Hạnh phúc nào bằng nếu trên đời có một người đồng hành hợp ý.
Truyen-tin.net - Sơ lược dữ kiện:

  • ♥ Tiểu sử Các Thánh: 272
  • ♥ Các Bài đọc thánh lễ: 772
  • ♥ Văn hoá, nghệ thuật: 1154
  • ♥ Tin tức, chuyên đề... 15439
  • ♥ Thư viện hình ảnh: 6916
  • ♥ Suy niệm Lới Chúa: 784
  • ♥ Video: 2269
  • ♥ Tài liệu tham khảo: 780

... cùng những sưu tập khác.
tt
Laudetur Jesus Christus - Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô NewsFeed
-
TƯ LIỆU » Các Tôn Giáo Bạn
S  M  L
(Cập nhật: 09/03/2008)
 
E. GIỚI THIỆU MỘT SỐ GIÁO HỘI VÀ TÔN GIÁO TẠI VIỆT NAM

   Trong tinh thần hiệp thông và đối thoại với các tôn giáo, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu một vài nét sơ lược về một số tôn giáo cùng chung sống với Giáo hội Công giáo trong cộng đồng dân tộc Việt Nam sau đây:

 

1. Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (tr. 491).

2. Giáo hội Phật giáo (tr. 492).

3. Phật giáo Hoà Hảo (tr. 498).

4. Đạo Cao Đài (tr. 499).

5. Hồi giáo (tr.502)

 

1. HỘI THÁNH TIN LÀNH VIỆT NAM

 

Khái quát (x. Giáo Hội trong tình hiệp thông, chương 6)

 

   Phong trào cải cách tôn giáo ở châu Âu vào thế kỷ XVI do Martin Luther và Jean Calvin khởi xướng đã dẫn đến việc ly khai khỏi Tông toà Roma, hình thành một tôn giáo mới - Đạo Tin Lành (ở Việt Nam gọi là đạo Tin Lành theo cách dịch từ Evangelical: Phúc Âm - Tin Lành). Trải qua gần 500 năm tồn tại và phát triển, đến nay đạo Tin Lành gồm 300 hệ phái với khoảng 550 triệu tín đồ ở 108 nước trên tất cả các châu lục nhưng tập trung nhiều ở Tây Âu, Bắc Âu và Bắc Mỹ.

 

   Đạo Tin Lành là tôn giáo cùng tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi và dựa vào nền tảng Thánh Kinh - “cùng một đức tin, cùng một phép rửa” như Công giáo, trừ một số tín điều về Giáo Hội và Thánh Mẫu học của Công giáo. Giáo hội Tin Lành tổ chức theo hệ phái và giữ quyền độc lập quản trị trong các hệ phái.

 

Đạo Tin Lành ở Việt Nam

 

   Đạo Tin Lành đến Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, do tổ chức Liên Hiệp Phước Âm Truyền giáo còn gọi là Hội Truyền giáo CMA (Christian and Missionary Alliance - CMA) bảo trợ và tổ chức. Năm 1911, cơ sở  Tin Lành đầu tiên được thành lập tại Đà Nẵng. Gần chục năm sau (1918), 5 Chi hội được thành lập ở miền Bắc, 6 Chi hội được thành lập ở miền Trung và 5 Chi hội ở miền Nam.

 

   Từ năm 1924-1927, các Đại Hội đồng Tin Lành được tổ chức tại Đà Nẵng dẫn đến việc thành lập tổ chức Hội Tin Lành Việt Nam Đông Pháp vào năm 1928 và ban hành điều lệ đầu tiên của Hội. Năm 1945, đổi tên thành Hội Thánh Tin Lành Việt Nam với cơ quan lãnh đạo là Tổng Liên Hội.

 

   Sau hiệp định Genève (1954), đất nước bị chia cắt, một số mục sư, truyền đạo và tín đồ miền Bắc di cư vào Nam. Số mục sư, truyền đạo và tín đồ còn ở lại tiến hành Đại hội đồng lập tổ chức Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc), còn gọi là Hội Thánh Tin Lành miền Bắc, với cơ quan lãnh đạo là Tổng hội.

 

   Cũng từ sau năm 1954, đạo Tin Lành ở miền Nam trải qua nhiều thăng trầm lịch sử. Ngoài Tổng Liên Hội Hội Thánh Tin Lành miền Nam, còn xuất hiện nhiều hệ phái Tin Lành khác. Trước năm 1975, có nhiều tổ chức hệ phái Tin Lành xây dựng nhiều cơ sở như Cơ Đốc Phục Lâm, Báp Tít, Ngũ Tuần, Mennonite, Môn đệ Đấng Christ, Nhân chứng Đức Giêhôva... Dù vậy 80% tín đồ Tin Lành vẫn hoạt động trong hệ thống tổ chức của Tổng Liên Hội.

