Cách làm ta vui lên là giúp làm cho người khác vui.

Mark Twain
Truyen-tin.net - Sơ lược dữ kiện:

  • ♥ Tiểu sử Các Thánh: 272
  • ♥ Các Bài đọc thánh lễ: 772
  • ♥ Văn hoá, nghệ thuật: 1154
  • ♥ Tin tức, chuyên đề... 15439
  • ♥ Thư viện hình ảnh: 6916
  • ♥ Suy niệm Lới Chúa: 784
  • ♥ Video: 2269
  • ♥ Tài liệu tham khảo: 780

... cùng những sưu tập khác.
tt
Laudetur Jesus Christus - Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô NewsFeed
-
TỪ VỰNG CÔNG GIÁO
Back TRỞ LẠI (Cập nhật: 22/07/2015 - 08:21:42)
A  A  A
Hoà

Đức Hồng y G.B. Phạm Minh Mẫn trong các bài phát biểu, khi bàn về các mối tương quan trong xã hội và Giáo Hội, hay mượn câu nói của Mạnh Tử “Thiên thời, địa lợi, nhân hoà” để diễn tả. Thật vậy, trong quan niệm Nho giáo, nhân hoà là yếu tố quan trọng nhất. Về phương diện xã giao, quan hệ giữa người với người, giữ được hoà khí là điều cần thiết.

Vậy, thử xem chữ hoà trong quan niệm Nho giáo và Công giáo có khác biệt không?

1. Nghĩa của chữ hoà

Hoà, có bốn chữ Hán: Chữ đang bàn là chữ  có nghĩa: (dt.) (1) Êm ái, yên ổn: hoà ái, hoà hợp, dung hoà, thuận hoà, trung hoà. (2) Kết thúc chiến tranh hay tranh chấp: hoà bình, hoà hảo, hoà nghị, hoà ước. (3) Phép cộng, tổng, tổng số: Ngũ hoà ngũ như thập: (tổng số của 5 và 5 là 10). (4) Vừa phải, không thái quá, không bất cập: Lễ chi dụng, hoà vi quý (dựa theo lễ hành sự, phải hoà mới là quý). (5) Tên nhạc khí cổ, đại sanh gọi là sào, cái nhỏ gọi là hoà. (6) Cái chuông xe, cũng gọi là loan, vì vậy chuông xe còn gọi là hoà loan. (7) Tấm ván ở hai đầu áo quan: Hoà đầu. (8) Danh từ toán học: Hoà hiệu (số này so với số kia thì số tăng lên gọi là hoà, số giảm đi gọi là hiệu). (9) Dịch âm tiếng Phạn nghĩa là chắp tay làm lễ: Hoà-nam (giốc lòng kính lễ). (10) Dịch âm tiếng Phạn, nghĩa là ông thầy dạy mình tu học: Hoà thượng. (11) Tên nước Nhật: Hoà Quốc. (12) Áo kimônô của phụ nữ Nhật: Hoà phục. (13) Họ Hoà. (đt.) (14) Tốt với nhau: Hoà mục. (15) Không phân thắng bại: Hoà kỳ (đánh cờ hoà nhau). (16) Bằng, đều: hoà giá (làm cho giá đồng đều). (17) Pha đều: Hoà dược (hoà thuốc). (18) Làm lẫn vào nhau đến mức không có sự phân biệt: mồ hôi hoà nước mắt. (19) Làm lành với nhau: hoà hảo như sơ (làm lành như trước). (20) Cộng lại: tổng hoà (tất cả cộng lại). (21) Nhận chúng vào: Hoà âm, hoà tấu. (22) Mang (theo): Hoà y nhi miên (mang bộ áo đang mặc đi ngủ). (23) Tương ứng: Phụ hoà. (24) Hát theo: Ứng hoà. (25) Đồng ý: Ứng hoà. (tt.) (26) Không trái với ai, không có mâu thuẫn, xung đột: hoà giải, giảng hoà, hoà khí; (27) Hiệp đều: Hoà hài (hài hoà). (28) Ấm: Phong hoà nhật lệ (gió ấm trời đẹp). (29) An tường: Tâm bình khí hoà. (lt.) (30) Cùng, và, với, luôn cả: Ngã hoà nễ (tôi và anh). (Giới từ) (31) Tương quan: Hoà nễ bỉ (so sánh với anh).

Nghĩa Nôm là: (1) Đều: Vẹn cả hoà hai. (2) Mà: Để hoà nối dõi tông đường.

