-50) và trở thành một nét đặc biệt của cộng đoàn Chúa Giêsu: “Cứ dấu này
mà mọi người biết các con là môn đệ của Thầy, đó là các con yêu thương nhau”
(Ga 13,35)”. Do đó, đời tu trì đặt nền tảng vững chắc trên đời sống tâm linh, một
lựa chọn mang tính ưu tiên và quyết định khi dấn thân trên con đường theo Chúa,
tựa như người khôn ngoan xây nhà mình trên đá (x. Mt 7,24-25). Điều này làm nên
sự trọn vẹn của tiếng xin vâng với tất cả những gì liên quan của lời đáp trả.
Họ sẽ tìm cho mình một đời sống thiêng liêng, động lực và sức mạnh lôi kéo,
thúc đẩy họ trung thành, dấn thân với ơn gọi và sứ vụ của mình.
“Ngày
nay hơn bao giờ hết, những người tận hiến cần phải cam kết hướng đến sự thánh
thiện hơn nữa, hầu trợ giúp và nâng đỡ bất cứ Kitô hữu nào đi tìm kiếm sự hoàn
thiện”.
Giữa một thế giới văn minh, con người được cung cấp rất nhiều phương tiện thuận
lợi, hiện đại để nâng cao đời sống vật chất, tuy nhiên, con người thời đại vẫn
cảm thấy thiếu thốn, trống rỗng và đôi khi rơi vào tuyệt vọng. Nhận ra hay
không nhận ra được sự hụt hẫng của đời sống, người ta vẫn cảm thấy một khát
vọng tâm linh, tinh thần vượt lên trên những gì họ đang sở hữu. Vì thế, người
tu sĩ được mời gọi để trở nên những người đồng hành với con người thời đại
trong đời sống tâm linh, đi tới sự hoàn thiện. Người tu sĩ không thể cho người
khác cái mà họ không có. “Càng sống mật thiết với Thiên Chúa, người tận hiến
càng sẵn sàng trợ giúp anh chị em mình nhờ có những sáng kiến tốt trên bình
diện thiêng liêng… nhờ thế họ giúp cho anh chị em mình nhận ra ý Chúa đối với
mình, và can đảm, đôi khi anh dũng, dấn thân vào sự lựa chọn mà đức tin đòi
hỏi”.
ĐỜI SỐNG TÂM LINH NUÔI DƯỠNG NGƯỜI TU SĨ
Trong bối cảnh hiện
nay, đời tu đang phải đối diện với rát nhiều thách đố, khi mà những trào lưu
tục hoá, chủ nghĩa tự do, hưởng thụ, tôn thờ vật chất, coi nhẹ tâm linh với ý
hướng bài trừ Thiên Chúa ra khỏi đời sống… không chỉ tác động đối với những Kitô
hữu sống giữa đời, nhưng còn ảnh hưởng vào trong đời tu, với những con người
đang mang danh xưng “sequela Christi” - “đi
theo Đức Kitô”. Những ảnh hưởng này đã tác động không nhỏ đối với đời tu,
làm lu mờ vẻ đẹp đời thánh hiến trong bản chất và nguyên nghĩa của người tu sĩ.
Sự lạc điệu trong cách thức diễn tả ơn gọi tu trì của ai đó cũng phát sinh từ
những ảnh hưởng này, khi mà người tu sĩ không nuôi dưỡng đời mình bằng một đời
sống tâm linh được kết hợp với Thiên Chúa và với anh chị em mình trong chiều
sâu của ơn gọi. Đời sống tu trì tự bản chất là một thực tại đối thần với sự
liên kết, tương giao với Thiên Chúa trong mọi chiều kích cuộc đời, vì họ được
gọi và được chọn từ lời mời gọi của Thiên Chúa, đưa họ vào một huyền nhiệm của
tình yêu trong ân sủng, để người tu sĩ trở thành người bạn tâm giao, thân tình
với Thiên Chúa trong ơn gọi và sứ vụ của mình. Do vậy, trên bình diện siêu việt
người tu sĩ chính là những con người nói và phản ảnh về con người, lối sống của
Chúa Giêsu.