 

   Năm 2001, Tin Lành miền Nam tổ chức Đại hội đồng, ban hành Hiến chương Điều lệ mới với danh xưng Tổng Liên Hội Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam), gọi tắt là Hội Thánh Tin Lành miền Nam. Hiện nay, Hội Thánh Tin Lành ở Việt Nam có khoảng gần một triệu tín đồ với đội ngũ mục sư,  truyền đạo và 1 Học viện Thánh Kinh Thần học đào tạo mục sư, truyền đạo phục vụ Giáo hội.

 

   Bản dịch Kinh Thánh (KT) phổ thông đang lưu hành trong Hội Thánh Tin Lành Việt Nam là bản dịch đã hoàn tất từ năm 1925, ngoài ra còn có bản dịch diễn ý (1994) và bản dịch mới (1997).

 

   (Lược ghi theo bài viết của Mục sư Huỳnh Thiên Bửu; Một số tôn giáo ở Việt Nam, Tư liệu Ban Tôn giáo của Chính Phủ, HN 1993; Văn phòng Tổng Liên Hội Hội Thánh Tin Lành miền Nam).

 

2. GIÁO HỘI PHẬT GIÁO

 

Khái quát

 

   Phật giáo xuất phát từ Ấn Độ do Đức Phật Thích Ca (Sakya) sáng lập. Ngài sinh vào ngày trăng tròn tháng tư Âm lịch khoảng năm 623 trước Công nguyên (Phật lịch khởi đầu ngày Đức Phật nhập Niết Bàn (Nirvana) vào năm 543 trước Công nguyên). Ngài là con của quốc vương Tịnh Phạn (Sudhodana) nước Ca Tì La Vệ (Kapilavastu) phía Bắc Trung Ấn, nay là Piprava, phía Nam Népal. Sau khi lập gia đình và sinh con, ngài đã sống 13 năm cuộc đời vương giả. Ngày nọ, khi trốn ra khỏi hoàng thành, ngài gặp một cụ già, một người bệnh và một đám tang. Ngài đã xúc động mạnh mẽ khi nhận chân được cái khổ của con người: lão, bệnh, tử nên quyết tâm từ bỏ cuộc sống nhung lụa để đi tìm con đường giải thoát. Sau khi trải qua nhiều khổ hạnh hy sinh, ngài đã nhập thiền, giác ngộ đạo pháp trở thành Đấng Như Lai (Tathagata).

 

   Giáo lý đạo Phật đặt nền tảng trên 4 chân lý cơ bản gọi là Tứ Diệu Đế (khổ-dục-diệt-đạo): nỗi khổ là một phần của cuộc sống; nguồn gốc của nỗi khổ là dục vọng vị kỷ; diệt trừ được dục vọng đó con người mới được giải thoát, giải thoát chính là phá vỡ vòng luân hồi bất tận của luật nhân quả; và muốn được giải thoát, con người phải tuân thủ tám nguyên tắc sống gọi là Bát Chính Đạo.

 

   Phật giáo truyền sang Tây Tạng, Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam, đó là Phật giáo Bắc Tông hay Đại Thừa, còn Phật giáo truyền sang Sri Lanka (Tích Lan), Myanmar, Thái Lan, Lào, Cambodia và các nước Nam Á gọi là Nam Tông hay Tiểu Thừa. Các giáo huấn và tập tục của hai tông phái này khác nhau nhiều, Phật giáo đã thích ứng với tập tục của mỗi nước và mang nhiều hình thức khác nhau khi tồn tại chung với các tôn giáo khác như ở Trung Quốc và Nhật Bản. Ngày nay, Phật giáo có trên 300 triệu tín đồ, hầu hết ở các nước châu Á.

 

   Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu bài Đôi nét về Phật giáo Việt Nam của Thượng toạ Nguyên Tạng, qua sự giới thiệu của Thượng toạ Thích Thiện Bảo, Phó Tổng Thư ký báo Giác Ngộ.

 

ĐÔI NÉT VỀ PHẬT GIÁO VIỆT NAM

 

Phật giáo du nhập vào VN

 

   Ngày nay, căn cứ các tài liệu và các lập luận khoa học của nhiều học giả, giới nghiên cứu hầu hết đều đồng ý rằng đạo Phật đã được truyền vào Việt Nam rất sớm, nhất là từ cuối thế kỷ II đến đầu thế kỷ III qua hai con đường Hồ Tiêu và Đồng Cỏ.

 

* Phật giáo du nhập qua con đường Hồ Tiêu

 

   Con đường Hồ Tiêu tức là đường biển, xuất phát từ các hải cảng vùng Nam Ấn rồi qua ngã Sri Lanka, Indonesia, Việt Nam… Lợi dụng được luồng gió thổi định kỳ vào hai lần một năm phù hợp với hai mùa mưa nắng ở khu vực Đông Nam Á, những thương nhân Ấn đã tới các vùng này để buôn bán bằng thuyền buồm. Trong các chuyến đi viễn dương này, các thương nhân thường cung thỉnh một hay hai vị tăng để cầu nguyện cho thuỷ thủ đoàn và các vị tăng này nhờ đó mà đến truyền bá đạo Phật vào các dân tộc ở Đông Nam Á. Giao Châu tiêu biểu bấy giờ là trung tâm Luy Lâu, là nơi nghỉ chân giao lưu của các thương thuyền.