2. Quan niệm về hoà

2.1. “Hoà” trong Nho giáo

Hoà là khái niệm cốt lõi trong tư tưởng Nho giáo. Ý nghĩa cơ bản của nó là âm thanh hài hoà tương ứng nhau, nghĩa mở rộng là hài hoà, hoà hợp, hoà bình, an tường. Hoà là yếu tố trong cùng một sự việc, hay nhiều sự việc khác nhau trong kết cấu hệ thống nhất định, duy trì được một trạng thái tương đối cân bằng.

2.1.1 Tư tưởng chuộng hoà của Khổng Tử bắt nguồn từ quan niệm chuộng hoà của Sử Bá thời cuối Tây Chu cho đến Yến Anh thời Xuân Thu:

Trong Quốc Ngữ - Trịnh Ngữ có ghi lời bình của nhà tư tưởng Sử Bá[1], ông nói: “Hoà thực sinh vật, đồng tắc bất kế, dĩ tha bình tha vị chi hoà” (Yếu tố bất đồng nhưng hài hoà nhau, thì sự vật được phát triển phồn vinh, nếu yếu tố đồng nhất cộng lại nhau mà thôi, thì sự vật sẽ đình trệ hay chết). Nên trời đã dùng thổ hỗn hợp với kim, mộc, thuỷ, hoả, thành vạn vật. Cũng như ngũ vị (mặn, ngọt, chua, cay, đắng) hài hoà mới ngon miệng, ngũ âm (cung, thương, giốc, chuỷ, vũ) hài hoà mới sướng tai.

Yến Anh[2] lại phát huy hàm nghĩa của hoà là sự tương thành tương tế (giúp nhau hình thành lẫn nhau) của những sự vật tương dị. Trong Tả Truyện ghi lại cuộc đối thoại giữa Yến Anh và Tề Cảnh Công[3]: Tề Cảnh Công hỏi Yến Anh: “Hoà với đồng khác nhau ư?”. Yến Anh dùng ví dụ trả lời: “Khác chứ. Hoà thì như là bát canh. Các thứ thịt, cá, rau, muối, dấm, nước đúng cân đúng lượng, hoà hợp với nhau, ăn vào mát ruột. Đạo vua tôi cũng vậy. Trong một việc, vua cho là phải, nếu có phần nào chưa phải, tôi cần sửa ngay. Vua cho là trái, có phần nào phải, tôi cần biết ngay. Có như thế, chính trị mới công bằng, dân mới không thấy có cái gì trái. Hoà cũng như là tiếng nhạc, năm thanh, sáu luật, phải hợp với nhau, tiếng nhạc mới hoàn hảo. Nay như Lương Khâu Cứ, điều gì vua cho là phải, y liền tán đồng cho là phải ngay. Điều gì vua nói là trái, cũng tán đồng cho là trái ngay. Như vậy chỉ có Đồng, chứ không phải là Hoà. Nếu canh chỉ có một chất nước mà thôi, thì sao gọi là canh; nếu đàn cầm, đàn sắt chỉ có một âm thanh, sao gọi là nhạc. Hoà khác với Đồng. Như Bệ Hạ và Lương Khâu Cứ, chỉ có Đồng mà thôi”.

Sử Bá và Yến Anh còn áp dụng quan điểm hoà và đồng vào phương diện chính trị. Khi Trịnh Hoàn Công[4] bàn với Sử Bá về nguyên nhân tật xấu và suy tàn của nhà Chu, Sử Bá cho biết: “Huỷ diệt sự khác biệt mà nhấn mạnh đồng nhất, độc đoán chuyên chế, mà không nghe những ý kiến khác, sao mà không xảy ra tệ đoan xã hội? Bỏ hoà mà giữ đồng chính là nguyên nhân suy tàn của nhà Chu[5].

2.1.2 Khổng Tử chủ trương lấy học thuyết nhân-lễ thống nhất của mình làm chuẩn tắc cơ bản để hoà hợp với các ý kiến. Về chính trị, Khổng Tử còn nêu ra “hoà vô quả” (hoà thì không cô độc)[6], cho rằng các vua chư hầu và các quan đại phu nếu có thể đạt được sự hài hoà thống nhất, thì sẽ không cảm thấy cô độc, ít người. Môn đệ của Khổng Tử là Hữu Nhược từng khái quát tư tưởng chuộng hoà của Khổng Tử thành “hoà vi quý[7].