Chính họ được mời gọi để hoàn thành sứ mạng trong tư cách người ngôn sứ nói và
sống căn tính đời mình theo họa ảnh của Đức Kitô. Do đó, một cách thức diễn tả
vẻ đẹp tuyệt diệu thần linh nơi con người Giêsu phải khởi đi từ một đời sống
tâm linh thực sự của người tu sĩ.
Để đạt được này,
việc đào sâu tâm linh trong đời tu phải là điều quan trọng đầu tiên trong hành
trình theo Chúa. Chất sống và nguồn lương thực nuôi dưỡng đời tu chính là đời
sống tâm linh, hồn thiêng liêng trong từng ngày, và mỗi phút giây của người tu
sĩ. Không có đời sống nội tâm, người tu sĩ rất dễ gặp những khủng hoảng, phải
đối mặt với những trở ngại, những nhịp điệu rất “thường” trong cuộc đời, và
ngay cả sứ vụ họ nhận lãnh và thi hành sẽ gặp nhiều trở ngại, thiếu hồn sống
trong ơn gọi. Loại trừ yếu tố cốt yếu và căn bản này, đời tu sẽ bị hụt hấng,
hình thức và sáo rỗng.
Kinh nghiệm thiêng
liêng của các môn đệ Chúa Giêsu trong con đường theo Thầy Giêsu, cũng chính là
kinh nghiệm của mỗi người tu sĩ. Trong biến cố biến hình, khi diện kiến sự rạng
ngời vinh quang thánh thiện của Thầy Giêsu, mặc dù Phêrô đã thưa cùng Thầy: “Lạy
Thầy, chúng con ở đây thì tốt quá!”, tuy nhiên, chính Phêrô cũng không biết
mình đang nói những gì. Có một điều gì đó vượt ra khỏi những sự tự nhiên, mà
chính ông, người kề cận với Chúa Giêsu, cũng không dám chắc con đường theo
Chúa. Phêrô chưa có được một sự gắn kết thực sự với Chúa Giêsu nên khủng hoảng
xảy đến với ông là một điều tất yếu. Điều này được minh giải khi Phêrô can ngăn
Thầy lên Giêrusalem: “Ông liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người” (Mc
9,32b); vội vã chối Thầy khi bị tra vấn (x. Lc 23,54-62). Không chỉ với Phêrô,
các môn đệ cũng đã rơi vào cơn khủng hoảng, bỏ đi, không chấp nhận con đường
theo Thầy Giêsu sau khi nghe diễn từ vê bánh trường sinh của Chúa Giêsu (x. Ga
6,60-66). Mà nếu có theo, thì khi chứng kiến việc Chúa Giêsu bị bắt, bị nhục mạ
và chịu chết trên thập giá, những môn đệ còn lại cũng rơi vào thất vọng. Sự
buồn rầu, chán nản của lý tưởng theo Thầy Giêsu đã khiến các ông chùn chân và
muốn bỏ cuộc. Hình ảnh hai môn đệ buồn rầu, lo âu trên đường Emmau đã cho thấy
điều đó khi các ông thốt lên: “Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chinh Người là Đấng cứu chuộc
Israel. Hơn nữa việc ấy xảy ra đến nay là đã
ba ngày rồi” (x. Lc 24,13-24). Trả lời cho các vấn nạn của các môn đệ xưa, mỗi
người đều sẽ phải dừng lại ở một điểm rất hệ trọng: phải chăng các môn đệ đã
chưa có được một sự kết hợp mật thiết sâu xa, một đời sống gắn bó thật sự với
Chúa Giêsu, Thầy của họ?
Khi đời sống tâm
linh được chú trọng, nuôi dưỡng và phát triển, người tu sĩ sẽ cảm thấy một nội
lực thiêng liêng mạnh mẽ để sống ơn gọi của mình một cách viên mãn, hoàn tất
hành trình ơn gọi thánh hiến trong tin yêu, phó thác và yêu mến.
NẺO ĐƯỜNG CỦA TÂM LINH
Cầu nguyện: đáp trả
ơn gọi thánh hiến.