 

* Phật giáo du nhập qua con đường Đồng Cỏ

 

   Con đường Đồng Cỏ tức là đường bộ, còn gọi là con đường tơ lụa. Con đường này nối liền Đông Tây, phát xuất từ vùng Đông Bắc Ấn Độ, Assam hoặc phía Trung Á, một nhánh của đường tơ lụa đi từ châu Âu qua các vùng thảo nguyên và vùng sa mạc ở Trung Á tới Lạc Dương bằng lạc đà. Cũng có thể các thương nhân và tăng sĩ qua vùng Tây Tạng và các triền sông Mekong, sông Hồng, sông Đà mà vào Việt Nam.

 

Phật giáo Việt Nam phát triển qua các thời đại

 

1. Thời kỳ du nhập và hình thành (TK. I đến TK. V)

 

   Không bao lâu khi Phật giáo được truyền vào đất Việt, nhờ sự nỗ lực hoạt động truyền giáo của các tăng sĩ Ấn Độ tại Luy Lâu, thủ phủ của Giao Chỉ lúc bấy giờ đã trở thành một trung tâm Phật giáo lớn nhất trong vùng. Tại đây, với những sinh hoạt hoằng pháp của ngài Khâu Đà La (người Ấn Độ đến Luy Lâu khoảng năm 168-169) đã xuất hiện một mô hình Phật giáo Việt Nam hoá đầu tiên qua hình tượng Thạch Quang Phật và Man Nương Phật Mẫu (hình tượng Phật Nữ).

 

   Sang thế kỷ III, có ba nhà truyền giáo nước ngoài đến hoằng pháp tại Giao Châu là các ngài Khương Tăng Hội (gốc người Sogdiane, Khương Cư), ngài Chi Cương Lương Tiếp (người xứ Nhục Chi) và ngài Ma Ha Kỳ Vực (người Ấn Độ).

 

   Đến thế kỷ V, có hai thiền sư xuất hiện là Đạt Ma Đề Bà (Oharmadeva) và Huệ Thắng (người Việt). Thiền sư Đạt Ma Đề Bà là người Ấn Độ đến Giao Châu vào giữa thế kỷ V để giảng dạy về phương pháp thiền học. Thiền sư Huệ Thắng là một trong những học trò của ông.

 

   Cũng do được truyền bá trực tiếp từ Ấn Độ vào Việt Nam ngay từ đầu kỷ nguyên Tây lịch, nên danh xưng Buddha (Bậc Giác Ngộ) tiếng Phạn đã được phiên âm trực tiếp sang tiếng Việt là Bụt (Trung Hoa dịch là Phật). Điều này trùng hợp với danh từ Bụt được xuất hiện trong nhiều truyện cổ tích Việt Nam. Từ điển Phật học Việt Nam, (Minh Châu và Minh Chi, Hà Nội 1991) có ghi: “Tiếng Bụt phổ biến hơn trong văn học dân gian và là dấu hiệu chứng tỏ đạo Phật truyền vào nước ta sớm lắm”. Phật giáo ở Giao Châu lúc ấy mang màu sắc Nam phương, nhưng trong con mắt của nền văn minh nông nghiệp, người Việt Nam lại hình dung Đức Phật như là một vị thần toàn năng có mặt ở khắp nơi, sẵn sàng xuất hiện để cứu độ mọi người.

 

2. Thời kỳ phát triển (TK. VI đến TK. IX)

 

   Bước sang thời kỳ này, Phật tử Việt Nam lại tiếp nhận thêm những đoàn truyền giáo của Trung Quốc. Không bao lâu sau đó, Phật giáo Bắc phương (Trung Quốc) đã chiếm ưu thế và đã thay đỗi chỗ đứng của Phật giáo Nam Truyền vốn có từ trước. Từ Buddha được dịch thành chữ Phật, và dần dần thay thế cho chữ Bụt. Chữ Bụt chỉ còn giới hạn trong ca dao, tục ngữ, truyện cổ tích mà thôi.

 

   Trong thời gian này, từ Trung Hoa, có ba tông phái được truyền vào Việt Nam, đó là Thiền Tông, Tịnh Độ Tông và Mật Tông.

 

a. Thiền Tông

 

   Là tông phái hay đúng hơn là một pháp môn tu tập có từ thời Đức Phật Thích Ca tại Ấn Độ (trong hội Linh Sơn) rồi truyền xuống cho Tôn giả Ca Diếp, lần lượt cho đến Tổ thứ 28 Ấn Độ là Bồ Đề Đạt Ma (Bodhi-dharma). Đến năm 520, Tổ Bồ Đề Đạt Ma, vốn là thái tử thứ ba của vua Kancipura, Nam Ấn, vâng theo lời thầy là Bát Nhã Đa La (Prajnatara), Bồ Đề Đạt Ma đến Trung Hoa để hoằng dương Phật pháp. Tại nơi ấy, Thiền Tông đã được hình thành và nhanh chóng hưng thịnh.