Tuy nhiên ở thời đại của Khổng Tử, ông chưa tuyệt đối hoá chữ hoà, cho nên nói “Tri hoà nhi hoà, bất dĩ lễ tiết chi, diệc bất khả hành dã[8]. Đối với những kẻ bề ngoài có vẻ như trung hoà song thực ra là “ba phải” như bèo trôi theo sóng một cách vô nguyên tắc, thì ông mắng là “Hương nguyện, đức chi tặc dã” (Kẻ đàn anh trong làng là kẻ làm hại đạo đức vậy)[9].

2.1.3 Sau Khổng Tử, Mạnh Từ chủ trương “Thiên thời, địa lợi, nhân hoà” và nói: “Thiên thời bất như địa lợi, địa lợi bất như nhân hoà” (Thiên thời không bằng địa lợi, địa lợi không bằng nhân hoà). Mạnh Tử nhìn từ góc độ quân sự, nhân hoà là quan trọng nhất, kế đó là địa lợi, cuối cùng mới là thiên thời. Nay có thể áp dụng vào việc cạnh tranh thương nghiệp, thi đấu thể thao. Tuân Tử nhìn vấn đề này về góc độ nông nghiệp, thì thiên thời, địa lợi, nhân hoà đều quan trọng, không thứ nào hơn. Tử Tư[10] lại phát huy tư tưởng chuộng hoà của Khổng Tử, coi hoà là đạt đạo của thiên hạ, có thể giải quyết mọi mâu thuẫn của thiên hạ: “Vạn vật bính dục nhi bất tương hại, đạo bính hành nhi bất tương bội[11], nghĩa là vạn vật sinh trưởng mà không làm hại nhau, nhật nguyệt vận hành bốn mùa thay nhau mà không nghịch nhau.

2.1.4 Tóm lại: Hoà là một khái niệm quan trọng và giá trị cốt lõi của tư tưởng văn hoá truyền thống Nho giáo. Văn hoá “hoà” của Nho giáo là tinh tuý văn hoá truyền thống Trung Hoa. Hoà bao gồm ba ý nghĩa: “Hoà” của phẩm chất đạo đức, “trung hoà” của bản thể đạo đức, “thái hoà” của bản thể thế giới. Nó bao gồm định hướng giá trị của “hoà vi quý”, cơ chế động lực của “hoà nhi bất đồng[12] (hoà với mọi người mà không về hùa với ai), đường hướng phát triển của “hoà thực sinh vật[13] (chỉ khi có hài hoà, hợp thông mới có thể sản sinh và phát triển vạn vật), cách suy tư của “chấp lưỡng dụng trung” (nắm hai đầu mà dùng cái ở giữa, ý nói không thái quá, không bất cập. Làm việc phải căn cứ vào tình huống khác nhau, mà dùng phương pháp thích hợp), nhắm vào mục đích cuối cùng là “thiên nhân hợp nhất[14]. Những yếu tố này trở thành một hệ thống logic, thể hiện thực chất lý luận văn hoá hoà của Nho giáo. Cách Nho giáo thực hiện hoà chủ yếu là lễ, yêu cầu cụ thể là “minh phận” (hiểu rõ trách nhiệm), “an phận” (làm theo bổn phận), “tận luân tận trách” (luân là thân phận, biết rõ thân phận của mình mà làm trọn bổn phận), “trung tiết” (làm việc đúng lễ độ).

2.2. “Hoà” trong Công giáo

Nguyên Giáo Tông Bênêđitô XVI, trước khi từ nhiệm vào ngày 28.2.2013, trong lần cuối cùng gặp các hồng y, ngài nói: “Hồng y đoàn giống như một dàn nhạc, trong đó có các khác biệt, diễn tả Giáo Hội đại đồng, luôn luôn cùng quy hướng về sự hài hoà cao hơn”. Ngài nói thêm: “Chúa Kitô tiếp tục bước đi qua thời gian trong tất cả mọi nơi. Anh em thân mến, chúng ta hãy hợp nhất trong mầu nhiệm này, trong lời cầu nguyện, một cách đặc biệt trong Thánh Thể hằng ngày”.

Trong buổi tiếp Hồng y đoàn ngày 15.3.2013 vừa qua, Đức Giáo Tông Phanxicô nói: “Thật thú vị và tôi nghĩ rằng chính là Chúa Thánh Thần đã tạo ra một sự khác biệt trong Giáo Hội. Đấng An Ủi dường như là một tông đồ về một tháp Babel kết hợp tất cả những sự khác biệt, không phải bằng cách coi mọi thứ như nhau, nhưng bằng cách hài hoà chúng”.