Trong Văn kiện Mutuae relations – 14-05-1978, các liên hệ
hỗ tương giữa giám mục và tu sĩ trong Giáo Hội, số 16 đã nhắc cho người tu sĩ nhớ rằng “các tu
sĩ với tư cách là những kẻ được gọi để trở nên một cách nào đó “những chuyên
viên về cầu nguyện”, phải tìm kiếm và yếu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự”. “Đời
tu không thể đứng vững mà không có một đời sống cầu nguyện sâu xa, có tính cách
cá nhân, cộng đoàn và phụng vụ”.
Đối với bất cứ người Kitô hữu nào, đời sống cầu nguyện phải trở nên nhịp thở,
một đòi hỏi căn bản và cần thiết của họ. Và hơn thế nữa, người tu sĩ không thể
thiếu vắng đời cầu nguyện để nuôi dưỡng đời sống tu trì của mình. Chìm trong
thinh lặng và cầu nguyện, người tu sĩ lắng nghe được sự hòa nhịp của tình yêu
với Thiên Chúa, để tìm lại khát vọng Thiên Chúa, để sống mật thiết với Thiên
Chúa, để khám phá ra sự hiện diện của Ngài trong lịch sự, và để tăng trưởng đời
sống nội tâm của mình “trung thành cầu nguyện hay phế bỏ cầu nguyện là bản trắc
nghiệm cho thấy đời sống tu trì còn sống động hay đã suy thoái”.
Do vậy, “sự trung thành với việc cầu nguyện hằng ngày phải là một nhu cầu căn
bản, và phải chiếm chỗ ưu tiên trong hiến pháp cũng như trong đời sống người tu
sĩ”.
Chính nhờ cầu nguyện, người tu sĩ mới có thể đáp trả được ơn thánh hiến của họ,
tập trung đời mình vào Thiên Chúa, Đấng thống nhất toàn bộ đời sống và sứ vụ
của người tu sĩ. Một sự gặp gỡ cá nhân và cộng đoàn với Thiên Chúa trong cầu
nguyện nuôi dưỡng đời tu trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Với mẫu gương của Chúa Giêsu, người tu sĩ cần cầu nguyện để sự kết hợp với
Thiên Chúa trở nên thâm sâu hơn, để những quyết định quan trọng hay biến cố lớn
nhỏ nào đều hướng đến một cái nhìn chiêm ngướng, bằng đức tin, sự hiện diện của
Thiên Chúa trong đời thường của họ ,
để từ đó họ mới có thể đáp trả được ơn gọi thánh hiến của mình.
Suy niệm, lắng nghe
và sống Lời Chúa.
Đời sống thánh hiến
phát sinh từ việc lắng nghe Lời Thiên Chúa và đón nhận Tin Mừng như quy luật
sống. Bằng đời sống cầu nguyện, lắng nghe và suy niệm Lời Chúa, người tu sĩ có
được kim chỉ nam làm nền tảng cho ơn gọi thánh hiến của mình. “Những người tận
hiến nên chăm chú suy niệm chính bản văn Tin Mừng và các bản văn Tân Ước khác,
vì chúng diễn dạt lời nói và gương sáng của Chúa Kitô và Đức Trinh Nữ Maria,
đồng thời cũng cho thấy hình thức sống
đời tông đồ”. Chìm
mình trong ánh sáng của Lời Chúa, người tu sĩ cảm thấy được sức mạnh, nghị lực
để nâng đỡ ơn gọi, để nghe được khao khát của nhân loại, tìm ra ý muốn của Chúa
trong các biến cố, dấu chỉ của thế giới, của thời đại họ đang sống: “Nhờ năng
tiếp xúc với Lời Thiên Chúa, họ được soi sáng để biện phân cho chính bản thân
và cho cộng đoàn, để tìm ra đường lối của Chúa trong các dấu chỉ của thời đại.
Nhờ có một thứ bản năng siêu nhiên, họ
không rập theo não trạng trạng thế tục, mà đổi mới tâm thần để “ nhận ra đâu là
ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Thiên Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm
12,2)”.