 

   Thiền hay còn gọi là tĩnh lự, chủ trương tập trung trí tuệ để tìm ra chân lý. Tu theo pháp môn này đòi hỏi hành giả phải có nhiều công phu và khả năng trí tuệ, do vậy chỉ phổ biến ở tầng lớp trí thức và giai cấp thượng lưu, và cũng chính nhờ họ ghi chép lại mà chúng ta ngày nay mới biết được lịch sử Thiền Tông ở Việt Nam.

 

   * Dòng thiền thứ nhất: được Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi (Vinitaruci) sáng lập. Ngài là người Nam Thiên Trúc, sang Trung Hoa học đạo và được tổ thứ ba thiền tông Trung Hoa là Tổ Tăng Xán khuyên nên “mau đi về phương Nam mà tiếp xúc với thiên hạ, không nên ở lâu tại đây”. Ngài từ biệt và đến Việt Nam vào năm 580, ở tại chùa Pháp Vân (nay là Thuận Thành, Hà Bắc) để hoằng pháp và truyền cho tổ thứ hai là ngài Pháp Hiền, người Việt Nam.

 

   * Dòng thiền thứ hai: là thiền phái Vô Ngôn Thông, do thiền sư Vô Ngôn Thông, người Trung Hoa, sáng lập tại chùa Kiến Sơ (Phù Đổng, Hà Bắc) vào năm 820.

 

   * Dòng thiền thứ ba: là thiền phái Thảo Đường, do thiền sư Thảo Đường (người Trung Hoa) sáng lập. Ngài vốn là tù binh bị bắt tại Chiêm Thành, được vua Lý Thánh Tông (1054-1072) giải phóng khỏi kiếp sống tù đầy và vua cho lập đạo tràng tại chùa Khai Quốc ở ngay kinh thành Thăng Long (1069), đệ tử theo học rất đông, trong đó có cả vua Lý Thánh Tông.

 

   * Dòng thiền thứ tư: là thiền phái Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông (1258-1368) khai sáng. Vua Trần Nhân Tông học Phật qua sự hướng dẫn của Tuệ Trung Thượng Sĩ, một thiền sư cư sĩ nổi tiếng đời Trần. Sau khi xuất gia vào năm 1299, với đạo hiệu là Trúc Lâm Đầu Đà, ngài đã lên tu ở núi Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh) và tại đây, ngài đã lập ra thiền phái Trúc Lâm. Đó là dòng thiền Việt Nam đầu tiên, mang tính chất độc lập với sự kết hợp hài hoà của Phật giáo Ấn-Hoa. Lập ra thiền phái Trúc Lâm này, vua Trần Nhân Tông đã thống nhất được các thiền phái tồn tại trước đó và toàn bộ Giáo hội Phật giáo đời Trần về một mối.

 

   Sau thời đại Lý Trần, các dòng thiền Việt Nam dường như lu mờ và tàn lụi hẳn. Đến cuối thế kỷ XX, tiếp nối đạo mạch Việt Nam, thiền sư Thích Thanh Từ đã phục hưng nền thiền tông Việt Nam. Đó là thời điểm đầu những năm 70 tại tu viện Chơn Không (1970-1986), rồi đến thiền viện Thường Chiếu (1974-1994) và hiện nay là thiền viện Trúc Lâm ở Đà Lạt.

 

b. Tịnh Độ Tông

 

   Khác với Thiền Tông, Tịnh Độ Tông chủ trương phải dựa vào tha lực tức sự giúp đỡ từ bên ngoài. Sự trợ lực hay tha lực này rất quan trọng. Pháp môn này gợi cho tín đồ liên tưởng đến một cõi Niết Bàn, cụ thể đó là cõi Tịnh Độ hay thế giới Cực Lạc do Đức Phật A Di Đà làm giáo chủ. Sự giúp đỡ đó còn cho thấy bản thân của người tín đồ cần thường xuyên đi chùa dâng hương, cúng dường, bố thí, làm những điều thiện, tránh các điều ác và thường xuyên niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà để đạt đến nhất tâm bất loạn và muốn đạt đến chỗ nhất tâm bất loạn này, hành giả trong lúc niệm Phật phải hình dung, quán tưởng về thế giới cực lạc để tâm mình hướng tới.

 

   Nhờ cách thức tu tập đơn giản như vậy nên Tịnh Độ Tông là tông phái phổ biến khắp đất nước Việt Nam. Đâu đâu ta cũng gặp người dân tụng Kinh A Di Đà và niệm danh hiệu của Đức Phật A Di Đà. Tượng Phật A Di Đà cũng thuộc loại tượng Phật lâu đời và phổ biến ở Việt Nam.

