Những sự kiện chính yếu dưới đây như lời giới thiệu cho lịch sử của giáo phận Thái Bình, giáo phận được xây dựng bằng ân sủng của Thiên Chúa và xương máu các thánh tử đạo. Quá trình hình thành và phát triển đầy bi hùng đã làm nảy sinh một giáo phận trẻ được thành lập muộn nhất trong giáo tỉnh Hà Nội (1936). Tuy mới được tách khỏi giáo phận Bùi Chu (tên của giáo phận Trung, kể từ 1924), nhưng giáo phận Thái Bình có chung chiều dài lịch sử với những biến cố chính yếu của giáo phận đó cũng như thời còn là giáo phận Trung (1848), giáo phận Đông (1679) và giáo phận Đàng Ngoài (1659).
Theo tập Lịch sử nước Annam do thầy Bentô Thiện viết gửi cho cha Marini năm 1659, để bổ sung cho cuốn Delle Missioni, thầy có viết: “Tại xứ Sơn Nam có 183 nhà thánh”. (Như thế có nghĩa là vùng đất thuộc Nam Định, Hà Nam, Thái Bình và Hưng Yên ngày nay, là những nơi có nhiều nhà thờ nhất trong giáo đoàn miền Bắc vào năm 1659). Tại vùng đất Thái Bình, tuy không được các thừa sai dòng Tên đến giảng Tin Mừng vào những năm 1627-1630 như ở Cửa Bạng, Thăng Long hay Phố Hiến, nhưng các thừa sai dòng Tên cũng đã đặt “cư sở” truyền giáo vào những năm 1628-1635. Các “cư sở” đó sau này trở thành giáo xứ như: Kẻ Vân (Đan Chàng), Kẻ Mèn (Đông Thành), Duyên Lãng (là tên cũ của xứ Kẻ Riền), Bắc Trạch, Lai Ổn… Đặc biệt năm 1666, cha chính Deydier đã tới Kẻ Mèn.
Tuy là một giáo phận nhỏ, nhưng hàng giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân Thái Bình đã đóng góp nhiều xương máu vào việc rao giảng và sống Tin Mừng cho Giáo hội Việt Nam. Trong số 117 vị hiển thánh Việt Nam có 19 người thuộc giáo phận Thái Bình, đại diện cho trên 1.000 tôi tớ Chúa thuộc mọi tầng lớp tu sĩ và giáo dân sinh sống tại giáo phận. Đây có lẽ là giáo phận có nhiều vị chứng nhân nhất trong Giáo hội Việt Nam. Các ngài đã anh dũng hy sinh vì đức tin để con cháu trưởng thành trong gia đình thánh.
Ngày 25-11-1679, Đức Giáo hoàng Innocens XI chia Đàng Ngoài làm hai giáo phận Đông và Tây, Thái Bình là vùng đất có nhiều giáo hữu nằm trong giáo phận Đông.
Ngày 9-3-1936, Đức Piô XI ban Sắc chỉ Praecipuas inter Apostolicas thành lập giáo phận Thái Bình tách rời khỏi giáo phận Bùi Chu gồm hai tỉnh Thái Bình và Hưng Yên. Ba tháng sau, ngày 15-6-1936, Toà Thánh bổ nhiệm cha Jean Casado Obispo Thuận, dòng Đa Minh (Tây Ban Nha) làm giám mục đại diện tông toà Thái Bình, tất cả các thừa sai Đa Minh người Tây Ban Nha đều rời Bùi Chu sang nhập vào giáo phận mới.
Năm 1936, giáo phận Thái Bình có: 1 giám mục, 25 linh mục Tây Ban Nha, 57 linh mục Việt Nam, 333 thầy giảng, 12 sư huynh La San, 10 nữ tu dòng Saint Paul de Chartres, 280 dì phước Đa Minh, 140.000 giáo hữu trong 50 giáo xứ và 522 giáo họ, dưới sự cai quản của Đức cha Santos Ubierna Ninh (1942-1955).
Vào đầu năm 1954, giáo phận có 64 linh mục Việt Nam, 20 linh mục Tây Ban Nha, 35 đại chủng sinh, 160.000 giáo dân trên tổng số 1,5 triệu dân (tỷ lệ 10,7%). Ngày 30-6-1954, Đức cha Ubierna Ninh đã theo 80 linh mục triều và dòng, toàn bộ chủng sinh, thầy giảng, hầu hết các nữ tu và quá nửa số giáo dân di cư vào Nam. Năm 1955, Đức cha quyết định từ Sài Gòn sẽ trở về với giáo phận, nhưng ngài chưa kịp thực hiện thì lâm bệnh nặng và qua đời ngày 15-4-1955.
Ngày 5-3-1960, cha Đa Minh Đinh Đức Trụ được tấn phong giám mục giám quản tông toà. Ngày 24-11-1960, khi Toà Thánh thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam, Đức cha Đa Minh Đinh Đức Trụ trở thành giám mục chính toà đầu tiên của giáo phận Thái Bình. Ngài từ trần ngày 7-6-1982. Đức cha Giuse Đinh Bỉnh lên kế vị cho đến khi ngài được Chúa gọi về ngày 14-3-1989. Kế đó Toà Thánh đặt Hồng y Giuse Trịnh Văn Căn làm giám quản tông toà coi sóc giáo phận Thái Bình cho đến khi đặt Đức cha phụ tá tổng giáo phận Hà Nội là Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang làm giám mục chính toà ngày 3-12-1990.
Năm 2009, Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang được Toà Thánh chấp thuận cho nghỉ hưu theo đơn xin. Ngày 25-7-2009, Đức cha Phụ tá GP. Bùi Chu Phêrô Nguyễn Văn Đệ được Toà Thánh đặt lên làm Giám mục Chính toà Thái Bình. Ngài nhậm chức Giám mục GP. Thái Bình ngày 9-9-2009.
|