Và việc cùng nhau suy niệm Lời Chúa trong Kinh Thánh sẽ lam cho sự hiệp nhất,
đức ái trong cộng đoàn được triển nở, cùng nhau bước đi trong đời sống tâm linh.
Người tu sĩ phải trở nên những môn đệ ngồi dưới chân Chúa để lắng nghe Lời Ngài
(x. Lc 10,38), biết suy đi gẫm lại trong lòng như gương mẫu của Mẹ Maria (x. Lc
2,19.51) giữa một xã hội đầy biến động của thế giới hôm nay, và là ánh sáng dẫn
đưa đời sống sứ vụ tong đồ trong sự nhiệt tâm, tin tưởng và phó thác.
“Bằng đời sống cầu nguyện, lắng nghe và suy niệm Lời Chúa, chúng ta mới có thể
nhắc nhở mọi người về giá trị tuyệt vời, vĩnh cử của Lời Chúa, để con người
không bám víu vào vật chất, những giá trị mau qua, “để chỉ cho thế giới hôm nay
thấy điều quan trọng nhất, mà thật ra là điều duy nhất mang tính quyết định: có
một lý do tối hậu khiến cuộc sống có ý nghĩa, đó là Thiên Chúa và tình yêu sâu
thẳm vô phương dạt dào của Ngài”.
Thánh lễ, Thánh Thể
và kinh nguyện.
Đời sống thánh
thiện, đạo đức của người tu sĩ được trổ sinh hoa trái qua các phụng vụ thánh,
đặc biệt qua việc tham dự Thánh lễ, rước Thánh Thể, chầu Thánh Thể và kinh
nguyện hàng ngày. Khi tham dự các phụng vụ thánh này, người tu sĩ được hiệp
thông với Đức Kitô, Đấng đã tự hiến mình để dâng lên Thiên Chúa Cha hy lễ tình
yêu để cứu độ nhân loại. Họ cũng mỗi ngày dâng hy lễ đời mình cho tình yêu Ba
Ngôi Thiên Chúa với tình yêu, hy sinh và trách nhiệm trong sứ vụ của mình.
Những thành công, thất bại, vui buồn được hoà quyện trong hy tế của Đức Kitô,
và cũng trở nên nguồn ích thiêng liêng cho tha nhân mà họ gặp gỡ. Chiêm ngắm và
thờ lạy Bí tích Thánh Thể trong tình yêu, tạ ơn, người tu sĩ sống kinh nghiệm
thiêng liêng của biến cố Biến hình: “Chúng con ở đây thật là đẹp” và họ sẽ phát
triển được sự hiệp nhất trong cộng đoàn một cách tốt đẹp hơn nữa. “Khi chiêm ngắm mầu
nhiệm Thánh Thể, mầu nhiệm diễn tả một cách cao cả ân huệ tự do của Chúa Cha
trong Ngôi vị của Người Con Duy Nhất của Ngài để cứu chuộc nhân loại, và việc
Chúa Kitô hoàn toàn sẵn sàng uống cạn “chén” Thiên ý (x. Mt 26,39), chúng ta sẽ
hiểu rõ hơn việc “tin vào sáng kiến của Thiên Chúa” trở thành khuôn mẫu và mang
lại giá trị cho “lời đáp trả của con người” như thế nào”.
Và
các giờ kinh phụng vụ sẽ diễn tả lời ca ngợi Thiên Chua và chuyển cầu các ơn
xin của tha nhân lên Đấng họ tôn thờ và yêu mến.
Và,
Để nhắc lại một lần
nữa rằng “đời sống tâm linh phải được đặt lên hàng đầu trong chương trình của
mọi gia đình tận hiến, ngõ hầu mọi tu hội và mọi cộng đoàn trở thành những
trường học về linh đạo Phúc Âm chân chính… Chính phẩm chất thiêng liêng của đời thánh hiến mới lay chuyển được những
con người thời đại này đang khao khát những giá trị tuyệt đối và trở thành một
lời chứng hấp dẫn”.
Sứ điệp của Đức Thánh
Cha Bênêđictô XVI nhân ngày thế giới cầu cho ơn thiên triệu lần thứ 46
Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, ĐMTT