 

c. Mật Tông

 

   Là một tông phái chủ trương sử dụng hình ảnh cụ thể và những mật ngữ, mật chú để khai mở trí tuệ giác ngộ. Tương truyền Mật Tông do Phật Đại Nhật chủ xướng và có hai bộ kinh chính là Kinh Đại Nhật và Kinh Kim Cương. Mật tông truyền vào Việt Nam không còn độc lập như một tông phái riêng mà nhanh chóng hoà vào tín ngưỡng dân gian, pha trộn với các truyền thống như chẩn tế, cầu đồng, dùng pháp thuật, yếm bùa trị tà ma và trị bệnh. Mật tông không có dấu hiệu phát triển rõ ràng ở Việt Nam, chỉ tuỳ thuộc vào sự thọ trì của từng chùa và của mỗi cá nhân có cơ duyên đến với tông phái này.

 

3. Thời kỳ cực thịnh (TK. X đến hết TK. XIII)

 

   Đến thế kỷ X thì Việt Nam đã trải qua 1.000 năm Bắc thuộc. Chính trong thế kỷ này, đạo Phật mới thực sự hưng thịnh và có những đóng góp tích cực cho đất nước. Năm 971, vua Đinh Tiên Hoàng định cấp giáo phẩm cho tăng sĩ và ban chức tăng thống cho Thiền sư Ngô Chân Lưu thuộc thiền phái Vô Ngôn Thông, và ngài Khuông Việt Thái Sư, chính thức tiếp nhận Phật giáo làm nguyên tắc chỉ đạo tâm linh cho chính sự. Cũng chính trong thế kỷ này vua Lê Đại Hành đã mời thiền sư Pháp Thuận và thiền sư Vạn Hạnh của thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi làm cố vấn chính sự. Các thiền sư Khuông Việt, Pháp Thuận và Vạn Hạnh cũng đã tiếp tục trợ giúp vua Lý Thái Tổ trong thế kỷ kế tiếp. Phật giáo Việt Nam trong thời kỳ này phát triển tới mức toàn vẹn và cực thịnh.

 

   Do ảnh hưởng tư tuởng của vua Trần Nhân Tông và Tuệ Trung Thượng Sĩ đầu thế kỷ XIII, ba thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường sáp nhập thành một và đưa tới sự phát triển của thiền phái Trúc Lâm, là thiền phái duy nhất dưới đời Trần. Vì vậy, đời Trần có thể gọi là thời đại thống nhất các hệ phái trước đó của Phật giáo. Tăng sĩ đời Trần không trực tiếp đóng góp vào sự nghiệp chính trị như các thiền sư đời Lý, nhưng Phật giáo là một yếu tố quan trọng để liên kết nhân tâm. Tinh thần Phật giáo đã khiến cho các nhà chính trị đời Trần áp dụng những chính sách bình dân, thân dân và dân chủ. Phật giáo trong đời Trần là quốc giáo, mọi người dân trong xã hội đều hướng về Phật giáo. Có rất nhiều chùa tháp quy mô to lớn hoặc kiến trúc độc đáo đã được xây dựng trong thời Lý Trần như chùa Phật Tích, chùa Đại Lãm, chùa Linh Xứng, chùa Một Cột, chùa Phổ Minh.

 

4. Thời kỳ phục hưng (TK. XX)

 

   Sang đến đời Hậu Lê rồi Nguyễn Triều thì Phật giáo phải nhường bước cho Nho giáo, lúc ấy đang chiếm vai trò độc tôn.Triều đại nhà Nguyễn truyền đến đời vua Tự Đức thì mất chủ quyền, nước ta rơi vào vòng đô hộ của Pháp. Phật giáo Việt Nam vốn đã suy vi nay lại điêu tàn hơn. Trong bối cảnh đó, Kitô giáo đã du nhập vào Việt Nam và dân tộc Việt Nam lại tiếp nhận thêm một tôn giáo mới của phương Tây. Tuy tinh thần khai phóng dung hợp của Phật giáo suốt mấy thế kỷ qua không còn được thể hiện trong chính sách quốc gia, văn hoá và xã hội vào thế kỷ XX nhưng Phật giáo vẫn là tôn giáo chính của dân tộc, đóng vai trò hoà giải giữa các thế lực tranh chấp, góp phần xây dựng tinh thần dân tộc, bảo vệ nền độc lập của quốc gia.

 

   Vào khoảng những năm 1920-1930, trong không khí tưng bừng của Phong trào Chấn hưng Phật giáo trên thế giới, đặt biệt ở Nhật Bản, Trung Hoa, Ấn Độ và Miến Điện, một số tăng sĩ và cư sĩ đã phát động Phong trào Chấn hưng Phật giáo tại Việt Nam, từ đó đưa đến sự thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam tại miền Bắc vào năm 1934, đặt trụ sở tại chùa Quán Sứ.