Hài hoà của Công giáo không thuần tuý như kiểu thế gian, mà được đặt trên nền tảng mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là gương mẫu. Ba Ngôi hoàn toàn khác biệt, không đồng nhất, nhưng lại “hoà” trong một Thiên Chúa duy nhất. Một gương mẫu quan trọng khác là Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa, vừa là con người. Chính nhờ sự kết hợp hài hoà này mà con người được cứu rỗi. “Mọi sự ấy đều do bởi Thiên Chúa là Đấng đã nhờ Đức Kitô mà cho chúng ta được hoà giải với Ngài, và trao cho chúng tôi chức vụ hoà giải. Thật vậy, trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hoà giải với Ngài. Ngài không còn chấp tội nhân loại nữa, và giao cho chúng tôi công bố lời hoà giải” (2Cr 5,18-19).

Con người được cứu rỗi là được hưởng tôn nhan Chúa, cũng có nghĩa là kết hợp với Chúa, loài thụ tạo kết hợp với Đấng Tạo Hoá. Nên hài hoà xuất phát từ Thiên Chúa và cũng sẽ kết thúc nơi Thiên Chúa.

Nhờ được kết hợp hài hoà với Thiên Chúa, con người cũng kết hợp hài hoà với đồng loại. Về mặt nhân bản, người Công giáo luôn tôn trọng quyền lợi của người khác, đối xử hài hoà với hết mọi người. Thánh Phaolô nói: “Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thánh tẩy để thuộc về Đức Kitô, đều mặc lấy Đức Kitô. Không còn chuyện phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô” (Gl 3,27-28). Sống hài hoà với mọi người không phải là người không nguyên tắc, Thánh Phaolô nói, “Với người Do Thái, tôi đã trở nên Do Thái, để chinh phục người Do Thái” (1Cr 9,20). Ngài còn nhấn mạnh thêm: “Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người” (1Cr 9,22). Sống hài hoà với mọi người là để mọi người được giao hoà với Thiên Chúa.

Người Công giáo luôn tôn trọng quyền lợi của người khác để sống hài hoà với nhau. Trong bài “Con đường kiến tạo hoà bình chân chính và vững bền”, Đức Hồng y GB. Phạm Minh Mẫn nói: “Nền hoà bình chân chính, không đơn giản chỉ là vắng bóng chiến tranh, song là một cuộc sống chan hoà niềm tin yêu đối với Thiên Chúa, và tình huynh đệ hài hoà, tình tương thân tương trợ, tương kính tương nhượng, giữa con người với nhau, cũng như giữa các dân tộc trên mặt địa cầu hôm nay”.

Mặt khác, Thánh Kinh cũng vạch rõ nguyên nhân khiến con người bị phân rẽ ngay bên trong chính mình, nên cũng phân rẽ với người khác. Nguyên nhân không gì khác ngoài tội lỗi và sự dữ đã ăn sâu vào trong mỗi người (x. St 3,1-4,16). Tội lỗi làm tan rã chính mình và chia cắt với mọi người. Tội lỗi không chỉ làm người ta đoạn tuyệt mình khỏi Thiên Chúa, đoạn tuyệt mình khỏi người khác, mà còn đoạn tuyệt mình với chính mình nữa. Sự xung đột giữa người với người chỉ chấm dứt khi con người tìm lại sự hài hoà trong chính bản thân. Muốn được vậy, chúng ta kiên quyết nhờ vào ơn Chúa, để nỗ lực thống nhất đời sống nội tâm của mình. Thống nhất nội tâm là một sự hoà điệu thâm sâu của toàn thể con người khi được cuốn hút hoàn toàn trước vẻ đẹp rạng ngời của tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi, qua Đấng Trung Gian hoà giải là Chúa Giêsu Kitô, làm nhịp cầu nối kết không chỉ các cá nhân đang chia rẽ nhau, mà nhất là Ngài còn hợp nhất lại những gì đã phân rẽ bên trong mỗi người để có thể sống đức ái giao hoà như Thánh Phaolô đã nêu lên: Đức ái thì nhẫn nhục... không nóng giận, không nuôi hận thù... Đức ái tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả (1Cr 13,4-7).[15]