 

   Nhờ Phong trào Chấn hưng Phật giáo này mà đội ngũ tăng ni được đào tạo qua nhiều trường lớp và phát triển nhiều ở các tỉnh. Chùa chiền được xây dựng khắp nơi, nhất là hệ thống chùa Phật học ở các thành thị. Nhiều ngôi chùa ở làng xã được trùng tu và có chư tăng ni trụ trì. Bên cạnh đó, trong thời kỳ này, có nhiều hệ phái, môn phái Phật giáo ra đời, như giáo phái Khất Sĩ Việt Nam, Thiên Thai Giáo Quán Tông, Phật giáo Hoa Tông… Một yêu cầu thống nhất Phật giáo được đặt ra tại Huế, đưa đến việc thành lập Tổng Hội Phật giáo Việt Nam đặt trụ sở tại chùa Từ Đàm Huế, hội chủ là Hoà thượng Thích Tịnh Khiết. Đây là một tổ chức thống nhất Phật giáo ba miền Nam, Trung, Bắc, đồng thời vạch ra một con đường dân tộc nhân bản, hướng dẫn bước đi Phật giáo vào môi trường tư tưởng và văn hoá, tiếp tục xây dựng con người và xã hội Việt Nam. Điểm đặc sắc của Phật giáo Việt Nam trong thế kỷ XX là sự kết hợp của hai giáo phái Nam Tông và Bắc Tông vào năm 1964 để thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất.

 

   Đến ngày 7-11-1981, sau sáu năm thống nhất đất nước, một Đại Hội với 165 đại biểu của 9 tổ chức Giáo Hội hệ phái cả nước đã họp tại chùa Quán Sứ Hà Nội đưa đến việc thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Hoà thượng Thích Đức Nhuận làm Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Trung ương, Hoà thượng Thích Trí Thủ làm Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương và đặt Văn phòng I tại chùa Quán Sứ Hà Nội, Văn phòng II tại tự viện Quảng Đức, 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3, TP. Hồ Chí Minh.

 

   Hiện nay, 2 vị trên đã viên tịch, người tiếp nối sự nghiệp của vị tiền nhiệm là Hoà thượng Thích Tâm Tịch hiện trú xứ tại chùa Quán Sứ Hà Nội, Pháp chủ Hội đồng Chứng minh và Hoà thượng Thích Trí Tịnh trú xứ tại chùa Vạn Đức (Thủ Đức) TP. HCM, hiện là Chủ tịch Hội đồng Trị sự.

 

Thống kê một số thành quả của Phật giáo Việt Nam

 

   Từ khi du nhập vào Việt Nam đến nay, Phật giáo đã trải qua bao thăng trầm, lúc thịnh lúc suy, có lúc thống nhất, lúc phân tán, do nhiều nguyên nhân khác nhau, từ đây Phật giáo Việt Nam đã được thống nhất từ Bắc chí Nam. Các hệ phái Phật giáo vẫn được bảo lưu, nét đặc trưng trong pháp môn tu hành vẫn được tôn trọng, hệ thống chùa chiền, tăng ni đã được thống kê, quản lý thống nhất. Theo số thống kê được công bố trong Hội nghị Thường niên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì số tự viện Phật giáo và số tăng ni là 14.303 tự viện, trong đó gồm 13.312 tự viện Bắc Tông, 469 tự viện Nam Tông nguyên thuỷ và Khmer, 142 tịnh xá khất sĩ, 95 tịnh thất và 185 niệm Phật đường. Về tăng ni thì có 26.268 vị, có ba học viện Phật giáo, một Trường Cao đẳng Chuyên Khoa Phật học, 30 Trường Cơ Bản Phật Học, Một Trường Đào tạo Đội ngũ Giảng viên Hoằng Pháp. Ngoài ra, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thành lập được Viện Nghiên cứu Phật học tại TP. Hồ Chí Minh và Phân viện Nghiên cứu tại thủ đô Hà Nội. Đặc biệt là Hội đồng Phiên dịch và Ấn hành Đại Tạng Kinh Việt Nam cũng đã được thành lập. Tính đến nay, Hội đồng đã phiên dịch ấn hành 30 tập kinh được dịch từ chữ Hán và chữ Pali, đây là một thành quả đáng kể của Phật giáo Việt Nam. Vì đây là lần đầu trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, người Phật tử trong xứ sở này có được một bộ đại tạng kinh bằng tiếng Việt.

 

   Riêng TP. Hồ Chí Minh có tờ báo Giác Ngộ là cơ quan ngôn luận của Thành hội Phật giáo và cũng là tờ báo duy nhất của cả nước với 1 tờ tuần báo và nguyệt san. Bên cạnh đó Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam có một tạp chí Phật học xuất bản 2 tháng 1 số và 1 tập văn của Ban Văn hoá Trung ương xuất bản 3 tháng một kỳ.

 

Tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam

 

   Hiện nay Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một tổ chức duy nhất đại diện cho Phật giáo Việt Nam trong và ngoài nước về mặt pháp lý và được Nhà nước CHXHCNVN nhìn nhận bằng một hiến chương, hoạt động trên phạm vi cả nước.

 

   * Căn cứ theo Hiến chương GHPG VN, tổ chức hành chánh của Giáo hội có 2 Hội đồng: Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự.

 

Ban thường trực Hội đồng

 

   Chứng minh có nhiệm vụ:

 

- Chứng minh các hội nghị Trung ương Giáo hội.

- Hướng dẫn, giám sát các hoạt động của Giáo hội về mặt đạo pháp và giới luật.

- Phê chuẩn, tấn phong các vị giáo phẩm Hoà thượng, Thượng toạ, Ni trưởng và Ni sư của Giáo hội.

- Nhiệm kỳ của  Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh là 5 năm, ứng với nhiệm kỳ của Hội đồng Trị sự.

 

   Hội đồng Trị sự:

 

   Hội đồng Trị sự là cơ quan lãnh đạo của Giáo hội, có nhiệm vụ ấn định, soạn thảo nghị quyết chương trình hoạt động của Giáo hội, kiểm soát việc thực hiện chương trình nghị quyết mà Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc đã đề ra.

 

   * Cấp địa phương có Ban Trị sự Tỉnh Thành hội, Ban Đại diện Phật giáo quận, huyện, thị, xã và đại diện phường, xã. Năm 2000, cả nước có 51 Ban Trị sự Tỉnh Thành hội Phật giáo. Một vài tỉnh do chưa có tăng ni nên chưa có Ban Trị sự Phật giáo.

 

NGUYÊN TẠNG

 

3. PHẬT GIÁO HOÀ HẢO

 

So sánh với các tôn giáo truyền thống lâu đời, Phật giáo Hoà Hảo (PGHH) là một tôn giáo mới ở Việt Nam. PGHH được sáng lập bởi Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ. Ngài quê ở làng Hoà Hảo, quận Tân Châu, tỉnh An Giang (nay là thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang). Anh em tín đồ gọi ngài là Đức Thầy. Ngài sáng lập đạo vào ngày 18-5 năm Kỷ Mão (1939), bằng cách xiển dương giáo lý đạo Phật với những thích nghi cho phù hợp với tín đồ Việt Nam và do Ngài lấy địa danh nơi sinh trưởng làm biệt danh cho mình nên gọi là PGHH. Hơn nữa, tên của đạo cũng nói lên tôn chỉ, mục đích là hướng đến sự hoà thuận tốt đẹp.

 

Nền tảng của triết lý PGHH là lý tưởng từ bi, bác ái, đại đồng và luật nhân quả của nhà Phật. PGHH bài trừ những điều mê tín dị đoan. Không sử dụng thịt cá cúng Phật và không dùng giấy tiền vàng bạc, trai đàn… PGHH không thờ hình tượng nhưng đề cao thuyết “Phật tại tâm” nên phương thức hành đạo giản dị. PGHH cúng Phật bằng nước lạnh, hương và hoa: nước lạnh tiêu biểu cho sự trong sạch, hoa tiêu biểu cho sự tinh khiết, hương tẩy trừ mọi uế tạp. Tín đồ PGHH ăn chay 4 ngày trong tháng Âm lịch: 14, 15, 29 và 30 (nếu tháng thiếu thì lấy ngày mồng 1). Mỗi ngày hành lễ hai buổi sớm và tối tại các ngôi thờ trong nhà là Cửu Huyền Thất Tổ, Tam Bảo và Thông Thiên trước sân.

 

Tuy là một tôn giáo mới nhưng PGHH đã tập hợp được nhiều tín đồ ở miền Tây Nam bộ. Hiện nay PGHH có một Ban Đại diện được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân; đã tổ chức một đại hội để ban hành Quy chế hoạt động. Giáo hội hiện có khoảng hơn 1.000.000 người. Tín đồ PGHH sống đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Nhiều người nêu gương chay tịnh (ăn chay trường) và tích cực tham gia những hoạt động xã hội.

 

MINH ĐẠO

 

4. ĐẠO CAO ĐÀI

 

Lược sử khai đạo

 

Đạo Cao Đài hay Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ khai sáng tại Việt Nam vào đầu thế kỷ XX. Ngài Ngô Minh Chiêu là đệ tử đầu tiên của Đức Cao Đài Thượng Đế từ năm 1921, đứng đầu cơ vô vi - nội giáo tâm truyền. Năm 1925, Đức Cao Đài thâu nhận các ngài Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang, Lê Văn Trung, Lê Văn Lịch, Trần Văn Thụ… làm đệ tử mở đầu cơ phổ độ - ngoại giáo công truyền. Ngày 23-8 Bính Dần, các môn đồ lập tờ Khai tịch đạo, công khai hoá hoạt động trước thế quyền đương thời. Đến ngày 14, 15, 16 tháng 10 Bính Dần, đạo Cao Đài tổ chức lễ Khai Minh Đại Đạo tại chùa Thiền Lâm (Gò Kén - Tây Ninh) do Hoà thượng Như Nhãn (lúc này là Thái Chưởng Pháp của đạo Cao Đài) đồng ý chuyển thành Thánh Thất. Sau lễ Khai Minh Đại Đạo, Hội Thánh dời từ Thánh Thất Gò Kén về làng Long  Thành, tỉnh Tây Ninh và xây cất Toà Thánh Tây Ninh.