Mặt khác, Giáo lý Công giáo dựa trên nền tảng Thánh Kinh về công trình tạo dựng của Thiên Chúa (x.St 1,26-2,8) không ngừng nhắc nhở và mời gọi con người ngày nay ý thức sự cần thiết phải giữ mối hài hoà với thiên nhiên: “Từ ban đầu, Thiên Chúa đã trao cho nhân loại chung sức quản lý, để con người chăm sóc, chế ngự chúng bằng lao động và hưởng dùng hoa trái của trái đất” (GLHTCG 2402). Trong bài phát biểu trước các khách hành hương vào kỳ hè năm 2011[16], nguyên Giáo Tông Bênêđitô XVI đặc biệt kêu gọi các bậc cha mẹ hãy giáo dục con cái mình trong ý nghĩa này: "Hỡi các cha mẹ, hãy dạy cho con cái anh chị em quan sát thiên nhiên, tôn trọng và bảo vệ thiên nhiên, như một món quà tuyệt vời, vốn làm cho chúng ta cảm nhận được sự vĩ đại của Đấng Tạo Hoá!".

3. Kết luận

Nho giáo và Công giáo đều nói đến hoà, hài hoà. Nhưng Nho giáo chỉ đơn thuần đưa ra quan niệm hoà về nhân bản (đối nhân), hay chỉ nói đến cách xử thế ở đời. Còn Công giáo trước hết quy hướng hoà về mặt đối thần. Hoà trong Chúa, vì Chúa, cho Chúa, hướng đến Thiên Chúa, nhờ đó mà giữ sự hài hoà trong chính bản thân, rồi cũng từ đó mà hoà với tha nhân và thiên nhiên vạn vật.

 




[1] Người thời Tây Chu (1046-771 TCN).

[2] Nhà tư tưởng thời cuối Xuân Thu (?-500 TCN).

[3] (547-490 TCN).

[4] Vị vua đầu tiên nước Trịnh, một chư hầu nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc, trị vì từ 806-771 TCN.

[5] Quốc Ngữ - Trịnh Ngữ.

[6] Luận ngữ - Quý Thị.

[7] Luận ngữ - Học Nhi.

[8] Luận ngữ - Học Nhi.

[9] Luận ngữ - Dương Hoá.

[10] Tương truyền Tử Tư là người làm ra thiên Trung Dung.

[11] Trung Dung.

[12] “Quân tử hoà nhi bất đồng, tiểu nhân đồng nhi bất hòa “ (Luận Ngữ: Tử Lộ, XIII).

[13] “Hoà thực sinh vật, đồng tắc bất kế, dĩ tha bình tha vị chi hoà” (Quốc ngữ. Trịnh ngữ), là quan điểm biện chứng về khởi nguyên của thế giới do Sử Bá khởi xướng vào năm cuối của Tây Chu (803 TCN).

[14] “Thiên nhân hợp nhất” do Trang Tử đề ra, nhà tư tưởng Đổng Trọng Thư thời Tây Hán phát triển thành một hệ thống tư tưởng Triết học, nhưng khác với quan niệm của Công giáo.

[15] x. LM Thái Nguyên, Đức ái giao hoà.

[16] VietCatholic 7.11.2011.

Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ
Ghi lại phản hồi, xin nhấn vào »  Nhập ý kiến của bạn:
Ý kiến - nhận xét của bạn về bài:

Hoà

Tên:
Email:
Ý kiến - nhận xét - Comments:

  (hoặc nhấn phím ESC hoặc nhấn vào khung nền)

Chưa có ý kiến   Pending (3)
Tìm kiếm trong phần Tin - Bài này
 [Tìm tên bài, tên tác giả, nội dung...]
Ngày 21 tháng 10 năm Giáp Thìn
Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 11-2024
Cầu nguyện cho những người đã mất con
Chúng ta hãy cầu nguyện để tất cả những người cha mẹ phải than khóc vì cái chết của người con trai hay con gái, tìm thấy sự nâng đỡ của cộng đoàn và nhận được từ Thánh Thần an ủi sự bình an trong tâm hồn.
For those who have lost a child
The prayer intention for the month of November is for “all parents who mourn the loss of a son or daughter.”
SUY NIỆM TIN MỪNG

Phim - Nhạc - Suy niệm
Xem chuyên mục Media Online
Từ Điển Online:     

Truyền Tin

Email: tt.march25@gmail.com

Website: truyen-tin.net

Online since: May 2010

Tìm kiếm nội dung
(Gõ từ khóa vào vào khung dưới đây)
Tìm kiếm trong Google
Nhấn vào >> Google Search

Liên hệ

Đặt làm trang chủ

@