 

Tổ chức Hội Thánh Cao Đài

 

Căn cứ vào “Pháp Chánh Truyền”, do Đức Cao Đài ban cho ngày Rằm tháng 10 Bính Dần (1926). Hội Thánh Cao Đài được hình thành gồm ba đài: Bát Quái Đài, Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài. Bát Quái Đài là nơi Đức Chí Tôn ngự cùng các Đấng Thiêng Liêng cầm quyền pháp độ rỗi nhân sinh. Cửu Trùng Đài do Ngài Giáo Tông chưởng quản, dưới có chưởng pháp, đầu sư, phối sư, giáo sư, giáo hữu, vô số lễ sanh, dưới nữa là các cấp Chánh, Phó Trị sự, Thông sự và tín đồ. Cửu Trùng Đài thực hiện mục đích, tôn chỉ của đạo Cao Đài phổ độ nhân sinh. Hiệp Thiên Đài là đài hiệp với Trời, là “điện đài” giúp Cửu Trùng Đài (hữu hình) và Bát Quái Đài (vô vi) tiếp xúc nhau. Đức Hộ Pháp Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài, hiệp cùng hai vị Thượng Phẩm, Thượng Sanh, và dưới là Thập Nhị Thời Quân, có nhiệm vụ giữ gìn chơn truyền đạo pháp. Ba Đài liên hệ phân quyền chặt chẽ không rời nhau như thần, hồn, xác của một cơ thể con người.

 

Nghi thức thờ phượng

 

Đạo Cao Đài thờ Thiên Nhãn - Mắt Trời - là một mắt trái mở sáng, tượng trưng Đấng Chí Tôn vô hình, là Cha chung vạn loại. Đấng Chí Tôn chỉ có “Một”, nên biểu tượng Mắt Trời cũng chỉ Một. Một còn diễn tả cái nhìn nhất quán, nhất lý. Mắt Trời là Mắt trái. Theo Dịch lý bên trái thuộc dương, tượng trưng cho Trời, là trạng thái động, là rộng, mở. Mắt Trời luôn mở rộng, chiếu sáng giữa vũ trụ bao la để giám sát, điều động vũ trụ vạn loài, ở mọi nơi, mọi dân tộc, mọi tôn giáo, mọi thời kỳ trong tình thương yêu của Đấng Cha lành. Do đó Mắt Trời thể hiện tính đại đồng, phổ quát và vĩnh cửu. Mắt Trời là Tâm, là Thần của vũ trụ. Ở người, mắt là cửa ngõ của tâm hồn, biểu hiện năng lực của tinh thần. Trời và người đồng nhất, hợp nhất ở Chân Tâm, Chân Thần.

 

Giáo lý đạo Cao Đài

 

1. Ý nghĩa danh xưng Cao Đài và Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ:

 

Cao Đài là tá danh của Giáo chủ đạo Cao Đài. Đạo Cao Đài còn gọi là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Cao Đài là nơi Trời và con người hợp thành một: “Cao Đài chỗ Thiên nhân hợp nhất” (Thánh giáo). Cao Đài nói lên tinh thần giải thoát, đại đồng, là điểm gặp gỡ của Vạn giáo trong tinh thần chân lý có một: “Cao Đài là cái Đài Cao. Vượt lên tất cả đón rào ngăn che” (Thánh giáo).

 

Danh xưng “Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ” nghĩa là con đường lớn cứu độ khắp nơi trong thời kỳ thứ ba, hàm ngụ tính sử quan của đạo Cao Đài. Từ khi có loài người, Đức Chí Tôn đã hai lần mở Đạo (Nhất kỳ và Nhị kỳ, do sứ giả hay Đức Cao Đài chiết thân x

D. GIÁO HỘI VIỆT NAM VỚI VIỆC THỜ KÍNH TỔ TIÊN <<
 
Ngày 22 tháng 10 năm Giáp Thìn
Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 11-2024
Cầu nguyện cho những người đã mất con
Chúng ta hãy cầu nguyện để tất cả những người cha mẹ phải than khóc vì cái chết của người con trai hay con gái, tìm thấy sự nâng đỡ của cộng đoàn và nhận được từ Thánh Thần an ủi sự bình an trong tâm hồn.
For those who have lost a child
The prayer intention for the month of November is for “all parents who mourn the loss of a son or daughter.”
SUY NIỆM TIN MỪNG

Phim - Nhạc - Suy niệm
Xem chuyên mục Media Online
Từ Điển Online:     

Truyền Tin

Email: tt.march25@gmail.com

Website: truyen-tin.net

Online since: May 2010

Tìm kiếm nội dung
(Gõ từ khóa vào vào khung dưới đây)
Tìm kiếm trong Google
Nhấn vào >> Google Search

Liên hệ

Đặt làm trang chủ

@